Chúng ta đã bước vào thế kỷ XXI với sự rách rưới thê thảm, đại dịch toàn cầu. Trong những sách lịch sử, nó đánh dấu sự cắt đứt với thế kỷ XX, cũng như chiến tranh thế giới thứ nhất đã đánh dấu cuối thế kỷ XIX. Thảm họa khí hậu, bất công xã hội, kết cục của các ý thức hệ, cơn khủng hoảng dân chủ, sự chỗi dậy của những kẻ chủ trương phát xít và chủ nghĩa khủng bố cơ bản, vấn đề di dân, khủng hoảng của mô hình tư bản tân tự do là những thay đổi đã có một lịch sử lâu dài. Song đại dịch toàn cầu đã khâu chúng lại với nhau trong một đợt tấn công duy nhất trên toàn thế giới, đồng bộ và mạnh mẽ, làm cho cuối thế kỷ XX thành một kinh nghiệm chung cho cả hành tinh và được chia sẻ với nhau. Nó liên quan đến bước ngoặt cổ điển của lịch sử khi mà nhiều vấn đề đã có từ trước giờ lại nổi lên. Sau khi đã từ chối giải quyết chúng trong nhiều năm; sau khi đã bằng lòng với việc cứ tiến về phía trước bằng cách nhìn vào gương chiếu hậu (mà ta nghĩ ngay đến dự phóng của châu Âu, điều mà ta không còn có thể chỉ xem nó như là một thành công của hòa bình thời hậu chiến); và sau khi đã quá thường xuyên rụt rè để hoàn thành những chiến dịch thích ứng nhỏ bé, hoặc ảo tưởng về những chiến dịch lỗi thời (Brexit), chúng ta thấy mình giờ như bị ném vào một thời đại xa lạ, mất phương hướng, như những kẻ đắm tàu trên một hòn đảo mà ta không biết nó. Nguy cơ làm điều gì đó sai lầm thật là to lớn, chỉ cần nghĩ đến sự sợ hãi sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Vì thế, hiểu trước khi hành động đó là sự sống còn, nhưng hiểu mà không hành động thì rốt cuộc đó là sự tự sát. Về điều này, cần có nhiều triết lý hơn, nhiều thông minh, nhiều can đảm hơn, nhiều khả năng định hướng và thực hiện hơn, nhiều Chính trị hơn (chữ hoa rất quan trọng).
Chính trong nhãn quan này mà tôi đọc Thông điệp “Fratelli tutti” của Đức Phanxicô. “Lịch sử đang cho thấy dấu hiệu của sự giật lùi” (số 11) và bản văn đã đưa ra nhiều suy tư để tránh cái bẫy này, để hiểu rõ hơn, trong một thời đại bất ổn và biến đổi sâu xa.
Thông điệp rất phong phú về nhận thức, phân tích, luân lý và những gợi ý. Tôi không nói điều đó như một tín hữu mà như một người bất khả tri, luôn có niềm hy vọng được nằm trong số những người “có thể thi hành thánh ý Thiên Chúa tốt hơn các tín hữu” (số 74). Khi đọc thông điệp, rất thường khi tôi thốt lên trong tâm trí: “Hoan hô! Đúng là như vậy!” (trong đối thoại nội tâm cũng như với Đức thánh cha). Đây là những ví dụ. Ta không thể loại trừ sự dữ mãi mãi mà chỉ chinh phục nó từng lần một (số 11), với sự bền bỉ. Tôi thêm rằng: chính vì thế người ta thắng được về phần tinh thần khi lưu ý đến những mục đích (những điều đã được thực hiện tốt) hơn là những điều được xem như chống lại chúng ta (những sai lầm phạm phải). Ngay cả Thánh Phanxicô cũng đã không chiến thắng 1-0. Sự tăng trưởng kinh tế không phải là sự phát triển của con người, mà phát triển con người là điều phải dẫn dắt sự phát triển kinh tế (số 21). Chính vì thế ta phải thay đổi chủ nghĩa tư bản – phải chuyển từ sự tiêu thụ (số 13) sang hành động chăm sóc thế giới và nhân loại (số 17) – cũng như chính trị phải chuyển đổi từ lợi ích cá nhân sang sự tham gia tập thể và hướng đến niềm hy vọng chung, qua sự “bác ái chính trị” (số 190). Điều tệ hại nhất có thể xảy ra là mất đi ý thức xấu hổ vì đã làm điều dữ (số 45). Chính vì thế, ta cầu xin được nhận lại “ơn biết xấu hổ vì những gì chúng con đã làm” (số 247, nói về nạn tàn sát người Do Thái của Đức Quốc Xã – gọi là Shoah).
Tôi có thể tiếp tục, song tôi thích đưa ra một chìa khóa giải thích rất hàm súc triết lý, chìa khóa của thời gian. Thông điệp mở đầu bằng cách nói về không gian, những biên giới phân chia, những bức tường và hàng rào phân cách. Nhưng ta hiểu ngay rằng thời gian là sự biến đổi quan trọng nhất, như ta thấy trong vô số tham chiếu về dụ ngôn người Samari. Câu chuyện rất thời danh (số 63). Cũng như đối với thông điệp, dụ ngôn có vẻ ngoài như là vấn đề không gian hình học: tuyến đường của người Do Thái rủi thay lại băng ngang qua tuyến đường của các băng cướp tấn công tại một điểm nào đó, rồi đến những tuyến đường song song của ông tư tế và người Lêvi, và cả tuyến đường của người Samari, người đã dừng lại ở vị trí ấy và giúp đỡ, rồi tuyến đường ấy nối kết với một vị trí khác, phòng trọ của ông chủ nhà trọ đã đón tiếp nạn nhân, và cuối cùng là tuyến du hành của người Samari ra đi nhưng nói rằng sẽ trở lại. Tôi đã đọc dụ ngôn theo cách khá hình học. Nhưng khi đọc thông điệp tôi cũng hiểu ngược lại rằng đó là dụ ngôn về thời gian: “Người này (người Samari) cũng dành cho nạn nhân (người Do Thái) một cái gì đó mà trong thế giới cuồng nhiệt hôm nay chúng ta luôn bám chặt: dành thời gian của mình cho nạn nhân! Chắc chắn là ông ta có những chương trình của mình cho ngày hôm ấy, những nhu cầu của ông, những bổn phận và những ước muốn. Nhưng ông đã có thể đặt tất cả qua một bên, khi đối diện với một người đang cần được giúp đỡ. Dù thậm chí không biết nạn nhân, ông đã nhận thấy rằng nạn nhân đáng được ông dành thời gian và sự quan tâm” (số 63). Dù luôn quý trọng thời gian của riêng mình (đó là một nhà buôn), người Samari đã dừng lại. Và như vậy, ông đã tạo nên một câu chuyện mới, của sự quan tâm và chăm sóc, trong thời gian, khi dành thời gian cho người đau khổ và cho người ấy thời gian cách nhưng không (số 139) và cả đến các khoản phí tổn nữa, không chỉ vì thời gian là tiền bạc mà còn những gì ông trả cho người chủ nhà trọ, ngay lúc ấy và với một lời hứa ở tương lai, trong thời gian. Người Anh đã có một kiểu nói rất hay để nói về thời gian dành cho một ai đó thật quan trọng: to make time (dành thời gian). Người Samari đã dành thời gian cho người đau khổ. “Dành thời gian” cho tha nhân có nghĩa là đồng thời làm giàu cho chính mình, vì cho thời gian cũng là cho đi chính mình. Không có người khác đón nhận nó, người cho không thể dành thời gian cho mình. Tính tương quan của thời gian, của những tương quan của con người, của sự liên đới giữa chúng ta, sự bác ái giữa chúng ta, những điều ấy đã xuất hiện khắp thông điệp và tôi tin rằng đó là chìa khóa cơ bản để đọc nó. Tưởng cũng nên lưu ý rằng, trong những khẳng định sâu sắc nhất, chỉ có một khẳng định lập lại đến hai lần: “không ai được cứu một mình” (số 32, số 54 và số 137 “hoặc chúng ta được cứu tất cả hoặc không ai được cứu”). Không ai có thể ôm hôn một mình. Ôm hôn chỉ có thể được khi có một sự chia cách được hợp nhất lại với người khác, nơi những căn tính kết hợp nhau mà không loại bỏ nhau. Vì thế, ôm lấy người khác là cách duy nhất để ôm lấy chính mình. Sartre đã sai lầm: hỏa ngục không phải là tha nhân, chính sự vắng bóng tha nhân mới là hỏa ngục (số 150), vì ta chỉ có thể cứu mình khi cứu người khác. Chính vì thế mà ta phải trở nên người thân cận với nhau, như thông điệp nhấn mạnh (các số 80 – 81). Ngày nay, dễ dàng hơn bao giờ hết, trong thông tin quyển (infosphère) mỗi người chỉ cách người khác một bước chân. Sự trái nghịch của việc dừng lại và “dành thời gian” là “lòng dục”: xu hướng trong đó con người chỉ bận tâm tới chính mình, nhóm của mình, những lợi ích nhỏ nhen của mình” (số 166). Thật là ý tưởng rời rạc khi tin rằng ta có thể sống như là những đường thẳng song song mà không có một sơ đồ nào, những nút thắt không hệ thống kết hợp chúng lại. Đó là sự từ chối tính liên đới. Sự khép kín mình trong nội tại là không gian hời hợt và ngột ngạt của người không dừng lại và không “dành thời gian” để có thể nhận lấy thời gian, của người không thể tự cứu mình khi không cứu ai. Giải pháp chống lại lòng dục là mở ra cái nội tại của cái tôi riêng mình, buộc nó mở ra với niềm hy vọng (ít nhất là đối với người vô tri) nếu không phải là mở ra với đức tin (đối với tín hữu) trong sự siêu việt. Không biết điều này có phải là “siêu việt thế tục” (transcendance laïque) hay không thì đó vẫn là vấn đề mở dành cho người vô tri, nhưng dù cho đó là thế tục hay tôn giáo, thì đó là sự mở ra có sự trả giá, như sự kiện dừng lại của người Samari, và đó là sự mở ra mà ta có thể chia sẻ với mọi người vì nó được làm cho có thể nhờ nhận thức phổ quát về phẩm giá con người (các số 213 – 214), sự mở ra siêu vượt thời gian của lịch sử và làm cho nội tại của cái tôi hé mở, như cánh cửa mở ra đón ánh sáng.
Cuối cùng, tôi tự hỏi: điều gì đã xảy ra với người Samari? Chúng ta biết rằng ông ấy lại lên đường. Ông ấy có việc phải làm. Ông ấy tính chuyện quay trở lại. Thông điệp khiến tôi tưởng tượng ra rằng ông ấy tiếp tục hành trình với một nụ cười. Vì nếu ta suy nghĩ thêm, ông ấy nợ người đau khổ kia sự hiểu biết hiện giờ mình là ai. Khi đáp ứng nhu cầu được thực hiện vì nhân phẩm của người chịu đau khổ (số 218), ông ấy cũng có được câu trả lời cho vấn đề về phẩm giá của riêng mình như một con người bác ái và tử tế (các số 222-224). Sức mạnh của việc dừng lại để hiểu biết mình là ai và để không phải xấu hổ thì thật là cần thiết. Cuối cùng, đó là cách tốt nhất có thể để đầu tư thời gian của mình.
Tác giả: Luciano Floridi
(Giáo sư triết học và đạo đức thông tin tại đại học Oxford)
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ từ L’Osservatore Romano, ấn bản Pháp ngữ, Thứ Ba, 17 tháng 11 năm 2020, số 46, tr. 6
Có thể bạn quan tâm
Suy Niệm Lễ Thánh Gia Thất – Năm C
Th12
Bài Hát Cộng Đồng Lễ Đức Maria – Mẹ Thiên Chúa (01/01/2025)
Th12
Nghi Thức Khai Mạc Năm Thánh 2025 Tại Các Hội Thánh Địa Phương
Th12
Đức Thánh Cha Mở Cửa Thánh Tại Nhà Tù Rebibbia: Hãy Nắm Lấy..
Th12
Ngày 28/12: Các Thánh Anh Hài tử đạo
Th12
Ngày 27/12: Thánh Gioan Tông đồ
Th12
Ý nghĩa của hành hương Năm thánh?
Th12
Cửa Thánh: Nguồn Gốc, Lịch Sử, Ý Nghĩa Và Việc Mở Cửa Thánh
Th12
Trực Tiếp Sứ Điệp Giáng Sinh Năm 2024 Và Phép Lành Toàn Xá..
Th12
Đức Thánh Cha Chủ Sự Nghi Thức Mở Cửa Thánh Đền Thờ Thánh..
Th12
Ngày 26-12: Thánh Stêphanô, tử đạo tiên khởi
Th12
Đức cha Louis chủ sự đại lễ Giáng sinh tại Nhà thờ Chính..
Th12
Chuyến mục vụ của Đức cha Louis trước đại lễ Giáng Sinh
Th12
Suy Niệm Lễ Giáng Sinh – Một Người Con Đã Được Ban Tặng..
Th12
Ngày 25 Tháng 12 – Đại Lễ Giáng Sinh
Th12
Ngắm nhìn Hang Đá Máng Cỏ chúng ta nghĩ gì?
Th12
Thư Gửi Sinh Viên, Học Sinh Công Giáo Nhân Dịp Mừng Lễ Chúa..
Th12
Thánh Lễ An Táng Đức Cố Tổng Giám Mục Têphanô Nguyễn Như Thể
Th12
Suy Niệm Chúa Nhật IV Mùa Vọng C: Đức Maria, Người mang Chúa..
Th12
Đức Thánh Cha Phanxicô: Năm Thánh, Cơ Hội Ân Sủng Gặp Gỡ Chúa..
Th12