“Hỡi Bà, Bà đã làm gì cho tôi?” – Sự tự hủy của Mẹ Thiên Chúa

1207 lượt xem

Trong những suy niệm mùa Chay, chúng ta tiếp tục hành trình chúng ta theo những bước chân của Đức Maria mà chúng ta đã khởi sự trong mùa Vọng vừa qua. Đây sẽ là cách chúng ta phó dâng mình dưới sự chở che của Đức Trinh Nữ trong một thời gian thử thách rất khốc liệt này đối với toàn thể nhân loại vì đại dịch coronavirus.[1]

Chúng ta phải công nhận rằng Tân Ước không nói nhiều về Đức Maria, ít ra là không nhiều như chúng ta chờ đợi, khi để ý đến sự phát triển về lòng sùng kính dành cho Mẹ Thiên Chúa ở trong Giáo Hội. Tuy nhiên, nếu chăm chú để ý, chúng ta nhận thấy rằng Đức Maria luôn hiện diện trong ba thời điểm quan trọng nhất tạo nên mầu nhiệm cứu độ. Quả thật, có ba giai đoạn đặc biệt đã tạo nên mầu nhiệm cao cả của ơn cứu độ, đó là: Nhập thể của Ngôi Lời, mầu nhiệm Vượt Qua và Lễ Ngũ Tuần.

Đức Maria đã hiện diện tại tất cả ba biến cố quan trọng này. Chắc chắn Mẹ đã hiện diện tại biến cố Nhập Thể, biến cố đã xảy ra ngay trong lòng Mẹ. Đức Maria đã hiện diện tại mầu nhiệm Vượt Qua, bởi vì như được viết, Mẹ đứng gần thập giá Chúa Giêsu (x. Ga 19,25). Cuối cùng, Mẹ đã hiện diện tại biến cố Lễ Ngũ Tuần, bởi vì Kinh Thánh viết rằng Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các Tông Đồ khi họ đồng tâm nhất trí với nhau trong lời cầu nguyện cùng với Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu (x. Cv 1,14). Sự hiện diện của Đức Maria trong ba biến cố quan trọng này của ơn cứu độ chúng ta không phải là sự tình cờ. Chúng bảo đảm cho mẹ một vị trí duy nhất sau Chúa Giêsu trong công trình cứu chuộc. Đức Maria là người duy nhất trong toàn thể nhân loại đã chứng kiến và tham dự vào tất cả ba biến cố này.

Trong phần hai của hành trình bước theo Đức Maria trong mầu nhiệm Vượt Qua, chúng ta hãy để cho Mẹ hướng dẫn chúng ta tới một sự hiểu biết sâu xa hơn và tham dự vào cuộc khổ nạn của Chúa Kitô. Xin Mẹ nâng đỡ và khích lệ chúng ta bước theo mẹ trên suốt hành trình này như mẹ nói với chúng ta với tư cách của một người mẹ đang nói với con mình khi tề tựu bên mẹ, “chúng ta hãy cùng đi, để chúng ta có thể chết với Người” (Ga 11,16). Trong Tin Mừng, những lời này được nói lên bởi Tôma, nhưng chính Đức Maria đã sống những lời đó.

Mẹ học vâng phục từ những đau khổ mẹ trải qua

Trong cuộc đời Đức Giêsu, mầu nhiệm Vượt Qua đã không bắt đầu khi Người bị bắt trong vườn Cây Dầu, và sự kéo dài của nó không chỉ ở trong Tuần Thánh. Toàn bộ đời sống, từ giây phút Gioan chào đón Người như là Chiên Thiên Chúa, đã là một sự chuẩn bị cho cuộc Vượt Qua. Theo thánh sử Luca, cuộc đời công khai của Chúa Giêsu đã là một hành trình tiệm tiện và liên lỉ hướng về Giêrusalem, nơi Người phải hoàn tất cuộc “exodus – xuất hành” của Người (x. Lc 9,31).

Song song với hành trình vâng phục của Ađam mới, hành trình của Evà mới cũng được diễn tiến tương tự. Đối với Đức Maria, mầu nhiệm Vượt Qua đã bắt đầu từ rất sớm. Những lời của Simêon tiên báo về dấu chỉ của sự chống đối và một lưỡi gươm sẽ xuyên thấu lòng mẹ đã từng bước trở thành hiện thực. Mẹ đã giữ trong lòng mình tất cả những lời ấy cùng với những lời khác. Mục đích của bài suy niệm này là dõi theo bước chân của Đức Maria trong cuộc đời công khai của Chúa Giêsu và chiêm ngắm mẹ như là mô mẫu của chúng ta trong thời gian này.

Bình thường điều gì xảy ra khi một tâm hồn được mời gọi tới sự thánh thiện sau khi đã được đổ đầy ân sủng? Điều gì xảy ra khi tâm hồn này đã quảng đại thưa “vâng” trong đức tin, muốn bắt đầu thực hiện những điều tốt lành và vun trồng các nhân đức? Thời gian thanh tẩy và khổ luyện bắt đầu. Đêm tối đức tin sẽ xuất hiện. Và chúng ta sẽ nhìn thấy điều đó trong hành trình của cuộc sống mẹ, Đức Maria là sự hướng dẫn và mô mẫu quý báu cho chúng ta phải hành xử làm sao khi đó là “thời gian thử thách” trong đời chúng ta.

Trong Thông điệp Redemptoris Mater, được viết cho Năm Đức Maria, thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã áp dụng cách đúng đắn cho cuộc đời của Đức Maria phạm trù theo nghĩa rộng về kenosis, tự hủy, một khái niệm mà thánh Phaolô đã giải thích cuộc đời trần thế của Chúa Giêsu: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế” (Pl 2,6-7).

Đức Giáo Hoàng viết: “Nhờ đức tin, Đức Maria được kết hợp hoàn toàn với Chúa Kitô trong sự tự hủy chính mình… Ở dưới chân thập giá, Đức Maria chia sẻ mầu nhiệm đau khổ của sự tự hủy chính mình này.”[2] Sự tự hủy ấy được hoàn tất ở dưới chân thập giá, nhưng nó đã bắt đầu từ rất sớm rồi. Ngay tại Nadarét và đặc biệt trong suốt cuộc đời công khai của Chúa Giêsu, mẹ đã tiến bước trên hành trình đức tin của mình. Rõ ràng là mẹ đã phải chịu đựng “một nỗi đau buồn đặc biệt của tâm hồn, mẹ đã nếm trải một dạng đêm tối của đức tin.”[3]

Tất những điều này làm cho các biến cố liên quan đến Đức Maria mang ý nghĩa đặc biệt đối với chúng ta; nó dẫn đưa Đức Maria đến gần với Giáo Hội và với nhân loại. Chúng ta phải vui mừng khi thấy sự tiến triển lớn lao của việc sùng kính Đức Maria được thực hiện trong Giáo Hội Công Giáo, và đối với những ai đã sống thời gian diễn ra Công Đồng Vaticanô II thì rất dễ dàng nhận ra điều đó. Trước Công Đồng, phạm trù nền tảng về sự vĩ đại của Đức Maria được diễn tả là sự ưu tiên hay là sự ngoại lệ (privilege or exemption).

Người ta nghĩ rằng mẹ được miễn trừ không chỉ khỏi tội tổ tông và sự hư nát (những đặc ân mà Giáo Hội đã tuyên tín thành tín điều về ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội và Lên Trời), nhưng người ta cũng tin rằng Đức Maria cũng được miễn trừ khỏi những đau đớn khi sinh con, khỏi những mỏi mệt, lo lắng, cám dỗ, vô tri, và tệ hơn, khỏi cả cái chết. Quả thật, nhiều người đã tin rằng Đức Maria đã không chết trước khi lên trời.

Một thời người ta nghĩ rằng tất cả những điều này là hậu quả của tội lỗi, nhưng Đức Maria không vướng mắc tội lỗi. Người ta đã không ý thức rằng khi nghĩ như thế, thay vì liên kết Đức Maria với Chúa Giêsu, họ đã hoàn toàn tách biệt mẹ khỏi Chúa, dẫu là Đấng vô tội, Người đã muốn trải nghiệm hết tất cả những điều này: mỏi mệt, buồn phiền, lo lắng, cám dỗ, và cả cái chết vì ơn cứu độ chúng ta.

Những điều này được phản chiếu trong nghệ thuật ảnh tượng diễn tả về Mẹ Diễn Phúc qua các bức tượng, những tranh vẽ và những hình ảnh, theo cách thức căn bản mẹ như là một thụ tạo “phi nhập thể” và được lý tưởng hóa bằng một vẻ đẹp hoàn toàn nhân loại mà bất cứ người phụ nữ nào cũng muốn sở hữu, nghĩa là như một người phụ nữ làm “nghiêng nước nghiêng thành.”

Ngày nay, từ Công Đồng Vaticanô II, chúng ta không còn cố gắng diễn tả sự thánh thiện độc nhất của Đức Maria như thế nhờ sự ưu tiên, nhưng nhờ đức tin. Đức Maria “trổi vượt về hành trình đức tin của mẹ.”[4] Điều này không làm giảm khinh sự vĩ đại của Đức Maria; nhưng đúng hơn, nó làm gia tăng sự vĩ đại của mẹ một cách bao la. Trước Thiên Chúa, sự vĩ đại tâm linh của một con người trong cuộc sống này quả thật không được đo lường bằng những gì Thiên Chúa ban tặng, nhưng bằng những gì Thiên Chúa đòi hỏi người đó thực hiện. Và như chúng ta sẽ thấy, Thiên Chúa đã đòi hỏi rất nhiều nơi Đức Maria, nhiều hơn bất cứ người nào khác, nhiều hơn cả những gì Người đòi hỏi nơi ông Ábraham.

Trong Tân Ước, có những trình thuật rất ý nghĩa về Chúa Giêsu. Một trong những trình thuật đó nói rằng: “Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội” (Hr 4,15); một đoạn khác nói với chúng ta rằng: “Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục” (Hr 5,8). Nếu Đức Maria đã bước theo người Con mình trong mầu nhiệm tự hủy (kenosis), những lời này cũng áp dụng cho Đức Maria và chúng là chiều khóa để hiểu đời sống của mẹ. Mặc dầu với tư cách là mẹ, Đức Maria đã phải học vâng phục nhờ những đau khổ mẹ đã trải qua.

Có lẽ Chúa Giêsu đã không vâng phục đủ trong thời niên thiếu hay Người đã không biết vâng phục là gì, vì thế Người phải học vâng phục nhờ những đau khổ phải chịu sau này đó sao? Không, “học” trong ngữ cảnh này có nghĩa là “biết” như những gì mà Kinh Thánh diễn tả, nó  diễn tả ý nghĩa thực tiễn của “kinh nghiệm” hoặc “trải nghiệm.” Chúa Giêsu đã sống đức vâng phục và đã lớn lên trong vâng phục nhờ những đau khổ Người chịu. Thật là cần thiết phải có một tinh thần luôn vĩ đại về đức vâng phục để vượt qua những thử thách và cám dỗ rất lớn lao, đặc biệt để vượt qua thử thách lớn nhất là cái chết.

Một cách tương tự, Đức Maria đã học vâng phục và tin; Mẹ đã lớn lên trong cả hai nhờ những đau khổ mẹ trải qua, để chúng ta có thể nói về mẹ với tất cả niềm tin rằng: chúng ta có một người mẹ có thể đồng cảm, thấu hiểu với những yếu đuối, mỏi mệt, và cám dỗ của chúng ta, mẹ cũng đã bị cám dỗ như chúng ta, nhưng mẹ đã không phạm tội.

Đức Maria trong cuộc đời công khai của Chúa Giêsu

Trong Tin Mừng có những quy chiếu về Đức Maria mà trong quá khứ khi ý tưởng về sự ưu tiên thống trị, chúng đã tạo nên một sự khó chịu nào đó nơi các tín hữu và ngày nay thay vào đó, chúng lại được xem như là mốc điểm ý vị trong hành hình đức tin của Đức Maria. Vì thế, chúng ta không có lý do để coi thường hoặc lấp liếm bằng những giải thích tùy tiện.

Chúng ta hãy bắt đầu với biến cố lạc mất Chúa Giêsu trong Đền Thờ (Lc 2,41 tt). Đây là khởi điểm mầu nhiệm Vượt Qua về sự tước bỏ dành cho người mẹ. Quả thật, Chúa đã nói với mẹ điều gì khi hai ông bà đã tìm thấy Người: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!” Người đáp: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói” (Lc 2,49-50). “Sao cha mẹ lại tìm con?” – những lời này cho thấy có một ý muốn khác biệt giữa Chúa Giêsu và Đức Maria, một ý muốn tuyệt đối quan trọng, làm cho mọi tương quan khác trở thành thứ yếu, cả tương quan nghĩa tử với mẹ, đó là thánh ý Chúa Cha.

Sau này, Đức Maria được đề cập ở Cana miền Galilêa ngay khi Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ công khai. Chúng ta biết về sự kiện này. Chúa Giêsu đã trả lời gì khi Đức Maria kín đáo xin Chúa can thiệp? “Thưa bà, chuyện đó có can gì giữa bà và tôi?” (Ga 2,5). Không là vấn đề để chúng ta cố gắng giải thích những lời này có ý nghĩa như thế nào, chúng thực sự rất khó nghe và gây tổn thương. Một lần nữa những lời này như muốn tạo khoảng cách giữa Chúa Giêsu và mẹ Người.

Cả ba Tin Mừng Nhất Lãm đều trình thuật phần tiếp theo này, nó xảy ra trong sứ vụ công khai của Chúa Giêsu. Một ngày kia, khi Chúa Giêsu đang rao giảng, mẹ và anh em Người đến nói với Người. Chúng ta hãy hình dung, cũng giống như bất cứ bà mẹ nào lo lắng cho con, Đức Maria có lẽ đã lo lắng nhiều cho sức khỏe của Chúa Giêsu, bởi vì những đoạn trước đó kể lại rằng Người đã không thể ăn uống vì đám đông (Mc 3,20). Một chi tiết nhỏ để cho thấy: Đức Maria, mẹ Người, đã phải đến để gặp Người và nói chuyện với Người. Mẹ đã không dùng lợi thế là mẹ Người để áp đặt đám đông tránh ra cho mẹ đi vào. Trái lại, mẹ đứng ở ngoài, và những người khác đã đến nói với Chúa: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em chị em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy” (Mc 3,33)! Nhưng ở đây cũng thế, điều quan trọng mà Chúa Giêsu đã nói là gì: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tô” (Mc 3,34)?

Chúng ta đã biết điều Chúa Giêsu sắp nói rồi. Chúng ta hãy đặt mình vào vị trí của Đức Maria, và như thế chúng ta mới có thể hiểu sự khiêm nhường và đau khổ mà những lời này làm cho mẹ phải chịu. Chúng ta biết rằng đó là những lời ca ngợi hơn là những lời trách mắng dành cho mẹ Người, nhưng chắc chắn mẹ đã không nhận biết hoặc ít ra mẹ đã không nhận ra điều đó tại thời điểm này. Đối với mẹ đó chỉ là lời từ chối đầy cay đắng. Không có đề cập nào nói rằng Chúa Giêsu đi ra ngoài để nói với mẹ. Có lẽ không gì tốt hơn là phải trở về nhà mình mà không được gặp con hay nói chuyện một chút với con. Bởi mẹ là người đầu tiên hiện diện để nâng đỡ, phục vụ và là người cuối cùng ở lại để chịu những thiệt thòi, hy sinh. Ôi, thương người mẹ quá!

Một ngày khác, thánh Luca kể, trong lúc Chúa Giêsu đang giảng, thì giữa đám đông có một người phụ nữ lên tiếng thưa với Người: “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm” (Lc 11,27)! Lời tán dương này có lẽ cũng đủ để làm cho bất cứ bà mẹ nào cảm thấy hạnh phúc, nhưng Đức Maria, nếu mẹ ở đó hoặc đến đó để nghe lời này, có lẽ mẹ đã không thể nghĩ rằng những lời này ca tụng mẹ, bởi vì Chúa Giêsu đã điều chỉnh người phụ nữ đó liền và nói: “Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11,28).

Chúng ta hãy tìm hiểu thêm một ví dụ cuối cùng. Ở một vài điểm nào đó trong Tin Mừng mình, thánh Luca đề cập đến những người phụ nữ đi theo Chúa Giêsu, và ngài đã gọi tên một số phụ nữ thánh thiện được Chúa chúc lành; họ là những người “đã giúp đỡ Người bằng vật chất (x. Lc 8,2-3), điều này có nghĩa là, họ đã chăm sóc Chúa và các Tông Đồ về nhu cầu vật chất, như chuẩn bị bữa ăn cho họ, giặt dũ hay vá áo quần cho họ. Những điều này có liên quan gì đến Đức Maria không? Đức Maria không được đề cập đến trong số những người phụ nữ này. Tất cả chúng ta đều biết một người mẹ thương con, thường mong muốn như thế nào để làm những điều nhỏ nhặt này cho người con, đặc biệt khi người con đó được thánh hiến cho Chúa. Ở đây, Đức Maria đã không thể. Đó là một sự hy sinh hoàn toàn từ trái tim mẹ.

Một loạt những sự kiện và lời nói rõ ràng liên kết với nhau như thế không thể chỉ là sự tình cờ. Như vậy, Đức Maria phải sống mầu nhiệm tự hủy của mình. Mầu nhiệm tự hủy của Chúa Giêsu hệ tại ở điều này: thay vì duy trì những đặc quyền và đặc ân từ Thiên Chúa, Người đã tự hủy chính mình, trở nên một người tôi tớ và xuất hiện trước mặt mọi người như một người phàm giống như bất cứ người phàm nào (x. Pl 2,2-8). Mầu nhiệm tự hủy của Đức Maria hệ tại ở điều này: thay vì duy trì những đặc quyền như là mẹ của Đấng Mêsia, mẹ đã tự hủy chính mình và xuất hiện trước mặt mọi người như là một người phụ nữ giống như bao phụ nữ khác.

Dẫu là Con Thiên Chúa nhưng Chúa Kitô không được miễn trừ khỏi tất cả hình thức của nhục hình, cũng thế, dẫu là Mẹ Thiên Chúa nhưng Đức Maria đã không được miễn trừ khỏi mọi khổ hình. Chúa Giêsu có lần quả quyết rằng Lời Chúa là phương tiện mà Thiên Chúa dùng để cắt tỉa và thanh lọc những nhành cây: “Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em” (Ga 15,3), và đây là cách thức Người dùng để “thanh luyện” mẹ Người. Có lẽ một cách chính xác đây không phải là lưỡi gươm mà một ngày kia đã đâm thủng trái tim mẹ, như Simêon đã tiên báo đó sao?

Thiên chức làm Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria cũng là một kinh nghiệm nhân loại; có một phương diện cốt nhục đối với thiên chức này trong ý nghĩa tích cực của hạn từ này. Người con đó là con mẹ, là kho báu duy nhất của mẹ, là sự nâng đỡ và là chỗ dựa tinh thần duy nhất trong cuộc đời mẹ. Nhưng mẹ đã phải khước từ tất cả điều này vốn là những điều “rất người” và rất đáng trân quý vì ơn gọi của mẹ. Chính người con mẹ cũng đã thấy được điều đó, rằng Đức Maria đã không tận hưởng phúc lợi trần thế từ vai trò làm mẹ. Mặc dầu là mẹ Chúa Giêsu, Đức Maria đã phải bước theo Chúa Giêsu mà lẽ ra mẹ không phải làm như thế. Một khi bắt đầu sứ vụ mình, Chúa đã không có chỗ gối đầu, và tương tự Đức Maria cũng không có chỗ gối đầu.

Không chỉ đã sẵn sàng sống sự nghèo khó vật chất, Đức Maria còn sống một sự nghèo khó tinh thần với một mức độ cao nhất. Sự nghèo khó tinh thần này hệ tại ở việc đón nhận sự tước đoạt hoàn toàn khỏi mọi sự ưu tiên, không còn tính đến bất cứ điều gì nữa, không còn quá khứ, hay tương lai, không mạc khải cũng không lời hứa, như thể những điều này không phải là chuyện của mẹ và không bao giờ xảy ra. Đó là một dạng của “đêm tối của ký ức.” Sự khó nghèo này hệ tại trong sự quên mình, hay, tốt hơn, mẹ không thể nhớ lại quá khứ, không còn là vấn đề mẹ đã cố gắng bao nhiêu nữa – và nó hệ tại trong việc đào luyện mình chỉ hướng về Thiên Chúa và chỉ sống trong niềm hy vọng đó mà thôi. Đây là sự khó nghèo đích thực và tận căn về tinh thần, nó trở nên phong phú chỉ trong Thiên Chúa và chỉ trong hy vọng.

Hướng về mẹ mình, Chúa Giêsu đã ứng xử giống như một vị linh hướng vừa rất khôn ngoan vừa rất đòi hỏi, khi hiểu rằng ngài đang làm việc với một tâm hồn rất đặc biệt, không cho phép tâm hồn này lãng phí thời gian hoặc ở lại trên một cấp độ thấp hơn giữa những tình cảm và những an ủi tự nhiên. Nếu vị linh hướng là một người rất thánh thiện, ngài sẽ không ngần ngại kéo tâm hồn này hướng về sự từ bỏ hoàn toàn để hiệp thông với Thiên Chúa. Chúa Giêsu dạy Đức Maria từ bỏ chính mình. Người hướng dẫn tất cả môn đệ mình trong mọi thế kỷ nhờ Tin Mừng, nhưng Người đã hướng dẫn mẹ Người một cách cá vị và bằng miệng lưỡi mình.

Một mặt, Người để cho mình được Chúa Cha hướng dẫn nhờ Chúa Thánh Thần làm bất cứ điều gì Chúa Cha muốn: bước vào sa mạc để chịu cám dỗ, lên núi để biến hình, tiến về Giêtsimani để chịu chết. Người nói: “Ta luôn làm đẹp lòng Người” (Ga 8,29). Mặc khác, Chúa Giêsu cũng đã hướng dẫn Đức Maria theo “cách thế” đó, là biết thi hành thánh ý Chúa Cha.

Đức Maria, môn đệ của Chúa Giêsu

Đức Maria đã phản ứng như thế nào đối với cách thức Chúa Con và Thiên Chúa thực hiện nơi mình? Chúng ta hãy đọc lại lần nữa bản văn mà chúng ta đã đọc. Chúng ta sẽ thấy rằng không bao giờ có dấu vết gì cho thấy ý muốn của mẹ đi ngược lại với thánh ý Thiên Chúa hay có sự chống đối hoặc sự biện hộ từ phía Đức Maria. Mẹ đã không bao giờ cố gắng thuyết phục Chúa Giêsu thay đổi ý định của Người! Mẹ có một sự ngoan ngùy dường như tuyệt đối.

Ở đây chúng ta thấy sự thánh thiện cá vị độc nhất của Mẹ Thiên Chúa, sự kỳ diệu cao cả nhất của ân sủng. Để hiểu được điều này, chúng ta chỉ cần so sánh với thánh Phêrô, chẳng hạn. Khi Chúa Giêsu loan báo cho Phêrô biết rằng sự từ chối, đau khổ và chết đang chờ Người ở Giêrusalem, Phêrô liền mắng Người và nói: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy” (Mt 16,22)! Ông lo lắng cho Chúa Giêsu nhưng đồng thời cũng lo lắng cho mình. Đức Maria thì không lo lắng cho mình như thế.

Đức Maria ở lại trong thinh lặng. Câu trả lời của mẹ với mọi điều là sự thinh lặng của mẹ. Sự thinh lặng của Đức Maria có một phẩm chất khác. Điều này thật rõ tại Cana, miền Galiêa, thay vì cảm thấy bị xúc phạm, khi Đức Maria đã hiểu được nhờ đức tin và có lẽ nhờ cách thức mà Chúa Giêsu nhìn mẹ mình để mẹ có thể đứng vững, nên mẹ mới nói với các đầy tớ: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (Ga 2,5). Cả sau những lời chói tai mà Chúa Giêsu nói khi ông bà tìm thấy Người trong Đền Thờ, Đức Maria đã không hiểu những lời đó, Kinh Thánh cho biết Đức Maria đã im lặng: “Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng” (Lc 2,51).

Việc Đức Maria giữ thinh lặng không có nghĩa là mọi sự đều dễ dàng đối với mẹ và rằng mẹ không phải cố gắng để vượt những khó khăn. Mẹ thoát khỏi tội lỗi, nhưng không thoát khỏi những khó khăn và điều mà thánh Gioan Phaolô II gọi là “nỗi đau khổ đặc biệt của tâm hồn, tương tự như một dạng đêm tối đức tin.” Nếu Chúa Giêsu trong vườn Giệtsimani đã phải chiến đấu đến mức toát mồ hôi máu ra để kết hợp hoàn toàn ý muốn nhân loại của Người với ý muốn của Chúa Cha, thì thật ngạc nhiên biết bao khi mẹ Người phải đối diện với cơn hấp hối tương tự như vậy đó sao? Tuy nhiên, một điều chắc chắn: trong bất cứ hoàn cảnh nào, Đức Maria đã không hề muốn lùi bước. Khi người ta hỏi một số tâm hồn, được Chúa hướng dẫn trên những nẽo đường như thế, rằng họ có muốn cầu nguyện cho điều đó kết thúc và trở lại như trước đây không, ngay lập tức họ trả lời: “Không!” Dù họ có bị xáo trộn như thế nào hay dù có ở bên bờ tuyện vọng.

Sau khi đã chiêm ngắm Đức Maria như là mẹ của Chúa Giêsu, giờ đây chúng ta hãy chiêm ngắm mẹ như là môn đệ Người. Liên quan đến lời của Chúa Giêsu: “Ai là mẹ tôi?”… Bất cứ ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa là anh, chị em và là mẹ tôi” (Mc 3,33-35), thánh Augustinô chú giải:

“Đức Trinh Nữ đã không thi hành thánh ý của Chúa Cha đó sao? Mẹ là người đã tin trong đức tin và nhờ đức tin ấy mẹ đã thụ thai, vì ơn cứu độ, mẹ đã được chọn để được sinh ra cho chúng ta giữa loài người, và mẹ được tạo thành bởi Chúa Kitô trước khi Chúa Kitô được tạo thành trong dạ mẹ đó sao? Đức Maria đã hoàn toàn thi hành thánh ý Chúa Cha; và vì thế Đức Maria thật xứng đáng để trở thành môn đệ hơn là mẹ của Chúa Kitô. Trở thành một môn đệ Chúa Kitô là điều xứng đáng hơn, là sự ưu tiên lớn lao hơn là được làm mẹ Chúa Kitô. Đức Maria thật hạnh phúc bởi vì trước khi sinh hạ một người Con, mẹ đã mang người Thầy ở trong dạ mình… Điều này lý giải tại sao Đức Maria được chúc phúc, mẹ đã lắng nghe và đã thực hành Lời Chúa.”[5]

Vì thế, trong thân xác, chỉ Đức Maria là mẹ Chúa Kitô, nhưng trong tinh thần vừa là chị vừa là mẹ Người.[6]

Như thế, chúng ta có suy nghĩ rằng cuộc đời của Đức Maria là một cuộc đời đau khổ triền miên, một cuộc đời buồn thảm chăng? Không, trái lại! Khi so sánh với cuộc đời của các thánh, chúng ta phải nói rằng ngày lại ngày Đức Maria đã khám phá một loại niềm vui mới, so với với những niềm vui mẫu tử ở Bêlem hay ở Nadarét, như khi mẹ cho Chúa Giêsu bú mớm và khi Chúa âu yếm áp lên má mẹ. Đó là niềm vui không làm theo ý mình. Niềm vui của đức tin. Niềm vui dành cho Chúa điều quý giá nhất, cũng như niềm vui được kết hợp với Chúa, có niềm vui cho đi hơn là đón nhận. Niềm vui khám phá một Thiên Chúa và đường lối Người mà không thể thấu hiểu hết, vì tư tưởng của Người không phải là tư tưởng chúng ta. Vì thế, Người đã mạc khải mình như Người thực sự là: Thiên Chúa, Đấng Thánh.

Thánh Angela thành Foligno, một nhà thần bí đã có những kinh nghiệm tương tự, đã nói về một niềm vui đặc biệt ngay trong giới hạn của sự hiểu biết con người, ngài gọi là “niềm vui của sự bất khả thấu đạt” (gaudium incomprehensibilitatis). Điều này hệ tại ở việc hiểu rằng con người không thể hiểu, nhưng nếu Thiên Chúa, Đấng có thể được hiểu có lẽ không còn là Thiên Chúa nữa. Sự bất khả thấu đạt mang lại niềm vui hơn là sự buồn phiền bởi vì nó cho thấy rằng Thiên Chúa giàu có và vĩ đại hơn bất cứ điều gì bạn có thể tưởng tượng và đó là “Thiên Chúa của bạn!” Niềm vui như thế là điều các thánh chiếm giữ trên thiên đàng và là điều theo thánh Angela thành Foligno, Đức Trinh Nữ đã kinh nghiệm trong suốt cuộc đời này.[7]

Từ việc suy niệm về Đức Maria trong suốt cuộc đời công khai của Chúa Giêsu, chúng ta có thể có một sự bảo đảm an ủi: Chúng ta có một người mẹ là người đã có thể thấu hiểu những yếu đuối của chúng ta khi mẹ đã “bị thử thách” trong từng cách thế giống chúng ta, chỉ trừ tội lỗi. Giờ đây mẹ được sống vinh hiển trên trời, bên cạnh người Con mình, mẹ có thể chìa tay ra và lôi kéo chúng ta đi vào con đường của mẹ, mẹ đang ngõ với chúng ta với chân lý mà thánh Tông Đồ xưa đã nói: “Hãy bắt chước tôi, như tôi đã bắt chước Đức Kitô” (1 Cr 11,1).

Trong thời gian thử thách đau thương này, chúng ta hãy hướng về Mẹ Thiên Chúa với lới cầu nguyện rất được các tín hữu ưa thích:

Sub Tuum Praesidium confugimus, Sancta Dei Genetrix.

Nostras deprecationes ne despicias in necessitatibus nostris, sed a periculis cunctis libera nos semper, Virgo Gloriosa et Benedicta. AMEN.

(Chúng con trông cậy rất thánh Đức Mẹ Chúa Trời,
xin chớ chê, chớ bỏ lời chúng con nguyện,
trong cơn gian nan thiếu thốn,
Đức Nữ Đồng Trinh hiển vinh sáng láng,
hằng chữa chúng con cho khỏi mọi sự dữ. Amen.)

Cha Raniero Cantalamessa
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương phỏng dịch
Mùa dịch Covid 19
Thứ Hai Tuần Thánh 2020

[1] Diễn dịch từ nguồn http://www.cantalamessa.org/?p=3858&lang=en, với tựa đề “O WOMAN, WHAT HAVE YOU TO DO WITH ME?” The Kenosis of the Mother of God.
[2] Lumen gentium, 58.
[3] Thomas à Kempis, The Imitation of Christ, II, 12.
[4] John Paul II, Salvifici Doloris, 23.
[5] Lumen gentium, 61.
[6] Cf. St. Augustine, “Letter 55,” 14, 24.
[7] Cf. Charles Péguy, le Porche du Mystère de la Deuxième Vertu [The Portal of the Mystery of the Second Virtue] in Oeuvres Poétiques Complètes, vol. 5 (Paris: Gallimard, 1975), p. 655.

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận