Vấn đề sách giáo dục ở Việt Nam: Cần bắt đầu lại từ đâu?

1309 lượt xem

Thời gian vừa qua, một trong những vấn đề xã hội nổi cộm ở Việt Nam là vụ việc lùm xùm quanh bộ Sách Tiếng Việt 1 trong bộ sách Cánh Diều. Dư luận xã hội và nhiều nhà chuyên môn đã chỉ ra những vấn đề bất cập của nó, như hình thức và các câu chuyện lộn xộn, rối rắm, phản giáo dục. Theo nhận xét của PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hóa phương Đông, bộ sách này “còn xa mới đáp ứng được các tiêu chuẩn cần có của bộ sách công cụ mà ta gọi là sách giáo khoa.”[1]

Một nền giáo dục thiếu triết lý

Tạm bỏ qua nghi vấn về khả năng ‘gian thương giáo dục’ như nhiều người đang e ngại, điều có thể thấy rất rõ đó là sự thiếu hụt một nền tảng triết lý mang tính nhất quán của hệ thống giáo dục nhân bản của đất nước. Chúng ta dễ dàng nhận ra những tư duy ‘khôn lỏi, ma lanh’ trong các cách diễn đạt và các câu chuyện ngụ ý từ những cuốn sách giáo khoa. Có thể chính những người biên soạn cũng không cố ý như vậy, nhưng chính điều đó lại phản ánh một thứ não trạng chung mang tính ích kỷ, tranh đua đã ăn sâu vào tiềm thức/vô thức của người Việt hiện nay, đến mức ngay cả các nhà giáo dục cũng không thoát ra được mạng lưới của nó.

Vì thế, việc suy nghĩ và nghiên cứu về triết lý giáo dục là điều cần phải làm trước khi tiến hành những kế hoạch tiếp theo. Theo thông tin mới nhất, Bộ Giáo Dục đã quyết định chỉnh sửa, cải cách bộ sách Tiếng Việt 1 nói trên.[2] Tất nhiên, điều này là cần thiết, nhưng chỉ mang tính tạm thời trong lúc cấp bách hiện nay. Thiết tưởng nếu không xây dựng một nền móng triết lý vững vàng thì mọi cải cách sẽ chỉ như xây nhà trên cát, và vài năm sau chúng ta lại phải ngồi với nhau để phàn nàn và hướng đến một cải cách khác, như vốn đã diễn ra mấy chục năm nay. Giáo sư Chu Hảo nhận xét cách xác đáng: “Sự cố này là kết quả tất yếu của các cuộc cải cách giáo dục hơn hai mươi năm gần đây nhằm đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, nội dung sách giáo khoa, phương pháp dạy học, cách thức thi tốt nghiệp phổ thông và tuyển sinh vào đại học…đều không dựa trên một triết lý, một tư tưởng hay một lý luận giáo dục rõ ràng và nghiêm chỉnh nào. Tất cả chỉ là các dự án, đổi mới mang tính chắp vá.”[3] Những cải cách kiểu đó không chỉ hoài phí tiền thuế và làm cạn kiệt niềm tin của người dân, mà quan trọng hơn là biến những thế hệ trẻ em ở đất nước này thành những chú chuột bạch.

Có thể xây dựng triết lý giáo dục như thế nào?

Để hình thành một hệ thống triết lý giáo dục với nền tảng siêu hình vững vàng là điều rất khó khăn, nhất là với một đất nước yếu về triết học như Việt Nam. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chúng ta không thể tìm kiếm một phương hướng triết lý giáo dục cho mình được. Đơn giản vì chúng ta vẫn có thể thực hiện hai điều sau: (1) Nghiên cứu và học hỏi từ triết lý của các nền giáo dục tiên tiến khác; (2) xác định thêm những điểm triết lý đặc thù trong tâm thức và văn hoá người Việt Nam.

Về cơ bản, dù ở đâu, con người cũng chia sẻ những giá trị chung. Chúng ta hay nhấn mạnh đến khía cạnh khác biệt, đặc thù của mỗi dân tộc. Điều đó không sai, vì thực sự văn hoá ảnh hưởng rất lớn đến con người. Tuy nhiên, việc nhấn mạnh đó nhiều khi khiến ta quên rằng có những giá trị và nền tảng cốt lõi chung cho mọi người, ví dụ: ai cũng muốn được hạnh phúc, được yêu thương, được tôn trọng và trở nên hữu ích. Vì vậy, việc giáo dục con người ở mọi nơi đều có những điểm căn bản chung có thể áp dụng cho mọi dân tộc, mọi nền văn hoá.

Việc học hỏi, thậm chí là bắt chước, nền tảng triết lý và tri thức từ một hệ thống giáo dục tốt của nước khác chẳng có gì là xấu hổ. Ngay cả những nền giáo dục tiên tiến trên thế giới cũng không phải tự họ phát kiến và xây đắp bằng sức lực riêng của mình, mà chủ yếu là được phát triển trên nền tảng thừa kế và học hỏi từ bao nhiêu thành quả trước đó của nhân loại, đặc biệt là về mặt triết học. Hơn nữa, bản thân nền giáo dục Việt Nam hiện tại cũng đã chuyển đổi hệ hình theo nền học thuật Phương Tây (từ 1919), vì vậy, việc tiếp tục nghiên cứu và học hỏi, không chỉ từ những nước gần gũi về văn hoá và chủng tộc mà còn từ các nền giáo dục Phương Tây, là điều hết sức cần thiết.

Có nhiều điều chúng ta có thể học hỏi từ họ. Tuy nhiên, có một điểm mang tính cốt lõi cần phải chú trọng: một nền giáo dục được xem là tốt phải có tầm nhìn rằng giáo dục không chỉ để mở mang trí tuệ, mà quan trọng hơn là để mở rộng tâm hồn. Vì thế, các chương trình giáo dục tiên tiến này chú trọng việc giúp trẻ em nâng cao tâm thức quý trọng và yêu mến sự sống, nhất là sự sống con người. Một trong những phương thức giúp đạt điều này chính là cho các em tiếp xúc, chăm sóc và hoà mình vào môi trường thiên nhiên, để các em không chỉ vui chơi, mà còn biết tiếp xúc, trân quý, và chăm sóc sự sống của từng sinh mệnh bé nhỏ. Ví dụ, trẻ em mẫu giáo được cho gieo một hạt giống nào đó, rồi sau đó từng em sẽ quan sát và chăm sóc cây đó cho đến trưởng thành. Các em cũng được tạo điều kiện để tiếp xúc, chơi đùa với các con vật (trong công viên, nơi nông trại, vv.), và chăm sóc chúng. Đó là cách hiệu quả để các em thật sự có lòng quý trọng từng sinh mệnh, lẫn lòng tôn kính Đấng Tạo Hoá; và đó là cách để thiện tính trong tâm hồn các em được mở rộng. Một đứa trẻ biết yêu mến thiên nhiên, yêu mến sự sống của muôn loài, thì chắc hẳn cũng sẽ biết tôn trọng chính mình và yêu mến tha nhân; biết quý trong sự sống của họ, và có ý thức đóng góp xây dựng xã hội mãnh liệt hơn.

Còn về khía cạnh đặc thù trong triết lý giáo dục của Việt Nam: nếu nói rằng Việt Nam chưa có nền tảng triết lý giáo dục nào cũng không hẳn đúng, vì chúng ta từng theo hệ hình của Nho học trong một thời gian dài; rồi sau khi tiếp thu hệ hình Tây học, các nhà trí thức lớn thời đầu, như Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Văn Huyên, Tạ Quang Bửu, Đào Duy Anh,.. cũng đã xây dựng được các chương trình giáo dục quy củ và có nền tảng. Đặc biệt, cho đến trước khi kết thúc chiến tranh vào năm 1975, nền giáo dục Miền Nam Việt Nam đã kế thừa và phát triển chương trình của các vị học giả này, để xác lập một triết lý giáo dục khá hệ thống là ‘nhân bản – dân tộc – khai phóng’. Và điều quan trọng hơn cả: chúng ta có một truyền thống giáo dục nhân bản trong gia đình và làng xóm, với những hệ giá trị rất rõ nét được thừa nhận qua nhiều thế hệ.

Vì vậy, dù dường như chúng ta chưa từng có một nền triết lý được biện giải và phân tích cách có hệ thống và hoàn chỉnh, nhưng chúng ta lại có sẵn những giá trị triết lý mang tính quy chiếu rất rõ ràng trong gia sản của truyền thống văn hoá và tâm thức của dân tộc mình. Theo thiển ý người viết, chúng ta có thể liệt kê 5 giá trị nhân bản mang tính nền tảng đó như sau:

(1) Đạo hiếu. Trong tâm thức người Việt, đây là giá trị nền tảng trong tương quan với gia đình.

(2) Tự trọng. Đây là giá trị cốt lõi trong tương quan của một người với chính mình (‘tự trọng’ nghĩa là biết tôn trọng chính bản thân mình).

(3) Chân thành – Trung tín – Tương trợ. Đây là giá trị nền tảng trong tương quan với tha nhân và xã hội nói chung.

(4) Yêu quê hương, dân tộc. Đây là giá trị đặc trưng trong tương quan với đất nước.

(5) Hiền lành và thương người. Đây là giá trị quy chiếu trong tương quan với tâm thức thiêng liêng, tôn giáo.

Chính những giá trị đó đóng vai trò định hướng cách ứng xử và lối sống của từng cá nhân; và chúng trở thành các điểm quy chiếu để xác định đạo đức và luân lý của người Việt.

Cần giao cho ai nghiên cứu?

Sau khi xác định được phương hướng nghiên cứu về triết lý giáo dục, vấn đề quan trọng còn lại phải đặt ra: nhiệm vụ nghiên cứu này nên đặt vào những ai?

Một trong những vấn nạn ở Việt Nam là nhiều người làm việc theo ‘chức vụ’ và ‘nhiệm vụ chính trị’ thay vì ‘chuyên môn chuyên biệt’. Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Tài Nguyên Môi Trường, đã can đảm chỉ ra, “tôi cho rằng lỗi lớn là ta đã ghép ‘giáo dục’ thế hệ trẻ và ‘đào tạo’ người lớn vào chung một bộ. Kể từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo được thành lập, tất cả bộ trưởng đều từ khu vực đại học, các việc lớn đều do bên đại học chủ trì. Một giáo sư ngữ văn, lịch sử hay địa lý có thể rất giỏi chuyên môn, nhưng sẽ trở thành vô nghĩa nếu không rành về tâm lý giáo dục trẻ em.”[4]

Vì vậy, trước hết, cần trao quyền nghiên cứu và làm việc độc lập cho các bộ/viện chuyên về giáo dục, với những người có chuyên môn chuyên biệt. Nhưng cũng cần lưu ý: nhiều người được xem là có ‘chuyên môn’, là ‘nhà sư phạm’ trong thế hệ hiện nay lại có nguy cơ là những ‘chuyên gia trong phòng máy lạnh’. Nghĩa là kết quả nghiên cứu của họ đến từ suy nghĩ chủ quan và mang nặng tính lý thuyết. Vì thế, cần phải có những nhà chuyên môn sư phạm có tâm và tầm thật sự trong sứ mạng này.

Chúng ta có rất nhiều người Việt tài năng, có chuyên môn hoặc tư chất về giáo dục, ở trong nước lẫn khắp nơi trên thế giới. Rất nhiều người trong số họ luôn có tâm huyết và nặng lòng với nước nhà. Vì vậy, tôi tin rằng chỉ cần mở ra một cơ chế thông thoáng, mời họ làm việc, đóng góp cho nền giáo dục nước nhà, thì hẳn nguồn nhân sự cần thiết cho sự mạng này không còn là vấn đề.

Giáo dục, xét cho cùng không phải là chuyện của riêng ai, hay của một nhóm người nào. Vì thế, ước mong không ai thờ ơ với giáo dục, không ai tìm cách trục lợi từ giáo dục, và cũng không ai tìm cách áp đặt ý thức hệ riêng của mình lên giáo dục!

 Khắc Bá, SJ – CTV Vatican News

[1]  https://khoahocdoisong.vn/pgs-ts-nguyen-huu-dat-ve-chat-luong-sach-tieng-viet-1-canh-dieu-khong-dat-153551.html. Cập nhật 18/10/2020.
[2] https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/quyet-dinh-sua-sach-giao-khoa-tieng-viet-lop-1-bo-sach-canh-dieu-681510.html#inner-article. Cập nhật 18/10/2020.
[3] x. https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/tu-su-co-sach-giao-khoa-tieng-viet-lop-1-vai-dieu-can-nhin-lai-post212976.gd  Đăng ngày 13/10/2020.
[4] https://vnexpress.net/sach-giao-duc-va-nguoi-4178074.html. Cập nhật 18/10/2020.

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận