THƠ SUY NGHIỆM
(Đọc tập May[1] của Lê Quốc Hán)
May là tập thơ thứ năm của nhà thơ Lê Quốc Hán, sau những Lời khấn nguyện (1996), Bến vô cùng (1999), Mạc khải (2004), Bất biến (2009). So với những cái tên khá “siêu hình” của những tập trước, cái tên May có vẻ giản dị, không chỉ bởi là một từ đơn âm, mà nó còn gợi ấn tượng về một sự tự nghiệm. Giản dị nhưng không hề đơn nghĩa. Và dù hiểu thế nào thì giữa các nghĩa vẫn có một nét chung: ấy là cái tâm trạng bằng lòng về cái mà mình còn giữ được sau bao nhiêu biến thiên, chảy trôi, mất mát, phôi pha. Điều này càng được củng cố khi ta đọc lại chính bài có cái tên được chọn làm nhan đề cho cả tập thơ:
MAY
Ăngco Thom
Ăngco Vát
ngẩng đầu nhìn tháp
hai lần hoàng hôn
chuông buông
sương vương
linh hồn ớn lạnh
đâu niềm kiêu hãnh
đế chế huy hoàng thuở xưa
được
thua
còn mất
câu hỏi quặn thắt
tượng thần Bayon bốn mặt
mặt nào rơi nước mắt
mặt nào trao nụ cười
sách bí ẩn lão thời gian đánh cắp
tháp thương tình vung bút chép lên trời
tất cả đã vèo trôi tất cả sẽ vèo trôi
giấc hồ điệp
may
còn sót lại muôn đời
cái đẹp
Trình bày theo hình thức thơ thị giác, bài thơ “vẽ” nên hình ảnh cái tháp (biểu tượng của xứ Ăngco) khá thú vị. Theo tôi, nhà thơ thấy may không chỉ vì qua bao nhiêu tàn phá của thời gian, cái đẹp vẫn còn sót lại, mà quan trọng hơn, trong khoảnh khắc hiện tại, tâm hồn còn biết cảm nhận cái đẹp ấy. Nhờ đó, vẫn còn có thơ.
Cảm thấy “may” vì thơ vẫn còn cất lên được từ tâm hồn mình biểu hiện bằng nhiều biến thái tinh vi, thậm chí đối nghịch. Có khi là nỗi hân hoan trong khoảnh khắc xuân về: “đêm giao thừa đêm vạn vật tái sinh dưới ngón tay em chồi tơ non se sẽ mở trên môi em nụ hoa thơm bừng nở trên vai em vạn cánh chim non tập vỗ và người đời gọi đó Mùa Xuân” (Giao thừa). Có khi là niềm khát khao sự bất tử của cảm xúc thơ: “rồi một mai héo trên cành cổ thụ/ gửi lời ca trong tiếng lá xạc xào/ xác tan biến dạt ra ngoài vũ trụ/ hồn vẫn còn thánh thót hót trên cao (Tiếng hót). Có khi là nỗi lo âu vì sợ sự chai sạn, cằn cỗi của con tim khiến nguồn thơ cạn kiệt:
trái tim đã hóa thành vách đá
tiếng vọng sượt qua
rơi
lả
tả
(Vách đá)
Rồi nữa, những điều gây tiếc nuối, sợ hãi, rợn ngợp, thao thức, hối hận, đắm say, kì vọng,… nghĩa là còn rất nhiều nguyên cớ cho sự sinh thành của thơ. Có những thứ tưởng rất “vụn”, rất “vu vơ” (tên các bài thơ trong tập) nhưng không hề vô nghĩa, bởi chúng đã hóa thân, thực sự có hình hài và sự sống đích thực, bằng thơ.
Đọc May, có thể thấy người viết sống kĩ, sống thơ trong từng hơi thở, trong mỗi cuộc giao tiếp. Với thiên nhiên có: Cúc xưa, Trước hoa hồng, Vách đá, Tiếng chim, Cõi sen, Bonsai, Hoa đêm, Chim, Sóng, Gió, Quà tặng, Ga thời gian, Sông già, Giao thừa, Ban mai, Suối Tiên, Những cánh hoa đêm…Với quê hương: Đèo Ngang, Vọng quê, Sông La, Quê hương… Với tiền nhân: Trăng Hàn, Tập Kiều, Xin, Nhớ Ức Trai, Trương Chi… Với bằng hữu, cố nhân, tha nhân: Không đề, Kì ngộ, Bông hoa bên suối, Giả định, Vắng, Hình như, Nhớ người quan họ, Dặn con,… Với chính mình: Đo, Hỏi, Soi, May, Vụn, Đối ẩm với mưa, In, Sao, Hình như, Bóng, Nguyện cầu mùa thu, Quay lại là bờ, Dạ khúc, Giấc ngủ…
Đề tài thơ được phân định như trên chỉ có tính tương đối, vì thế giới bên ngoài không bao giờ giữ vị trí trung tâm trong thơ Lê Quốc Hán. Ở bất cứ bài nào, ta cũng gặp hình ảnh một con người từ tốn mà sâu sắc, đa cảm mà cả nghĩ, kiệm lời mà đa đoan, tỉ mỉ mà khái quát, chân mộc mà sắc sảo, phiêu bồng như thơ mà chính xác như toán… Chính những tố chất đó góp phần tạo nên một kiểu tư duy thơ riêng của Lê Quốc Hán: thơ suy nghiệm.
Kiểu tư duy thơ này in dấu rất rõ và sâu trong lựa chọn ngôn từ, trong tạo dựng hình ảnh biểu đạt, trong cấu tứ lập ý, trong cách tổ chức bài thơ. Dường như ở đâu, ta cũng thấy thơ ưu tiên thể hiện suy nghiệm hơn là cảm xúc, cảm giác. Suy nghiệm có thể ẩn sâu trong những hình ảnh có tính biểu tượng: “sau hoang tàn đổ nát chiến tranh hồ cạn kiệt sen xưa xơ xác lá chúng con dẫn nước về cúi xin mẹ thả lứa sen dành con cháu mai sau” (Cõi sen); “ngày xưa hái hoa hồng/ gai đâm/ máu tứa/ đêm nay hái hoa hồng/ tay nguyên vẹn/ cành hồng ứ nhựa/ úp mặt xuống chùm gai tua tủa/ khóc/ tim mình/ không còn chút nhói đau” (Trước hoa hồng)… Suy nghiệm khiến những câu thơ trở nên cô đúc như châm ngôn: “mắt đen thăm thẳm/ tầm nhìn/ nửa gang”; “rừng xanh bạt ngàn/ chỉ toàn/ gỗ tạp” (Vụn); “chim khôn bất ngờ/ gặp bão/ chọn cành nào/ đậu/ để nương thân”; “hót hay không cao giọng/ nguy khốn chớ hạ mình” (Chim)… Và không hiếm lúc, suy nghiệm “lộ thiên” trong những câu thơ thuần ý: “rất cũ và rất mới/ xa lạ và thân quen/ tình yêu không có tuổi/ trước tháng ngày ngủ quên” (Tình yêu); “đời bao nhiêu điều lạ/ đâu dễ tìm nguyên nhân” (Sóng); “xã hội văn minh/ khoảng cách giãn nở/ chính bản thân mình/ không là mình nữa” (Những cánh hoa đêm)…
Một số nhà phê bình đã đề cập vấn đề cảm thức tôn giáo trong thơ Lê Quốc Hán, phân tích nhiều dấu hiệu nội dung và nghệ thuật để chứng minh. Nhưng theo tôi, ở tập May cũng như một số tập thơ khác của tác giả này, điều đó không biểu hiện chủ yếu ở ngôn từ, hình ảnh, cảm xúc mang màu sắc tôn giáo, mà sâu hơn, ở sự suy nghiệm của tác giả về Đấng Sáng Tạo và về Con Người – tạo vật duy nhất được trao ban linh hồn thiêng liêng, cao quý. Quả vậy, cái vị thế Con Người được tái hiện trong tập May có đầy đủ những vui – buồn, sướng – khổ, vinh – nhục, mạnh mẽ – yếu đuối, cao cả – lầm lạc… nhưng tất cả đều được thiêng hóa. Dường như tập thơ có một “bầu khí quyển”, một “sinh thái tinh thần” đặc thù làm toát ra ý niệm: Con Người chính là sản phẩm tuyệt diệu của Đấng tối cao. Qua Con Người, có thể nhận biết về Ngài. May, do đó cũng trở nên đa nghĩa: may chưa chai sạn vô cảm, may còn có thơ, may được làm người, may là người có đức tin… Những nghĩa này không bao giờ được kiến tạo bởi một nhãn quan vô tín ngưỡng.
Về nghệ thuật, làm thơ suy nghiệm là khá mạo hiểm. Mạo hiểm vì trong thơ cổ kim của nhân loại, kiểu này dường như đã được “nghiệm thu” và ghi dấu bởi những đỉnh vòi vọi. Ngay ở thơ Việt, đã từng có những câu trở thành triết lí muôn đời:
– Phượng những tiếc cao, diều hãy liệng
Hoa thì hay héo, cỏ thường tươi (Nguyễn Trãi)
– Còn bạc còn tiền còn đệ tử
Hết cơm hết gạo hết ông tôi
– Thớt có tanh tao ruồi đậu đến
Gang không mật mỡ kiến bò chi (Nguyễn Bỉnh Khiêm)
v.v…
Mạo hiểm vì suy nghiệm bằng thơ mà nếu chỉ rút ra được những triết lí quen thuộc, có tính phổ quát, rất dễ nhận được những cái lắc đầu kèm theo nhận xét lạnh lùng: “tưởng gì”… Mạo hiểm vì thơ suy nghiệm có vẻ khước từ một trong những ưu thế thuộc phẩm tính của thơ: tình cảm, cảm xúc, cũng như khó thích ứng với những tìm tòi hình thức, do đó, không khéo sẽ bị lẫn vào hằng hà sa số danh ngôn, châm ngôn trôi nổi hiện nay. Mạo hiểm là thế, nên làm thơ kiểu suy nghiệm, người viết phải có những “chiêu” riêng, nếu không sẽ chỉ tạo ra một thứ na ná thơ.
Ấy thế mà, tập May của Lê Quốc Hán lại chủ yếu thể hiện những suy nghiệm bằng thơ.
Tập May có tất cả 57 bài, theo cảm nhận của tôi, chủ yếu là tiếng nói đúc kết những suy tư, chiêm nghiệm về lẽ đời, về lòng người, về đạo sống… Suy nghiệm thường phải gọn. Gọn trong cấu tứ, dung lượng. Gọn về tên bài. Không có gì lạ khi tên không ít bài thơ chỉ có một âm tiết. Có những bài tưởng được viết bằng cảm xúc bất chợt, thuần túy, nhưng đọc kĩ, vẫn có thể nhận ra những khắc khoải của trí nghĩ. Có những bài được viết rất nhuyễn, cảm xúc và suy tư hài hòa, được “đúc” trong những hình ảnh rất “thơ”, nhưng rồi bỗng bật ra những câu thuần lí tương đối khô khan: “trong hữu hạn gắng tìm ra vô hạn/ để tình người chạm đến đáy thẳm sâu” (Tiếng hót). Tôi cho rằng, chính những câu thể hiện suy tư trực tiếp như thế vô hình trung đã vạch một đường biên giới hạn của bài thơ.
Không ít trường hợp, ẩn dụ được dùng khá sáng tạo đã “giải cứu” nguy cơ tiếng nói lí trí lấn át cảm xúc. Trước hoa hồng, Vách đá, Ga thời gian… là những bài như thế.
Vậy nhưng, tính chất nửa vời của ẩn dụ lại là một đặc điểm (hay nhược điểm?) của tập May. Nhiều bài, hình ảnh ẩn dụ đang phát huy khả năng tạo nghĩa, giúp suy cảm của người đọc được mở ra mênh mông, thì lập tức bị đóng lại bởi những nhận xét rất tỉnh táo của chính tác giả. Khi ẩn dụ là “cuộc phiêu lưu của những con chữ” (Nguyễn Kỳ Thục) và đọc thơ là “giải đố”, thì ở đây, lời giải đã được “cài sẵn” trong bài, khiến người đọc có lúc bị chưng hửng, mất hết hứng thú của sự kiếm tìm. Tôi rất muốn kết quả suy nghiệm phải do người đọc tự rút ra nhờ tiếp xúc hồn nhiên với bài thơ, chứ không phải bởi chính tác giả, kiểu như: “đời bao nhiêu điều lạ/ đâu dễ tìm nguyên nhân” (Sóng); “ta/ giọt nước nguồn/ nặng một lời nguyền/ ra đi/ phải đến“ (Lời nguyền); “trăm năm một nắm vô thường/ sao chưa rũ bỏ nỗi buồn nhân gian“ (Sao)…
Lê Quốc Hán từng viết những bài thơ văn xuôi khá đặc sắc, như Vũ trụ và tâm linh, Con Người, Hạt bụi… Suy tưởng triết học và cảm xúc thi ca dường như không thể tách bạch, được biểu đạt trong một hình thức tổ chức ngôn từ rất phóng túng, tự nhiên, lời thơ tao nhã, tinh tế, những biểu tượng giàu sức gợi… đã ghi dấu nỗ lực sáng tạo của tác giả. Tiếc rằng, ở tập May, thơ văn xuôi chất lượng không đều (không chỉ giữa các bài mà còn giữa các khổ trong một bài). Bên cạnh những bài “đọc được”, “dễ chịu”, vẫn còn một số bài chưa thoát khỏi khuôn thức vần điệu. Những bài như thế, nếu ngắt dòng sau vị trí hiệp vần ở cuối câu, chúng sẽ hiện nguyên dạng hình thức của thơ cách luật. Dường như có sự trộn lẫn đáng tiếc giữa văn xuôi đích thực và thơ cách luật được giãn ra cho có màu sắc văn xuôi.
Tập May như một món quà giản dị, khiêm tốn mà tác giả dành cho người đọc thơ hôm nay. Không mong tìm ở đó những ý tưởng lạ lùng, những hình thức tân kì, nhưng độc giả có thể thoải mái chuyện trò, tâm sự với một con người từng trải, sâu cuộc sống thường nhật. Lê Quốc Hán cũng không hề nghiêm trọng hóa bất cứ chuyện gì, nhưng mỗi biểu hiện dù nhỏ của đời sống luôn được ông nâng niu, trân quý và xem đó là sợi dây liên hệ mật thiết giữa con người trong cõi nhân gian với Đấng siêu nhiên.
Và bởi vậy, nói là May, nhưng trong sáng tạo nghệ thuật, không bao giờ có cái may đúng nghĩa.
Đặng Lưu
Phương Mỹ, 05/3/2020
[1] Lê Quốc Hán – May (tập thơ), NXB Hội nhà văn, 2019.
Có thể bạn quan tâm
Ngày 27/12: Thánh Gioan Tông đồ
Th12
Ý nghĩa của hành hương Năm thánh?
Th12
Ngày 28/12: Các Thánh Anh Hài tử đạo
Th12
Cửa Thánh: Nguồn Gốc, Lịch Sử, Ý Nghĩa Và Việc Mở Cửa Thánh
Th12
Trực Tiếp Sứ Điệp Giáng Sinh Năm 2024 Và Phép Lành Toàn Xá..
Th12
Đức Thánh Cha Chủ Sự Nghi Thức Mở Cửa Thánh Đền Thờ Thánh..
Th12
Ngày 26-12: Thánh Stêphanô, tử đạo tiên khởi
Th12
Đức cha Louis chủ sự đại lễ Giáng sinh tại Nhà thờ Chính..
Th12
Chuyến mục vụ của Đức cha Louis trước đại lễ Giáng Sinh
Th12
Suy Niệm Lễ Giáng Sinh – Một Người Con Đã Được Ban Tặng..
Th12
Ngày 25 Tháng 12 – Đại Lễ Giáng Sinh
Th12
Ngắm nhìn Hang Đá Máng Cỏ chúng ta nghĩ gì?
Th12
Thư Gửi Sinh Viên, Học Sinh Công Giáo Nhân Dịp Mừng Lễ Chúa..
Th12
Thánh Lễ An Táng Đức Cố Tổng Giám Mục Têphanô Nguyễn Như Thể
Th12
Suy Niệm Chúa Nhật IV Mùa Vọng C: Đức Maria, Người mang Chúa..
Th12
Đức Thánh Cha Phanxicô: Năm Thánh, Cơ Hội Ân Sủng Gặp Gỡ Chúa..
Th12
Bầu không khí và các Hang đá mừng Chúa Giáng Sinh tại Giáo..
Th12
Thánh Ca Năm Thánh 2025
Th12
Điều gì đã lấy mất ý nghĩa Giáng sinh của chúng ta
Th12
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi
Th12