Tháng các linh hồn: ‘Tương tác’ với ông bà tổ tiên

1156 lượt xem

Người Việt Nam chúng ta có truyền thống nhớ về tổ tiên rất tốt đẹp. Riêng với người Công giáo, truyền thống này lại được thể hiện cách đặc biệt trong Tháng Mười Một, tháng Giáo Hội hướng về việc cầu nguyện cho các linh hồn đã qua đời. Nhưng nhiều người hiện nay, nhất là người trẻ, dưới ảnh hưởng của chủ nghĩa duy lý, có thể đặt câu hỏi: tại sao tôi phải làm vậy? Liệu có ích gì khi phải thực hành một truyền thống nào đó? Vì thế, thiết tưởng việc suy tư về ý nghĩa và giá trị của hành vi kính nhớ tổ tiên là điều cần thiết. Ở đây, tôi chỉ giới hạn phần suy tư này vào một khía cạnh, với câu hỏi sau: liệu chúng ta có thể tương tác với tổ tiên đã qua đời của mình hay không?

Tại sao lại đặt ra câu hỏi đó? Vì tôi thiết nghĩ, nếu chúng ta có thể nhìn ra được khả thể rằng ông bà tổ tiên vẫn có vai trò và sự hiện diện theo nghĩa nào đó trong đời sống của mình, và chúng ta vẫn có thể có sự ‘tương tác’ với sự hiện diện đó trong những khía cạnh nhất định, thì việc kính nhớ ông bà tổ tiên sẽ mang tính chất sống động và cụ thể, thay vì chỉ là một hành vi vô thức theo tập tục hoặc truyền thống văn hoá đạo đức mơ hồ nào đó.

Để hình dung ra những mức độ và khía cạnh hiện diện của ông bà tổ tiên, điều kiện trước hết là chúng ta phải mở rộng tầm nhìn về cuộc đời mình, để thấy được tính toàn thể vốn có của nó. Lối sống thời hiện đại dường như đang thu hẹp tầm nhìn và ý thức của chúng ta về chính mình. Não trạng chung của xã hội hiện nay khiến chúng ta ‘đóng khung’ đời người trên căn bản của ‘thành công – thất bại’; và điều này lại lấy ‘tiền bạc – danh tiếng’ làm tiêu chuẩn. Mô thức này khiến cho toàn bộ cuộc sống bị cuốn vào vòng xoáy khắc nghiệt theo các yếu tố: hiệu quả, nhanh chóng, đào thải. Từ đó, đời sống con người chỉ còn được nhìn đến ở vài khía cạnh: hưởng thụ – quyền lực – sức khoẻ – và tuổi thọ. Nếu cuộc đời được hạch toán theo kiểu một ‘bản thu-chi’, nó quả là tẻ nhạt, nghèo nàn! Trong khi đó, cuộc sống tự nó lớn lao hơn nhiều so với cái khung nhỏ hẹp đó. Vì thế, nhiều người mơ hồ nhận ra rằng cuộc sống của mình đang trở nên xa lạ, vì nó đang thiếu hoặc mất dần những gì khác nên có trong cuộc đời.

Khi tự thu bé tầm nhìn về cuộc đời, chúng ta đang quên lãng hoặc đánh mất bao nhiêu khía cạnh quan trọng khác, như khía cạnh mở ra trong tương quan với người khác, khía cạnh liên hệ gần gũi với quá khứ, với văn hoá và lịch sử. Cũng vậy, chúng ta cũng đánh mất khả năng ngạc nhiên và nhạy bén trước những gì thuộc ý thức về sự siêu việt, hay niềm hy vọng về đời sống siêu nhiên, vv. Tuy nhiên, con người đâu phải chỉ là vật chất, mà còn là tinh thần nữa! Vì thế, chúng ta cần định hình tầm nhìn về đời sống con người trong tính toàn thể lớn lao của nó, với bao khía cạnh phong phú khác ngoài tiền bạc – danh vọng – quyền lực; và trong tầm nhìn đó, ta thấy rõ sự hiện diện rất cụ thể của ông bà tổ tiên trong đời sống của mình.

Trước hết, con người có lịch sử của mình. Lịch sử đó không phải chỉ là những gì đã qua, mà còn là những gì đang hiện diện nơi chính chúng ta. Ngay đến cơ thể vật lý của mỗi người cũng bao hàm sự hiện diện đó. Thật vậy, như dân gian vẫn nói, chúng ta không từ ‘lỗ nẻ’ mà có, nhưng được trao ban và tiếp nối cuộc sống thể lý từ tổ tiên mình. Vì thế, một cách rất cụ thể, có thể nói tổ tiên đang hiện diện ngay cả nơi thân thể của ta. Hơn nữa, tính cách và lối sống của ta cũng một phần được hình thành từ cội nguồn tiên tổ, với những đặc nét về văn hoá, phong tục, tôn giáo, v.v…, mà họ đã truyền lại cho ta.

Xét một cách sâu xa hơn, ông bà tổ tiên cũng hiện diện nơi những yếu tố định hình nên ý thức nhân bản lẫn ý thức tôn giáo của mỗi cá nhân. Thật vậy, nơi tầng ý thức của ta, thậm chí cả tầng vô thức, luôn có tiếng gọi nhắc nhở về thân phận ắt tử của đời người, và sự nhắc nhở đó gắn chặt với mối liên hệ với tổ tiên của mình. Chúng ta ‘biết’ mình sẽ không tồn tại mãi trên cuộc đời này, vì ta ý thức được rằng mọi người đi trước, nhất là các bậc tổ tiên, đều đã trải qua sự thật đó. Sự nhắc nhở này mang tầm mức quan trọng thiết yếu với con người, vì, nói theo kiểu triết gia Heidegger, chúng ta chỉ thực sự sống tư cách con người khi đảm nhận ý thức về sự ắt tử của mình. Đối diện với tính ắt tử giúp ta hiểu rõ sự ngắn ngủi của kiếp người, khiến ta biết trân trọng cuộc đời và sống chân thật với chính mình hơn. Quan trọng hơn, nó khiến ta truy vấn về ý nghĩa và cùng đích cuộc sống này, và hướng hy vọng về một đời sống mai sau, nơi ta có khả năng hiệp thông trở lại với tổ tiên mình. Vì thế, có thể nói ông bà tổ tiên hiện diện nơi ý thức hiện sinh của ta về cuộc sống.

Sự hiện diện của ông bà tổ tiên cũng không chỉ giới hạn trong đời sống cá nhân, mà còn trong đời sống cộng đồng xã hội nữa. Chết không có nghĩa là bị cắt đứt hoàn toàn ra khỏi đời sống xã hội. Thực tế, người chết đã trở thành một phần của lịch sử, của văn hoá và của bao khía cạnh khác trong một dân tộc; và do đó, họ cũng là một phần của hiện tại, và cần được nhìn đến như là một thành viên của xã hội đang sống.

Tóm lại, chúng ta có thể tương tác thật sự với tổ tiên của mình một cách rất sống động và cụ thể, đơn giản vì họ thực sự hiện diện cách năng động trong nhiều khía cạnh của đời sống chúng ta. Điều kiện cần là chúng ta phải tái ý thức về sự hiện diện đó, để thấy được sự thật rằng mình có sự liên hệ và gắn kết gần gũi với họ.

Trong truyền thống văn hoá Việt Nam, và trong các tôn giáo nói chung, chúng ta có nhiều cách thức thực hiện việc tương tác với ông bà tổ tiên của mình. Ví dụ, chúng ta có các tập tục quen thuộc như làm giỗ, niệm hương, viếng mộ, cúng bái, dâng lễ cầu siêu, lễ Vu Lan, v.v…

Với Ki-tô hữu, ngoài những khía cạnh văn hoá và truyền thống, việc kính nhớ tổ tiên còn được chú trọng ở những hình thức thiêng liêng, như dâng lễ, đọc kinh, cầu nguyện, vv. Hơn nữa, sự tương tác này được diễn đạt một cách sinh động qua tín điều về sự hiệp thông giữa ba thành phần của Giáo hội hoàn vũ: Giáo Hội lữ hành của những người trên trần gian, Giáo Hội khải hoàn của các thánh trên thiên quốc, và cộng đoàn của những người đang chịu thanh luyện. Vì thế, như Công Đồng Vatican II dạy: “Giáo Hội lữ hành hết lòng kính nhớ, dâng lời cầu cho những người đã chết, vì cầu nguyện cho họ được giải thoát khỏi tội lỗi là một việc lành thánh.” Ở chiều ngược lại, “Khi được về quê trời và hiện diện trước nhan Chúa […] các thánh lại không ngừng cầu bầu cho chúng ta bên Chúa Cha.” Có thể nói, mức tương tác đó đạt đỉnh cao ở trong phụng vụ, nhất là Thánh Lễ. Phụng vụ Thánh lễ là một thực tại thánh thiêng, là biến cố mở ra một không gian gặp gỡ đặc biệt giữa con người và Thiên Chúa, trong đó diễn ra sự hiệp thông của cộng đoàn hoàn vũ từ cả ‘ba thế giới’ nói trên. Vì thế, Thánh Lễ là không gian nơi ta có thể thực sự gặp gỡ và hiệp thông với ông bà tổ tiên của mình cách sống động, hay, nói như Đức Thánh Cha Benedictô XVI, là nơi thế giới của sự hữu hạn được tham dự vào thế giới của vĩnh cửu.

Sự tương tác nói trên có thể được diễn tả cách đặc biệt và đậm nét trong Tháng Mười Một, vốn là thời gian được Giáo hội dành riêng để kính nhớ các linh hồn ông bà tổ tiên. Trong tháng này, ngoài những hình thức tương tác kể trên, chúng ta cũng được mời gọi canh tân đời sống đạo đức và thực hiện các việc bác ái phúc đức, để lời nguyện của chúng ta dành cho ông bà tổ tiên được đẹp lòng Thiên Chúa. Thiết tưởng, đó là một cách thức báo hiếu rất cụ thể, và cũng là hình thức để làm cho cuộc sống của mình thêm phong phú và trọn vẹn.

Khắc Bá, SJ

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận