Thời gian

836 lượt xem

Thời gian là gì? Thánh Augustinô có lần viết: “giả như không ai hỏi thì tôi tưởng rằng mình đã biết thời gian là gì; nhưng nếu có người hỏi thì tôi không biết phải trả lời như thế nào nữa”[1]. Thực vậy, ý niệm thời gian rất tương đối. Có thời gian vật lý và có thời gian tâm lý. Thời gian vật lý là những khoảnh khắc đều đều có thể xác định bằng đơn vị toán học (một năm có 365 ngày; một ngày có 24 giờ; một giờ có 60 phút, v.v…). Thời gian tâm lý thì khác: nó rất co dãn, chẳng hạn như một ngày trong bệnh viện hoặc trong nhà tù thì dài hơn một tháng thư dãn (nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại)! Hơn thế nữa, thời gian tâm lý còn kèm theo một ý nghĩa: ngày sinh nhật, ngày giỗ, ngày Tết, ngày lễ, ngày quốc khánh thì không như những ngày khác trong năm. Thời gian làm nên lịch sử của một cá nhân, một cộng đồng, toàn thể nhân loại.

Thời gian tâm lý trôi nhanh hay chậm tùy theo nhiều yếu tố: niềm vui thì qua mau, nỗi buồn thì ra như bất tận. Đối với một cộng đồng, càng nhiều biến cố và kỷ niệm thì lịch sử càng thêm phong phú. Điều đầu tiên nên ghi nhận là các biến cố của lịch sử nhân loại mang tính cách dồn dập vào thời cận đại hơn là vào thời thượng cổ. Theo các nhà khảo cổ, trái đất này hiện hữu khoảng chừng 5 tỉ năm, nhưng loài động vật có vú xuất hiện từ 65 triệu năm, và loài người hiện đại (homo sapiens sapiens) từ 40 ngàn năm. Mãi 10 ngàn năm sau, con người mới bắt đầu định cư nhờ khám phá ra nghề nông, và chờ thêm 21 ngàn năm nữa mới khám phá thóc lúa. Những đế quốc đầu tiên ra đời cách đây 6 ngàn năm cùng với chữ viết tượng hình. Ông Abraham sống cách đây 4 ngàn năm, các mẫu tự được phát minh cách đây 2500 năm. Từ đó đến nay, các biến cố tăng với một tốc độ lũy tiến, đến nỗi có nói được là từ thế kỷ XVIII đến nay, tốc độ còn nhanh hơn tất cả thời gian trước đó, và thời nay, những sự thay đổi diễn ra từng thập niên, khiến chúng ta phải choáng váng. Thời nay, các dụng cụ kỹ thuật thay đổi không khác gì thời trang. Tình cảm cũng biến chuyển như vậy, khiến cho nhiều người mất đi khái niệm “chung thủy, bền vững”: thay xe, thay nhà, thay nghề, và thay vợ đổi chồng nữa.

I. Thời gian của các nền văn minh: tiến hóa hay thoái hóa?

Lịch sử không chỉ là một chuỗi các sự kiện tiếp nối nhau, nhưng chúng được móc nối với nhau, trở nên đối tượng cho những cuộc phê phán: đâu là nguyên nhân, đâu là hậu quả? Hậu quả tốt hay xấu?

Theo thuyết tiến hóa, lịch sử của con người đi lên. Nhưng cũng có quan điểm ngược lại, nghĩa là: phong hóa càng ngày càng suy đồi. Dĩ nhiên, mỗi ý kiến phê phán hàm ngụ một bậc thang giá trị, từ đó mới kết luận về sự tiến lên hay thụt lùi. Dù sao, chúng ta đã biết là nhân loại gồm bởi nhiều dân tộc và nhiều nền văn hóa khác biệt. Vì thế thiết tưởng ta có thể bàn đến sự tiến hóa hay thoái hóa cho từng dân tộc hay từng vùng, chứ không nên khái-quát-hóa cho toàn thể nhân loại.

Một cách cụ thể hơn, tuy các nền văn minh trên thế giới chịu ảnh hưởng lẫn nhau, nhưng trong lịch sử từ 6000 năm gần đây, ta thấy xuất hiện nhiều trung tâm tại những miền cách xa nhau. Mỗi trung tâm lan rộng ra các miền lân cận và trải qua những thời thịnh suy: các nền văn minh này bao gồm không những các giá trị văn học, nghệ thuật, tôn giáo, mà cả sức mạnh quân sự và kinh tế, mà ta tạm gọi là “Đế quốc”. Lịch sử của mỗi đế quốc thời cổ (Ai cập, Ấn độ, Trung Hoa) kéo dài cả ngàn năm. Đế quốc Rôma thọ 15 thế kỷ (cho đến lúc thủ đô Constantinopolis thất thủ năm 1453). Các đế quốc kế tiếp (Ả-rập, Thổ-nhĩ-kỳ) cũng như các đế quốc Tây phương chỉ thống trị được vài thế kỷ. Đế quốc Anh kéo dài hơn kém một thế kỷ. Từ nay vận tốc của những cuộc thay ngôi đổi chủ gia tăng mau lẹ.

Không thể nào khẳng định rõ ràng những nguyên nhân của sự hưng thịnh hay suy thoái của một nền văn minh: những nguyên nhân có thể là nội tại hoặc ngoại tại. Nền văn minh Tây phương hiện nay đã tự chọn lựa cho mình một con đường để tự hủy diệt, đó là hạn chế sinh sản. Một cách tương tự, có lẽ trong quá khứ, nhiều đế quốc đã sụp đổ do những yếu tố suy đồi từ bên trong. Ngoài ra, còn có những yếu tố bên ngoài, chẳng hạn như sự xâm lược của những đế quốc khác mạnh hơn, chẳng hạn như đã xảy ra các đế quốc châu Mỹ trước khi bị Tây ban nha chiếm đóng, hoặc tại Á châu với nền văn minh Kmer (di tích Angkhor Vat).

Khi chào đời, mỗi con người trở nên phần tử của một nền văn minh mang một dấu tích lịch sử của nó: đang ở giai đoạn trẻ trung, tăng trưởng, cực thịnh, suy thoái. Chúng ta đành chia sẻ thân phận của nền văn minh ấy, chứ không có quyền lựa chọn hay khước từ.

Vào khoảng hai thế kỷ trước Công nguyên, một trào lưu văn chương Do thái – được đặt tên là “khải huyền” (apocalyptic literature) – đã nảy sinh tâm thức về sự mỏng dòn của các nền văn minh và đế chế: chúng kế tiếp nhau nắm quyền bá chủ một thời gian và rồi có lúc suy tàn. Thánh Augustinô đã ý thức rõ rệt rằng mình đang chứng kiến thời suy sụp của đế quốc Rôma (tuy dù trên thực tế, đế quốc ấy còn tồn tại thêm mười thế kỷ nữa ở mạn Đông). Thực ra trong quá khứ, do sự giải thích sai lầm thị kiến của sách Đaniel (chương 7), người ta cho rằng sự xuất hiện của đức Kitô đã kết liễu tất cả các nền văn minh đế chế, và tạo nên một nền văn minh Kitô giáo chung cho tất cả nhân loại. Phải mất nhiều thời gian, người ta mới biết tách rời ra hai yếu tố: một đàng là Kitô giáo như là đoàn dân mới của Thiên Chúa do đức Kitô quy tụ, một đàng là “văn minh Kitô giáo”. Trong quá khứ, “văn minh Kitô giáo” thường được gắn liền với một nền văn minh nào đó của Tây phương, với những quy luật thịnh suy của nó. Thực ra Kitô giáo không gắn liền với một nền văn minh nào: Kitô giáo là đoàn dân mới được đức Kitô quy tụ, sống trong nhiều nền văn minh khác nhau, hoặc đang ở thời kỳ sơ khai, hưng thịnh hoặc thời suy tàn.

Đó là nói trên nguyên tắc mà thôi, chứ trên thực tế, thật khó thẩm định giá trị của nền văn minh mà chúng ta đang sống: nó đang đi lên hay đi xuống? nếu đang suy thoái, thì làm cách nào để ngăn chặn lại, hay tìm một lối thoát tốt đẹp hơn? Chỉ cần lấy một thí dụ thì đủ rõ. Trong cuối thế kỷ XX, thế giới bị chia ra làm hai khối: tự do và cộng sản. Mỗi bên đều tự coi như khuôn mẫu lý tưởng và muốn tiêu diệt bên kia. Với dòng thời gian, người ta mới nhận ra được những ưu điểm và khuyết điểm của mỗi bên. Tuy nhiên, từ chỗ phân tích phê bình đến chỗ phác họa một mô hình lý tưởng cho tương lai, con đường còn khá dài! Không ai dám nghĩ rằng một phương thức nào đó có thể áp dụng cho tất cả mọi quốc gia, lại càng không dám mơ ước rằng phương thức ấy tối ưu có giá trị ngàn đời!

Thiết tưởng đây mới thực là ý nghĩa sâu xa của tâm thức văn chương “khải huyền”, nghĩa là mọi nền văn minh đều mang tính cách tương đối. Mỗi nền văn minh có những giá trị cũng như những giới hạn của nó. Chúng ta tìm cách cải thiện những giới hạn trong những hoàn cảnh của thời buổi cụ thể hôm nay. Nhưng chúng ta biết rằng các giải pháp đều mang tính cách “tạm thời”, và cần biết trao đổi với các nền văn minh khác trong tiến trình cải tiến nhân loại, đừng nên coi một nền văn minh nào là tuyệt đối và muốn áp đặt cho tất cả mọi người.

II. Thời gian của các thế hệ

Trong việc dự báo tương lai của các hệ thống chính trị kinh tế, các nhà xã hội học gặp phải một ẩn số nan giải, đó là sự thiếu liên tục giữa các thế hệ: không ai bảo đảm chắc chắn rằng thế hệ con cháu sẽ tiếp nối đường lối của cha ông. Thực ra, trong xã hội cổ truyền, các nghề nghiệp thường mang tính chất “cha truyền con nối”; nhưng từ khi xảy ra những biến chuyển nhanh chóng trong xã hội thì không còn duy trì được sự liên tục giữa các thế hệ nữa. Thế hệ mới không những không muốn tiếp nối sự nghiệp của cha ông mình, mà lắm lần còn đòi lật ngược lại những công trình mà cha ông đã tốn sức gầy dựng lên.

Điều này không chỉ giới hạn vào phạm vi nghề nghiệp (một điều dễ hiểu bởi vì kỹ thuật đã tạo ra nhiều nghề mới mà cha ông không biết), nhưng còn mở rộng đến nhiều lãnh vực khác, liên quan đến cả não trạng nữa. Chẳng hạn như giới trẻ lớn lên trong một xã hội tư bản chưa chắc sẽ chấp nhận những giá trị của chế độ tư bản và lao đầu vào công việc kinh doanh để giúp cho nền kinh tế phồn thịnh hơn. Một cách tương tự như vậy, giới trẻ lớn lên trong xã hội khắt khe của Hồi giáo sẽ không nhất thiết trở nên những tín đồ sùng đạo. Điều này cũng xảy ra nơi các thế hệ lớn lên trong chế độ xã hội chủ nghĩa: các phương pháp giáo dục tuyên truyền không đủ sức thuyết phục các thế hệ trẻ tiếp tục con đường mà các cán bộ lão thành cách mạng đã xây đắp.

Hiện tượng này đòi buộc chúng ta phải suy nghĩ về thời gian của các thế hệ. Ra như mỗi thế hệ muốn sáng tạo một nền văn minh mới, muốn khởi sự từ đầu. Dĩ nhiên là không ai có thể sáng chế tất cả từ con số không. Mỗi thế hệ cần phải lợi dụng những gia tài của các thế hệ đàn anh. Tuy nhiên, khi ôn lại quá khứ, ký ức sẽ làm một cuộc thanh lọc, chỉ giữ lại một phần được coi là còn giá trị, và loại bỏ những phần khác.

Một lần nữa, chúng ta khiêm tốn chấp nhận rằng con người mang rất nhiều hòai bão, nhưng chỉ thực hiện được một phần bé nhỏ. Mỗi thế hệ cố gắng làm được một phần, với niềm hy vọng là thế hệ kế tiếp sẽ tiếp tục công trình của mình. Nhưng vừa mới đi chôn cất thế hệ đàn anh thì thế hệ đàn em đã vội tìm cách sửa đổi hướng đi của tiền nhân. Mỗi thế hệ tìm cách xây dựng tương lai cho mình, và tìm đường hướng đưa ra áp dụng. Tuy nhiên, đến khi đối diện với thực tế, người ta mới nhận thấy giới hạn của dự phóng, và đành chấp nhận rằng mình không thể nào điều khiển được dòng lịch sử, mà chỉ tìm cách đối phó với thực tại trong tầm khả năng của mình.

Nói đến đây chúng ta lại trở về với tính cách “tạm bợ” của mọi dự án trên đời này. Nhìn rộng ra lịch sử cứu độ, chúng ta nhận thấy đặc tính “tạm bợ” kể cả nơi các “giao ước” của Thiên Chúa đối với Dân của Người. Cựu ước (giao ước với Israel) chỉ là “tạm bợ”, nghĩa là chuẩn bị cho Tân ước của Đức Kitô. Và tuy dù chúng ta sống vào thời giao ước mới và vĩnh viễn được thiết lập trong Máu của Đức Kitô, nhưng các thể chế và bí tích của Hội thánh vẫn còn mang tính tạm bợ của thân phận lữ hành tiến về thành đô thiên quốc (Vaticanô II, Hiến chế về Hội thánh số 8-9).

Điều này khiến chúng ta khiêm tốn hơn để đừng tự mãn trước những thành tựu đã đạt được, và đồng thời cũng tin tưởng nơi quyền năng của Thánh Linh giúp cho các tín hữu biết phân định, canh tân những thực thể mà mình đang đối diện.

III. Thời gian của đời người

Trên đây chúng ta đã nói đến thời gian của nhân loại, của các nền văn minh, của các bậc tổ tiên. Bây giờ chúng ta bàn đến thời gian của mỗi nhân sinh: thời gian chuẩn bị, thời gian trưởng thành, thời gian sinh sản.

1. Thời gian ngắn ngủi

“Thời giờ thắm thoát thoi đưa”. Lời than tiếc ngậm ngùi được đọc thấy hầu như trong văn chương bình dân của hết mọi dân tộc. Nhưng thử hỏi: thế nào là ngắn, thế nào là dài, thế nào là đủ?

Theo nhiều huyền thoại, vào thời cổ xưa tuổi thọ rất cao – chẳng hạn như theo Kinh Thánh (St 5,27) ông Mathusalem thọ 969 tuổi, hoặc ông Bành Tổ 1000 tuổi -, nhưng rồi cứ giảm sụt dần dần. Ngược lại, các tài liệu khoa học thời nay thì nói rằng nhờ tiến bộ y khoa, tuổi thọ trung bình càng ngày càng tăng. Phải chăng tài liệu của khoa học dựa trên thống kê chính xác, còn huyền thoại thì phát biểu ước mơ bất thành của loài người? Dù sao dưới một khía cạnh nào đó, phải nhận rằng người xưa sống thỏai mái hơn thời nay, không phải tại vì họ không bị ô nhiễm môi sinh, không phải tại vì họ không hấp tấp vội vàng, nhưng bởi vì cuộc sống đơn giản hơn: họ mãn nguyện vì đã hoàn tất một công việc nào đó (một mùa gặt, một nghệ phẩm, một gia đình êm ấm). Thời nay, ta thấy mở ra đàng trước mặt biết bao dự án, nhưng mà ít người có cơ may thấy được nó hoàn thành trong đời của mình. Nhiều kế hoạch được đề ra cho cả ngũ niên, thập niên hay ngũ thập niên. Những dự án to tác thì đòi hỏi thời gian lâu dài để hoàn tất, còn những dự án ngắn hạn thì xem ra chẳng có tác dụng gì đến thực tại; trong cả hai hoàn cảnh, con người thường cảm thấy mình vô dụng, sống cả đời mà không làm được cái gì đáng kể! Vì thế một hậu qủa dễ xảy ra là tâm trạng buông xuôi, sống tới đâu hay tới đó, hơi đâu mà bận tâm lo xa làm gì.

Tuy nhiên, trong Tân ước, câu nói “thời giờ ngắn ngủi” mang một ý nghĩa khác. Nó muốn nói rằng chẳng còn nhiều thời giờ nữa đâu, vì thế ta hãy tận dụng thời giờ đang nắm trong tay đi (xc. Rm 13,11; 1Cr 7,29; 2Cr 6,2; Ep 5,16).

Đức Giêsu để lại cho ta tấm gương về cách sử dụng thời giờ ngắn ngủi. Người sống hơn kém 33 tuổi, và những năm hoạt động lại còn ngắn hơn nữa. Tuy nhiên, trong một thời gian ngắn ngủi, Người đã hoàn tất công tác phải làm. Kể từ đó, ta thấy thời gian ngắn ngủi không còn là chuyện quan trọng nữa: điều quan trọng là hoàn tất công tác đã được giao phó cho mỗi người. Sự nghiệp vĩ đại của đức Giêsu đã được hoàn tất trong khoảng thời gian vài tháng. Điều này cũng có thể xảy đến cho mỗi người Kitô hữu: nhiều vị thánh tử đạo lúc còn trẻ tuổi, và họ không than tiếc cuộc đời quá ngắn ngủi. Không, họ đã hoàn tất một sự nghiệp mang giá trị vĩnh cửu, và chừng ấy đã đủ rồi.

Như vậy đối với người Kitô hữu, thời gian đồng nghĩa với sứ mạng. Điều quan trọng là hoàn thành sứ mạng. Họ không nên bận tâm về thời gian vật lý. Thời gian mà họ sống trong Đức Kitô thì mang chiều kích thời gian của Đức Kitô.

2. Thời gian chuẩn bị

Để có thể hoạt động hữu hiệu, ta cần phải chuẩn bị. Thời gian chuẩn bị lắm khi lâu hơn thời gian hoạt động nữa.

Việc giáo dục con người càng ngày càng đòi hỏi một thời gian lâu dài hơn. Trong nền văn minh nông nghiệp, con gái lên 13-15 và con trai lên 15-18 tuổi đã có thể lập gia đình rồi. Trong nền văn minh tân tiến, sự chuẩn bị kéo dài thêm: mãi đến 25 tuổi mới mãn đại học; ra làm việc được 30 năm thì chuẩn bị về hưu. Như vậy, gần một nửa cuộc đời được dành cho việc đào tạo. Chưa hết, sự tiến triển khoa học đòi hỏi phải sự đào tạo liên tục để theo kịp những kiến thức chuyên môn.

Ngoài sự chuẩn bị qua việc đào tạo, chính lúc bắt tay vào việc cũng đòi hỏi sự chuẩn bị qua việc suy nghĩ, cân nhắc để đi đến một quyết định, và theo dõi những diễn biến của nó. Nói cho cùng, thời gian sản xuất thì ngắn, so với thời gian chuẩn bị trước đó. Đây là một đặc trưng của con người: cần thời gian để chín muồi. Loài vật mất ít thời gian để làm những hoạt động của chúng. Loài người thì cần nhiều thời gian chuẩn bị, và nếu thiếu chuẩn bị thì không làm được việc gì ra hồn. Chính thời gian chuẩn bị quá dài so với thời gian hoạt động cho nên nhiều lúc ta đâm ra mất kiên nhẫn. Các bạn trẻ khó chấp nhận giới hạn đó. Đây là một lý do giải thích hiện tượng tự-vẫn nơi các bạn trẻ: tại vì họ muốn đạt được kết quả ngay lập tức (mì ăn liền).

3. Thời gian trưởng thành

Nói đến chuẩn bị đào tạo thì hiểu ngậm rằng không ai sinh ra là đã thập toàn. Cần mất thời gian để thủ đắc kiến thức và kinh nghiệm.

Nhiều chuyên viên tâm-lý đã cố gắng vạch ra những chặng tiến triển trong đời người. Dĩ nhiên là không thể nào tìm được nhất trí nơi các tác giả về con số các chặng và đặc điểm của mỗi chặng. Vấn đề trở thành rắc rối hơn khi phải làm một họa đồ về sự tiến triển: phải chăng đó là một mũi tên luôn hướng lên cao, hay là một đường cong, lên rồi lại xuống. Người xưa đã nói: “khôn đâu có trẻ, khoẻ đâu có già”. Câu nói này ngầm chấp nhận rằng sức khoẻ của người già sa sút so với tuổi trẻ; nhưng liệu trí khôn của người già sẽ sáng suốt hơn hay đâm ra lú lẫn?

Thiết tưởng để trả lời câu hỏi này, cần phải xác định khái niệm về sự trưởng thành. Sự trưởng thành bao gồm nhiều khía cạnh: tâm sinh lý, trí tuệ, tình cảm, xã hội.

1/ Nhìn dưới khía cạnh sinh lý, thân thể con người trở nên cường tráng từ ấu nhi, thiếu nhi, thanh niên. Sau đó thì sức lực xuống dần.

2/ Nhìn dưới khía cạnh kiến thức, ta có quyền hy vọng rằng trí tuệ có thể phát triển không ngừng. Tuy nhiên, ai cũng biết rằng người thông minh tài cao học rộng là một chuyện, còn người khôn ngoan, chín chắn lại là chuyện khác. Ngoài ra, để trở thành người khôn, cổ nhân đã khuyên ta hãy “biết mình” (chứ không nguyên chỉ biết trời đất mà thôi). Biết mình là biết sở trường sở đoản của mình, nhận biết chỗ đứng của mình trong xã hội.

3/ Dưới khía cạnh tình cảm, ta có thể nhận thấy sự tiến triển nơi em bé chờ mong được săn sóc, cho đến người trưởng thành biết trao ban tình yêu cho người khác. Ngoài ra, người trưởng thành cũng biết làm chủ những cảm xúc ước muốn của mình, hành động sau khi đã cân nhắc, chứ không chiều theo những xung động.

4/ Một cách tương tự như vậy, dưới khía cạnh xã hội, ta có thể nhận thấy khuynh hướng của em bé là muốn lôi kéo tất cả mọi người chú ý đến mình (ra như mình là trung tâm vũ trụ); người trưởng thành ý thức sự hiện diện của người khác, quan tâm đến họ, chấp nhận những ưu điểm và khuyết điểm của tha nhân. Người trưởng thành lãnh trách nhiệm xây dựng xã hội, chứ không chỉ yêu sách xã hội phải đáp ứng đòi hỏi của mình.

Ông Erik Erikson (1992-1994) đã phác hoạ mô hình tám chặng phát triển nhân cách từ ấu thơ đến tuổi già[2]. Mỗi chặng mang những nét tích cực và tiêu cực. Dĩ nhiên các chặng đó không xảy ra nhất mực cho hết mọi người, và nhất là có người đã bị ảnh hưởng của một nét tiêu cực làm khựng lại tiến trình tiến triển.

Tuy nhiên, họa đồ trên đây về những chiều kích của nhân sinh (tâm sinh lý, trí tuệ, tình cảm, xã hội) đã đầy đủ chưa? Chiều kích siêu việt của tín ngưỡng có phải là một thành tố cơ bản của nhân sinh không? Chúng ta sẽ trở lại câu hỏi này khi bàn về cứu cánh đời người.

4. Thời gian sinh sản

Xưa nay, việc sinh con đẻ cái được xem như chuyện thường tình của nhân loại. Mãi đến thế kỷ XX, vấn đề nhân mãn mới được nêu lên. Thực ra trong quá khứ, các phụ nữ sinh nhiều con cái, nhưng tỉ số chết của các thơ nhi cũng cao; đàng khác, tuổi thọ trung bình xấp xỉ là 30, vì thế dân số địa cầu gia tăng chậm chạp. Bước sang thế kỷ XX, nhờ tiến bộ y khoa, con số tử vong của các em sơ sinh giảm, tuổi trung bình đời người lại tăng lên đến 60-70. Vì thế Tây phương bắt đầu hỏang hốt, và họ đề ra nhiều kế hoạch hạn chế sinh sản, cách riêng nhằm hạn chế sự bành trướng của Thế giới thứ ba.

Tuy nhiên, chính sách này chỉ thu hoạch kết quả đáng kể ở các nước tiền tiến, với nguy cơ đưa tới sự suy sụp của khối Âu-Mỹ. Một cách bất đắc dĩ, kế hoạch đã đi trái ngược lại điều mong muốn, nghĩa là không để cho dân số các nước Thế giới thứ ba lấn át khối tiền tiến.

Trên bình diện lý thuyết, người ta xét lại vấn đề: sự sinh sản có phải là một trọng trách của con người không? Một ý kiến cho rằng sự sinh sản là một bản năng tự nhiên của loài động vật, mà ta phải tìm cách chế ngự. Đó là lập trường của những phong trào hạn chế sinh sản, và họ tìm cách để dập tắt lòng mong ước có con cái.

Cựu ước phản ánh tâm trạng cổ thời, coi việc sinh con đẻ cái như là hạnh phúc, và coi người đàn bà son sẻ như nỗi bất hạnh lớn nhất trên đời. Con cái mang lại niềm vui và hãnh diện cho cha mẹ; ngược lại, đôi vợ chồng không con bị coi như mất ý nghĩa. Sự sinh sản không những là mệnh lệnh của Đấng Tạo hóa ra cho nguyên tổ (St 1,28), nhưng còn là một trọng trách cao cả dành cho nhân loại. Dĩ nhiên, những trang sách này phản ánh quan điểm của xã hội nông nghiệp thời ấy, nhưng không phải chỉ mang tính cách thuần túy văn hóa.

Tân ước chuyển việc truyền thông sự sống sang một hướng khác. Đức Giêsu tách rời Dân Thiên Chúa khỏi sự sinh sản. Đức tin được thông truyền cho nhau không qua con đường sinh sản (như trong Cựu ước), nhưng qua lời giảng. Lời giảng còn quan trọng hơn là sự sinh sản. Thậm chí các tông đồ được khuyến khích hãy khước từ sự sinh sản, ngõ hầu dành hết tâm lực để phục vụ Lời.

Tuy vậy, công tác phục vụ Lời cũng đòi hỏi tính liên tục. Các tông đồ không sinh đẻ ra những người tiếp tục sứ mạng của mình; nhưng cần những người khác tiếp tục sự sinh sản. Trong cộng đoàn Kitô hữu, cần duy trì sự liên tục sứ vụ truyền thông Lời Chúa, và điều này làm sáng tỏ hơn rằng sự sinh sản là một trọng trách cao quý của nhân loại.

IV. Thời gian và thời thế

Như đã nói trên đây, “thời gian vật lý” gồm bởi những đơn vị đo lường bằng nhau (năm, tháng, ngày, phút, giây); “thời gian nhân sinh” (hay tâm lý) thì không theo một nhịp điệu đều đặn, nhưng có lúc nhanh lúc chậm, lúc mạnh lúc yếu. Thực ra cuộc sống con người bị chi phối bởi cả hai thứ thời gian đó.

1. Thời gian vật lý

Sống trên đời, con người bị chi phối bởi những chu kỳ thiên nhiên: tứ thời bát tiết, ngày và đêm, tháng và năm. Dựa theo các chu kỳ đó, nhiều cách tính lịch đã được chế ra, để tổ chức cuộc sống (thời giờ dùng cho việc ăn uống, ngủ nghỉ, làm việc) cũng như để giao tiếp với tha nhân (lịch làm việc, niên học, ngân sách, vv). Ngoài ra, đừng nên quên rằng từ thời cổ, nhiều người tin rằng sự vận hành của các tinh tú nhật nguyệt cũng ảnh hưởng đến định mệnh của mình nữa. Đây là đối tượng của các ngành chiêm tinh.

Chúng ta cũng dùng “lịch thiên nhiên” để ghi nhớ những kỷ niệm của đời mình hay của những người thân (ngày sinh, ngày qua đời, cũng như những biến cố quan trọng khác chẳng hạn như lễ thành hôn).

Các cộng đồng cũng có những kỷ niệm dựa theo một quyển lịch: ngày lập quốc, ngày đăng quang của hoàng đế, ngày ban hành hiến pháp. Thời xưa, nhiều hoàng đế bắt đầu tính niên lịch kể từ khi mình bắt đầu lên ngôi (nguyên niên, đệ nhất niên, vv). Họ muốn để lại dấu ấn trên lịch sử của dân tộc hay của thế giới (chẳng hạn như lịch của Đế quốc Rôma).

2. Thời gian xoay vòng hay thời gian một chiều

Theo nhiều nhà dân tộc học, các dân tộc cổ điển không có khái niệm gì về lịch sử. Thời gian được quan niệm như vòng chu kỳ luân hồi. Mỗi năm gồm 4 mùa kế tiếp nhau (xuân, hạ, thu, đông) thành một chu kỳ; hết một chu kỳ này lại tiếp tục chu kỳ mới, cứ thế mà tiếp tục xoay, không có khởi đầu và không có đích điểm. Đó cũng là quan niệm của nhiều tôn giáo lớn bên A-đông, tuy rằng vòng luân hồi này dài cả triệu năm chứ không chỉ kéo dài bốn mùa. Đối lại, người Do thái có một quan niệm khác về thời gian: thời gian có một khởi điểm, đó là kể từ khi vũ trụ được tạo thành; và một đích điểm, đó là thời cánh chung. Các học giả đặt trên cho hai quan niệm về thời gian như là “xoay vòng” (cyclical) và “một chiều” (linear).

Thực ra, đó là một cách trình bày giản lược mà thôi, chứ trên thực tế cả hai quan niệm pha trộn lẫn nhau trong cuộc sống. Mặc dù người Do-thái quan niệm rằng lịch sử nhân loại có một khởi điểm và một đích điểm, nhưng giữa hai mốc điểm đó là một chuỗi những biến cố đánh dấu những lần Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử của dân tộc, đặc biệt là biến cố giải phóng khỏi cảnh nô lệ. Hằng năm dân Do-thái kỷ niệm biến cố này vào lễ Vượt qua, một lễ hội bắt nguồn từ tục lệ mừng xuân của dân du mục. Việc mừng lễ này tạo nên ý thức lịch sử cho dân tộc, theo nghĩa là tạo ra những ý niệm “quá khứ – hiện tại – tương lai”. Lễ Vượt qua ôn lại biến cố đã xảy ra trong qúa khứ, đó là cuộc giải phóng dân tộc. Khi được mừng vào lúc này, biến cố giải phóng trở nên hiện thực. Đồng thời, những kinh nghiệm quá khứ là bảo đảm cho tương lai dựa trên lòng trung tín của Thiên Chúa.

Như vậy, người Do-thái đã biến đổi tập tục của dân du mục mừng chu kỳ thiên nhiên để xây dựng một quan niệm về lịch sử. Lịch sử gồm một chuỗi những biến cố của quá khứ, được móc nối cách mạch lạc, và giải thích soi sáng ý nghĩa cho thời buổi hiện tại. Ôn lại quá khứ để học biết những thành công và thất bại, những tiến bộ và thụt lùi, những khúc quặt quan trọng. Dựa trên bài học quá khứ, ta có thể phân tích tình hình hiện tại, vạch ra những sự liên tục hay tiến hóa của các sự kiện đang diễn ra, để từ đó có thể tổ chức những hành động để ứng phó. Sau cùng, từ quá khứ, người ta cũng xây dựng tương lai, phóng dọi những điều đã xảy ra lên những chân trời mới.

Dĩ nhiên, chúng ta đừng nên quên rằng đối với người Do-thái, mối dây nối kết những biến cố quá khứ hiện tại và tương lai là tình thương của Thiên Chúa. Không ai biết đích xác rạch ròi những đường lối của Thiên Chúa, nhưng người tín hữu thâm tín nơi tình thương và lòng trung tín của Ngài với lời hứa.

Kitô giáo kế thừa quan niệm của dân Do-thái về lịch sử. Thay vào cuộc giải phóng dân tộc là cuộc Vượt qua của Đức Kitô: cái chết của Người bùng lên sự phục sinh. Từ đó trở đi, đối với các Kitô hữu, cuộc Phục sinh của đức Kitô trở nên tất cả: quá khứ – hiện tại – tương lai. Tuy nhiên, cuộc Phục sinh của đức Kitô không xóa bỏ dòng lịch sử, nhưng trở thành động lực mới cho lịch sử của dân Người. Cuộc Phục sinh của đức Kitô cần được hiện thực trong cuộc đời của mỗi tín hữu, phát sinh những cuộc hóan cải, canh tân trong lòng mỗi cá nhân cũng như cộng đoàn. Dòng lịch sử này vẫn còn mang những vết tích của tội lỗi và nô lệ, vì thế cần được giải thoát. Trên cuộc lữ hành này, họ cảm thấy nhu cầu tụ họp nhau để cử hành lễ Vượt qua, không chỉ một năm một lần, mà mỗi tuần một lần, để vừa tưởng niệm tình thương cứu chuộc của Thiên Chúa, vừa củng cố nhau trong nỗ lực kiến thiết Nước Trời, giữa những thành công và thất bại, cho đến lễ Phục sinh vĩnh viễn. Cuộc lữ hành của Hội thánh được ví như sự căng thẳng giữa Triều đại Thiên Chúa “đã đến” và “sẽ đến”.

3. Thời gian và thời thế

Con người ý thức thân phận mình hữu hạn, chỉ sống trên đời một thời gian. Nhưng con người khát khao về nơi vĩnh cửu, nơi mà thời gian không kết thúc. Thực ra đầu óc chúng ta có mường tượng được cái thường hằng: chúng ta chỉ diễn tả một cách tiêu cực là “không tận”; rồi từ đó chúng ta cũng mường tượng đến Thiên Chúa là Đấng “không bắt đầu” (vô thuỷ vô chung). Niềm khát vọng sống vĩnh hằng có nghĩa là được tham dự vào sự sống với Thiên Chúa. Chúng ta sẽ trở lại vấn đề này ở Kết luận tập sách, khi bàn về cứu cánh và hạnh phúc đời người. Ở đây chỉ xin thêm hai chân lý liên quan đến việc Thiên Chúa đến gặp gỡ con người trong dòng lịch sử hiện tại, đó là chân lý về Thiên Chúa quan phòng và chân lý về thời điểm.

1/ Chân lý về Thiên Chúa quan phòng muốn nói rằng Thiên Chúa không phải là một ông thợ chế tạo chiếc đồng hồ và rồi để cho nó chạy tự động. Không, Thiên Chúa dựng nên muôn vật, và tiếp tục theo dõi công trình tạo dựng. Đặc biệt đối với loài người, Thiên Chúa chăm sóc họ, xét như từng cá thể cũng như toàn thể nhân loại. Chân lý về Thiên Chúa quan phòng đi ngược lại những quan điểm về số phận may rủi, hoặc định mệnh mù quáng. Tuy nhiên, thật không dễ gì nhận ra chương trình khôn ngoan âu yếm của Thiên Chúa trong những hoàn cảnh bi đát của cá nhân hay của một cộng đoàn (xc. GLCG 302-314).

2/ Chân lý về Chúa quan phòng xem ra chỉ nói lên bộ mặt “tĩnh” của việc đồng hành với con người trong cuộc sống hàng ngày (mọi sự đều do Chúa an bài). Thần học cận đại muốn bổ túc thêm với ý niệm thời điểm mang bộ mặt “động” hơn: Thiên Chúa vẫn tiếp tục tác động trong lịch sử của loài người cũng như trong lịch sử của mỗi người.

Trong văn học Việt Nam, chúng ta gặp thấy chữ “thời” (thời cơ, thời thế, thời vận), chẳng hạn như “thời thế tạo anh hùng” (hay “anh hùng tạo thời thế”). Trong nguyên bản Tân ước bằng tiếng Hy-Lạp, ngoài từ ngữ chronos ám chỉ thời khắc (thí dụ Gl 4,4), các tác giả còn dùng tiếng kairos khi muốn đến thời kỳ cứu độ, lúc mà Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử: đó là thời cơ thuận tiện được cống hiến đễ lãnh ơn cứu độ (Ep 5,16; Cl 4,5), mời gọi con người hãy đón nhận và đáp trả.

Dựa trên những dữ kiện đó, công đồng Vaticanô II dùng thuật ngữ “dấu chỉ thời đại”[3] (đôi khi được dịch là “thời điểm” hoặc “thời triệu”), dựa theo Tin mừng Mt 16,3 (Lc 12,54-56) để nói đến những đường lối mà Thiên Chúa sử dụng để bày tỏ ý định của mình trong lịch sử hôm nay. Đối lại, Giáo hội, đặc biệt là các nhà lãnh đạo, cần sáng suốt đọc ra những dấu hiệu đó để nhận ra ý Chúa. Sự biện phân này được xem như một đặc điểm của ơn gọi ngôn sứ, như đức thánh cha Gioan Phaolô II đã nói trong tông huấn “Đời sống thánh hiến” số 73.

Cho dù nhìn trên bình diện cá nhân hay cộng đoàn, ý niệm “thời thế” cho thấy rằng lịch sử không chỉ là sự nối tiếp đều đều của dòng thời gian, cũng không chỉ là chuỗi những sự kiện may rủi, nhưng nhất là lịch sử được kết thành nhờ những quyết định tự do của con người. Con người viết lên trang sử đời mình, và lãnh trách nhiệm về các hành vi ấy.

————

[1] “Quid est ergo tempus? Si nemo ex me quaerat, scio; si quaerenti explicare velim, nescio”, Confessiones lib.XIV, c.14.
[2] Tám chặng là: 1/ Từ sinh ra đến 18 tháng. 2/ Từ 18 tháng đến 3 tuổi. 3/ Từ 3 đến 5 tuổi. 4/ Từ 5 đến 12 tuổi. 5/ Từ 12 đến 20 tuổi. 6/ Từ 20 đến 40 tuổi. 7/ từ 40 đến 60 tuổi. 8/ Từ 60 tuổi. Tác phẩm: Childhood and Society, New York 1950. Identity and the Life Cycle New York 1959. Identity, Youth and Crisis, New York 1968.
[3] “Signa temporum”. Sắc lệnh về Hợp nhất số 4; Sắc lệnh về đời sống linh mục số 9; Hiến chế mục vụ về Hội thánh trong thế giới hiện đại số 4 (xem thêm các số 11; 44).

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận