Sứ điệp của Hội đồng Toà Thánh về Đối thoại Liên tôn gửi các Phật tử nhân dịp lễ Vesak 2018

803 lượt xem

Nhân dịp Đại lễ Vesak 2018 (Phật lịch 2562) của Phật giáo, nhằm ngày 29-05-2018 (tại Việt Nam), Hội đồng Toà Thánh về Đối thoại Liên tôn đã gửi một sứ điệp chúc mừng đến các Phật tử trên toàn thế giới.

Toàn văn sứ điệp như sau:

“Phật tử và Kitô hữu: Cùng nhau ngăn chặn và chống tham nhũng”

Các bạn Phật tử thân mến,

1. Thay mặt Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn, chúng tôi muốn gửi tới các bạn lời nguyện chúc thân ái nhân dịp Lễ Vesak. Ước mong ngày lễ này mang lại niềm vui và bình an cho mọi người, trong các gia đình và cộng đồng của các bạn trên toàn thế giới.

2. Năm nay, chúng tôi muốn suy tư về nhu cầu cấp bách phải thúc đẩy một nền văn hoá không tham nhũng. Tham nhũng, được hiểu là lạm dụng vị trí quyền lực vào những mục đích cá nhân cả trong trong những lĩnh vực tư và công, là một điều bê bối tràn lan đến mức Liên hiệp quốc đã ấn định ngày 9 tháng Mười Hai là Ngày Quốc tế Chống Tham Nhũng. Trước hiện tượng gia tăng theo cấp số nhân này, các chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, giới truyền thông và các công dân bình thường đã tìm cách liên kết với nhau chống lại tội ác ghê tởm này. Các nhà lãnh đạo tôn giáo cũng có bổn phận đóng góp vào một nền văn hoá tôn trọng pháp luật và tính minh bạch.

3. Ý cầu nguyện của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong tháng Hai năm 2018 là: “Nói không với tham nhũng”. Khi lên án “tội tham nhũng”, Đức giáo hoàng cũng xác định rằng tham nhũng có mặt ở mọi nơi trên thế giới, cả trong giới chính trị, giới kinh doanh hay trong hàng giáo sĩ. Xét cho cùng, như ngài nhận định, những người phải trả giá cho nạn tham nhũng là người nghèo. Nhắc lại lời Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm đầy tớ của anh em” (Mt 20, 26), Đức giáo hoàng khẳng định: “Cách duy nhất để chấm dứt nạn tham nhũng […] là phục vụ. Bởi vì tham nhũng là do tự phụ, kiêu ngạo, và vì phục vụ là khiêm tốn: chính lòng bác ái khiêm tốn giúp đỡ người khác” (Suy niệm buổi sáng, Nhà Santa Marta, 16/06/2014).

4. Các bạn thân mến, là những Phật tử, các bạn xem tham nhũng là một tình trạng tâm vọng tưởng, nguyên nhân gây ra đau khổ và góp phần làm cho xã hội bệnh hoạn. Các bạn nhận ra tam độc chính: tham, sân, si hay vô minh như là nguồn gốc của tai hoạ xã hội này, vốn phải bị loại trừ vì lợi ích của cá nhân và xã hội. Hơn nữa, giới thứ hai của Phật giáo, “cố hết sức không lấy những gì không phải là của mình” dạy các Phật tử phân định xem những gì mình đang nắm giữ có phải thực sự thuộc về mình không. Nếu những điều đó lấy của người khác một cách bất hợp pháp, thì không được giữ lại một cách hợp pháp. Giáo huấn và thực hành Phật giáo không những không chấp nhận tham nhũng mà còn tìm cách biến đổi tâm, ý, thói quen và hành động không lành mạnh của những kẻ tham nhũng.

5. Dù cả hai truyền thống tôn giáo của chúng ta đều quyết liệt lên án nạn tham nhũng, nhưng chúng ta phải đau lòng thừa nhận rằng một số tín đồ của đạo mình cũng tham gia vào các hoạt động tham nhũng. Thật đáng tiếc, điều đó dẫn đến quản trị kém, lạm dụng tài sản xã hội và cướp đoạt di sản quốc gia. Tham nhũng cũng khiến cho đời sống của nhiều người lâm vào tình trạng nguy hiểm vì nó liên quan đến tăng trưởng kinh tế thấp, đầu tư kém, lạm phát, phá giá tiền tệ, trốn thuế, bất bình đẳng, trình độ giáo dục thấp, cơ sở hạ tầng không đầy đủ và môi trường xuống cấp. Hiện tượng này cũng đe dọa sức khoẻ và sự an toàn của các cá nhân và cộng đồng. Người dân công phẫn vì các nhà lãnh đạo chính trị bất tài và tham nhũng, luật pháp thiếu hiệu quả, hoặc các cuộc điều tra đúng pháp luật về các vụ tham nhũng lớn không được thực hiện. Khắp nơi đều có những phong trào quần chúng, đôi khi do các trào lưu tôn giáo cực đoan phát động và nâng đỡ, nhằm chống lại tình trạng băng hoại sự liêm chính trong đời sống xã hội.

6. Tất cả chúng ta đều tin rằng nạn tham nhũng không thể được giải quyết bằng cách im lặng. Các thiện ý sẽ chẳng thích đáng nếu không có hành động theo sau. Cần phải thực hiện các thiện ý ấy để loại bỏ tham nhũng. Chúng ta, các Phật tử và Kitô hữu, theo giáo huấn đạo đức của tôn giáo mình, phải cùng nhau ngăn chặn tham nhũng bằng cách loại bỏ những nguyên nhân tận căn của nó và diệt trừ những nguyên nhân này ở nơi nào có tham nhũng. Trong nỗ lực này, đóng góp chính của chúng ta là khuyến khích các tín hữu của tôn giáo mình phát triển tính liêm khiết, công bình và tinh thần trách nhiệm.

Hoạt động dấn thân chung của chúng ta trong cuộc chiến chống tham nhũng phải bao gồm sự hợp tác với giới truyền thông và xã hội dân sự để ngăn ngừa và tố giác tham nhũng; giúp cho công chúng nhạy bén với tham nhũng; làm sao cho các nhà chức trách tham ô tài nguyên quốc gia phải chịu trách nhiệm về hành động của họ, bất kể họ thuộc thành phần sắc tộc, tôn giáo, chính trị hay giai cấp nào; giảng dạy và truyền cảm hứng cho tất cả mọi người nhưng trên hết là tầng lớp chính trị và các viên chức chính phủ phải hành động với thái độ liêm khiết cao nhất; bảo đảm pháp luật được quyền thu hồi các tài sản bị lấy cắp do tham nhũng và đưa ra toà những kẻ chịu trách nhiệm về những tội ác này; khuyến khích có nhiều phụ nữ hơn tham gia vào đời sống chính trị; từ chối giao công vụ cho những người đã dính líu đến các hoạt động phi pháp; và giới thiệu các cơ chế minh bạch và không loại trừ, được thiết lập cách hợp pháp để quản trị tốt, có trách nhiệm và liêm chính.

7. Các bạn thân mến, ước chi chúng ta tích cực dấn thân xây dựng trong các gia đình, các tổ chức xã hội, chính trị, dân sự và tôn giáo của chúng ta một môi trường không có tham nhũng, bằng một đời sống trung thực và liêm chính. Chính trong tinh thần này, một lần nữa chúng tôi xin chúc các bạn một lễ Vesak bình an và vui tươi!

Hồng y Jean-Louis Tauran

Chủ tịch

Tổng Giám mục Pier Luigi Celata

Thư ký

 Minh Đức chuyển ngữ
(WHĐ 13/4/2018)

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận