10 bí quyết giúp bạn thăng tiến hôn nhân

758 lượt xem

Gia đình là nền tảng cơ bản của xã hội. Nó đóng vai trò quan trọng đến nỗi lịch sử của một quốc gia, một nền văn minh phụ thuộc rất lớn vào sự phát triển lành mạnh của gia đình.

Trong thực tế, lịch sử thế giới đã chứng minh rằng sự suy vong và tan rã của các đế chế và nền văn minh hùng mạnh có liên quan trực tiếp đến sự suy tàn của gia đình.

Nhiều xu hướng hiện đại đang đe dọa đến sự bền vững của gia đình. Cũng cần phải nói rõ rằng, một gia đình đích thực trong nhãn quan Kitô giáo là sự kết hợp giữa người nam và người nữ, được chúc lành và thánh hóa qua Bí tích Hôn phối. Và mục đích chính yếu của sự kết hợp giữa người nam và người nữ qua Bí tích Hôn phối là để sinh dưỡng và nuôi dạy con cái về sau.

Một khi đứa trẻ được thụ thai và chào đời, bố mẹ chúng gánh lấy trách nhiệm hệ trọng là phải khắc ghi vào lòng chúng sự hiện diện của Thiên Chúa, bắt đầu từ Bí tích Thánh tẩy. Sau đó, bố mẹ phải cố gắng tiếp tục nuôi dưỡng sự hiểu biết và lòng yêu mến Thiên Chúa của con mình, chủ yếu là qua việc dạy con cách cầu nguyện. Đồng thời, bố mẹ cũng phải là người hướng dẫn và chuẩn bị cho con trẻ lãnh nhận các Bí tích – đặc biệt là Bí tích Giải tội, Thánh Thể, và Thêm sức.

Nói một cách rõ ràng nhất, nhiệm vụ chính yếu của người làm cha mẹ trên bình diện siêu nhiên là dọn đường cho con mình ngày sau trở thành những công dân vĩnh cửu trong Nước Trời.

Do đó, chúng tôi đưa ra ở đây 10 đề xuất, nhằm hướng dẫn các đôi vợ chồng những phương cách giúp họ thăng tiến tình yêu với Thiên Chúa, tình yêu trong hôn nhân, tình yêu dành cho con cái, và lòng ước mạnh mẽ của họ để xây dựng những gia đình lành mạnh, thánh thiện, và mẫu mực, vốn được sánh ví như một chiếc cầu mà trên đó con cái họ có thể băng qua để đi từ trần thế lên thiên đàng. Trên thực tế, nếu không có những định hướng rõ ràng, những lời khuyên đúng đắn và sự học hỏi liên tục, việc xây dựng những gia đình thánh thiện và mẫu mực là một việc rất khó khăn. Ước mong sao 10 gợi ý cụ thể này có thể trở thành bàn đạp cho các cặp vợ chồng bay cao trong đời sống thiêng liêng, cùng đưa con cái họ theo trên cánh chim đại bàng hướng về vòng tay yêu thương của Cha chúng ta trên trời.

Hãy cầu nguyện cho người bạn đời (cũng như gia đình bạn) hàng ngày. Hãy dành ít nhất hai thánh lễ trong năm để cầu nguyện riêng cho người bạn đời của bạn: một lần vào ngày sinh nhật của họ, và một lần vào ngày kỉ niệm thành hôn. Nhiều hơn thì càng tốt. Nhân dịp Ngân khánh 25 năm linh mục của tôi, mẹ tôi đã dành 25 thánh lễ để cầu nguyện theo ý nguyện của tôi. Một thánh lễ có giá trị hơn mọi thứ trên đời. Đó là Máu Thánh Chúa Giêsu đổ ra dâng về Chúa Cha để cứu chuộc trần gian.

Đây là lời khuyên mà tôi luôn dành cho các cặp đôi trong ngày cưới: “Anh/em yêu em/anh, hãy tha thứ cho anh/em; Anh/em tha thứ cho em/anh!”

Kinh Thánh dạy chúng ta: “Chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn.” (Ep 4, 26). Nếu có tranh cãi, bất đồng, hay mâu thuẫn, hãy đảm bảo đừng đi ngủ khi hai người còn giận nhau. Nếu làm vậy, cơn giận sẽ biến thành oán hờn, lạnh nhạt, cay cú, và thậm chí thành thù hận. Hãy nhớ lời Chúa Giêsu dạy: “Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình.” (Mt 5, 23-24). Ngài cũng nói: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ.” (Lc 6, 36), hay “…xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con…” (Mt 6, 12). Nhà thơ Công giáo người Anh Alexander Poet có câu: “Lỗi lầm là phàm nhân, tha thứ là thánh nhân.”

Mỗi tối trước khi đi ngủ, hãy lên kế hoạch cho một việc tốt lành để làm vui lòng người bạn đời của mình vào ngày hôm sau.

Là bạn đời của nhau, hãy luôn vun đắp việc giao tiếp. Tại sao không thử hẹn hò ăn tối ở nhà hàng mỗi tháng, nhờ người trông trẻ để có thời gian tâm sự, chia sẻ, lên kế hoạch và đơn giản là tận hưởng khoảng thời gian bên nhau. Khi đi ăn với các bạn mình, tôi thường kết thúc bằng câu: “Bữa ăn hôm nay rất tuyệt, nhưng cảm giác ngồi bên nhau thì tuyệt hơn nhiều.”

Đức cha Fulton J. Sheen có một cuốn sách tên là Hôn Nhân Cần Ba Người (Three to Get Married) – người chồng, người vợ, và Thiên Chúa! Không gì có thể nhấn mạnh đủ tầm quan trọng của việc cùng nhau cầu nguyện, cả vợ chồng và cả gia đình. Lời khuyên quý giá của cha Patrick Peyton, vị linh mục nổi tiếng với việc khuyến khích lần hạt Mân Côi, vẫn luôn đúng đắn: “Một gia đình cầu nguyện cùng nhau thì ở lại bên nhau.”

Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy rẫy những điều tiêu cực, những sự chỉ trích và công kích liên tục, cả trên bình diện thể lý lẫn ngôn từ. Chúng ta phải làm điều ngược lại: cố gắng dành cho nhau những lời nói và cử chỉ tán dương đối phương bằng việc trân trọng những điểm tốt ở người bạn đời của mình. Thật dễ quên nói lời cảm ơn khi ta tận hưởng một bữa ăn ngon lành mà chồng hay vợ mình vất vả chuẩn bị hàng giờ liền. Người chồng cũng rất hiếm khi nhận được lời công nhận từ vợ mình sau khi đã làm việc quần quật từ sáng tới đêm, thậm chí phải chịu cả thiệt thòi, để trang trải chi phí cho gia đình. Nói ngắn gọn, chúng ta rất dễ dàng xem những nỗ lực này của nhau là đương nhiên. Chúng ta rất dễ làm ngơ những điều tốt lành mà người bạn đời của mình đang làm hàng ngày.

Hãy nghĩ đến việc dành riêng một buổi mỗi tháng để làm mới lại đời sống thiêng liêng của gia đình bạn. Hẳn là bạn sẽ hỏi phải làm như thế nào? Đơn giản thôi, hãy dành ra một ngày hoặc một buổi tối cho các hoạt động đức tin trước, và kế đến là cho các hoạt động xã hội. Ví dụ như cả nhà cùng nhau đi xưng tội, tham dự thánh lễ và rước lễ, sau đó là cùng nhau lần chuỗi Mân Côi để cầu nguyện cho tình yêu thương và sự hiệp nhất trong gia đình. Sau thời gian tĩnh tâm gia đình này là thời gian sum họp bữa tối vui vẻ! Hãy thử “một công đôi việc” – vừa chăm lo cho đời sống thiêng liêng qua các bí tích và lời cầu nguyện, vừa nuôi dưỡng đời sống gia đình qua một buổi tối ăn uống và trò chuyện cùng nhau (Nhớ tắt điện thoại di động nhé!)

Một thực hành khác mà tôi rất khuyến khích, cũng là một việc có thể được thực hiện trong buổi tĩnh tâm gia đình (đã đề cập ở trên), là một buổi họp mặt gia đình. Điều này có thể sẽ khó nhưng có ích cho việc duy trì mối tương quan và sự thấu hiểu trong gia đình. Trình tự có thể bao gồm các hoạt động sau: cầu nguyện, sau đó bố mẹ bắt đầu bằng việc khen ngợi những việc tốt lành con cái mình đã làm trong tháng vừa qua. Kế đến, bố mẹ khiêm tốn hỏi ý kiến các con về những điều họ có thể phải điều chỉnh hoặc thay đổi để cải thiện đời sống gia đình. Sau đó, bố mẹ có thể chỉ ra những khía cạnh mà con cái phải cố gắng cải thiện để phát triển bản thân cũng như cuộc sống chung của cả nhà. Cả quá trình này đòi hỏi rất nhiều sự khiêm tốn, thành thật, và can đảm, nhưng nó có thể là một công cụ rất hiệu quả để cải thiện giao tiếp và sự thấu hiểu trong gia đình. Nhiều khi, nhiều vấn đề khó khăn phát sinh đến từ việc thiếu giao tiếp và hiểu lầm những hành động, động cơ, và ý định của các thành viên trong gia đình.

Chúa Giêsu chính là người Samari nhân hậu, người đã nâng đỡ và giúp đỡ người đàn ông nửa sống nửa chết bên vệ đường. Tuy nhiên, người Samari nhân hậu giờ đây phải là cả người chồng lẫn người vợ. Thay vì luôn chờ đợi để được phục vụ, được giúp đỡ, được trở thành tâm điểm của sự chú ý, bạn được mời gọi trở thành người Samari nhân hậu, thành người nâng đỡ và phục vụ người bạn đời của mình và các thành viên khác trong gia đình. Thật vậy, một người Samari nhân hậu chân chính là người luôn cố gắng sống chứng nhân cho điều răn sau cùng và quan trọng nhất của Chúa Giêsu: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” (Ga 13, 34).

Nguyện xin Thánh Gia Thất, Chúa Giêsu, Đức Maria và Thánh Cả Giuse nên như mẫu gương cho mọi gia đình. Ước sao gương lành và nguồn cảm hứng từ Thánh Gia Thất sẽ trở thành nguồn khích lệ cho những ai đã lựa chọn ơn gọi nên thánh trong hôn nhân và xây dựng gia đình, để họ luôn nỗ lực sống thánh thiện trong cuộc sống này, nhằm hướng đến hạnh phúc vĩnh cửu trên Nước Trời. Lạy Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse, chúng con phó thác gia đình chúng con cho sự chăm sóc yêu thương của các Ngài.

Tác giả: Fr. Ed Broom, OMV
Nam Anh dịch từ Catholic Exchange

Nguồn: dongten.net

Có thể bạn quan tâm