Sứ điệp Ngày Thế giới Hòa bình 2021: Nền “Văn hóa Chăm Sóc”

1196 lượt xem

Trong sứ điệp Ngày Thế giới Hòa bình năm 2021, được công bố vào thứ Năm 17/12, Đức thánh cha Phanxicô đã mời gọi kiến tạo một nền “Văn hóa Chăm sóc”.

Ngài nói: “Nền Văn hóa Chăm Sóc mời gọi tất cả mọi người cùng hỗ trợ nhau dấn thân bảo vệ và nâng cao phẩm giá và công ích – sẵn sàng thể hiện sự quan tâm, lòng trắc ẩn, để hòa giải và hàn gắn, đồng thời nâng cao sự tôn trọng và chấp nhận nhau. Và như thế, nó biểu trưng cho một con đường đặc biệt dẫn đến hòa bình”.

“Mong sao chúng ta không bao giờ khuất phục trước cám dỗ coi thường người khác, đặc biệt là những người túng thiếu nhất, rồi ngoảnh mặt làm ngơ. Thay vào đó, chúng ta có thể hằng ngày nỗ lực cách cụ thể và thiết thực, để hình thành một cộng đồng bao gồm các anh chị em biết đón nhận và chăm sóc lẫn nhau”.

ĐTC Phanxicô viết rằng: Ngài hình dung nền Văn hóa Chăm Sóc như một cách thế chống lại “văn hóa thờ ơ, lãng phí và đối đầu đang quá phổ biến trong thời đại của chúng ta”.

ĐTC đã đưa ra những công việc thương xót và bác ái giúp đỡ người khác về phần xác cũng như phần hồn mà Giáo hội sơ khai đã làm gương.

ĐTC nói: “Các Kitô hữu tiên khởi đã chia sẻ những gì họ có, để không một ai trong số họ phải thiếu thốn. Họ cố gắng biến cộng đồng của họ trở thành một tổ ấm thân thiện, quan tâm đến mọi nhu cầu của con người và sẵn sàng chăm sóc những người túng thiếu nhất. Đã trở thành thông lệ, đó là việc tình nguyện dâng của lễ để nuôi người nghèo, chôn cất người chết, chăm sóc trẻ mồ côi, người già và nạn nhân của thảm họa như đắm tàu.”

ĐTC cũng nói rằng: “các nguyên tắc trong học thuyết xã hội Công giáo chính là cơ sở của nền Văn hóa Chăm Sóc. Ngài khuyến khích các nhà lãnh đạo thế giới sử dụng những nguyên tắc này như một “la bàn” để dẫn đường đến “một tương lai nhân đạo hơn trong quá trình toàn cầu hóa”.

ĐTC nêu bật các nguyên tắc quan tâm đến nhân phẩm và quyền lợi của mỗi người, quan tâm đến công ích, quan tâm thông qua sự liên đới, chăm sóc và bảo vệ thụ tạo.

ĐTC nói: “Điều này sẽ cho phép chúng ta đánh giá cao giá trị và phẩm giá của mỗi người, cùng nhau hành động trong tinh thần liên đới vì công ích và cứu giúp những người đau khổ vì đói nghèo, bệnh tật, nô lệ, xung đột vũ trang và phân biệt đối xử. Tôi đề nghị mọi người cầm trên tay chiếc “la bàn” này và trở thành chứng nhân tiên tri cho nên Văn hóa Chăm Sóc, nỗ lực vượt qua những bất bình đẳng xã hội đang còn tồn tại”.

Ngày Thế giới Hòa bình do Thánh Phaolô VI thiết lập vào năm 1968, được tổ chức hằng năm vào ngày 1-1. ĐTC thường đưa ra một sứ điệp nhân dịp này, được gửi tới các bộ trưởng ngoại giao trên toàn thế giới.

Sứ điệp của ĐTC cho Ngày Thế giới Hòa bình năm 2021 có tựa đề “Văn hóa Chăm Sóc như một Con đường dẫn đến Hòa bình”. Ngài đã công bố sứ điệp này vào ngày sinh nhật thứ 84 của mình.  

Trong sứ điệp này, ĐTC Phanxicô đã trích dẫn diễn văn của ĐTC Phaolô VI vào năm 1969 trước Quốc hội Uganda: “Đừng sợ Giáo hội; Giáo hội tôn vinh bạn, Giáo hội rèn luyện những công dân trung thực và trung thành cho bạn, Giáo hội không xúi giục cạnh tranh và chia rẽ, nhưng tìm cách cổ võ sự tự do lành mạnh, công bằng xã hội và hòa bình. Nếu có bất kỳ sự ưu tiên nào, thì Giáo hội đều dành ưu tiên đó cho người nghèo, cho việc giáo dục trẻ nhỏ và dân chúng, cho việc chăm sóc người đau khổ và bị bỏ rơi”.

