Sau những ngày Tết Nguyên Đán, mọi người trở lại với công việc, các công ty xí nghiệp cửa hàng khai trương vào khoảng mùng 6, 8 Tết. Thế nhưng nhiều người cảm thấy hương vị Tết vẫn còn đâu đây, họ vẫn thong dong du lịch, hành hương, nhất là với những chị em buôn bán. Khỏi phải nói, quý bà quý chị buôn bán lên Facebook than trời than đất cho bầu khí chợ tháng Giêng vắng vẻ như chùa bà Đanh, thưa thớt người mua kẻ bán. Có thể nói nhiều người rơi vào hội chứng buồn chán sau những những ngày nghỉ Tết vui tươi, người ta cảm thấy những ngày sau tết dường như dài ra, người ta thường nói “ngày rộng tháng dài” là vậy, họ còn quan niệm “còn mồng là còn Tết”, thậm chí họ bảo “tháng Giêng là tháng ăn chơi”.
Nhân dịp tháng Giêng âm lịch, chúng tôi lan man một chút cảm xúc của những ngày lễ hội đầu năm. Bởi người ta nói rằm tháng Giêng là ngày rằm lớn nhất trong năm, người ta đi hành hương, chùa chiền cầu xin điều may lành ơn phúc cho mình và gia đình. Vậy có chăng “tháng Giêng là tháng ăn chơi”, hay tháng giêng là mùa của lễ hội đầu năm.
Nhưng trước hết chúng ta cần biết, câu vè đó chỉ là để lên án những người lười biếng, kiếm cớ đủ thứ chuyện để vui chơi thong dong suốt năm.
Chúng tôi thấy trên mạng có câu vè như sau:
“Tháng Giêng là tháng ăn chơi
Tháng Hai cờ bạc, tháng Ba rượu chè
Tháng Tư là tháng lè phè
Tháng Năm, tháng Sáu hội hè vui chơi
Tháng Bảy là tháng nghỉ ngơi
Tháng Tám, tháng Chín xả hơi bạn bè
Tháng Mười, Mười Một xôi chè
Tháng Chạp cá chép, cá mè vớt lên
Ông Táo về trển mình ren
Ra Giêng ta lại rập rềnh vui chơi”.
Vậy những kẻ lười biếng ăn chơi suốt mười hai tháng, còn thêm bài bạc nữa, ngày nào cũng là ngày Tết, ngày lễ hội, ngày vui, những kẻ không chịu làm việc để xây dựng cuộc sống mình. Bên cạnh đó, 12 tháng qua đi mà họ không “làm giàu” cho mình bằng tình yêu thương, trang bị thêm tri thức, nhân đức…
Là tín hữu Kitô, chúng ta làm việc để khám phá ra vẻ đẹp thiên nhiên, những công trình Thiên Chúa sáng tạo thật tuyệt diệu. Hơn nữa chúng ta còn có bổn phận học hỏi đời sống đức tin luôn vững vàng qua những sóng gió thử thách.
Tháng Giêng dân văn phòng đâu đó vẫn còn bánh tét, bánh chưng, dưa hành củ kiệu, vẫn còn được các sếp lì xì, quý cô vẫn còn áo mới, kiểu tóc mới se sua đi làm. Hội chứng “à ơi” tháng Giêng xâm nhập vào các trường học xí nghiệp, nó làm giảm tiến độ công việc, sản xuất trở nên ì ạch chậm chạp hơn.
Đặc biệt với các bạn trẻ, những bạn học sinh sinh viên đang ngồi ghế nhà trường, dù tháng Giêng các bạn vẫn đi học đều đặn nhưng tâm trí các bạn để ở đâu đó, không tập trung học hành, chỉ mải mê với những cuộc tình ảo trên mạng, say sưa nói chuyện tán qua tán lại trên Fb, Zalo. Nhiều bậc phụ huynh cảm thấy khó chịu bực mình với con cái mình. Khi bố mẹ cứ dạy bảo nhắc nhở, còn các bạn trẻ cứ ung dung liên tục lướt điện thoại, chẳng bao giờ quan tâm đến những gì bố mẹ ông bà dạy bảo.
Người ta nói: “Tương lai của bạn khóc hay cười phụ thuộc vào độ lười của bạn trong quá khứ”. Các bạn trẻ đã mất thời giờ với mạng xã hội, nhiều bạn còn đòi hỏi bố mẹ sắm xe cộ, bây giờ nhà có điều kiện thì sắm cho con chiếc ô tô chở bạn gái cuối tuần đi du lịch Vũng Tàu. Tất cả tiền bạc chi phí của các con do bố mẹ tài trợ hoàn toàn từ tiền học, tiền ăn, đi lại tiền túi tiêu vặt, có những chi phí “to lớn” khác. Nhiều bậc phụ huynh nêu trăn trở “Tại sao con cái vô tâm với mình, không bao giờ quan tâm đến ông bà cha mẹ anh chị em trong gia đình, đi học về chỉ ru rú trong phòng?”. Xin thưa. Vì con cái chúng ta đã quen được phục vụ từ miếng ăn giấc ngủ, tất cả mọi sự được bố mẹ làm hết, các em không phải tự lo trang trải cuộc sống, chuyện gì cũng nhờ đến bố mẹ. Cho nên, các em chỉ biết đến mình, không bao giờ hiểu được công ơn của bố mẹ, các em cũng không biết thương cảm bố mẹ đã hy sinh vất vả cho mình.
Tháng Giêng chúng ta nhắc nhở nhau chịu khó làm việc lao động, đừng vui chơi quá đà. Chuyện chúng ta đi tham quan lễ hội cũng phải có tâm tình thành kính bên trong, còn người Công Giáo đi hành hương Đức Mẹ, đền thánh Các Thánh Tử Đạo thì phải rút ra những bài học cần thiết cho đời sống của mình, biết noi gương đời sống nhân đức của các đấng ấy.
Báo chí năm nào cũng nói đến những lễ hội truyền thống ở miền Bắc, những lễ hội hoành tráng, khoe khoang hình thức màu mè, mê tín dị đoan, tốn kém. Xem ra ai cũng thích thú cái bên ngoài của lễ hội chứ người ta không quan tâm đến nội dung, những lời thành tâm khấn vái với các đấng bậc thần linh. Lễ hội nhiều khi để người ta trục lợi kiếm chác làm giàu bất chính. Những người đi lễ chùa có cả những những vị cán bộ nhà nước cấp tỉnh thành phố.
Chúng tôi xin trích lại nội dung bài báo, tựa đề bài báo nhẹ nhàng là những “hạt sạn” trong lễ hội Chùa Hương ở Huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội:
“Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đại Đoàn kết, sau khi chính thức khai hội chùa Hương (ngày 21/2/2018, tức mùng 6 Tết), Ban tổ chức lễ hội quy định không phát lộc, do đó không còn cảnh chen lấn, xô đẩy cướp lộc dẫn đến hỗn loạn như các năm trước.
Lượng du khách còn quá đông người dồn về cùng lúc, du khách có thể di chuyển một cách dễ dàng tại các con đường, lối lên đền, chùa trong khu vực chùa Hương.
Khảo sát tại chùa Hương, chúng tôi thấy vẫn nhiều những cảnh “nhức mắt”. Mới đặt chân đến các cửa ngõ để vào chùa Hương đã có đội quân xe ôm đuổi theo các ô tô, xe máy hướng đường về chùa Hương để chèo kéo, mời chào khách đi đò và các dịch ngủ nghỉ, ăn uống, gây mất an toàn giao thông.
Nhiều du khách cũng phản ánh rằng giá gửi xe máy, ô tô cao hơn ngày thường gấp nhiều lần, điều này khiến nhiều người du khách bức xúc.
Theo khảo sát tại nhiều điểm gửi xe ở khu vực Bến Đục, Suối Yến… giá vé gửi xe máy trong ngày là 20 nghìn đồng/xe, còn xe ô tô thì có giá 50 nghìn đến 60 nghìn đồng. Các cửa hàng ăn uống, dịch vụ ở khu vực lễ hội chùa Hương cũng tự ý nâng giá nhiều mặt hàng.
Năm nay, các đò ở chùa Hương được gắn biển số để Ban quản lý kiểm soát. Theo đó, giá vé cho tuyến chính đền Trình – Thiên Trù – Hương Tích là 130.000 đồng/khách.
Giá vé cáp treo là 160.000 đồng/vé khứ hồi, 100.000 đồng/vé 1 lượt đối với người lớn và 100.000 đồng /vé khứ hồi, 70.000 đồng/vé 1 lượt dành cho trẻ em.
Mặc dù, Ban tổ chức đã niêm yết giá vé đi đò vào tham quan khu di tích chùa Hương, nhưng lợi dụng lúc đông khách, hoặc người tỉnh xa đến, nhiều người lái đò đã tự ý hét giá đi đò cao hơn so với giá niêm yết.
Hay nhiều lái đò “vòi” thêm tiền công chở đò ngoài mức giá quy định. Khi không vòi được, nhiều người lái đò buông ra những câu nói tục tĩu khiến du khách phiền lòng. Đã vậy, các chủ đò chở quá số người quy định, không trang bị áo phao cứu sinh khiến nguy cơ xảy ra tai nạn trên sông nước rất cao.
Tại khu vực chùa Hương, du khách cũng không khỏi “nhức mắt” khi các hàng quán bày bán la liệt khắp nơi, thậm chí tràn ra cả lối đi.
Tại khu vực đền Trình, nhiều hàng ăn, quán nước bày bán tràn lan ở khu vực sân Đền, mặc dù Ban tổ chức đã cắm biển cấm bán hàng.
Điều đáng ngạc nhiên là sự việc diễn ra rất công khai, nhưng không thấy lực lượng chức năng xử lý.
Ngoài ra nhiều du khách chưa có ý thức đã xả rác bừa bãi, nhiều khu, lượng rác quá lớn chất đầy các gốc cây, cột điện, nổi đầy suối Yến… khiến khung cảnh trở nên nhếch nhác, bốc mùi hôi thối. Mặc dù nhân viên vệ sinh làm việc dọn rác liên tục, nhưng không xuể.
Thêm vào đó, tình trạng bày bán thịt thú rừng cũng diễn ra khá phổ biến. Khi du khách vào các hàng quán hỏi thịt thú rừng như cầy hương, cáo, hươu, chồn, nhím, nai… sẽ được các nhà hàng phục vụ ngay.
‘Nơi thiêng liêng, cõi Phật mà người ta sát sinh, xẻ thịt, bày bán nhan nhản động vật, thú rừng… kiếm lợi luận từ việc sát sinh thú rừng như vậy là điều khó có thể chấp nhận được. Du khách chúng tôi cảm thấy rất nhức mắt, khó chịu nhưng không hiểu ban tổ chức nghĩ gì mà để tình trạng này tồn tại, không dẹp bỏ. Chúng tôi mong ngành chức năng của huyện Mỹ Đức nhanh chóng chấn chỉnh để trả lại sự tôn nghiêm và linh thiêng nơi cõi Phật…’ – bà Nguyễn Thanh Huyền – một du khách trú tại quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội chia sẻ.”
Tóm lại, chúng ta hãy đưa về tinh thần của lễ hội, cầu xin chứ không mê tín đị đoan, thành khẩn cầu nguyện, không buôn thần bán thánh, cố gắng làm điều thiện, từ bỏ những tham lam ích kỷ, bỏ đi tính đục khoét hại dân nước, thủ đắc cho mình thật nhiều tiền bạc của cải.
Thay vì tháng Giêng tháng buồn chán, tháng kêu than trời đất buôn bán ế ẩm, ta hãy xem đây là tháng khởi đầu của của hạnh phúc thành đạt trong sự nghiệp. Cần làm tất cả mọi việc với một cái tâm đầy nhiệt huyết hăng say, buôn bán làm ăn thật thà, chấp nhận thua lỗ, nhưng không bán rẻ lương tâm, không làm hàng gian hàng giả, hàng trôi nổi, hàng hóa làm sao nói như vậy, đừng lừa dối khách hàng, vì kiểu gì “người mua lầm chứ người bán không bao giờ lầm”.
Đồ ăn thức uống ở thành phố Sài gòn tất cả đều nhiễm bẩn, sử dụng hương liệu, có những chất gây ung thư, ai cũng sợ ăn uống ngoài đường phố dễ bệnh tật. Thế là trên các góc đường rộ lên hàng quán với cửa hiệu nhà làm “trà sữa mẹ làm” “nước mía ba làm”, có vậy người ta mới tin dùng. Tết đến, một chị bạn mình quen biết cũng lấy các kiểu mứt về bán, nhưng chị rao bán trên mạng nhà em làm đó, an toàn lắm. Mình bình luận hỏi chị, “Có thật nhà làm không chị ơi, nhà chị có máy làm hả?” Chị ấy khóa FB mình luôn. Như vậy chắc mọi người đã hiểu.
Mỗi ngày qua đi là một quà tặng của Thiên Chúa, làm sao chúng ta biết trân trọng và làm phát sinh những hoa trái tốt đẹp từ những nén bạc Chúa giao cho mình. Nén bạc đó là thời gian, là của cải vật chất, tài ăn nói khéo léo, hãy làm điều tốt để giúp người và giúp đời, đừng bo bo giữ riêng cho mình. Theo tinh thần chia sẻ của Tin Mừng, chúng ta phải có trách nhiệm với những anh chị em túng thiếu trước cửa nhà mình.
Những ngày vừa qua, chúng tôi nghe một bà kể chuyện đi hành hương La Vang. Bà chia sẻ với chúng tôi: “Hành hương đi đến gặp Đức Mẹ, đúng rồi, nhưng chúng ta cũng gặp tha nhân.” Trên đường đi bà giúp đỡ nhà dòng này nhà dòng kia, các cơ sở mái ấm từ thiện, ăn uống đi lại không tốn kém bao nhiêu, nhưng tiền giúp chỗ nọ chỗ kia mới tốn hơn. Nhưng không sao, thế mới được phước lành của Đức Mẹ. Như vậy, đi hành hương chúng ta đừng bao giờ nghĩ đi gặp gỡ Thiên Chúa mà lại làm ngơ trước tha nhân. Hành hương cũng là đi đến với người khác, chia sẻ với hoàn cảnh khó khăn của họ.
Nhiều người chủ trương rằng: “Đức Mẹ giáo xứ không thiêng hay sao mà cứ phải đi hành hương Đức Mẹ chỗ này chỗ kia?” Đức Mẹ ở đâu cũng ban ơn cho chúng ta, nhưng với những người hành hương là dâng những hy sinh khó nhọc đường xa cho Chúa và Đức Mẹ, thể hiện lòng sốt sắng yêu mến của mình, tập ra đi khỏi cái tôi hẹp hòi của chính mình, gặp gỡ Thiên Chúa, làm cho mình nhỏ bé khiêm nhường phục vụ, không tự cao tự đại.
Trở lại với “tháng Giêng là tháng ăn chơi” nhắc ta đừng lười biếng, lười biếng trong bổn phận với gia đình của mình, biết lo cho các con, quan tâm đến người khác, giúp người khác cảm thấy hạnh phúc và bình an.
Mùa Chay năm nay đến hơi trễ, chúng ta được thong thả hưởng hương vị tươi vui của Tết, gần một tháng nữa mới ăn chay hãm mình. Nhưng không sao cả, sống đời Kitô hữu là sống niểm vui mà, vui cả đời, vui trong hạnh phúc có Thiên Chúa luôn ở bên mình. Chúng ta luôn tân niệm điều đó như thánh Phaolô nhắc nhở các tín hữu: “Anh chị em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa” (Pl 4, 4).
Một gia đình mà ai cũng nghĩ đến nhau, mong muốn mang đến niềm vui cho nhau, gia đình đó sẽ hạnh phúc vững bền. Niềm vui trong Chúa sâu đậm chứ không chóng qua như niềm vui “trúng mánh”.
“Ngày nào trúng mánh ngày đó huy hoàng
Ngày nào bể mánh ngày đó điêu tàn”
Chúng ta đã từng nghe những câu chuyện kiểu như: Con rể nhậu say vác dao lê chém bố vợ. Đúng là hậu quả của việc “ăn chơi” theo nghĩa đen, đó chỉ là niềm vui tạm bợ trong cuộc đời. “Ăn chơi” phá nhà cửa như bài bạc đánh đề, rượu chè, đam mê sắc dục, không kiềm chế được, rượu vào trở nên bốc đồng, ngông cuồng.
Trong những ngày sau Tết, khu xóm chúng tôi lại có những “tụ” bầu cua tôm cá, ghi đề mời mọc mọi người. “Ăn chơi” theo kiểu đó chúng ta phải nói không ngay từ lời mời đầu tiên, đừng hy vọng “thua keo này ta bày keo khác” hay “gỡ gạc” được. Chỉ khi bán hết nhà cửa thì mới “sáng mắt ra”, hiểu mọi chuyện thì đã quá muộn. Lúc đó, con cái ra đường ở, “vợ chồng đường ai nấy đi”!
Xin Chúa giúp chúng ta biết tìm kiếm niềm vui lành mạnh, thánh thiện, biết từ bỏ những thói hư tật xấu, nhưng luôn tìm kiếm và thực thi thánh ý của Người.
Giuse Nguyễn Bình An
Tản mạn chuyện nhà đạo
Có thể bạn quan tâm
Suy Niệm Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa – Hồng ân tái sinh
Th1
Trong 2 Tuần Sau Khi Khai Mạc, Có Hơn Nửa Triệu Người Đã..
Th1
Đức cha G.B Nguyễn Huy Bắc dâng thánh lễ tạ ơn tại quê..
Th1
Quý Đức Cha Giáo Tỉnh Hà Nội Họp Mặt Tất Niên Năm Giáp..
Th1
Cáo Phó Đức Cha Giuse Trần Xuân Tiếu
Th1
Mỗi người được hưởng bao nhiêu ơn toàn xá mỗi ngày trong Năm..
Th1
Đức Thánh Cha bổ nhiệm Sơ Simona Brambilla làm nữ Tổng trưởng đầu..
Th1
Bài Hát Cộng Đồng Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa Năm C
Th1
Hội Ngộ Đồng Hương Giáo Phận Hà Tĩnh Tại Miền Nam 2025
Th1
ĐHY Giám quản Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành mở Cửa Thánh Đền..
Th1
Khai Mạc Năm Thánh 2025 Tại 27 Giáo Phận Tại Việt Nam
Th1
VPTGM-GPHT: Thông báo Đăng ký hành hương Tòa Thánh trong Năm Thánh 2025
Th1
Lời thông báo long trọng về lễ Phục sinh và những ngày lễ..
Th1
Thánh lễ Khai Mạc Tuần Chầu Hồng Phúc Giáo xứ Chày
Th1
Họp Mặt Và Kỷ Niệm 25 Năm Thành Lập Hội Đồng Hương Giáo..
Th1
Ý Cầu Nguyện Của Đức Thánh Cha Tháng 01/2025: Cầu Cho Quyền Được..
Th1
Logo Năm Mục Vụ 2025: “Hội Thánh Việt Nam Cùng Nhau Loan Báo..
Th1
10 Sự Kiện Nổi Bật Tại Giáo Phận Hà Tĩnh Năm 2024
Th1
Suy Niệm Lễ Chúa Hiển Linh: Thiên Chúa Tỏ Mình Qua Chúa Con
Th1
Tại sao Lễ Hiển Linh là lễ của ánh sáng
Th1