THỨ HAI (Mc 1,14-20)
Bài 1. Tin Mừng của Thiên Chúa
Suy niệm: Những môn đệ của Chúa Ki-tô, các Ki-tô hữu, là những sứ giả của niềm vui, bởi vì Thầy mình là Đức Ki-tô ngay từ lúc khởi đầu và trong suốt sứ vụ công khai, đã loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa. Vui mừng vì lời hứa cứu độ mà dân Chúa mong chờ từ bao đời nay, giờ đây đã trở thành hiện thực. Vui mừng vì ơn cứu độ không chỉ cho riêng ai mà cho tất cả mọi người, mọi dân nước. Tin Mừng đó không phải là một hệ thống luật lệ giáo điều, nhưng là sự sống hiện diện cụ thể nơi con người Giê-su: Đấng là Con Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống. Đi theo Đức Ki-tô, trở thành môn đệ của Ngài là đón nhận niềm vui vì được cứu độ, được sống trong mối tình thân thiết với Chúa và lan toả niềm vui ấy cho mọi người. Để loan báo tin vui thì chính mình phải sống trong niềm vui. Ngược lại, Ki-tô hữu sống u buồn không những dần xa Chúa mà còn xa anh em và cả chính mình.
Mời Bạn: Bạn đang hân hoan vui tươi hay u sầu lắng lo? ĐTC Phanxicô nói: “Không người Ki-tô hữu nào có thể sống mà không có niềm vui.” Ngài mời gọi các tín hữu sống tâm tình vui tươi của Phục sinh hơn là đóng mình trong than vãn của mùa Chay. Vui tươi để nên giống Chúa và luôn sống hân hoan. Vui tươi để trổ sinh bình an, lớn dần trong đức tin, và tỏa lan tình thương.
Sống Lời Chúa: Cầu nguyện mỗi khi bắt đầu một ngày sống: “Lạy Chúa, xin Chúa luôn ở với con và ban cho con tràn ngập niềm vui của Chúa.”
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con luôn cậy trông nơi Chúa để con sống trong niềm vui và chia sẻ niềm vui đó cho những người con gặp gỡ.
Bài 2
Bắt đầu Mùa Thường Niên, phụng vụ Giáo Hội cho ta nghe bài Tin Mừng tường thuật “Lời Rao Giảng Đầu Tiên” và việc Chúa Giêsu tuyển chọn bốn môn đệ đầu tiên để cộng tác với Người trong công cuộc rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa.
- “Lời Rao Giảng đầu tiên”
Lời rao giảng: “hãy sám hối và Tin vào Tin Mừng”. Đây là sứ điệp chung mà người rao giảng Tin Mừng cần phải sống và loan báo. bắt đầu từ lời rao giảng của thánh Gioan Tiền Hô (dù không có nửa sau: “Tin vào Tin Mừng), qua Chúa Giêsu và đến các Tông Đồ… và trở thành tiên quyết cho việc thụ lãnh các Bí Tích sau này.
Đây cũng là một minh chứng rõ nét nhất và ý nghĩa của việc Chúa Giêsu chịu phép rửa, tiếp nối bài Tin Mừng lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa (hôm qua) là Chúa Nhật kết thúc mùa Giáng Sinh và khời đầu Mùa Thường Niên.
Sứ điệp đầu tiên và điều kiện để đón nhận Tin Mừng chính là “Sám Hối”, mà Chúa Giêsu (dù vô tội) đã nêu gương cho chúng ta, khi để Gioan làm phép rửa, đã minh chứng cho lời rao giảng đầu tiên của Chúa Giêsu là: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”.
- Việc tuyển chọn bốn Tông Đồ đầu tiên
Bốn Tông Đồ này là hai cặp đôi anh em ruột và cùng làm nghề đánh cá. Phêrô – Anrê và Giacôbê – Gioan.
Qua cách thức gọi của Chúa Giêsu và lời đáp trả của các Tông Đồ, chúng ta cùng suy tư một vài điểm sau đây:
– Chúa gọi các Tông Đồ ở đâu và trong hoàn cảnh nào?
Tại bờ biển hồ Galilê, là nơi diễn ra cuộc sống kinh tế của dân. Chúa đến cách cụ thể trong cuộc sống bình thường của con người. Chúa gọi trong hoàn cảnh cụ thể và trong bối cảnh xã hội đương thời. Chúa không phân biệt nghề nghiệp cao sang hay thấp kém, người trí thức hay bình thường. Điều này cho thấy, sứ vụ của người theo Chúa là rao giảng và sống chứng nhân cho Tin Mừng ngay trong hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống. Đồng thời, Tin Mừng được loan báo nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần chứ không phải ý riêng con người.
– Chúa gọi như thế nào và gọi để làm gì?
Chúa gọi cách trực tiếp, Chúa gọi từng cá nhân với một mệnh lệnh là: “Hãy theo Thầy”. “Theo” trong ngôn ngữ Do-thái là “ở với”, là “gắn bó” với Thầy. Chúa gọi theo tính cách là người trên truyền lệnh, ai tự do tin nhận Người là chủ đời mình thì bước theo. Như vậy, Theo Chúa là gắn bó nên một với Người và ở với Người; giữ các huấn lệnh của Chúa, tin nhận và chọn Người làm chủ đời mình và sứ vụ được trao cho mình.
– Sứ vụ của người được gọi.
“Hãy theo Tôi, Tôi sẽ làm cho các anh trở thành những kẻ chài lưới người” Nghĩa là, phải lãnh lấy một sứ vụ, một công việc mới, công việc của Thầy chứ không còn là công việc của mình nữa. Như vậy, theo Chúa không phải để trốn tránh việc đời, để an thân và lẩn tránh trách nhiệm, nhưng là phải ra đi đem Tin Mừng cho thế giới và đem về cho Chúa các linh hồn.
– Sự đáp trả và tinh thần từ bỏ?
Ngay lập tức, các ông bỏ chài lưới, bỏ thuyền, bỏ cha mình mà theo Chúa. Hành động ngay lập tức (chứ không phải để từ từ và so đo tính toán nữa) nói lên một sự tín thác tuyệt đối vào Chúa. Đi sau sự đáp trả là từ bỏ tất cả, vật dụng làm nghề, bỏ cơ nghiệp, bỏ nghề nghiệp và bỏ cả liên hệ gia đình để đi theo Chúa. Điều này đòi hỏi một sự dứt khoát, không vương vấn và không để điều gì vướng bận cho sứ vụ mới. theo Chúa là phải bỏ con người cũ để sống con người mới.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con khi rao truyền lời Chúa, không ỷ lại vào kinh nghiệm và khả năng riêng mình, nhưng biết luôn xin ơn soi dẫn, để vâng lời Ngài, chúng con dám can đảm đối diện và dấn thân đến những mảnh đất tâm hồn chai đá và nơi khó khăn nhất, để đem nhiều linh hồn về cho Chúa. Amen.
Bài 3. Sám hối và tin vào Tin Mừng
Trong sưu tập về các thánh ẩn tu trong sa mạc, có kể giai thoại như sau: Có hai tội nhân quyết tâm vào sa mạc để ăn chay đền tội. Nguyên một năm ròng rã, mỗi người giam mình trong một túp lều riêng, ngày đêm ăn chay, cầu nguyện và đánh tội. Ngày ngày các tu sĩ của cộng đoàn nọ đem thức ăn đến tận căn lều riêng cho từng người. Sau đúng một năm thử thách, các tu sĩ nhận thấy có sự khác biệt giữa hai người: một người thì vui vẻ, khỏe mạnh; một người thì ốm o buồn phiền. Cả hai đến trình diện trước Bề Trên cộng đoàn để chờ xem họ có xứng đáng được gia nhập cộng đoàn hay không. Khi được hỏi suốt một năm qua, họ đã suy niệm về những gì.
