Khi thanh thiếu niên gắn bó với điện thoại

1280 lượt xem

KHI THANH THIẾU NIÊN GẮN BÓ VỚI ĐIỆN THOẠI

Marybeth Hicks

 Với sức phát triển vượt bậc của công nghệ hiện đại, đối với thanh thiếu niên, điện thoại di động được coi là một vật bất khả phân ly, là cứu cánh không thể thương lượng. Câu chuyện dưới đây không còn xa lạ, hy hữu, nếu không muốn nói, rất gần gũi, phổ biến ở bất cứ đâu.

Trong nhiều năm, hai vợ chồng tôi mong mỏi có cháu để bồng ẵm hầu bớt thấy quạnh hiu sau khi nghỉ hưu. Và thật hạnh phúc, khi chúng tôi có 3 đứa cháu ngoại! Con gái tôi lần lượt gửi các cháu để chúng tôi chăm sóc ngay từ khi các cháu còn rất nhỏ. Đối với chúng tôi, đó thực sự là khoảng thời gian hết sức tuyệt vời. Chúng tôi hầu như dành hết thời gian để chăm sóc lũ trẻ: nấu cho chúng ăn, đọc sách cho chúng nghe, đưa chúng đến thư viện, và tận hưởng những buổi vui chơi tại công viên. Theo dòng thời gian, các cháu bây giờ 11, 14 và 17 tuổi, tôi cảm thấy chúng tôi đã xây dựng được mối tương quan rất thân thiết với các cháu.

Nhưng rồi, mọi sự thay đổi nhanh đến độ ngỡ ngàng, khi con gái và con rể của chúng tôi quyết định cho bọn trẻ dùng điện thoại di động, và thực, tôi không hề nói sai: toàn bộ tính cách của chúng đã thay đổi!

Bọn trẻ hoàn toàn không còn hứng thú với việc dành thời gian cho chúng tôi vì chúng luôn cắm mặt vào điện thoại thông minh của mình hầu như 100% thời gian. Ngay cả khi chúng tôi đề nghị đưa chúng đến nhà hàng chúng vốn yêu thích, hoặc dự một sự kiện thể thao trong thành phố. Thật là tổn thương khi chúng tôi dành cả buổi chiều với chúng mà không có được bất kỳ cuộc trò chuyện có ý nghĩa nào, vì chúng thực sự phớt lờ chúng tôi và chỉ dán mắt vào điện thoại!

Tôi đã nói chuyện với con gái và con rể của chúng tôi về điều này kể cả cảm giác bị tổn thương khi bọn trẻ không chú ý đến chúng tôi nhưng điều tồi tệ hơn, đó là cả hai không muốn giải quyết vấn đề này. Thật thế, con gái tôi đưa ra câu trả lời rằng: “Đây là những gì trẻ em ngày nay thấy thích thú, và bố mẹ cũng cần ngừng làm mọi thứ thuộc về cảm xúc của bố mẹ“. Sau một thời gian, vì cảm thấy không thể khiến các cháu lưu tâm đến tình yêu thương mà chúng tôi dành cho chúng, chúng tôi đã nghĩ đến việc làm ngơ, không bận tâm tới chúng nữa. Dù thế, điều tôi lo lắng nhất là bọn trẻ đang bỏ lỡ khoảng thời gian đặc biệt với ông bà của chúng!

Trong trường hợp này, một chuyên viên tâm lý đã chia sẻ những trải nghiệm như sau.

Trước hết, mặc dù nhận xét của cha mẹ bọn trẻ của là đúng — ngày nay điện thoại thông minh là thứ mà bọn trẻ yêu thích — nhưng điều đó không có nghĩa là chúng được phép phớt lờ hoặc cư xử thô lỗ với ông bà.

Vấn đề nghiêm trọng ở đây là người mẹ không nghĩ rằng cảm xúc của người bà về tình huống này là quan trọng. Cô ấy đang tạo điều kiện cho các con của mình trở nên chai sạn khi không dạy chúng cân nhắc đến cảm xúc của người khác. Thay vào đó, cô ấy cho phép bọn trẻ cư xử một cách ích kỷ khi chỉ biết quan tâm đến sở thích chú tâm đến điện thoại của mình. Trẻ em không đột nhiên dời mắt khỏi điện thoại và bắt đầu cư xử chu đáo với người lớn tuổi một cách kỳ diệu! Cách cư xử tốt được dạy bằng việc yêu cầu chúng chú ý đến người khác và cảm nhận cảm xúc của những người xung quanh. Ở đây, không phải là lỗi của bọn trẻ mà là lỗi của cha mẹ chúng vì đã không dạy chúng cách cư xử đúng đắn.

Tuy nhiên, có những điều mà ông bà có thể làm để khơi lại mối tương quan với các cháu của mình trong giai đoạn tuổi thiếu niên rất quan trọng này:

  1. Tìm hiểu một chút về văn hóa đại chúng.

Chúng ta cần quan tâm và dành thời gian để tìm hiểu một chút về đội thể thao, nhạc sĩ, hoặc phim yêu thích của chúng. Một số ông bà mắc sai lầm khi tập trung cuộc trò chuyện với trẻ vào “những ngày xưa tươi đẹp” hơn là cập nhật những điều mà bọn trẻ quan tâm. Hãy nhờ các cháu kiếm trang web về thánh ca, về chương trình sống đạo, hoặc về ẩm thực mà bạn có thể thích. Điều này sẽ cung cấp cho bạn điều gì đó để nói về điều đó sẽ khiến trẻ thích thú.

  1. Gặp gỡ những đứa trẻ trên sân chơi của chúng.

Chúng ta chẳng bao giờ là quá già để sử dụng công nghệ mới nhất. Nếu có thể sử dụng điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng, chúng ta có thể cân nhắc việc tạo tài khoản mạng xã hội hầu có một nền tảng chung để chia sẻ với các cháu của mình. Bạn không biết cách thiết lập Facebook, Twitter? Hãy nhờ các cháu ở tuổi thiếu niên giúp đỡ bạn!

  1. Giữ khiếu hài hước.

Thay vì nhắc bọn trẻ về việc chúng chúi đầu vào điện thoại, hãy gửi một tin nhắn cho chúng với nội dung: “Này, các chàng trai/ cô gái dễ thương! Có muốn một bữa gà rán không?” hoặc có thể khơi mào trò chơi: “Nào, chúng ta chơi trò chơi đố vui giáo lý nhá!” hoặc “Chúng ta cùng thử hát Thánh ca với nhau xem có thuộc không?”,…  Những biểu tượng cảm xúc vui nhộn cũng có nhiều khả năng thúc đẩy trẻ hướng tới cuộc trò chuyện với bạn hơn là cảm xúc bị tổn thương.

Tuổi thiếu niên là khoảng thời gian bất an khi trẻ bước vào hành trình khám phá bản thân cách rõ nét và mạnh mẽ hơn. Những đứa trẻ đang nỗ lực để khẳng định cá tính của mình, để hòa nhập và để được nhìn nhận, đồng thời cố gắng vượt qua ranh giới giữa sự tự lập và việc phụ thuộc vào cha mẹ. Hiểu được như thế, bạn hãy kiên nhẫn lắng nghe và cố gắng đồng cảm với quan điểm của trẻ ngay cả khi bạn không hoàn toàn đồng ý với những quan điểm ấy để xây dựng tình bạn với chúng. Bạn chỉ có thể phát hiện ra rằng bọn trẻ háo hức tận hưởng thời gian ở bên bạn theo những cách chúng cảm thấy trưởng thành hơn và bổ ích cho đôi bên.

Đức Giêsu, Con Thiên Chúa làm người cũng đã trải qua lứa tuổi thanh thiếu niên, với những thách đố nhất định, chắc chắn Người luôn thấu hiểu những thay đổi về tính cách của trẻ và cảm xúc của chúng ta khi trải nghiệm những đứa cháu của mình không còn gần gũi với mình để thay vào đó là gắn bó với chiếc điện thoại.

Do đó, hãy dâng tất cả cho Người và nhắc mình rằng: Tình yêu thương và sự động viên của ông bà có thể là nguồn sức mạnh và sự hỗ trợ hữu hiệu cho trẻ trong khoảng thời gian phát triển quan trọng này. Vì vậy, đừng từ bỏ cháu của bạn!

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm

Nguồn:hdgmvietnam

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận