Ủy ban Giáo dân – Thường huấn tháng 04/2024: Cổ võ cung cách ứng xử hiệp nhất trong đa dạng

1651 lượt xem

Ủy ban Giáo dân
Hội đồng Giám mục Việt Nam

THƯỜNG HUẤN THÁNG 04/2024:
CỔ VÕ CUNG CÁCH ỨNG XỬ HIỆP NHẤT TRONG ĐA DẠNG


Bài 1: SỰ ĐA DẠNG TRONG MẦU NHIỆM HIỆP THÔNG CỦA GIÁO HỘI – LM Tôma Vũ Ngọc Tín, S.J.
Bài 2: CỔ VÕ TÍNH TOÀN DIỆN TRONG CÁC HOẠT ĐỘNG TÔNG ĐỒ – LM Antôn Hà Văn Minh

Bài 3: VỀ MỘT NỀN LINH ĐẠO HIỆP NHẤT VÀ ĐA DẠNG – LM Tôma Vũ Ngọc Tín, S.J.

Bài 4: HIỂU BIẾT VÀ TÔN TRỌNG SỰ KHÁC BIỆT – LM Tôma Vũ Ngọc Tín, S.J.

Bài 1: SỰ ĐA DẠNG TRONG MẦU NHIỆM HIỆP THÔNG CỦA GIÁO HỘI – LM Tôma Vũ Ngọc Tín, S.J.

“Thật vậy, ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Ki-tô cũng vậy…” (1Cr 12,12-27)

“Không còn chuyện phân biệt Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Ki-tô.” (Gl 3,28)

“Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người. Nhưng mỗi người chúng ta đã nhận được ân sủng tuỳ theo mức độ Đức Ki-tô ban cho” (Ep 4,4-7).

Đối với các tín hữu Công giáo, mầu nhiệm hiệp thông không chỉ là bản sắc mà còn là sức mạnh kết nối trái tim người tín hữu với Chúa Ki-tô vào với nhau. Khởi nguồn từ Bí tích Rửa Tội, mỗi người tín hữu được tháp nhập vào thân thể nhiệm mầu Chúa Kitô, một thực tại sống động và sâu rộng, nơi mỗi người không chỉ sống cảm thức thuộc về cách sâu xa và mãnh liệt, còn cảm nghiệm sức mạnh của tình yêu và sự hiệp nhất, để sống ơn gọi và sứ mạng độc đáo của mình. Nhờ đó, mỗi người tín hữu, cách riêng là Kitô hữu giáo dân, trong cuộc sống thường ngày, có thể đóng góp vào việc xây dựng Giáo Hội Chúa Ki-tô, một cộng đoàn Dân Chúa hiệp nhất trong đa dạng.

Thật vậy, Bí tích Rửa Tội không chỉ là cánh cửa đưa dẫn vào cuộc sống mới mà còn là lời mời gọi mỗi người Kitô hữu đóng góp vào sứ mạng chung của Giáo Hội theo cách thức độc đáo của mỗi người, qua đó thể hiện sự đa dạng trong mầu nhiệm hiệp thông. Trong bối cảnh này, giáo dân, qua đời sống và chứng tá hằng ngày, được kêu gọi tham gia vào sứ mạng của Giáo Hội không chỉ qua các cử hành phụng vụ mà còn qua đời sống chứng nhân các giá trị Tin Mừng và mầu nhiệm Nước Trời trong cuộc sống hàng ngày, ở mọi nơi và trong mọi hoàn cảnh. Cụ thể, giáo dân là những chứng nhân đức tin trong cuộc sống hàng ngày khi tham gia vào các hoạt động mục vụ và bác ái xã hội giữa đời thường. Sự tham gia và đóng góp của giáo dân trong các lĩnh vực này không chỉ làm phong phú cho cộng đoàn Dân Chúa mà còn diễn tả và xây dựng sự hiệp thông trong Giáo Hội.

Đặc biệt, qua việc tham gia tích cực của mình, người giáo dân góp phần đa dạng hóa và phong phú hóa các hoạt động mục vụ tại giáo xứ hay cộng đoàn tín hữu địa phương, từ các sinh hoạt mục vụ, tổ chức cộng đoàn, đến các hoạt động bác ái xã hội, thể hiện tình yêu và sự quan tâm đối với người khác. Các sáng kiến bác ái, khởi xướng hoặc tham gia bởi giáo dân, là biểu hiện của tình yêu thương và sự chăm sóc dành cho những người nghèo khó, cần giúp đỡ. Qua cuộc sống hàng ngày, giáo dân làm chứng nhân cho đức tin của mình, qua đó thể hiện sức mạnh của Tin Mừng trong đời sống thực tế. Thêm vào đó, sự đa dạng trong Giáo Hội không chỉ là một phần không thể thiếu của mầu nhiệm hiệp thông mà còn là nguồn sức mạnh mà qua đó Giáo Hội có thể thực hiện sứ mệnh toàn cầu của mình. Sự đa dạng của giáo dân không chỉ làm phong phú cho cộng đồng mà còn góp phần vào việc lan tỏa Tin Mừng và thực hiện sứ mạng của Hội Thánh. Để sống và bảo vệ mầu nhiệm hiệp thông này, mỗi người tín hữu đều cần tham gia tích cực và chung tay xây dựng mọi khía cạnh của đời sống Giáo Hội, như một thân thể duy nhất trong Chúa Kitô.

Qua hành trình sống sự đa dạng trong mầu nhiệm hiệp thông của Giáo Hội, chúng ta nhận ra rằng, tâm điểm của sự hiệp thông trong Giáo Hội chính là, qua Bí tích Rửa Tội, mỗi người tín hữu tham gia vào đời sống cộng đoàn và sống mầu nhiệm hiệp thông một cách sống động qua từng khoảnh khắc trong cuộc sống thường ngày để làm chứng cho Tin Mừng. Việc tham gia các hoạt động trong giáo xứ không chỉ diễn tả sự hiệp thông mà còn là những bước đi thiết thực nhằm thực thi sứ mạng xây dựng sự hiệp thông, một sứ mạng mang tầm nhìn phổ quát và được cụ thể hóa qua những hoạt động địa phương. Sự tham gia đa dạng và tích cực của giáo dân không chỉ phản ánh tình yêu thương và sự quan tâm mà chúng ta dành cho nhau mà còn là cơ hội chứng tỏ rằng, thông qua sự hiệp nhất trong Chúa Kitô, chúng ta có thể vượt qua những rào cản và thách đố về sự khác biệt, để lan tỏa Tin Mừng tới mọi ngóc ngách của thế giới.

Như vậy, sự đa dạng trong mầu nhiệm hiệp thông của Giáo Hội không chỉ là bản sắc thay thuộc tính, mà còn là một sứ mạng gắn liền với cách hiện diện và hoạt động của Giáo Hội một cách cụ thể trong bối cảnh văn hóa xã hội đặc thù. Nhờ đó, khi sống mầu nhiệm hiệp thông của Giáo Hội, mỗi Ki-tô hữu nói chung và giáo dân nói riêng, không chỉ làm cho cộng đoàn Dân Chúa phong phú và đa dạng hơn mà còn thể hiện sức mạnh của một Giáo Hội đồng hành, hiệp thông và yêu thương. Trong một thân thể nhiệm mầu duy nhất của Chúa Kitô, mỗi tín hữu được gọi mời để cùng nhau xây dựng và bảo vệ mầu nhiệm hiệp thông này, vì một cộng đoàn Dân Chúa hiệp nhất trong đa dạng, sẵn sàng liên đới và cộng tác trước những thách thức trong đời sống trần thế.

Hồi tâm

  1. Sự đa dạng của giáo dân thể hiện thế nào trong đời sống giáo xứ? Sự đa dạng đó có thể đóng góp thế nào vào việc xây dựng và phát triển sự hiệp thông trong giáo xứ? Tôi trải nghiệm thế nào về cách giáo xứ đón nhận sự đa dạng trong việc xây dựng cộng đoàn giáo xứ?
  2. Tôi có thể đóng góp thế nào, một cách độc đáo và riêng biệt, vào việc thúc đẩy và bảo vệ sự hiệp thông trong đa dạng tại giáo xứ?
  3. Những thách thức trong việc xây dựng sự hiệp thông trong cộng đồng Dân Chúa tại giáo xứ tôi là gì? Đâu là những cơ hội và hoàn cảnh thuận lợi cho nỗ lực dựng xây đó?

 

Bài 2: CỔ VÕ TÍNH TOÀN DIỆN TRONG CÁC HOẠT ĐỘNG TÔNG ĐỒ – LM Antôn Hà Văn Minh

Thư chung Hậu đại hội Dân Chúa 2010 đã minh định: “Sứ vụ loan báo Tin Mừng mang tính duy nhất và toàn diệnDuy nhất, vì tất cả đều khởi đi và quy hướng về con người Đức Giêsu Nadaret và mầu nhiệm của Người. Người là Con Thiên Chúa, Đấng vừa khai mở vừa là hiện thân của Vương Quốc Thiên Chúa qua mầu nhiệm Khổ Nạn và Phục Sinh. Vì thế, khi thi hành sứ vụ nhất thiết phải công bố Danh Chúa Giêsu. Toàn diện, vì sứ vụ bao gồm nhiều hoạt động: công bố Tin Mừng lần đầu tiên (kerygma), huấn giáo nhằm xây dựng sự trưởng thành đức tin, đem tinh thần Phúc Âm thấm nhập mọi lãnh vực đời sống xã hội và văn hóa. Do đó có mối liên hệ mật thiết giữa sứ vụ loan báo Tin Mừng và việc phục vụ sự sống cùng sự phát triển con người toàn diện. Chính Chúa Giêsu dạy Giáo Hội hướng đi này. Cho dù mối quan tâm hàng đầu của Người là rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa, Chúa Giêsu cũng quan tâm đến công bằng xã hội và nhu cầu vật chất của dân chúng. Như thế, Tin Mừng của Người liên kết mật thiết với sự phát triển những giá trị nhân linh, và không hề tách rời đức tin khỏi cuộc sống. Trong bối cảnh xã hội hiện nay, Giáo Hội tại Việt Nam xác tín rằng Dân Chúa cần tích cực cộng tác với mọi người thiện chí, cùng nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống. Đó là phương thế cụ thể để thi hành sứ vụ duy nhất và toàn diện của Đức Kitô trên đất nước này” (Số 32)

Tính toàn diện của công việc tông đồ đòi hỏi người Giáo dân cần được huấn luyện để có thể thi hành sứ mạng mang tính chuyên nghiệp hơn. Quả thật, việc tông đồ không đơn giản chỉ là truyền giáo lôi kéo được nhiều người vào đạo công giáo càng nhiều càng tốt, mà quên đi yếu tố căn bản là làm cho người Tân tòng hiểu đúng về con người Chúa Giêsu, và về ơn cứu độ mà Chúa Giêsu mang đến. Do đó có nhiều người tín hữu, khi loan báo Tin Mừng đã chuyển tải nội dung Tin Mừng không chính xác để nhiều anh em lương dân hiểu lầm, và tạo ra những định kiến đáng tiếc về đạo Công giáo. Việc thực thi tông đồ mang tính toàn diện vẫn là điều xa lạ đối với nhiều người tín hữu Việt Nam, bởi trong tâm thức của nhiều người giáo dân, cuộc sống trần thế này chỉ là chốn lưu đày, không có giá trị, chỉ có đời sống mai sau mới đáng để dồn hết tâm trí vào.

Công đồng Vat. II đã cảnh báo: “Thực sai lầm cho những ai biết rằng chúng ta không có một quê hương trường tồn ở trần thế, nhưng phải kiếm tìm một quê hương hậu lai, mà lại tưởng rằng mình có thể xao lãng các bổn phận trần gian, như thế là không nhận thấy chính đức tin buộc phải chu toàn các bổn phận đó hoàn hảo hơn, mỗi người tùy theo ơn gọi của mình. Ngược lại, cũng sai lầm không kém đối với những ai nghĩ rằng có thể dấn thân hoàn toàn vào các sinh hoạt trần thế như thể các sinh hoạt ấy hoàn toàn xa lạ với đời sống tôn giáo, vì cho rằng đời sống tôn giáo chỉ hệ tại những hành vi phụng tự và một vài bổn phận luân lý phải chu toàn. Sự phân ly giữa đức tin mà họ tuyên xưng và cuộc sống thường nhật của nhiều người phải kể vào số những sai lầm trầm trọng nhất của thời đại chúng ta” (Hiến chế Vui Mừng và Hy vọng số 43)

Bởi đó, việc đào tạo người tín hữu trong việc thi hành sứ vụ Tông đồ với tâm thức toàn diện thật cần thiết, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong Tông huấn “Người tín hữu Giáo dân” đã nhấn mạnh: Đối với người giáo dân, việc khám phá, thực hiện ơn gọi và sứ mạng cá nhân đòi họ phải được huấn luyện để có một cuộc sống thống nhất, là nét ghi dấu nơi chính hữu thể của họ, với tư cách là những chi thể của Giáo Hội và là công dân của xã hội nhân loại. Trong cuộc sống của họ, không thể có hai đời sống song song: một bên là đời sống gọi là “thiêng liêng” với những giá trị và những đòi hỏi riêng; và bên kia là đời sống ‘trần thế’, nghĩa là đời sống gia đình, nghề nghiệp, những tương quan xã hội sự tham gia chính trị, các hoạt động văn hóa” (số 59).

Người tín hữu cần được huấn luyện để nhận ra rằng, khi thực thi sứ vụ Tông đồ, không thể nào thờ ơ trước những vấn nạn liên quan đến vấn đề nhân sinh xảy ra mỗi ngày trong cuộc sống, BS Trần Như Ý-Lan đã chia sẻ: “Người tông đồ có trách nhiệm giải thích kinh nghiệm đời sống dưới ánh sáng của mục đích Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô, và phải hiểu câu chuyện Kitô giáo về Thiên Chúa trong ánh sáng của những gì chúng ta đang kinh nghiệm mỗi ngày. Những cá nhân và những cộng đoàn chạm trán với hy vọng (như sinh con), sợ hãi (chết chóc, bệnh tật, tai nạn), thay đổi đời sống (hôn nhân, nghỉ hưu), lưỡng nan luân lý (đình công, trị liệu thích hợp cho người sắp chết, tiêu tiền bạc như thế nào), bi kịch (thất nghiệp), và tai họa (động đất, lũ lụt, rơi máy bay, khủng bố…), các sự kiện này đòi hỏi một giải thích và thách thức chúng ta về ý nghĩa của chúng. Cách thức người tín hữu hiểu và đáp ứng với các kinh nghiệm như vậy có thể, và có bổn phận phải được xây dựng bằng những niềm tin tôn giáo. Công việc của người mục tử là chung tay sát cánh với các cá nhân và các cộng đoàn trong các kinh nghiệm này để giúp họ suy tư về những sự kiện đó. Ví dụ, chuyện một anh giáo dân mù, từ khi mù, anh được thấy những ánh sáng mà có lẽ không bao giờ anh có được nếu anh tiếp tục có ánh sáng đôi mắt thịt; hay khi nhìn về đại dịch nhiễm HIV/AIDS ngày nay…” [Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 78 (Tháng 9 & 10 năm 2013)].

Do đó cần phải đào tạo người Giáo dân làm tông đồ trong chiều kích mang tính toàn diện. Việc đào tạo nhằm mục đích trang bị cho người Tông đồ “kỹ năng truyền giáo”, có nghĩa là hướng dẫn cho người giáo dân cảm nghiệm được niềm hạnh phúc khi làm chứng cho Chúa với một lòng nhiệt thành, sự cảm nghiệm hạnh phúc được dệt lên từ một tình yêu hiến dâng phục vụ cho Nước Trời qua việc phục vụ cho những nhu cầu của tha nhân, không phân biệt giai cấp giàu nghèo, chủng tộc, đảng phái chính trị hay tôn giáo. Sự dấn thân đó là một hành trình đi ra khỏi điều mà Đức Phanxicô gọi là “nội cung của đời sống cá nhân”. Thật vậy, người tông đồ phải được đào tạo để nhận ra rằng “Không ai có thể đòi tôn giáo phải bó gọn vào trong nội cung của đời sống cá nhân, không có ảnh hưởng gì tới đời sống xã hội và quốc gia, không quan tâm gì tới sự lành mạnh của các cơ chế dân sự, không có quyền đóng góp ý kiến về các vấn đề ảnh hưởng tới xã hội” . (Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng số 183). Mỗi người tín hữu phải luôn xác tín: “Một đức tin chân chính luôn luôn bao hàm một ước muốn sâu xa là biến đổi thế giới, truyền thông các giá trị, làm cho thế giới này phần nào tốt hơn khi ta gặp nó. Chúng ta yêu quí hành tinh tuyệt vời này, nơi Thiên Chúa đã đặt chúng ta vào, chúng ta yêu quí gia đình nhân loại đang cư ngụ ở đây, với tất cả những thảm cảnh và những đấu tranh, những hi vọng và ước mơ, những yếu đuối và sức mạnh của nó” (Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng số 183).

Việc đào tạo người tông đồ đạt tới kỹ năng truyền giáo được xây dựng trên nền tảng của ba mối kỹ năng tương giao: “kỹ năng đến với Chúa, kỹ năng đến với chính mình và kỹ năng đến với người khác.

– Kỹ năng tương giao với Chúa: giúp người làm Tông đồ kết hợp mật thiết với Chúa, nguồn mạch của ơn cứu độ, và nhờ mối tương giao này người làm chứng xác định được ngọn lửa truyền giáo của mình. Có nghĩa là không thể truyền giáo đạt hiệu quả nếu không thiết lập mối tương giao với Chúa qua việc siêng năng cầu nguyện;

– Kỹ năng tương giao với chính mình, để biết rõ mình là ai, sự giới hạn của bản thân, để biết lắng nghe với thái độ khiêm cung, sự tôn trọng người khác với tấm lòng quảng đại bao dung;

– Kỹ năng tương giao với tha nhân. Đây là điều quan trọng, bởi truyền giáo là con đường đến gặp gỡ với người khác, vì vậy kỹ năng tương giao với tha nhân được xây dựng trên việc tương quan tốt với mọi người và có khả năng cộng tác trong việc chung trong tinh thần tương thân tương ái, và đặc biệt biết mở lòng và chăm chú lắng nghe tiếng kêu của người nghèo. Cụ thể hóa Lời Chúa dạy chúng ta về lòng thương người, và biết quan tâm chăm sóc những người dễ bị tổn thương trên thế giới này.

Bài 3: VỀ MỘT NỀN LINH ĐẠO HIỆP NHẤT VÀ ĐA DẠNG – LM Tôma Vũ Ngọc Tín, S.J.

“Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người…” (1Cr 12,4-11)

“Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau. Anh em hãy thiết tha duy trì sự hợp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hoà gắn bó với nhau. Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người.” (Ep 4,2-6).

“Thật vậy, nhờ đức tin, tất cả anh em đều là con cái Thiên Chúa trong Đức Giê-su Ki-tô. Quả thế, bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Ki-tô, đều mặc lấy Đức Ki-tô. Không còn chuyện phân biệt Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Ki-tô. (Gl 3,26-28)

“Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo.” (Cl 3,12-14)

“để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con. Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một. Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con.” (Ga 17,21-23)

Khi khám phá ý nghĩa phong phú của sự đa dạng, chúng ta thường hình dung ra một thế giới rộng lớn, nơi sự phong phú của bản sắc văn hóa, sắc thái ngôn ngữ, và đa dạng của quan điểm sống được vẽ nên như một bức tranh đa sắc, đa chiều. Trong không gian linh đạo, sự đa dạng này được biểu hiện một cách phong phú hơn bao giờ hết, thông qua việc mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng thể hiện đức tin cá vị và độc đáo của mình. Trong sự đa dạng này, việc thực hành cầu nguyện và thờ phượng mang lại cơ hội cho mỗi cá nhân và cộng đoàn thể hiện niềm tin của mình một cách độc đáo và ý nghĩa. Từ những khoảnh khắc cầu nguyện cá nhân trầm lắng, đậm chất suy tư, đến những lễ nghi cộng đoàn truyền thông và đầy màu sắc, sự đa dạng trong linh đạo phản ánh sự giàu có của văn hóa và tinh thần mà Giáo Hội đã gìn giữ và phát triển qua nhiều thế hệ. Qua mỗi hoạt động thiêng liêng hoặc mục vụ, từ việc tham gia vào các sáng kiến bác ái đến việc chia sẻ niềm tin với những người xung quanh, chúng ta không chỉ tìm thấy cơ hội để thể hiện tình thương và tinh thần phục vụ mà còn tạo điều kiện cho sự giao lưu, tương tác và đối thoại.

Tại nhiều giáo xứ ở Việt Nam, sự đa dạng được thể hiện qua nhiều tầng lớp và khía cạnh khác nhau, từ cách thức tổ chức các cử hành phụng vụ đến các chương trình mục vụ hay cách thực hành đức tin trong từng hoàn cảnh văn hóa đặc thù. Điều này không chỉ tạo nên một bản giao hưởng đa âm sắc nơi mỗi “nốt nhạc” – dù lớn hay nhỏ – đều đóng góp vào việc tạo nên âm thanh tổng thể, mà còn giúp tăng cường sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau trong cộng đoàn. Sự đa dạng trong cách thức diễn tả đức tin làm phong phú đời sống thiêng liêng của mỗi cá nhân và đồng thời củng cố sự hiệp nhất trong cộng đồng, chứng tỏ rằng mỗi hành động, dù nhỏ bé, đều có sức mạnh to lớn trong việc xây dựng và duy trì sự gắn kết và hiệp nhất trong cộng đoàn.

Điều này cho thấy sự đa dạng trong linh đạo không chỉ là một hiện tượng cần được chấp nhận mà còn là một nguồn lực quý báu mà Giáo Hội cần trân trọng và phát triển. Được đón nhận và đồng hành, mỗi người phát triển ơn gọi và sứ mạng đặc thù của mình trong khi vẫn duy trì tình liên đới và sự hiệp thông trong Giáo Hội. Nhờ đó Giáo Hội không chỉ trở nên mạnh mẽ hơn mà còn trở thành nơi ôm ấp và cưu mang sự phong phú của các giá trị văn hóa và tinh thần đích thực. Trong bối cảnh đó, mỗi người chúng ta, qua việc sống đức tin và tình hiệp thông, đều có thể đóng góp vào việc xây dựng một nền linh đạo hiệp nhất và đa dạng, góp phần xây dựng hình ảnh một Giáo Hội đầy màu sắc, phong phú và sống động.

Trong bức tranh rộng lớn đời sống Giáo Hội, sự hiệp nhất không nhất thiết đồng nghĩa với việc mọi người đều phải giống hệt nhau, hay có cùng đồng phục; thực tế, chính sự hiệp nhất trong đa dạng mới là điều mang lại sức sống và sự phong phú cho cộng đoàn Dân Chúa. Điều này bắt nguồn từ việc tôn trọng và chấp nhận những sự khác biệt, từ đó tạo điều kiện cho mỗi cá nhân được tỏa sáng và phát triển theo cách riêng của mình, trong khi vẫn gìn giữ niềm tin và những giá trị chung của cộng đoàn. Điều này đưa chúng ta đến với nền tảng vững chắc của linh đạo hiệp nhất, nơi tất cả tín hữu đều chia sẻ một niềm tin và mục đích chung trong Chúa Kitô, mặc dù biểu hiện qua nhiều hình thức đa dạng. Vai trò của linh đạo hiệp nhất không chỉ qua việc tạo dựng một cộng đoàn mà ở đó, không ai bị loại trừ vì sự khác biệt của mình, mà còn qua nơi cộng đoàn đó, mỗi thành viên đều cảm thấy mình thuộc về, được đón nhận và sống trong tình liên đới. Điều này yêu cầu sự mở lòng và sẵn lòng lắng nghe từ mỗi thành viên trong Giáo Hội, từ hàng giáo phẩm đến giáo dân, tất cả đều cùng nhau chia sẻ, học hỏi và tôn vinh sự đa dạng trong cộng đồng của mình.

Qua việc tôn trọng và khuyến khích sự đa dạng, Giáo Hội không chỉ mở rộng tầm nhìn và hiểu biết về đức tin mà còn tạo điều kiện cho mỗi tín hữu có cơ hội phát triển bản thân mình một cách trọn vẹn. Bằng cách này, sức mạnh của sự đa dạng không chỉ giúp mỗi người tín hữu cảm thấy mình là một phần quan trọng của cộng đồng mà còn trở thành nguồn cảm hứng cho sự phát triển phong phú của Giáo Hội. Sức mạnh của sự đa dạng trong linh đạo mang lại cho Giáo Hội cơ hội để phát triển và làm giàu cho cả cộng đồng, bằng cách làm việc cùng nhau và hỗ trợ lẫn nhau, mỗi người trong cộng đoàn Dân Chúa có thể góp phần xây dựng một nền linh đạo vừa hiệp nhất vừa đa dạng, một cách thể hiện niềm tin và mục đích chung trong Chúa Kitô.

Vai trò của người giáo dân trong việc xây dựng và duy trì nền linh đạo hiệp nhất qua sự đa dạng thì vô cùng quan trọng. Mỗi người giáo dân, với những cá tính, tài năng và kinh nghiệm sống riêng biệt, đều có thể đóng góp vào việc làm giàu cho cộng đồng đức tin của mình. Họ được khuyến khích không chỉ khám phá và thực hành đức tin cá nhân của mình mà còn tham gia vào đời sống cộng đoàn, từ đó tạo nên một sức mạnh tập thể lớn lao, đa dạng nhưng vẫn hiệp nhất. Bằng cách chia sẻ kinh nghiệm và cái nhìn của mình, giáo dân có thể giúp nhau tìm hiểu và trân trọng sự đa dạng trong linh đạo, qua đó tạo nên một Giáo Hội mạnh mẽ, đa dạng và hiệp nhất, nơi mỗi thành viên đều tìm thấy sự kết nối và hỗ trợ trong Chúa Kitô, tạo nên một cộng đồng đức tin mạnh mẽ, nơi mỗi thành viên đều có cơ hội tỏa sáng và đóng góp vào sự phát triển chung.

Hồi tâm

  1. Trong giáo xứ, làm thế nào mỗi cá nhân và nhóm hay hội đoàn thể hiện và chia sẻ kinh nghiệm thiêng liêng độc đáo của họ? Việc thể hiện và chia sẻ này góp phần như thế nào vào việc xây dựng sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, cũng như củng cố sự hiệp nhất trong đa dạng?
  2. Có những hình thức cầu nguyện hoặc thờ phượng nào đặc biệt mà giáo xứ tôi áp dụng để thể hiện sự đa dạng về linh đạo và đồng thời duy trì sự hiệp nhất của cộng đoàn giáo xứ? Làm thế nào những trải nghiệm này góp phần vào việc phát triển một nền linh đạo hiệp nhất và đa dạng?
  3. Giáo xứ tạo điều kiện và hỗ trợ thế nào cho việc gặp gỡ và đối thoại giữa các thành viên thuộc những nhóm hay đoàn thể có linh đạo khác nhau? Những hoạt động hoặc sáng kiến nào đã được triển khai để thúc đẩy sự hiểu biết hơn về sự phong phú của linh đạo trong cộng đoàn giáo xứ, từ đó góp phần việc xây dựng và duy trì sự hiệp nhất?

Bài 4: HIỂU BIẾT VÀ TÔN TRỌNG SỰ KHÁC BIỆT – LM Tôma Vũ Ngọc Tín, S.J.

“Không còn chuyện phân biệt Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Ki-tô.” (Gl 3,28)

“Cũng như trong một thân thể, chúng ta có nhiều bộ phận, mà các bộ phận không có cùng một chức năng, thì chúng ta cũng vậy: tuy nhiều nhưng chỉ là một thân thể trong Đức Ki-tô, mỗi người liên đới với những người khác như những bộ phận của một thân thể.” (Rm 12,4-5)

“Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau. Anh em hãy thiết tha duy trì sự hợp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hoà gắn bó với nhau.” (Ep 4,2-3).

“Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo.” (Cl 3,12-14)

“Trước hết, anh em hãy hết tình yêu thương nhau, vì lòng yêu thương che phủ muôn vàn tội lỗi. Hãy tiếp đón nhau mà không lẩm bẩm kêu ca. Ơn riêng Thiên Chúa đã ban, mỗi người trong anh em phải dùng mà phục vụ kẻ khác. Như vậy, anh em mới là những người khéo quản lý ân huệ thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa.” (1Pr 4,8-10).

Trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và di dân ngày nay, hiện tượng đa văn hóa và quan điểm đang ngày càng trở nên phổ biến, đưa ra cả thách thức và cơ hội cho mọi lĩnh vực của đời sống, trong đó có Giáo Hội Công Giáo. Một trong những sứ mệnh trọng tâm của Giáo Hội là làm chứng cho tình yêu và lòng tha thứ của Chúa. Điều này đòi hỏi một sự hiểu biết sâu sắc về việc tôn trọng sự khác biệt. Điều này không chỉ là nguyên tắc cơ bản mà còn là nhu cầu thiết yếu để xây dựng một cộng đồng đức tin mạnh mẽ, nơi mỗi thành viên, dù có nguồn gốc hoặc quan điểm nào, đều cảm thấy được trân trọng và có giá trị.

Sự đa dạng văn hóa và truyền thống: Giáo Hội Công giáo, như một thể chế toàn cầu, mang trong mình sự phong phú từ những truyền thống và văn hóa đa dạng. Sự đa dạng này không chỉ mở rộng tầm nhìn của chúng ta với thế giới xung quanh mà còn giúp chúng ta phát triển lòng xót thương và sự hiểu biết sâu sắc về nhau.

Sự đa dạng quan điểm: Mỗi tín hữu mang một quan điểm riêng biệt, độc đáo, phản ánh sự đa dạng trong việc hiểu và thực hành đức tin. Chính sự đa dạng trong cách nhìn và sống đạo này góp phần thúc đẩy chúng ta mở rộng tầm nhìn và sự sáng tạo trong việc sống và chia sẻ Tin Mừng.

Sự tôn trọng sự khác biệt: Trong một thế giới nơi mà sự khác biệt thường dẫn đến mâu thuẫn và xung đột, Giáo Hội gọi mời chúng ta tôn trọng những khác biệt đó. Việc tôn trọng nhau không chỉ là một nguyên tắc đạo đức mà còn là cơ sở của tình hiệp thông trong Giáo Hội và là bước đầu tiên trong việc xây dựng nhịp cầu giữa các tín hữu.

Góp phần tạo môi trường cởi mở: Giáo dân, bằng chính sự đa dạng văn hóa và cá nhân của mình, có vai trò quan trọng trong việc kiến tạo một Giáo Hội cởi mở và bao dung. Họ là những người xây dựng những cầu nối giữa các nền văn hóa và truyền thống, qua đó mọi người, dù khác biệt, đều được chào đón và trân trọng.

Thúc đẩy đối thoại và sự hiểu biết: Giáo dân có thể tham gia và khuyến khích đối thoại giữa các tín hữu đến từ các nền văn hóa và truyền thống khác nhau, từ đó góp phần tạo nên một cộng đồng đa dạng, hiệp thông và hài hòa.

Vai trò làm cầu nối: Với những kiến thức và kinh nghiệm của mình, giáo dân có thể trở thành những nhịp cầu quan trọng, kết nối các nhóm và cộng đồng khác biệt, từ đó thúc đẩy sự hiểu biết, hợp tác và tình huynh đệ trong Giáo Hội, cách cụ thể là tại các giáo xứ.

Cách thực hành sự hiểu biết và tôn trọng: Mỗi tín hữu có thể thực hành sự hiểu biết và tôn trọng sự khác biệt qua những hành động cụ thể như việc lắng nghe một cách chân thành, tham gia vào đối thoại xây dựng và tìm kiếm điểm chung giữa các bên trong khi vẫn giữ vững sự tôn trọng sự đa dạng.

Sáng kiến cụ thể trong Giáo Hội: Các hoạt động như tổ chức các khóa học hỏi hoặc hội thảo hay các chương trình đối thoại, giúp thúc đẩy sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau giữa các tín hữu đến từ các nền văn hóa và truyền thống khác nhau.

Nói tóm lại, kỷ nguyên toàn cầu hóa và di dân đang đặt ra cả thách thức và cơ hội cho Giáo Hội Công Giáo trong việc xây dựng một cộng đồng đức tin hiệp nhất trong đa dạng. Nhận thức sâu sắc và tôn trọng sự khác biệt văn hóa và quan điểm không chỉ là bản chất của tình yêu và lòng bao dung, mà còn là chìa khóa cho sự phát triển của một Giáo Hội, nơi mỗi thành viên đều cảm thấy mình được trân trọng và thuộc về. Bằng cách làm việc cùng nhau trong tinh thần hiểu biết và tôn trọng, giáo dân tại các giáo xứ có thể góp phần tạo nên một Giáo Hội thực sự hiệp nhất và liên đới, hiểu biết và tôn trọng sự khác biệt, trước những thách thức và thay đổi của thời đại.

Hồi tâm

  1. Khi tham gia các hoạt động tại giáo xứ, tôi chứng kiến hoặc thực hiện những hành động cụ thể nào để tôn trọng và chào đón sự khác biệt văn hóa và quan điểm? Tôi gặp những thách đố nào khi cố gắng thúc đẩy sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, và đã vượt qua những thách đố đó như thế nào?
  2. Từ kinh nghiệm cá nhân, hãy chia sẻ cảm nghiệm về việc thực hành đức tin trong một cộng đồng đa dạng văn hóa và linh đạo. Sự đa dạng này giúp tôi phát triển niềm tin như thế nào, thúc đẩy việc mở rộng tầm nhìn và lòng xót thương ra sao để tôn trọng và đón nhận sự khác biệt?
  3. Trong vai trò một tín hữu, tôi có thể làm gì để khuyến khích đối thoại và sự hiểu biết lẫn nhau giữa các thành viên giáo xứ đến từ nền văn hóa và truyền thống khác nhau? Có những sáng kiến cụ thể nào có thể giúp gia tăng sự hiểu biết và tôn trọng sự khác biệt trong cộng đoàn giáo xứ?

Nguồn: hdgmvietnam.com

Chương trình thường huấn cho giáo dân năm 2024 với chủ đề: “Thúc đẩy sự tham gia đời sống Giáo hội, hướng đến một giáo hội hiệp hành” gồm 12 đề tài:

Tháng 01: Nền tảng của tính hiệp hành và Giáo hội hiệp hành

Tháng 02: Sống ơn gọi tông đồ: Sự tham gia của giáo dân vào đời sống Giáo hội

Tháng 03: Giáo xứ là trường tông đồ

Tháng 04: Cổ võ cung cách ứng xử hiệp nhất trong đa dạng

Tháng 05: Giới trẻ và tông đồ giáo dân xây dựng Giáo hội tương lai

Tháng 06: Lãnh đạo giáo dân: phục vụ cách khiêm tốn và khôn ngoan

Tháng 07: Tông đồ giáo dân: muối và ánh sáng cho thế giới

Tháng 08: Cùng nhau loan báo Tin mừng

Tháng 09: Đi theo con đường Chúa Giêsu

Tháng 10: Nuôi dưỡng tinh thần chiêm niệm

Tháng 11: Giáo hội trong thế giới hiện đại

Tháng 12: Vai trò của gia đình trong Giáo hội.

Có thể bạn quan tâm