Người ốm o buồn sầu cho biết:
– Trong năm qua, ngày ngày tôi nhớ lại những tội đã phạm, từng giây từng phút tôi nhớ đến những hình phạt sẽ gánh chịu, tôi sợ hãi đến mất ăn mất ngủ.
Ðến lượt mình, người vui vẻ khỏe mạnh trả lời:
– Suốt một năm qua, từng giây từng phút, tôi hằng cảm tạ Chúa vì đã tha thứ cho tôi: tôi luôn nghĩ tới tình yêu của Ngài.
Các tu sĩ trong cộng đoàn rất cảm kích trước tâm tình của người vui tươi khỏe mạnh vì lòng sám hối của anh đã biến thành lời ca cảm tạ tri ân tình yêu Chúa.
Sám hối là khởi đầu của sự nên thánh. Dĩ nhiên, không phải tất cả những vị thánh đều bắt buộc phải là những tội nhân, nhưng tất cả đều phải bắt đầu với ý thức về tội lỗi và sự yếu hèn của mình. Càng ý thức về con người tội lỗi, bất toàn của mình, con người càng cảm nhận được tình yêu của Chúa. Ðó là cảm nhận của vua Ðavít, của thánh Phêrô, của thánh Augustinô và của tất cả các vị đại thánh trong lịch sử Giáo Hội.
Lời đầu tiên Chúa Giêsu dùng để khai mạc sứ mệnh của Ngài chính là: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. Chúa Giêsu đã nối kết sám hối với Tin Mừng. Tin Mừng là gì, nếu không phải là tình yêu Thiên Chúa được thể hiện qua con người Chúa Giêsu Kitô. Sám hối không chỉ là ý thức và hồi tưởng về tội lỗi của mình; sám hối đích thực không dừng lại ở buồn phiền, sợ hãi và thất vọng, mà là ngõ tất yếu dẫn đến Tin Mừng, nghĩa là vui mừng, hoan lạc.
Thiên Chúa mà Chúa Giêsu mạc khải qua cuộc sống và nhất là qua cái chết của Ngài, là một người Cha muốn được con cái yêu mến hơn là sợ hãi. Ðạo mà Chúa Giêsu thiết lập không phải là đạo của buồn phiền, của khổ đau, nhưng là đạo của Tin Mừng, của tình yêu, của hân hoan và hy vọng. Ðành rằng Thập giá là biểu tượng của Kitô giáo, nhưng người Kitô hữu không dừng lại ở chết chóc, khổ đau, buồn phiền; trái lại họ luôn được mời gọi để nhìn thấy ánh sáng, hy vọng, tin yêu và sự sống bên kia Thập giá.
Ước gì Lời Chúa hôm nay ban sức sống để chúng ta không bị đè bẹp dưới sức nặng của tội lỗi, của yếu hèn. Xin cho chúng ta luôn tiến bước trong hân hoan và tin tưởng, vì biết rằng Thiên Chúa là Cha yêu thương, không ngừng nâng đỡ và tha thứ cho chúng ta.
THỨ BA (Mc 1,21-28)
Bài 1. Thán phục Lời Ngài
Suy niệm: Là Ki-tô hữu, chúng ta lãnh nhận ba chức năng: ngôn sứ, tư tế, vương đế. Công đồng Tren-tô, thế kỷ 16 đã đặt chức năng tư tế lên hàng đầu. Bốn trăm năm sau, Công đồng Va-ti-ca-nô II đã có sự hoán chuyển vị trí: chức năng ngôn sứ được ưu tiên hàng đầu. Điều đó làm cho chúng ta suy nghĩ?! Chúa Giê-su đến trần gian, Ngài rao giảng cho dân chúng về Thiên Chúa, về tình thương của Thiên Chúa được thể hiện nơi Ngài. Ngài xác định, sứ mạng của Ngài ra rao giảng. “Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy được sai đi cốt để làm việc đó” (Lc 4,43). Lời rao giảng của Chúa Giê-su, lời đó có quyền năng; lời đó làm cho người ta sống. “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra” ( Mc 4,4). Lời hằng sống và uy quyền của Chúa Giê-su khiến thiên hạ sửng sốt.
Mời Bạn: Đối với bạn và tôi, Đức Giê-su là Chúa; chúng ta có cảm nhận thêm rằng: Ngài là “bậc Thầy” nơi lời nói, lời dạy của Ngài. Bạn đã sửng sốt khi nghe lời Ngài? Bạn có say mê, bị lời Ngài thu hút? Bạn có khao khát, ước muốn yêu mến lời của Ngài và rao giảng lời Ngài không?
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày đọc một đoạn Lời Chúa và để cho Lời Chúa thấm nhập trong tâm hồn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, lời của Chúa làm cho con sống, làm no thỏa tâm hồn con, nhưng vì nhiều lý do, con đã hạ giá lời Chúa, khi mà con nghe lời Chúa và chỉ dừng lại ở việc: rút ra bài học. Xin cho con sửng sốt mỗi khi nghe Lời hằng sống của Chúa và xin sai con đi loan báo Lời Chúa. Amen.
Bài 2
Bài Tin Mừng hôm nay minh chứng sức thuyết phục của Lời Chúa, và sức mạnh của Lời có sức chữa lành bệnh tật và xua trừ ma quỷ ra khỏi con người.
Có hai ý chính để suy niệm:
- Tin, biết và yêu
Tôi biết anh A chị B, nhưng chắc gì tôi đã yêu mến họ, tôi tin có ông này bà nọ hiện hữu, nhưng chắc gì tôi yêu thích họ và tìm đến gặp họ?
Cũng vậy, người Do Thái biết rất rõ về nguồn gốc Chúa Giêsu và họ rất thông thạo Thánh Kinh nói về Người, nhưng họ không tin và không yêu mến… Ma quỷ cũng biết khi kêu lên: “Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa! “
Ma quỷ tin có Chúa Giêsu hiện diện, nó biết rất đúng về Chúa Giêsu, thậm chí còn tuyên xưng Ngài giữa đám đông, nhưng liệu nó có yêu Ngài không? Thưa không.
Chúng ta cũng cần tự vấn về mình, chúng ta vẫn cho rằng mình tin có Chúa, chúng ta tin Chúa Giêsu ngự trong Bí Tích Thánh Thể… nhưng liệu chúng ta có yêu mến Ngài thật không? Tin là một chuyện, nhưng có yêu mến hay không lại là một chuyện khác.
Chúng ta tự hào là biết Thiên Chúa, qua học hỏi, qua nghiên cứu, qua những khảo luận thần học, chúng ta thậm chí tự hào về kiến thức đầy mình về Thiên Chúa, nhưng có bao giờ chúng ta cầu nguyện tâm sự với Ngài không? Có đến viếng Thánh Thể không?
- Uy quyền của LỜI
Mọi người rất đỗi kinh ngạc và nói với nhau: “Lời ấy là thế nào? Ông ấy lấy uy quyền và thế lực mà ra lệnh cho các thần ô uế, và chúng phải xuất!”
Lời Chúa có một uy quyền đặc biệt là xua trừ được ma quỷ ra khỏi con người, chữa lành bệnh tật linh hồn và biến đổi nên con người mới trong Chúa Kitô.
Chính Chúa Giêsu trong khi vào sa mạc chịu cám dỗ, Người cùng dùng Thánh Kinh để chống trả ma quỷ và Người đã chiến thắng.
Tự vấn lại chính mình, chúng ta có yêu mến Lời Chúa, và dùng Lời Chúa để chống lại những cám dỗ và thói quen, đam mê và ước muốn xấu không?
Lời Chúa có quyền năng xua trừ thế lực ma quỷ đang ngày đêm rình rập xui khiến chúng ta phạm tội, vì thế mong mọi người biết năng đọc và suy gẫm Lời Chúa mỗi ngày.
Lời Chúa con có sức thánh hoá và tăng sức mạnh cho đời sống thiêng liêng của chúng ta, vì thế, nếu chúng ta biết yêu mến, đọc, suy niệm và cầu nguyện bằng Lời Chúa mỗi ngày, thì Lời Chúa sẽ biến đổi chúng ta ngày một nên hoàn thiện.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con không chỉ biết Chúa bằng lý thuyết, mà còn biết kết hiệp với Ngài bằng cả con tim yêu mến, và sự yêu mến Chúa trước hết được thể hiện bằng việc chuyên chăm lắng nghe và suy niệm Lời Chúa mỗi ngày. Amen.
Bài 3. Ðấng có uy quyền
Tin Mừng hôm nay kể lại việc Chúa Giêsu giảng dạy tại hội đường và chữa lành một người bị quỉ ám.
Sau khi Gioan Tẩy Giả bị bắt giam, Chúa Giêsu trở về Galilê và giảng dạy trong Hội đường một cách công khai. Ngài giảng dạy với uy quyền của Thiên Chúa, chứ không như các Tiên tri trong Cựu Ước là những người được Thiên Chúa ủy thác cho; Ngài cũng không giảng dạy như các kinh sư Do thái là những người chỉ giải thích Kinh thánh và chất lên vai người dân gánh nặng của những luật lệ tỉ mỉ bên ngoài. Giáo huấn của Chúa Giêsu là một cuộc giải phóng, một việc loan Tin Mừng cứu rồi, cách riêng cho những người nghèo khổ, những người bị loại ra bên lề xã hội. Dân chúng nghe Chúa đều nhận thấy có sự khác biệt sâu xa giữa giáolý của Chúa và những lời giảng dạy của các kinh sư Do thái.
Kèm theo lời giảng dạy, Chúa Giêsu còn làm một phép lạ chữa một người bị quỷ ám. Phép lạ này chứng minh Ngài là Thiên Chúa, Ngài có toàn quyền trên quỷ dữ, Ngài đến để chấm dứt quyền thống trị của tà thần trên con người. “Ông ấy ra lệnh cho các thần ô uế và chúng phải vâng theo”. Phép lạ Chúa Giêsu thực hiện gây hứng thú và kinh ngạc nơi dân chúng; trái lại, những kẻ chống đối Chúa thì hạch sách Ngài: “Ông lấy quyền nào mà làm như vậy?” Họ không muốn công nhận những việc Chúa làm, họ mơ ước một Vị Cứu Tinh hùng mạnh giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của đế quốc Rôma, trong khi đó Chúa Giêsu lại đến để giải phóng con người khỏi quyền lực của ma quỷ và tội lỗi.
Thánh Phêrô đã mời gọi các người đồng hương của ngài: “Thưa đồng bào Israel, xin hãy lắng nghe Chúa Giêsu Nazaret, là người đã được Thiên Chúa phái đến với anh em. Và để chứng thực sứ mệnh của Ngài, Thiên Chúa đã cho Ngài làm những phép mầu, điềm thiêng và dấu lạ giữa anh em như chính anh em đã biết điều đó”.
Nguyện cho Lời Chúa hôm nay củng cố niềm xác tín rằng sứ mệnh cứu thế phát xuất từ nơi Chúa và vẫn tiếp tục trong Giáo Hội. Giáo Hội đã lãnh nhận kho tàng đức tin và quyền thánh hóa và giáo huấn từ nơi Chúa. Xin cho chúng ta luôn trung thành với Giáo Hội và sẵn sàng đón nhận giáo huấn của các chủ chăn mà Chúa đã đặt lên hướng dẫn Dân Chúa trên đường tiến về Nước Trời.
THỨ TƯ (Mc 1,29-39)
Bài 1. Chúa vì yêu…
Suy niệm: Ngày hưu lễ mà nào Chúa có được nghỉ ngơi gì! Suốt cả ngày giảng dạy ở hội đường và trừ quỷ, tối đến Chúa về nhà hai anh em ông Si-mon và An-rê hẳn là để ngả lưng một chút. Thế mà dân chúng cũng đâu có để Ngài yên: Không được gồng gánh gì đi ngang qua thành trong ngày sa-bát (x. Gr 17,24) thì họ đợi đến lúc mặt trời lặn mới “đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người.” Một ông bác sĩ có “hút” khách đến mấy đi nữa, hẳn sẽ cho họ “vé giữ chỗ” và hẹn họ đến khám bệnh vào ngày hôm sau thôi. Chúa Giê-su, vị lương y chữa trị tâm hồn khỏi tật bệnh tội lỗi, tai ách của ma quỷ, Ngài không hành xử như thế. Ngài không nổi nóng, không bất nhẫn vì bị quấy rầy, phiền hà. Trái lại Chúa vì yêu nên đón nhận tất cả, chữa lành tất cả để làm chứng cho sự thật này là Ngài yêu thương và muốn cứu độ mọi người. Vì yêu, Ngài lại lên đường đến những nơi khác để tiếp tục hành vi cứu thế cho đến khi hoàn tất chương trình cứu độ bằng cái chết trên thập giá, bởi vì Ngài sinh ra và đến trong thế gian là để làm việc đó.
Mời Bạn: Chúa vì yêu đã làm tất cả những điều đó để đem ơn cứu chuộc đến cho bạn. Phần bạn, bạn đã cảm nhận được tình yêu của Chúa trong cuộc đời bạn như thế nào? Bạn có vì yêu Chúa mà sẵn sàng xả thân phục vụ anh chị em mình chưa?
Sống Lời Chúa: Hôm nay bạn chú ý làm thật chu đáo công việc bổn phận với ý hướng vì yêu mến Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa vì yêu mà hiến thân cứu độ chúng con. Xin cho con biết vì yêu Chúa mà hiến thân làm vinh danh Chúa và phục vụ tha nhân.
Bài 2
Bài Tin Mừng hôm nay tiếp tục kể về một ngày cuối tuần, lịch sống và làm việc Chúa Giêsu: Sau khi đã giảng một bài làm cho dân chúng nức lòng ca ngợi trong hội đường Caphanaum, trưa Chúa Giêsu ghé nhà học trò chữa lành bà nhạc của trò Phêrô, chiều tối làm bác sĩ đa khoa, mờ sáng ngày tới đi cầu nguyện.
Chúng ta cùng dừng lại suy niệm ba điểm sau đây:
- Chữa lành
Khác với những tường thuật khác, Chúa Giêsu thường đòi hỏi một sự van xin khẩn thiết hoặc một lời tuyên xưng đức tin thì Người mới ra tay chữa bệnh, nhưng hôm nay, chúng ta thấy Chúa Giêsu chỉ cầm lấy tay bệnh nhân, hoặc đặt tay lên họ để chữa bệnh mà không nói gì cả. Có lẽ đây là lần duy nhất thánh Phêrô về tham bà mẹ vợ được Tin Mừng nói đến, thiết nghĩ có lẽ Phêrô đã mời Chúa Giêsu ghé nhà bà nhạc nghỉ chân sau những ngày vất vả. Chúa đã cúi xuống, cầm tay và chữa lành bệnh cảm sốt cho bà mẹ vợ Phêrô.
Hành động này nói lên ý nghĩa, chúng ta chỉ thực sự được lành sạch bệnh linh hồn, khi mời Chúa đến ghé thăm tâm hồn ta, Chúa đã không ngại cúi xuống thì ta cũng hãy đưa tay cho Người nắm lấy và nâng chúng ta đứng dậy khỏi sự khốn cùng mà tội lỗi đang đè nặng trên chúng ta.
Mọi người đã đem đến cho Chúa Giêsu đủ loại bệnh nhân và Người đã đặt tay chữa lành họ. Cũng vậy, Chúa sẽ không thể chữa lành chúng ta nếu chúng ta không chạy đến với Người, Chúa cũng không thể tha thứ tội lỗi và chữa lành thương tích trong linh hồn chúng ta nếu chúng ta không chịu đem hết mọi tội lỗi đi xưng thú qua bí tích Hoà Giải. Hãy để cho Chúa đặt tay trên chúng ta, nghĩa là để cho Chúa đụng chạm thật sự vào linh hồn chúng ta, để chúng ta được thánh hoá.
- Cầu nguyện
Nhiều lần các Tin Mừng kể về việc Chúa Giêsu cầu nguyện, chẳng hạn như: “Sau khi giải tán đám đông, Người đi lên núi mà cầu nguyện, chiều đến Ngài vẫn ở đó một mình” (Mt 14,23). “Sáng sớm lúc trời còn tối mịt, Người đã thức dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó” (Mc 1,35). “Sau khi bảo các môn đệ xuống thuyền sang bờ bên kia về thành Betsaida trước, Người ở lại giải tán đám đông rồi một mình lên núi cầu nguyện” (Mc 6,45-46)…
Chúng ta để ý đến hai chi tiết: sáng sớm thức dậy Chúa Giêsu đi cầu nguyện và chiều đến sau khi giải tán đám đông, Chúa Giêsu đi cầu nguyện.
Cầu nguyện đóng vai trò hết sức quan trọng trong đời sống Kitô hữu. Mọi người có thể cầu nguyện mọi lúc mọi nơi với nhiều phương cách. Tuy nhiên, nơi mỗi xứ đạo chúng ta từ xưa đến nay vẫn giữ được thói quen tốt là đến nhà thờ vào lúc khởi đầu và kết thúc mỗi ngày.
Tốt đẹp biết bao khi mọi Kitô hữu chúng ta luôn giống Chúa Giêsu, để rồi:
– Vừa tảng sáng, chúng ta đã đến nhà thờ để cầu nguyện và tham dự Thánh Lễ để cầu xin Chúa hướng dẫn, bổ sức và đồng hành với chúng ta bắt đầu một ngày sống tốt lành.
– Tối đến, lại đến nhà thờ để đọc kinh tạ ơn Chúa về một ngày đã qua, xin Chúa thứ tha những thiếu sót, xin Chúa chúc lành và gìn giữ cho một giấc ngủ bình an.
- Rao giảng
“Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó.”
Rao giảng Tin Mừng luôn là một việc cấp bách và liên tục, không dừng lại ở một nơi hay một nhóm ngươi nhất định, mà phải từ nơi này đến nơi khác, cho bất cứ ai chúng ta gặp gỡ và đi đến. Cần ý thức sứ vụ của tất cả Kitô hữu chúng ta là truyền giáo, truyền giáo trong cả lời nói và hành động thiết thực qua đời sống yêu thương, bác ái và xả thân phục vụ…
Lạy Chúa Giêsu, khi nhìn lại một ngày sống của Ngài là rao giảng, phục vụ và cầu nguyện. Xin cho mỗi một ngày sống của mỗi Kitô hữu chúng con cũng hoạ lại ngày sống của Chúa, để trong mọi sự chúng con sống dưới sự hiện diện của Ngài và làm chứng cho Ngài. Amen.
Bài 3. Ðộng lực của việc tông đồ
Tin Mừng rất nhiều lần nhắc đến Chúa Giêsu cầu nguyện với Cha Ngài, đó là những giây phút gặp gỡ thân tình với Chúa Cha mà Ngài không bao giờ bỏ. Về phương diện thiên tính, Chúa Giêsu là Chúa Con, đồng bản tính với Chúa Cha, cho nên Ngài luôn kết hiệp với Chúa Cha. Nhưng như một con người, Chúa Giêsu đã nêu bật thái độ sống của Ngài, đó là sống mối tương quan thân tình với Chúa Cha qua lời cầu nguyện.
Trong Tin Mừng hôm nay, thánh Marcô ghi nhận: “Sáng sớm, lúc trời còn tối, Chúa Giêsu đã chỗi dậy, đi đến một nơi vắng vẻ để cầu nguyện”. Mặc dù bận rộn với rất nhiều công việc trong ngày, Chúa Giêsu vẫn không quên cầu nguyện. Nhưng đây không phải là lần duy nhất, Tin Mừng còn cho thấy rất nhiều lần Chúa Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha, và chính Ngài đã dạy các Tông đồ cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha. Ngài lấy hình ảnh cây nho và cành nho để nói lên tầm quan trọng của cầu nguyện: “Thầy là cây nho, các con là cành nho; ai lưu lại trong Thầy và Thầy trong người ấy, thì người ấy sẽ sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, các con không thể làm được gì”.
Chúng ta hãy noi gương Chúa, dành thời giờ để tiếp xúc, đối thoại, chiêm ngưỡng Thiên Chúa, như Ngài đang hiện diện trước mặt chúng ta. Muốn đạt tới việc cầu nguyện như thế, chúng ta cần phải có đức tin mạnh mẽ và lòng yêu mến Thiên Chúa như người con đối với người cha. Mẹ Têrêsa Calcutta đã nói: “Cầu nguyện là việc tiếp xúc với Thiên Chúa. Hãy bắt đầu và kết thúc mỗi ngày bằng cầu nguyện. Hãy đến với Chúa như đứa con đến với cha mình”.
Chúng ta hãy cảm tạ Chúa đã cho chúng ta có những giờ phút thuận lợi để bắt đầu một ngày sống tốt đẹp hơn. Xin cho chúng ta biết sống kết hiệp mật thiết với Chúa trong cầu nguyện, nhờ đó chúng ta có thể chu toàn thánh ý Chúa và phục vụ tha nhân một cách hữu hiệu hơn.
THỨ NĂM
Th. An-tôn Pa-đô-va, viện phụ; Mc 1,40-45
Bài 1. Lòng thương xót cứu độ
Suy niệm: Những người phong, cư dân trên đảo Molokai, xôn xao khi thấy cha Đa-miêng đến chung sống với mình. Họ càng cảm động hơn khi biết vị linh mục trẻ này hoàn toàn lành lặn, chỉ vì yêu thương họ quá, nên tình nguyện đến chia sẻ và phục vụ họ ngay trên mảnh đất khốn khổ này. Ngài đã phá đổ hàng rào ngăn cách vô hình giữa người lành/người phong, da trắng/da mầu, Ki-tô hữu/ngoại đạo. Qua cử chỉ giơ tay đụng vào người phong, Đức Giê-su cũng xóa tan hố sâu ngăn cách xã hội thời đó đặt ra. Thật vậy, ngoài những đau đớn khủng khiếp nơi thân xác, người phong thời ấy còn phải chịu nỗi đau buồn cùng cực trong tinh thần khi bị cộng đồng ruồng bỏ. Đức Giê-su đã đụng đến người phong không chỉ bằng bàn tay, nhưng còn bằng lòng thương xót trước nỗi khổ của con người.
Mời Bạn: Nhìn ngắm mẫu gương của Đức Giê-su khi Ngài kết hợp tài tình giữa trái tim chạnh lòng thương và bàn tay giơ ra, đụng đến chữa lành, cũng như giữa lòng thương xót và quyền năng. Bạn được mời gọi vận dụng mọi nguồn lực để bày tỏ lòng thương xót.
Chia sẻ: Sống trong một thế giới đầy những hố sâu phân cách: giàu-nghèo, hạnh phúc-bất hạnh… bạn làm gì để vượt qua những hố sâu này ngõ hầu diễn tả lòng thương xót?
Sống Lời Chúa: Tập mở rộng vòng tay nhân ái đón nhận nhiều người, hơn là chỉ trong nhóm người quen thuộc.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho trái tim chúng con nên giống trái tim Chúa, để biết chạnh lòng thương trước đau khổ của người lân cận. Xin cho bàn tay chúng con cũng biết giơ ra đụng đến và làm vơi nhẹ nỗi đau của người khác.
Bài 2
Sách Lêvi đặt ra quy định hết sức khắt khe thậm chí nhẫn tâm cho người phong hủi. Họ bị coi là thứ ô uế và phải tách hẳn khỏi cộng đồng, sống những nơi ít bóng người qua lại, lỡ thấy ai đi qua thì phải la lên cho người ta biết mình bị hủi mà tránh xa, không cắt tóc cạo râu và luôn mang đồ rách (x.Lv13,45-46). Khi may mắn khỏi bệnh thì phải đến trình diện tư tế (tư tế kiêm luôn quyền bác sĩ) để họ thử nghiệm hai lần trong khoảng cách bảy ngày rồi mới được tuyên bố là sạch và phải dâng lễ để được gia nhập cộng đồng. nói cách vắn tắt là bị phong hủi thì coi như mất quyền làm người, và sau khi lành sạch, phải làm lễ tạ ơn để được quyền làm người. Ngay cả khi được sạch rồi, còn phải kiếm cho được con chiên để đem đến cho ‘tư tế” để được công nhận (x.Lv 13,1-18.45-46 và cả chương 14).
Bài Tin Mừng hôm nay kể chuyện một người phong hủi, liều mình “mang án chết” (vì bị bệnh mà chạy vào đám đông sẽ bị ném đá) chạy đến giữa đám đông cầu xin Chúa Giêsu để được chữa lành.
Chúng ta để ý đến hai chi tiết của tường thuật:
- Lòng yêu thương của Chúa Giêsu
Trong khi luật của người Do Thái quy định chỉ cần chạm đến người phung hủi thì chính mình cũng nhiễm uế và phải đi dâng lễ đền tội, lại nữa mọi người sợ sệt xa lánh vì sợ bị lây bệnh. Nhưng Chúa Giêsu thì không những không xa lánh, không sợ lây, không lo bị nhiễm… nhưng tình thương Người cao hơn tất cả, ngài đã cúi xuống chạm đến người phong hủi và chữa lành.
Trong Mùa Giáng Sinh, chúng ta mừng Chúa Giêsu Nhập Thể – từ cõi trời cao xuống nơi cơ hàn. Thì đây, tiếp theo Mầu Nhiệm Nhập Thể là Mầu Nhiệm Nhập Thế của Người – cúi xuống để chạm đến tận cùng nỗi thống khổ của con người và ra tay chữa lành họ.
Chúa Giêsu không những chữa lành bệnh hủi thân xác, mà còn muốn người được chữa lành phục hồi quyền làm người khi bảo họ đi trình diện tư tế để được hoà nhập cộng đồng.
Tình yêu thương có sức vượt qua mọi luật lệ, mọi ngăn cách, mọi sợ hãi để đến với tha nhân. Chúa Giêsu đã đi bước trước nêu gương cho chúng ta về sự cao cả của tình yêu thương này.
Đến lượt Kitô hữu chúng ta hôm nay, “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”, chúng ta là con Chúa liệu chúng ta có học được sự yêu thương này để đến với những người đau khổ không, nhất là đến với những người bị bệnh nan y và những ai bị xã hội ruồng bỏ ?
- Thái độ cầu xin của người bị phong hủi
Người phong hủi mang trên mình cả căn bệnh thân xác cả nỗi đau tinh thần. Thân xác bị sự tàn phá kinh khủng của căn bệnh quái ác là da thịt và các chi thể bị rơi rụng dần trong đau đớn. Tinh thần bị mất quyền làm người do “xã hội phi nhân đạo” tạo nên. Người phong hủi nếm trải tận cùng của nỗi đau và tuyệt vọng. Tuy nhiên, qua thái độ của người này, chúng ta thấy toát lên một niềm tin phó thác mà ít ai có được.
Người phong hủi đã thân thưa với Chúa: “Lạy Thầy, NẾU THẦY MUỐN, Thầy có thể chữa con được sạch”
Người phong hủi không than trách tại sao Chúa quyền năng lại để cho phải đau khổ như thế, không cầu xin theo kiểu buộc Chúa theo ý mình, không ra điều kiện, nhưng phó thác hoàn toàn cho Chúa quyết định, xin vâng theo ý CHÚA MUỐN. Chúa muốn thì được sạch, Chúa không muốn cũng xin vâng.
Đây là thái độ của chúng ta cần học lấy tinh thần này, bởi không ít người trong chúng ta mỗi lần gặp thử thách là kêu trách Chúa, cầu nguyện với điều kiện, muốn Chúa theo ý mình hơn là mình sống theo ý Chúa.
Bài học mà bài Tin Mừng hôm nay muốn chúng ta là, là thân phận con người yếu đuối, ai trong chúng ta ít nhiều cũng mang căn bệnh phong hủi của tâm hồn là tội lỗi, thậm chí từ tách mình ra khỏi Chúa và cộng đoàn Giáo Hội, cách này hay cách khác tự tách mình khỏi cộng đoàn và giáo xứ. Chúng ta hãy phó thác vào tình yêu thương của Chúa Giêsu, nhất là trong Bí Tích Thánh Thể, hãy để cho Chúa Giêsu chạm vào mình để được thanh sạch. Hãy đến với bí tích Hoà Giải để cho Chúa chạm vào tâm hồn và Người sẽ chữa lành.
Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con biết vâng theo ý Chúa trong mọi hoàn cảnh chứ không phải bắt Chúa phải theo ý mình… Xin cũng giúp chúng con học lấy sự yêu thương của Chúa để đến với những người đau khổ, nhất là đến với những người bị bệnh nan y và những ai bị xã hội ruồng bỏ. Amen.
Bài 3. Chữa người phong cùi
Raoul Folereau, vị đại ân nhân của những người phong cùi đã ghi lại một chuyến đi của ông như sau: Ðến một nơi cách thành phố 15 cây số, chúng tôi lần theo một lối đi được chỉ trước, và sau nửa giờ đi bộ chúng tôi lạc vào một thế giới của buồn thảm, đau khổ và thất vọng. Thật thế, tại một nơi mà không ai muốn đặt chân đến, có khoảng 60 người phong cùi đang sống bên nhau. Trước đây, người ta giam họ trong một trại cùi chẳng khác nào một trại tù, mọi người nhìn họ như những kẻ bị chúc dữ, hoặc tệ hơn nữa, như những con thú dữ. Không chịu nổi sự giam hãm và cách ly như thế, một số người cùi này đã trốn thoát và đến trú ẩn giữa khu rừng này. Tại đây, tình trạng của họ càng thêm tồi tệ hơn, xung quanh họ, trên đất đầy dẫy những vết tích của căn bệnh quái ác này.
Tôi đến bên một người lớn tuổi được xem như đại diện của họ và hỏi:
– Hôm nay là chiều Thứ Bảy, cửa quán ngoài phố xá đã đóng cửa rồi; thứ hai tôi sẽ trở lại và mang theo thức ăn thức uống; tôi cũng sẽ đưa một bác sĩ đến để chăm sóc cho bà con, chúng tôi sẽ cất nhà và sẽ ở lại đây với bà con khi cần, vậy bác hỏi bà con có thể chờ cho đến ngày Thứ Hai không?
Người đó đưa mắt nhìn tôi với vẻ nghi ngờ, vì đã từ lâu họ không còn tin điều đó nữa; đối với họ, xem ra không còn ai đáng tin trên đời này nữa. Rồi ông khẩn khoản nói:
– Ông không thể giúp cho chúng tôi ngay được sao? Chúng tôi vừa mới có một người anh em qua đời, chúng tôi phải dùng đôi tay cùi lở này để đào xới một cái mộ chôn người anh em.
Tôi nhìn đôi bàn tay không nguyên vẹn vì bệnh tật, nay phải mang thương tích vì người đồng loại. Những con người khốn khổ đó nếu không nhìn thấy, không thể tin được là có thật.
Căn bệnh phong cùi vẫn là căn bệnh ghê sợ nhất đối với hiện tại. Người phong cùi đau đớn trên thân xác đã đành, mà còn đau khổ gấp bội phần trong tâm hồn khi cảm thấy bị bỏ rơi.
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã gặp gỡ và chữa lành cho người phong cùi. Không những chữa lành tấm thân bệnh hoạn, Ngài còn tái lập họ trong cộng đoàn nhân loại, khi bảo bệnh nhân đi trình diện với các tư tế, nghĩa là hội nhập họ trở lại cuộc sống. Sự tái hội nhập này luôn đòi hỏi sự cảm thông, lòng quảng đại và cởi mở đón nhận của người khác. Vi trùng Hansen đục khoét và hủy hoại thân xác con người, thì cũng có biết bao thứ vi trùng khác độc hại hơn đang ẩn núp trong tâm hồn con người, tên của chúng là dửng dưng, ích kỷ, thù hận. Chúng đang giết dần giết mòn con người mà con người không hay biết.
Xin Chúa tha thứ cho những mù quáng, dửng dưng và ích kỷ của chúng ta trước bao nhiêu cảnh khốn cùng của đồng loại. Xin Ngài ban cho chúng ta một trái tim biết cảm thông và đôi tay rộng mở để san sẻ.
THỨ SÁU
Tuần lễ cầu cho hiệp nhất Ki-tô hữu; Mc 2,1-12
Bài 1. Quyền năng tha thứ
Suy niệm: Thật là lạ! Những người có mặt không tỏ vẻ khó chịu về cái vụ gỡ mái nhà để thả người bại liệt xuống trước mặt Chúa. Mà những kinh sư lại bất bình vì Chúa nói lời tha tội mà họ cho là phạm thượng. Mà cũng lạ hơn nữa. Họ đến xin chữa cho khỏi bại liệt. Còn Chúa Giê-su, Ngài nhìn ra đức tin trong lòng họ và ban ơn tha tội. Ngài chữa lành bệnh tật cho họ – đó là điều phụ thuộc – để dẫn họ đến điều chính yếu: họ được tha tội và được cứu khỏi mọi ác quả của tội lỗi. Ngài tỏ cho chúng ta thấy quyền năng thật sự của Thiên Chúa. quyền năng tha thứ, quyền năng cứu độ của một Thiên Chúa đầy yêu thương.
Mời Bạn: Đường đến với Chúa không phải bao giờ cũng suôn sẻ; có phải chúng ta vẫn hay dễ dàng bỏ cuộc ngay từ trở ngại đầu tiên? Và nhất là trên con đường đến tòa hòa giải để nhận ơn tha thứ? Bạn có sẵn sàng để người khác giúp bạn đưa bạn đến với Chúa không?
Chia sẻ: Bạn nghĩ thế nào về ý kiến của một số người cho rằng: Chúa là Cha nhân lành lúc nào cũng sẵn sàng tha thứ cho tôi, mọi nơi và mọi lúc, vì thế tôi cần gì phải đi đến tòa giải tội?
Sống Lời Chúa: Tòa giải tội là nơi để nhận ơn chữa lành tận căn bên trong, chứ không phải là nơi trút bỏ gánh nặng về mặt tâm lý. Để xứng đáng đón nhận niềm vui lớn lao này, tôi dốc lòng chuẩn bị kỹ càng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa chí ái, mỗi lần con được tha thứ, là thêm một lần Chúa thực thi quyền năng tối thượng của Chúa trên con. Xin cho con biết mau mắn tìm về và gặp được Chúa những khi con lỗi lầm để con được Chúa thứ tha.
Bài 2
Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật việc Chúa Giêsu chữa bệnh cho một người bất toại, chữa lành vì lòng tin của các thân nhân và không những chữa lành phần xác mà còn tha thứ tội lỗi cho bệnh nhân.
- Vai trò trung gian
Hình ảnh những người thân nhân của người bất toại phải trèo tường dỡ mái nhà, làm mọi cách để giúp người thân tiếp cận với Chúa, mong được Chúa chú ý đến sự khốn khổ của họ. Cho thấy niềm tin vào quyền năng của Chúa Giêsu và lòng yêu thương dành cho người anh em đang phải khốn khổ vì bệnh tật. Lòng tin của họ đã được Chúa Giêsu ghi nhận (x. Mc 2,5) và ra tay chữa lành.
Điều này cho thấy tính tương giao trong niềm tin và lời cầu nguyện. Thật vậy, không thiếu những người thân chúng ta, nhữnng người cần đến sự kêu cầu của chúng ta với Chúa. Họ bất lực vì nhiều lý do không thể đến với Chúa để được chữa lành, nhất là phần linh hồn. Chính vì thế, họ cần chúng ta là những Kitô hữu, là những người con của Chúa “khiêng” (nâng họ lên) đưa họ đến với Chúa, giúp họ vượt qua những bức tường và dỡ bỏ “mái nhà’ (rào cản mặc cảm tội lỗi), để họ được chữa lành.
Chúa Giêsu không chỉ thấy sự đau khổ của người bất toại, mà còn thấy lòng tin của những người khiêng anh ta đến. Tin Mừng nói rõ rằng, thấy lòng tin của ‘họ’ như vậy, Người đã chữa lành… Đó là một sự khích lệ lớn cho chúng ta khi chúng ta cầu xin cho một ai đó, khi chúng ta trở thành trung gian nối dài tính trung gian của Đức Kitô đem Chúa đến cho họ.
- Quyền tha tội
Khác với mọi người đến nghe giảng và được chữa lành, mấy bác “sư kinh khủng” lại đến để bắt bẻ; mọi người chỉ thấy kính phục và ca ngợi quyền năng Thiên Chúa, còn mấy ông “kinh” kia lại chỉ thấy đó là một sự phạm thượng. Theo quan niệm của họ, bệnh tật là do tội mà ra, có thể do chính đương sự phạm tội, cũng có thể do đời cha hay đời ông của đương sự phạm tội mà nay đương sự phải chịu phạt. Chúa Giêsu tuy không chấp nhận quan niệm này, nhưng có lẽ hôm nay, Người dùng chính cách nghĩ của họ để chữa bệnh, người tha tội cho người bất toại nghĩa là trị tận gốc căn cơ của bệnh.
Thật ra, theo như lời khẳng định: “…để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội”, Chúa Giêsu muốn mọi người chân nhận chủ quyền của Thiên Chúa, khẳng định Ngài là Đấng có quyền tha tội và hành động chữa lành cho người bất toại là một hành động của Thiên Chúa.
Quyền tha tội đó đã được Chúa Giêsu ban cho các Tông Đồ và lưu truyền từ đời này qua đời khác trong Giáo Hội; quyền được Chúa ban qua linh mục nơi toà giải tội khi linh mục đọc: “Vậy, cha tha tội cho con…”. Như vậy, nếu còn những ai nghi ngờ về năng quyền này, hãy đọc lại Lời Chúa (Ga 20,23).
Lạy Chúa Giê-su, cách này hay cách khác, chúng con cũng đang bị bệnh bại liệt tâm hồn, xin cho chúng con biết mau chạy đến toà cáo giải để được Chúa tha thứ tội lỗi và chữa lành bệnh tật thiêng liêng cho chúng con. Amen.
Bài 3. Chữa người bất toại
Một điểm trong phép lạ chữa người bất toại được ghi lại trong Tin Mừng hôm nay đáng chúng ta lưu ý, đó là Chúa Giêsu không nói ngay: “Ta chữa lành cho con”, nhưng Ngài nói với người bất toại: “Con đã được tha tội rồi”. Qua đó, Chúa Giêsu mạc khải Ngài là Thiên Chúa, bởi vì chỉ Thiên Chúa mới có quyền tha tội. Chính những kẻ chống đối Chúa Giêsu cũng nghĩ như thế, và vì không tin Ngài là Thiên Chúa, cho nên họ nghĩ thầm rằng: “Sao ông này lại dám nói như vậy? Ông ta nói phạm thượng”. Nhưng Chúa Giêsu đã nhân cơ hội này để một lần nữa chứng tỏ Ngài là Thiên Chúa, vì Ngài đọc thấu tư tưởng thầm kín của họ. Ngài bảo họ: “Sao trong bụng các ông lại nghĩ những điều ấy?” Rồi Ngài nói với những kẻ không tin: “Trong hai điều: một là bảo người bất toại: “Con đã được tha tội”, hai là bảo: “Ðứng dậy, vác chõng mà đi”, điều nào dễ hơn”. Thật ra, hai điều này đều khó, và Chúa Giêsu quả quyết: “Ðể các ông biết: ở dưới đất, Con Người có quyền tha tội, Ta truyền cho anh hãy đứng dậy, vác chõng đi về nhà”, lập tức người ấy đứng dậy vác chõng mà đi trước mặt mọi người, khiến ai nấy đều sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa.
Chúa Giêsu đã thực hiện phép lạ để chứng minh Ngài có quyền tha tội, vì Ngài là Thiên Chúa. Như những người chống đối Chúa, ngày nay cũng có nhiều người không chấp nhận quyền tha tội của Chúa, quyền này đã được Chúa trao cho các Tông đồ, và qua các ngài cho Giáo Hội. Giáo Hội vẫn tiếp tục công việc tha tội trong Bí tích sám hối và hòa giải. Nhờ Bí tích này, tội nhân sau khi lãnh Bí tích rửa tội được ơn tha thứ và làm hòa với Thiên Chúa. Từ ít lâu nay, có một cơn khủng hoảng đối với Bí tích giải tội: nhiều người không còn lãnh nhận Bí tích giải tội, không còn quí trọng ơn tha tội, vì đã đánh mất ý thức về tội lỗi: có thể họ cần được Thiên Chúa ban cho điều này điều nọ, nhưng không thấy cần được Thiên Chúa tha cho những tội đã phạm.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta trở về với tác vụ chính của Chúa Giêsu ngay từ đầu: tác vụ tha tội, hòa giải con người với Thiên Chúa. Ước gì chúng ta luôn ý thức về tội lỗi và quí trọng ơn tha thứ qua Bí tích giải tội.
THỨ BẢY (Mc 2,13-17)
Bài 1. Có điều lạ lùng như thế
Suy niệm: Chúa Giê-su không ngồi chờ, nhưng Ngài đến với Lê-vi bên ngoài hội đường. Đây là hành động gợi hứng cho Giáo Hội đi ra vùng ngoại vi để truyền giáo. Hành động này của Chúa đã gây ngạc nhiên cho người Do Thái, bởi đối với họ, những người thu thuế như Lê-vi hạng người tội lỗi đáng khinh vì tiếp tay cho người Rô-ma, ấy là chưa nói họ còn là tham lam, làm nhiều điều bất công, bóc lột đồng bào. Thế mà Chúa Giê-su đón nhận các môn đệ thế nào, Ngài cũng đón nhận Lê-vi như thế. Ngài kêu gọi các môn đệ đầu tiên theo Ngài như thế nào, Ngài cũng kêu gọi Lê-vi cùng một lời như thế: “Hãy theo tôi.” Ngài mong đợi họ đáp lời Ngài như thế nào, Ngài cũng mong đợi Lê-vi ưng thuận đáp lời Ngài như thế. Lê-vi đã đứng dậy đi theo Chúa như lòng Ngài mong ước.
Mời Bạn: Nhiều người hôm nay không nghĩ rằng Chúa đang mời gọi họ đi theo Ngài và sống thân thiết với Ngài. “Chúa không muốn làm điều gì tốt lành cho tôi đâu. Chúa không muốn tôi trở nên người con của Chúa đâu.” Họ tưởng rằng lời mời gọi của Chúa chỉ dành cho những ai tốt lành và đầy hy vọng chứ không phải họ. Thì hôm nay, bạn và tôi tin tưởng rằng, Chúa mời gọi chúng ta như mời gọi Lê-vi hay Phê-rô và các môn đệ khác. Lê-vi đã đứng dậy đi theo Chúa. Còn bạn thì sao?
Sống Lời Chúa: Tạ ơn Chúa hằng ngày vì bạn được chọn làm con Chúa và tông đồ của Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, nầy con đây, xin hãy sai con!
Bài 2
Bài Tin Mừng hôm nay lại một lần nữa nhắc tới cách chọn gọi của Chúa Giêsu luôn xảy đến tại nơi người được gọi đang sinh sống và đồng bàn với những người tội lỗi để cứu độ họ. Chúa gọi các tông đồ nơi bờ biển, dưới cây vả… và hôm nay Người gọi ông Lêvi khi ông còn ngồi nơi bàn giấy thu thuế, rồi sau đó về nhà tiệc tùng với “tân môn đệ”:
- Chúa gọi ta ngay nơi ta đang làm việc
Một trong những tội bị ghét nhất từ cổ chí kim là “cõng rắn cắn gà nhà”, hay là “nối giáo cho giặc”, vì họ cộng tác với ngoại bang để làm khổ anh em đồng bào của mình. Là nhân viên thuế vụ, Lêvi làm việc cho Rôma đang cai trị dân tộc Dothái, sưu cao thuế nặng, ức hiếp dân lành và làm giàu trên mồ hôi, nước mắt của dân. Người Do Thái thời ấy coi kẻ thu thuế là vừa phản đạo vừa phản quốc và coi họ đứng hàng ngang với gái điếm, phải bị bị loại trừ bằng vạ tuyệt thông cách ly. Không ai thèm chơi với họ. Họ chỉ chơi với quân xâm lược La mã và những tín đồ cặn bã của các Hội đường. Lêvi biết tất cả những điều ấy nhưng ông vẫn bất chấp, vì đổi lại ông được chức vụ rất hấp dẫn, đem lại của cải giàu sang.
Thế rồi, một ngày đẹp trời hôm nay, Chúa Giêsu đi ngang qua, Ngài nhìn ông, ông đang lo đếm tiền, ngước mặt lên ông định nhắc Ngài là “vô gia cư và lang thang không nghề nghiệp thì miễn thuế”… Nhưng không, Chúa Giêsu nhìn thẳng vào ông và gọi cách dứt khoát: “Anh hãy theo tôi”. Bất ngờ quá, bỏ lại tất cả, không kịp bàn giao sổ sách, ông mời luôn cả nhóm về nhà “làm tiệc tạ ơn”.
Câu chuyện ơn gọi của Lêvi lại một lần nữa khẳng định, Chúa Giêsu gọi ai thì Ngài không quan trọng đến thời điểm nào, lý lịch ra sao mà trên hết tất cả là Ngài nhìn thấynơi ta có dám sẵn sàng bỏ hết tất cả để theo Chúa không?
Ngày hôm nay, nếu bạn đang ngồi nơi bàn giấy quyền cao lương hậu, đang vui thích với công việc đầy lợi nhuận… nếu Chúa gọi bạn bước theo ơn gọi tu trì, bạn có dám bỏ lại để theo Ngài không?
Khi phải lựa chọn giữa một bên là đức tin và lề luật Công Giáo và một bên là danh lợi vật chất, bạn có dám chọn Chúa không? Hay là đành “bỏ đạo” để không mất chức…?
Ngày hôm nay, Chúa cũng đang mời gọi bạn làm tông đồ cho Chúa. Thế nhưng, bạn có đáp lại lời mời gọi của Chúa cách thành tâm, thiện chí hay không, dám từ bỏ không, hay còn đang vướng víu bởi những của cải vật chất làm cho tâm hồn tôi trở nên nặng trĩu trước lời kêu gọi?
Một số người được Chúa mời gọi khi còn niên thiếu, số khác được Chúa tỏ cho biết ơn gọi khi đã lớn khôn. Chúa dùng những đồng nghiệp, những liên hệ gia đình, hoặc các liên lạc xã hội để tỏ ra mục đích của Người. Chúa gọi thì không phân biệt quá khứ bạn là ai, nhưng chỉ thấy bạn từ lúc bạn bắt đầu bước theo. Cùng với ơn soi sáng cho bạn nhìn thấy ơn gọi, điều quan trọng là bạn không mặc cảm với quá khứ, mau mắn đáp trả, bỏ lại mọi sự và bước theo Chúa.
- Kêu gọi người tội lỗi
Một bệnh viện mà chỉ nhận săn sóc cho người mạnh khỏe thì quả thật là một bệnh viện không thể nào chấp nhận được; người khoẻ mạnh thì không cần đến bác sĩ… Cũng thế, Chúa Giêsu không còn là Ðấng Cứu Thế nữa, nếu Ngài chỉ muốn tiếp xúc với những con người tự phụ cho mình là công chính không cần đến Thiên Chúa.
Luật Do Thái coi ai tiếp xúc với kẻ thu thuế là đồng loã với tội lỗi và bị nhiễm uế, Chúa Giêsu vượt trên tất cả, Ngài đến đồng bàn trong bữa tiệc “tạ ơn”, “giải nghệ” và “chia tay đồng nghiệp” của Lêvi.
Người Do Thái coi người thu thuế, một hạng người được coi làm tay sai cho ngoại bang, làm tay sai cho Ðế Quốc La Mã thời đó, một hạng người mang tiếng ăn bẩn, tội lỗi và không tốt. Chúa lại nghĩ khác vì Chúa thấu suốt tâm can của con người. Biệt phái, Pharisiêu, tư tế, thông luật luôn nghĩ xấu cho người khác. Chúa nói với họ:” Ta đến không để gọi những người công chính mà là gọi những người tội lỗi và “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần “.
Đến với người thu thuế không có nghĩa là đồng loã với họ. Đến với họ, để mở cho họ con đường trở về.
Lạy Chúa Giê-su, xin giúp chúng con biết học theo Chúa với cái nhìn bao dung và không thành kiến với mọi người, để chúng con không ngần ngại đến với những người tội lỗi và đem họ về với Chúa… Amen.
Bài 3. Kêu gọi người tội lỗi
Ơn gọi của Lêvi được coi là khác thường và gây ngạc nhiên hơn ơn gọi của các Tông đồ khác, bởi vì ông là một người tội lỗi công khai. Lêvi sau này được gọi là Matthêu, một trong bốn thánh sử, ông làm nghề thu thuế cho đế quốc Rôma, lúc đó đang cai trị xứ Palestina. Những người làm nghề thu thuế được hưởng lợi tức cao, nhưng bị dân chúng ghét bỏ vì thường xảy ra những vụ gian lận hoặc lạm thu.
Ðối với người Do thái, những người thu thuế là gương mù cần phải tránh xa, xét về phương diện tôn giáo và xã hội, vì hai lý do: thứ nhất, vì họ cộng tác với chính quyền ngoại quốc; thứ hai, vì họ có bàn tay dơ bẩn bởi tiền của dơ bẩn. Ðối với những vị có trách nhiệm về luật Môsê và về phụng tự, thì người thu thuế bị loại trừ khỏi ơn cứu độ, vì họ bị coi như không thể từ bỏ con đường xấu xa, cũng không thể sửa lại những gian lận trong nghề được. Do đó, tiền của người thu thuế dâng cúng vào đền thờ không được nhận; họ không có quyền dân sự, không thể làm thẩm phán hoặc chứng nhân, tất cả những tiếp xúc với họ đều bị coi là nhơ uế.
Nhưng đó không phải là thái độ của Chúa Giêsu, bởi vì Ngài đến để kêu gọi những người tội lỗi. Việc Chúa kêu gọi Lêvi, một người thu thuế tội lỗi và ghi tên ông vào số các Tông đồ, đã bị những người Biệt phái chỉ trích và bị coi như một gương mù: “Sao ông ấy lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi”. Chúa Giêsu nghe những lời chỉ trích này và Ngài giải thích: “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, chỉ có người đau ốm mới cần. Tôi đến không phải để kêu gọi người công chính, nhưng để kêu gọi người tội lỗi”.
Cũng như thời Chúa Giêsu, ngày nay không thiếu những kẻ giả hình, tự cho mình là nhân đức, thánh thiện, nhưng lại khinh thường kẻ khác. Cần phải sống kinh nghiệm tình yêu thương của Thiên Chúa để hiểu được bài Tin Mừng hôm nay. Không gì an ủi hơn việc khám phá ra tình thương của Thiên Chúa đối với người tội lỗi. Thiên Chúa đã so sánh mình với vị Mục Tử nhân lành dám bỏ 99 con chiên để đi tìm một con chiên lạc, và khi tìm được Ngài vác nó trên vai đưa về đàn chiên. Việc Thiên Chúa yêu thương người tội lỗi không có nghĩa là Ngài dung thứ tội lỗi. Tình yêu thương của Thiên Chúa không miễn trừ việc nhìn nhận lỗi lầm của con người, cũng không cho phép con người lạm dụng lòng nhân hậu của Ngài. Chúa Giêsu đã đến để giải thoát con người khỏi ách nô lệ tội lỗi. Ngài thấu hiểu sự yếu đuối của con người và sẵn sàng tha thứ, với điều kiện là con người thành thật nhìn nhận tội lỗi của mình và trở lại với Ngài.
Hãy để ơn Chúa tha thứ, cứu rỗi và giải thoát chúng ta. Như Lêvi xưa, xin Chúa cho chúng ta biết lắng nghe tiếng Chúa và mau mắn chỗi dậy theo Chúa, ngay lúc này đây, sợ rằng ơn Chúa qua đi mà không trở lại. “Hôm nay, nếu các ngươi nghe tiếng Chúa, các ngươi đừng cứng lòng nữa”.
Có thể bạn quan tâm
Hội dòng MTG Vinh: Mừng hồng ân Thánh hiến và Bế mạc Năm..
Th11
Thánh Lễ Tạ Ơn Khánh Thành Nhà Mục Vụ Giáo Xứ Khe Ngang
Th11
Ủy Ban Loan Báo Tin Mừng: Kế Hoạch Thực Hiện Sống Năm Thánh..
Th11
Thánh lễ tạ ơn Công bố Quyết định Thành lập Giáo họ độc..
Th11
Thánh lễ tạ ơn hồng ân thánh hiến tại Cộng đoàn MTG Chân..
Th11
Suy Niệm Chúa Nhật XXXIV Thường Niên B – Chúa Giêsu Kitô, Vua..
Th11
Đức Thánh Cha Thành Lập Ủy Ban Tòa Thánh Về Ngày Thế Giới..
Th11
Ủy Ban Mục Vụ Di Dân Gặp Mặt Tại Hà Nội
Th11
Ngày 22/11: Thánh Cêcilia, trinh nữ tử đạo
Th11
Ngày 21/11: Đức Maria dâng mình trong đền thờ
Th11
Hồng ân đêm Diễn Nguyện kỷ niệm 340 năm Hiện Diện, 100 năm..
Th11
Sứ thần Tòa Thánh tại Ucraina: 1.000 ngày chiến tranh, số người chết..
Th11
Giải Đáp Thắc Mắc Cho Người Trẻ: Bài 147 – Say Nắng Người..
Th11
Sứ Mạng Của Giáo Viên Công Giáo
Th11
Bài Hát Cộng Đồng Lễ Chúa Kitô Vua Năm B – 2024
Th11
Đức Thánh Cha thiết lập ngày lễ các thánh, chân phước, những người..
Th11
Thánh Lễ Thêm Sức Tại Giáo Xứ Đồng Troóc
Th11
Vlog Năm Thánh 1
Th11
Thư Gửi Anh Chị Em Giáo Chức Công Giáo Nhân Ngày Nhà Giáo..
Th11
Bế Mạc Tuần Tĩnh Tâm Năm 2024 Của Linh Mục Đoàn Giáo Phận..
Th11