Nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Trump có những căng thẳng nhưng cũng có khả năng hợp tác với Đức Phanxicô

278 lượt xem

Hai nhà lãnh đạo thế giới có quan điểm đối lập về vấn đề di cư nhưng có thể tìm được tiếng nói chung trong cố gắng thúc đẩy hòa bình qua con đường thương thuyết ở Ukraine.

Đức Phanxicô tiếp Tổng thống Donald Trump tại Vatican ngày 24 tháng 5 năm 2017. (ảnh: Vatican Media/L’Osservatore Romano)

Việc cựu Tổng thống Donald Trump đắc cử nhiệm kỳ thứ hai có khả năng nối lại mối quan hệ thường căng thẳng giữa Đức Phanxicô và ông.

Các tương quan giữa Vatican và nước Mỹ là mối quan tâm đặc biệt của người công giáo, nhưng vì Đức Phanxicô là người ủng hộ hòa bình và công lý xã hội được thế giới công nhận nên quan hệ giữa Washington và Rôma cũng là quan tâm của cộng đồng quốc tế.

Phần lớn căng thẳng giữa hai bên có khả năng tập trung vào vấn đề di cư, một vấn đề cả hai đã có những xung đột công khai trong quá khứ. Trong chiến dịch tranh cử vừa qua, Tổng thống Trump hứa sẽ trục xuất hàng triệu người nhập cư không có giấy tờ, một chính sách gần đây Đức Phanxicô cho là tội nghiêm trọng “chống lại sự sống”.

Nhưng Vatican và Nhà Trắng có thể có được tiếng nói chung trong nhiệm kỳ thứ hai này của Tổng thống Trump trong cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine. Đức Phanxicô và Tổng thống Trump đã bất đồng quan điểm về vấn đề di cư ngay cả trước khi ông Trump nhậm chức. Tháng 2 năm 2016, trong một phỏng vấn, Đức Phanxicô nói với các phóng viên lời hứa trục xuất hàng triệu người nhập cư và xây tường dọc theo biên giới phía nam là kẽ hở của một người không có “tinh thần kitô giáo”. Ông Trump trả lời, thật xấu hổ khi Giáo hoàng đặt câu hỏi về đức tin của ông.

Nhưng hai người đã gần gũi hơn về vấn đề phá thai, trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump cương quyết phản đối việc phá thai, ông nêu tên ba thẩm phán Tòa án Tối cao đã tiếp tục bãi bỏ phán quyết năm 1973 Roe kiện Wade, thiết lập quyền phá thai theo hiến pháp. Đức Phanxicô thường lên án phá thai với những lời lẽ mạnh mẽ, ngài xem việc này như việc thuê người sát thủ.

Kể từ khi rời nhiệm sở, Tổng thống Trump có lập trường tự do hơn về phá thai, trong chiến dịch tranh cử, ông tuyên bố sẽ phủ quyết lệnh cấm phá thai của liên bang nếu ông đắc cử. Ông ủng hộ việc thụ tinh trong ống nghiệm, một thủ tục thường liên quan đến việc phá hủy phôi thai của con người và bị cấm trong giáo lý đạo đức công giáo.

Một lãnh vực có khả năng đưa hai bên gần nhau: đó là “ý thức hệ giới tính”, theo Đức Phanxicô, đây là ý thức hệ đáng lo ngại của thời đại chúng ta khi xóa bỏ sự khác biệt giữa nam và nữ. Đầu năm nay, Bộ Giáo lý Đức tin tuyên bố: “Bất kỳ sự can thiệp nào vào việc chuyển đổi giới tính đều có nguy cơ đe dọa đến phẩm giá duy nhất mà con người nhận được ngay khi thụ thai.” Các vấn đề chuyển giới, bao gồm vấn đề chuyển giới của các vận động viên nữ, đó là vấn đề nổi bật trong chiến dịch của Tổng thống Trump. Tuy nhiên, đây là vấn đề tế nhị, vì Đức Phanxicô có cách tiếp cận mục vụ với người chuyển giới, ngài đã nhiều lần gặp họ ở Vatican.

Chính sách môi trường là lãnh vực Đức Phanxicô và Tổng thống Trump bất đồng quan điểm. Trong thông điệp Chăm sóc ngôi nhà chung Laudato Si năm 2015, ngài kêu gọi giảm dùng nhiên liệu hóa thạch để chống lại tình trạng nhiệt độ toàn cầu nóng lên, mối đe dọa lớn cho sự sống trên trái đất, nhưng Tổng thống Trump lại hứa sẽ thúc đẩy sản xuất nhiên liệu hóa thạch.

Tuy nhiên lãnh vực bất đồng rõ ràng nhất vẫn là vấn đề di cư. Tháng 9 vừa qua, khi trả lời các nhà báo, Đức Phanxicô cho rằng “đuổi người di cư đi, từ chối khả năng làm việc của họ, từ chối lòng hiếu khách là một tội nghiêm trọng”. So sánh quan điểm này với việc Phó Tổng thống Kamala Harris hợp pháp hóa phá thai, Đức Phanxicô cho biết, cuộc bầu cử đặt ra cho người công giáo Mỹ phải lựa chọn “cái ác ít hơn”, ngài để cho lương tâm của mỗi cử tri quyết định đó là gì.

Lãnh vực đối ngoại cũng tạo căng thẳng giữa ngài và tân  tổng thống. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Trump, Vatican đã phản đối khi Hoa Kỳ công nhận Giêrusalem là thủ đô của Israel, sau đó Ngoại trưởng Mike Pompeo đã cáo buộc Vatican không quan tâm đến việc Trung Quốc vi phạm nhân quyền khi theo đuổi mục tiêu xích lại gần Bắc Kinh. Các vấn đề này có khả năng là những điểm đau đầu trong quan hệ Hoa Kỳ-Tòa thánh trong bốn năm tới.

Nhưng vấn đề địa chính trị Ukraine là vấn đề mà cả Đức Phanxicô và Tổng thống Trump thường có lập trường gây tranh cãi, có thể là một lãnh vực hợp tác và thậm chí là hòa hợp giữa họ.

Kể từ đầu năm 2022 khi Nga tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine, Đức Phanxicô không ngừng kêu gọi chấm dứt xung đột, ngài luôn đau buồn cho số phận của người dân Ukraine. Nhưng ngài tránh đổ lỗi trực tiếp cho Nga hoặc cho Tổng thống Vladimir Putin về cuộc chiến, ngài cho rằng lý do có thể là do sự mở rộng về phía đông của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO. Ngài cũng lên án việc chi tiêu vũ khí để đáp trả hành động xâm lược của Nga và việc áp dụng các lệnh trừng phạt Matxcơva. Lập trường trung lập này đã làm cho người công giáo và các cấp cao của Ukraine và Đông Âu thất vọng. Ngài nói, sự trung lập của Vatican về các vấn đề chính trị, thương mại và quân sự là cần thiết để có được uy tín của một trung gian tiềm năng.

Tổng thống Trump công khai ngưỡng mộ Putin, ông nói ông có khả năng chấm dứt chiến tranh chỉ trong một ngày, một chiến công sẽ phải đòi hỏi Ukraine nhượng bộ. Phó Tổng thống đắc cử James David Vance đưa ra một kế hoạch hòa bình cho phép Nga giữ lại lãnh thổ mà họ đã chinh phục và đảm bảo sự trung lập của Ukraine, loại trừ tư cách thành viên NATO mà quốc gia này mong muốn.

Nếu Hoa Kỳ, nước ủng hộ Ukraine lớn nhất áp dụng chính sách như vậy dưới thời chính quyền tiếp theo, liệu họ có thể nhờ đến Vatican để được hỗ trợ về mặt đạo đức cho lập trường của mình không? Liệu Đức Phanxicô hay các nhà ngoại giao của ngài có tán thành một kế hoạch như vậy, một cách rõ ràng hay không?

Một liên minh như vậy có vẻ không có khả năng xảy ra, nhưng chính trị quốc tế đã biết đến những người bạn đồng hành xa lạ hơn.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Nguồn:phanxico.vn

Có thể bạn quan tâm