Một số vấn đề đạo đức trong đại dịch Virus Corona: Những lựa chọn sinh mạng, kinh tế và tự do cá nhân trong đại dịch

718 lượt xem

MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẠO ĐỨC TRONG ĐẠI DỊCH VIRUS CORONA
KỲ 2: NHỮNG LỰA CHỌN SINH MẠNG, KINH TẾ VÀ TỰ DO CÁ NHÂN TRONG ĐẠI DỊCH
 

Đại dịch càng kéo dài, chính phủ đứng trước những thiệt hại về kinh tế, mỗi cá nhân đứng trước sự thiệt hại về tự do…

Đã hơn năm tháng kể từ ngày dịch viêm phổi Vũ Hán được công bố ở Trung Quốc. Sự thiệt hại kinh tế của cộng đồng lẫn sự thiệt hại, rạn vỡ trong mỗi cá nhân ngày càng lộ rõ…

Hy sinh mạng sống bảo vệ kinh tế

Khi phó Thống đốc bang Texas thuộc đảng Cộng hòa Dan Patrick nói trên Fox News rằng người già có thể sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình để bảo vệ kinh tế cho con cháu trước đại dịch virus corona. Nói cách khác, theo ông, để đảm bảo cho nền kinh tế Hoa Kỳ được bền vững và phát triển, những người già cần phải hy sinh bản thân mình, tức sẵn sàng chết. Qua chủ trương này, nhiều người cho rằng ông Dan Partric đã đưa ra một lập theo chủ nghĩa thực dụng. Tuy nhiên, lập luận ấy của ông lại gần với học thuyết của chủ nghĩa cộng sản hơn.

Quả thật, trong câu nói của mình, ông đặt nghĩa vụ yêu nước lên hàng đầu, và dĩ nhiên trong trường hợp này, những người cao tuổi trong nước Mỹ nên hiểu điều đó. Lối lập luận đạo đức mang hơi hướng cộng sản như vậy luôn gây được tiếng vang trong nước Mỹ, và nó đã gây ra sự phản đối mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông xã hội. Thống đốc bang New York, ông Andrew Cuomo đáp trả rằng mẹ của ông và mẹ của bất cứ ai không thể bị hy sinh, cũng như tất cả mọi người cũng không cần phải hy sinh chỉ vì người ta muốn đặt đồng tiền trên mạng sống của con người.

Tại nước Úc, dù đã tránh được số ca nhiễm virus corona tử vong cao như ở một số nước khác sau khi đóng cửa biên giới và áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại. Những biện pháp này đã giúp làm chậm quá trình lây lan của dịch bệnh, nhưng đã đẩy tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 10%, mức cao nhất ở Úc trong 16 năm qua. Trước tình trạng tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, ngày càng có nhiều người kêu gọi nới lỏng các biện pháp cách ly xã hội. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế học hàng đầu của Úc đã công bố một bức thư mở kêu gọi chính phủ nước này tiếp tục ưu tiên ngăn chặn virus corona lây lan.

Rõ ràng, đứng trước khó khăn về kinh tế, những nhà lãnh đạo tại các quốc gia đều phải đưa ra những lựa chọn không hề dễ dàng. Chẳng có lựa chọn nào làm hài lòng tất cả các bên, khi mà những lựa chọn ấy có thể ảnh hưởng đến sự nghiệp chính trị của họ thì nó càng khó khăn hơn nữa.

Truyền thông vô cảm

Tại Việt Nam, trong thời gian kêu gọi toàn dân ủng hộ nhà nước chống dịch, hàng loạt các cơ quan truyền thông nhà nước đưa lên những hình ảnh người già, người nghèo, người neo đơn, trẻ con, cựu chiến binh, gom góp tiền ăn sáng, tiết kiệm, thậm chí có người bán con gà duy nhất… để góp tiền ủng hộ chống dịch. Đây là kiểu tuyên truyền lấy được, theo kiểu miễn sao đạt được mục đích là đi vào lòng người, thể hiện tính nhân văn của con người trong xã hội Việt Nam do đảng lãnh đạo, cũng như kích thích lòng yêu nước, tinh thần sẵn sàng hy sinh vì đất nước trong nhân dân. Tuy nhiên, nó thật vô cảm nếu nhìn từ góc độ khác, bởi một chính phủ luôn tự hào lo lắng cho dân ấm no hạnh phúc không những không thể nhận tiền bán con gà duy nhất, tiền tiết kiệm của cụ già neo đơn được, mà ngược lại phải chăm lo cho những trường hợp ấy. Còn nếu vì tấm lòng của người ủng hộ mà nhận thì cũng nhận một phần nhỏ tượng trưng chứ không thể nhận hết những cái họ có để nuôi sống mình. Ai cũng hiều các cơ quan tuyên truyền đưa lên những việc làm như thế nhằm làm “chim mồi” cho việc vận động quyên góp, nhưng có lẽ nó chỉ khiến những người có lương tâm ngay thẳng cảm thấy xót thương cho dân nghèo Việt Nam và ác cảm với bộ máy cầm quyền chứ ít có ích lợi cho người tiếp nhận thông tin như vậy. Đó là chưa kể cư dân mạng đã bóc mẻ một vài vụ mà các cơ quan truyền thông tự dàn dựng cảnh quyên góp rồi quay phim để đưa lên báo chí.

Kiểm soát quyền con người trước trách nhiệm cộng đồng

Tại Trung Quốc, ngay sau khi công bố dịch virus corona tại Vũ Hán, chính quyền Bắc Kinh đã thực hành một loạt các biện pháp nhằm kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh. Người dân của thành phố Vũ Hán và sau đó là một loạt thành phố khác được yêu cầu tự cách ly, mà nói thẳng ra là tự giam mình trong nhà vì lợi ích của cộng đồng và nhà nước. Các nhà chức trách Vũ Hán, trung tâm của ổ dịch viêm phổi cấp, nỗ lực truy tìm các bệnh nhân nhiễm virus corona, những người tiếp xúc nhiều với họ và cả những người nghi nhiễm để cho vào khu cách ly. Họ sử dụng những biện pháp nghiêm ngặt để kiểm soát mọi hoạt động của công dân, thậm chí những hình ảnh được công bố trên các mạng xã hội cho thấy một sự khắc nghiệt trong hành động của những người thi hành luật.

Hôm 6-2-2020, một đoạn video quay cảnh người đàn ông nghi nhiễm virus corona cố bỏ chạy khi các quan chức đến gặp và định đưa anh vào khu vực cách ly thu hút sự chú ý của người dùng mạng Twitter. Một đoạn video cũng trên Twitter, ghi cảnh những người nghi nhiễm virus corona đang bị các quan chức mặc bảo hộ đầy đủ kéo ra khỏi nhà. Trong video, hai người đã bị cảnh sát nắm tay, trong khi một người thứ ba tỏ ra chống đối hơn bị nhấc lên từ dưới sàn nhà và đưa đi. Video này cho là quay ở TP.Tô Châu, tỉnh Giang Tô (gần Thượng Hải).

Bà Tôn Xuân Lan, Trưởng ban Mặt trận Thống nhất Trung ương Trung Quốc, từng kêu gọi thực hiện “cuộc chiến tranh nhân dân” nhằm chống lại đại dịch viêm phổi cấp do chủng virus corona chủng mới gây ra. Nhiều tổ chức nhân quyền đã lên tiêng phản đối các biện pháp của Trung Quốc và cho rằng nó gây đau khổ hơn là giúp đỡ người dân. Đó là chưa kể Trung Quốc vẫn bị lên án vì những mập mờ trong việc công bố và xử lý dịch bệnh.

Còn nhớ trước đó, bác sĩ Lý Văn Lượng, một bác sĩ tại Vũ Hán đã cảnh báo các đồng nghiệp của mình về virus corona. Sau đó chính quyền đã làm việc và gây áp lực với vị bác sĩ này vì tội “truyền bá tin đồn sai lệch”. Sau đó, bác sĩ Lý đã bị dương tính với virus coronavirus và qua đời. Dù Tòa án nhân dân tối cao của Trung Quốc đã bác bỏ virus corona lan truyền là “tin đồn” và minh oan cho bác sĩ Lý, thậm chí anh còn được công nhận liệt sĩ, nhưng điều mà ai cũng biết đó là từ trước tới giờ Trung Quốc vẫn luôn kiểm duyệt thông tin một cách chặt chẽ, mọi thông tin chính thức đều do chính quyền nắm. Bên cạnh đó, nhiều tổ chức như Tổ chức Ân xá Quốc tế chỉ trích rằng Trung Quốc đã có những tác động mạnh đối với Tổ chức Y tế Thế giới liên quan đến các vấn đề như: Giảm thiểu mức độ nghiêm trọng của dịch, thông tin sai lệch về virus, ém thông tin… Những điều đó nếu minh bạch có thể giúp đội ngũ y tế giải quyết virus corona, giúp mọi người tự bảo vệ mình khỏi bị phơi nhiễm cũng như gây ra dịch bệnh cho cả thế giới.

Dưới thời chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc đã phục hồi phần nào đó tư tưởng Nho giáo mà có thể mang lại ích lợi cho Đảng cầm quyền. Đặc biệt ở vấn đề quyền lực của nhà nước phải đảm bảo sự nghiêm minh từ trên xuống là quan trọng, và sự gắn kết xã hội chỉ có thể được thực hiện bằng biện pháp kỷ luật.

Corona thách thức nền dân chủ

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, người ta phải công nhận rằng những biện pháp mạnh của nhiều chính phủ như cách ly xã hội, bắt buộc mang khẩu trang… đã mang lại hiệu quả. Sự dè dặt trong thói quen của người dân các nước phương Tây đã thay đổi. Người ta đã ý thức hơn đó không chỉ là cách bảo vệ mình nhưng còn là trách nhiệm với cộng đồng. Việc bắt buộc mang khẩu trang của chính quyền Đức dù là đã trễ nhưng vẫn có ích cho chặng đường đối diện đại dịch phía trước. Tương tự như vậy, tại Mỹ người ta tranh cãi về vấn đề cách ly dữ dội; thậm chí có cả những cuộc biểu tình của dân chúng chống lại điều này trong thời điểm dịch bệnh đang trong đỉnh cao với hàng ngàn người chết và hàng chục ngàn ca nhiễm mỗi ngày.

“Virus corona là một thách thức cho nền dân chủ”, Thủ tướng Đức hôm 23-4 đã nói như vậy. Trước đó, thời điểm giữa tháng 3-2020, bà Angela Merkel nói bởi virus corona, nước Đức đang đối diện với thách thức lớn nhất “kể từ Thế chiến 2”.

Theo Hãng tin AFP, giới quan sát thời điểm đó xem đây là một “cảnh báo cuối cùng” bà Merkel gửi tới người dân Đức để lưu ý tới các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Chính quyền Đức đã đóng cửa các trường học, doanh nghiệp và hạn chế tập trung người tại những nơi công cộng từ trước đó để để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Tuy nhiên, nước này vẫn chưa ra lệnh cho người dân ở lại trong nhà, trái với các biện pháp khắt khe đang được áp dụng ở Pháp, Bỉ, Ý và Tây Ban Nha, nhiều người Đức vẫn còn ra ngoài thưởng thức ánh nắng mùa xuân, thậm chí tổ chức tiệc tùng. Những biện pháp mạnh chỉ được đưa ra khi sau khi cân nhắc và chờ đợi. Tất cả các bang của Đức đã công bố kế hoạch bắt buộc đeo khẩu trang để ngăn sự lây lan của virus corona từ cuối tháng 4-2020.

Nhiều cách thức biểu đạt tự do lựa chọn của cá nhân

Có ý kiến cho rằng các nhà nước Châu Âu hay Mỹ đã chậm trễ và chủ quan trong việc phòng dịch và xa hơn nữa là thể chế dân chủ xử lý khủng hoảng kém hơn nhà nước độc tài. Trong một xã hội dân chủ, không có chuyện chính quyền ép buộc dân chúng đi cách ly hay ở yên một chỗ, thậm chí lùng bắt những người bị nghi ngờ và dùng vật nặng chặn cửa ra vào của người dân như tại Vũ Hán, Trung Quốc.

Các nhà triết học phương Tây cho rằng sự tự do lớn nhất chính là tự do về lựa chọn. Công tác chống dịch của phương Tây rất cần sự tự giác của người dân là vì vậy. Các thể chế chính trị và kinh tế suy cho cùng là sự chọn lựa của xã hội, người châu Âu đã chọn thể chế tự do và họ sẽ đối mặt với khủng hoảng bằng thể chế tự do, nhưng chính vì thế nó đang đứng giữa một thử thách: Quyền tự do lựa chọn được thực hiện như thế nào cho phù hợp.

Sau khi nước Đức đưa ra những biện pháp mạnh nhằm ngăn chặn dịch bệnh, thì hàng nghìn người đã tham gia vào các cuộc biểu tình ở thành phố Berlin, Stuttgart vào ngày 25-4, chống lại các biện pháp này. Khoảng 1.000 người đã tập trung biểu tình tại Volksbühne, gần trung tâm TP. Berlin. Những người biểu tình hét lên “tôi muốn trở lại cuộc sống của tôi” và giơ cao các tấm biển với dòng chữ “bảo vệ quyền lập hiến”.

Tại nhiều bang của nước Mỹ, chẳng hạn như ở Michigan, một trong những điểm nóng của dịch, những ngày đầu tháng 5-2020, hàng trăm người biểu tình, một số người có vũ trang bằng súng máy đã xuống đường biểu tình để phản đối muốn gia hạn các lệnh cách ly của chính quyền.

Hôm 5-5, một nhân viên bảo vệ tại một cửa hàng ở bang Michigan (Mỹ) đã bị bắn chết sau khi yêu cầu một phụ nữ đeo khẩu trang phòng dịch virus corona khi vào cửa hàng. Cũng mới đây, ngày 6-5, báo New York Times cho biết “các bữa tiệc COVID-19” được tổ chức để mọi người có thể tiếp xúc với một người nhiễm virus corona, với hi vọng rằng họ sẽ có thể nhanh khỏi bệnh và có miễn dịch. Việc các nhóm người muốn lây nhiễm có chủ đích để đạt “miễn dịch cộng đồng” không phải là chuyện mới mẻ trong lịch sử nước Mỹ. Trước đây, các quan chức y tế Mỹ đã phải nỗ lực ngăn chặn các “bữa tiệc thủy đậu” trong bối cảnh nhiều bậc phụ huynh đem con, chưa được tiêm ngừa thủy đậu, tham dự các cuộc tụ tập với hi vọng chúng sẽ có miễn dịch với bệnh này.

Đỗ Minh

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận