Sau khi được chọn làm giáo hoàng, Hồng y Jorge Mario Bergoglio đã chọn khẩu hiệu này: “Miserando atque eligendo”.
– Miserando: Xuất phát từ động từ tiếng Latinh “miserari”, có nghĩa là “thương xót” hoặc “cảm thấy lòng thương xót”.
– Atque: Là từ nối trong tiếng Latinh, có nghĩa là “và”.
– Eligendo: Xuất phát từ động từ “eligere”, có nghĩa là “chọn lựa” hoặc “tuyển chọn”.
Như vậy ta có thể tạm dịch thành ngữ này: “Thương xót và tuyển chọn”. Nghĩa là gì?
Nguồn gốc của khẩu hiệu này đến từ bài giảng[1] của Thánh Bêđa (trong lễ Thánh Matthêu). Thánh Bêđa, còn được biết đến là Bêda đáng kính (Bede the Venerable). Ngài là tu sĩ linh mục người Anh sống vào thế kỷ thứ 7 và 8. Thánh nhân được biết đến với tư cách là một học giả, sử gia và nhà thần học có ảnh hưởng lớn trong lịch sử Kitô giáo. Hơn nữa, ngài còn được gọi là “Cha đẻ của ngành sử học Anh quốc”!
Khi được chọn làm giáo hoàng, Đức Phanxicô đã chọn câu này làm kim chỉ nam cho triều đại giáo hoàng của ngài. Khẩu hiệu này phản ánh đời sống tâm linh sâu sắc và trải nghiệm về tình yêu thương xót Thiên Chúa. Thực vậy, khi còn là một chàng trai 17 tuổi[2], Đức Giáo hoàng đã trải nghiệm cái nhìn yêu thương và lời kêu gọi dâng hiến cuộc đời cho Thiên Chúa trong ngày lễ Thánh Matthêu (1953) Chúa Giêsu đã mời gọi thánh Matthêu: “Hãy theo thầy – Sequere me’. Với lời này, chàng trai trẻ Bergoglio đã vào nhà tập Dòng Tên. Từ đó, chàng thanh niên đã hiến dâng đời mình cho Thiên Chúa và Giáo hội. Dù cảm thấy mình không xứng đáng, nhưng Thiên Chúa đã yêu thương chọn gọi và ban cho ngài lòng thương xót của Thiên Chúa.
Thực ra lòng thương xót Chúa là cốt lõi của đời sống và sứ vụ Kitô giáo. Nói như Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II: “Lòng thương xót Chúa là biểu hiện tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa đối với mọi người. Thiên Chúa luôn sẵn sàng tha thứ và đón nhận những người tội lỗi trở về với Ngài.”[3] Giáo hội được kêu gọi trở thành dấu chỉ của tình yêu thương xót của Thiên Chúa, chào đón tất cả những người tội lỗi và đồng hành với họ bằng những trợ giúp tinh thần để thực hiện ý muốn của Thiên Chúa[4]. Thuật ngữ thần học thiêng liêng này đã được phân tích rất nhiều. Chẳng hạn độc giả có thể đọc thêm: Thông Điệp Thiên Chúa Giàu Lòng Thương Xót – Dives In Misericordia[5] của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Vì khẩu hiệu này, sau 2 năm làm giáo hoàng, Đức Phanxicô đã mở ra Năm Thánh Ngoại thường về Lòng Thương Xót (2015). Trong năm này, ngài mời gọi các linh mục hãy trở nên những thừa tác viên của lòng thương xót Chúa.
Một trong những tài liệu về lòng thương xót Chúa được Đức Phanxicô giảng tĩnh tâm cho các linh mục trong Năm Thánh Ngoại thường[6], trong đó có thể tóm gọn như sau: Tầm quan trọng của các công việc lòng Chúa thương xót và cách chúng thể hiện là qua “hương thơm của Đức Kitô – the good odour of Christ”. Giáo lý của Giáo hội Công giáo, khi thảo luận về các công việc của lòng thương xót, nói với chúng ta rằng: “Khi mẹ của Thánh Rose of Lima trách mắng bà vì chăm sóc người nghèo và người bệnh tại nhà, Thánh Rose đã nói với mẹ của mình: ‘Khi chúng ta phục vụ người nghèo và người bệnh, chúng ta là hương thơm của Đức Kitô’” (số 2449, bản Latin). Có lẽ với những lời này, Đức Giáo hoàng luôn hướng dẫn Giáo hội hãy nhạy cảm và sẵn sàng phục vụ người nghèo và người đau khổ. Đây là nét độc đáo trong triều đại giáo hoàng của Đức Phanxicô!
Ngoài ra, Đức Phanxicô cũng khẳng định rằng lòng thương xót là dấu chỉ giúp mọi người nhận ra và tôn vinh Thiên Chúa. Do đó, ngài mời chúng ta hãy gặp gỡ Chúa Kitô, kể cả khi mình còn là tội nhân. Ngài viết: “Nếu chúng ta nhìn vào các công việc của lòng thương xót như một tổng thể, chúng ta sẽ thấy rằng đối tượng của lòng thương xót chính là cuộc sống con người và tất cả những gì nó bao hàm.”[7] Do đó, ngài cho rằng đạo đức Kitô giáo không phải là về sự hoàn hảo, mà là về việc luôn đứng dậy với sự giúp đỡ của Thiên Chúa sau khi vấp ngã, nhờ bàn tay thương xót của Ngài. Hoặc nói như lời của Đức Giáo hoàng tiền nhiệm, Đức Bênêđictô XVI: “Khởi đầu cho cuộc sống Kitô hữu không phải là một quyết định đạo đức hay một tư tưởng vĩ đại, nhưng là sự gặp gỡ với một biến cố với một Con Người, Đấng đem lại cho đời sống chúng ta một chân trời mới và từ đó một định hướng dứt khoát.” (Deus Caritas Est, số 1).
Tóm lại, khẩu hiệu “miserando atque eligendo” bao trùm linh đạo mục vụ và tầm nhìn của Đức Phanxicô về Giáo hội. Ngài muốn Giáo hội trở thành dấu chỉ của tình yêu thương xót Chúa. Trong suốt những năm này, ngài luôn mời gọi các mục tử, kể cả các chính trị gia: “Hãy vươn đến tất cả mọi người, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương và bị gạt ra ngoài lề xã hội, và đồng hành với họ bằng lòng trắc ẩn trên hành trình đức tin của họ.” (Evangelii Gaudium, số 193). Đây cũng là lời mời gọi của Chúa Giêsu: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương!” (Mt 5,7).
Cùng với Đức Giáo hoàng Phanxicô, với Giáo hội, chúng ta xác tín điều này: “Lòng thương xót Chúa là nguồn mạch của hy vọng và niềm tin cho nhân loại, đặc biệt trong những thời điểm đầy thử thách và tội ác.”[8] Chúng ta được kêu gọi loan báo và làm chứng cho lòng thương xót Chúa trong thế giới ngày nay (Lc 6,36-38).
Lm. Giuse Giuse Phạm Đình Ngọc, SJ
Nguồn: hdgmvietnam.com
_______
[1] Nguyên văn: Vidit ergo Jesus publicanum, et quia miserando atque eligendo vidit, ait illi, ‘Sequere me’. [Jesus therefore sees the tax collector, and since he sees by having mercy and by choosing, he says to him, ‘follow me’.]
[2] https://www.vatican.va/content/francesco/en/elezione/stemma-papa-francesco.html
[3] https://www.vatican.va/content/john-paul-ii/en/homilies/2000/documents/hf_jp-ii_hom_20000430_faustina.html
[4] https://www.vatican.va/content/john-paul-ii/en/encyclicals/documents/hf_jp-ii_enc_30111980_dives-in-misericordia.html
[5] https://dongnuvuonghoabinh.org/huan-du/thong-diep-thien-chua-giau-long-thuong-xot—dives-in-misericordia-27006.html
[6] Bản văn đầy đủ: https://www.vatican.va/content/francesco/en/speeches/2016/june/documents/papa-francesco_20160602_giubileo-sacerdoti-terza-meditazione.html
[7] https://www.vatican.va/content/francesco/en/speeches/2016/june/documents/papa-francesco_20160602_giubileo-sacerdoti-terza-meditazione.html
[8] https://www.vatican.va/content/john-paul-ii/en/homilies/2000/documents/hf_jp-ii_hom_20000430_faustina.html
Có thể bạn quan tâm
Bài hát cộng đồng Lễ Chúa Hiển Linh
Th12
Phó Chánh Án Tòa Ân Giải Tối Cao: Tòa Giải Tội, Cửa Thánh..
Th12
Lễ Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa
Th12
Thánh lễ và Nghi thức tiếp nhận các tiến chức phó tế vào..
Th12
Mở Cửa Thánh Đền Thờ Latêranô: “Gieo Niềm Hy Vọng Và Xây Dựng..
Th12
Ủy Ban Loan Báo Tin Mừng Gợi Ý Suy Niệm Chầu Thánh Thể..
Th12
Kinh Năm Thánh 2025
Th12
Hướng dẫn thực hành để nhận được Ơn Toàn Xá trong Năm Thánh..
Th12
Thư gửi Mẹ Thiên Chúa
Th12
Tin Tổng Hợp Giáo Phận Hà Tĩnh Tháng 12/2024
Th12
Năm Thánh Hy vọng 2025 chính thức khai mạc tại Giáo phận Hà..
Th12
[TRỰC TIẾP] Thánh lễ Khai mạc Năm Thánh | Giáo phận Hà Tĩnh..
Th12
Chiếm Trọn Spotlight Của Đức Maria và Người Trẻ
Th12
Suy Niệm Lễ Thánh Gia Thất – Năm C
Th12
Bài Hát Cộng Đồng Lễ Đức Maria – Mẹ Thiên Chúa (01/01/2025)
Th12
Nghi Thức Khai Mạc Năm Thánh 2025 Tại Các Hội Thánh Địa Phương
Th12
Đức Thánh Cha Mở Cửa Thánh Tại Nhà Tù Rebibbia: Hãy Nắm Lấy..
Th12
Ngày 28/12: Các Thánh Anh Hài tử đạo
Th12
Ngày 27/12: Thánh Gioan Tông đồ
Th12
Ý nghĩa của hành hương Năm thánh?
Th12