Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng đại dịch có thể là “nơi chốn hoán cải”

1224 lượt xem

Cuộc phỏng vấn của tờ Tablet [Tuần báo Công Giáo quốc tế] do Austen Ivereigh thực hiện.

Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền của Tablet – lần đầu tiên dành cho công chúng Vương quốc Liên hiệp Anh – Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng mùa Chay và mùa Phục sinh ngoại thường năm nay có thể là thời điểm sáng tạo và hoán cải dành cho Hội Thánh, cho thế giới và cho toàn thể thụ tạo.

Vào khoảng cuối tháng ba, tôi ngỏ ý với Đức Thánh Cha Phanxicô rằng đây là lúc thuận tiện để gởi đến cho thế giới các quốc gia nói tiếng Anh, vì cơn đại dịch đã tác động đến Ý và Tây Ban Nha nay cũng đã vươn đến Vương Quốc Liên Hiệp Anh, Hợp Chủng Quốc và Úc. Không hứa trước, ngài yêu cầu tôi gởi cho ngài một số câu hỏi. Tôi chọn sáu chủ điểm, mỗi chủ điểm là một loạt câu hỏi để ngài tùy ý trả lời hay không. Tuần sau, tôi nhận được thông tin cho biết ngài đã ghi lại một số suy nghĩ để trả lời những câu hỏi đó. Bản văn cuộc phỏng vấn bằng tiếng Tây Ban Nha, chính tôi dịch sang tiếng Anh. 

Câu hỏi đầu tiên liên quan đến cảm nghiệm của ngài về cơn đại dịch và lệnh phong tỏa nơi khu nhà khách thánh Marta và, rộng hơn, trong hệ thống hành chánh Vatican (giáo triều Roma), cả về mặt thực hành lẫn thiêng liêng. 

Đức Thánh Cha Phanxicô: Giáo triều vẫn đang cố gắng tiếp tục làm việc và sinh hoạt bình thường, bằng cách chia ca để mọi người không tập trung cùng một lúc. Mọi việc được suy nghĩ thấu đáo. Chúng tôi tuân thủ các biện pháp do các cơ quan y tế quy định. Ở đây, tại khu nhà khách thánh Marta, hiện nay chúng tôi tổ chức hai ca cho mỗi bữa ăn, điều này mang lại nhiều lợi ích trong việc giảm nhẹ hậu quả. Mọi người làm việc trong văn phòng của mình hay tại phòng riêng, sử dụng công nghệ. Mọi người đều đang làm việc, không có ai ăn không ngồi rồi ở đây.

Về mặt thiêng liêng, tôi đang sống hoàn cảnh này thế nào? Tôi cầu nguyện nhiều hơn, bởi vì tôi cảm thấy tôi cần cầu nguyện. Và tôi nghĩ về dân chúng. Điều tôi quan tâm đó là dân chúng. Việc nghĩ đến dân chúng xức dầu cho tôi, làm tôi nên tốt, đưa tôi ra khỏi mối bận tâm về chính mình. Dĩ nhiên, tôi cũng có tính ích kỷ. Mỗi thứ ba, cha giải tội của tôi đến và tôi xét mình về những chuyện đó.

Tôi đang nghĩ đến trách nhiệm của tôi hiện nay và sắp tới. Tôi sẽ làm gì để phục vụ trong tư cách Giám mục Roma, tư cách lãnh đạo Hội Thánh, trong thời kỳ chịu ảnh hưởng bởi nạn dịch? Ảnh hưởng đó đã bắt đầu tỏ lộ vẻ bi thảm và buồn đau, đó là lý do tại sao hiện nay chúng tôi phải bận tâm về nó. Bộ Cổ Võ Sự Phát Triển Con Người Toàn Diện của Vatican đang làm việc về vấn đề này và vẫn gặp gỡ tôi.

Mối quan tâm chính của tôi – ít ra là điều tôi nghĩ đến khi cầu nguyện – đó là làm sao để đồng hành và gần gũi hơn với dân Chúa. Vì thế mà có cuộc livestream thánh lễ tôi cử hành mỗi 7 giờ sáng được nhiều người theo dõi và yêu thích, cũng như những bài chia sẻ của tôi, và cả sự kiện hôm 27 tháng ba tại quảng trường thánh Phêrô. Do đó, cũng vậy, có sự tăng cường hoạt động của Văn phòng Từ thiện của Đức Thánh Cha, phục vụ người bệnh và người nghèo.

Trong hoàn cảnh này, tôi như đang sống một thời gian rất bấp bênh. Đó là thời gian để phát minh, để sáng tạo. 

Trong câu hỏi thứ hai, tôi đề cập đến cuốn tiểu thuyết của thế kỷ thứ 19 mà Đức Thánh Cha Phanxicô rất thích và mới đây được ngài đề cập: I Promessi Sposi (Những người hứa hôn) của Alessandro Manzoni. Câu chuyện trong tiểu thuyết tập trung vào cơn dịch ở Milanô năm 1630, trong đó có nhiều gương mặt của các linh mục: Cha sở Abbondio hèn nhát, Hồng y Tổng giám mục Borromeo thánh thiện và các thầy dòng Capuchino phục vụ trại phong, một loại bệnh viện dã chiến nơi những người nhiễm bệnh bị nghiêm ngặt cách ly khỏi người mạnh. Sau khi đọc cuốn tiểu thuyết này, Đức Thánh Cha Phanxicô thấy thế nào về sứ vụ của Hội Thánh trong bối cảnh Covid-19? 

Đức Thánh Cha Phanxicô: Đức Hồng y Federigo [Borromeo] thực sự là anh hùng trong cơn dịch Milanô. Tuy nhiên một chương của cuốn tiểu thuyết có kể, ngài đến chào thăm một ngôi làng nhưng ô cửa xe ngựa của ngài đóng kín nhằm giữ an toàn cho ngài. Như vậy ngài đã không xuống với dân. Dân Chúa cần mục tử gần gũi với họ, không cần bảo vệ ngài quá đáng. Dân Chúa cần những vị mục tử sẵn sàng tự hiến, như các thầy Capuchinô đã ở lại bên họ.

Sự sáng tạo Kitô giáo cần được biểu lộ trong việc mở ra những chân trời mới, mở cửa, mở sự siêu việt hướng đến Thiên Chúa và hướng đến dân, và trong việc tạo ra những cách thế mới cho việc cách ly tại nhà. Không dễ để bị giam trong nhà. Trong tâm trí tôi xuất hiện câu thơ xuất phát từ Aeneid [Thiên anh hùng ca được Virgil viết khoảng giữa năm 29-19 TCN (chú thích của người dịch)], giữa lúc bại trận: lời khuyên là đừng bỏ cuộc, nhưng hãy cứu chính bản thân bạn cho thời kỳ tốt đẹp hơn, vì khi đó, việc nhớ lại những gì đã xảy ra sẽ có ích cho chúng ta. Hãy chăm sóc bản thân bạn vì tương lai sẽ đến. Và khi tương lai đó đến, việc nhớ lại những gì đã xảy ra sẽ mang lại điều tốt lành cho bạn. Hãy chăm sóc hiện tại, vì lợi ích tương lai. Hãy luôn luôn sáng tạo, một sự sáng tạo đơn giản, có khả năng phát minh điều mới mẻ mỗi ngày. Khi ở trong nhà, không khó để nhận ra điều đó, nhưng đừng chạy trốn, đừng ẩn náu bằng cách thoát ly thực tại, là điều trong lúc này không có ích gì cho bạn. 

Câu hỏi thứ ba của tôi liên quan đến sách lược của chính phủ đối phó với cuộc khủng hoảng. Trong khi việc cách ly dân chúng là dấu hiệu cho thấy một số chính phủ vì lợi ích của những người dễ bị tổn thương nên sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế, tôi đã gợi ý rằng việc cách ly này cũng đang phơi bày những mức độ loại trừ mà từ trước cho đến nay được xem là bình thường và có thể chấp nhận được. 

Đức Thánh Cha: Đúng, một số chính phủ đã đưa ra những biện pháp kiểu mẫu để bảo vệ dân chúng dựa trên những ưu tiên rõ ràng. Nhưng chúng ta cũng nhận thấy rằng mọi suy nghĩ của chúng ta, dù thích hay không thích, đều được định hình xung quanh kinh tế. Trong thế giới tài chính, việc hy sinh [con người], việc thực hành quan điểm chính trị của nền văn hóa thải bỏ (thải bỏ từ khi khởi đầu cho đến lúc kết thúc sự sống) dường như là điều bình thường. Chẳng hạn, tôi nghĩ về việc chọn lọc tiền sản. Ngày nay, hiếm khi ra đường chúng ta gặp thấy những người mắc hội chứng down; thật vậy, khi siêu âm phát hiện ca hội chứng down, thai kỳ liền bị loại bỏ. Đó là nền văn hóa của cái chết êm dịu, dù là hợp pháp hay không, ở đó người già cũng được chữa trị nhưng chỉ đến mức độ nào đó thôi.

Tôi lại nghĩ đến Thông điệp Sự Sống Con Người của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI. Vào lúc đó, đang có cuộc tranh luận gay gắt về viên thuốc ngừa thai. Tuy nhiên dân chúng đã không nhận ra sức mạnh ngôn sứ của bức Thông điệp này. Thật vậy, Thông điệp đã thấy trước Thuyết Tân Malthus, lúc đó chỉ mới manh nha trên thế giới. Đức Phaolô VI đã báo động về làn sóng Tân Malthus. Chúng ta thấy thuyết đó qua cách thức con người bị chọn lọc tùy theo sự hữu dụng và khả năng sản xuất mà họ có: đây là nền văn hóa thải bỏ. Giờ đây, người vô gia cư vẫn cứ là người vô gia cư. Hôm kia có bức hình chụp bãi đậu xe ở Las Vegas nơi những người vô gia cư bị cách ly. Các khách sạn thì trống rỗng còn những người vô gia cư thì không thể đến ở khách sạn. Đó là văn hóa thải bỏ trong thực hành. 

Tôi tò mò muốn biết liệu Đức Thánh Cha đã thấy cơn khủng hoảng và sự tàn phá nền kinh tế đang hoành hành có là một cơ may cho việc hoán cải sinh thái, cho việc định giá lại các ưu tiên và cách sống hay không. Cụ thể tôi hỏi ngài liệu là có thể nào chúng ta thấy trong tương lai một nền kinh tế, theo cách dùng từ của ngài, nhiều “nhân văn” hơn và ít “tiền bạc” hơn hay không. 

Đức Thánh Cha Phanxicô: Thành ngữ Tây Ban Nha có câu: “Thiên Chúa luôn luôn tha thứ, con người đôi khi tha thứ, còn thiên nhiên thì không bao giờ tha thứ”. Chúng ta đã chẳng có phản ứng [chung] nào trước những tai ương xảy ra đó đây. Giờ đây có ai nói về cuộc hỏa hoạn ở Úc hay có ai nhớ rằng 18 tháng trước có một con tàu băng qua Bắc Cực bởi vì băng đã tan chảy hết? Giờ đây có ai nói về các trận lụt lội? Tôi không rõ liệu đây có phải là cách thiên nhiên trả thù hay không, nhưng chắc chắn đó là những cách trả lời của thiên nhiên.

Chúng ta có một ký ức chọn lọc. Tôi muốn dừng lại ở điểm này. Tôi lấy làm ngạc nhiên khi tại lễ kỷ niệm lần thứ bảy mươi trận đổ bộ Normandy có sự tham dự của những người với trình độ văn hóa và chính trị cao nhất. Đó là một buổi kỷ niệm vĩ đại. Đúng là kỷ niệm đó đánh dấu sự cáo chung của nền độc tài, nhưng dường như chẳng có ai nhớ đến 10.000 người trai trẻ đã bỏ xác trên bãi biển đó.

Khi đến Redipuglia dự kỷ niệm một trăm năm Thế chiến thứ nhất, tôi trông thấy một đài tưởng niệm với những cái tên khắc trên đá, và chỉ có thế thôi. Tôi đã khóc khi nghĩ về cụm từ “cuộc tàn sát vô nghĩa” mà Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XV đã dùng. Và cũng xảy ra như thế khi tôi đến Anzio vào ngày lễ cầu cho các linh hồn, khi nghĩ về tất cả những người lính Bắc Mỹ được chôn cất tại đó, mỗi người đều có gia đình và nghĩ rằng bất kỳ người lính nào trong số đó cũng đã có thể là tôi.

Vào lúc này tại châu Âu, chúng ta bắt đầu nghe những diễn văn dân túy và chứng kiến những quyết định chính trị thuộc loại tuyển chọn này, làm chúng ta dễ liên tưởng đến những diễn văn của Hitler năm 1933, xem ra không khác mấy so với một số diễn văn của một vài chính trị gia châu Âu hiện nay.

Lại nảy ra trong trí tôi một câu thơ khác của Virgil: “forsan et haec olim meminisse iubavit” [có lẽ sẽ có một ngày thuận tiện để nhớ lại những điều này]. Chúng ta cần phục hồi ký ức bởi lẽ ký ức sẽ hữu ích cho chúng ta. Đây không phải là trận dịch đầu tiên của nhân loại, những cơn dịch khác đã trở thành giai thoại và chẳng có gì hơn. Chúng ta cần nhớ đến cội rễ, truyền thống còn đầy ắp trong trí nhớ chúng ta. Trong linh thao theo thánh Ignaxiô, chủ điểm “Chiêm Niệm Để Đạt Đến Tình Yêu” ở tuần đầu tiên cũng như tuần thứ tư, hoàn toàn có liên hệ với việc nhớ lại. Đây là cuộc hoán cải qua sự nhớ lại.

Cuộc khủng hoảng này ảnh hưởng đến tất cả chúng ta, giàu cũng như nghèo, đồng thời soi chiếu ánh sáng vào thói giả hình. Tôi lo lắng bởi thói giả hình của một số nhân vật chính trị đang nói về việc đương đầu với cơn khủng hoảng, về vấn đề nạn đói trên thế giới, đồng thời họ cũng lại là những nhà sản xuất vũ khí. Đây là thời gian hoán cải để loại bỏ kiểu giả hình thực dụng này. Đây là thời gian sống trung thực. Hoặc chúng ta sống phù hợp với niềm tin của mình hoặc chúng ta mất tất cả.

Anh hỏi tôi về sự hoán cải. Mọi cuộc khủng hoảng đều bao gồm cả nguy hiểm và cơ may: cơ may thoát khỏi nguy hiểm. Lúc này tôi tin rằng chúng ta phải giảm tốc độ sản xuất và tiêu thụ lại (Tông huấn Laudato Si’, 191) đồng thời học cách hiểu và chiêm ngắm thế giới tự nhiên. Chúng ta cần nối kết lại với môi trường thực xung quanh. Đây là cơ may hoán cải.

Vâng, tôi chớm thấy những dấu hiệu của một nền kinh tế ít tiền bạc và giàu nhân văn. Nhưng chúng ta đừng để mất ký ức một khi những chuyện này qua đi, chúng ta đừng dẹp bỏ nó đi và trở lại vị trí cũ. Đây là lúc bước một bước quyết định, rời khỏi việc dùng và lạm dụng tự nhiên thay vì chiêm ngưỡng nó. Chúng ta đã đánh mất chiều kích chiêm niệm. Ngay lúc này chúng ta phải trở lại đó.

Và khi nói về chiêm niệm, tôi muốn dừng lại ở điểm này. Đây là thời điểm nhìn xem người nghèo. Đức Giêsu nói rằng chúng ta sẽ luôn luôn có người nghèo ở với chúng ta. Điều này đúng. Họ là thực tại chúng ta không thể chối bỏ. Nhưng người nghèo thì ẩn dấu, bởi lẽ nghèo khổ thì bẽn lẽn. Mới đây tại Roma, giữa thời cách ly, viên cảnh sát nói với một người: “Ông không thể lang thang trên đường, đi về nhà đi!” Ông ta trả lời: “Tôi không có nhà. Tôi sống trên hè phố”. Làm sao khám phá ra phần lớn những người sống bên lề như thế được. Chúng ta không trông thấy họ bởi lẽ nghèo khổ thì bẽn lẽn. Họ có đó nhưng chúng ta không thấy: họ đã trở thành một phần của phong cảnh, họ là các sự vật. Mẹ thánh Têrêsa thấy họ và mẹ có can đảm dấn thân vào cuộc hành trình hoán cải. “Trông thấy” người nghèo nghĩa là hoàn trả lại nhân phẩm cho họ. Họ không phải là đồ vật, họ không phải là rác rưởi. Họ là con người. Chúng ta không thể hài lòng với chính sách phúc lợi xã hội như thể chúng ta đã làm để giải cứu thú vật. Chúng ta thường cư xử với người nghèo như giải cứu thú vật. Chúng ta không thể hài lòng với chính sách trợ cấp một phần.

Tôi xin mạnh dạn đưa ra một vài lời khuyên. Đây là thời gian đi xuống thế giới ngầm. Tôi đang nghĩ đến một tiểu thuyết ngắn của Dostoyevsky, những ghi chép từ thế giới dưới mặt đất. Những người lao công của nhà tù bệnh viện đó đã trở thành quen thuộc đến nỗi họ đối xử với những người tù khốn khổ không khác gì đồ vật. Khi thấy cách họ đối xử với một tù nhân vừa mới chết, một người nằm giường kế bên nói với họ: “Đủ rồi! Ông ấy cũng có một bà mẹ!” Chúng ta cần phải thường xuyên nói với mình điều đó: người nghèo cũng có một bà mẹ và được bà nuôi dạy trong yêu thương. Chúng ta không biết sau này điều gì sẽ xảy ra trong đời nhưng sẽ là điều hữu ích cho chúng ta khi chúng ta biết nghĩ về tình yêu mà người đó đã từng lãnh nhận qua niềm hy vọng mẹ anh đặt để nơi anh.

Chúng ta tước quyền của người nghèo. Chúng ta không cho họ quyền mơ về mẹ của họ. Họ không hề biết đến tình cảm trìu mến. Nhiều người nghiện ma túy. Thế nên khả năng trông thấy người nghèo có thể giúp chúng ta khám phá ra lòng sùng kính hướng đến Thiên Chúa và lòng thương xót hướng đến những người thân cận với chúng ta. Hãy xuống thế giới ngầm và đi từ thế giới siêu thực, thế giới không thân xác đến thế giới thể xác khổ đau của người nghèo. Đây là cuộc hoán cải mà chúng ta phải đi qua. Nếu chúng ta không khởi đầu, sẽ chẳng có hoán cải.

Lúc này tôi đang nghĩ đến các vị thánh ở sát vách. Họ là những vị anh hùng: các y bác sĩ, những người tình nguyện, các nữ tu, linh mục, nhân viên bán hàng – tất cả đang chu toàn bổn phận để xã hội có thể tiếp tục vận hành. Biết bao y bác sĩ đã chết! Biết bao nữ tu đã qua đời! Tất cả đều đang phục vụ… Chợt nảy ra trong tâm trí tôi câu nói của bác thợ may, theo tôi là nhân vật trung thực nhất trong tác phẩm Những Người Hứa Hôn. Anh nói: “Chúa không để các phép lạ còn dở dang”. Nếu chúng ta nhận ra phép lạ của các vị thánh ở sát vách này, nếu chúng ta có thể đi theo dấu chân của họ, phép lạ sẽ kết thúc tốt đẹp, mang lại sự may lành cho tất cả. Thiên Chúa chẳng để lại những gì dở dang. Chúng ta là những người kết thúc điều đó.

Nơi hiện nay chúng ta đang sống là nơi của metanoia (hoán cải) và chúng ta có cơ hội bắt đầu. Vì thế chúng ta đừng để cơ hội này vuột mất nhưng hãy tiến bước. 

Câu hỏi thứ năm của tôi tập trung vào những tác động của cơn khủng hoảng đối với Giáo Hội cũng như nhu cầu phải xem lại cách hoạt động của chúng ta. Ngài có thấy nổi lên từ cơn khủng hoảng này một Giáo Hội truyền giáo hơn, sáng tạo hơn, ít gắn bó với các thể chế hơn hay không? Phải chăng chúng ta đang thấy một kiểu “Hội Thánh tại gia” mới? 

Đức Thánh Cha Phanxicô: Ít gắn bó hơn với các thể chế ư? Tôi muốn nói rằng ít gắn bó hơn với một số cách suy nghĩ. Bởi vì Giáo Hội vốn là thể chế. Mơ về một Giáo Hội giải bỏ thể chế kiểu Giáo Hội ngộ đạo hay mơ về một Giáo Hội lệ thuộc vào các thể chế cứng ngắc kiểu Giáo Hội Pêlagiô đều là cám dỗ. Chính Chúa Thánh Thần là Đấng thể chế hóa Giáo Hội theo cách thay thế, theo cách bổ sung, bởi lẽ Chúa Thánh Thần gợi lên những xáo trộn qua các đặc sủng, nhưng rồi từ những xáo trộn đó lại tạo ra sự hòa hợp.

Giáo Hội vốn là một Giáo Hội tự do chứ không phải là một Giáo Hội hỗn loạn bởi vì tự do là món quà của Thiên Chúa. Một Giáo Hội thể chế nghĩa là một Giáo Hội được Chúa Thánh Thần thể chế hóa.

Có tình trạng căng thẳng giữa xáo trộn và hài hòa: đây là lúc Hội Thánh phải ra khỏi cuộc khủng hoảng. Chúng ta phải học sống trong một Hội Thánh vốn tồn tại trong sự căng thẳng giữa hài hòa và bất ổn do Chúa Thánh Thần khơi gợi. Nếu anh hỏi tôi cuốn sách thần học nào có thể giúp anh hiểu rõ nhất về điều này, thì đó chính là sách Công Vụ Tông Đồ. Trong đó anh sẽ thấy cách thức Chúa Thánh Thần thể chế hóa những gì vô dụng và thể chế hóa tương lai của Hội Thánh. Đó là lúc Hội Thánh cần phải thoát khỏi cuộc khủng hoảng.

Cách đây khoảng một tuần, một vị Giám mục người Ý, có hơi bối rối, gọi điện cho tôi. Ngài đã đi xung quanh bệnh viện với mong muốn từ hành lang của bệnh viện ban ơn tha tội cho những người ở bên trong khu vực đó. Nhưng ngài nói các vị giáo luật bảo rằng không thể được, ơn tha tội chỉ có thể ban khi trực tiếp giáp mặt. Ngài hỏi tôi: “Thưa cha, cha nghĩ sao?” Tôi bảo ngài: “Thưa Giám mục, cha hãy thi hành bổn phận linh mục của cha”. Và vị Giám mục nói: “Vâng, cám ơn cha, con đã hiểu”. Sau này tôi được biết rằng ngài đã đi xung quanh nơi đó ban ơn tha tội.

Đây là sự tự do của Thần Khí giữa cơn khủng hoảng, không phải là một Giáo Hội bị đóng khung trong các thể chế. Điều đó không có nghĩa là giáo luật không quan trọng: nó có đó, nó hữu ích và làm ơn dùng nó cho tốt vì nó nhằm mang lại những điều tốt lành cho chúng ta. Khoản giáo luật cuối cùng nói rằng toàn bộ giáo luật là nhằm mang lại ơn cứu rỗi cho các linh hồn và điều này mở cánh cửa cho phép chúng ta bước ra ngoài trong những thời điểm khó khăn để mang ơn an ủi của Thiên Chúa đến cho con người.

Anh hỏi tôi về “Hội Thánh tại gia”. Chúng ta phải đối phó với việc chúng ta bị giam hãm một cách hết sức sáng tạo. Chúng ta có thể bị trầm cảm và cô lập – các phương tiện truyền thông internet có thể khiến chúng ta lìa xa thực tại – hoặc chúng ta có thể sáng tạo. Khi bị cách ly tại nhà chúng ta cần một sự sáng tạo tông đồ, một sự sáng tạo giúp loại bỏ rất nhiều điều vô ích, nhưng với lòng khao khát diễn tả đức tin của chúng ta trong cộng đoàn với tư cách là dân Thiên Chúa. Vì thế, tuy bị cách ly nhưng khát khao, với trí nhớ khao khát và phát sinh hy vọng – đây là điều sẽ giúp chúng ta thoát khỏi vòng giam hãm. 

Cuối cùng tôi đã hỏi Đức Thánh Cha Phanxicô rằng chúng ta được kêu gọi sống mùa chay và mùa Phục sinh ngoại thường này như thế nào. Tôi đã hỏi ngài liệu ngài có một thông điệp đặc biệt cho những người già đang tự cách ly, cho những người trẻ đang bị hạn chế và cho những người đang đối diện với nghèo đói do hậu quả của cơn khủng hoảng hay không. 

Đức Thánh Cha Phanxicô: Anh nói về người già bị cô lập: đơn độc và xa cách. Có biết bao người già mà con cái họ đã không viếng thăm vào những lúc bình thường! Tôi nhớ tại Buenos Aires khi tôi viếng thăm các nhà dưỡng lão, tôi hỏi họ: Gia đình cụ thế nào? Tốt lắm, tốt lắm! Họ có đến đây không? Có chứ, thường xuyên! Thế rồi nhân viên điều dưỡng kéo tôi ra một bên và cho biết đã sáu tháng rồi con cái họ đã không đến thăm. Đơn độc và bị bỏ rơi… xa cách.

Tuy nhiên người già vẫn luôn là cội rễ của chúng ta. Và họ phải nói với người trẻ. Sự căng thẳng già trẻ này cần phải được thường xuyên giải quyết bằng cách gặp gỡ nhau. Bởi vì người trẻ là chồi, là lá; nếu không có rễ thì không thể trổ sinh hoa trái. Người già là gốc rễ. Hôm nay tôi muốn nói với các cụ: tôi biết các cụ cảm thấy cái chết đã gần kề và các cụ sợ hãi, nhưng hãy nhìn theo hướng khác: hãy nhớ đến con cháu các cụ và đừng thôi mơ ước. Đây là điều Thiên Chúa đòi hỏi các cụ: hãy ước mơ (Joel 3,1).

Tôi sẽ nói gì với người trẻ? Hãy can đảm nhìn về phía trước và hãy là tiên tri. Ước gì ước mơ của người già tương ứng với lời ngôn sứ của các con (cũng là Joel 3,1).

Những người bị bần cùng hóa bởi cơn khủng hoảng, giờ đây thành ra những người khốn quẫn, thêm vào số những người khốn quẫn mọi thời, những con người nam nữ mà tình trạng của họ là “khốn quẫn”. Họ đã mất mọi sự hay họ sắp mất mọi sự. Dưới ánh sáng của Tin Mừng, sự túng thiếu có ý nghĩa gì đối với tôi? Nó có nghĩa là đi vào trong thế giới của sự túng quẫn, để hiểu rằng người đã có, giờ đây không còn có nữa. Điều mà tôi yêu cầu con người đó là hãy mang lấy người già và người trẻ dưới cánh của họ, hãy mang lấy lịch sử dưới cánh của họ, hãy mang lấy người khốn quẫn dưới cánh của họ.

Chợt đến với tâm trí tôi câu thơ khác của Virgil, ở cuối cuốn 2 của thi phẩm Aeneid, sau khi Aeneas bị bại trận tại Troy, đã mất hết mọi thứ. Có hai con đường cho ông chọn lựa: ở lại đó khóc lóc và kết liễu cuộc đời hoặc làm theo con tim mách bảo, đi lên núi và bỏ cuộc chiến lại sau lưng. Đó là một câu thơ hay. Cessi, et sublato montem genitore petivi (tôi đã nhượng bộ số phận, vác cha tôi trên vai và tiến lên núi).

Đó là điều tất cả chúng ta giờ đây phải làm, hôm nay: hãy mang theo gốc rễ của truyền thống và tiến lên núi.

Austen Ivereigh là thành viên trong khoa lịch sử Giáo Hội đương đại tại Campion Hall, Đại học Oxford. Tác phẩm mới nhất của ông là “Người mục tử mang thương tích: cuộc đấu tranh của Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhằm thay đổi Hội Thánh Công Giáo”, do Henry Holt xuất bản.

Phaolô Nguyễn Quốc Hưng chuyển ngữ từ thetablet.co.uk

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận