“Một thế giới không vũ khí hạt nhân là có thể và cần thiết” – Lời khẩn thiết kêu gọi của ĐGH Phanxicô

943 lượt xem

“Xác tín rằng một thế giới không vũ khí hạt nhân là có thể và cần thiết, tôi yêu cầu các nhà lãnh đạo chính trị đừng quên rằng các vũ khí đó không bảo vệ được cho chúng ta khỏi những đe dọa đối với nền an ninh quốc gia và quốc tế trong thời đại của chúng ta”. Trọng tâm chuyến tông du thứ 32 của Đức Giáo Hoàng Phanxicô tới Thái Lan và Nhật Bản, chắc chắn là bài diễn văn đang được đợi chờ nhiều nhất trong sáng Chúa Nhật 24/11/2019 này tại Nagasaki, tại “Công Viên Trung Tâm Trái Bom Nguyên Tử” (Atomic Bom Hypocenter Park), đài tưởng niệm vụ thả bom nguyên tử ngày 9/8/1945.

Trái bom plutonium mang tên “Fat Man” đã khiến 40.000 người thiệt mạng ngay lúc đó, ba ngày sau khi trái bom Uranium đã đánh vào Hiroshima, giết chết trong tức khắc có 200.000 nạn nhân, đa số là thường dân.

Nhà thờ Urakami, bên cạnh đài tưởng niệm của Nagasaki đã bị hoàn toàn san bằng: một bức tượng Chúa Kitô và một bức tượng Đức Trinh Nữ Maria mới được tìm thấy: Đức Giáo Hoàng có nhắc tới trong bài diễn văn của ngài.

Cuộc cầu nguyện trong thinh lặng lâu dài dưới trời mưa

Trước khi lên tiếng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đặt một vòng hoa trắng lớn tại đài tưởng niệm và ngài đã cúi đầu chiêm niệm lâu dài, như bám víu vào vòng hoa, dưới trời mưa nặng hạt, làm tăng thêm tính trầm trọng u uất của khoảnh khắc, một mình, không chỗ trú, 82 tuổi: không ô dù, không áo mưa, không mái che. Trước mặt ngài, cây cột khổng lồ bằng cẩm thạch màu đen đứng sừng sững ngay chỗ trái bom nguyên tử phát nổ.

Trên một cái chân nến được trang hoàng bởi một chữ tiếng latinh “Pax” (hòa bình), quà tặng mà ngài đã cống hiến cho đài tưởng niệm, sau đó, Đức Giáo Hoàng đã thắp lên ngọn lửa của ký ức, mỏng manh dưới trời mưa gió, nhưng vững vàng, mang đến một ánh sáng hy vọng cho trung tâm của ký ức thảm kịch Nagasaki.

Cái chân nến này, được thực hiện cho chuyến tông du tới Nhật Bản, được làm bằng đồng mạ bạc, cao 1,20 m, dưới đáy dựa trên ba giải trên đó có khắc chữ “PAX”. Thân của nó là hình ống được đánh dấu ở giữa chiều cao một ảnh tượng mạ vàng mang huy hiệu của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Trên đỉnh, ngọn nến bằng sáp ong được giữ như bởi ba tấm màn kim khí.

Đức Giáo Hoàng đã đọc bài diễn văn trước bức ảnh cậu bé đeo sau lưng đứa em trai đã chết vì trái bom nguyên tử năm 1945, và cậu mang em tới nhà thiêu của Nagasaki. Đức Giáo Hoàng đã chọn tấm ảnh này để làm thiệp chúc mừng Ngày Thế Giới Hòa Bình 2018 và đã viết lời giải thích “kết quả của chiến tranh”. Như để khuấy động sự dửng dưng và nhắc nhở rằng trẻ em là những nạn nhân dễ bị tổn hại nhất trong các cuộc chiến tranh của ngày hôm qua và ngày hôm nay.

Sự dửng dưng là không thể được: “Không ai có thể dửng dưng trước sự đau khổ của hàng triệu người nam và nữ, ngày hôm nay còn tiếp tục cật vấn lương tâm chúng ta ; không ai có thể bịt tai trước những tiếng kêu của người anh em bị thương đang gọi ; không ai có thể nhắm mắt trước những cảnh hoang phế của một nền văn hóa không có khả năng đối thoại”.

Điều 9 Hiến Pháp

Nhưng nếu ngày hôm nay, tại Nhật Bản, ở Nagasaki, Đức Giáo Hoàng nhắc lại một cách rõ ràng và mạnh mẽ, thì không chỉ nhằm vào cộng đồng quốc tế. Quả vậy, các nhân vật chính trị Nhật Bản, trong đó có Thủ Tướng, ông Shinzo Abe – mà Đức Giáo Hoàng sẽ phải gặp ngày thứ hai 25/11 -, đang đòi hỏi bãi bỏ điều 9 của bản Hiến Pháp năm 1946, được thông qua dưới thời chiếm đóng của Hoa Kỳ và ghi rằng Nhật Bản từ chối chiến tranh.

Về phần hoàng gia, thiên hoàng Akihito, và vị tân Nhật Hoàng Naruhito, mới đăng quang hồi tháng 10 vừa qua – mà Đức Giáo Hoàng cũng sẽ gặp gỡ vào ngày thứ hai, trước Thủ Tướng – thi trái lại, các ngài muốn duy trì điều khoản này.

Những vũ khí của cầu nguyện và đối thoại

Đức Giáo Hoàng đã mời gọi cầu nguyện “cho sự trở lại của những lương tâm và cho sự thắng lợi của một nền văn hóa của sự sống, của hòa giải và của tình huynh đệ”, “một tình huynh đệ biết công nhận và bảo đảm những khác biệt trong việc tìm kiếm một vận mệnh chung”, trước khi đọc kinh Hòa Bình của thánh Phanxicô Assisi: “Xin làm cho con là một người thợ của hòa bình”.

Nhắc lại lời kêu gọi của các giám mục Nhật Bản về việc giải trừ các vũ khí hạt nhân và 10 ngày hàng năm do các ngài đề xướng cho hòa bình, Đức Giáo Hoàng quả đã khuyến khích phải vun trồng “cầu nguyện, tìm kiếm không mỏi mệt sự phát huy thỏa hiệp, sự nhấn mạnh về đối thoại” như là bấy nhiêu ‘‘vũ khí’’ trong đó có thể đặt sự “tin tưởng”.

Nhân cuộc gặp gỡ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô và các giám mục của đất nước này, được công nhận vì lòng “can đảm” của các ngài đòi hỏi chọn lựa hòa bình, Đức Cha chủ tịch Hội Đồng Giám Mục, Đức Cha Takami, tổng giám mục Nagasaki – quê quán của ngài ! -, và cựu tổng giám mục Hiroshima, đã lập lại rõ ràng rằng “nhân loại không cần vũ khí hạt nhân”.

Ảo ảnh “bi thảm” của sự răn đe hạt nhân

Đức Giáo Hoàng đã bài bác một lần nữa học thuyết răn đe hạt nhân bằng cách đề nghị trái lại con đường của sự “phụ thuộc lẫn nhau” và sự “đồng trách nhiệm” trong các quan hệ quốc tế: “Hòa bình và ổn định quốc tế xung khắc với mọi mưu toan tính trên sự sợ hãi tàn phá đôi bên hay trên một đe dọa tiêu diệt hoàn toàn ; chúng chỉ có thể đến từ một nền đạo đức toàn cầu về liên đới và hợp tác phục vụ cho một tương lai được tạo hình bởi tính phụ thuộc lẫn nhau và sự đồng trách nhiệm trong lòng của mỗi gia đình con người của ngày hôm nay và của ngày mai”.

Đức Giáo Hoàng chÌ ra những hậu quả mang tính phá hoại của sự chọn lựa răn đe hạt nhân và sự vô hiệu của nó để có được hòa bình trên thế giới: ngài cầu mong rằng sự “ngờ vực” hiện đang thắng thế trong các quan hệ quốc tế, trái lại, nhường chỗ cho sự “tin cậy”.

Nói không với một nền hòa bình xây dựng trên sợ hãi

Tòa Thánh đã nhiều lần khẳng định tại Liên Hiệp Quốc rằng “Vũ khí hạt nhân cung cấp một cảm tưởng an ninh giả tạo, cũng như những nỗ lực để trấn an một nền hòa bình tiêu cực bằng một sự quân bằng các quyền lực”. Đó là điều đã được khẳng định ngày 02/5/2017, bởi Đức Cha Janusz Urbanczyk, trưởng phái đoàn Tòa Thánh tại Ủy Ban Trù bị cho cuộc hội thảo 2020 nghiên cứu hiệp ước Cấm phổ biến vũ khí hạt nhân. Ngài đã khuyến khích “một quan niệm tích cực về hòa bình”.

Đức Cha Paul Gallagher, thứ trưởng của Tòa Thánh cho các quan hệ với các quốc gia cũng đã can thiệp trong chiều hướng đó, ngày 17/9/2018, tại cuộc hội nghị quốc tế lần thứ 62 của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (AIEA).

Ngài đã bày tỏ ý kiến cho “một nền hòa bình thế giới, thực sự và bền vững”, nhấn mạnh “sự cấp bách cần thiết của một nền đạo đức tân tiến toàn cầu về trách nhiệm, liên đới và an ninh hợp tác, để thay thế những phương thức suy nghĩ xưa cũ, quá nhiều khi bị lèo lái bởi lợi nhuận cá nhân và bởi sự ngờ vực”, trong lãnh vực hạt nhân.

“Vũ khí hạt nhân là những vũ khí hủy diệt hàng loạt và hủy diệt môi trường”, ngài cảnh báo.

Ít năm trước đó, vào năm 2015, tại Vienne, trong Hội Nghị của Cơ quan Năng Lượng Nguyên Tử quốc tế, ngài đã khuyến khích loại bỏ vũ khí hạt nhân: “Cái lôgíc của sự sợ hãi và của sự đe dọa phải được thay thế bằng một nền đạo đức thế giới mới”

Vị thứ trưởng ngoại giao của Tòa Thánh đã lên tiếng tại Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (AIEA) ngày 14/9/ năm đó tại Vienne (Áo).

Lôgíc của lòng tin tưởng

Nhân danh Tòa Thánh, Đức Cha Gallacher, ngoài ra, đã ký kết một Hiệp Ước cấm vũ khí hạt nhân, tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York, ngày 20/9/2017.

Tòa Thánh như thế, có một học thuyết liên tục và được đào sâu chống lại sự tán phát vũ khí hạt nhân và sự răn đe, như đã được minh chứng, thí dụ, bởi sự can thiệp của Đức Cha Migliore tại Liên Hiệp Quốc, New York vào năm 2008/

Tòa Thánh cũng đã tố cáo tại Liên Hiệp Quốc, ở Genève, năm 2018, “ảo ảnh bi thảm của một nền ‘‘hòa bình’’ được xây dựng trên sợ hãi”.

Tóm lại, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tuyên bố tại Nagasaki, phải dấn thân xây dựng niềm tin: “Sự tin tưởng lẫn nhau bẻ gãy động thái của nghi kỵ đang thắng thế hiện nay”. Ngài đã viện dẫn sứ điệp của GH Gioan XXIII “Pacem in Terris” để nhắc nhở rằng hòa bình chỉ được xây dựng độc nhất trên “sự tin tưởng lẫn nhau”.

Từ các thánh tử đạo của trái bom đến các thánh tử đạo của bách hại

Sau bài diễn văn, Đức Giáo Hoàng đã tới ngọn đồi Nishizaka, tới đài tưởng niệm các thánh tử đạo Kitô giáo, đặc biệt là thánh Phaolô Miki, tu sĩ dòng Tên Nhật Bản đầu tiên và 25 đồng bạn, bị chết năm 1507: các Kitô hữu của Nhật Bản lúc đó đã sống một thời kỳ bách hại dài đến 260 năm.

Đức Giáo Hoàng đã cầu nguyện và ngài đã trở về tòa giám mục để dùng bữa trưa trước thánh lễ tại sân vận động bóng chày, vào lúc 14 giờ (6 giờ Rôma). Đức Giáo Hoàng, sau đó, đã có hẹn với thành phố đầu tiên bị đánh bom nguyên tử, Hiroshima, cho một cuộc “Gặp Gỡ cho hòa bình”. Ngài sẽ trở lại Tokyo bằng máy bay để nghỉ qua đêm tại tòa khâm sứ.

Mai Khôi dịch từ bản tiếng Pháp của Zenit

Nguồn: baigiangdtc.dk

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận