Kiến tạo không gian thánh trong khi tham dự thánh lễ online

1389 lượt xem

Thánh lễ là “hành vi cao cả được thực hiện để tôn vinh Thiên Chúa cách hoàn hảo và thánh hóa con người” (Hiến chế về Phụng vụ thánh, Sacrosanctum Concilium, số 7). Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, vì đại dịch virus Covid-19, các nhà thờ phải đóng cửa. Người tín hữu không thể tham dự thánh lễ tại các ngôi thánh đường như thường lệ, thay vào đó, họ phải tham dự thánh lễ online. Câu hỏi được đặt ra là, đâu là thái độ mà người Ki-tô hữu cần có để có thể tham dự thánh lễ online một cách sốt sắng?

Kiến tạo không gian thánh

Giáo hội Công giáo nổi tiếng với những ngôi thánh đường nguy nga. Tuy nhiên, điều mà người ta ấn tượng hơn khi bước vào một ngôi thánh đường là sự linh thiêng và bình an lạ thường. Quả thực, thánh đường như tên gọi của nó là một không gian thánh, là nơi gặp gỡ và cầu nguyện. Thánh đường là nơi mà mỗi người dễ dàng cảm nhận được sự hiện diện của Thiên Chúa. Hơn nữa, thánh đường cũng là nơi giúp người Công giáo nuôi dưỡng chiều kích ký ức về tình yêu và mầu nhiệm cứu độ của Ngôi Hai Thiên Chúa. Nơi thánh đường, chúng ta được gặp gỡ, đụng chạm và chiêm ngắm những ký ức về Đức Giê-su, Con Thiên Chúa. Ví dụ, khi nhìn lên bàn thờ, chúng ta phần nào cảm nhận Đức Giê-su vẫn đang hiện diện ở đó như Ngài đã hiện diện với các môn đệ trong bữa tiệc ly. Do đó, thánh đường là một không gian lý tưởng để chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa ngang qua các cử hành phụng vụ.

Không gian thánh của thánh đường gợi cho chúng ta suy nghĩ về hay kiến tạo nên một không gian thánh tại gia đình để tham dự thánh lễ online. Ví dụ, chúng ta có thể thắp cây nến của ngày chịu phép rửa trong khi tham dự thánh lễ trực tuyến. Chúng ta có thể sử dụng một cây thánh giá đặt kế sách Tin mừng để cảm nhận được nguồn mạch lời Chúa và ơn cứu độ của Ngài hiện diện một cách sống động trong gia đình của chúng ta.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất để tham dự một thánh lễ sốt sáng vẫn là việc kiến tạo một không gian thánh trong chính tâm hồn mỗi người. Chúng ta chuẩn bị không gian ấy bằng việc giữ một sự bình an nội tâm cần thiết qua việc mặc quần áo xứng hợp, tắt điện thoại, tạm gác lại các công việc bên ngoài để khỏi lo ra chia trí. Uỷ ban Phụng tự nhắc nhở chúng ta rằng, “tham dự thánh lễ trực tuyến như khi đang hiện diện giữa cộng đoàn phụng vụ tại giáo xứ: không sử dụng điện thoại, không làm việc riêng, vẫn thưa đáp (và hát), thực hiện các tư thế, cử chỉ tôn kính và giữ thinh lặng theo quy định của thánh lễ” (Uỷ ban Phụng tự). Tương tự, Công Đồng Vatiano II cũng nhắc nhở các tín hữu rằng, các tín hữu cần “tham dự Phụng Vụ Thánh với tâm hồn chuẩn bị sẵn sàng, ngay thẳng, hòa hợp tâm trí mình với ngôn ngữ, và cộng tác với ân sủng trên trời, để đừng nhận lãnh ân sủng đó một cách vô ích” (Hiến chế Tín lý về Phụng vụ, số 11).

Chiều kích cộng đoàn

Khi tham dự thánh lễ tại một thánh đường của cộng đoàn giáo xứ, mỗi người tín hữu sẽ cảm nhận được mầu nhiệp hiệp thông Ki-tô giáo. Ai cũng biết rằng bên cạnh mình còn có anh chị em giáo hữu, những người cùng chia sẻ một phép rửa và một đức tin. Nói cách khác, có một sự hiệp thông sâu xa giữa mỗi thành viên trong cộng đoàn tham dự thánh lễ. Trong sự hiệp thông này, mỗi người ít nhiều sẽ cảm nhận được sự hiện diện và nâng đỡ của anh chị em khác về đời sống đức tin cũng như sự thông hiệp về đức ái. Chính Đức Giê-su quả quyết, “ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa những người ấy” (Mt 18,20). Tuy nhiên, với việc tham dự phụng vụ online, sự hiệp thông đó dường như không còn nữa hay ít nhất là khó để cảm nhận một cách rõ ràng.

Để phần nào bù đắp sự “mất mát” đó, Uỷ ban Phụng Tự khuyên chúng ta rằng, “các tín hữu nên tham dự thánh lễ ‘phát trực tiếp’ để được hiệp thông cách trọn vẹn và sống động.” Sự tham dự trực tiếp như vậy giúp người tín hữu có được cảm thức về sự hiệp thông giữa các thành viên của “cộng đoàn online.” Mỗi người ít nhiều cảm nhận được rằng, ở một nơi nào đó, anh chị em giáo hữu của tôi cũng đang hiệp thông với tôi trong thánh lễ này. Bên cạnh đó, để có thể cảm nhận được sự hiệp thông sâu xa hơn giữa các thành viên cộng đồng online, chúng ta nên cùng nhau tham dự thánh lễ trực tuyến với mọi người trong gia đình hay với những người thân bên cạnh chúng ta. Sự hiện diện của các thành viên trong gia đình giúp chúng ta cảm nhận một cách rõ ràng sự hiệp thông trong thánh lễ. Truyền thống của Giáo hội vẫn thường gọi gia đình là Hội thánh tại gia. Cuối cùng, chúng ta biết rằng, khi tham dự thánh lễ, chúng ta đang được kết hợp với chính Đức Giê-su, là Đấng vượt lên trên giới hạn của không gian và thời gian để nối kết chúng ta nên một trong Ngài. Với niềm xác tín đó, chúng ta tin chắc rằng, dù ở nơi đâu, chúng ta vẫn đang được kết hợp với anh chị em mình trong bí tích thánh thể, khi cùng nhau cử hành Hy lễ vượt qua.

Rước lễ thiêng liêng

Có lẽ một trong những mất mát lớn nhất của việc tham dự thánh lễ online là người tín hữu không được rước lễ, nó tựa như việc một người đi dự tiệc lại không được ăn tiệc! Thực ra, vào thời Trung Cổ, người Ki-tô hữu không được rước lễ thường xuyên như ngày nay.

Trong bối cảnh đó, trong Giáo hội phát triển một truyền thống được gọi là rước lễ thiêng liêng. Rước lễ thiêng liêng nghĩa là người Ki-tô hữu được mời gọi để nâng tâm hồn lên với Chúa, khao khát để được kết hợp với Đức Ki-tô trong thánh lễ. Thánh Tê-rê-xa thành Avila nói rằng, khi cần, chúng ta hãy rước lễ thiêng liêng, vì “đó là một việc đạo đức mang lại lợi ích thiêng liêng rất lớn, khi rước lễ thiêng liêng, chính tình yêu Thiên Chúa ghi dấu trên tâm hồn anh chị em.” Tương tự, thánh Gioan Maria Vianney dạy rằng, “khi con cảm thấy tình yêu Chúa trở nên nguội lạnh, con hãy rước lễ thiêng liêng, khi con không thể đi tới nhà thờ, hãy hướng mình lên nhà tạm; không một bức tường thành nào có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu Thiên Chúa được.” Trong dịp đặc biệt này, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các Ki-tô hữu thực hành việc rước lễ thiêng liêng trong khi tham dự thánh lễ online. Trong tin thần đó, Uỷ ban Phụng tự của Hội Đồng giám mục Việt nam cũng mời gọi các tín hữu chuẩn bị tâm hồn để rước lễ thiêng liêng. Tài liệu này viết rằng, các tín hữu cần “có tâm hồn thành tâm thống hối và ước ao kết hợp với Chúa bằng việc rước lễ thiêng liêng. Mỗi giáo phận có thể hướng dẫn kinh nguyện cho tín hữu chuẩn bị tâm hồn rước lễ thiêng liêng.” Trước khi rước lễ, chúng ta có thể thầm thỉ trong lòng lời nguyện mà Giáo hội đã dạy chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu,
con tin Chúa đang hiện diện trong Bí tích Thánh Thể.
Con yêu mến Chúa trên hết mọi sự,
và con luôn khát khao được rước Chúa ngự vào lòng con.
Song bây giờ con chẳng thể rước Mình Thánh Chúa,
thì ít nữa xin Chúa hãy ngự vào lòng con cách thiêng liêng.
Ngay khi Chúa đến
Con giữ chặt Chúa và toàn thể con người con kết hiệp với Chúa,
xin đừng bao giờ để con phải xa lìa Chúa. Amen.

Nuôi dưỡng cơn khát thiêng liêng

Cuối cùng, có lẽ ai trong chúng ta cũng ít nhất một lần cảm thấy khó hoàn thành “nhiệm vụ” phải dự lễ Chúa nhật. Là người Công giáo, chúng ta biết rằng mình có bổn phận tham dự thánh lễ nếu không sẽ phạm tội trọng. Nói cách khác, tham dự thánh lễ đôi khi trở thành một trách nhiệm hơn là một ân huệ mà Thiên Chúa trao ban cho chúng ta. Việc quá nhấn mạnh đến việc giữ luật như thế đôi khi khiến ý nghĩa đích thực của thánh lễ bị đánh mất. Việc tham dự thánh lễ không phải là một nghĩa vụ nhưng là một ân huệ, một quà tặng mà Thiên Chúa trao ban cho chúng ta. Món quà này thật đặc biệt vì chính Đức Giê-su đã trao ban nó cho chúng ta trước khi Ngài lìa bỏ thế gian mà về cùng Cha. Thời gian này chúng ta không thể tham dự thánh lễ cũng là cơ hội để nhìn lại giá trị của món quà vô giá kia. Thường chúng ta chỉ nhận ra giá trị của điều mà ta không còn sở hữu nữa. Trong cơn khát được “gặp Chúa gặp người,” chúng ta tin tưởng rằng, đại dịch này sẽ sớm qua đi và chúng ta lại cùng nhau lên đền thánh để cùng nhau gặp gỡ Thiên Chúa. Còn giờ đây, chúng ta hãy để cho cõi lòng mình vang vọng lời Thánh vịnh 41:

Như nai rừng mong mỏi tìm về suối nước trong,
hồn con cũng trông mong được gần Ngài, lạy Chúa.
Linh hồn con khao khát Chúa Trời, là Chúa Trời hằng sống.

Minh Triệu, SJ

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận