“Từ muôn nơi xa xôi, đoàn con về với Mẹ rồi, dâng lên bao nỗi buồn vui, cùng bao ước mơ cuộc đời. Dâng lên lời kinh tiếng hát, như trầm hương thơm ngát, gói trọn hết những lo toan, vui buồn sướng khổ trần gian”. Lời của bài hát “Lạy Mẹ La Vang” của Lm. Nguyên Lễ cũng chính là tâm tình của con dân Việt đang sống tại Thái Lan trong ngày Hội ngộ Di dân của Liên hiệp Công giáo Việt Nam lần thứ I và cũng là ngày mừng kính Đức Mẹ La Vang – bổn mạng Liên hiệp 6/8/2018 hôm nay.
Mặc dù thánh lễ được tổ chức nơi đất khách quê người thiếu thốn đủ thứ, mặc dù anh chị em di dân đang phải sống trong thời khắc khó khăn nhất dưới sự bắt bớ gắt gao của cảnh sát, nhưng vượt qua những thiếu thốn và khó khăn gian khổ ấy, ngay từ rất sớm những chuyến xe từ các giáo phận xa như Udon Thani, Ubon Ratchathani, Ratchaburi, Chantaburi đã đưa các bạn trẻ về thánh đường Ngai tòa Thánh Phêrô Bangchuaknang để được sum họp, gặp gỡ và nhất là được chiêm ngưỡng Đức Hồng y Phanxicô Xavier Kriengsak Kovithavanij – Chủ tịch Hội đồng Giám mục Thái Lan tới thăm và chia sẻ tâm tình như chính vị mục tử từ ái của mình.
Theo những người quan sát thì chưa bao giờ thấy giáo dân người Thái đón ĐHY nồng nhiệt như con dân Việt Nam. Anh chị em trong trang phục nam áo sơ mi trắng, nữ áo dài truyền thống đủ mọi màu sắc chỉnh tề xếp thành hai hàng từ ngoài cổng vào trong nhà thờ với cờ, với hoa trên tay để chào đón người vị mục tử nhân lành tới thăm đoàn chiên. Một nét đẹp có lẽ hiếm có trên mảnh đất chùa vàng này, đến nỗi ĐHY đã phải thốt lên bằng tiếng Thái rằng “suổi chăng lơi” có nghĩa là “tuyệt đẹp”.
Mở đầu cho buổi lễ mừng kính Mẹ La Vang, ĐHY cho thấy sự hiện diện của ngài là đại diện cho HĐGM Thái Lan thể hiện sự quan tâm tới tất cả di dân Việt Nam đang sống tại Thái Lan. Ngài nói: “Cha thân chào tất cả anh chị em giáo dân Việt Nam, hôm nay cha đến đây nhân danh HĐGM Thái chào đón các con, những người con Chúa trong cùng một Giáo Hội của Chúa Kitô. Nếu như trong vườn hoa có nhiều loại hoa, thì trong Giáo Hội cũng có đủ thành phần, đủ mọi dân tộc. Các con đến đây làm cho vườn hoa của Giáo Hội Thái Lan thêm khoe sắc hơn, thêm phong phú hơn và thêm đẹp hơn. Cha và HĐGM Thái Lan mong sao các con giữ đạo, sống đạo, được lắng nghe Lời Chúa và được tham dự các bí tích cách đầy đủ qua trung gian các linh mục người Việt mà Hội đồng đã ủy thác cho trong từng giáo phận như chính tại đất nước của chúng con.”
Trong bài giảng của mình, ĐHY quảng diễn tư tưởng hình ảnh của một Thiên Chúa luôn quan tâm tới dân người qua Lời Chúa và Thánh Thể. Câu hỏi ngài đặt cho các bạn trẻ và cộng đoàn rằng đâu là điều mà con người ngày nay tìm kiếm? Hẳn rằng anh chị em di dân đến Thái Lan để kiếm việc làm, để thỏa mãn danh vọng, nhưng chừng đó đã đủ chưa? Xung quanh chúng ta có nhiều người lắm tiền nhiều của, đầy tràn danh vọng, xã hội hôm nay với các phương tiện hiện đại, với những hỗ trợ của khoa học kỹ thuật người ta làm được nhiều sự ngoài sức tưởng tượng nhưng trong thẳm sâu trong tâm hồn, con người vẫn cảm thấy trống rỗng, xa lạ, đơn độc và quạnh hiu, người ta vẫn mải miết, vẫn khao khát tìm kiếm thứ gì đó để thỏa mãn choi lối sống cá nhân chủ nghĩa và ích kỷ hôm nay.
Hình ảnh anh Chô tuổi trung niên không ngừng mơ ước trở thành vận động viên bóng chày từ thưở nhỏ mà ĐHY quảng diễn trong bài giảng của ngài có lẽ chính là hình ảnh của mỗi người chúng ta hôm nay. Chúng ta hoài mong ước danh vọng, tiền tài, vật chất, đôi chân của chúng ta cứ tất bật, vội vã lao đi giữa một xã hội cuồng say. Anh Chô cũng vậy, và để đạt được ước nguyện của mình, anh đã thỏa hiệp với ma quỷ và tệ hơn nữa anh sẵn sàng bán linh hồn của mình để đạt cho được điều ước nguyện. Giữa lúc anh ở trên đỉnh cao nhất của sự nghiệp cũng là lúc Lời Chúa thức tỉnh con người anh, giật mình thảng thốt anh thấy mọi sự chẳng còn ý nghĩa gì với mình bởi vì “người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì?” (Lc 9,25). Anh Chô đã rất tỉnh táo để nhận ra sự bình an tận thẳm sâu bên trong tâm trí, tâm hồn mới là sự thỏa đáng và cùng đích của mọi sự. Sự đói khát vật chất hời hợt, tầm thường là thứ dễ tìm kiếm, dễ dàng no thoả, nhưng sự bình an thẳm sâu nội tâm mới là thứ cần tìm, là đích điểm để con người vươn tới.
ĐHY tiếp tục đặt ra câu hỏi cho mọi người Việt Nam có mặt trong nhà thờ hôm nay dựa vào ý tưởng của bài Tin Mừng thánh Gioan 6, 24-36 Chúa nhật 18 thường niên năm B rằng: “Còn đối với chúng con, các Kitô hữu đang hiện diện nơi đây, chúng con sẽ làm gì để có thể đong đầy nỗi khao khát như bao người thời nay?” Có lẽ câu trả lời này chỉ có thể dựa vào chính lời Đức Giêsu dạy rằng hãy đến với Chúa để không phải đói, không phải khát nữa. Thật thế, chính Chúa ban Lời để làm kim chỉ nam hướng dẫn cuộc đời ta, Chúa ban bánh bởi trời để ta có sức mà thực thi Lời, để ta sống theo thánh ý Chúa và can đảm khước từ sự quyến rũ của thế gian.
Cuối bài giảng là một câu chuyện thật ý nghĩa về nhân cách sống mà ĐHY muốn gửi gắm cho con dân Việt hôm nay. Một bạn sinh viên đi làm thêm để có thêm chi phí phụ gia đình trong việc học tập. Chị xin vào một công ty làm sôcôla nổi tiếng, nhưng ở đó chị lại thấy 400 con người thật lạnh lùng với nhau nhất là một người cùng dây chuyền với chị. Ngày kia chị đã đứng ra nhận lỗi mà lỗi đó rất nặng ảnh hưởng tới cả công ty của người phụ nữ cau có ấy. Chị nhận lỗi thay bởi vì chị cảm nghiệm được rằng chính Chúa Giêsu hiện diện trong tha nhân và đặc biệt trong người phụ nữ ấy. Kể từ đó bầu khí làm việc thay đổi mọi người cư xử với nhau thật bác ái vị tha, thông cảm, giúp đỡ nhau, mọi người cảm nghiệm như đang sống trong bầu khí văn minh tình yêu mà Chúa Giêsu đã dạy. ĐHY kết thúc bài giảng là một cử chỉ một hành động thật ý nghĩa, ngài mong sao các bạn trẻ Việt Nam cũng sống và hành động như bạn sinh viên với cử chỉ đẹp ấy để người Phật giáo trên đất Chùa Tháp này có thể nhận ra bầu khí yêu thương, khuôn mặt từ ái của Chúa Giêsu hầu Tin Mừng được nhiều người đón nhận hơn. Hãy sống cho đi, sống cho người bởi vì “Sống là cho đi, đâu chỉ nhận riêng mình”.
Thánh lễ hôm nay có phần đặc biệt bởi vì được tổ chức bằng song ngữ Thái – Việt nhưng cũng không làm cho hơn 1.200 con người có mặt cảm thấy dài, buồn ngủ hay chán nản bởi có lẽ vì tâm tình con thảo đối với cha hiền đặc biệt quan tâm tới đoàn chiên và cũng vì lòng mộ mến kính Đức Mẹ của con dân Việt.
Một điểm đặc biệt khác là hôm nay, Thánh lễ được dừng lại một chút để tất cả cộng đoàn đi rước kiệu Đức Mẹ La Vang một cách trọng thể và nghiêm trang trước con mặt trầm trồ của những giáo dân Thái. Hình ảnh đoàn rước của người Việt từ lâu đã gây được cảm tình trong con mắt giáo dân Thái, và hôm nay hình ảnh ấy được tái hiện với sự nghiêm trang, với áo dài tha thướt thẳng hàng ngay lối cung nghinh Mẹ quanh nhà thờ. Kết thúc thánh lễ là phép lành trọng thể của ĐHY với những hình ảnh lưu niệm chẳng thể quên với con dân Việt tha hương hôm nay.
Ngày hội ngộ hôm nay cũng là dịp đặc biệt để con dân Việt cảm ơn HĐGM Thái Lan qua trung gian ĐHY Phanxicô Xaviê. Ngày hội ngộ cũng là để mọi người cùng tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho một ngày thật đẹp, để chung lời tạ ơn vì giữa lúc khó khăn của xã hội Thái Lan hôm nay mà không một ai tham dự thánh lễ bị bắt bớ. Ngày hội ngộ là để tạ ơn vì lòng nhiệt thành của con cái Mẹ trước, trong và sau Thánh lễ. Tạ ơn vì có nhiều tâm hồn quảng đại sẵn sàng đóng góp công, của cho đại lễ được thành công tốt đẹp.
Giờ chia tay cũng đã điểm và hẳn rằng mọi người sẽ rất tiếc nuối khi phải tạm rời xa nhau. Tay trong tay, mọi người cùng mong sao sớm được gặp lại, được hàn huyên sẻ chia tâm tình và nhất là trao cho nhau tình cảm yêu thương nồng ấm. Có những giọt nước mắt mừng vui sự thành công của ngày hội ngộ, nhưng cũng có những giọt nước mắt tiếc nuối vì phải tạm chia xa cũng còn có những giọt nước mắt tâm tình như muốn buổi lễ còn kéo dài thêm mãi:
Ông Peter – một giáo dân người Thái tham dự thánh lễ, sau thánh lễ ông nói: “Tôi đã từng tham dự nhiều thánh lễ có ĐHY làm chủ tế, nhưng hôm nay tâm tình của tôi thật khác lạ. Anh chị em sốt sắng lắm, người rất đông, ca đoàn hát lễ rất hay, người Việt mà hát được cả tiếng Thái, mọi người thưa đáp thật to, hùng hồn làm cho thánh lễ thật sống động. Dù không phải là giáo xứ của anh chị em, nhưng việc tiếp đón thật chu đáo. Xin chúc mừng cho anh chị em có được sự quan tâm của vị chủ chăn Thái Lan. Cầu mong cho anh chị em được bình an yên ổn để tiếp tục làm việc cống hiến niềm tin và bằng chứng sống động của hình ảnh Thiên Chúa cho người Thái nơi anh chị em đang sống hôm nay”.
Bạn Thoát Hoan thì thốt lên: “Tuyệt vời, thật là tuyệt vời! Con ở Thái đã mười mấy năm, đã hai lần tham dự thánh lễ do các ĐHY cho con dân Việt, lần thứ nhất do một ĐHY người Việt, lần này là do ĐHY người Thái, thánh lễ có dài hơn, nhưng chúng con cảm thấy phấn khởi hơn bởi những lời của ĐHY hôm nay thật súc tích, dễ hiểu, cô đọng đã chạm được tới tâm hồn của chúng con những người tha phương mà chẳng biết ngày mai sẽ ra sao. Cảm ơn ĐHY, cảm ơn Ban tổ chức đã làm nên những điều kỳ diệu giữa cuộc sống tha phương còn nhiều khó khăn, đắng cay và gian khổ này.”
Bạn Tessi Hoàng chia sẻ: “Chiều hôm nay chúng con thật vui vì được xúng xính áo dài tham dự Đại lễ Hội ngộ Cộng đồng Di dân Việt Nam tại Thái Lan lần I trông thật đẹp và đó là nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam chúng con. Chắc hẳn hình ảnh này sẽ là kỷ niệm đẹp không chỉ cho con mà còn cho mọi người tham dự thánh lễ hôm nay.”
Anh Thanh Trần viết trên Facebook của mình: “Vì điều kiện khó khăn, chúng con phải trở về quê hương trước ngày lễ, chúng con chỉ hiệp thông với quý cha qua xem livestream và các hình ảnh trên Facebook, nhưng lòng con rạo rực niềm vui trong ngày lễ vì có sự quan tâm đặc biệt của Giáo Hội Thái Lan đối với những người con dân Việt làm ăn xa quê. Con chỉ biết cầu chúc cho quý Đức cha, quý cha và mọi người được tràn đầy ân sủng của Thiên Chúa qua lời bầu cử của Đức Mẹ La vang”.
Con số trên 1.200 người tham dự ngày Hội ngộ Di dân của Liên hiệp Công giáo Việt Nam tại Thái Lan lần thứ I hôm nay có lẽ chẳng thấm vào đâu so với bất kỳ Đại hội nào ở một giáo hạt hay một giáo phận nào đó trên đất nước Việt Nam. Nhưng từng đó thôi, với sự hiện diện của một vị Chủ tịch HĐGM nước sở tại cũng đã là một kỳ tích cho con dân tha phương nhất là trong hoàn cảnh khó khăn này. Lời hát chia tay có gì day dứt như chưa muốn dừng để mọi người còn níu kéo, còn hẹn hò để lần sau vui hơn, đông hơn, sốt sắng hơn và đẹp hơn nữa trong con mắt của người sở tại. Xin Chúa qua lời cầu bầu của Mẹ La Vang chúc lành và ban nhiều ân sủng trên mỗi người.
Lm. Giuse Mạnh Hà, OP
Ủy ban Mục vụ Di dân Việt Nam tại Thái Lan
Đặc trách Tổng Giáo phận Bangkok
Có thể bạn quan tâm
Ngày 21/11: Đức Maria dâng mình trong đền thờ
Th11
Hồng ân đêm Diễn Nguyện kỷ niệm 340 năm Hiện Diện, 100 năm..
Th11
Sứ thần Tòa Thánh tại Ucraina: 1.000 ngày chiến tranh, số người chết..
Th11
Giải Đáp Thắc Mắc Cho Người Trẻ: Bài 147 – Say Nắng Người..
Th11
Sứ Mạng Của Giáo Viên Công Giáo
Th11
Bài Hát Cộng Đồng Lễ Chúa Kitô Vua Năm B – 2024
Th11
Đức Thánh Cha thiết lập ngày lễ các thánh, chân phước, những người..
Th11
Thánh Lễ Thêm Sức Tại Giáo Xứ Đồng Troóc
Th11
Vlog Năm Thánh 1
Th11
Thư Gửi Anh Chị Em Giáo Chức Công Giáo Nhân Ngày Nhà Giáo..
Th11
Bế Mạc Tuần Tĩnh Tâm Năm 2024 Của Linh Mục Đoàn Giáo Phận..
Th11
Tháng 11 – Hiệp Thông Trong Tình Yêu
Th11
Chủ tịch Hội đồng Giám mục Nicaragua bị trục xuất sang Guatemala
Th11
VPTGM-GPHT: Thư Rao Truyền Chức Phó Tế
Th11
Sứ Điệp Ngày Thế Giới Người Nghèo Lần Thứ 8 Năm 2024
Th11
Những ước mơ của ĐTC Phanxicô trong Sắc chỉ công bố Năm Thánh..
Th11
Toà Thánh gửi sứ điệp nhân Ngày Thuỷ sản Thế giới
Th11
Suy Niệm Chúa Nhật XXXIII TN.B: Được Mừng Trọng Thể Lễ Các Thánh..
Th11
Ngày Thế Giới Người Nghèo: Đức Thánh Cha Phanxicô Sẽ Dùng Bữa Trưa..
Th11
Tại Sao Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ Sẽ Bỏ Phiếu Cho Một..
Th11