Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật IV Mùa Chay Năm B

1340 lượt xem

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY – NĂM B
(Ga 3,14-21)

MỤC LỤC

  1. Tình yêu cứu độ của Thiên Chúa – Lm. Ignatiô Trần Ngà
  2. Thiên Chúa yêu thế gian – Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm
  3. Thiên Chúa cứu chuộc thế gian bằng tình yêu – Noel Quesson
  4. Nhìn lên ánh sáng – ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
  5. Đấng Giải Phóng – TGM Giuse Vũ Văn Thiên
  6. Mừng Vui Và Bước Tiếp – Lm.Antôn Nguyễn Văn Độ
  7. Con Đường Dẫn Đến Tự Do – Lm. Minh Anh

1. Tình yêu cứu độ của Thiên Chúa – Lm. Ignatiô Trần Ngà

Xưa kia có một vị hoàng đế rất giàu sang và cũng rất đại lượng. Vua rộng ban vàng bạc châu báu cho tất cả những ai làm đẹp lòng vua. Thế là nịnh thần mọc lên như nấm khắp triều đình.

Các hoàng tử thì xu nịnh để được vua cha ban cho ngai vàng. Các quan trong triều đình thì xu nịnh để được thăng quan tiến chức. Ai cũng huênh hoang cho rằng mình hết lòng trung nghĩa với vua, sẵn sàng hiến mạng mình để bảo vệ nhà vua, để chết thay cho vua.

Nhà vua rất đơn sơ nên dễ tin vào những lời nịnh hót của họ và ban phát cho họ ân lộc dư dầy khiến ngân khố của triều đình cạn kiệt.

Cả triều đình chỉ có quan ngự y là người trung thành. Ông đã nhiều lần can gián vua, thuyết phục vua đừng tin bè lũ xu nịnh, nhưng vua chẳng chịu nghe.

Ngày nọ, vua lâm trọng bệnh thập tử nhất sinh, tính mạng nhà vua chỉ còn được đếm từng giờ. Quan ngự y trình với vua là bệnh vua chỉ có thể chữa lành nếu một vị hoàng tử nào đó hiến tặng trái tim mình làm thuốc cho vua.

Nghe tin nầy loan ra, các hoàng tử trong cung trốn biệt!

Khi không thể tìm được trái tim của hoàng tử làm thuốc, nhà vua hỏi quan ngự y xem có thể sử dụng tim của một người khác làm thuốc được không. Quan ngự y trả lời nếu không có trái tim của hoàng tử thì ít ra phải dùng trái tim của các vị quan lớn trong triều.

Nghe tin đó, các quan lớn rồi các quan nhỏ trong triều đều trốn biệt tăm.

Túng quá, thôi thì dùng tạm trái tim của lính hầu, của công chúa cũng được. Nghe tin đó, cả công chúa, cả lính hầu, cả hàng trăm thê thiếp cũng không còn ai lai vãng trong cung điện nữa. Cung điện thường ngày huyên náo, giờ nầy vắng lặng như bãi tha ma!

Bấy giờ vua chỗi dậy, tỉnh ngộ rồi cười ra nước mắt cho nhân tình thế thái.

Duyên do là quan ngự y và cũng là người trung nghĩa với vua, đã khéo dựng lên kịch bản nầy, đề nghị với vua giả vờ đau nặng, bỏ cơm bỏ cháo, để thử thách lòng người!

* * *

Cuộc đời là thế! Ai có đủ yêu thương để dám hy sinh tính mạng, dám chết thay cho người thân thiết của mình, nói chi đến việc chết thay cho kẻ thù nghịch?

Vậy mà có một Đấng đã hy sinh tính mạng cho kẻ phản bội mình. Để hiểu Đấng ấy đã hy sinh như thế nào, chúng ta hãy trở lại với câu chuyện rắn đồng thời Mô-sê.

Thời ấy, trong hành trình bốn mươi năm trong hoang địa, có lần dân Do-Thái phải lâm cảnh đói khát dày vò nên kêu trách Thiên Chúa và Mô-sê. Thế rồi dân chúng bị rắn lửa bò ra cắn chết nhiều người. Người ta lại chạy đến kêu cứu Mô-sê. Bấy giờ Thiên Chúa truyền cho ông Mô-sê đúc con rắn đồng, treo lên trụ cờ cao, để làm phương thuốc chữa rắn cắn. Ai bị rắn cắn mà nhìn lên rắn đồng thì được cứu sống.

Ngày nay, để cứu nhân loại tội lỗi lâm cảnh điêu linh và phải chết, Thiên Chúa không thể dùng rắn đồng làm phương trị liệu mà phải dùng đến một phương thuốc khác, đó là bằng chính Thân Thể Chúa Giêsu chết treo trên thập giá.

“Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.”

Thiên Chúa Cha đã lấy mạng đổi mạng. Lấy sinh mạng vô cùng cao quý của Người Con Một yêu quý để đổi lấy sinh mạng khốn hèn của loài người tội lỗi. Thật là điều không thể tưởng tượng được.

Nhưng tình yêu của Thiên Chúa chưa dừng lại ở đó. Tình yêu cứu độ của Ngài còn vươn lên cao hơn. Không những chỉ trao ban Con Một chết thay cho chúng ta mà thôi, không những chỉ ban cho chúng ta được cùng sống lại với Chúa Giêsu mà thôi, Thiên Chúa Cha còn thương cho chúng ta được cùng lên trời, cùng ngự trị với Đức Giêsu trên cõi trời. Bài đọc thứ hai, bài thư thánh Phao-lô gửi tín hữu Ê-phê-sô hôm nay nhắc chúng ta điều đó: “Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Kitô. Người đã cho chúng ta được cùng sống lại và cùng ngự trị với Đức Kitô Giêsu trên cõi trời.” (Ep 2, 4-6)

Thế là từ thân phận của tên tử tội đáng phải chết đời đời vì tội lỗi của mình, chúng ta được Chúa Giêsu lấy mạng Ngài đổi mạng cho chúng ta, thứ tha cho chúng ta muôn vàn tội lỗi, ban cho chúng ta được sống lại trong đời sống mới, rồi lại được đưa lên trời để “cùng ngự trị với Đức Giêsu trên cõi trời”.

Thật là một tình yêu không còn biên giới.

Nguyện xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta cảm nhận thật sâu sắc tình yêu cao vời và sâu thẳm của Thiên Chúa, để sống xứng đáng hơn với tình yêu đó và đừng để công trình cứu chuộc của Ngài hoá ra vô hiệu nơi chúng ta.

2. Thiên Chúa yêu thế gian – Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm

Thiên Chúa yêu con người ngay lúc con người đang còn trong tình trạng tội, nghĩa là, Ngài yêu con người ngay cả khi họ còn đang chống cưỡng Thiên Chúa. Thiên Chúa đã cho Lời Ngài nhập thể làm người, Ngài đã ban Thánh Thần thúc đẩy và mời gọi con người trở lại với Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu con người vô cùng.

Thiên Chúa vẫn yêu thương dân Do Thái cho dù họ phản loạn bất trung

Dân Do Thái là một gương điển hình cho thấy tình yêu Thiên Chúa. Thiên Chúa đã tuyển chọn Abraham, đã mời ông bỏ quê cha đất tổ để đi đến đất Ngài chỉ cho; Ngài hứa sẽ ban cho ông có con cháu nối dòng, sẽ ban cho ông có đất sở hữu, sẽ làm cho ông trở thành mối chúc lành. Abraham đã quảng đại đáp trả lời mời của Thiên Chúa, và trở thành ông tổ của dân tộc Do Thái.

Dân Do Thái đã được Thiên Chúa thương yêu đặc biệt. Ngài đã dùng Môsê để giải phóng dân khỏi ách nô lệ bên Aicập, ban cho họ đất Canaan, cho họ những vị thẩm phán, các vua, và các tiên tri để hướng dẫn chăm sóc dân nhân danh Ngài. Thế nhưng theo sách Ký Sự (Sử Biên Niên), mọi tầng lớp dân đều phạm tội chống đối Thiên Chúa, kể cả các đầu mục, tư tế, và các tầng lớp lãnh đạo. Thiên Chúa đã sai các tiên tri như những sứ giả đặc biệt đến với dân, nhưng họ cũng chẳng nghe, nên Chúa đã để họ phải lưu đày ở Babylon.

Tuy để dân Do Thái phải lưu đày, nhưng Thiên Chúa vẫn thương dân Ngài; Ngài đã dùng vua nước Ba-Tư là Kyrô cho dân Do Thái lưu đày được trở về quê cha đất tổ của mình. Những tai họa hay đau khổ xảy đến giúp dân Do Thái nhận ra những sai trái trong hành vi tư tưởng của mình, để rồi họ trở về với Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng đã để dân Do Thái phải lưu đày, nhưng cũng là Đấng dẫn dân trở về quê hương.

Thiên Chúa yêu ta ngay khi ta còn là tội nhân

Thường người ta chỉ yêu người đẹp, chỉ mến người tốt. Nếu ai làm điều dữ mà bị nạn, người ta nói “đáng đời nó;” hơn nữa, người ta còn đòi Thiên Chúa trả oán khi bị oan nghiệt. Tuy nhiên, tư tưởng của Thiên Chúa không giống tư tưởng và suy nghĩ của loài người. Thiên Chúa là Đấng giầu lòng từ bi; Ngài yêu thương con người vô cùng nên ngay khi con người còn là tội nhân, thì Ngài vẫn yêu thương và tìm cách cứu độ con người. Thiên Chúa luôn tìm cách giúp ta trở lại với Ngài, để ta thành người đẹp và dễ thương thật sự. Thiên Chúa là Đấng tạo dựng, và cũng là Đấng giúp ta nên đẹp và tuyệt hơn.

Thực vậy, từ khi Thiên Chúa dẫn dân ra khỏi Aicập qua Môsê, dân Do Thái nhiều lần không tin tưởng, bất tuân, và làm trái ý Thiên Chúa; chẳng hạn họ đòi nước và muốn ném đá Môsê, đòi ăn thịt giữa nơi hoang địa, thờ bò vàng khi Môsê đang cầu nguyện gặp gỡ Thiên Chúa trên núi, v.v.; tuy nhiên Thiên Chúa vẫn yêu thương tha thứ cho dân. Mỗi người chúng ta cũng đã phạm tội phản nghịch cùng Thiên Chúa, không chỉ một lần nhưng nhiều lần; tuy nhiên Thiên Chúa vẫn yêu thương, Ngài vẫn mời gọi chúng ta trở lại với Ngài, Ngài ban cho chúng ta bao nhiêu dịp để nhận ra tình yêu vô bờ bến, để chúng ta ăn năn hối lỗi trở về với Ngài.

Thiên Chúa không chấp nhất chúng ta xúc phạm đến Ngài bao nhiêu lần, và nặng nhẹ thế nào. Điều quan trọng là chúng ta trở về với Thiên Chúa. Như người Cha trong dụ ngôn người con hoang trở về, Thiên Chúa sẽ ban cho chúng ta tất cả những gì chúng ta đã mất. Thiên Chúa hạnh phúc khi chúng ta trở lại với Ngài. Cả trời đất đều hân hoan khi một người tội lỗi ăn năm sám hối (Lc.15, 10.7).

Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi…

Tình yêu Thiên Chúa đối với con người thật vô cùng. Không gì có thể sánh với tình yêu của Thiên Chúa đối với con người. Qua những thụ tạo hữu hình, con người nhận ra tình yêu của Thiên Chúa; nhưng với biến cố Lời Thiên Chúa nhập thể làm người, con người nhận ra tình yêu vô cùng của Thiên Chúa một cách đặc biệt và có sức thuyết phục hơn.

“Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga.3, 16). Đức Yêsu là bằng chứng tình yêu của Thiên Chúa đối với con người. Có thể nói, không bao giờ Thiên Chúa kết án con người. Thiên Chúa tạo dựng con người vì tình yêu, để con người được chia sẻ sự sống và hạnh phúc vĩnh cửu với Thiên Chúa. Ngài muốn con người trở lại với Ngài và được sống. Ngài không muốn con người phải trầm luân vĩnh cửu.

Thiên Chúa yêu con người, Thiên Chúa đã đang và sẽ làm tất cả để được con người. Nói theo ngôn ngữ nhân loại, Thiên Chúa đang cố gắng làm “hết sức và hết khả năng” để con người yêu Ngài. Trong tình yêu không có võ lực, không có áp bức. Chỉ có tình yêu chân thực khi sống trong sự thật và tự do. Võ lực, áp bức, gian dối không đi chung với tình yêu. Tình yêu đòi tự do và sự thật. Thiên Chúa yêu thương con người vô cùng, và chắc chắn con người sẽ rung động trước tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Ai đáp trả tình yêu, thì sống và hạnh phúc trong tình yêu. Ai từ chối tình yêu, thì không hạnh phúc và không có sự sống đích thực. Chính hành vi từ chối tình yêu, làm người ta bất hạnh. Hành vi làm điều dữ, làm người đó đau khổ, và làm người khác bị ảnh hưởng.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

  1. Theo bạn, đâu là hành vi xấu thật sự? Khi nào người ta phạm tội?
  2. Bạn có nghĩ rằng đau khổ là hậu quả của tội không? Tại sao?
  3. Tại sao Đức Yêsu lại là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương con người?

3. Thiên Chúa cứu chuộc thế gian bằng tình yêu – Noel Quesson

“Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một”

Huyền thoại của một nước vùng Ấn Độ có câu chuyện này: Thời xưa, đất nước còn hoang sơ, có một con thỏ tên là Pôlixa. Thỏ Pôlixa rất thương người, ai xin gì cũng cho, không từ chối bao giờ. Một hôm có một cụ già lom khom chống gậy đi tới và nói:

– Già đói lắm, suốt mùa nước lũ già không có gì ăn. Chắc già sắp chết rồi, giờ đây già chỉ thèm một miếng thịt thỏ, Pôlixa có cho già được không?

Thỏ Pôlixa nhìn ông già hom hem yếu đuối, tội nghiệp quá. Thỏ Pôlixa bảo ông:

– Được rồi, ông chờ một lát.

Pôlixa đi kiếm củi xếp thành đống rồi nổi lửa, và nói:

– Ông chờ thịt cháu chín, ông lấy mà ăn.

Rồi thỏ chụm chân nhảy vào lửa. Bỗng nhiên lửa tắt, ông già biến mất. Thì ra đó là một vị thần được Thượng đế cho phép tới thử lòng thỏ. Về sau để thưởng công, Thượng đế đã cho thỏ Pôlixa về vui đùa mãi mãi bên mặt trăng.

Đó chỉ là một chuyện huyền thoại, nhưng có ý nói tới điểm cao nhất của lòng bác ái, là sẵn sàng chết vì người khác. Đó cũng chính là ý tưởng của Đức Giêsu mà thánh Gioan đã ghi lại: “Không có tình yêu nào lớn bằng chết vì bạn hữu”.

Chúa Giêsu đã nói và Ngài đã thực hiện như thế. Chúa chết trên thập giá vì yêu ta. Chính cái chết của Chúa, hay nói khác đi, chính Tình yêu của Chúa đã đem sự sống tới cho chúng ta. Thiên Chúa yêu thương trần gian đến mức trao ban Con Một của Người. Người Con Một đó chính là Tình yêu của Thiên Chúa, đã dùng cái chết để biểu lộ tình yêu tột đỉnh đối với gian trần. Và Tình yêu đó đã đem đến cho trần gian nguồn sống.

Nhiều người thời nay tỏ ra rất bi quan: “Thế trần hư hỏng, vô phương cứu chữa…” thiếu gì lý do để buồn rầu chán nản. Một lương tâm tương đối sáng suốt nào cũng thấy vô số tệ đoan đang diễn ra khắp nơi khắp chốn: bạo lực, bất công, ích kỷ tập thể hay cá nhân, đê tiện đủ thứ, sa đọa, mất lương tâm nghề nghiệp… Người ta lợi dụng nhau, hành hạ nhau, dối trá công khai trên diễn đàn, trong ý thức hệ v,v… Chắc chắn Thiên Chúa thấy rõ những điều này. Tuy nhiên Người vẫn yêu thương trần gian. Người không chịu nổi sự tồi tệ của trần gian. Người muốn cứu vớt trần gian. Thiên Chúa tới chung sống với nhân trần. Người vẫn thấy những gì Người dựng nên là tốt đẹp.

Thiên Chúa muốn con người được sống vĩnh cửu… đó là cuộc sống từ trên ban xuống (Ga 3,3). Thiên Chúa không kết tội trần gian. Nếu trần gian bị kết tội là do tự mình mà ra. Thiên Chúa muốn giải thoát nhân loại, muốn mọi người được cứu rỗi (1Tm 2,4).

Khi con người cương quyết chối từ Thiên Chúa, họ vẫn bó buộc phải sống gần kề Thiên Chúa mà họ chối từ, đó chính là “hỏa ngục”. Và Thiên Chúa luôn tôn trọng tự do của con người. “Thiên Chúa sai Con Người giáng trần không phải để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Ngài mà được Cứu độ. Ai tin vào Ngài thì không bị luận phạt. Còn ai không tin thì đã bị luận phạt rồi”. (Ga 3,17-19).

Lạy Chúa, xin giúp chúng con thêm lòng yêu mến Chúa bằng cách thương mến phục vụ mọi người như Chúa đã yêu thương phục vụ và hy sinh Cứu chuộc chúng con.

4. Nhìn lên ánh sáng – ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

Trong sa mạc, dân Israel kêu trách Thiên Chúa và ông Môsê. Thiên Chúa cho rắn độc ra cắn họ, khiến nhiều người phải chết. Dân chúng xin ông Môsê khẩn cầu Thiên Chúa. Thiên Chúa truyền cho ông làm một con rắn bằng đồng và treo lên để ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng, thì được sống (Ds 21, 4b-9).

Hôm nay, khi nói Người sẽ bị treo lên như con rắn đồng của Môsê, Đức Giêsu mời gọi ta cũng hãy biết nhìn lên Thánh giá để được sống. Việc nhìn lên Đức Giêsu bị treo trên Thánh giá mở ra cho ta những nhận thức sau:

Nhận thức về tội lỗi của ta

 Dân Do thái phản nghịch với Chúa, nên họ đã bị rắn lửa cắn chết. Chính tội lỗi làm người ta phải đau khổ. Chính tội lỗi đã gây ra tai hoạ cho toàn dân. Chính tội lỗi đã gây ra chết chóc. Nhìn lên con rắn đồng là nhận biết mình tội lỗi. Cũng vậy, vì tội lỗi của ta mà Đức Giêsu đã chịu treo trên Thánh giá. Người nào có tội tình gì mà phải chết đau đớn, tủi nhục như thế. Không một mảnh vải che thân. Chết lúc tuổi thanh xuân. Chết như một tội nhân. Chết như một người nô lệ. Trước khi chết đã bị sỉ nhục, bị hành hạ đến tan nát hình hài, đến chẳng còn hình tượng con người. Tất cả chỉ vì tội lỗi của ta. Tội lỗi đã làm ta phải chết. Tội lỗi làm linh hồn ta bị biến dạng, méo mó, xấu xa. Tội lỗi khiến ta tủi nhục chẳng dám ngẩng mặt nhìn lên. Đức Giêsu đã gánh lấy tất cả tội lỗi của ta. Người chịu nhục nhã cho ta được vinh quang. Người chịu thương tích để chữa lành vết thương của ta. Người chịu chết như nô lệ để ta được tự do. Người chịu chết cho ta được sống. Người chịu treo lên để kéo ta khỏi vũng bùn nhơ tội lỗi. Nhìn ngắm Người chính là nhìn ngắm tội lỗi của ta. Hiểu được cái chết đau đớn tủi nhục của Người là ý thức được tội lỗi nặng nề của ta.

Nhận thức về tình yêu thương của Chúa

Nhận thức về tội lỗi đưa ta đến nhận thức về tình yêu thương của Chúa. Ta tội lỗi đáng phải chết. Nhưng Chúa thương yêu không bỏ rơi ta. Người tìm hết cách cứu ta. Tình yêu Chúa dành cho ta thật bao la tha thiết. Tình yêu đã khiến Chúa ra như điên dại. Còn ai điên dại hơn người dám hy sinh con một mình để cứu người khác. Thế mà Chúa Cha đã “yêu ta đến nỗi đã ban Con Một” của Người cho ta. Còn ai điên dại hơn kẻ dám liều mạng chết vì người yêu. Thế mà Đức Giêsu đã tự nguyện chết cho ta. Người đã dậy ta: “Không có tình yêu nào lớn lao hơn tình yêu của người dám hy sinh mạng sống cho bạn hữu” (Ga 15,13). Chính Người đã hy sinh mạng sống để làm chứng tình yêu Người dành cho ta. Ta có xứng đáng gì đâu? Ta chỉ là một hạt bụi. Ta ngập trong yếu đuối tội lỗi. Thế mà Người yêu thương đến điên dại, đến chết vì ta. Càng nhìn lên Thánh giá, ta càng thấy mình tội lỗi. Càng thấy mình tội lỗi, ta lại càng thấy tình yêu thương của Chúa dành cho ta thật là bao la, tha thiết, mênh mông khôn tả.

Nhận thức về ơn cứu độ của Chúa

Trong sa mạc họ chẳng tìm ra người có thể cứu chữa họ. Chẳng có thuốc nào cứu họ khỏi chết. Chỉ mình Thiên Chúa có thể cứu họ. Thế nên họ phải nhìn lên con rắn đồng để được Chúa cứu. Ta cũng thế. Biết thân phận mình tội lỗi yếu hèn, ta càng cảm nghiệm được ơn cứu độ của Chúa. Ta ngập chìm trong tội lỗi, chẳng thể nào vươn lên được nếu không có ơn cứu độ của Chúa. Ta yếu đuối, chẳng thể nào tự sức mình đứng lên nếu không có ơn Chúa nâng đỡ. Ta bị giam cầm trong ngục tù sự chết, chỉ có Chúa mới có thể tháo bỏ xiềng xích, đưa ta tới miền sự sống. Linh hồn ta ngập ngụa nhơ uế, chỉ có Chúa mới có thể rửa sạch tội tình. Linh hồn ta bị bóng tối tội lỗi phủ vây, chỉ có ánh sáng của Chúa mới soi chiếu cho ta biết đường ngay lẽ phải.

Nhìn lên Thánh giá chính là từ nơi tối tăm nhìn lên ánh sáng. Ánh sáng tình yêu thương từ Thánh giá chiếu toả sẽ giúp ta an tâm trở về với Chúa là Cha, người Cha nhân hiền lúc nào cũng chờ đón đứa con hoang đàng trở về, lúc nào cũng sẵn sàng tha thứ tội lỗi cho ta. Ánh sáng cứu độ từ Thánh giá chiếu toả sẽ giải thoát ta khỏi bóng tối tội lỗi, đưa ta trở về làm con cái Thiên Chúa Sự Sáng. Ánh sáng tình yêu và ánh sáng cứu độ sẽ nâng ta lên, để từ nay ta vượt thoát lên khỏi bóng tối tội lỗi, sống thanh sạch công chính, luôn mơ ước những điều cao thượng, xứng đáng là con cái sự sáng. Trong mùa Chay, đặc biệt trong những ngày Tuần Thánh, ta hãy năng chiêm ngắm Thánh giá, để Chúa nâng tâm hồn ta lên với Chúa.

Lạy Chúa, xưa Chúa đã phán: “Khi nào Ta được đưa lên khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên với Ta” (Ga 12,32), xin hãy lôi kéo hồn con lên với Chúa.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1) Bạn có cảm thấy mình được Chúa yêu thương không? Hãy kể lại một kinh nghiệm trong đó bạn cảm nhận được tình yêu thương của Chúa.

2) Bạn có thấy mình yếu đuối, cần ơn Chúa cứu độ không?

3) Bạn đã chiêm ngắm Thánh giá lâu giờ chưa? Bạn có muốn chiêm ngắm Thánh giá trong mùa Chay này không?

5. Đấng Giải Phóng – TGM Giuse Vũ Văn Thiên

Sống ở đời, chúng ta bị ràng buộc tư bề. Con người bị ràng buộc do lối sống ích kỷ, do những thành kiến mặc cảm, và cũng có thể do những tham vọng đam mê và nhất là do tội lỗi. Vì những ràng buộc này, con người trở thành nô lệ của chính mình, và họ luôn giãy giụa tìm cách để thoát ra khỏi vòng nô lệ ấy. Phụng vụ Chúa nhật IV Mùa Chay muốn khẳng định với chúng ta: Thiên Chúa là Đấng giải phóng và làm cho con người được tự do.

Dân Do Thái đang chán nản đau buồn trong cảnh lưu đày ở Babylon. Họ phải sống trong cảnh tủi nhục nơi đất khách. Không còn đền thờ, chẳng còn tư tế, vắng bóng các sinh hoạt truyền thống và các nghi thức tế tự. Lòng người Do Thái quặn đau nơi lưu đày. Họ không thể gượng vui mà hát xướng trước thái độ ngạo mạn của người bản địa. Những người đạo đức luôn hoài niệm về quá khứ. Họ hướng về Giêrusalem với đôi mắt đẫm lệ. Trong bối cảnh ấy, Chúa dùng vua Cyrus, vua Ba Tư, cứu dân khỏi ách lưu đày và quyết định cho họ trở về quê cha đất tổ. Khỏi phải nói, niềm vui của dân lưu đày vỡ oà. Họ nhận ra Cyrus là vị cứu tinh. Họ coi ông là người của Thiên Chúa đến để giải phóng dân riêng của Ngài và đưa về bến bờ tự do.

Nếu Thiên Chúa đã dùng ông Cyrus để cứu dân tộc Do Thái khỏi ách lưu đày ở Babylon, thì qua Đức Giêsu, Thiên Chúa muốn cứu độ cả thế gian, mọi nơi, mọi thời. Ngài không cứu thế gian khỏi ách nô lệ của một chế độ, nhưng là ách nô lệ của tội lỗi, của quyền lực tối tăm. Bài Tin Mừng ghi lại cuộc đàm đạo vào ban đêm giữa Chúa Giêsu và ông Nicôđêmô. Ông này là thành viên Công nghị Do Thái, tạm coi như thành viên của quốc hội. Ông cảm phục giáo huấn của Chúa Giêsu, nhưng còn nhiều điều băn khoăn nên đến gặp Người để khai thông trí tuệ. Chúa Giêsu đã nói với ông về tình thương của Thiên Chúa Cha. Tình thương ấy được chứng minh qua Ngôi Lời nhập thể, chính là người đang đàm đạo với ông về những thực tại thiêng liêng. Đức Giêsu cũng khẳng định với ông Nicôđêmô: Thiên Chúa sai con của Ngài đến để giải phóng nhân loại. Ai tin vào Người thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời. Những ai tin vào Chúa Giêsu sẽ được giải thoát khỏi ách nô lệ của tội lỗi và quyền lực tối tăm. Tình thương của Thiên Chúa được chứng minh qua mầu nhiệm thập giá. Đức Giêsu đã nhắc tới con rắn đồng được treo trong sa mạc thời ông Môisen (x. Dân số 21,3-9) như hình ảnh báo trước cây thập giá. Đương nhiên, Tin Mừng được viết sau biến cố thập giá và phục sinh, nên tác giả muốn diễn tả qua hình ảnh con rắn đồng cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá. Cũng như con rắn mang lại sức chữa lành cho dân Do Thái – những người bị rắn cắn – cái chết của Chúa Giêsu và sự phục sinh của Người cũng chữa lành những vết thương của con người do tội lỗi gây ra.

Chúa Giêsu khẳng định: một trong những điều kiện căn bản để được cứu độ hay được ơn giải thoát, đó là Đức tin vào quyền năng Thiên Chúa. Tin là tự do chọn lựa Chúa và dấn thân sống hết mình vì chọn lựa đó. Nếu bạn tin vào Chúa, bạn sẽ tìm được sự sống, sẽ được cứu độ trong ngày xét xử, sẽ được ánh sáng chiếu soi. Một khi tin vào Chúa thì những hành động của bạn sẽ là những việc thiện lương. Bởi lẽ bạn không thể tin vào Chúa mà lại có một lối sống ngược lại với điều bạn tuyên xưng.

Một cách cụ thể, tin vào Chúa là tin vào Đức Giêsu Kitô. Tin vào Chúa không chỉ có nghĩa là tin Ngài đang hiện diện, mà còn là thiện chí thực hiện những điều Chúa Giêsu dạy. “Ai khước từ Thày là khước từ Đấng đã sai Thày”(Lc 10-16). Đức Tin giải thoát chúng ta khỏi sự chết và đem lại cho chúng ta sự sống vĩnh cửu. Đón nhận và thực hiện lời Chúa Giêsu là tuyên xưng Đức Tin vào Thiên Chúa cách hữu hiệu nhất. Nhờ việc tuân giữ giáo huấn của Người, chúng ta trở nên những tác phẩm của Thiên Chúa, được canh tân trong Chúa Giêsu, nên con người hoàn thiện, và như thế, chúng ta làm cho ánh vinh quang của Ngài tỏa rạng qua cuộc đời của chúng ta (x. Bài đọc II).

Cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu vào ban đêm đã làm cho ông Nicôđêmô thay đổi cuộc đời. Từ một người còn nghi ngờ, dè dặt, ông đã trở nên môn đệ của Chúa. Ông không còn sợ hãi nữa, trái lại, ông đã công khai biện hộ cho Chúa Giêsu nơi những người biệt phái (x. Ga7,51) và đã cộng tác trong việc an táng Chúa Giêsu (x. Ga 19,39). Một điều đáng chú ý là khi Chúa chịu chết đau thương trên thập giá, cũng chính là lúc ông Nicôđêmô sẵn sàng từ bỏ công danh sự nghiệp để công khai nhận mình là môn đệ của Chúa Giêsu. Thông thường ở đời, người ta đi theo và tôn vinh một người chiến thắng, không mấy ai chấp nhận đi theo một người bị lên án tử hình, như trường hợp ông Nicôđêmô.

Mùa Chay là thời điểm sống Đức tin một cách mãnh liệt hơn. Phụng vụ khẳng định: nếu thành tâm tin vào Chúa, chúng ta sẽ tìm được niềm vui ở đời này và hạnh phúc vĩnh cửu. Chúng ta lựa chọn đứng về phía ánh sáng hay bóng tối? Chúng ta đang làm việc thiện hay việc ác? Chúng ta đang bảo vệ sự sống hay cổ võ sự chết? Tất cả những vấn nạn này cần được trả lời bằng cuộc sống cụ thể của mỗi người.

“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”. Hãy nhìn lên cây thập giá để tôn vinh Chúa là Đấng giải phóng, để biết Chúa yêu chúng ta đến dường nào. Từ cây thập giá, chúng ta học được những bài học cần thiết trong mối tương quan với Chúa và cách ứng xử với anh chị em.

6. Mừng Vui Và Bước Tiếp – Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Phụng vụ Chúa nhật IV Mùa Chay với chủ đề (Lætare – Mừng vui lên). Phụng Vụ của Giáo hội đang từ màu tím chuyển sang màu hồng mời gọi chúng ta tận hưởng trước niềm vui Phục Sinh: “Mừng vui lên, Giê-ru-sa-lem! Tề tựu cả về đây, hỡi những ai hằng mến yêu Thành! Các bạn đang sầu khổ, nào hớn hở vui mừng và hân hoan tận hưởng, nguồn an ủi chứa chan.” (Ca nhập lễ)  Hay lời của Thánh vịnh giaTôi vui mừng khi người ta nói với tôi: Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa. Vui lên nào…… “.

Những lời trên diễn tả niềm vui thiêng thánh ngập tràn của Dân Chúa. Mừng vui lên, hỡi những người trước kia ở trong sầu khổ vì coi thường lời Chúa, bất trung, tội lỗi và nhạo báng các tiên tri nên mất nước, lâm vào cảnh nhà tan cửa nát phải đi lưu đầy, nay được trở về tái thiết quê hương. Mừng vui lên, vì Chúa dừng cơn thịnh nộ đổ xuống trên dân, nay được thay bằng lòng từ bi và tha thứ, ” Chúa thúc đẩy tâm hồn hoàng đế Cyrô, vua xứ Ba-tư, nhà vua ra lệnh truyền rao khắp đất nước, và ban chiếu chỉ rằng: Đây hoàng đế Cyrô, vua xứ Ba-tư tuyên bố: Ai trong các ngươi thuộc về dân Chúa? Thiên Chúa sẽ ở với nó, và nó hãy tiến lên ” (x. 2 Sb 36, 14-16. 19-23).

Sao không thể vui, không thể mừng được. Vì trước kia, dân phạm tội khiến đền thờ Chúa bị quân thù đốt cháy, tường thành Giêrusalem bị phá huỷ, các lâu đài và mọi đồ vật quý giá bị hỏa thiêu. Nay họ “được kêu gọi tái thiết đền thờ Giêrusalem, được mời gọi đón nhận lại Thiên Chúa đến ở giữa họ, đón nhận sức mạnh của tình yêu và tha thứ” (x. 2 Sb 36, 14-16. 19-23).

Chúa là niềm vui, là hạnh phúc của Dân Chúa. Chúa luôn muốn Dân Chúa sống vui và sống hạnh phúc. Một người ốm đau bệnh tật cả về tinh thần lẫn thể xác sẽ sống không vui và sống hạnh phúc được. Cho dù tội lỗi có thể làm cho họ xa Chúa, mất niềm tin và trông cậy vào Chúa. Tội có thể đẩy đưa họ đến bờ sông Babylon đi chăng nữa, Thiên Chúa vẫn tiếp tục nói với họ: “Lưỡi tôi dính vào cuốn họng, nếu tôi không nhớ đến ngươi” (Tv 136,6). Và món quà làm cho Dân Chúa thỏa mãn niềm vui là Thiên Chúa yêu thương loài người đến nỗi “đã ban Con Một Người” (Ga 3,16).

Quả thật, Thiên Chúa dựng nên con người, ban bố những giới răn, không phải như những ách trói buộc, nhưng là như nguồn tự do, để con người cư xử khôn ngoan, sống theo công lý và hoà bình, biết đặt tin tưởng nơi tha nhân và cùng nhau thực hành các việc công chính dựa theo ý của Chúa để vui sống hạnh phúc.

Chúng ta ngày hôm nay thì sao? Chúng ta đang trên hành trình cùng với Chúa Giêsu bước trong “hoang địa”. Ðây là quãng thời gian chúng ta lắng nghe tiếng Chúa và cũng để vạch trần mặt nạ của những cám dỗ trong lòng chúng ta. Ở phía chân trời của hoang địa này chúng ta thấy nổi lên cây thập giá. Thập giá Chúa Kitô là đỉnh điểm của tình yêu đem lại ơn cứu độ cho chúng ta. Chính Chúa Giêsu khẳng định: “Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời” (Ga 3,14-15).

Khi sánh ví mình như con rắn được Môse giương lên trong sa mạc, Chúa Giêsu gợi cho chúng ta nhớ tới con rắn trong vườn địa đàng (St 3, 1-5). Nếu con rắn trong địa đàng xuất hiện đang lúc loài người đang ở đỉnh cao hạnh phúc, thì con rắn đồng trong sa mạc xuất hiện giữa cảnh cơ cực của những người tha hương vừa thoát khỏi kiếp nô lệ cho người Aicập.

Nếu con rắn trong địa đàng là hiện thân của tội lỗi và sự dữ, thì con rắn đồng trong sa mạc là “tin mừng” cho những kẻ ngước nhìn lên nó.

Nếu con rắn trong địa đàng hủy diệt mọi tương quan tốt đẹp giữa con người với Thiên Chúa, thì con rắn đồng trong sa mạc mang lại niềm hy vọng vì nhận ra lòng thương xót của Chúa.

Và nếu con rắn trong địa đàng gieo sự chết vào thế giới loài người, thì con rắn đồng trong sa mạc lại có khả năng trao ban sự sống.

Như vậy, hình tượng của hai con rắn Cựu Ước hoàn toàn trái nghịch nhau. Tuy nhiên, dù trái nghịch, hai con rắn Cựu Ước chẳng những không mâu thuẫn nhau, mà hậu quả do con rắn trong địa đàng gây nên, sẽ được con rắn đồng trong sa mạc báo trước ngày chữa trị. Bởi hậu quả của con rắn thứ nhất gây nên chỉ toàn đổ vỡ, mất mát, ô nhục, sẽ được con rắn thứ hai bổ túc bằng cách cho thấy sự sống bắt đầu phát sinh, hạnh phúc bắt đầu ló dạng và niềm vui cứu chuộc bắt đầu tỏa sáng.

Bởi do con rắn trong địa đàng, nhân loại đã phạm tội. Vì tội, nhân loại đáng được “Đấng Cứu độ đời đời” (bài ca Exultex – đêm Phục sinh), thì con rắn đồng trong sa mạc làm trọn vai trò của mình là báo trước ơn cứu độ đời đời ấy.

Khi nhắc lại: “Như Môisen giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ được giương cao như vậy” (Ga 3, 14). Chúa Giêsu ám chỉ lúc mình được giương cao trên thập giá, ai đang ở trong hiểm nguy của tội lỗi, nhìn lên Người với lòng tin thì sẽ được cứu độ như Gioan nói: “Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ ” (Ga 3,17).

Nếu ngày xưa ai nhìn lên con rắn đồng sẽ được cứu sống, thì ngày nay thập giá Chúa Kitô chính là ơn cứu độ trọn vẹn cho những ai tin (x.Ga 3, 15). Hình bóng cũ thoáng qua đã được hoàn tất bằng thực tại mới sống động và vững bền. Chúa Kitô mãi mãi là Đấng Cứu độ duy nhất của trần gian (x.Dt 13, 8).

Tình yêu Thiên Chúa là vô biên và Người đã ban Con Một để chuộc tội con người. Phần chúng ta, mỗi người cũng phải chịu trách nhiệm về mình, phải nhìn nhận chính tội của mình để ơn tha thứ của Thiên Chúa, đã thể hiện trên Thập giá.

Hãy để Thiên Chúa yêu thương chúng ta, đáp lại chúng ta yêu mến Ngài, và như thế chúng ta bước tiếp hành trình Mùa Chay Thánh với niềm vui. Chúng ta sẽ nhận lãnh niềm vui lớn lao tràn trề vào Lễ Vượt Qua sắp tới.

Chúa là niềm vui của chúng con, xin cho chúng con cảm nghiệm được niềm vui ơn cứu chuộc mà Chúa mang lại cho chúng con nhờ cái chết và sự phục sinh của Chúa. Amen.

7. Con Đường Dẫn Đến Tự Do – Lm. Minh Anh

Kính thưa Anh Chị em,

Tuyệt đối khôn ngoan, lời của ngôn sứ Hôsê hôm nay! “Hãy nhận biết Chúa và hãy ra sức nhận biết Chúa”. Nhận biết Chúa là điều kiện tiên quyết để có thể nhận biết mình; hai sự hiểu biết này chính là ‘con đường dẫn đến tự do’ đích thực. Lời Chúa hôm nay chỉ cho chúng ta con đường đó.

Qua miệng ngôn sứ Hôsê, Thiên Chúa mặc khải, “Ta muốn tình yêu, chớ không muốn hy lễ; Ta muốn sự hiểu biết Thiên Chúa hơn là của lễ toàn thiêu”. Thiên Chúa muốn lòng yêu mến, Người muốn sự hiểu biết chính Người; và một khi hiểu biết Người, chúng ta mới có khả năng hiểu biết chính mình. Thiên Chúa là Đấng Tạo Hoá, Cha nhân lành; con người là thụ tạo, là bụi của đất, nhưng là hạt bụi được yêu thương, hạt bụi được Thiên Chúa thổi vào nguồn sinh khí thần linh. Người thu thuế trong Tin Mừng hôm nay có được cả hai sự nhận biết đó; nhờ vậy, anh thật sự khiêm tốn và điều đó đã cho anh khả năng bước đi trên ‘con đường dẫn đến tự do’.

Dụ ngôn trình bày một người biệt phái và một người thu thuế lên đền thờ cầu nguyện, nhưng cách cầu nguyện của họ rất khác nhau. Người biệt phái trung thực kể ra tất cả những công trạng của mình, không sót điều nào, như để đòi Chúa trả công; thật ra, ông cũng rất thiếu trung thực vì ông không biết Thiên Chúa, cũng không biết mình; ông đâu biết, trước mặt Thiên Chúa, muôn hải đảo khác nào hạt cát dính bàn cân, đáng gì đâu những lễ dâng của ông! Đang khi người thu thuế, biết Thiên Chúa là ai, biết mình là ai nên lời cầu của anh đặc biệt trung thực và chân thành. Anh nhận rằng mình quá tội lỗi và khẩn thiết kêu xin lòng thương xót Chúa, “Xin thương xót con là kẻ có tội”. Chúa Giêsu kết luận, người thu thuế ra về khỏi tội, còn người biệt phái thì không; người biệt phái thì không, bởi lẽ, ông quá kiêu căng. Vậy mà sự kiêu căng chỉ có thể biến mất khi con người hiểu biết Thiên Chúa và hiểu biết chính mình; vì đó là ‘con đường dẫn đến tự do’.

Trước tiên, phải hiểu cho được Thiên Chúa, Đấng giàu có, quyền năng, nhưng cũng là Đấng xót thương. Sự hiểu biết này giải thoát chúng ta khỏi việc dán mắt vào mình và gạt bỏ sự tự cho mình là công chính; nó giải phóng chúng ta khỏi sự phòng thủ, và cho phép nhìn nhận mình dưới ánh sáng của sự thật. Một khi nhận ra lòng thương xót Chúa, chúng ta cũng nhận ra ngay cả tội lỗi của chúng ta cũng không ngăn được chúng ta khỏi Thiên Chúa. Thật vậy, tội lỗi càng lớn, tội nhân càng đáng được Chúa xót thương!

Nhìn nhận tội lỗi là bước thứ hai. Chúng ta có thể làm được điều này! Không cần đứng ở góc phố để kể cho mọi người tội lỗi mình, nhưng chúng ta thừa nhận nó với mình và với Chúa, đặc biệt trong toà giải tội; và đôi khi, còn phải thừa nhận nó với người khác để xin họ tha thứ và thương xót. Khả năng nhìn nhận mình là tội nhân mở ra cho chúng ta ‘con đường dẫn đến tự do’.

Trong trận đánh Nga, Napoléon mơ tưởng việc thu tóm cả Ấn Độ; với sự kiêu căng ngông cuồng, ông cho đúc một huy chương có dòng chữ “Thiên đàng là của Chúa, trái đất là của tôi”. Nhưng ông đã thất bại trong cuộc chiến đó; một viên tướng Nga, về sau, cũng cho đúc một huy chương khác, trên mặt có hình một bàn tay cầm roi từ đám mây đưa ra, đánh vào lưng Napoléon cùng với lời này, “Cái lưng là của ngươi, cây roi là của Ta”. Cuối đời, những ngày đày ải của vị hoàng đế kiêu căng trong nơi vắng vẻ ở đảo Sainte Hélène, hẳn Napoléon có thể ngẫm suy lời Chúa Giêsu hôm nay, “Ai tự nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống; và ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên”.

Anh Chị em, Chỉ những người không biết Thiên Chúa mới không biết mình, cũng chẳng biết người. Xem ra Napoléon chỉ biết có mình ông. Mùa Chay, Giáo Hội mời gọi chúng ta nhìn vào con người của Chúa Giêsu. Qua cuộc thương khó của Ngài, chúng ta thấy Ngài là một con người thật sự nhận biết Thiên Chúa, là Cha yêu thương mọi người; biết con người, vốn cần được cứu độ và biết chính mình, đang thuộc trọn về Cha và chỉ làm điều đẹp lòng Cha. Sự nhận biết đích thực ấy đã khiến Chúa Giêsu tự do bước đi trên ‘con đường dẫn đến tự do’ đích thực, Ngài đã ghé vai vác thập giá, đón nhận cái chết bi thương trong yêu mến và hy vọng; quả thế, ơn cứu độ đã được tặng ban.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, “Xin thương xót con là kẻ có tội!”. Cho con biết Chúa, cho con biết con; nhờ đó, con sẽ có thể bước đi trên ‘con đường dẫn đến tự do’ đích thực”, Amen.

Tổng hợp – sưu tầm

Có thể bạn quan tâm