
Vào ngày 27-3-2013, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã có buổi tiếp kiến chung đầu tiên tại Quảng trường Thánh Phêrô. Hôm ấy, ngài đã đưa ra lời kêu gọi hòa bình tại Cộng hòa Trung Phi. Lực lượng nổi dậy đã chiếm chính quyền trong một cuộc đảo chính vài ngày trước đó, dẫn đến bạo lực và chia rẽ.
Kể từ buổi tiếp kiến chung đầu tiên đó, tuần này qua tuần khác, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nhắc đến những cuộc xung đột và chiến tranh ảnh hưởng đến nhiều quốc gia trên toàn cầu thông qua các bài phát biểu, thư từ, tuyên bố, v.v.
Theo Vatican News, Đức Giáo hoàng đã đưa ra 130 lời kêu gọi hòa bình cho Ukraine và 60 lời kêu gọi cho Trung Đông chỉ riêng từ năm 2023 đến năm 2024.
Đôi khi ngài thậm chí còn gây ra tranh cãi trong những tuyên bố của mình liên quan đến một số xung đột. Nhưng trên hết, Đức Giáo hoàng không ngừng khẳng định sự gần gũi của mình với những người đau khổ.
Khi thế giới vẫn tiếp tục bị tàn phá bởi chiến tranh 11 năm sau khi Đức Giáo hoàng Phanxicô được bầu, Aleteia đã tổng hợp một số câu trích dẫn thể hiện một số chủ đề thường gặp của Đức Giáo hoàng khi đề cập đến xung đột.
1. MỘT CUỘC CHIẾN TRANH THẾ GIỚI THỨ BA ĐÃ DIỄN RA TỪNG PHẦN
Trong suốt triều đại của mình, Đức Giáo hoàng Phanxicô thường nhắc lại rằng thế giới đương đại của chúng ta đang trải qua Thế chiến thứ ba; nó chỉ đơn giản là đang diễn ra thành từng mảnh rải rác trên khắp thế giới. Một trong những ví dụ sớm nhất về việc ngài sử dụng cách diễn đạt này là trong chuyến đi tới Sarajevo, thủ đô của Bosnia và Herzegovina vào tháng 6 năm 2015.
“Ngay cả trong thời đại của chúng ta, mong muốn hòa bình và cam kết xây dựng hòa bình vẫn đi ngược với thực tế là có nhiều cuộc xung đột vũ trang đang ảnh hưởng đến thế giới hiện nay của chúng ta. Đây chính là cuộc Chiến tranh thế giới thứ ba đang diễn ra từng phần và, trong bối cảnh truyền thông toàn cầu, chúng ta luôn cảm nhận được bầu khí chiến tranh.
Một số người cố tình kích động và gây ra bầu khí chiến tranh này, chủ yếu là những người muốn tạo xung đột giữa các nền văn hóa và xã hội khác nhau, và những người đầu cơ vào cuộc chiến ấy với mục đích bán vũ khí… Này, bạn đã biết và đã có trải nghiệm về cuộc chiến đó rồi: Bao nhiêu là đau khổ, bao nhiêu là tàn phá, bao nhiêu là đớn đau!”
2. CHIẾN TRANH LUÔN LÀ MỘT THẤT BẠI
Đức Giáo hoàng cũng đã nhiều lần nhấn mạnh rằng chiến tranh luôn là một thất bại không chỉ đối với quốc gia thua cuộc, mà còn đối với tất cả các bên liên quan. Ngay cả những “người chiến thắng” cũng phải đối mặt với sự tàn phá và đau khổ do chiến tranh gây ra. Tại một buổi cầu nguyện cho hòa bình được tổ chức chỉ vài tháng sau khi ngài đắc cử giáo hoàng, vào ngày 7-9-2013, Đức Thánh Cha đã nói:
“Hãy nhìn đến nỗi buồn của anh em mình. Tôi nghĩ đến những đứa trẻ: hãy nhìn đến những đứa trẻ này… hãy nhìn đến nỗi buồn của anh em mình; hãy dừng tay lại và đừng cổ xúy thêm, mà hãy xây dựng lại sự hòa hợp đã bị phá vỡ; và tất cả những điều này đạt được không phải bằng xung đột mà bằng sự gặp gỡ! Mong tiếng ồn của bon đạn mau chấm dứt! Chiến tranh luôn đánh dấu sự thất bại của hòa bình, nó luôn là một thất bại đối với nhân loại… Anh chị em, hãy tha thứ, hãy đối thoại, hòa giải. Đây là những lời kêu gọi hòa bình, tại Syria yêu dấu, tại Trung Đông, trên toàn thế giới!”
Tại buổi tiếp kiến chung vào ngày 23-3-2022, Đức Giáo Hoàng đã phát biểu:
“Không có chiến thắng trong chiến tranh: mọi thứ đều thất bại. Xin Chúa sai Thánh Linh của Người đến để chúng ta hiểu rằng chiến tranh là sự thất bại của nhân loại, để chúng ta hiểu rằng, thay vào đó, chúng ta cần phải đánh bại chiến tranh. Xin Thánh Linh của Chúa giải thoát tất cả chúng ta khỏi nhu cầu tự hủy hoại này được thể hiện trong việc tiến hành chiến tranh.”
3. NHỚ ĐẾN NHỮNG NGƯỜI MẸ VÀ NHỮNG NGƯỜI VỢ
Trong nhiều bài phát biểu, Đức Giáo hoàng gợi suy nghĩ về những người mẹ và những người vợ mất con trai, mất chồng và cha đang ở tuyến đầu của các cuộc chiến tranh. Trong chuyến viếng thăm Nghĩa trang Chiến tranh tại Rome vào ngày 2-1-2023, nhân Ngày lễ cầu nguyện cho các linh hồn, ngài đã nói :
“Tôi nghĩ đến cha mẹ, đến những bà mẹ đã nhận được lá thư: “ Thưa bà, tôi rất vinh dự được thông báo với bà rằng con trai bà là một anh hùng.’ ‘Vâng, một anh hùng — nhưng họ đã cướp mất con tôi.’ Quá nhiều nước mắt trong những cuộc đời đã bị cắt ngắn đó. Và tôi không thể không nghĩ đến những cuộc chiến tranh đang diễn ra hiện nay: quá nhiều người, trẻ và không còn trẻ nữa…”
Hoặc trong thông điệp gửi đến “Diễn đàn Paris về hòa bình” vào tháng 11 năm 2023:
“Không có cuộc chiến nào mà không phải trả giá bằng những giọt nước mắt của người mẹ chứng kiến đứa con của mình bị tàn tật hoặc bị giết; không có cuộc chiến nào mà không phải trả giá bằng sự mất mát mạng sống của dù chỉ một con người, một tạo vật thiêng liêng được tạo ra theo hình ảnh và giống như Đấng Tạo Hóa; không có cuộc chiến nào không phải trả giá bằng sự đầu độc ngôi nhà chung của chúng ta; và không có cuộc chiến nào mà không phải trả giá bằng sự tuyệt vọng của những người buộc phải rời bỏ quê hương của họ.”
4. NHỚ ĐẾN TRẺ EM
Đức Giáo hoàng cũng luôn nghĩ đến những thành viên trẻ tuổi của xã hội, những người có tuổi thơ bị đánh cắp khi họ lớn lên trong bóng tối của chiến tranh. Giống như nhiều vấn đề xã hội mà ngài đề cập đến, Đức Giáo hoàng cho thấy vấn đề này không ảnh hưởng đến “nhân loại vô danh”, mà là những cá nhân thực sự, mỗi người đều có câu chuyện riêng của mình.
Đức Thánh Cha thường gặp trẻ em từ các quốc gia bị chiến tranh tàn phá, tại các buổi tiếp kiến chung, hay những dịp đến thăm các bệnh viện. Trong bức thư gửi người dân Ukraine, được công bố vào tháng 11 năm 2022, Đức Thánh Cha nói:
“Tôi thường nghĩ đến nhiều câu chuyện bi thảm mà tôi đã nghe, đặc biệt là những câu chuyện liên quan đến trẻ nhỏ: Có bao nhiêu trẻ em đã bị giết, bị thương hoặc mồ côi, bị tách khỏi cha mẹ của chúng! Cùng với bạn, tôi khóc cho mỗi đứa trẻ bị giết trong cuộc chiến này, như Kira ở Odessa, như Lisa ở Vinnytsia, như hàng trăm đứa trẻ khác. Cảm nhận từ hoàn cảnh mỗi trẻ em, chúng ta phần nào nhận thấy mình cũng đã bị tổn thương sâu sắc. Bây giờ chúng đang ở trong vòng tay của Chúa; chúng nhìn thấy những cuộc chiến tranh của chúng ta và cầu nguyện cho chiến tranh đó sớm kết thúc.”
5. ĐỪNG QUÊN TẤT CẢ CÁC CUỘC XUNG ĐỘT TRÊN THẾ GIỚI
Đức Giáo hoàng cũng thường kêu gọi mọi người đừng quên những xung đột đang diễn ra nhưng không được đưa tin nhiều. Năm 2019, ngài đã nói trong một cuộc họp với các nhà báo nước ngoài tại Ý:
“Tôi chợt nhớ đến câu hỏi mà một trong các bạn đã hỏi tôi cách đây không lâu: ‘Cha nghĩ gì về những cuộc chiến tranh bị lãng quên?’ Những cuộc chiến tranh đang diễn ra nhưng mọi người lại quên mất, những cuộc chiến tranh không phải là chủ đề hằng ngày trên báo chí, trên phương tiện truyền thông. Hãy cẩn thận: Đừng quên thực tế, vì giờ đây đừng nghĩ “cuộc chiến đã đi qua. Không, thực tế vẫn tiếp diễn, chúng ta vẫn tiếp tục. Việc ghi nhớ vấn đề này là một việc nên làm. Những cuộc chiến tranh bị xã hội lãng quên, nhưng vẫn đang tiếp diễn.”
Năm 2022, ngài nói với các thành viên Viện Giáo hoàng Truyền giáo (PIME):
“Hôm nay tất cả chúng ta đều lo lắng, và đúng là chúng ta nên lo lắng, về một cuộc chiến tranh ở đây tại châu Âu, ngay trước ngưỡng cửa châu Âu và tại châu Âu, và đang có những cuộc chiến tranh trong nhiều năm: ở Syria, Yemen Myanmar, châu Phi… Những cuộc chiến tranh bị lãng quên, thật là tội lỗi khi lãng quên chúng như vậy.”
6. VẤN ĐỀ BUÔN BÁN VŨ KHÍ
Một yếu tố của chiến tranh liên tục nhận được sự chỉ trích mạnh mẽ nhất của Đức Giáo hoàng: Đó là vấn nạn buôn bán vũ khí và những kẻ đang hưởng lợi từ việc giết chóc. Một yếu tố của chiến tranh liên tục nhận được sự chỉ trích mạnh mẽ nhất của Giáo hoàng: buôn bán vũ khí và những kẻ hưởng lợi từ việc giết chóc, thậm chí còn tìm cách kích động nó để tiếp tục có tiền đổ vào. Đức Giáo hoàng Phanxicô thường lên án các thị trường liên quan đến việc nghiên cứu, chế tạo vũ khí để hủy diệt. Trong một cuộc gặp gỡ người tị nạn và người khuyết tật ở Jordan, trong chuyến thăm Đất Thánh năm 2014, Đức Giáo hoàng đã nói:
“Tôi tự hỏi: Ai đang bán vũ khí cho những người này để gây chiến? Đây chính là gốc rễ của tội ác: Thù hận và tham tiền khi sản xuất và buôn bán vũ khí. Điều này khiến chúng ta phải suy nghĩ về việc ai phải chịu trách nhiệm cho tình hình này, vì đã cung cấp vũ khí cho những người đang gây ra xung đột và duy trì xung đột. Chúng ta hãy suy nghĩ về điều này và với trái tim chân thành, chúng ta hãy kêu gọi những tên tội phạm xấu xa này thay đổi cách sống của chúng.”
7. ĐỪNG TRỞ NÊN THỜ Ơ
Một lời cảnh báo thường xuyên của Đức Giáo hoàng Phanxicô trong số các chủ đề của ngài là “toàn cầu hóa sự thờ ơ”. Sự thờ ơ này khiến mọi người xa lánh những anh em đồng loại đang đau khổ. Khi Đức Giáo hoàng đến thăm Đài tưởng niệm quân sự Redipuglia ở miền bắc nước Ý vào năm 2014, vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày xảy ra Thế chiến thứ nhất, ngài đã nói:
“Lòng tham, sự không khoan dung, ham muốn quyền lực… những động cơ này là cơ sở cho quyết định đi đến chiến tranh, và chúng thường được biện minh bằng một hệ tư tưởng; nhưng trước tiên là một đam mê hoặc động lực méo mó. Hệ tư tưởng được trình bày như một sự biện minh và khi có hệ tư tưởng thờ ơ, sẽ có phản ứng như của Cain: “Điều đó có liên quan gì đến tôi? Tôi là người giữ em trai tôi hay sao? (Sáng thế 4:9). Chiến tranh không loại trừ bất kỳ ai, cho dù là người già, trẻ em, mẹ, cha… Điều đó có liên quan gì đến tôi?”
Phía trên lối vào nghĩa trang này, lơ lửng trong không khí là những lời mỉa mai của chiến tranh: “Điều đó có liên quan gì với tôi?” Mỗi người chết đang được chôn cất tại đây đều có những kế hoạch riêng, những giấc mơ riêng… nhưng cuộc sống của họ đã bị cắt ngắn. Tại sao? Tại sao nhân loại lại nói, ‘Điều đó có liên quan gì với tôi?'”
8. ĐỪNG QUEN VỚI CHIẾN TRANH
Khi nhớ lại những xung đột đang diễn ra, đặc biệt là trong các cuộc tiếp kiến chung hàng tuần của Đức Giáo hoàng, hoặc các buổi đọc kinh Truyền Tin / Nữ Vương Thiên Đàng… Đức Giáo hoàng Phanxicô thường khuyến khích mọi người không nên “quen” với các cuộc chiến tranh xảy ra ở những nơi có chiến tranh lâu dài. Trong buổi đọc kinh “Lạy Nữ Vương Thiên Đàng” vào ngày 21-5-2023, Đức Giáo hoàng đã nói đến Suđan:
“Anh chị em thân mến, thật đáng buồn, nhưng một tháng sau khi bạo lực bùng phát ở Suđan, tình hình vẫn tiếp tục nghiêm trọng… Xin đừng quen với xung đột và bạo lực. Đừng quen với chiến tranh.”
Tương tự như vậy, tại buổi cầu nguyện chung vào ngày 12-6-2022, ngài đã nhấn mạnh đến tình hình ở Ukraine:
“Suy nghĩ về người dân Ukraine, đang phải chịu đựng chiến tranh, vẫn làm cho trái tim tôi thổn thức. Mong rằng thời gian trôi qua không làm dịu đi nỗi đau và sự lo lắng của chúng ta đối với dân tộc đang đau khổ đó. Xin đừng quen với thực tế bi thảm này! Hãy luôn giữ nó trong tim mình. Hãy cầu nguyện và phấn đấu cho hòa bình.”
9. XIN HÃY DỪNG LẠI
Những lời kêu gọi hòa bình liên tục của Đức Giáo hoàng Phanxicô thường cho thấy cường độ cảm xúc của Ngài khi ngài kêu gọi chấm dứt chiến tranh:
– Ngày nay, chiến tranh tự nó đã là một tội ác chống lại loài người.
– Chiến tranh là sự điên rồ. Chiến tranh luôn là sự thất bại.
– Đủ rồi, làm ơn! Tất cả chúng ta hãy cùng nói: Đủ rồi, làm ơn! Xin hãy dừng lại đi!
Đôminicô Nguyễn Bảo Lộc (TGPSG) chuyển ngữ từ Aleteia
Nguồn: tgpsaigon.net
Có thể bạn quan tâm
Lời Cầu Nguyện Cho Cuộc Hành Hương Qua Cửa Thánh
Th2
Thượng Hội Đồng: Các Điều Phối Viên Và Thư Ký Của Mười Nhóm..
Th2
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam Cầu Nguyện Cho Đức Thánh Cha Phanxicô
Th2
Cửa Sót – Nơi Hạt Giống Tin Mừng Đầu Tiên Được Gieo Vãi..
Th2
Hướng Dẫn Dành Cho Bậc Cha Mẹ Công Giáo Giúp Trẻ Sử Dụng..
Th2
Những Chuyến Tàu Mang Số Hiệu Hy Vọng
Th2
Bài Hát Cộng Đồng Chúa Nhật 7 Thường Niên Năm C
Th2
Nên làm gì sau khi phạm tội trọng
Th2
Nhịp Sống Giáo Hội Việt Nam Số 7 (11/02 – 17/02/2025): Hội Thánh..
Th2
Đức Thánh Cha Bổ Nhiệm Sơ Raffaella Petrini Làm Chủ Tịch Phủ Thống..
Th2
Suy Niệm Mỗi Ngày: Tuần VI Thường Niên – Năm C
Th2
Niềm Hy Vọng Kitô Giáo Trong Đời Sống Của Người Tín Hữu
Th2
9 Cách Nói Nhức Nhối Của Đức Giáo Hoàng Phanxicô Về Chiến Tranh
Th2
Thư Của Đức Thánh Cha Phanxicô Gửi Các Giám Mục Hoa Kỳ Về..
Th2
12 Chìa Khóa Củng Cố Gia Đình: Lộ Trình Dẫn Đến Sự Hiệp..
Th2
Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật VI Thường Niên C
Th2
Giáo hạt Chính tòa hành hương Năm Thánh trong những ngày đầu Xuân
Th2
Đức Cha Louis Dâng Thánh Lễ An Táng Bà Cố Maria Trương Thị..
Th2
Giáo Dục Mà Không Chê Bai: 7 Câu Không Nên Nói Với Trẻ
Th2
Suy Niệm Chúa Nhật V Thường Niên C – Ơn gọi: ..
Th2