ĐTC Phanxicô cũng chỉ ra rằng “việc rèn luyện cho mọi người biết quan tâm thường phải bắt đầu từ gia đình – hạt nhân tự nhiên và cơ bản của xã hội – nơi đó chúng ta học cách sống và liên hệ với người khác trong tinh thần tôn trọng lẫn nhau.  Tuy nhiên, các gia đình cần được giúp sức để thực hiện nhiệm vụ quan trọng và thiết yếu này”.

Tại cuộc họp báo trình bày sứ điệp hòa bình này, Đức Hồng y Peter Turkson – Bộ trưởng Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện – nhấn mạnh rằng, ĐTC Phanxicô đã quyết định tập trung vào nền “Văn hóa Chăm Sóc” trong sứ điệp hòa bình năm nay bởi vì đại dịch coronavirus đã làm trầm trọng thêm các cuộc khủng hoảng liên quan sâu sắc đến lương thực, khí hậu, kinh tế và di cư.

ĐTC Phanxicô bắt đầu sứ điệp Ngày Thế giới Hòa bình bằng cách nói rằng ngài đã suy nghĩ đặc biệt đến tất cả những người mất người thân trong gia đình hoặc những người họ yêu thương và tất cả những người mất việc làm trong năm 2020.

Ngài cũng bày tỏ lòng biết ơn tới tất cả các bác sĩ, y tá, dược sĩ, nhà nghiên cứu, tình nguyện viên, tuyên úy và nhân viên bệnh viện – những người “đã và đang tiếp tục hy sinh to lớn để có mặt với người bệnh, nhằm giảm bớt đau khổ và cứu sống họ”.

“Thật vậy, nhiều người trong số họ đã chết trong quá trình này. Để tri ân họ, tôi xin tái kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị và tư nhân đừng tiếc công sức để đảm bảo có vắc xin Covid-19 và các công nghệ thiết yếu để chăm sóc người bệnh, người nghèo và những người dễ bị tổn thương nhất”.

ĐTC Phanxicô cũng bày tỏ sự thất vọng rằng “cùng với tất cả những bằng chứng về tình yêu và sự liên đới này, chúng tôi cũng đã chứng kiến ​​sự gia tăng dưới nhiều hình thức khác nhau của chủ nghĩa quốc gia, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và bài ngoại, cũng như chiến tranh và xung đột là những thứ chỉ mang lại chết chóc và hủy diệt sau khi chúng xảy ra”.

Thông điệp Ngày Thế giới Hòa bình năm 2021 có nhiều trích dẫn từ “Fratelli Tutti” – thông điệp mới nhất của ĐTC.

ĐTC nhấn mạnh rằng, cần phải duy trì các mối quan hệ giữa các quốc gia được truyền cảm hứng từ tình huynh đệ, tôn trọng lẫn nhau, liên đới và tuân thủ luật pháp quốc tế. Ngài cũng nhấn mạnh rằng luật nhân đạo phải được tôn trọng.

ĐTC nói: “Thật bi thảm, nhiều khu vực và cộng đồng không còn nhớ ra là mình đã từng được sống trong an ninh và hòa bình. Nhiều thành phố đã trở thành tâm chấn của sự bất an: người dân phải rất vất vả để có thể duy trì cuộc sống bình thường khi luôn phải đối mặt với các cuộc tấn công bừa bãi bằng chất nổ, đại pháo và vũ khí nhỏ. Trẻ em không còn có thể đi học.”

“Đàn ông và phụ nữ không thể làm việc để hỗ trợ gia đình của họ. Nạn đói đang lan rộng ở những nơi mà trước đây nó chưa được biết đến. Người dân buộc phải chạy trốn, bỏ lại không chỉ tổ ấm của mình mà còn cả ký ức về gia đình và cội nguồn văn hóa của họ”.

“Những xung đột như vậy có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng kết quả luôn giống nhau: sự tàn phá và khủng hoảng nhân đạo. Chúng ta cần dừng lại và tự hỏi bản thân, điều gì đã khiến thế giới của chúng ta coi xung đột là điều bình thường và làm thế nào để trái tim chúng ta có thể được biến đổi và cách suy nghĩ của chúng ta cũng thay đổi, hầu có thể hoạt động xây dựng hòa bình đích thực trong tình liên đới và huynh đệ.”

Tác giả: Courtney Mares
Nguyệt Nguyễn chuyển ngữ từ catholicnewsagency.com

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận