01/01/20 THỨ TƯ CUỐI TUẦN BÁT NHẬT GS
Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa
Lc 2,16-21
VUI MỪNG VÀ CẢM TẠ
“Họ gặp bà Maria, ông Giuse cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ.” (Lc 2,16)
Suy niệm: Từ thế kỷ thứ III, các tín hữu đã tôn danh Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa. Mặc dù bấy giờ có nhiều phản đối từ các lạc giáo, nhưng các tín hữu vẫn hiểu rõ việc tuyên xưng này không do trí óc loài người suy luận, mà là do sự thật Ngôi Hai xuống thế làm người trong lòng Mẹ Maria. Mầu nhiệm Ngôi Hai xuống thế làm người là bảo chứng Mẹ là Mẹ Thiên Chúa. Các mục đồng chứng kiến Chúa Giê-su nằm trong máng cỏ, bên cạnh có Mẹ Maria và thánh Giuse, tai họ nghe tiếng thiên thần ca tụng, họ mau mắn tin vững chắc, Hài Nhi là Thiên Chúa làm người. Nơi Mẹ Maria còn hơn thế, vì Mẹ mang lấy Ngôi Hai trong lòng Mẹ. Mẹ cảm nghiệm trong từng thớ thịt mình sự hiện diện của Đấng cao cả và Mẹ nhận ra ân sủng được làm Mẹ Thiên Chúa. Mầu nhiệm và tước hiệu này được Mẹ đón nhận với lòng cảm tạ, ràng buộc cuộc đời mình vào thánh ý Thiên Chúa. Nếu có ai bảo rằng ràng buộc như thế là nô lệ, thì họ chưa hiểu gì về tình yêu của Mẹ đối với Chúa. Thi hào Tagore đã nói: “Trong tình yêu, nô lệ và giải phóng không tương khắc, vì tình yêu vừa tự do nhất, vừa ràng buộc nhất.” Vì vậy, sự tuân hành thánh ý Chúa nơi Mẹ là một thúc bách của tình yêu như thánh Phaolô đã trải qua: “Tình yêu Chúa thúc bách tôi” (2Cr 5,14).
Mời Bạn: Một năm mới lại đến. Bạn được bảo đảm có Chúa ở cùng trong những ngày tháng tới. Bạn đã cảm tạ ơn Chúa và theo gương Mẹ quyết sống năm mới theo lời Chúa dạy chưa?
Sống Lời Chúa: Dâng một quyết tâm lên Chúa cho năm mới này.
Cầu nguyện: Hát “Lạy Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa, Mẹ đồng trinh…”
02/01/20 THỨ NĂM TUẦN II GS
Thánh Baxiliô Cả và thánh Grêgôriô Nadien, giám mục, tiến sĩ HT
Ga 1,19-28
HẠNH PHÚC QUANH TA
“Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết.” (Ga 1,26)
Suy niệm: Trên xe buýt ở Thụy Điển, anh lính Mỹ ba hoa: “Nước Mỹ là nước dân chủ nhất thế giới, người dân có thể tới Toà Nhà Trắng và bàn luận công việc với tổng thống”. Một người đáp lại: “Ăn thua gì, ở nước tôi, người dân và nhà vua cùng đi trên xe buýt và nói chuyện với nhau”. Khi ông xuống khỏi xe, những hành khách khác cho anh biết đó chính là vua Adolf VI. Anh lính nước ngoài không biết vua Thụy Điển, còn người dân biết, là chuyện bình thường. Đang khi ấy Vua của trời đất đang hiện diện giữa dân mình, nhưng mấy ai nhận ra, bởi vì Ngài không oai phong lẫm liệt từ trời xuống, nhưng lặng lẽ nhập thể làm người nơi cung lòng một thôn nữ, sinh ra trong một hang đá tăm tối, nôi nằm là máng ăn hôi hám của chiên bò, âm thầm lớn lên ở làng bé nhỏ Nadarét. Ngôi Hai Thiên Chúa đã đi đến mút cùng của thân phận làm người, để bày tỏ lòng yêu thương.
Mời Bạn: “Đừng dùng cân tiểu ly để cân đo hạnh phúc, nếu dùng cái cân thường, bạn sẽ thấy hài lòng” (Ngạn ngữ Đức). Hạnh phúc ở quanh bạn, nơi gia đình bạn sinh sống, trong công việc bạn làm, nơi người bạn gặp gỡ. Hạnh phúc ở trong bạn, khi Thiên Chúa hiện diện và chúc lành cho bạn qua từng giây phút.
Sống Lời Chúa: Tập nhận ra Chúa hiện diện trong cuộc đời qua việc dâng lên Chúa một lời cầu nguyện ngắn bắt đầu ngày sống và vào cuối ngày.
Cầu nguyện: Xin ở lại với con, lạy Chúa, vì con cần có Chúa hiện diện, để con khỏi quên Chúa. Xin ở lại với con, lạy Chúa, vì con yếu đuối, con cần Chúa đỡ nâng để con khỏi ngã quỵ. Xin ở lại với con, lạy Chúa, vì con cần Chúa trong đêm tối cuộc đời. Amen. (cha Piô)
03/01/20 THỨ SÁU TUẦN II GS
Danh Thánh Chúa Giêsu
Ga 1,29-34
ĐÂY LÀ CHIÊN THIÊN CHÚA
Ông Gioan thấy Đức Giêsu tiến về phía mình, liền nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian.” (Ga 1,29)
Suy niệm: Sứ vụ của Đức Giêsu được khai mạc một cách rất đơn sơ: Người đến với Gioan bên bờ sông, và được giới thiệu “Đây là Chiên Thiên Chúa…” Không có lễ nghi ‘sai đi’ rầm rộ, hoành tráng như ta thường thấy ngày nay. “Đây Chiên Thiên Chúa…” là lời giới thiệu quá quen thuộc, vì ta vẫn lặp lại mỗi ngày, đến nỗi ta dễ quên cái hàm ý chất chứa cả vận mạng Đức Giêsu trong mấy tiếng này. Như con chiên Vượt Qua đã bị sát tế để mở màn cuộc giải phóng toàn dân Ítraen, Đức Giêsu cũng sẽ đảm nhận cùng một sứ mạng ấy. Người sẽ bị sát tế. Sứ vụ của Người sẽ dẫn đến cái chết trong đó Người trao hiến chính mình. Và như vậy, ngay trên bờ sông Giođan hôm nay đã thấy thoáng hiện ra cây thập giá ở chân trời!
Mời Bạn: Cũng như Thầy, không có sứ vụ nào của người môn đệ mà không bao hàm thập giá. Chúng ta cần tích cực đón nhận một số hy sinh, bỏ mình nho nhỏ nhưng cần thiết hằng ngày, để làm quen dần với con đường thập giá của Thầy.
Chia sẻ: Theo bạn, trong xã hội đậm tính tiêu thụ và hưởng thụ ngày nay, chứng tá hy sinh và bỏ mình có còn giá trị và sức thuyết phục của nó không?
Sống Lời Chúa: Mỗi khi chúng ta ăn ‘Chiên Thiên Chúa’, chúng ta cũng được nhắc nhở trở thành tấm bánh để được bẻ ra và được ăn bởi bao anh chị em đang đói cồn cào hôm nay.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu là Con Chiên Thiên Chúa đã trả giá bằng cái chết để mưu cầu sự sống cho con, xin cho con biết chấp nhận chết đi mỗi ngày, để phục vụ anh chị em mình. Amen.
04/01/20 THỨ BẢY TUẦN II GS
Ga 1,35-42
HÃY ĐẾN MÀ XEM!
Suy niệm: Nhờ sách vở, báo chí, TV,… ta có thể nắm bắt đầy đủ thông tin về các vùng trên thế giới. Tuy nhiên người ta vẫn muốn đi đến tận nơi để chính mình mắt thấy tai nghe. Quả thực, du lịch cống hiến cho họ cơ hội trải nghiệm cuộc sống muôn màu muôn vẻ ở những phương trời xa lạ. Hai môn đệ đầu tiên đến với Chúa Giêsu không phải để tranh luận đạo lý hay nói chuyện qua loa nhưng qua câu hỏi: “Rapbi, Thầy ở đâu?” họ bày tỏ lòng tôn kính Chúa và muốn biết thêm về Chúa. Chúa đã mời họ “đến mà xem” để họ có thời gian bên Chúa, biết được những gì Chúa muốn cho họ biết về Ngài. Cuộc gặp gỡ đã để lại một ấn tượng sâu đậm, rất có thể là một sự kiện đổi đời, đến nỗi nhiều năm sau đó, Gioan vẫn còn nhớ khoảnh khắc đó, ngài viết: “Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười (bốn giờ chiều).”
Mời Bạn: Khi nói đến việc theo Đạo, giữ Đạo ta nghĩ ngay đến việc nắm giữ một số lề luật hay giới răn trong Đạo. Điều này đúng nhưng chưa phải là tất cả. Theo Đạo, trước hết và trên hết, là theo Chúa Giêsu, hết lòng tin tưởng, cậy trông, yêu mến Ngài. Phải học hỏi giáo huấn và đời sống của Chúa. Người muốn theo Chúa phải có những cuộc gặp gỡ tiếp xúc giữa cá nhân mình với Chúa Giêsu, lắng nghe Lời Chúa và đón nhận sức sống của Chúa thông ban giúp cho mình được biến đổi trở nên “đồng hình đồng dạng” với Chúa.
Sống Lời Chúa: Dù bận rộn, mỗi ngày tôi vẫn dành thì giờ để gặp gỡ Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con yêu mến Chúa. Xin Chúa luôn ở với con và con luôn ở với Chúa. Amen.
05/01/20 CHÚA NHẬT LỄ HIỂN LINH – A
Mt 2,1-12
THẤY CHÚA VÀ ĐẾN THỜ LẠY
Suy niệm: “Thấy” và “đến” là hai hành vi đã thúc đẩy các nhà chiêm tinh dấn bước vào hành trình tìm kiếm Đấng Cứu Thế. “Thấy ngôi sao”, hành vi không chỉ đơn thuần là những xung động của giác quan mà còn bao hàm cả một quá trình suy tư, phân định để đi tới nhận thức: đây chính là “ngôi sao của Ngài”. Lời trần tình của các nhà chiêm tinh –“chúng tôi thấy” và “chúng tôi đến”- nghe thật giản đơn và dễ dàng; thế nhưng, trong thực tế, họ đã phải trải qua biết bao gian nan, nguy hiểm, có lúc đã tưởng chừng như tuyệt vọng, mới có thể “đến để thờ lạy” Vị Vua mới sinh này.
Mời Bạn: Có những người, những việc tưởng chừng như rất gần ngay bên cạnh, ngay trước mắt chúng ta nhưng thực ra lại cách xa ngàn trùng: thấy người bị tai nạn, nhưng thật khó khăn để đến đem họ tới bệnh viện; thấy bất công, nhưng tranh đấu cho công lý là cả một hành trình diệu vợi; thấy người nghèo đói, nhưng để giúp đỡ họ đến nơi đến chốn là một con đường dài thăm thẳm; “Ngôi Lời đã đến nhà mình” hơn hai ngàn năm qua, nhưng người nhà vẫn chưa đón nhận (x. Ga 1,11). Phần bạn, bạn đã nhận ra “ngôi sao” của Ngài và mau mắn đến thờ lạy Ngài với cả khối óc và con tim của bạn hay chưa?
Sống Lời Chúa: Hãy loan báo niềm vui cứu độ cho mọi người.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin mở cho con mắt đức tin để con nhận ra “ngôi sao” là những dấu chỉ của Chúa hiện diện nơi tha nhân và xin ban sức mạnh thiêng liêng cho con để con mau mắn đến phục vụ Chúa ở nơi họ bằng những hành động bác ái yêu thương.
06/01/20 THỨ HAI SAU LỄ HIỂN LINH
Mt 4,12-17.23-25
CHÚA DỌN NHÀ
Rồi Người bỏ Nadarét, đến ở Caphácnaum, một thành ven biển hồ Galilê, thuộc địa hạt Dơvulun và Náptali. (Mt 4,12)
Suy niệm: Hôm nay Chúa dọn nhà: Ngài bỏ Nadarét chuyển về Caphácnaum. Điều đó có nghĩa là Chúa phải từ bỏ một nếp sống đã quen thuộc suốt 30 năm qua, để dấn thân vào một cuộc sống khác, bấp bênh “không có chỗ tựa đầu” (Mt 8,20); Chúa “dọn nhà” để tiếp tục cuộc từ bỏ đã bắt đầu khi Ngài “hoàn toàn trút bỏ vinh quang” của một vị Thiên Chúa, để “mặc lấy thân nô lệ, sống như người trần thế” (x. Pl 2,6-7). Chúa dọn nhà để bắt đầu giai đoạn mới trong sứ vụ của Ngài: Ngài đến ở Caphácnaum, “thuộc địa hạt Dơvulun và Náptali,” vùng đất của dân ngoại, để đem Ánh Sáng Tin Mừng toả chiếu cho muôn dân, cho “đoàn dân đang ngồi trong tối tăm được thấy một ánh sáng huy hoàng” (Mt 4,16).
Mời Bạn: Chúa Giê-su “dọn nhà” từ Thiên Quốc xuống làm người nơi trần gian để mạc khải cho chúng ta “dung mạo hữu hình của Chúa Cha vô hình” (Kinh Năm Thánh Lòng Thương Xót). Chúng ta được kêu gọi tiếp tục sứ mạng của Đức Kitô là có lòng “thương xót như Chúa Cha” để loan báo và làm chứng cho thương xót của Chúa cho nhân loại đang sống trong thế giới vô cảm ngày nay.
Chia sẻ: “Chỉ có 2 trong 10 người Việt sẵn sàng ngăn chặn cái ác” (Tuổi Trẻ 28/12/2015). Bạn nghĩ gì về nhận xét trên? Đức ái Kitô giáo có giúp bạn đủ dũng khí để sẵn sàng chống lại các ác không?
Sống Lời Chúa: Quyết tâm biến kinh “Thương người có 14 mối” thành hành động cụ thể của bạn.
Cầu nguyện: Đọc kinh Kính Mến.
07/01/20 THỨ BA SAU LỄ HIỂN LINH
Thánh Râymunđô, linh mục
Mc 6,34-44
BẺ RA VÀ TRAO BAN
Đức Giêsu đáp: “Thì chính anh em hãy cho họ ăn đi.” (Mc 6,37)
Suy niệm: Khi nói về thực phẩm, ta thường nghĩ đến các chất dinh dưỡng và số lượng calori thực phẩm ấy cung cấp. Thật ra, thực phẩm còn mang ý nghĩa linh thánh: đó là hồng ân Chúa ban để ta có dịp chia sẻ, bày tỏ tình liên đới với đồng loại. Tin Mừng hôm nay cho thấy các môn đệ đã có thái độ bi quan, tránh né trước cơn đói của dân chúng. Trước tiên là giải pháp đùn đẩy trách nhiệm: giải tán dân chúng để họ tự tìm kiếm gì để ăn; thứ đến là lý luận: 200 quan tiền bánh (hơn sáu tháng tiền công) cũng chẳng thấm thía gì với đám đông như vậy. Thế nhưng, chỉ cần phần đóng góp từ năm chiếc bánh và hai con cá nhỏ, phép lạ vĩ đại đã xảy ra. Trong tay Đức Giêsu, ít cũng hóa ra nhiều. Bẻ ra và trao ban là hai động tác giúp làm dịu cơn đói của người thiếu thốn.
Mời Bạn: Có một quy luật tự nhiên huyền nhiệm tuyệt vời: ba điều ta khao khát nhất trên đời là hạnh phúc, tự do, và an bình tâm hồn, ta chỉ đạt được khi biết chia sẻ chúng cho người khác. Bạn đừng sợ mình có quá ít khả năng, của cải… để chia sẻ. Hãy tập chia sẻ, bạn sẽ cảm nhận hạnh phúc, tự do, và an bình hơn bao giờ hết từ xưa đến nay.
Sống Lời Chúa: Tôi tập bẻ ra và trao ban thời giờ, khả năng, vật chất, sự quan tâm… cho người khác, như một cách sống lòng thương xót của Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa thương xót đám đông bơ vơ, và bày tỏ lòng thương xót ấy không chỉ bằng việc giảng dạy Tin Mừng Nước Trời, mà còn cho họ ăn no nê. Noi theo lòng thương xót của Chúa, xin cho con biết sẵn sàng bẻ ra và trao ban những gì mình có cho những người anh chị em chung quanh. Amen.
08/01/20 THỨ TƯ SAU LỄ HIỂN LINH
Mc 6,45-52
NÉT ĐẸP GIA ĐÌNH CÔNG GIÁO
Sau khi cho họ đi, Người lên núi cầu nguyện. (Mc 6,46)
Suy niệm: Hình ảnh ông bà, cha mẹ, con cái, cháu chắt sum họp trước bàn thờ gia đình để cầu nguyện chung với nhau quả là một nét đẹp bình dị của đời thường mà lạ thay, không dễ mấy gia đình có được! Hình ảnh tốt đẹp ấy cho thấy niềm tin của người Ki-tô hữu không chỉ mang tính cá nhân, mà còn mang tính tập thể, là niềm tin của cả Giáo Hội. Gia đình lại chính là Giáo Hội thu nhỏ. Vì thế, Giáo Hội luôn khuyến khích chúng ta xây dựng gia đình dựa trên nền tảng cùng nhau thờ phượng Thiên Chúa. Duy trì giờ cầu nguyện chung trong gia đình, đó không chỉ là truyền thống tốt đẹp của gia đình Công giáo, mà còn có tác dụng loan báo Tin Mừng cho những gia đình anh em lương dân chung quanh môi trường chúng ta đang sinh sống.
Mời Bạn: Ngày nay do áp lực công việc, giờ giấc học hành, cũng như của nhu cầu giải trí, các gia đình Ki-tô giáo đang đánh mất dần nét đẹp của hình ảnh gia đình đồng tâm cầu nguyện. Gia đình bạn thế nào? có còn duy trì được giờ đọc kinh chung với nhau mỗi tối không?
Sống Lời Chúa: Ý thức bao ích lợi của việc cầu nguyện chung, tôi quyết tâm tập thói quen cả nhà cùng cầu nguyện trong giờ kinh tối trong năm mới 2020 này. Đó là cách xây dựng đời sống đức tin và cũng là cách xây dựng hạnh phúc gia đình: “Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18,20).
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa ưa thích tìm nơi vắng vẻ, giờ khắc thinh lặng để cầu nguyện với Chúa Cha. Noi gương Chúa, xin cho gia đình chúng con cũng biết dành thời gian để mọi thành viên của gia đình sum họp cầu nguyện với Chúa mỗi ngày. Amen.
09/01/20 THỨ NĂM SAU LỄ HIỂN LINH
Lc 4,14-22a
THẦN KHÍ CHÚA NGỰ TRÊN TÔI
“Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn” (Lc 4,18)
Suy niệm: Tự áp dụng cho mình lời Sách Thánh này, Đức Giêsu giải thích Ngài được xức dầu để thực thi sứ mạng ngôn sứ. Vị ngôn sứ lãnh nhận Thần Khí Chúa thì cũng thi hành chức vụ trong Thần Khí. Nếu có người xem sứ mạng loan báo Tin Mừng chỉ là tương đối, Đức Giêsu lại thấy là tuyệt đối. Nếu có người cho rằng việc thực hiện sứ mệnh ngôn sứ chỉ tuỳ nghi hay không thể thực hiện được, Đức Giêsu lại thấy đó là sứ mệnh bó buộc và có thể thực hiện được. Sự khác nhau trong nhận thức và sự đáp trả ấy đủ nói lên vai trò nâng đỡ của Chúa Thánh Thần nơi Đức Giêsu và những người thi hành sứ mệnh loan báo. Sự chi phối cần thiết của Chúa Thánh Thần đòi hỏi các sứ ngôn mọi thời phải có lòng khiêm tốn, không phải khiêm tốn vì mặc cảm, nhưng vì tin rằng chính Thiên Chúa mới đón vai trò chủ động trong sứ mệnh của mình. Hơn ai hết, ngôn sứ của Thiên Chúa cần lắng nghe và hưởng ứng, hơn là chỉ vận dụng sáng kiến và nỗ lực tự ý riêng mình.
Mời Bạn: Nhờ được xức dầu trong ngày lãnh bí tích rửa tội và thêm sức, bạn được thông phần sứ mạng ngôn sứ với Đức Giêsu. Đức Giêsu cũng ban Thánh Thần Thiên Chúa ban cho bạn. Tại sao Đức Giêsu nhận thấy sứ mệnh loan báo Tin Mừng là bó buộc, còn bạn lại ngập ngừng, tính toán?
Sống Lời Chúa: Bạn hãy nhớ đến một người chưa biết Chúa và cầu nguyện cho họ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến trên chúng con, xin làm tan biến những ý nghĩ ươn hèn, xin cho chúng con mạnh bạo loan báo về Chúa.
10/01/20 THỨ SÁU SAU LỄ HIỂN LINH
Lc 5,12-19
CHÚA CHẠM ĐẾN VÀ CHỮA LÀNH
Có một người đầy phong hủi vừa thấy Chúa Giêsu liền sấp mặt xuống, xin Người rằng: “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” Người giơ tay đụng vào anh ta và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi.” Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh (Lc 5,12-14)
Suy niệm: Trong thời Chúa Giêsu, bệnh phung hủi được xem là thứ bệnh vô cùng gây hại và dễ lây lan, vì thế, người bệnh phải bị cách ly khỏi cộng đồng. Những ai tiếp xúc với người bệnh cũng bị xem là người ô uế. Đó là lý do người ta phải tránh xa những người phung hủi và những người bị bệnh này có bổn phận báo cho mọi người tránh xa mình. Nhưng đối với Chúa Giêsu thì không như thế. Ngài là Đấng Thánh, nhưng Ngài cũng là Đấng Cứu Độ; nên Ngài đã đến, sờ chạm vào làn da bệnh tật cũng là chạm đến tâm hồn dập nát vì tội lỗi của bệnh nhân. Khi chạm đến tội nhân, Chúa Giêsu không vướng mắc tội lỗi, nhưng dùng quyền năng của lòng thương xót mà thứ tha tội lỗi và phục hồi trái tim họ trở lại tình trạng tốt lành. Hơn nữa, Chúa Giêsu luôn ước ao chữa lành và tha thứ cho những ai cần đến lòng thương xót của Ngài. Tha thứ và chữa lành là việc làm không hề mệt mỏi của Chúa.
Mời Bạn: Bạn đang ở trong tình trạng nào? Thánh nhân hay tội nhân? Người phung hủi đã đến xin Chúa chữa lành, còn bạn, đức tin của bạn thúc đẩy bạn đến được với Chúa và nài xin Ngài chữa lành không?
Sống Lời Chúa: Xét mình hằng ngày và đi xưng tội ngay mỗi khi phạm tội trọng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin cho con nhận biết và tin tưởng vào lòng Chúa thương xót, can đảm đến với Chúa xin ơn tha thứ mỗi khi con phạm tội.
11/01/20 THỨ BẢY SAU LỄ HIỂN LINH
Ga 3,22-30
VAI CHÍNH – VAI PHỤ
Gioan trả lời: “Người phải lớn lên, còn thầy phải lu mờ đi.” (Ga 3,30)
Suy niệm: Ai cũng thích mình là người quan trọng, người đóng vai chính. Vì thế, người ta luôn cố gắng “đánh bóng” hình ảnh mình để người khác chú ý. Chính do tham vọng vai chính này, bao nhiêu cái xấu đã xuất hiện: ganh ghét, tranh đua, chụp mũ, tiêu diệt… Hiểu được vậy, chúng ta mới nhận thức được tư cách tuyệt vời của vị Tiền Hô của Đức Giêsu. Ý thức vai phụ của mình, Gioan đã trả lời cho các môn đệ, vốn nặng óc bè phái, khi họ phàn nàn với ông về việc thiên hạ đi theo Đức Giêsu: “Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi.” Dù được thiên hạ kính trọng, Gioan vui vẻ đóng trọn vai phụ của mình khi hướng mọi nổi bật cho vai chính; dù đi trước, ông làm mọi cách để người ta chú ý đến Đấng đến sau. Không lạ gì Đấng đến sau ấy đã hết lời khen ngợi ông: “trong số các phàm nhân lọt lòng mẹ, chưa có ai cao trọng bằng Gioan Tẩy Giả” (Mt 11,11).
Mời Bạn: Sống có lý tưởng là sống vì, sống với, và sống cho. Lý tưởng sống của người Kitô hữu là để danh Chúa được rạng rỡ vinh quang, qua chính đời sống trần thế của mình.
Chia sẻ: Trong những thành công đạt được, bạn đã dành bao nhiêu phần trăm cho Chúa, hay cho rằng tất cả do công lao của mình?
Sống Lời Chúa: Quyết tâm sống phần đầu kinh Lạy Cha: “nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.”
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con luôn tìm được niềm vui và hạnh phúc khi là vai phụ cho Chúa, để dọn đường cho Chúa đến với các tâm hồn, không lôi kéo người khác chú ý đến con, nhưng là với Chúa. Amen.
12/01/20 CHÚA NHẬT TUẦN 1 TN – A
Chúa Giêsu chịu phép rửa
Mt 3,13-17
CHO Ý CHA THỂ HIỆN
“Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính.” (Mt 3,15)
Suy niệm: Công việc Gioan Tẩy Giả làm phép rửa cho Chúa Giêsu không đơn giản. Theo Tin Mừng Mátthêu, đã có sự phân định tinh tế từ trong nhận thức giữa Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu. Gioan Tẩy Giả biết rõ mình chỉ là người chuẩn bị cho Đấng đến sau, Đấng ấy cao trọng đến mức ông không đáng phục vụ cho Ngài, dù chỉ làm công việc của người nô lệ như cởi quai dép. Đấng ấy còn là Đấng Gioan hằng trông đợi, nên Gioan có lý do từ chối: “Chính tôi là người cần Ngài làm phép rửa.” Nhưng Chúa Giêsu đã cho Gioan biết việc ông phải làm: “Hãy cứ làm như thế.” Như vậy, việc Gioan Tẩy Giả làm phép rửa cho Chúa Giêsu không phải tự ý của ông và việc Chúa Giê-su chịu phép rửa cũng là để thực hiện thánh ý Chúa Cha: Chúa Giêsu là Đấng Thánh, nên Ngài chẳng cần sám hối; nhưng Ngài chịu phép rửa thống hối để gánh lấy tội lỗi nhân loại để đền bù. Tất cả đều là để cho ý Cha được thể hiện.
Mời Bạn: Bạn cũng được mời gọi tiếp nối sứ mạng liên đới của Chúa Giêsu trong hoàn cảnh của bạn: trong gia đình, xóm phố, nơi học hành, nơi làm việc… Sứ mạng này không phải là việc tuỳ ý để bạn thích làm hoặc không, mà là một bổn phận được lãnh nhận từ Thiên Chúa. Thiên Chúa chờ đợi bạn thi hành bổn phận này.
Sống Lời Chúa: Tôi bày tỏ tình liên đới bằng cách tích cực tham gia các sinh hoạt trong giáo xứ, các công tác tông đồ của hội đoàn hay các công việc thiện nguyện xã hội.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin cho con cam đảm nhận lấy công việc phục vụ Chúa và anh em, như Chúa dạy.
13/01/20 THỨ HAI TUẦN 1 TN
Thánh Hilariô, giám mục, tiến sĩ HT
Mc 1,14-20
VIỆC CẦN LÀM NGAY
Người bảo các ông: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh trở thành những kẻ lưới người như lưới cá.” Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà theo Người. (Mc 1,17-18)
Suy niệm: Sau khi từ giã gia đình và làng quê Nadarét, Chúa Giêsu ra đi rao giảng một thời gian trước khi tuyển chọn môn đệ. Thế nhưng thánh Máccô lại kể việc này như thể xảy ra ngay lúc Chúa khởi đầu sứ vụ công khai. Theo các nhà chú giải, thánh ký muốn cho thấy rằng: việc có người tiếp nối sứ mạng của Ngài là việc quan trọng hàng đầu và những người này thiết yếu phải ở với Ngài ngay từ đầu. Quả thật có sống với Chúa Giêsu mới hiểu Ngài và mới làm chứng trung thực cho Ngài. Các môn đệ đầu tiên nghe Chúa gọi đã bỏ mọi sự mà đi theo Chúa ngay, sẵn sàng bước vào cuộc sống ở gần Chúa.
Mời Bạn nghe lời Đức Thánh Cha Phanxicô viết ngay trong Tông huấn ‘Niềm Vui Tin Mừng’: “Tôi kêu gọi từng người Ki-tô hữu, dù ở đâu hay trong bất cứ hoàn cảnh nào, hãy canh tân ngay việc gặp gỡ cá nhân của mình với Đức Giêsu Kitô hay, ít nhất là, quyết định để cho Người gặp gỡ chúng ta, mỗi ngày luôn tìm kiếm Người” (Số 3).
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày xét mình: 1/ Đối với tôi việc sống kết hiệp với Chúa Giê-su có phải là việc ưu tiên hàng đầu không? 2/ Tôi làm gì để đổi mới cuộc gặp gỡ cá nhân tôi với Chúa Giêsu?
Cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết tự hạ, biết tán dương Chúa và nghĩ đến Chúa và chọn theo chân Chúa luôn… Xin đừng để những gì ngoài Chúa quyến rũ con. Xin Chúa hãy nhìn con, để con yêu mến Chúa. Xin Chúa hãy gọi con, để con được thấy Chúa. Và để con hưởng nhan Chúa đời đời. Amen.” (Thánh Âutinh)
14/01/20 THỨ BA TUẦN 1 TN
Mc 1, 21b-28
TA THUỘC VỀ CHÚA
Suy niệm: “Ai làm điều ác thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách.” (Ga 3,20). Tên quỉ ô uế đúng là kẻ ghét ánh sáng, y hoảng sợ la to lên khi thấy Đức Giêsu, ‘Đấng Thánh của Thiên Chúa,’ và muốn xua đuổi Ngài đi chỗ khác, để mặc cho y hành động. Chúa đời nào nhượng bộ trước yêu sách này, Ngài bày tỏ uy quyền, trục xuất nó ra khỏi người bị ám. Con người được dựng nên cho Chúa, thuộc trọn về Ngài, luôn được Ngài ấp ủ yêu thương. Chúa Giêsu không muốn cho ai đó hay một chỗ nào đó trong lòng người là nơi dành riêng cho quỉ dữ.
Mời Bạn: Xã hội đầy dẫy gian xảo lừa đảo, tham nhũng, chạy chức, bằng cấp giả, hóa đơn ma, học sinh quay cóp… Có vẻ như quỉ dối trá thâm nhập vào mọi cơ chế xã hội và muốn ‘khoanh vùng’ để mặc tình thao túng. Người Kitô hữu xác tín rằng nhờ bí tích Thánh Tẩy, họ trở nên con Chúa và chi thể trong Thân Thể Ngài. Họ được kêu mời để nên thánh, sống thánh giữa đời.
Chia sẻ: Lãnh vực nào trong cuộc sống bạn chưa được ‘phủ sóng’ Tin Mừng của Chúa? Phương thế để khắc phục?
Sống Lời Chúa: Dạy nhau sống trước nhan Chúa mọi lúc mọi nơi, không đóng kịch giả dối, thiếu trung thực.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã chịu chết để cứu chúng con khỏi tay ác thần và đem chúng con vào đời sống mới. Xin cho chúng con luôn biết xa tránh tội lỗi và bất cứ điều gì làm chúng con lìa xa Chúa. Amen.
15/01/20 THỨ TƯ TUẦN 1 TN
Mc 1,29-39
ƯU TIÊN SỐNG CẦU NGUYỆN
Suy niệm: Tin Mừng Máccô hôm nay mô tả cuộc sống thường nhật của Chúa Giêsu gồm hai nhịp: hoạt động truyền giáo và cầu nguyện. Dù bận rộn với đủ mọi hạng người đến với mình, nhưng Chúa Giêsu vẫn ưu tiên dành những giây phút quý giá nhất trong ngày để cầu nguyện với Cha. Chính trong tương giao với Cha qua cầu nguyện, Ngài đã nhận ra và chọn sống theo ý Cha. Nhờ chọn lựa này, Ngài không lưu lại một chỗ để “thưởng thức” lòng ham mộ, sự thành công, nhưng rong ruổi nay đây mai đó để nhiều người hơn được biết Tin Mừng Nước Trời. Ngày sống của Ngài được đan dệt bằng hai chất liệu quý giá: tâm tình hiếu thảo với Cha và tấm lòng yêu thương con người.
Mời Bạn: Trong xã hội hiện nay, học sinh bù đầu lo chuyện học, người lớn đầu tắt mặt tối với việc làm ăn, giáo xứ với tổ chức lễ lạc… Dường như “chủ nghĩa duy hoạt động” thắng thế: người ta đặt hiệu quả việc loan báo Tin Mừng nơi hoạt động, qua công việc, chứ không nơi đời sống cầu nguyện. Hậu quả tất yếu là xem nhẹ sức mạnh của việc cầu nguyện. Trong khi đó, cầu nguyện là “hơi thở” của đời sống Kitô hữu, “là tiếng kêu của linh hồn” (A. Belden). Qua cầu nguyện, ta gặp gỡ Chúa, nhìn ngắm, xin Ngài tư vấn, để rồi nhờ lắng nghe, ta biết được và chọn làm theo Ý Ngài.
Chia sẻ: Bạn thường cầu nguyện do nhu cầu cần gặp gỡ Chúa hay do muốn xin ơn, cầu lợi?
Sống Lời Chúa: Dành riêng 5 phút mỗi ngày để cầu nguyện với Chúa.
Cầu nguyện: Chúa ơi, xin cho con biết dành thời gian tâm sự với Chúa mỗi ngày. Amen.
16/01/20 THỨ NĂM TUẦN 1 TN
Mc 1,40-45
LÒNG THƯƠNG XÓT CỨU ĐỘ
Suy niệm: Những người phong, cư dân trên đảo Molokai, xôn xao khi thấy cha Đamiêng đến chung sống với mình. Họ càng cảm động hơn khi biết vị linh mục trẻ này hoàn toàn lành lặn, chỉ vì yêu thương họ quá, nên tình nguyện đến chia sẻ và phục vụ họ ngay trên mảnh đất khốn khổ này. Ngài đã phá đổ hàng rào ngăn cách vô hình giữa người lành/người phong, da trắng/da mầu, Ki-tô hữu/ngoại đạo. Qua cử chỉ giơ tay đụng vào người phong, Đức Giêsu cũng xóa tan hố sâu ngăn cách xã hội thời đó đặt ra. Thật vậy, ngoài những đau đớn khủng khiếp nơi thân xác, người phong thời ấy còn phải chịu nỗi đau buồn cùng cực trong tinh thần khi bị cộng đồng ruồng bỏ. Đức Giêsu đã đụng đến người phong không chỉ bằng bàn tay, nhưng còn bằng lòng thương xót trước nỗi khổ của con người.
Mời Bạn: Nhìn ngắm mẫu gương của Đức Giêsu khi Ngài kết hợp tài tình giữa trái tim chạnh lòng thương và bàn tay giơ ra, đụng đến chữa lành, cũng như giữa lòng thương xót và quyền năng. Bạn được mời gọi vận dụng mọi nguồn lực để bày tỏ lòng thương xót.
Chia sẻ: Sống trong một thế giới đầy những hố sâu phân cách: giàu-nghèo, hạnh phúc-bất hạnh… bạn làm gì để vượt qua những hố sâu này ngõ hầu diễn tả lòng thương xót?
Sống Lời Chúa: Tập mở rộng vòng tay nhân ái đón nhận nhiều người, hơn là chỉ trong nhóm người quen thuộc.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin cho trái tim chúng con nên giống trái tim Chúa, để biết chạnh lòng thương trước đau khổ của người lân cận. Xin cho bàn tay chúng con cũng biết giơ ra đụng đến và làm vơi nhẹ nỗi đau của người khác.
17/01/20 THỨ SÁU TUẦN 1 TN
Thánh Antôn, viện phụ
Mc 2,1-12
CAN ĐẢM TỪ BỎ VÀ ĐỔI MỚI
Chúa Giêsu nói với người bại liệt: “Ta truyền cho con: Đứng dậy, vác chõng mà đi về nhà!” (Mc 2,11)
Suy niệm: Dù muốn hay không, cuộc sống người bại liệt này từ lâu nay bị trói chặt vào chiếc chõng này. Nó trở thành vật bất ly thân của anh. Chúa Giê-su thấy rõ sự bất lực của anh. Ngài tha tội cho anh và truyền lệnh: “Đứng dậy, vác chõng mà đi về nhà!” Ngài muốn anh được ơn tha thứ đồng thời cũng phải ra khỏi thế giới cái chõng nhỏ bé tù túng kia để bắt đầu một cuộc sống mới. Khi vác chõng bước đi, anh thực sự đổi đời và làm cho người khác nhận ra quyền năng Thiên Chúa và tôn vinh Ngài.
Mời Bạn: Chúng ta rất dễ bị tê liệt trong đời sống thiêng liêng hay trong việc tông đồ vì những cố tật hay định kiến; chúng như cái chõng không cho ta tự do đến với Thiên Chúa và tha nhân. ĐTC Phanxicô kêu gọi mọi thành phần trong Hội Thánh “không bao giờ đóng kín nơi chính mình, không bao giờ lui về nơi an toàn của mình, không bao giờ chọn thái độ cố chấp hay tự vệ. Nó hiểu rằng nó phải gia tăng sự hiểu biết Tin Mừng và nhận ra các đường lối của Thần Khí, vì vậy nó luôn luôn làm bất cứ điều tốt lành nào có thể, dù trên đường đi, chân nó có thể bị lấm bùn” (Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, số 45).
Sống Lời Chúa: Khi ai đó phê bình góp ý tôi, tôi lắng nghe và bình tâm suy xét, chứ không vội chống chế biện minh.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con vững bước trong đêm trăng mờ ảo hay ngày sáng rạng ngời. Xin dạy con nhìn phía trước, đừng lầm lẫn những gì của ngày mai với những gì của ngày hôm qua. Xin dạy con cùng với Ngài làm nên ngày mới… Xin dạy con trước những vách ngăn, biết mở toang chúng ra để chúng trở thành cánh cổng của một lộ trình mới. (ĐHY Etchegaray)
18/01/20 THỨ BẢY TUẦN 1 TN
Tuần lễ cầu cho các Kitô hữu hiệp nhất
Mc 2,13-17
ĐẾN ĐỂ KÊU GỌI NGƯỜI TỘI LỖI
Đức Giêsu nói với họ: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.” (Mc 2,17)
Suy niệm: Đức Kitô được sai đến trần gian là để kêu gọi người tội lỗi. Ngài là Đấng Thánh, là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian. Ngài đến để kêu gọi.“Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21). Hội Thánh và mỗi người chúng ta, cũng được Ngài sai đến để kêu gọi: sống và làm chứng cho muôn dân về Ơn Cứu Độ. Trước tiên là sống Ơn Cứu Độ cho chính mình, nghĩa là phải ý thức mình là người tội lỗi và cần được cứu độ; sau là làm chứng về chương trình này của Thiên Chúa trong Đức Kitô.
Mời Bạn: Chắc chắn rằng chúng ta đã chọn Chúa, nhưng trong cuộc sống, rất nhiều lần ta đã chọn thế gian, ma quỷ và xác thịt. Nhìn nhận mình là người tội lỗi, đó là điều kiện tiên quyết. Trong phần sám hối Thánh lễ, chúng ta đấm ngực thú nhận mình là người tội lỗi. Bạn có ý thức điều đó không? Chỉ có người tội lỗi đích thực, mới cầu xin ơn tha thứ; và khi được thứ tha, tâm hồn mới bình an và cuộc sống mới đổi thay. Ngược lại, hình thức máy móc đó sẽ dẫn đến tình trạng “vẫn như cũ”.
Chia sẻ: Có nhiều người nhận định: một số khá đông người Công giáo Việt Nam sống đạo hình thức và thói quen: nhiều lễ hội, xây dựng hoành tráng nhưng ít giáo lý và thiếu sống Lời Chúa. Bạn nghĩ sao? Làm thế nào để sửa đổi tình trạng này?
Sống Lời Chúa: Trong năm 2020 này, gia đình tôi quyết tâm đọc kinh tối và suy niệm Lời Chúa mỗi ngày.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, hôm nay Chúa cũng đến gọi đích danh con và đang đứng chờ con. Xin giơ tay cứu vớt tâm hồn con đang ngập tràn tội lỗi.
19/01/20 CHÚA NHẬT TUẦN 2 TN – A
Ga 1,29-34
GÁNH TỘI ĐỀN THAY
“Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian.” (Ga 1,29)
Suy niệm: Nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng, Đạt Lai Lạt Ma dùng những con vật một người chọn theo thứ tự ưu tiên, để qua đó biết được bậc thang giá trị của người ấy trong cuộc đời. Các con vật tiêu biểu là cừu tượng trưng tình yêu; bò: công việc; cọp: tham vọng; heo: tiền tài; ngựa: gia đình. Con Chiên (Cừu) Thiên Chúa không chỉ là biểu tượng tình yêu chung chung, nhưng là tình yêu cho đến tận cùng, không có giới hạn, yêu đến độ gánh thay và xoá sạch tội lỗi của cả trần gian. Chúa Giêsu, Chiên Thiên Chúa đã thực hiện công cuộc gánh thay và xoá tội ấy không bằng phô truơng sức mạnh quyền năng, nhưng bằng tâm tình hiền lành khiêm tốn, bằng việc hy sinh chính thân mình trên cây thập giá. Thánh Gioan nêu rõ: giờ chết của Chiên Thiên Chúa chính là giờ sát tế chiên chiều áp lễ Vượt Qua (Ga 19,31).
Mời Bạn: “Những tình cảm đẹp nhất là những tình cảm trong đó không có chỗ cho cái tôi” (L.Cordière). Chiên Thiên Chúa gánh thay và xóa tội trần gian cách vô cầu, chỉ mong con người được hạnh phúc. Noi gương Ngài, người Kitô hữu cũng phải thanh lọc quả tim cho trong sáng, sống tinh thần vô vị lợi trong các mối quan hệ hằng ngày.
Chia sẻ: Chiên Thiên Chúa có là động lực thúc đẩy tôi sống tinh thần hy sinh quên mình cho người lân cận không?
Sống Lời Chúa: Nhớ đến lòng hy sinh quên mình của Chúa Giê-su khi đọc lời “Đây Chiên Thiên Chúa…” trong thánh lễ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, cảm tạ Chúa là Chiên Thiên Chúa, gánh thay và xoá bỏ tội chúng con. Xin giúp chúng con ghi nhớ và sống xứng đáng với lòng yêu thương quên mình đó của Chúa.
20/01/20 THỨ HAI TUẦN 2 TN
Thánh Phabia nô, giáo hoàng, tử đạo;
Thánh Sêbastianô, tử đạo
Mc 2,18-22
TẠI SAO KHÔNG ĂN CHAY?
“Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay khi chàng rể còn ở với họ?” (Mc 2,19)
Suy niệm: Hầu như trong tôn giáo nào việc ăn chay cũng được coi trọng. Hồi giáo qui định chay tịnh suốt tháng Ramadan, và coi đó như phương thế tuyệt hảo để nhận thức Thiên Chúa là Đấng Siêu Việt. Các Phật tử sùng đạo ăn chay trường, không chỉ trong việc ăn uống mà còn bao gồm cả việc tiết dục, nhằm chế ngự thân xác để tâm hồn thanh thản hầu thoát khỏi cõi trần tục luỵ. Phụng vụ Do Thái giáo buộc ăn chay trong ngày lễ Xá tội; những người đạo đức còn ăn chay nhiều hơn, có khi một tuần hai lần (x. Lc 18,12). Những người thắc mắc tại sao các môn đệ Chúa Giêsu không ăn chay như các môn đệ của Gioan Tẩy giả hoặc những người Pharisêu là bởi vì:
1. Họ chỉ nghĩ đến chay tịnh như việc làm vụ hình thức mà quên mất tinh thần của nó là đặt mình khiêm hạ trước nhan Thiên Chúa và tha thiết xin được kết mối liên hệ mật thiết với Ngài;
2. Họ đã không nhận ra Đức Giêsu chính là vị Thiên Chúa họ khao khát mong chờ mà nay đang hiện diện ở giữa họ.
Mời Bạn: Ngày nay người ta thường coi nhẹ việc chay tịnh hoặc có giữ chay nhưng vì một lý do thuần tuý tự nhiên (để giảm béo chẳng hạn…). Chúa Kitô dạy chúng ta chay tịnh hay không chay tịnh đều chỉ vì một mục đích duy nhất là để được kết hợp mật thiết hơn trong tình thân với Ngài.
Sống Lời Chúa: Làm một việc hy sinh kín đáo để tỏ lòng yêu mến Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa không đòi hy lễ cao siêu nhưng đã kêu gọi con để con thuộc trọn về Chúa. Con xin thưa này con xin đến để làm theo ý Chúa.
21/01/20 THỨ BA TUẦN 2 TN
Thánh Anê, trinh nữ, tử đạo
Mc 2,23-28
GIỮ LUẬT VÌ YÊU MẾN
“Ngày sabát được tạo ra cho loài người, chứ không phải loài người cho ngày sabát.” (Mc 2,27)
Suy niệm: Kể từ ngày 15/12/2007, đội mũ bảo hiểm đã thành luật cho người đi xe gắn máy ở nước ta. Các phương tiện truyền thông cố gắng làm cho người dân thấy rõ lợi ích của việc đội chiếc mũ rầy rà đó để họ chấp hành tự nguyện chứ không coi đó chỉ là chuyện ‘đối phó,’ tránh né công an. Luật lệ rất cần thiết cho đời sống cá nhân và xã hội. Ai cũng phải tuân thủ luật pháp chính đáng. Các môn đệ bứt bông lúa mà bị người Pharisêu phóng to lên thành gặt lúa, lỗi luật ngày sabat. Nếu câu nệ luật pháp hay áp đặt những luật lệ phi lý thì luật pháp không còn ý nghĩa. Chúa Giêsu đưa ra một nguyên tắc có giá trị cho mọi thứ lề luật: ngày sabát lập ra cho con người chứ không phải con người cho ngày sabát.
Mời Bạn: Trong Hội Thánh cũng có luật lệ, giới răn. Kitô hữu sống đạo chân chính sẽ giữ luật trong tâm tình mến Chúa yêu người là nền tảng của mọi lề luật. Cuộc sống đang thay đổi nhanh chóng, lắm lúc người con Chúa không biết phải cư xử thế nào cho đúng luật. Những khi đó họ sẽ cầu xin ơn Chúa Thánh Thần và khiêm tốn bàn hỏi với các vị hữu trách khôn ngoan để biết cách hành xử đúng đắn.
Chia sẻ: Trong cộng đoàn của chúng tôi, có những luật lệ, cách ứng xử tạo nên kỳ thị, bất công không?
Sống Lời Chúa: Xin ơn biết giữ luật trong tình yêu mến Chúa để tôi không khô cằn xơ cứng, nhưng luôn bén nhạy, sẵn sàng có những thích nghi cần thiết.
Cầu nguyện: Lạy Chúa. Xin chỉ cho con đường đi của Chúa. Xin dạy bảo con nước bước của Ngài… Vì Chúa là Đấng ngày đêm con đợi trông.
22/01/20 THỨ TƯ TUẦN 2 TN
Thánh Vinh Sơn, phó tế, tử đạo
Mc 3,1-6
NGÀY SABÁT, LÀM VIỆC LÀNH
Đức Giêsu bảo người bị bại tay: “Anh chỗi dậy, ra giữa đây.” Rồi Người nói với họ: “Ngày Sabát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi?” (Mc 3,4)
Suy niệm: Để đón nhận và sống sứ điệp Tin Mừng, cần biết nhìn và có một tấm lòng. Khi gọi người bị bại tay ra đứng giữa hội đường, Chúa Giêsu không có ý hạ giá anh, nhưng Ngài kêu gọi chúng ta hãy dám nhìn thẳng vào người anh em đau khổ, bị bỏ rơi, bị lãng quên và lắng nghe lời chất vấn của lương tâm: “Ngày Sabát được phép làm điều lành hay điều dữ?” Mệnh lệnh “làm lành lánh dữ” của lương tâm sở dĩ có tính tuyệt đối vô điều kiện bởi vì nó xuất phát từ chính Thiên Chúa. Người ta chỉ chu toàn bổn phận thánh thiêng thờ phượng Chúa khi và chỉ khi “làm điều lành”. Mà “điều lành” không gì khác hơn là phục vụ, chia sẻ cách cụ thể với người anh em đau khổ đang ở giữa cộng đoàn đây.
Mời Bạn: Bạn đang làm những “điều lành” nào trong ngày Chúa Nhật, Ngày Của Chúa? Bạn có bận bịu công việc làm ăn đến nỗi không còn thì giờ cho Chúa, cho gia đình, con cái? Hay bạn cũng ngưng công việc làm thường ngày, những để mê đắm trong bài bạc, nhậu nhẹt say sưa?
Chia sẻ: Ngày Chúa Nhật của bạn thường diễn ra như thế nào? Có thể sắp xếp cách khác để ngày ấy trở thành ngày của mến Chúa yêu người cách đặc biệt hơn không?
Sống Lời Chúa: Gác lại việc làm ăn thường ngày để đi thăm một người trong khu xóm đang cần sự quan tâm chia sẻ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban thêm cho con nhiệt tâm làm việc lành, biết yêu thương phục vụ những anh chị em nghèo khổ, bất hạnh xung quanh con.
23/01/20 THỨ NĂM TUẦN 2 TN
Mc 3,7-12
MẦU NHIỆM TÌNH YÊU
Các thần ô uế, hễ thấy Đức Giêsu, thì… kêu lên: “Ông là Con Thiên Chúa!” Nhưng Người cấm chúng không được tiết lộ Người là ai. (Mc 3,11)
Suy niệm: Thiên Chúa là tình yêu. Người muốn trao ban tình yêu ấy cho nhân loại để ai tin và đón nhận Người thì được cứu độ. Nhằm tỏ bày tình yêu, Thiên Chúa đã dùng nhiều cách, nhưng phương thế cuối cùng và hoàn hảo là qua chính Con Một Người (x. Dt 1,1-2). Nghe biết các việc Chúa Giêsu đã làm, người ta lũ lượt kéo đến với Người; việc tìm đến với Chúa mới chỉ là bước đầu cho một tiến trình đón nhận ơn cứu độ. Một cách tiệm tiến, Thiên Chúa dẫn đưa họ vào mầu nhiệm tình yêu trọn vẹn nơi cuộc khổ nạn và phục sinh của Đức Giêsu, để rồi cùng với Đức Giêsu họ sẽ dâng về cho Thiên Chúa một tình yêu tự do và trọn hiến. Quá trình mạc khải không nhằm cho con người một danh xưng hay một khái niệm, song là một tình yêu. Và tình yêu phải được đáp trả bằng tình yêu, chứ không thể chỉ bằng sự hiểu biết suông hay ‘tụng kinh’ suông trên môi miệng.
Mời Bạn: Tình yêu cần được thể hiện qua việc làm. Một việc làm thiếu tình yêu là sự lừa dối; tình yêu thiếu việc làm thì tình yêu chết. Xã hội ngày càng dạt theo lối sống hưởng thụ, thực dụng, hời hợt thiếu chiều sâu, thành thử con người thường đánh giá và đối xử với nhau qua hình thức bề ngoài. Hậu quả là một xã hội suy thoái về đạo đức. “Anh em chớ uốn mình theo thế gian này!” (Rm 12,2).
Sống Lời Chúa: Làm một việc bác ái với tấm lòng thành, kết hợp cầu nguyện cho sự hiệp nhất của các Kitô hữu.
Cầu Nguyện: Hát Kinh Hoà Bình: “Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người… Xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa.”
24/01/20 THỨ SÁU TUẦN 3 TN
Thánh Phanxicô Salêsiô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh
Giao thừa năm Kỷ Hợi
Mc 3,13-19
Ở VỚI CHÚA ĐỂ ĐƯỢC SAI ĐI
Rồi Chúa Giêsu lên núi và gọi đến với Người những kẻ Người muốn. Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng, với quyền trừ quỷ. (Mc 3,13-14)
Suy niệm: Có những người không đi theo Chúa Giêsu như các môn đệ nhưng vẫn có thể nhân danh Ngài mà trừ quỷ (x. Lc 9,49). Khả năng trừ quỷ không phải là “độc quyền” của các môn đệ và vì thế cũng không phải là “dấu vết riêng” để xác định căn tính của người môn đệ Đức Kitô. Nhân dịp chọn gọi và thiết lập Nhóm Mười Hai, Chúa cho chúng ta biết tiêu chuẩn xác định căn tính người môn đệ là: (1) được Chúa gọi đến; (2) đến để ở với Ngài; (3) ở với Ngài để được sai đi. Để làm môn đệ của Chúa Giêsu thì phải “ở với Ngài” cách trọn vẹn từ khi “được kêu gọi” đến lúc “được sai đi”. Nếu không có mối quan hệ thân thiết với Chúa Giê-su thì chưa phải là người môn đệ đích thực của Ngài.
Mời Bạn: Người ta có thể làm điều tốt – cứu trợ nạn nhân bão lụt chẳng hạn – dưới nhiều động cơ và danh nghĩa khác nhau. Việc dấn thân phục vụ của bạn sẽ thiếu “chất Kitô” nếu bạn chưa “ở với Chúa”. Bạn được kêu làm môn đệ Đức Kitô, bạn chỉ là tông đồ thực thụ khi bạn trở thành thân thiết hơn với Ngài trước khi đem Ngài đến với người khác qua cuộc sống dấn thân phục vụ.
Sống Lời Chúa: Đầu mỗi ngày, bạn dành ít phút hồi tâm nhớ Chúa và cầu nguyện với Ngài, để nhờ đó mọi việc bạn sắp làm trong ngày sẽ được biến thành một việc tông đồ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa đã kêu gọi con làm môn đệ Chúa, để con tận hiến cho Chúa ngay ở giữa thế gian này. Xin Chúa ban ơn trợ giúp để con luôn ở với Chúa bằng đời sống cầu nguyện không ngừng.
25/01/20 THỨ BẢY TUẦN 2 TN
Thánh Phaolô Tông đồ trở lại
Mồng Một Tết Canh Tý – Cầu bình an năm mới
Mt 6,25-34
LỜI CHÚC ĐẦU NĂM CỦA CHÚA
“Anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì hay mặc gì đây? Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.” (Mt 6,31-33)
Suy niệm: Trong những ngày đầu năm mới, chúng ta vẫn có thói quen chúc nhau những điều thật tốt đẹp. Thế nhưng chúng ta cũng mường tượng rằng những lời chúc đó nếu không phải là những ngôn từ rập theo khuôn sáo thì cùng lắm cũng chỉ là những ước mơ mà thôi. Phần Chúa, Ngài cũng dùng Lời Ngài mà chúc chúng ta, cách đặc biệt trong phụng vụ ngày đầu năm mới. Lời chúc của Ngài nhắm thẳng vào những nhu cầu thường nhật nhưng cấp thiết, là những mối bận tâm lo lắng hàng đầu của chúng ta: “ăn gì, uống gì, lấy gì mà mặc”. Thế nhưng, tất cả những thứ đó “Chúa đã biết thừa”. Ngài sẵn lòng ban cho chúng ta những điều đó, –“ban thêm” – sau khi Ngài ban cho chúng ta điều quan trọng hơn, quí giá hơn nhiều; đó là chính trọng tâm lời chúc của Ngài: “Hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người”. Lời chúc cũng là lời hứa. Mà đã hứa thì Chúa sẽ thực hiện.
Mời Bạn: Bạn có dám tin vào lời hứa của Chúa, hoặc dám nhận lời chúc của Ngài không? Mà dám tin cũng có nghĩa là dám liều: dốc sức việc “tìm kiếm Nước Thiên Chúa” trước, và sẵn sàng phó thác những sự khác “ăn gì, uống gì hay lấy gì mà mặc” để cho Chúa tuỳ nghi định liệu.
Sống Lời Chúa: Trong ngày đầu năm mới bạn và gia đình bạn đọc kinh gia đình và dâng lên Chúa lời cầu xin và quyết tâm của toàn thể gia đình.
Cầu nguyện: Đọc Kinh Trông Cậy.
26/01/20 CHÚA NHẬT TUẦN 3 TN – A
Mồng Hai Tết – Kính nhớ tổ tiên
Mt 4,12-23 hoặc Mt 15,1-6
HÃY THỜ CHA KÍNH MẸ
“Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ.” (Mt 15,4)
Suy niệm: “Mẹ thương con biển hồ lai láng, con thương mẹ kể tháng kể ngày.” Đây không chỉ là tiếng thở dài của một người mẹ hay lời cay đắng của bà trút lên con mà còn là bản tường trình về tình yêu cằn cỗi, nghèo nàn của những người con đối với ông bà, cha mẹ mình. Thời nay, sự cằn cỗi ấy dường như có cơ hội gia tăng. Báo chí thông tin có những cụ già 80, 90 tuổi, hằng ngày phải lao động nặng nhọc để sống hoặc nuôi người vợ liệt lào, trong khi đàn con khôn lớn của ông hiếm khi trở lại thăm nom, phụng dưỡng. Với nhiều lý do, có những người con tự miễn chuẩn cho mình bổn phận đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Giáo Hội tại Việt Nam dùng ngày Mồng Hai Tết cầu nguyện đặc biệt cho tổ tiên để thực hành lời của Chúa: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, và hâm nóng lòng hiếu thảo của người tín hữu. Mẫu gương Chúa Giêsu đối với cha mẹ luôn cần được Ki-tô hữu khám phá để sống theo.
Mời Bạn: Bạn có những chương trình cho từng ngày trong những ngày Tết này. Trong số đó, có thời gian nào bạn sẽ dành cho ông bà, cha mẹ không? Bên cha mẹ, ông bà, bạn lắng nghe, ân cần vấn an, chuyện trò như là người con hay như người ban phát, thi ân?
Chia sẻ: Người ta đối xử với cha mẹ và người thân thế nào, họ sẽ đối xử với bạn như vậy. Bạn nghĩ gì về nhận định đó?
Sống Lời Chúa: Hôm nay, bạn bày tỏ lòng hiếu thảo của bạn với tổ tiên, ông bà, cha mẹ qua những việc làm cụ thể.
Cầu nguyện: Lạy Cha, xin cho mẫu gương sống của Con Cha trở thành sống động trong lối sống của con đối với Cha và đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ của con. Xin Cha ban ơn phúc cho các ngài, nhất là trong những ngày của tuổi già.
27/01/20 THỨ HAI TUẦN 3 TN
Thánh Angiêla Mêrixi, trinh nữ
Mồng Ba Tết – Thánh hoá công ăn việc làm
Mc 3,22-30 hoặc Mt 25,14-30
THÁNH HÓA BẢN THÂN
“Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi hai nén, tôi đã gây lời được hai nén khác đây.” (Mt 25,22)
Suy niệm: Steve Jobs, một thiên tài công nghệ, khuyên ta: “Công ăn việc làm chiếm phần lớn cuộc đời bạn, và cách duy nhất giúp bạn thật sự mãn nguyện là làm những gì bạn tin là vĩ đại. Và cách duy nhất để làm việc vĩ đại là yêu thích điều bạn làm.” Như mọi người, các Kitô hữu cũng chăm chỉ lao động để (1) tự sinh sống hay nuôi gia đình; (2) như một cách bày tỏ lòng yêu mến những người thân, và (3) như một phương cách đóng góp vào việc xây dựng cuộc sống xã hội. Ngày đầu năm mới, khi mong Chúa thánh hóa công ăn việc làm là ta cầu xin Ngài cho công ăn việc làm trong năm mới thành phương thế cứu độ ta; những lao nhọc, từng giọt mồ hôi giúp ta cộng tác vào công trình sáng tạo và cứu độ của Thiên Chúa.
Mời Bạn: Đối với Chúa, việc bạn làm không quan trọng bằng cách bạn làm. Nhờ vậy, trước mặt Ngài, công việc của người quét đường cũng có giá trị như vị tổng thống. Trong năm mới Đinh Dậu, qua những vất vả, mệt nhọc của lao động, bạn xin Chúa cho mình sống tương quan với Chúa và với người khác được tốt đẹp, hài hòa hơn.
Sống Lời Chúa: Trong năm mới này, tôi sẽ làm việc trong tinh thần trách nhiệm, công bằng, để đẹp lòng Chúa, hài lòng người khác, và như món quà tình yêu với gia đình mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã cho chúng con qua một năm, tuy vất vả lao nhọc, nhưng công ăn việc làm đem lại cuộc sống an vui cho chúng con. Xin Chúa chúc lành cho công ăn việc làm trong năm mới được ổn định, thuận lợi. Xin giúp con biết thánh hóa chính bản thân qua công ăn việc làm ấy.
28/01/20 THỨ BA TUẦN 3 TN
Thánh Tôma Aquinô, linh mục, tiến sĩ HT
Mc 3,31-35
SỐNG XỨNG ĐÁNG LÀ CON CHÚA
“Ai làm theo ý Thiên Chúa, thì người ấy là anh chị em và là mẹ Ta.” (Mc 3,35)
Suy niệm: Nhiều người thời nay thường cậy dựa vào “nhất thân nhì thế” như bàn đạp để thăng tiến trên con đường sự nghiệp. Có lẽ những người Do Thái hâm mộ Chúa Giêsu ngày xưa cũng mang tâm trạng “thấy kẻ sang bắt quàng làm họ,” nên mới sốt sắng “mách” với Đức Giêsu: “Mẹ và anh chị em Thầy đang tìm Thầy ngoài kia.” Nhưng những người thân này của Chúa mới đây còn cho rằng Ngài “mất trí”, phải chăng giờ đây họ lại muốn tìm đến để bắt Ngài về nhà (x. Mc 3,20-21). Để sửa chữa những cái nhìn sai lệch đó, Chúa Giêsu xác định người thân đích thực của Ngài là những ai “thi hành ý muốn của Thiên Chúa”.
Mời Bạn: Lời Chúa mời gọi chúng ta thoát ra khỏi quan niệm thế tục để vươn cái nhìn của mình lên một tầm cao mới: Chúng ta xác tín mình là con cái của Chúa Cả trời đất, là hoàng tộc của Thiên Chúa cao sang và thể hiện tư cách đó bằng cách thực thi ý muốn của Thiên Chúa, đó là sống những giá trị Tin Mừng trong cuộc sống thường nhật của mình.
Chia sẻ: Dựa trên lời chỉ dẫn của thánh Phaolô: “Dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa” (1Cr 10,31), mời bạn thảo luận để vạch ra một chương trình sống dành cho những người là anh chị em với Chúa Giê-su.
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày nhắc lại điều tâm niệm: “Quê hương chúng ta ở trên trời” (Pl 3,20) và “xin cho chúng ta biết ái mộ những sự trên trời” (Ngắm thứ Hai, Năm Sự Mừng).
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã tự hạ nên giống chúng con mọi đàng, để nâng chúng con lên làm con cái Chúa. Xin giúp chúng con biết sống sao cho xứng đáng với địa vị cao trọng này.
29/01/20 THỨ TƯ TUẦN 3 TN
Mc 4, 1-20
ĐÓN NHẬN TRONG TỰ DO
Người dùng dụ ngôn mà dạy họ nhiều điều… Rồi Người nói: “Ai có tai nghe thì nghe.” (Mc 4,2.9)
Suy niệm: Không có nhiều dụ ngôn vừa được Chúa kể, vừa được Ngài giải thích như dụ ngôn người gieo giống này. Câu chuyện cùng với lời giải thích giúp ta hiểu rõ sứ điệp kép của Chúa Giêsu: một mặt Thiên Chúa quảng đại gieo Lời của Ngài trên mọi mảnh đất tâm hồn, mặt khác Lời của Ngài sinh hoa kết quả tuỳ theo thái độ sẵn sàng đón nhận của người nghe. Câu nói “Ai có tai nghe thì nghe” cho thấy không phải mọi hạt giống Lời Chúa đều được đón nhận và sinh kết quả. Cũng không có ý nói ai muốn hiểu sao thì hiểu. “Ai có tai nghe thì nghe”: Chúa Giê-su cho thấy người ta hoàn toàn tự do trong sự lựa chọn thái độ đón nhận Lời Chúa cho mình. Lời Chúa vẫn được gieo bằng nhiều cách và luôn mời gọi đón nhận… phần còn lại là thái độ đón nhận của mỗi người chúng ta, để cho tâm hồn mình là mảnh đất màu mỡ hay mảnh đất khô cằn.
Mời Bạn: Thánh Âutinh nói: “Thiên Chúa sinh ra bạn không cần bạn, nhưng Ngài không thể cứu rỗi bạn nếu bạn không muốn cộng tác với Ngài.” Lời Chúa hôm nay mời gọi bạn sẵn sàng lắng nghe và để Lời Chúa biến đổi tâm hồn mình trở nên mảnh đất tốt.
Chia sẻ: Tôi làm gì để Lời Chúa thấm nhuần và biến đổi tâm hồn tôi?
Sống Lời Chúa: Chuẩn bị tâm hồn xứng hợp trước khi nghe Lời Chúa: giữ thinh lặng – hồi tâm – hướng về Chúa và thưa: “Lạy Chúa xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe.”
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con ơn Thánh Thần, để tâm hồn chúng con được biến đổi khi nghe Lời Chúa và để chúng con đem Lời ra thực hành trong cuộc sống thường ngày.
30/01/20 THỨ NĂM TUẦN 3 TN
Mc 4, 21-25
TOẢ SÁNG BẰNG ÁNH SÁNG CHÚA KITÔ
“Chẳng lẽ đem đèn tới để đặt dưới cái thùng hay dưới gầm giường? Nào chẳng phải là để đặt trên đế sao?” (Mc 4,21)
Suy niệm: Chuyện kể rằng có một ngôi chùa kia quanh năm suốt tháng vắng vẻ “như chùa Bà Đanh”. Vị sư trụ trì liền thỉnh một tượng Phật to về đặt trong chùa. Thế nhưng tình thế vẫn không thay đổi. Vị sư liền tìm đến một thiền sư ẩn tu trong núi sâu vấn kế. Vị thiền sư trả lời: “Vì thầy chỉ thỉnh tượng Phật chứ không thỉnh Phật.” Các Kitô hữu có khi cũng rơi vào tình huống tương tự khi nghe Chúa Giêsu nói “Các con là ánh sáng thế gian” rồi tưởng rằng mình đã nắm gọn chân lý trong tay và tự đặt mình “trên đế cao” mà quên rằng mình mới chỉ là cái đèn chưa có ánh sáng. Phải toả sáng bằng ánh sáng Chúa Kitô thì sự hiện diện của ngọn đèn trên đế cao mới có ý nghĩa.
Mời Bạn: Dù là đèn dầu hay đèn điện… cũng phải tiếp xúc với nguồn năng lượng mới có thể toả sáng. Ngọn đèn kitô hữu toả sáng bằng ánh sáng Chúa Kitô bằng cách sống những giá trị Tin Mừng một cách dạn dĩ, không mặc cảm, không sợ sệt. Cũng như năng lượng phải được đốt cháy, người ki-tô hữu phải dám chấp nhận hy sinh, thập giá, theo gương Thầy Giêsu thì mới toả sáng được.
Chia sẻ: Xã hội ngày nay đang cần phát huy những giá trị Tin Mừng: khiết tịnh, khó nghèo, công bằng, tôn trọng sự thật, tôn trọng sự sống. Bạn cần chấp nhận những thập giá nào để những giá trị đó được toả sáng?
Sống Lời Chúa: Chọn thực hiện một giá trị Tin Mừng liên quan trực tiếp đến công việc, cuộc sống hằng ngày của bạn.
Cầu nguyện: Xin Chúa thắp sáng lên trong trái tim con tình yêu của Chúa.
31/01/20 THỨ SÁU TUẦN 3 TN
Thánh Gioan Boscô, linh mục
Mc 4,26-34
KIÊN NHẪN TRONG HY VỌNG
“Đêm hay ngày, người ấy ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên … người ấy không biết.” (Mc 4,27)
Suy niệm: Chúng ta đang sống trong thời đại thức ăn nhanh, mì ăn liền, cà phê hoà tan 3 trong 1 uống ngay, thức ăn chế biến sẵn, vài phút kết nối mạng hay điện thoại, là có thể liên lạc với cả thế giới. Nhịp sống hối hả này phần nào ảnh hưởng đến cái nhìn về toàn bộ cuộc sống, đặc biệt cuộc sống tinh thần. Có những bậc cha mẹ nổi nóng khi thấy con cái không tiến bộ ngay về học vấn hoặc tính nết. Có những hội viên các tổ chức tông đồ buồn lòng khi nhìn các nỗ lực truyền giáo chưa đạt kết quả. Và cũng có bao tâm hồn thiện chí dao động sau vài năm tháng tập luyện nhân đức, sống Lời Chúa, mà sao ‘vũ như cẩn’. Đức Giêsu nhắc nhở chúng ta cần kiên nhẫn tựa như người nông dân, sau khi gieo giống và chăm sóc, kiên nhẫn chờ mùa gặt, bởi vì ông không thể đốt giai đoạn.
Mời Bạn: Thử đọc câu nói của Maiakovski: “Trên đường đời, hành lý con người cần mang theo là lòng kiên nhẫn và tính chịu đựng.” Đối với người Kitô hữu, đúng hơn là lòng kiên nhẫn và niềm hy vọng, bởi vì tin tưởng vào Thiên Chúa quyền năng và cũng là Cha nhân lành, Ngài sẽ làm mọi sự có kết quả, qua thời gian.
Chia sẻ: Tôi sẽ làm gì để điều chỉnh nếp suy nghĩ muốn đốt giai đoạn?
Sống Lời Chúa: Tôi sẽ bắt đầu sửa chữa một tính xấu nổi cộm, kiên trì tập mỗi ngày và hy vọng từng giây phút.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, cảm tạ Chúa đã dạy chúng con bài học kiên nhẫn để thành công trên đời và nhất là thành người con Chúa. Xin cho chúng con không nóng vội đốt giai đoạn, nhưng kiên trì hoạt động trong hy vọng và phó thác vào Chúa. Amen.
Có thể bạn quan tâm
Cửa Thánh: Nguồn Gốc, Lịch Sử, Ý Nghĩa Và Việc Mở Cửa Thánh
Th12
Trực Tiếp Sứ Điệp Giáng Sinh Năm 2024 Và Phép Lành Toàn Xá..
Th12
Đức Thánh Cha Chủ Sự Nghi Thức Mở Cửa Thánh Đền Thờ Thánh..
Th12
Ngày 26-12: Thánh Stêphanô, tử đạo tiên khởi
Th12
Đức cha Louis chủ sự đại lễ Giáng sinh tại Nhà thờ Chính..
Th12
Chuyến mục vụ của Đức cha Louis trước đại lễ Giáng Sinh
Th12
Suy Niệm Lễ Giáng Sinh – Một Người Con Đã Được Ban Tặng..
Th12
Ngày 25 Tháng 12 – Đại Lễ Giáng Sinh
Th12
Ngắm nhìn Hang Đá Máng Cỏ chúng ta nghĩ gì?
Th12
Thư Gửi Sinh Viên, Học Sinh Công Giáo Nhân Dịp Mừng Lễ Chúa..
Th12
Thánh Lễ An Táng Đức Cố Tổng Giám Mục Têphanô Nguyễn Như Thể
Th12
Suy Niệm Chúa Nhật IV Mùa Vọng C: Đức Maria, Người mang Chúa..
Th12
Đức Thánh Cha Phanxicô: Năm Thánh, Cơ Hội Ân Sủng Gặp Gỡ Chúa..
Th12
Bầu không khí và các Hang đá mừng Chúa Giáng Sinh tại Giáo..
Th12
Thánh Ca Năm Thánh 2025
Th12
Điều gì đã lấy mất ý nghĩa Giáng sinh của chúng ta
Th12
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi
Th12
Bài Hát Cộng Đồng Lễ Chúa Giáng Sinh Năm 2024
Th12
VPTGM-GPHT: Thông báo Thánh lễ Khai mạc Năm Thánh 2025
Th12
5 Cách Đơn Giản Để Dọn Tâm Hồn Đón Chúa
Th12