Một vài cảm nghĩ về thảm kịch 39 nạn nhân Việt Nam tại Vương quốc Anh

1647 lượt xem

Ngày 07.11.2019, sau điều tra giám định kỹ lưỡng, các cơ quan chức năng của Vương quốc Anh và chính quyền Việt Nam đã chính thức công bố: 39 thi thể trong container đông lạnh tại địa hạt Essex – nước Anh đều là người Việt Nam. Hầu hết họ còn rất trẻ. Họ đã chết vì ngạt thở khi bị nhốt kín trong thùng xe đông lạnh ở âm 25 độ C, trên một hành trình phiêu lưu định mệnh. Quả thật, đây là một bi kịch thảm thương và đau xót cho tất cả chúng ta.

Bàn đặt sổ tang tưởng niệm 39 nạn nhân. (Ảnh: VKT)

Đứng trước thảm kịch xót xa ấy, ai cũng muốn gửi lời chia buồn tới gia đình và tang quyến của nạn nhân. Trong sổ tang, Thủ tướng Anh viết lên nỗi xót xa bàng hoàng của toàn thể nhân loại: “Cả dân tộc và thế giới thực sự đã bị sốc bởi bi kịch này, bởi sự tàn nhẫn của số phận mà những con người vô tội phải chịu đựng khi họ hy vọng có một cuộc sống tốt đẹp hơn ở đất nước này”. Thủ tướng Việt Nam cũng gửi thư chia buồn đến từng gia đình nạn nhân, đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp xử lý để sớm đưa các thi thể nạn nhân về với gia đình.

Về phía Giáo hội Công giáo, Đức cha Anphong Nguyễn Hữu Long, Giám mục giáo phận Vinh, đã viết lá thư mục vụ bày tỏ niềm cảm thông sâu sắc và lời cầu xin Thiên Chúa an ủi các gia đình nạn nhân trong biến cố đầy nước mắt này. Đồng thời, Đức cha Anphong cũng chân thành nhắn nhủ với mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ rằng: “Cuộc sống là quà tặng vô giá mà Thiên Chúa ban cho con người”. Vì thế, “mỗi người chúng ta hãy trân quý và chăm sóc cuộc sống mình cũng như cuộc sống của người khác, trong hành trình trần thế này”. 

Thiết tưởng lời trần tình của Đức cha Anphong nên được đào sâu suy gẫm, để qua biến cố đau thương này, mỗi người chúng ta sẽ nung nấu một ý thức trách nhiệm hơn trước quà tặng cuộc sống. Thực tế những năm qua, nhiều người trẻ đã đặt cược với mạng sống, trả giá bằng sự ly hương, để hướng đến một viễn cảnh sống tốt đẹp hơn. Nếu cuộc di cư thành công, hầu hết bạn trẻ sẽ chấp nhận làm mọi việc, dù đó là hiểm nguy hay điều kiện lao động nghiệt ngã, miễn sao có nhiều tiền để gửi về cho gia đình tại quê nhà. Nông thôn Việt Nam hôm nay, không thiếu những gia đình đã đổi đời trở nên giàu có, nhờ tiền con cái đi làm ở nước ngoài gửi về. Có tiền bạc, con người cũng dễ rộng lượng và nhân ái hơn. Bên cạnh việc xây nhà, mua xe nâng cấp cuộc sống thường ngày, họ cũng sẵn sàng đóng góp xây dựng công trình phúc lợi, làm việc từ thiện để phong phú đời sống tâm linh. Ở góc độ tổng quát, những người trẻ này thực sự sống cho một lý tưởng cao đẹp, họ đã hy sinh tuổi xuân nơi đất khách quê người, đền đáp ơn nghĩa sinh thành bằng lao động vất vả của chính bản thân mình, góp phần làm giàu đẹp quê hương. Sau ít năm nếu có dịp trở về quê cha đất tổ, họ được xem như những người con hiếu thảo, tín đồ mộ đạo, công dân yêu nước, những người đã “chăm sóc cuộc sống mình cũng như cuộc sống của người khác”.

Tuy nhiên, thảm kịch ngày 23.10.2019 vừa qua khiến chúng ta phải bàng hoàng mà hướng nhìn cận cảnh vào những số phận ly hương. Báo chí loan tin về mảnh đời chui lủi bấp bênh không giấy tờ nơi đất khách, hay lao thân phạm pháp trồng thuốc phiện tại quê người. Theo Tiến sĩ Tamsin Barber của Đại Học Oxford-Brookes, chuyên nghiên cứu về di cư và người Anh gốc Việt, “Hiện tại, không có con đường hợp pháp nào cho người di cư Việt Nam tay nghề thấp đến làm việc ở Anh. Do đó, muốn đến Anh thì chỉ có qua những con đường vòng và nguy hiểm.” Vì thế mà xuất hiện các đường dây môi giới trốn đi nước ngoài, nhập cư trái phép, tệ nạn xã hội, tổ chức buôn người … tất cả đã góp phần tạo nên tấn bi kịch. Đọc những dòng tin nhắn của cô gái trẻ Trà My: “Con xin lỗi mẹ. Con đường ra nước ngoài của con không thành công… Con yêu bố mẹ nhiều lắm! Con chết vì không thể thở được …”, ai mà không nghẹn lòng để phản tỉnh về trách nhiệm liên đới của mình đối với kiếp người xa quê.

Trước khi xảy ra cái “chết vì không thở được”, những người trẻ này đã phải sống trong bầu không khí với biết bao “ngột ngạt”. Ngạt vì khó nghèo của mảnh đất được sinh ra, ngạt vì thành công của bà con xóm làng; ngạt vì trăn trở của cha mẹ già, ngạt vì kỳ vọng của đàn em nhỏ; ngạt bởi thúc ép nơi người thân, ngạt do lôi kéo của bạn bè, ngạt đến từ hấp dẫn của việc xuất ngoại; lại còn có cái ngạt nội tâm vì con tim luôn khát khao một giấc mộng đổi đời…  Để giải thoát tất cả những thứ “ngột ngạt” đang đè nặng trên cuộc sống, di cư ra nước ngoài dường như là hướng đi duy nhất mà họ có thể nhìn thấy. Nhưng định mệnh thật nghiệt oan, trước khi chết ngạt lâm sàng trong chiếc container đông lạnh, trái tim họ đã luôn ngộp thở vì không đủ hơi ấm tình người.

Vì sự an nghỉ của người đã khuất, xin đừng hỏi tại sao họ đã không lập nghiệp trên chính quê hương mình, hay sao lại đánh đổi quá nhiều để phiêu lưu vào một hành trình nghiệt ngã. Nhưng hãy tự hỏi bản thân chúng ta và tất cả những người còn ở lại: Ai đã tạo nên những cuộc sống đầy ngột ngạt và sức ép? Ai đã khiến họ cảm thấy một tương lai bấp bênh tại mảnh đất được sinh ra? Ai đã không cho họ môi trường đủ tin cậy để chắp cánh ước mơ? Ai đã đẩy họ vào thế yếu trong cuộc cạnh tranh sinh tồn khi mưu sinh tại quê hương xứ sở?

Ai đã đem gán trách nhiệm gia đình cho họ mang vác sớm? Ai đã thúc đẩy họ tìm về vùng đất mới? Ai đã cộng tác vào quyết định liều mạng của họ? Ai đã bất chấp rủi lo, đẩy đưa họ vào những chỗ hiểm nguy khôn lường? Ai đã đầu tư biến họ thành con nợ, để trong cơn nghẹt thở cuối cùng, vẫn còn phải thốt lên lời xin lỗi?

Con đường họ đi đó, có mấy ai quan tâm? Có ai đồng hành để chia sẻ kịp thời với họ những căng thẳng trong cuộc sống? Có ai đã cung cấp bầu khí trong lành để họ có thể vượt lên cái ngột ngạt trong cuộc sống? Có ai đưa họ vào một không gian tâm linh đủ thánh thiện để giải thoát họ khỏi những lầm lạc? Có ai hướng dẫn tinh thần để giúp họ khỏi những cơn đam mê? Đây là trách nhiệm hay là thiếu trách nhiệm nơi mỗi con người? Và phải chăng, trong bi kịch thảm thương này, không ai trong chúng ta là người ngoài cuộc?

Giáo huấn xã hội của Giáo Hội mời gọi chúng ta nhận thức rằng, chỉ có thể bảo đảm và cổ xúy phẩm giá con người với điều kiện là sự việc này được thực hiện bởi cả một cộng đồng và bởi toàn thể nhân loại[1]. Lời giáo huấn này nhấn mạnh đến tình liên đới của tất cả chúng ta, cách đặc biệt, kêu gọi một lương tâm nhạy bén trước mọi thông điệp từ vùng “ngoại biên” – nơi những số phận “bên lề” đang nghẹt thở trong giá lạnh vì sự lãng trách tình người. Trong niềm cậy trông vào lòng Chúa từ nhân, chúng ta cầu xin cho các nạn nhân được an nghỉ yên bình trên thiên quốc, nơi không còn ô nhiễm và ngột ngạt của bụi trần. Đồng thời, mỗi người chúng ta cũng không ngừng dấn thân trong trách nhiệm cá nhân, để cùng nhau tiến đến một giải pháp toàn diện, hầu đoan chắc rằng, thảm kịch của ngày hôm nay sẽ không thể tái diễn.

+ Giuse Nguyễn Đức Cường
Giám mục Giáo phận Thanh Hóa
Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình 

[1] x. Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình, Tổng luận học thuyết xã hội của Hội Thánh, p. 157.

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận