Đức khiêm nhường trong đời sống linh mục

913 lượt xem

ĐỨC KHIÊM NHƯỜNG TRONG ĐỜI SỐNG LINH MỤC

Kevin Vost[1]

Người khiêm nhường không ngủ quên trên vinh quang khi thế giới lướt qua họ. Đúng hơn, họ luôn sẵn sàng học điều mới từ người khác, những cách nhìn mới về sự vật và những cách mới để làm công việc mới. Sự khiêm nhường như thế không chỉ dẫn đến những lợi ích trần gian cho chính người khiêm nhường, mà còn giúp họ vươn lên và làm điều tốt cho những người họ yêu thương.

Ích lợi của đức khiêm nhường ngày càng được nhìn nhận ngay trong thế giới trần tục. Các nhà tâm lý học nổi tiếng như Christopher Peterson, Ph.D., và Martin Seligman, Ph.D., đã dành một chương nói sự khiêm tốn trong cuốn sách tâm lý được đón nhận nồng nhiệt vào năm 2004, cuốn Character strengths and virtues: A handbook and classification (American Psychological Association, Oxford University Press, 2004). Họ trình bày những quan niệm sai lầm phổ biến về sự khiêm tốn trong thế giới hiện đại của chúng ta. Họ nói rằng “sự khiêm tốn và giản dị rất dễ bị hiểu sai tại Hoa Kỳ, nơi chúng ta được khuyến khích lòng tự hào, tự cao và đánh giá cao tầm quan trọng của bản thân.” Thật vậy, họ cảm thấy cần phải làm rõ rằng “khiêm tốn và giản dị không có nghĩa là tự hạ thấp phẩm giá hay tự hạ mình,” và hơn nữa, “những đặc điểm này không là dấu hiệu của một người thua cuộc, hèn nhát, hay suy nhược”.

Các giáo sư môn kinh doanh là Edward Hess và Katherine Ludwig gọi đức khiêm tốn là “sự thông minh mới” trong sách của mình, Humility Is the New Smart: Rethinking Human Excellence in the Smart Machine Age (Berrett-Koehler Publishers, 2020). Họ cũng nói lên những quan niệm sai lạc điển hình về sự khiêm tốn trong nền văn hóa Hoa Kỳ hiện tại, cả ý tưởng cho rằng sự khiêm tốn là “nhu nhược hoặc bị khuất phục hoặc nghĩ rằng mình là người không xứng đáng”. Các tác giả tin rằng điều này là do những từ đồng nghĩa phổ biến là “sự thấp hèn, nhu nhược và phục tùng – những đặc tính này dường như là phản đề của thành đạt và thành công.”

Các nhà tâm lý học đã loại bỏ những quan niệm sai lầm này và giải thích rằng đặc điểm của sự khiêm tốn được đánh dấu bằng “sự trung thực và đúng đắn”, là “sự toàn vẹn” và “gắn kết với sự chấp nhận chính mình và đánh giá cao vị trí của một người trong thế giới rộng lớn hơn”. Nó “được đánh giá cao, nếu không phải luôn ở trong chính chúng ta thì chắc chắn là ở nơi những người khác,” và thực sự, “sức mạnh do tính cách này nâng những người khác lên”.

Các chuyên gia kinh doanh đã viết rằng sự khiêm tốn là “người hùng” trong câu chuyện của họ về cách thành công trong thế giới kinh doanh điện tử đang thay đổi nhanh chóng, đã gọi sự khiêm tốn là “cửa ngõ dẫn đến sự xuất sắc của con người”.

Người khiêm nhường không ngủ quên trên vinh quang khi thế giới lướt qua họ. Đúng hơn, họ luôn sẵn sàng học điều mới từ người khác, những cách nhìn mới về sự vật và những cách mới để làm công việc mới. Sự khiêm nhường như thế không chỉ dẫn đến những lợi ích trần gian cho chính người khiêm nhường, mà còn giúp họ vươn lên và làm điều tốt cho những người họ yêu thương.

Những lý do Nước Trời

Trước hết, chúng ta nên xem xét bản tính của sự khiêm nhường. Khiêm nhường là đức tính gắn bó mật thiết với chân lý và thực tại. Theo Thánh Thomas Aquinas, con người trải nghiệm chân lý khi những quan niệm hoặc niềm tin của chúng ta về thực tại tương thích hay phù hợp với chính thực tại. Một người thực sự khiêm nhường chắc chắn sẽ không quá tin vào những khả năng mà mình không có, nhưng họ cũng sẽ không thiếu tin tưởng vào những tài năng Chúa ban cho mà mình thực sự có được – và đã siêng năng vun vén theo thời gian (vì thực hành là cần thiết để hoàn thiện bất kỳ đức tính nào).

Một trong những vai trò cơ bản nhất của đức khiêm nhường theo nghĩa đen là “chạm đất” – trong tiếng Anh là “ground”, có nghĩa là ở trên mặt đất, bén rễ trong đất. Đức khiêm nhường trong tiếng Anh là humility, có nguồn gốc từ tiếng Latinh là humilitas, và chính từ này có liên hệ với từ humus, có nghĩa là đất cát, nền đất, mảnh đất hay đất đai. Do đó, ý nghĩa hạ mình của sự khiêm nhượng khá là chính xác – theo một nghĩa nào đó, khiêm nhượng là hạ thấp như đất dưới chân ta! Vậy thì, làm thế nào mà đức khiêm nhường “thấp kém” như thế lại được xếp vào một trong những đức tính quan trọng và đáng ao ước nhất trong tất cả các đức tính của con người? Câu hỏi hay đấy và đây là nỗ lực đầu tiên để trả lời.

Khi hành động cách khiêm nhường, thể hiện sự khiêm tốn, chúng ta nhận ra vị trí thực sự của mình trong phẩm trật vũ trụ của Thiên Chúa. Khi nhớ lại rằng từ “khiêm nhường” (humility) có liên quan đến bùn đất (humus), thì chúng ta cũng xem xét rằng chính từ con người (human) cũng liên quan đến từ đó! Thật vậy, mặc dù chúng ta được tạo thành từ bùn đất thấp hèn, song được nâng cao hơn tất cả động vật và thực vật trên trái đất. Tuy được tạo dựng thấp hơn các thiên thần “một chút” (Tv 8, 6), song chúng ta thấp kém vô cùng so với Thiên Chúa, Đấng đã dựng nên tất cả chúng ta.

Sự khiêm nhượng được gọi là nền tảng của mọi nhân đức, vì khi nhận ra thực tế là trong khi chúng ta ít có thể tự mình làm được việc gì, chúng ta vẫn ở vị trí tốt nhất để xin và nhận được ân sủng của Thiên Chúa như Thánh Phaolô đã nói: “Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết” (Pl 4, 13).

Chúng ta thấy rằng sự khiêm nhường, mặc dù thấp hèn và nhu mì song không hề yếu đuối – một vị thần Atlas thực sự không chỉ nâng đỡ trái đất mà còn giúp chúng ta nắm lấy “cánh tay uy quyền mạnh mẽ” của Thiên Chúa (Tv 136, 11) khiến mọi gánh nặng trở nên nhẹ nhàng. Sự khiêm nhường sẽ không khiến chúng ta chôn vùi tài năng của mình dưới đất, nhưng sẽ làm chúng ta nhân lên bất cứ tài năng nào mà Chúa đã ban cho chúng. Khiêm tốn không chống lại tính cao thượng (sự cao cả của tâm hồn) mà nâng đỡ nó. Khiêm tốn nhìn nhận sự yếu đuối tự nhiên của chúng ta, cũng như tính cao thượng nhận ra tiềm năng của mình để có được sức mạnh vô biên từ Thượng Đế. Đúng ra, không phải sự khiêm tốn, mà là sự nhu nhược, sụ nhát đảm của tâm hồn, đã chôn vùi tài năng và làm mờ đi ánh sáng của chúng ta.

Trong tác phẩm vĩ đại của mình về sự khiêm nhường, cha Cajetan Mary da Bergamo đã viết: “Ở thiên đàng, có nhiều vị thánh không bao giờ bố thí trên trái đất: sự nghèo khó đã biện minh cho họ. Có nhiều vị thánh chưa bao giờ hành xác bằng cách ăn chay hoặc mặc áo nhặm: những bệnh tật về thể xác đã biện minh cho họ. Cũng có nhiều vị thánh không khiết trinh: ơn gọi của họ thì khác. Nhưng trên thiên đàng thì chẳng có vị thánh nào mà không khiêm nhường”.

Đức khiêm nhường sẵn sàng mở cánh cổng ngọc trai trên thiên đàng cho các linh mục và mọi giáo dân dưới sự chăm sóc của họ, những người sẵn sàng canh tác đất đai trần thế. Và hẳn nhiên, chính Đức Giêsu đã kêu gọi chúng ta tham gia vào việc canh tác ấy như ngài đã làm.

Đức khiêm nhường và tình yêu cùng chung ách với Đức Kitô

Cha Reginald Garrigou-Lagrange theo chủ nghĩa Tôma ở thế kỷ XX đã phác ra một bức tranh mô tả hình ảnh đền thờ thiêng liêng được xây dựng trên tảng đá vững chắc là Đức Giêsu Kitô. Nó mô tả sự khiêm nhường như nền móng của đền thờ. Đức khiêm tốn là nền tảng cho các nhân đức luân lý, đặc biệt bốn nhân đức chính (cardinal virtues) là khôn ngoan, công bằng, dũng cảm và tiết độ, giúp giữ vững các cánh cửa (cardo trong tiếng Latinh có nghĩa là “bản lề”) dẫn đến một loạt các nhân đức và ân sủng khác của Chúa Thánh Thần. Thật vậy, sự khiêm nhường cũng là nền tảng mà trụ cột các đức tính cao cả nhất dựa vào, các nhân đức đối thần được Thiên Chúa phú bẩm như đức tin và đức cậy, với đức ái (hay đức mến) là đức tính cao cả nhất và trường tồn nhất, như mái vòm bao phủ lên trên.

Hãy lưu ý ngôi đền đức hạnh thiêng liêng này được xây dựng trên sự khiêm nhường và đỉnh cao là đức ái. Khi được hỏi điều răn nào lớn nhất, Đức Giêsu trả lời: “Ngươi phải yêu mến Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Ðó là điều răn trọng nhất và điều răn đứng đầu. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Mt 22, 34-40). Đây là những giới răn bác ái yêu thương từ chính Thiên Chúa, Đấng “là tình yêu” (1 Ga 4, 8).

Đức Giêsu cũng nói với chúng ta: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11, 29-30). Đây là lời mời gọi để chúng ta lớn lên trong sự khiêm nhường giống như Đức Kitô.

Trong số chú giải yêu thích của tôi về văn bản này là nhận xét ngắn gọn của tu viện trưởng dòng Xitô, Thánh Aelred of Rievaulx: “Vâng, ách của ngài êm ái và gánh của ngài nhẹ nhàng; do đó bạn sẽ tìm thấy nơi nghỉ ngơi cho linh hồn mình. Cái ách này không áp bức nhưng kết nối; gánh nặng này có đôi cánh, không trọng lượng. Ách này là đức ái. Gánh nặng này là tình đệ huynh”.

In Persona Christi

Thật là một vinh dự cao cả và trách nhiệm lớn lao khi mỗi linh mục được thụ phong được hành động nhân danh Chúa Kitô bằng cách trao Mình, Máu, Linh hồn và Thần tính của chính Chúa Giêsu Kitô trong Bí tích Thánh Thể cho chính mình và đoàn chiên của mình. Thật là một vinh dự cao cả và trách nhiệm lớn lao để ngày qua ngày phản ánh tình yêu và sự khiêm nhường của Đức Kitô trong những tương tác trần thế với tha nhân. Theo cái nhìn của giáo dân, các linh mục đáng được tôn kính và tôn trọng, khi chúng ta sử dụng các danh hiệu đáng kính như “Reverend” hoặc “Your Excellency” cho các linh mục hoặc giám mục, và bằng cách sử dụng các tước vị tỏ lòng quý mến, có thể nói được như vậy, như “Cha” và “Đức giám mục”[2], người chăm sóc và bảo vệ chúng ta.

May mắn được biết nhiều linh mục khiêm nhường, tôi xin đưa ra một gợi ý, đặc biệt là với các tân linh mục, đừng để sự khiêm nhường hạ thấp tác động tiềm ẩn của lời nói và hành vi của bạn đối với giáo dân. Có lẽ đôi mắt của một số giáo dân sẽ lờ đờ khi bạn giảng lễ. (Tôi nhớ lại nhà giảng thuyết Tin lành Norman Vincent Peale nói rằng ông ấy không phiền lòng khi thấy ai đó ngủ trong khi giảng, mà ông rất vui khi họ có thể thư giãn và thoải mái khi có mặt ông ấy!) Tuy nhiên, bạn có thể yên tâm khi biết rằng những tương tác trực tiếp nhỏ nhặt nhất lại có ý nghĩa rất lớn đối với hầu hết giáo dân, vì vậy xin đừng nghĩ rằng việc chẳng có gì khác biệt khi bạn tiếp cận, chào hỏi và chia sẻ vài câu với một giáo dân nhút nhát hoặc cô đơn.

Trong cuốn Humble Strength: The Eye-Opening Benefits of Humility (Kevin Vost, Ascension Press, 2022), tôi kết luận với 50 gợi ý rất đơn giản, thu thập được từ sự khôn ngoan của Giáo Hội để trưởng thành hơn trong sự khiêm nhường khi chia sẻ tình yêu thương của Đức Kitô với người khác. Đây là những hành vi có ý nghĩa khi đến từ bất kỳ ai đó, và khi đến từ một linh mục, việc thể hiện sự khiêm nhường và tình yêu của Chúa Kitô là cách đơn giản nhất. Tôi kết luận với năm gợi ý:

  • Nếu không biết thì sẵn sàng nói “Tôi không biết,” ngay cả khi được hỏi về điều gì đó mà bạn được coi là chuyên gia. (Và đối với các linh mục, điều này cũng đòi buộc phải tìm ra câu trả lời, nếu được hỏi về giáo huấn của Giáo hội!). Đừng “nổ” về những kiến thức chuyên môn mà bạn chưa một ngày nào học về nó!
  • Trau dồi tính dễ bảo bằng cách nhận ra rằng hầu như mọi người bạn gặp đều có thể có những bài học hay dạy bạn về sự khiêm tốn và những điều quan trọng khác trong đời.
  • Nhìn nhận phẩm giá Chúa ban cho mỗi người bạn gặp tình cờ, dù ngoài đường hay trong cửa hàng tạp hóa. Chỉ một lời chào hoặc thậm chí một nụ cười để người đó biết rằng bạn thấy họ quan trọng (và điều này có thể đặc biệt có giá trị khi đến từ một linh mục). Với giáo dân, thể hiện sự tôn trọng qua cách xưng hô!
  • Ngay cả khi bạn lớn tuổi, hãy học một bài học từ Chân Phước Pier Giorgio Frassati[3], 24 tuổi. Khi bạn đến một buổi họp mặt xã hội, hãy để mắt đến một người có vẻ cô đơn hoặc buồn bã, hãy đến đó, bắt chuyện và đối xử với người đó một cách nhẹ nhàng và khiêm nhường như Đức Kitô (và đừng ngần ngại chia sẻ một hoặc hai tiếng cười vui vẻ vừa phải)
  • Đây là điều khó kết luận: khi một người xúc phạm hoặc làm hại bạn, hãy nghĩ cách nào đó để bạn có thể thực hiện một chút hành động tử tế đối với họ, ngay cả khi bạn làm điều đó một cách ẩn danh. Dù sao đi nữa, bạn có thể chắc chắn rằng Thánh Martin de Porres[4]sẽ nhìn bạn và mỉm cười.

Tạ ơn Chúa vì các linh mục khiêm nhường và biết yêu thương!

Chuyển ngữ: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính
Từ: thepriest.com (15.03.2023)
Nguồn: gpquinhon.org (07.06.2023)


[1] Kevin Vost: Giáo sư tâm lý học tại University of Illinois, Springfield; Lincoln Land Community College, MacMurray College, và Aquinas College, Nashville, Tennessee.

[2] “Bishop” trong tiếng Anh có gốc từ tiếng Latinh là episcopus, và chính từ này lại xuất phát từ episkopos (ἐπίσκοπος) trong tiếng Hy Lạp, có nghĩa là người giám sát, trông nom. episkopos gồm hai từ là epi ( bên trên, over) + skopos (người giám sát, chăm sóc, bảo vệ – one that watches, one that looks after; a guardian, protector”. Tiếng Việt dịch là “Giám mục” theo Hán tự 監牧. Theo Từ điển Thiều Chửu, 監: Soi xét, coi sóc; 牧: Kẻ chăn giống muông.

[3] Pier Giorgio Frassati (6/4/1901 – 4/7/1925) là nhà hoạt động Công giáo người Ý và là thành viên của Dòng Ba Đaminh. Ngài dấn thân vào các vấn đề công bình xã hội, gia nhập các tổ chức bác ái để giúp đỡ người nghèo, kém may mắn. Sau chuyến đi với các bạn, ngài trở về nhà và lâm bệnh nặng ngày 30 tháng 6 năm 1925. Cùng ngày hôm ấy, bà ngoại của ngài qua đời. Vì sự khiêm nhường, ngài hối gia đình đừng lo cho mình mà hãy lo cho bà. Đức Gioan Phaolô II đã đặt ngài làm bổn mạng của Ngày giới trẻ thế giới, gọi ngài là “người của các mối phúc” khi thể hiện các mối phúc này qua đời sống hằng ngày. Đức Phanxicô liệt kê ngài trong số 12 gương mẫu tiêu biểu cho giới trẻ trong Tông huấn Christus Vivit (số 60), “những người tận hiến đời mình cho Đức Kitô… là những suy tư quý giá về chàng trai trẻ Kitô; chứng nhân của họ khích lệ và đánh thức chúng ta khỏi cơn mê ngủ”(CV 49).

[4] Martín de Porres Velázquez, OP (9/12/1579 – 3/11/1639) là vị thánh da màu, gốc Peru. Ngài là bổn mạng của những người lai và tất cả những người tìm kiếm sự hòa hợp sắc tộc. Do nguồn gốc của mình, ngài phải chịu nhiều đối xử bất công lúc sinh thời.

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận