Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 34, với chủ đề “Vâng, tôi đây nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần truyền” (Lc 1:38), diễn ra từ 22 đến 27 tháng Giêng tại thành phố Panama, đang dần khép lại.
Như chúng tôi đã tường trình, lúc 6 giờ chiều thứ Bẩy 26 tháng Giêng đã diễn ra Đêm Canh Thức của Đức Thánh Cha cùng với các bạn trẻ tại khu vực Juan Pablo II, nghĩa là Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.
Sáng Chúa Nhật 27 tháng Giêng, lúc 8 giờ, Đức Thánh Cha đã chủ sự thánh lễ bế mạc Ngày Quốc tế giới trẻ cũng tại địa điểm này.
Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:
“Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: ‘Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.’” (Lc 4: 20-21).
Với những lời này, Tin Mừng trình bày sự khởi đầu sứ vụ công khai của Chúa Giêsu. Sứ vụ ấy bắt đầu trong hội đường nơi đã chứng kiến Ngài lớn lên. Ngài ở giữa những người hàng xóm và những người Ngài quen biết, và có lẽ cả một số giáo lý viên thời thơ ấu của Ngài, là những người đã dạy Lề Luật cho Ngài. Đó là một khoảnh khắc quan trọng trong cuộc đời của vị Thầy: đứa trẻ được giáo dục và lớn lên trong cộng đồng đó, giờ đây đứng lên và dùng diễn đàn này để công bố và đưa vào hành động giấc mơ của Thiên Chúa. Một từ trước đây chỉ được tuyên bố như một lời hứa trong tương lai, nhưng giờ đây, chỉ trên môi miệng của Chúa Giêsu đã có thể được đề cập đến ở thì hiện tại, vì nó đã trở thành một hiện thực: “Hôm nay đã ứng nghiệm”.
Chúa Giêsu mạc khải hiện tại của Thiên Chúa, Đấng đến gặp chúng ta và kêu gọi chúng ta dự phần vào hiện tại của Ngài là “loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn… công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.” (Lc 4: 18-19). Đây là cái bây giờ của Thiên Chúa. Nó trở nên hiện tại với Chúa Giêsu: nó có khuôn mặt, nó là xác thịt. Đó là một tình yêu thương xót không chờ đợi cho đến khi có những tình huống lý tưởng hay hoàn hảo để thể hiện ra, và cũng chẳng cần phải thanh minh về sự xuất hiện của mình. Đó là thời của Chúa để tạo ra mọi tình huống và nơi chốn vừa đúng đắn vừa xứng hợp. Trong Chúa Giêsu, tương lai đã được hứa bắt đầu và trở thành cuộc sống.
Khi nào? Chính bây giờ. Tuy nhiên, không phải tất cả những người đang lắng nghe đều cảm thấy được mời hay được kêu gọi. Không phải tất cả cư dân thành Nagiarét đều sẵn sàng tin vào một người mà họ quen biết và đã chứng kiến sự trưởng thành của người ấy, và là người hiện đang mời họ thực hiện một giấc mơ được chờ đợi từ lâu. Không chỉ như thế, mà “họ còn nói ‘Đây không phải là con trai ông Giuse đó sao?’” (Lc 4:22).
Điều tương tự cũng có thể xảy ra với chúng ta. Chúng ta không phải lúc nào cũng tin rằng Chúa có thể cụ thể và phổ biến, gần gũi và thực tế như vậy; và còn ít dám tin rằng Ngài có thể trở nên hiện diện và tác động thông qua ai đó như một hàng xóm, một người các bạn, hay một người thân của chúng ta như thế. Chúng ta không phải lúc nào cũng tin rằng Chúa có thể mời chúng ta làm việc và xắn tay cộng tác với Ngài trong Nước Người một cách đơn giản và thẳng thừng như thế. Thật khó chấp nhận rằng “tình yêu của Thiên Chúa có thể trở nên cụ thể và gần như có thể trải nghiệm được trong lịch sử với tất cả những thăng trầm đau đớn và vinh quang của nó” (Đức Bênêđíctô XVI, Buổi tiếp kiến chung ngày 28 tháng 9 năm 2005).
Quá thường là chúng ta hành xử như những người lối xóm của Chúa Giêsu ở Nagiarét: chúng ta thích một Thiên Chúa xa xôi: tốt đẹp, nhân lành, quảng đại nhưng xa cách, một Thiên Chúa không gây bất tiện cho chúng ta. Bởi vì một Thiên Chúa gần gũi và hàng ngày, một người bạn và một người anh em, đòi hỏi chúng ta phải quan tâm đến những chuyện xung quanh mình, đến công việc hàng ngày và trên hết là tình huynh đệ. Thiên Chúa đã chọn không mạc khải mình dưới hình dạng một thiên thần hay theo một cách ngoạn mục nào đó, nhưng ban cho chúng ta một khuôn mặt thân thiện và huynh đệ, cụ thể và quen thuộc. Thiên Chúa là thực vì tình yêu là thực; Thiên Chúa là cụ thể vì tình yêu là cụ thể. Thật vậy, “biểu hiện cụ thể này của tình yêu là một trong những yếu tố thiết yếu trong cuộc sống của các Kitô hữu” (Đức Bênêđíctô XVI, Bài giảng ngày 1 tháng Ba năm 2006).
Chúng ta cũng có thể gặp cùng những nguy cơ như những người hàng xóm của Chúa tại Nagiarét, khi trong cộng đồng của chúng ta, Tin Mừng tìm cách để được sống một cách cụ thể. Chúng ta bắt đầu nói: Nhưng những người trẻ này, há họ chẳng phải là con của bà Maria, và ông Giuse đó sao, họ chẳng phải là anh chị em cách này cách khác với nhau sao? Đây không phải là những người trẻ chúng ta đã chứng kiến chúng lớn lên đó sao? Còn người đứng đằng kia, chẳng lẽ anh ta không phải là đứa luôn phá bể cửa sổ nhà người ta bằng quả bóng của mình sao? Những gì nảy sinh như một lời tiên tri và một lời công bố về Nước Thiên Chúa lập tức bị thuần hóa và làm cho nghèo nàn. Nỗ lực thuần hóa lời Chúa xảy ra hàng ngày.
Những người trẻ thân mến, các bạn cũng có thể trải nghiệm điều này bất cứ khi nào các bạn nghĩ rằng sứ mệnh, ơn gọi của các bạn, thậm chí là chính cuộc sống của các bạn, là một lời hứa xa vời trong tương lai, chẳng liên quan gì đến hiện tại. Như thể tuổi trẻ là một loại phòng chờ đợi, nơi chúng ta ngồi xung quanh cho đến khi chúng ta được gọi. Và trong “thời gian chờ đợi”, chúng ta, người lớn hoặc chính các bạn phát minh ra một tương lai được niêm phong một cách thật hợp vệ sinh, không có những hậu quả, nơi mọi thứ đều an toàn, bảo đảm và được “bảo hiểm chắc chắn”. Đó chỉ là một thứ hạnh phúc “giả đò”. Vì vậy, chúng tôi “làm yên lòng” các bạn, chúng tôi làm cho các bạn tê dại trong im lặng, không hỏi han hay chất vấn; và trong đó, trong “thời gian chờ đợi” đó, giấc mơ của các bạn mất dần sức sống, chúng bắt đầu xì hơi và tẻ nhạt, nhỏ nhặt và buồn tẻ (x. Bài giảng Chúa Nhật Lễ Lá, 25 tháng 3 năm 2018). Chỉ vì chúng tôi nghĩ, hoặc các bạn nghĩ rằng giờ của các bạn chưa đến, rằng các bạn còn quá trẻ để tham gia vào việc mơ tưởng hay hoạt động cho tương lai.
Một trong những thành quả của Thượng hội đồng vừa qua là sự phong phú đến từ việc có thể gặp gỡ và trên hết là lắng nghe nhau. Đó là sự phong phú của việc đối thoại giữa các thế hệ, sự phong phú từ trao đổi và giá trị của việc nhận ra rằng chúng ta cần đến nhau, rằng chúng ta phải nỗ lực tạo ra các kênh và không gian khuyến khích mơ ước và làm việc cho ngày mai, bắt đầu ngay từ hôm nay. Và điều này, không phải trong sự cô lập, mà là bên cạnh nhau, tạo ra một không gian chung. Một không gian không chỉ đơn giản tự nhiên mà có, hay trúng xổ số mà được, nhưng là một không gian mà cả các bạn cũng phải chiến đấu cho nó.
Các bạn trẻ thân mến, các bạn không phải là tương lai mà là hiện tại của Thiên Chúa. Ngài mời mọc và kêu gọi các bạn từ trong các cộng đồng và phố phường của các bạn hãy đi ra ngoài và tìm kiếm những bậc ông bà, những bậc trưởng thượng; đứng lên và cùng với họ nói ra và hiện thực hóa giấc mơ mà Chúa đã mơ ước cho các bạn.
Không phải ngày mai mà bây giờ vì kho tàng của các bạn ở đâu, thì lòng trí các bạn ở đó (x. Mt 6:21). Bất cứ điều gì các bạn yêu thích, nó sẽ lấn át không chỉ lòng trí các bạn, nó sẽ ảnh hưởng đến mọi thứ. Nó sẽ là điều khiến các bạn thức giấc vào lúc ban mai, là điều khiến các bạn tiếp tục tiến bước cả trong những lúc mệt mỏi, là điều sẽ mở lòng các bạn ra và lấp đầy với những ngạc nhiên, niềm vui và lòng biết ơn. Hãy nhận ra rằng các bạn có một sứ vụ và yêu mến sứ vụ ấy; điều đó sẽ quyết định tất cả mọi thứ (x. cha Pedro Arrupe, S.J., Nada es más práctico – Không có gì thực tiễn hơn). Chúng ta có thể sở hữu mọi thứ, nhưng nếu chúng ta thiếu niềm đam mê của tình yêu, chúng ta sẽ không có gì. Chúng ta hãy để cho Chúa làm cho chúng ta biết yêu!
Đối với Chúa Giêsu, không có “thời gian chờ đợi”, nhưng chỉ có một tình yêu thương xót muốn xâm nhập và chiến thắng trái tim của chúng ta. Ngài muốn trở thành báu vật của chúng ta, bởi vì Ngài không phải là một “thời gian chờ đợi”, một khoảng khắc trong cuộc sống hay một mốt nhất thời; Người là tình yêu quảng đại mời gọi chúng ta tín thác.
Người cụ thể, gần gũi, và là tình yêu thực sự. Người là niềm vui lễ hội, phát sinh từ việc lựa chọn và tham gia vào dự phóng diệu kỳ của đức cậy và đức ái, của tình liên đới và tình huynh đệ, bất chấp ánh mắt bị tê liệt hay gây ra tê liệt vì sợ hãi và loại trừ, suy đoán và thao túng.
Anh chị em thân mến, Chúa và sứ mệnh của Người không phải là một “thời gian chờ đợi” trong cuộc sống của chúng ta, không phải một điều gì đó tạm thời; nhưng là cuộc sống của chúng ta!
Cách riêng trong những ngày này, tiếng xin vâng của Đức Maria đã và đang thì thầm như một loại nhạc nền. Mẹ không chỉ tin nơi Chúa và vào những lời hứa của Người như một điều gì đó có thể, nhưng Mẹ còn tin chính Chúa và dám nói tiếng vâng để tham gia vào hiện tại này của Thiên Chúa. Mẹ cảm thấy mình có một sứ vụ; Mẹ đã yêu và điều đó quyết định tất cả.
Như trong hội đường Nagiarét, Chúa lại đứng lên giữa chúng ta là các bạn bè và người quen của Người; Người cầm cuốn sách và nói với chúng ta rằng ‘Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh anh em vừa nghe.’ (Lc 4:21).
Các bạn có muốn sống thể hiện tình yêu của mình một cách cụ thể không? Cầu xin cho tiếng “xin vâng” của các bạn tiếp tục trở thành cửa ngõ cho Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta một Lễ Ngũ Tuần mới cho thế giới và cho Giáo Hội.
Lời tri ân cuối lễ của Đức Thánh Cha
Cuối thánh lễ, Đức Hồng Y Kevin Farrell, Tổng Trưởng Thánh bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống đã công bố rằng thủ đô Lisbon của Bồ Đào Nha được chọn là nơi tổ chức Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2022.
Sau đó, Đức Thánh Cha đã phát biểu như sau:
Kết thúc buổi cử hành này, tôi cảm tạ Chúa vì đã cho chúng ta cơ hội chia sẻ những ngày này cùng nhau và trải nghiệm một lần nữa Ngày Giới trẻ Thế giới.
Đặc biệt, tôi xin cám ơn Tổng thống Panama, Juan Carlos Varela Rodríguez, các vị tổng thống của các quốc gia khác và các nhà hữu trách chính trị và dân sự khác vì sự hiện diện của họ trong buổi lễ này.
Tôi cảm ơn Đức cha Jose Domingo Ulloa Mendieta, Tổng giám mục Panama, vì sự quảng đại và tận tụy của ngài trong việc tổ chức Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới này trong giáo phận của ngài, cũng như các giám mục khác của Panama và các nước láng giềng, vì tất cả những gì họ đã làm trong cộng đồng của họ để cung cấp chỗ ở và sự hỗ trợ cho đông đảo những người trẻ.
Tôi cũng xin cám ơn tất cả những người đã ủng hộ chúng ta bằng những lời cầu nguyện, và những người đã giúp đỡ bằng những nỗ lực và những công việc cam go để biến giấc mơ Ngày Giới trẻ Thế giới này thành hiện thực trên đất nước này.
Và với các bạn, những người trẻ tuổi thân mến, một tiếng “cám ơn” thật lớn dành cho các bạn. Niềm tin và niềm vui của các bạn đã khiến Panama, Mỹ Châu và toàn thế giới rung chuyển! Như chúng ta đã nghe rất nhiều lần trong những ngày này trong bài hát chủ đề Ngày Giới trẻ Thế giới này: “Như dân lữ hành của Chúa, chúng con được tập trung nơi đây hôm nay từ mọi châu lục và thành phố”. Chúng ta đang trên một cuộc hành trình, hãy tiếp tục tiến bước, tiếp tục sống đức tin và chia sẻ đức tin ấy. Đừng quên rằng các bạn không phải là “thời gian chờ đợi”, các bạn là hiện tại của Thiên Chúa.
Địa điểm tổ chức Ngày Giới trẻ Thế giới tiếp theo đã được công bố. Tôi yêu cầu các bạn đừng để lòng nhiệt thành của những ngày này trở nên lạnh lẽo. Hãy quay trở lại các giáo xứ và cộng đồng của các bạn, gia đình và bạn bè của các bạn và chia sẻ kinh nghiệm này, để những người khác có thể cộng hưởng với sức mạnh và lòng nhiệt thành của các bạn. Cùng với Đức Maria, hãy tiếp tục nói tiếng xin vâng với giấc mơ mà Chúa đã gieo trong lòng các bạn.
Và, xin đừng quên cầu nguyện cho tôi.
Những hình ảnh đẹp về Thánh Lễ Bế Mạc Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới Panama 2019
Có thể bạn quan tâm
Hội Ngộ Đồng Hương Giáo Phận Hà Tĩnh Tại Miền Nam 2025
Th1
ĐHY Giám quản Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành mở Cửa Thánh Đền..
Th1
Khai Mạc Năm Thánh 2025 Tại 27 Giáo Phận Tại Việt Nam
Th1
VPTGM-GPHT: Thông báo Đăng ký hành hương Tòa Thánh trong Năm Thánh 2025
Th1
Lời thông báo long trọng về lễ Phục sinh và những ngày lễ..
Th1
Thánh lễ Khai Mạc Tuần Chầu Hồng Phúc Giáo xứ Chày
Th1
Họp Mặt Và Kỷ Niệm 25 Năm Thành Lập Hội Đồng Hương Giáo..
Th1
Ý Cầu Nguyện Của Đức Thánh Cha Tháng 01/2025: Cầu Cho Quyền Được..
Th1
Logo Năm Mục Vụ 2025: “Hội Thánh Việt Nam Cùng Nhau Loan Báo..
Th1
10 Sự Kiện Nổi Bật Tại Giáo Phận Hà Tĩnh Năm 2024
Th1
Suy Niệm Lễ Chúa Hiển Linh: Thiên Chúa Tỏ Mình Qua Chúa Con
Th1
Tại sao Lễ Hiển Linh là lễ của ánh sáng
Th1
Đức Cha Phêrô Lê Tấn Lợi: Giám Mục Chính Tòa Giáo Phận Cần..
Th1
Mừng Lễ Mẹ Thiên Chúa – Quan Thầy Giáo Phận và Truyền Chức..
Th1
Cẩm Nang Học Hỏi Năm Thánh 2025 – Phần Dẫn Nhập
Th1
Gần 900 Bạn Trẻ Tham Dự Ngày Hội Ngộ Giới Trẻ Hạt Ngàn..
Th1
Bài hát cộng đồng Lễ Chúa Hiển Linh
Th12
Phó Chánh Án Tòa Ân Giải Tối Cao: Tòa Giải Tội, Cửa Thánh..
Th12
Lễ Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa
Th12
Thánh lễ và Nghi thức tiếp nhận các tiến chức phó tế vào..
Th12