Gieo hạt mùa xuân

1250 lượt xem

Mùa Xuân là mùa cây nảy lộc biết, đơm hoa và kết trái. Như vậy, người ta đã phải gieo hạt trước – có thể từ mùa Hạ hoặc mùa Thu. Tuy nhiên, có những loại nên gieo trồng vào mùa Xuân như cà rốt, tỏi tây, cải xoăn, cải bó xôi (rau bina, rau chân vịt), rau dền, đậu đũa,… đặc biệt là nhiều loại hoa, nhưng độc đáo nhất là hoa Mai vàng.

Gieo là Khởi, Gặt là Kết. Muốn Gặt thì phải Gieo, trước khi Gieo thì phải có Hạt Giống. Vì thế mà hạt giống là thứ rất quan trọng trong nông nghiệp. Hạt giống phải là những hạt giống mẩy, chắc, có màu sáng. Hầu hết các loại hạt cây lương thực đều gồm ba phần là vỏ, phôi và phôi nhũ. Vỏ có nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho hạt, không để phôi hạt bị hư hỏng, vì phôi là “sinh mệnh” của hạt, có nhiệm vụ nảy mầm để có thể trở thành cây con, còn phôi nhũ là phần chứa dưỡng chất của hạt, là phần nuôi cây con.

Trái ngon chỉ có từ cây tốt, cây tốt vươn lên từ hạt giống tốt. Chắc chắn như thế! Thật vậy, có lần chính Chúa Giêsu đã xác định: “Xem quả thì biết cây” (Mt 12:33; Lc 6:44). Cây tốt không thể sinh trái xấu, cây sâu không thể sinh trái ngọt. Về tinh thần cũng cần có “hạt giống tâm hồn”. Tương tự, về tâm linh rất cần “hạt giống Lời Chúa”.

Cuộc sống có nhiều thứ hệ lụy – cụ thể hoặc trừu tượng, vật chất hoặc tinh thần: QUẢ và CÂY, GIEO và GẶT. Tương tự, NÓI và NGHE cũng vậy: NÓI là GIEO, NGHE là GẶT. Thực tế cho thấy tỏ tường rằng LÒNG và MIỆNG cũng không thể tách rời: “Lòng có đầy, miệng mới nói ra” (Lc 6:45). Một hệ lụy tất yếu liên quan chữ Phúc: “Vì nhờ lời nói của anh mà anh sẽ được trắng án, và cũng tại lời nói của anh mà anh sẽ bị kết án” (Mt 12:37). Người Việt chúng ta cũng nói: “Có đầy mới tràn”. Mọi thứ đều có tính liên đới, có hệ lụy lẫn nhau.

Chúng ta biết rằng từ khi gieo và tới lúc gặt (thu hoạch) là một quá trình đầy gian khổ. Thánh Vịnh gia nói: “Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống, mùa gặt mai sau khấp khởi mừng. Họ ra đi, đi mà nức nở, mang hạt giống vãi gieo; lúc trở về, về reo hớn hở, vai nặng gánh lúa vàng” (Tv 126:5-6). Nỗi buồn và niềm vui, đau khổ và sung sướng, nụ cười và nước mắt,… đó là các cặp tương đồng về hai trạng thái trái ngược nhau, cũng như GIEO và GẶT. Gieo là lúc vất vả, gặt là lúc tận hưởng. Thật vậy, không có niềm hạnh phúc nào mà không có ít nhiều nước mắt.

Gieo hạt rồi cũng chưa an tâm, vì trong quá trình Gieo và Gặt, vấn đề thời tiết cũng rất quan trọng. Không mưa thuận gió hòa thì con người cũng “bó tay”. Hoặc đến ngày thu hoạch, nhưng chỉ một cơn bão hoặc lũ lụt thì con người cũng đành chịu trắng tay. Tết năm nào không thấy người ta bán nhiều Mai là vì năm đó thời tiết thất thường, khiến Mai không thể phát triển đúng nhịp mùa Xuân. Điều đó cho thấy Đấng Vô Hình mới làm chủ mọi thứ, Đấng đó là Thiên Chúa. Người ta đã từng vừa kinh ngạc vừa kinh sợ, tự hỏi và hỏi nhau về Đức Giêsu Kitô: “Ông này là người thế nào mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?” (Mt 8:27; Mc 4:41; Lc 8:25).

Thiên Chúa làm chủ mọi thứ, là Đấng “tuôn mưa móc, cho ngập tràn phú túc giàu sang, suối trời trữ nước mênh mang, dọn đất sẵn sàng đón lúa trổ bông. Tưới từng luống, san từng mô đất, khiến dầm mưa cho hạt nẩy mầm, bốn mùa Chúa đổ hồng ân, Ngài gieo mầu mỡ ngập tràn lối đi” (Tv 65:10-12). Hồng ân và Lời Chúa chính là mưa nguồn cho linh hồn chúng ta, cần phải biết “há miệng và hớp lấy” (Tv 119:131).

Trong cuộc sống đời thường hằng ngày, bằng cách này hay cách khác, chúng ta cũng “gieo” nhiều thứ qua ánh mắt, thái độ, cử chỉ, lời nói, hành động,… Có những thứ chúng ta có thể “gặt” ngay lúc đó, nhưng cũng có những thứ cần có thời gian. Dù lâu hay mau, trong khoảng “gieo – gặt” vẫn có một khoảng chờ đợi. Tuy nhiên, có những thứ phải chờ đợi suốt đời mới có thể thu hoạch chính những gì chúng ta đã gieo vãi. Ai gieo giống tốt thì bội thu, ai gieo giống xấu cũng có thu hoạch, nhưng là thu hoạch những cái xấu xa và độc hại.

Một hôm, Đức Giêsu ra ngồi ở ven Biển Hồ. Dân chúng tụ họp bên Ngài rất đông, nên Ngài phải xuống thuyền mà ngồi, còn tất cả dân chúng đứng trên bờ. Ngài giáo huấn họ nhiều điều, trong đó có phần dụ ngôn “Người Gieo Giống” (Mt 13:1-23; Mc 4:1-20; Lc 8:4-15). Trong dụ ngôn này có bốn loại hạt:

(1) Những hạt rơi xuống VỆ ĐƯỜNG, bị chim chóc ăn mất;
(2) Những hạt rơi trên nơi SỎI ĐÁ, đất không nhiều, nó mọc ngay nhưng bị cháy khô khi nắng lên;
(3) Những hạt rơi vào BỤI GAI, nó chết nghẹt vì bị gai mọc đè lên;
(4) Những hạt rơi vào ĐẤT TỐT nên sinh hoa kết quả: hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục.

Nói xong dụ ngôn, Chúa Giêsu thản nhiên nói: “Ai có tai thì nghe” (Mt 13:9). Một câu nói rất đáng để chúng ta suy nghĩ nhiều. Tại sao Đức Giêsu dùng dụ ngôn mà nói? Chúa Giêsu giải thích: “Bởi vì anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không. Ai đã có thì được cho thêm, và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy mất. Bởi thế, nếu Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ, là vì họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe không hiểu. Thế là đối với họ đã ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ Isaia, rằng: Các ngươi có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy; vì lòng dân này đã ra chai đá: chúng đã bịt tai nhắm mắt, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe, và lòng hiểu được mà hoán cải, và rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành” (Mt 13:11-15).

Ung thư là dạng xơ cứng cơ phận nào đó, “chai đá” là dạng xơ cứng tâm hồn, chứng ung thư linh hồn. Cứng lòng cũng là tội xúc phạm tới Chúa Thánh Thần, thế nên không đời nào được tha (x. Mc 3:29; Lc 12:10), gọi là “cố chấp”. Bằng chứng rõ ràng là ma quỷ biết rõ Chúa Giêsu là ai, nhưng chúng kiêu căng tự phụ nên không thần phục Ngài.

Trong các dụ ngôn, có lẽ dụ ngôn Người Gieo Giống khó hiểu nhất. Vì thế, Chúa Giêsu đã phải giải thích tường tận từng chi tiết (Mt 13:18-23; Mc 4:13-20; Lc 8:11-15). Lời giải thích của Chúa Giêsu chính xác và rõ ràng rồi!

Thiết tưởng chúng ta chưa đến nỗi là “hạt rơi bên vệ đường”, nhưng rất có thể chúng ta là “hạt rơi nơi đá sỏi” và “hạt rơi vào bụi gai”, vì chúng ta có lắm kiểu tham lam về tiếng tăm, chức tước, địa vị, và có nhiều những nỗi sợ hãi, lo lắng. Vả lại, đôi khi chúng ta còn ảo tưởng, vì chúng ta có vẻ rất “ngoan ngoãn và hiền lành” khi ở trong nhà thờ, nhưng khi ra ngoài nhà thờ thì… “khác hẳn”, y như các ảo thuật gia có thể biến Chiên thành Cọp. Rất đáng quan ngại. Sự thật thì vẫn hay phũ phàng thế đấy, nhưng chỉ có thuốc đắng mới “đã” tật!

Trong cuộc sống, công thức là điều cần thiết, và nghi thức hoặc nghi lễ cũng vậy, vấn đề quan trọng là đừng quá câu nệ vào hình thức, chú ý số lượng mà coi thường chất lượng. Hạt giống là hạt đời, có nhiều dạng hạt lép và cũng có nhiều dạng hạt mẩy. Tính từ “mẩy” hoặc “lép” đôi khi còn do chính chúng ta gán ghép cho người khác, chứ không phải tại hạt. Chí Phèo cũng muốn sống tốt mà tại thành kiến của người đời khiến anh ta không thể “ngóc đầu” lên được. Hạt đời Chí Phèo muốn “mẩy” mà bị người đời làm cho “lép”. Vì thế, có những dạng “cùi không sợ lở”. Đó là lỗi tại ai? Lỗi tại tôi ba lần đủ chưa? Tội lỗi và sự ác cũng có tính liên đới!

Chúa Giêsu đã gieo Hạt Lời Thiêng, Hạt Phúc Âm, Hạt Tin Mừng, Hạt Cứu Độ, hạt đó có thể nảy mầm và vươn cao hay thui chột đi là tùy mỗi người. Thiên Chúa ban cho chúng ta được tự do chọn lựa, và Ngài tôn trọng quyền tự do của chúng ta, hoàn toàn Ngài không ép buộc ai cả. Ước gì tất cả chúng ta, kể từ Mùa Xuân này, mỗi người đều là “hạt gieo vào đất tốt” và sinh lời, nhiều hay ít cũng được, miễn là có sinh lời – cho chính mình và cho tha nhân.

Vừa giải thích, vừa phân tích, và vừa kết luận, Thánh Phaolô cho biết: “Ai gieo giống nào thì sẽ gặt giống ấy. Ai theo tính xác thịt mà gieo điều xấu thì sẽ gặt được hậu quả của tính xác thịt là sự hư nát. Còn ai theo Thần Khí mà gieo điều tốt thì sẽ gặt được kết quả của Thần Khí là sự sống đời đời. Khi làm điều thiện, chúng ta đừng nản chí, vì đến mùa chúng ta sẽ được gặt, nếu không sờn lòng” (Gl 6:7-9).

Lạy Chúa Xuân, xin giúp chúng con biết gieo giống tốt và trở thành những hạt giống tốt nơi đất nhiều phù sa hồng ân để chúng con “được hưởng tình thương Chúa và ơn cứu độ theo lời hứa của Ngài” (Tv 119:41). Xin cho chúng con được vui hưởng lòng nhân hậu của Ngài và xin củng cố việc tay chúng con làm (Tv 90:17), đặc biệt trong dịp Tết này và suốt năm nay, để hạt đời chúng con được lớn lên nơi Miền Hằng Sinh là Thiên Quốc. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ của nhân loại. Amen.

Trầm Thiên Thu

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận