THƯ CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ VỀ VAI TRÒ CỦA VĂN CHƯƠNG TRONG ĐÀO TẠO
1. Ban đầu tôi đã chọn đặt tiêu đề cho Thư này qui chiếu đến việc đào tạo linh mục. Nhưng rồi nghĩ thêm, tôi thấy chủ đề này cũng áp dụng cho việc đào tạo tất cả những ai liên can đến công việc mục vụ, quả thực là liên can đến mọi Kitô hữu. Điều tôi muốn đề cập ở đây, đó là giá trị của việc đọc tiểu thuyết và thi ca xét như một phần con đường trưởng thành cá nhân của chúng ta.
2. Rất thường trong những quãng thời gian nhàm chán của kỳ nghỉ, trong cái nóng bức và sự tĩnh lặng của một khu vực hẻo lánh nào đó, việc tìm một quyển sách tốt để đọc có thể đem lại một ốc đảo dịu mát, giúp chúng ta tránh những sự chọn lựa kém lành mạnh. Cũng vậy, trong những lúc mệt mỏi, bực bội, chán chường hay thất bại, khi chính việc cầu nguyện cũng không giúp chúng ta tìm được yên bình nội tâm, thì một quyển sách tốt có thể giúp chúng ta vượt qua sóng gió ấy cho tới khi tìm được sự bình an trong lòng. Thời gian dành cho việc đọc sách có thể mở ra những không gian mới mẻ bên trong, giúp chúng ta tránh bị mắc bẫy trong một số ý nghĩ đầy ám ảnh vốn có thể cản trở nẻo đường trưởng thành cá nhân của mình. Thật vậy, trước khi chúng ta bị phơi sườn thường trực cho mạng xã hội, điện thoại di động và các thiết bị khác, thì việc đọc sách từng là một kinh nghiệm rất phổ biến, và những ai trải qua kinh nghiệm này sẽ hiểu điều tôi muốn nói. Đọc sách không phải là một cái gì đã hoàn toàn lỗi thời.
3. Không giống các phương tiện truyền thông nghe nhìn, trong đó sản phẩm có tính đóng kín hơn nơi chính nó, và người ta thường không có đủ thời gian để “phát huy” câu chuyện hay để khảo sát ý nghĩa của nó – trong khi đó một quyển sách sẽ đòi người đọc liên can chính mình vào nó nhiều hơn. Theo một nghĩa nào đó, người đọc viết lại một bản văn, mở rộng phạm vi của nó qua trí tưởng tượng của mình, tạo ra cả một thế giới bằng cách vận dụng các kỹ năng, ký ức, các ước mơ và lịch sử đời mình, với tất cả kịch tính và tính biểu tượng của nó. Bằng cách này, cái hiện lộ lên sẽ là một bản văn hoàn toàn khác với bản văn mà tác giả muốn viết. Một tác phẩm văn chương, vì thế, là một bản văn sống động và luôn triển nở, luôn có thể nói bằng nhiều cách khác nhau và đem lại một tổng hợp mới mẻ của riêng mỗi người đọc. Khi chúng ta đọc sách, chúng ta được nên phong phú bởi những gì chúng ta nhận được từ tác giả, và điều này cho phép chúng ta, đến lượt mình, lớn lên ở bên trong, theo đó mỗi tác phẩm mới ta đọc sẽ đổi mới và mở rộng thế giới quan của ta.
4. Vì lý do ấy, tôi rất trân trọng sự kiện rằng ít nhất có một số chủng sinh đã phản ứng lại mối ám ảnh với các “màn hình” và với những tin tức giả đầy bạo lực, hời hợt và độc hại, bằng cách dành thời gian và sự chú ý đối với văn chương. Các bạn ấy làm thế qua việc dành thời gian để thư thái đọc và thảo luận sách, cả những sách mới lẫn những sách cũ vốn vẫn có nhiều điều để nói với chúng ta. Tuy nhiên, thật tiếc là nói chung trong các chương trình đào tạo của chúng ta cho tác vụ chức thánh vẫn không đặt nền thích đáng trên văn chương. Văn chương thường được coi như chỉ là một hình thức giải trí, một “nghệ thuật nhỏ nhặt” không cần được bao gồm trong nền giáo dục các linh mục tương lai và trong việc chuẩn bị họ cho sứ vụ mục vụ. Chỉ trừ ít trường hợp, còn nói chung văn chương được coi là không thiết yếu. Tôi thấy rất cần phải khẳng định rằng một đường lối như thế là không lành mạnh. Nó có thể dẫn tới tình trạng nghèo nàn về tri thức và về linh đạo của các linh mục tương lai, bởi họ bị tước mất sự tiếp cận quí hóa mà văn chương cung cấp cho chính trái tim của văn hóa nhân loại và, chuyên biệt hơn, cho trái tim của mỗi người.
5. Viết thư này, tôi muốn đề xuất một thay đổi căn bản trong cách làm. Về phương diện này, tôi đồng ý với nhận định của một nhà thần học rằng “văn chương… phát nguồn từ cái cốt lõi phức hợp bậc nhất của con người, cái bình diện huyền nhiệm [của hiện hữu con người]… Văn chương là đời sống, nó ý thức chính nó, và nó đạt tới sự diễn tả trọn vẹn chính nó xuyên qua việc sử dụng tất cả các nguồn ngôn ngữ khả niệm”.[1]
6. Vì thế, cách này hay cách khác, văn chương có liên hệ đến những khát vọng thâm sâu nhất của chúng ta trong cuộc đời này, bởi trên một bình diện sâu xa văn chương liên can tới hiện sinh cụ thể của chúng ta, với những căng thẳng nội tại, những khát khao và những kinh nghiệm đầy ý nghĩa.
7. Hồi còn là một nhà giáo trẻ, tôi đã khám phá điều này với các học sinh của mình. Vào thời gian giữa năm 1964 và 1965, ở tuổi 28, tôi đã dạy văn chương tại một trường Dòng Tên ở Santa Fe. Tôi dạy các học sinh hai lớp cuối trung học, và đã cố gắng bảo đảm cho các học trò của mình học El Cid. Các em không vui lắm; các em thường xin được đọc García Lorca thay vào đó. Vì thế tôi quyết định rằng các em có thể đọc El Cid ở nhà, còn trong các giờ lớp tôi sẽ thảo luận các tác giả mà các em thích nhất. Dĩ nhiên là các em muốn đọc các tác phẩm văn chương hiện đại. Thế nhưng, khi các em đọc các tác phẩm đó, vốn thu hút các em vào lúc ấy, thì các em đã phát triển một khẩu vị rộng rãi hơn đối với văn thơ, và thế là các em chuyển sang đọc các tác giả khác nữa. Cuối cùng, tâm hồn chúng tôi luôn luôn tìm kiếm một cái gì đó lớn lao hơn, và mỗi người sẽ tìm ra con đường của mình trong văn chương.[2] Về phần mình, tôi yêu thích các tác giả viết bi kịch, vì tất cả chúng ta đều có thể nâng niu các tác phẩm của họ như là của chính mình, như những diễn tả bi kịch riêng của mỗi người chúng ta. Khi khóc thương cho số phận của các nhân vật, đó thiết yếu là chúng ta khóc cho chính mình, cho sự trống rỗng của mình, cho những yếu kém và cho sự cô đơn của mình. Hẳn nhiên tôi không nhằm đề nghị các bạn đọc đúng những tác phẩm mà tôi đã đọc. Mỗi người sẽ tìm thấy những quyển sách lên tiếng nói với cuộc đời mình, và trở thành những bạn đồng hành đích thật cho hành trình của mình. Không có gì cằn cỗi cho bằng việc đọc một cái gì đó vì bổn phận, trong đó ta phải cố gắng đáng kể duy chỉ vì ai đó khác bảo rằng cần phải đọc nó. Ngược lại, trong khi luôn cởi mở lắng nghe sự hướng dẫn, chúng ta sẽ lựa chọn sách đọc cho mình với một tâm hồn rộng mở, một sự mềm mỏng và sẵn sàng học hỏi, cố gắng khám phá những gì mình cần tại mỗi thời điểm của cuộc sống chúng ta.
Đức tin và văn hóa
8. Văn chương cũng được thấy là thiết yếu đối với các tín hữu chân thành tìm cách đi vào cuộc đối thoại với nền văn hóa của thời đại mình, hay chỉ đơn giản là đối thoại với đời sống và kinh nghiệm của những người khác. Công đồng Vatican II đã có lý khi ghi nhận rằng “văn chương và nghệ thuật… tìm cách thâm nhập vào bản tính của chúng ta” và “soi sáng cho những đau khổ và niềm vui, những nhu cầu và những tiềm năng của chúng ta”.[3] Thật vậy, văn chương lấy manh mối của nó từ các thực tế đời sống hằng ngày của chúng ta, các nỗi khao khát và các biến cố, “các hoạt động, công việc, tình yêu, sự chết và tất cả những nỗi khốn khổ lấp đầy cuộc sống của chúng ta”.[4]
9. Làm sao chúng ta có thể chạm tới được cốt lõi của các nền văn hóa cũ và mới nếu chúng ta tỏ ra xa lạ, xem thường và loại bỏ các biểu tượng, các thông điệp, các biểu đạt nghệ thuật và các câu chuyện mà qua đó các nền văn hóa ấy đã nắm bắt và khơi lên những lý tưởng và những nguồn cảm hứng cao quí nhất, cũng như những đau khổ, những sợ hãi và những khát khao thâm sâu nhất? Làm sao chúng ta có thể nói với trái tim của những con người nam nữ nếu chúng ta thờ ơ không biết, bỏ qua một bên, hay không trân trọng “các câu chuyện” mà qua đó họ muốn diễn tả và bộc lộ kịch tính của kinh nghiệm sống của mình trong tiểu thuyết và thi ca?
10. Giáo hội, trong kinh nghiệm sứ mạng thừa sai của mình, đã học cách giới thiệu – thường là qua văn chương – tất cả vẻ đẹp, sự tươi mát và mới mẻ của mình trong gặp gỡ với các nền văn hóa khác nhau trong đó đức tin của Giáo hội đã bắt rễ, mà không ngần ngại hội nhập vào và rút tỉa những gì tốt đẹp nhất mà mình tìm thấy trong mồi nền văn hóa. Cách tiếp cận này đã giúp Giáo hội tránh cái cám dỗ tự qui chiếu vào mình cách mù quáng và cứng ngắc vốn coi một “qui phạm’ văn hóa-lịch sử nào đó như có khả năng diễn đạt toàn bộ sự phong phú và chiều sâu của Tin Mừng.[5] Nhiều lời tiên tri bi quan ảm đạm hiện đang tìm cách gieo rắc sự thất vọng quả là bắt rễ trong một niềm tin như thế. Việc tiếp xúc với những phong cách văn chương và qui phạm khác nhau sẽ luôn cho phép chúng ta khám phá sâu xa hơn tính đa âm sắc của mặc khải thần linh mà không làm nghèo nàn hay chế giảm mặc khải ấy theo nhu cầu riêng hay theo cách nghĩ của chúng ta.
11. Vì thế không phải ngẫu nhiên mà Kitô giáo cổ thời, chẳng hạn, đã nhận thấy rõ nhu cầu phải nghiêm túc hội nhập vào nền văn hóa cổ điển của thời ấy. Basil ở Xêdarê, một trong các giáo phụ của Giáo hội Đông phương, trong Diễn từ cho Người Trẻ, được viết vào giữa năm 370 và 375, và hầu như muốn nói với các cháu trai cháu gái của ngài, đã ca ngợi sự phong phú của văn chương cổ điển bởi các ngòi bút bên ngoài, ‘hoi éxothen’, như cách ngài gọi các tác giả ngoại giáo. Ngài nhận thấy điều này cả trong văn nghị luận, nghĩa là các lógoi (các bài thuyết lý), vốn hữu ích cho thần học và chú giải, lẫn trong những nội dung đạo đức (tức chiều kích thực hành: hành vi, ứng xử) hữu ích cho đời sống luân lý và khổ hạnh. Basil đúc kết bài diễn từ này bằng việc khẩn thiết kêu gọi các Kitô hữu trẻ hãy xem văn chương cổ điển như một ephódion (“của ăn đàng”) cho việc giáo dục và đào tạo của mình, một phương tiện “bồi dưỡng linh hồn” (IV,8-9). Chính từ cuộc gặp gỡ ấy giữa Kitô giáo và nền văn hóa của thời đại mà một cách trình bày mới mẻ sứ điệp của Tin Mừng đã hiện lộ lên.
12. Nhờ một sự phân định nền văn hóa dựa theo Tin Mừng, chúng ta có thể nhận ra sự hiện diện của Thánh Thần trong các kinh nghiệm nhân sinh khác nhau, nhìn thấy những hạt giống của sự hiện diện Thánh Thần được gieo sẵn trong các biến cố, các cảm xúc, các khát vọng và các ước muốn thâm sâu trong lòng người ta và trong các khung cảnh xã hội, văn hóa và tâm linh. Chẳng hạn, chúng ta có thể thấy điều này trong cách tiếp cận của Phaolô trước Nghị viện Athen (Areopagus), như đọc thấy trong sách Công vụ Tông đồ (17,16-34). Trong diễn từ của mình, Phaolô nói về Thiên Chúa: “’Chính nơi Người, chúng ta sống, cử động, và hiện hữu’; như một số thi sĩ của quí vị đã nói: ‘Chúng ta cũng thuộc dòng giống của Người’” (Cv 17,28). Câu này chứa hai trích dẫn: một trích dẫn gián tiếp, từ thi sĩ Epimenides (thế kỷ 6 trước Công nguyên), và một trích dẫn trực tiếp, từ thi phẩm Phaenomena của nhà thơ Aratus gốc ở Soli (thế kỷ 3 trước Công nguyên), người đã viết về tinh tú và các dấu hiệu thời tiết tốt xấu. Ở đây, “Phaolô cho thấy rằng ngài là một ‘độc giả’, đồng thời cũng cho thấy cách mình tiếp cận văn bản văn chương, đó là một sự phân định văn hóa dựa theo Tin Mừng. Người Athen bác bỏ Phaolô như một kẻ nói huyên thiên, một ‘con chim khướu’, nhưng theo nghĩa đen là ‘một người thu thập hạt giống’. Điều rõ ràng mang ý nghĩa một sự xúc phạm, trớ trêu thay, lại là một sự thật sâu sắc. Phaolô đã thu thập những hạt giống từ thi ca ngoại giáo, và vượt qua những ấn tượng ban đầu của mình (xem Công vụ 17,16), ngài nhìn nhận những người Athen là “hết sức sùng ngưỡng”, và nhìn thấy trong các trang văn chương cổ điển của họ một sự chuẩn bị thực sự cho Tin Mừng”.[6]
13. Phaolô đã làm gì vậy? Ngài hiểu rằng “văn chương giúp soi sáng các hố sâu thẳm bên trong con người, trong khi mặc khải và rồi thần học sẽ cho thấy cách mà Đức Kitô đi vào những chiều sâu này và soi chiếu chúng”.[7] Vì thế, đứng trước những chiều sâu này, văn chương là một “nẻo đường”[8] giúp các mục tử của các linh hồn đi vào một cuộc đối thoại đầy hoa trái với nền văn hóa của thời đại mình.
Không bao giờ có một Đức Kitô phi xác thể
14. Trước khi khảo sát những lý do chuyên biệt tại sao cần thúc đẩy việc học văn chương trong công cuộc đào tạo các linh mục tương lai, tôi muốn trước hết nói đôi điều về khung cảnh tôn giáo hiện nay. “Việc quay lại với cái thánh thiêng và việc tìm kiếm linh đạo vốn đánh dấu thời của chúng ta là những hiện tượng mang tính đa nghĩa. Ngày nay, thách đố đối với chúng ta không phải là tư tưởng vô thần cho bằng là sự cần thiết phải đáp ứng thích đáng khát vọng Thiên Chúa của nhiều người, để phòng tránh việc họ tìm cách thỏa mãn khát vọng ấy nơi những giải pháp có tính vong thân hay nơi việc tìm kiếm một Đức Giêsu phi xác thể”.[9] Nhiệm vụ khẩn cấp loan báo Tin Mừng trong thời đại của chúng ta đòi hỏi các tín hữu, cách riêng các linh mục, phải bảo đảm rằng mọi người có thể gặp gỡ Đức Giêsu Kitô trong xác thân, làm người, trong lịch sử. Chúng ta phải luôn lưu ý để không bao giờ đánh mất nhãn giới về “xác thân” của Đức Giêsu Kitô: xác thân ấy bao gồm các khát vọng, các tình cảm và các cảm quan, là những lời thách thức và an ủi, là những bàn tay đụng chạm và chữa lành, là những cái nhìn giải phóng và khích lệ, xác thân ấy bao gồm sự nồng nhiệt, tha thứ, phẫn nộ, can đảm, mạnh dạn; tắt một lời, đó là yêu thương.
15. Chính ở cấp độ này, sự quen thuộc với văn chương có thể làm cho các linh mục tương lai và tất cả những người làm mục vụ trở nên nhạy cảm hơn với nhân tính trọn vẹn của Chúa Giêsu, nơi mà trọn thần tính của Người hiện diện. Bằng cách này, họ có thể rao giảng Tin Mừng theo cách cho phép mọi người kinh nghiệm sự thật trong giáo huấn của Công đồng Vatican II rằng “chỉ trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể, mầu nhiệm của con người mới thực sự trở nên rõ ràng”.[10] Đây không phải là mầu nhiệm của một nhân tính trừu tượng nào đó, mà là mầu nhiệm của tất cả mọi người nam nữ, với những nỗi đau, những khao khát, những ký ức và hy vọng của họ, làm nên một phần cụ thể của cuộc đời họ.
Một việc rất tốt
16. Từ một quan điểm thực tiễn, nhiều nhà khoa học cho rằng thói quen đọc sách có nhiều tác động tích cực đến cuộc sống người ta, giúp họ có được vốn từ vựng rộng hơn và do đó phát triển những khả năng trí tuệ rộng hơn. Nó cũng kích thích trí tưởng tượng và sự sáng tạo của họ, cho phép họ học cách kể câu chuyện của mình theo những cách phong phú và biểu cảm hơn. Nó cũng cải thiện khả năng tập trung của họ, giảm mức độ thoái hóa nhận thức và làm dịu những căng thẳng âu lo.
17. Hơn nữa, việc đọc sách giúp ta hiểu biết và nhờ đó xử lý những tình huống khác nhau xuất hiện trong cuộc sống. Khi đọc sách, chúng ta đắm mình trong các ý tưởng, các mối quan tâm, các bi kịch, những nguy hiểm và những nỗi sợ hãi của các nhân vật mà cuối cùng họ vượt qua được những thử thách của cuộc sống. Cũng có lẽ, khi theo dõi một câu chuyện từ đầu đến cuối, chúng ta đạt được những nhận thức mà sau này sẽ hữu ích trong cuộc sống của mình.
18. Trong cố gắng khích lệ việc đọc sách, tôi muốn đề cập hai bản văn của các tác giả danh tiếng, đây là những người mà chỉ trong ít lời lại có rất nhiều điều để dạy chúng ta:
Tiểu thuyết khai phóng “nơi chúng ta, trong khoảng một giờ, tất cả những niềm vui và những nỗi bất hạnh có thể xảy ra trong cuộc sống mà chúng ta sẽ mất nhiều năm mới biết được thậm chí chỉ một cách phiên phiến, và những niềm vui nỗi khổ sâu đậm nhất có thể chẳng bao giờ được ta nhận biết do bởi chúng xảy ra chậm, làm ta khó mà nắm bắt được”.[11]
“Khi đọc những áng văn lớn, tôi trở thành cả ngàn người nhưng vẫn là chính mình. Giống như bầu trời đêm trong bài thơ Hy Lạp, tôi nhìn bằng vô số đôi mắt, nhưng người nhìn ấy vẫn là tôi. Ở đây, cũng như trong phụng tự, trong tình yêu, trong hành động luân lý, và trong sự hiểu biết, tôi vượt trên chính mình; và tôi là chính tôi nhiều nhất khi làm thế”.[12]
19. Tuy nhiên, việc tập chú duy chỉ đến những lợi ích cá nhân rút ra từ việc đọc sách không phải là điều tôi nhắm đến, vì mục đích của tôi là suy ngẫm về những lý do quan trọng nhất thúc đẩy mọi người làm mới lại lòng yêu thích đọc sách.
Lắng nghe tiếng nói của một người khác
20. Khi nghĩ về văn chương, tôi lại nhớ đến điều mà Jorge Luis Borges,[13] văn hào Argentina, thường bảo các học sinh của mình – đó là, điều quan trọng nhất chỉ đơn giản là đọc, tức trực tiếp đi vào tiếp xúc với văn chương, đắm mình trong bản văn sống động trước mắt chúng ta, thay vì loay hoay với những ý nghĩ và những bình phẩm. Borges giải thích ý tưởng này cho các học sinh bằng cách nói rằng thoạt tiên người ta có thể hiểu rất ít về những gì mình đang đọc, nhưng nói cho cùng họ đang nghe “tiếng nói của một người khác”. Tôi rất thích định nghĩa này về văn chương: lắng nghe tiếng nói của một người khác. Chúng ta đừng bao giờ quên rằng thật nguy hiểm biết bao việc ngừng lắng nghe tiếng nói của một người khác khi họ thách đố chúng ta! Chúng ta sẽ ngay lập tức rơi vào tình trạng tự cô lập chính mình; chúng ta sẽ đi vào một loại “điếc tâm linh”, vốn có một hiệu ứng tiêu cực trên tương quan của ta với chính mình và với Thiên Chúa, cho dẫu chúng ta đã học bao nhiêu thần học hay tâm lý học.
21. Cách tiếp cận văn chương này, giúp chúng ta nhạy cảm với mầu nhiệm của những người khác, sẽ dạy chúng ta biết cách chạm vào trái tim của họ. Ở đây, tôi nghĩ đến lời kêu gọi thẳng thắn của thánh Phaolô VI dành cho các nghệ sĩ và do đó cũng nói với các nhà văn vào ngày 7 tháng 5 năm 1964: “Chúng tôi cần các bạn. Sứ vụ của chúng tôi cần các bạn cộng tác. Vì như các bạn biết, sứ vụ của chúng ta là rao giảng, và bảo đảm rằng thế giới của tinh thần, của cái vô hình, khôn tả, thế giới của Thiên Chúa, có thể tiếp cận được và hiểu được, thực sự kích cảm. Và các bạn là bậc thầy trong công việc trình bày thế giới vô hình theo những cách dễ tiếp cận và dễ hiểu”.[14] Đây là mấu chốt: nhiệm vụ của các tín hữu, cách riêng của các linh mục, chính xác là “chạm vào” trái tim của người khác, để họ có thể mở lòng ra đón nhận sứ điệp của Chúa Giêsu. Trong nhiệm vụ cao cả này, sự đóng góp mà văn thơ có thể cung ứng có một giá trị không thể so sánh được.
22. T.S. Eliot, nhà thơ mà các tác phẩm thi ca và các khảo luận phản ánh đức tin Kitô giáo của ông có một chỗ đứng nổi bật trong văn chương hiện đại, đã mô tả sâu sắc cuộc khủng hoảng tôn giáo ngày nay như một tình trạng mất khả năng cảm xúc lan rộng.[15] Nếu chúng ta tin vào chẩn đoán này, thì vấn đề đức tin ngày nay không chủ yếu là tin nhiều hay tin ít đối với các giáo lý cụ thể nào đó. Đúng hơn, vấn đề nằm ở tình trạng rất nhiều người chúng ta ngày nay mất khả năng cảm xúc sâu xa khi đứng trước Thiên Chúa, đứng trước công trình tạo dựng của Ngài và những con người khác. Ở đây chúng ta thấy tầm quan trọng của hoạt động chữa lành cũng như việc gia tăng khả năng đáp ứng của chúng ta. Khi trở về từ chuyến Tông du đến Nhật Bản, tôi được hỏi phương Tây phải học gì từ phương Đông. Câu trả lời của tôi là: “Theo tôi, phương Tây thiếu một chút thơ”.[16]
Một cuộc “đào tạo để phân định”
23. Vậy thì, một linh mục nhận được lợi ích gì từ việc tiếp xúc với văn chương? Tại sao cần phải lưu tâm thúc đẩy việc đọc các tiểu thuyết lớn như một yếu tố quan trọng trong công cuộc đào tạo linh mục? Tại sao trong việc đào tạo ứng viên cho chức linh mục, điều quan trọng là chúng ta phải nhận thức cùng với Karl Rahner rằng có một tương đồng tâm linh sâu sắc giữa linh mục và nhà thơ?[17]
24. Chúng ta hãy cố gắng trả lời những câu hỏi trên bằng cách lắng nghe những gì nhà thần học người Đức nói với chúng ta.[18] Đối với Rahner, ngôn ngữ thi ca đầy hoài cảm, quả thật, chúng giống như “những cánh cổng dẫn vào vô tận, những cánh cổng dẫn vào cái không thể hiểu thấu. Chúng gọi cái không tên. Chúng vươn tới cái không thể nắm bắt”. Thơ “không tự nó cung cấp cái vô hạn, nó không chuyển tải cũng không chứa đựng cái vô hạn”. Đó là công việc của Lời Chúa và, như Rahner nói tiếp, “ngôn ngữ thơ kêu gọi lời Thiên Chúa”.[19] Đối với Kitô hữu, Lời là Thiên Chúa, và tất cả lời nói của con người chúng ta đều mang dấu vết của nỗi khao khát nội tại đối với Thiên Chúa, một xung năng hướng về Lời đó. Có thể nói rằng ngôn ngữ thơ đích thực có tham gia cách loại suy vào Lời Thiên Chúa, như Thư Híp-ri nêu rõ (x. Hr 4,12-13).
25. Trong ánh sáng này, Karl Rahner có thể rút ra một song đối đặc sắc giữa linh mục và nhà thơ: “Một mình ngôn từ có thể cứu chuộc cái làm nên sự giam cầm tối hậu của tất cả những thực tại không được diễn tả thành lời: đó là, sự câm lặng khi qui chiếu đến Thiên Chúa”.[20]
26. Như thế, văn chương làm ta nhạy cảm với mối tương quan giữa các hình thức biểu đạt và ý nghĩa. Nó cung cấp một sự đào tạo phân định, mài giũa khả năng của linh mục tương lai để nhận thức nội tâm của chính mình và thế giới xung quanh mình. Vì thế việc đọc sách trở thành “nẻo đường” dẫn anh ta đến với sự thật về chính hiện hữu của mình và là cơ hội cho một tiến trình phân định thiêng liêng vốn không thiếu những khoảnh khắc âu lo và ngay cả khủng hoảng. Thật vậy, rất nhiều trang sách tương ứng với điều mà thánh Inhaxiô gọi là “sự trống vắng” tâm linh.
27. Đây là cách mà thánh Inhaxiô cắt nghĩa điều đó: “Tôi gọi sự trống vắng là đêm tối của linh hồn, sự xáo trộn của tinh thần, sự nghiêng chiều về những gì thấp hèn và phàm trần, sự bất an do nhiều đảo lộn và cám dỗ dẫn đến thiếu đức tin, thiếu đức cậy, và thiếu đức mến. Linh hồn hoàn toàn trơ ì, khô khan, buồn chán, và hẳn nhiên tách biệt khỏi Đấng Tạo Hóa và Chúa của mình”.[21]
28. Sự khó khăn hay buồn chán mà chúng ta cảm thấy khi đọc một số bản văn không hẳn là điều dở tệ hoặc vô ích. Chính Inhaxiô ghi nhận rằng nơi “những người đang chuyển từ xấu sang tệ hơn”, thần khí tốt lành hoạt động bằng cách khơi dậy nỗi bất an, khó chịu và bất mãn.[22] Đây là sự áp dụng trực tiếp quy tắc thứ nhất của Inhaxiô về việc phân định thần loại, liên quan đến những người “đi từ tội trọng này sang tội trọng khác”. Nơi những người như thế, thần khí tốt lành – bằng cách “sử dụng ánh sáng của lý trí sẽ khơi dậy sự áy náy lương tâm và làm cho họ cảm thấy đầy hối hận”,[23] và theo cách này sẽ dẫn họ đến với thiện mỹ.
29. Như vậy, rõ ràng người đọc không chỉ đơn thuần là người tiếp nhận một thông điệp tích cực, mà còn là một người được thách thức để bước tới trên một địa hình gập ghềnh, trong đó những ranh giới giữa sự cứu rỗi và sự hư mất không hẳn nhiên rõ ràng và dễ phân biệt. Việc đọc, như một hành động “phân định”, liên quan trực tiếp đến người đọc trong tư cách vừa là “chủ thể” đọc vừa là “đối tượng” của những gì đang được đọc. Khi đọc một quyển tiểu thuyết hoặc một thi phẩm, người đọc thực sự kinh nghiệm mình “được đọc” bởi những ngôn từ mà họ đang đọc.[24] Do đó, độc giả có thể được so sánh với những người chơi trên sân: họ chơi trò chơi, nhưng trò chơi cũng được chơi thông qua họ, theo nghĩa là họ hoàn toàn bị cuốn vào hoạt động ấy.[25]
Chú ý và hấp thu
30. Xét về nội dung, chúng ta nên nhìn nhận rằng văn chương giống như một “viễn vọng kính”, nói theo hình ảnh nổi tiếng của Marcel Proust.[26] Theo đó, văn chương hướng đến các hữu thể và các sự vật, và cho phép ta nhận ra “khoảng cách choáng ngợp” tách biệt toàn thể kinh nghiệm con người ra khỏi cảm nhận của ta về nó. “Văn chương cũng có thể ví như một hiệu ảnh, nơi những bức ảnh về cuộc sống có thể được xử lý để nêu bật các đường nét và sắc thái của chúng. Đây chính là ‘mục đích’ của văn chương: văn chương giúp chúng ta “rửa” bức ảnh cuộc sống”,[27] để thách thức chúng ta về ý nghĩa của cuộc sống, và nói tắt một lời, để kinh nghiệm cuộc sống như sự thật của nó.
31. Tuy nhiên, cách nhìn của chúng ta về thế giới thường có xu hướng bị “đẩy xa” và thu hẹp do áp lực đè trên chúng ta bởi nhiều mục tiêu nhất thời và thực dụng của mình. Ngay cả việc chúng ta dấn thân phục vụ — trong phụng vụ, mục vụ và việc bác ái — có thể chỉ tập trung vào những mục tiêu cần đạt được. Thế nhưng, như Chúa Giêsu nhắc chúng ta trong dụ ngôn về người gieo giống, hạt giống cần rơi vùi xuống đất sâu để sinh hoa trái qua thời gian, mà không bị đá sỏi hay gai góc làm chết nghẹt (Mt 13,18-23). Luôn có mối nguy rằng sự bận tâm quá mức về hiệu năng sẽ làm mờ nhòa việc phân định, làm suy giảm sự nhạy cảm và bỏ qua tính phức tạp. Chúng ta rất cần phải cân bằng cái cám dỗ hiển nhiên của một lối sống vồ vập thiếu suy xét, bằng cách lùi lại, giảm tốc, dành thời gian để nhìn và lắng nghe. Điều này có thể xảy ra khi ta chỉ cần dừng lại để đọc một quyển sách.
32. Chúng ta cần khám phá lại những cách thức liên hệ nồng nhiệt hơn với thực tại, không chỉ là chuyện chiến lược và đơn thuần nhắm đến các kết quả, mà là những cách thức cho phép chúng ta cảm nghiệm sự cao cả vô cùng của hiện hữu. Một cảm thức về phối cảnh, về sự thư thái và tự do, đó là những chỉ dấu của một cách tiếp cận thực tại gặp thấy trong văn chương một hình thức diễn tả ưu biệt, dù không độc quyền. Như thế, văn chương dạy chúng ta cách nhìn và thấy, cách phân định và khảo sát thực tại của các cá nhân và các hoàn cảnh như một mầu nhiệm đầy ắp ý nghĩa vốn chỉ có thể hiểu được một phần thông qua các phạm trù, các sơ đồ giải thích, các nguyên động lực nối kết nguyên nhân và hệ quả, phương tiện và cứu cánh.
33. Một hình ảnh ấn tượng khác về vai trò của văn chương rút ra từ hoạt động của cơ thể con người, cụ thể là hoạt động tiêu hóa. Đan sĩ William Saint-Thierry của thế kỷ 11 và tu sĩ Dòng Tên Jean-Joseph Surin hồi thế kỷ 17 đã nêu hình ảnh một con bò nhai lại bữa ăn của nó – ‘ruminatio’ – như một hình ảnh về việc đọc sách đầy chiêm nghiệm. Surin đề cập đến “dạ dày của linh hồn”, trong khi tu sĩ Dòng Tên Michel De Certeau nói về một “sinh lý học của việc đọc tiêu hóa” đích thực.[28] Văn chương giúp chúng ta suy ngẫm về ý nghĩa sự hiện diện của ta trong thế giới này, “tiêu hóa” và hấp thu nó, nắm bắt những gì nằm dưới bề mặt kinh nghiệm của chúng ta. Nói tắt, văn chương giúp diễn dịch cuộc sống, giúp phân định ý nghĩa sâu xa hơn và những căng thẳng thiết yếu của cuộc sống.[29]
Nhìn thấy qua đôi mắt của những người khác
34. Xét về mặt sử dụng ngôn ngữ, việc đọc một tác phẩm văn chương đặt chúng ta vào vị trí “nhìn qua đôi mắt của người khác”,[30] do đó có được một góc nhìn rộng giúp mở rộng nhân tính của chúng ta. Chúng ta phát triển một sự thấu cảm đầy sáng tạo cho phép mình đồng cảm với cách mà người khác nhìn thấy, kinh nghiệm, và đáp ứng đối với thực tế. Nếu không có sự thấu cảm như vậy, không thể có sự liên đới, chia sẻ, lòng trắc ẩn, lòng thương xót. Khi đọc sách, chúng ta khám phá rằng các cảm xúc của mình không chỉ là của riêng mình, chúng là phổ quát, đến mức ngay cả người khốn cùng nhất cũng không cảm thấy cô đơn.
35. Sự đa dạng diệu kỳ của nhân loại, và tính đa nguyên đồng đại cũng như lịch đại của các nền văn hóa và các lĩnh vực học tập, trở thành – trong văn chương – một ngôn ngữ có khả năng tôn trọng và diễn tả tất cả sự đa dạng của chúng. Đồng thời, chúng chuyển dịch thành một ngữ pháp biểu tượng làm cho chúng có ý nghĩa đối với chúng ta, không xa lạ mà được chia sẻ. Tính độc đáo của văn chương nằm ở chỗ nó truyền tải sự phong phú của kinh nghiệm không phải bằng cách khách thể hóa nó như trong các kiểu mô tả của khoa học hay các phán đoán của phê bình văn chương, mà bằng cách biểu đạt và giải thích ý nghĩa sâu xa hơn của nó.
36. Khi ta đọc một câu chuyện, nhờ khả năng mô tả của tác giả, mỗi chúng ta có thể nhìn thấy trước mắt mình tiếng khóc của một bé gái bị bỏ rơi, thấy một bà cụ kéo tấm chăn đắp cho đứa cháu trai đang ngủ, thấy những phấn đấu vất vả của một chủ cửa hàng cố gắng mưu sinh, thấy sự xấu hổ của một người chịu đựng sự chỉ trích thường xuyên, thấy cậu bé ẩn náu trong những giấc mơ như lối thoát duy nhất của mình khỏi một cuộc sống thảm hại và bạo lực. Khi những câu chuyện này đánh thức những âm vọng lờ mờ trong kinh nghiệm nội tâm của mình, chúng ta sẽ trở nên nhạy cảm hơn với các kinh nghiệm của người khác. Chúng ta bước ra khỏi chính mình để bước vào cuộc sống của họ, chúng ta đồng cảm với những vật lộn và những khao khát của họ, chúng ta nhìn thấy mọi thứ qua đôi mắt của họ, và cuối cùng chúng ta trở thành bạn đồng hành trên hành trình của họ. Chúng ta bị cuốn vào cuộc sống của người bán trái cây, cô gái mại dâm, đứa trẻ mồ côi, chị vợ của người thợ nề, người phụ nữ già xấu xí vẫn tin một ngày nào đó sẽ gặp thấy hoàng tử trong mộng của mình. Chúng ta có thể trải nghiệm điều này với sự thấu cảm và đôi khi với sự dịu dàng và cảm thông.
37. Như Jean Cocteau đã viết cho Jacques Maritain: “Văn chương là điều không thể. Chúng ta phải thoát khỏi nó. Không ích gì khi cố thoát thông qua văn chương; chỉ tình yêu và đức tin mới giúp ta thoát ra khỏi chính mình”.[31] Nhưng liệu chúng ta có thể thực sự thoát ra khỏi chính mình nếu những đau khổ và niềm vui của người khác không cháy lên trong trái tim mình không? Ở đây, tôi muốn nói rằng: đối với chúng ta là những Kitô hữu, không có gì là của con người mà xa lạ với chúng ta.
38. Văn chương không phò chủ trương tương đối; nó không tước đi các giá trị của chúng ta. Sự biểu đạt có tính biểu tượng của thiện và ác, của sự thật và sự giả dối, như những thực tại mà trong văn chương mang dáng dấp các cá nhân và các biến cố lịch sử của tập thể, không miễn trừ khỏi sự phán xét đạo đức mà giúp ngăn chúng ta đừng kết án mù quáng hay nông cạn. Như Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Tại sao các ngươi thấy cái rác trong mắt người lân cận, mà không thấy cái xà ngay trong mắt mình?” (Mt 7,3).
39. Khi đọc về bạo lực, về sự hẹp hòi hay sự yếu đuối của người khác, chúng ta có cơ hội để suy ngẫm các kinh nghiệm của chính mình về những thực tế ấy. Bằng việc mở ra cho người đọc một cái nhìn rộng hơn về sự cao cả và sự khốn cùng của kinh nghiệm con người, văn chương dạy chúng ta kiên nhẫn trong cố gắng hiểu người khác, khiêm tốn trong tiếp cận các tình huống phức tạp, hiền lành trong phán đoán về các cá nhân, và nhạy cảm với thân phận con người của chúng ta. Sự phán xét chắc chắn là cần thiết, nhưng chúng ta không bao giờ được quên phạm vi giới hạn của nó. Không bao giờ được phán quyết một bản án tử hình, loại bỏ người ta hay áp bức nhân tính của chúng ta nhân danh một sự tuyệt đối hóa luật pháp cách vô hồn.
40. Sự khôn ngoan rút ra từ văn chương truyền cho người đọc một góc nhìn rộng hơn, một cảm thức về các giới hạn, khả năng đánh giá kinh nghiệm hơn tri thức và tư duy phê phán, và chấp nhận cái nghèo nàn mang lại sự giàu có phi thường. Bằng cách nhìn nhận sự vô ích và có lẽ ngay cả sự không thể chế giảm mầu nhiệm của thế giới và nhân loại đến chỉ còn là một phân cực nhị nguyên giữa thật và giả hay giữa đúng và sai, người đọc chấp nhận trách nhiệm đưa ra phán xét, không phải như một phương tiện thống trị, mà đúng hơn là một xung năng hướng tới sự lắng nghe nhiều hơn. Và đồng thời, sự sẵn sàng tham dự vào tính phong phú phi thường của một lịch sử do sự hiện diện của Thánh Thần, nhưng cũng được ban cho như một ân sủng, một biến cố không thể đoán trước và không thể hiểu nổi, vốn không phụ thuộc vào hoạt động của con người, nhưng xác định lại nhân tính của chúng ta trong liên hệ với niềm hy vọng cứu rỗi.
Sức mạnh tinh thần của văn chương
41. Với những suy tư ngắn gọn này, tôi tin mình đã nhấn mạnh được vai trò của văn chương trong việc giáo dục tâm trí của các mục tử và các mục tử tương lai. Văn chương có nhiều khả năng thôi thúc chúng ta tự do và khiêm tốn sử dụng lý trí của mình, một nhận thức đầy kiến hiệu về sự đa dạng của ngôn ngữ con người, một sự mở rộng những cảm quan con người của chúng ta, và cuối cùng, một sự cởi mở tâm linh đủ mức để nghe chính Tiếng Nói [của Chúa] ngỏ lời thông qua nhiều tiếng nói.
42. Văn chương giúp người đọc lật đổ các thần tượng của một ngôn ngữ qui ước tĩnh tại, tự mãn một cách sai lầm, và tự qui chiếu về chính mình, một thứ ngôn ngữ mà đôi khi cũng có nguy cơ làm vấy bẩn những diễn ngôn trong Giáo hội của chúng ta, giam hãm sự tự do của Lời Chúa. Ngôn từ văn chương là một ngôn từ làm cho ngôn ngữ chuyển động, giải phóng và thanh lọc nó. Cuối cùng, nó mở ngôn từ đó ra cho những cảnh giới rộng lớn hơn và có sức biểu cảm hơn nữa. Nó mở ngôn từ của con người chúng ta ra để đón nhận Lời vốn hiện diện trong tiếng nói của con người, không phải khi nó thấy mình là sự hiểu biết đã đầy tràn, đã dứt khoát và trọn vẹn, nhưng là khi nó trở thành một sự lắng nghe và mong đợi Đấng đang đến để đổi mới mọi sự (x. Kh 21, 5).
43. Cuối cùng, sức mạnh tinh thần của văn chương đưa chúng ta trở lại với nhiệm vụ trước hết mà Thiên Chúa ủy trao cho gia đình nhân loại chúng ta: nhiệm vụ “đặt tên” cho các hữu thể và sự vật khác (x. St 2,19-20). Sứ mạng làm người quản lý công trình sáng tạo, được Thiên Chúa giao cho Ađam, trước hết đòi hỏi sự nhìn nhận phẩm giá của chính ông và nhìn nhận ý nghĩa sự hiện hữu của các hữu thể khác. Các linh mục cũng được giao phó nhiệm vụ nguyên thủy này là “đặt tên”, ban ý nghĩa, trở thành khí cụ hiệp thông giữa công trình tạo dựng và Ngôi Lời trở nên xác phàm và năng lực soi sáng của Người trên mọi chiều kích của thân phận con người chúng ta.
44. Sự gần gũi giữa linh mục và nhà thơ như thế soi sáng sự kết hợp bí tích huyền nhiệm và bất khả phân ly giữa Lời Thiên Chúa và lời nói của con người chúng ta, tạo nên một sứ vụ trở thành một việc phục vụ xuất phát từ việc lắng nghe và lòng trắc ẩn, một đặc sủng trở thành trách nhiệm, một tầm nhìn về sự thật và sự thiện tự tỏ lộ như vẻ đẹp. Làm sao chúng ta có thể bỏ qua không suy ngẫm những lời mà thi sĩ Paul Celan để lại cho chúng ta: “Những ai thực sự học cách nhìn, sẽ đến gần những gì không nhìn thấy được”.[32]
Công bố tại Rôma, Đền thánh Gioan Latêranô, ngày 17/7/2024, năm thứ 12 triều giáo hoàng của tôi.
PHANXICÔ
_____
[1] R. LATOURELLE, ‘Literature’, trong R. LATOURELLE & R. FISICHELLA, Từ điển Thần học Căn bản, New York 2000, 604.
[2] Cf. A. SPADARO, “J. M. Bergoglio, nhà giáo đầy sáng tạo. Phỏng vấn cựu học sinh Jorge Milia”, trong La Civiltà Cattolica 2014, 523-534.
[3] CÔNG ĐỒNG VATICAN II, Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong Thế giới Ngày nay, Gaudium et Spes, 62.
[4] K. RAHNER, “Tương lai của sách báo tôn giáo”, trong Các khảo luận mới II, Roma 1968, 647.
[5] Cf. Tông huấn Evangelii Gaudium, 117.
[6] A. SPADARO, Vòng xoay hơi thở. Linh đạo đời sống hiện đại, Milano, Vita e Pensiero, 101.
[7] R. LATOURELLE, ‘Văn chương’, trong R. LATOURELLE & R. FISICHELLA, Từ điển Thần học Căn bản, New York 2000, 603.
[8] THÁNH GIOAN PHAOLÔ II, Thư gửi Các Nghệ sĩ, 4/4/1999, 6.
[9] Tông huấn Evangelii Gaudium, 89.
[10] Công đồng Vatican II, Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong Thế giới Ngày nay, Gaudium et Spes, 22.
[11] M. PROUST, Đi tìm thời gian đã mất – Du côté de chez Swann, B. Grasset, Paris 1914, 104- 105.
[12] C.S. LEWIS, Một thực nghiệm phê bình, 89.
[13] Cf. J.L. BORGES, Borges, Vấn đáp, Buenos Aires 1979, 22.
[14] THÁNH PHAOLÔ VI, Bài giảng trong Thánh lễ với các Nghệ sĩ, Nhà nguyện Sistine, 7/5/1964.
[15] Cf. T.S. ELIOT, Ý niệm về một xã hội Kitô giáo, London 1946, 30.
[16] Họp báo trên chuyến bay trở về Rôma, cuộc Tông du Thái Lan và Nhật Bản, 26/11/2019.
[17] Cf. A. SPADARO, Ân sủng của lời. Karl Rahner và thi ca, Milano, Jaca Book, 2006.
[18] Cf. K. RAHNER, Khảo cứu Thần học, Vol. III, London 1967, 294-317.
[19] Ibid. 316-317.
[20] Ibid. 302.
[21] THÁNH INHAXIÔ LOYOLA, Linh Thao, n. 317.
[22] Cf. ibid., n. 335.
[23] Ibid., n. 314.
[24] Cf. K. RAHNER, Khảo cứu Thần học, Vol. III, London 1967, 299.
[25] Cf. A SPADARO, Trang sách chiếu soi. Sáng tác xét như bài tập linh thao, Milano, Ares, 2023, 46-47.
[26] M. PROUST, Đi tìm thời gian đã mất. Thời gian được tìm thấy, Vol. III, Paris 1954, 1041.
[27] A SPADARO, Trang sách chiếu soi. Sáng tác xét như bài tập linh thao, Milano, Ares, 2023, 14.
[28] M. DE CERTEAU, Diễn từ thiên thần. Những hình dung cho một khúc thơ ngôn ngữ (Thế kỷ XVI và XVII), Firenze 1989, 139 tt.
[29] A SPADARO, Trang sách chiếu soi. Sáng tác xét như bài tập linh thao, Milano, Ares, 2023, 16.
[30] Cf. C.S. LEWIS, Một thực nghiệm phê bình.
[31] J. COCTEAU – J. MARITAIN, Đối thoại về đức tin, Firenze, Passigli, 1988, 56; Cf. A SPADARO, Trang sách chiếu soi. Sáng tác xét như bài tập linh thao, Milano, Ares, 2023, 11-12.
[32] P. CELAN, Vi thạch, Milano 2020, 101.
Có thể bạn quan tâm
Giáo xứ Tân Lâm đón nhận dấu mốc quan trọng trong đêm giao..
Th1
Lời chúc tết hay và ý nghĩa cho người Công giáo
Th1
Suy Niệm Lễ Tân Niên (Mồng 1 Tết) – Bình An & Niềm..
Th1
Suy Niệm Lễ Tất Niên
Th1
Ngày 28/01: Thánh Thomas D’Aquin (Tôma Aquinô) – Linh mục, tiến sĩ hội..
Th1
Năm Ất Tỵ – Tản Mạn Về Con Rắn Đồng
Th1
Giáo họ Thổ Mỹ: thánh lễ tạ ơn nhân dịp trùng tu nhà..
Th1
Suy Niệm Lễ Kính Nhớ Ông Bà Tổ Tiên (Mồng 2 Tết) –..
Th1
Thư Gửi Sinh Viên, Học Sinh Công Giáo Nhân Dịp Mừng Xuân Ất..
Th1
Giáo Hạt Chính Toà Văn Hạnh Tĩnh Tâm Cuối Năm & Hội Ngộ..
Th1
Bốn Cử Chỉ Cổ Võ Sự Hiệp Nhất Các Kitô Hữu Trong Năm..
Th1
Suy niệm CN III -Thường Niên C: Sứ Mạng Đấng Cứu Độ
Th1
Tổng Trưởng Bộ Truyền Thông: Giá Trị Lớn Nhất Của Truyền Thông Là..
Th1
Ngày 24/01: Thánh Phanxicô Salêsiô Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh
Th1
Bài Hát Cộng Đồng Các Ngày Lễ Tết Ất Tỵ 2025
Th1
Cáo phó: Linh mục Phêrô Phaolô Nguyễn Đăng Cao
Th1
Việc phục vụ Chúa nơi người nghèo canh tân Giáo hội
Th1
Đức Thánh Cha Phanxicô: Một Nữ Tu Sẽ Là Chủ Tịch Phủ Thống..
Th1
Thánh Lễ Tất Niên & Đặt Viên Đá Xây Dựng Trung Tâm Mục..
Th1
Nhịp Sống Giáo Hội Việt Nam Số 3: Xuân Yêu Thương
Th1