Sứ điệp Đức Thánh Cha cho Ngày Thế giới Trẻ em lần thứ I, năm 2024: “Này đây Ta đổi mới mọi sự” (Kh 21,5)

12071 lượt xem

Hướng về Ngày Thế giới Trẻ em lần thứ I sẽ diễn ra tại Roma vào ngày 25 – 26.05 sắp tới, hôm mồng 02.03, phòng Báo chí Toà thánh đã cho công bố Sứ điệp của Đức Giáo hoàng Phanxicô dành cho ngày này.

Được biết, ý tưởng Ngày Thế giới Trẻ em nảy sinh vào ngày 06.11.2023, khi Đức Thánh Cha gặp 8.000 em thiếu nhi tại Đại thính đường Phaolô VI. Sau đó vào ngày 08.12, ngài đã công bố thiết lập ngày này, nhằm làm cho cuộc gặp gỡ giữa Đức Giáo hoàng và trẻ em trở thành một sự kiện thường xuyên. Do Bộ Văn hóa và Giáo dục cổ võ và thực hiện, ngày này sẽ là cơ hội để nhiều trẻ em trên thế giới trải nghiệm bầu khí thiêng liêng và cơ hội xây dựng Giáo hội.

Được diễn ra trong năm cầu nguyện, với chủ đề “Này đây Ta đổi mới mọi sự”, các trẻ em tuổi từ 6 đến 12 khắp nơi trên thế giới được mời đến Roma để gặp gỡ, chia sẻ chứng từ, vui chơi văn nghệ, đồng thời tham dự các cử hành và cầu nguyện cùng với Đức Thánh Cha trong 2 ngày 25 và 26.05.2024. Ngày này cũng được tổ chức tại mỗi Giáo hội địa phương.

Sau đây là toàn văn Việt ngữ Sứ điệp của Đức Thánh Cha:

SỨ ĐIỆP ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
CHO NGÀY THẾ GIỚI TRẺ EM

Lần thứ I, ngày 25 – 26.05.2024

Này đây Ta đổi mới mọi sự (Kh 21,5)

Các bạn nhỏ thương mến!

Ngày Thế giới Trẻ em lần thứ I của các con sẽ được tổ chức tại Rôma từ ngày 25 đến 26 tháng 5 tới đây, ngày này đang đến gần. Đó là lý do tại sao cha nghĩ đến việc gửi cho các con một Sứ điệp. Cha sẽ rất vui nếu các con có thể nhận được Sứ điệp và cha cảm ơn tất cả những người góp phần vào việc chuyển Sứ điệp này đến cho các con.

Hỡi các con yêu quý, cha muốn nói với từng người trong các con, bởi vì, như Kinh thánh dạy, và như Chúa Giêsu đã chứng minh rất nhiều lần, “các con thật quý giá” trong cái nhìn của Thiên Chúa (Is 43,4).

Đồng thời, cha gửi Sứ điệp này đến tất cả các con, bởi vì mọi trẻ em, ở khắp mọi nơi, đều là dấu chỉ của ước muốn phát triển và đổi mới chính mình. Các con nhắc nhở mọi người rằng tất cả chúng ta đều là con cái và là anh chị em. Chẳng ai trong chúng ta có thể hiện hữu nếu không có ai đó đưa mình vào thế giới, cũng như chẳng ai trong chúng ta có thể phát triển nếu không có những người khác để chúng ta trao tặng và đón nhận tình yêu (x. Thông điệp Fratelli tutti, 95).

Vì vậy, hỡi các con, nam cũng như nữ, tất cả các con là niềm vui của cha mẹ và gia đình các con, là niềm vui của gia đình nhân loại, và của Giáo hội, trong đó mỗi người giống như một mắt xích trong một sợi dây vĩ đại kéo dài từ quá khứ đến tương lai và bao trùm toàn bộ trái đất. Vì thế, cha khuyến khích các con hãy luôn chăm chú lắng nghe những câu chuyện của người lớn: cha mẹ, ông bà, và ông bà cố của các con. Ngoài ra, các con đừng quên những trẻ em và thanh thiếu niên khác đang phải chiến đấu với bệnh tật và khó khăn, ở bệnh viện hoặc ở nhà, và những trẻ em mà tuổi thơ đang bị đánh cắp một cách tàn nhẫn. Cha nghĩ đến những trẻ em là nạn nhân của chiến tranh và bạo lực, những trẻ em phải chịu đói khát, những trẻ em sống trên đường phố, những trẻ em bị buộc phải đi lính hoặc phải chạy trốn như những người tị nạn, bị tách khỏi cha mẹ, những trẻ em không thể đến trường, và những trẻ em là nạn nhân của các băng nhóm tội phạm, ma túy hoặc các hình thức nô lệ, lạm dụng khác. Chúng ta hãy lắng nghe tiếng kêu của họ, chúng ta hãy thực sự lắng nghe họ, bởi vì trong đau khổ, những trẻ em đó nhắc nhở chúng ta về thực tại, với đôi mắt đẫm lệ và với lòng khao khát khôn nguôi về điều thiện vốn nảy sinh trong tâm hồn của những người đã thực sự chứng kiến sự ác kinh khủng đến mức nào.

Các trẻ em quý mến, để đổi mới chính mình và thế giới thì việc chúng ta hiệp nhất với nhau thôi vẫn chưa đủ, mà trên hết, chúng ta cần phải luôn hiệp nhất với Chúa Giêsu. Đấng mà từ nơi Người, chúng ta nhận được sức mạnh của lòng can đảm: Chúa Giêsu luôn ở gần chúng ta, Thánh Thần của Người đi trước chúng ta và đồng hành với chúng ta trên mọi nẻo đường thế giới. Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng: “Này đây Ta đổi mới mọi sự” (Kh 21,5); Đây là những lời cha đã chọn làm chủ đề cho Ngày Thế giới Trẻ em lần thứ I của các con. Những lời này mời gọi chúng ta trở nên nhanh nhậy như trẻ em trong việc nắm bắt những thực tại mới mẻ được Thánh Thần khơi dậy trong chúng ta và xung quanh chúng ta. Với Chúa Giêsu, chúng ta có thể mơ về một gia đình nhân loại mới và dấn thân xây dựng một xã hội huynh đệ hơn, lưu tâm hơn đến ngôi nhà chung của chúng ta, bắt đầu từ những điều đơn giản, chẳng hạn như nói lời chào hỏi với người khác, cũng như lời xin phép, lời xin lỗi, và lời cảm ơn. Thế giới được phát triển và biến đổi trước hết khởi đi từ những điều nhỏ bé, nên đừng xấu hổ khi chỉ thực hiện những bước nhỏ, từng chút một. Thật vậy, sự nhỏ bé của chúng ta nhắc nhở rằng chúng ta mỏng dòn và chúng ta cần nhau, như những chi thể của một thân thể duy nhất (x. Rm 12,5; 1 Cr 12,26).

Và còn nhiều hơn nữa. Thật vậy, chúng ta không thể hạnh phúc một mình, bởi vì niềm vui gia tăng theo mức độ chúng ta chia sẻ nó. Niềm vui phát sinh từ lòng biết ơn đối với những món quà chúng ta đã nhận được, và đến lượt mình, chúng ta chia sẻ với người khác. Khi chúng ta giữ cho riêng mình những gì chúng ta đã nhận được, hoặc khi chúng ta có những ý tưởng bốc đồng để có được món quà này hay món quà kia, chúng ta thực sự quên rằng món quà lớn nhất mà chúng ta có chính là bản thân chúng ta, dành cho nhau: tất cả chúng ta, cùng nhau, đều là “món quà của Thiên Chúa”. Những món quà khác cũng hấp dẫn nhưng chỉ khi những món quà ấy giúp chúng ta ở bên nhau. Nếu không sử dụng những món quà ấy vào mục đích này thì chúng ta sẽ luôn bất mãn, vì những món quà ấy sẽ không bao giờ là đủ.

Trái lại, khi tất cả chúng ta ở bên nhau thì mọi sự sẽ khác! Hãy nghĩ đến bạn bè của các con và sẽ tuyệt vời biết bao khi dành thời gian với họ: ở nhà, ở trường, ở giáo xứ, ở sân chơi, ở mọi nơi. Cùng chơi đùa, ca hát, khám phá những điều mới mẻ, vui vẻ bên nhau và không loại trừ một ai. Tình bạn rất đẹp và nó chỉ phát triển theo cách này: trong sự chia sẻ và tha thứ, với sự kiên nhẫn, can đảm, sáng tạo và trí tưởng tượng, không sợ hãi và không thành kiến.

Bây giờ, cha muốn chia sẻ với các con một bí mật quan trọng. Nếu thực sự muốn hạnh phúc, chúng ta cần cầu nguyện, cầu nguyện nhiều, cầu nguyện mỗi ngày, bởi vì cầu nguyện kết nối chúng ta trực tiếp với Thiên Chúa. Cầu nguyện lấp đầy tâm hồn chúng ta bằng ánh sáng và sự ấm áp, đồng thời giúp chúng ta làm mọi việc với với sự tự tin và thanh thản. Chúa Giêsu luôn cầu nguyện với Chúa Cha. Các con có biết Chúa Giêsu gọi Chúa Cha là gì không? Trong ngôn ngữ của mình, Chúa Giêsu chỉ gọi Chúa Cha là “Abba”, có nghĩa là “Cha” (x. Mc 14,36). Chúng ta cũng hãy làm như vậy! Chúng ta sẽ luôn cảm thấy Chúa Giêsu gần gũi với chúng ta. Chính Người đã hứa với chúng ta điều này khi nói rằng: “Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18,20).

Các con yêu quý, như các con đã biết, vào tháng 5 tới đây, có nhiều người trong chúng ta sẽ có mặt Rôma để gặp gỡ các trẻ em đến từ khắp nơi trên thế giới. Vì vậy, để chuẩn bị tốt cho cuộc gặp gỡ này, cha khuyên tất cả các con hãy cầu nguyện bằng chính những lời mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta – đó là lời Kinh Lạy Cha. Các con hãy đọc kinh này vào mỗi sáng và mỗi tối, cũng như đọc trong gia đình, với cha mẹ, anh chị em và ông bà của các con. Nhưng đừng đọc giống như một công thức! Hãy suy nghĩ về những lời Chúa Giêsu đã dạy chúng ta. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta và muốn chúng ta tích cực tham gia cùng với Người trong Ngày Thế giới Trẻ em này, hầu trở thành những người xây dựng một thế giới mới nhân bản hơn, công bằng hơn, và hòa bình hơn. Chúa Giêsu, Đấng đã hiến mình trên Thập Giá để quy tụ tất cả chúng ta trong tình yêu, Đấng đã chiến thắng sự chết và hòa giải chúng ta với Chúa Cha, muốn tiếp tục công việc của Người trong Giáo Hội qua chúng ta. Các con hãy nghĩ về điều này, đặc biệt là những trẻ em đang chuẩn bị Rước lễ lần đầu.

Thiên Chúa yêu thương chúng ta từ thuở đời đời (x. Gr 1,5). Ngài nhìn chúng ta bằng ánh mắt của người cha yêu thương và người mẹ dịu dàng. Ngài không bao giờ quên chúng ta (x. Is 49,15) mà đồng hành với chúng ta và đổi mới chúng ta mỗi ngày bằng Thánh Thần của Ngài.

Cùng với Đức Trinh Nữ Maria và Thánh Giuse, chúng ta hãy cầu nguyện bằng những lời này:

Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến,

xin tỏ cho chúng con thấy vẻ đẹp của Ngài,

được phản chiếu trên những khuôn mặt

của các trẻ em trên toàn thế giới.

Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến,

Chúa là Đấng đổi mới mọi sự,

và là đường dẫn chúng con đến với Chúa Cha,

xin hãy đến và ở lại với chúng con luôn mãi. Amen.

Rôma, Đền thờ Thánh Gioan Lateranô, ngày mồng 02 tháng 03 năm 2024

PHANXICÔ

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: press.vatican.va (02. 03. 2024)

Nguồn: hdgmvietnam.com

Có thể bạn quan tâm