Gánh nặng của người mục tử nhân lành

1102 lượt xem

GÁNH NẶNG CỦA NGƯỜI MỤC TỬ NHÂN LÀNH: BIỂU TƯỢNG KITÔ GIÁO THỜI KỲ ĐẦU

Daniel Esparza
Con chiên, dù nó dường như là biểu tượng của sự ngây thơ và dễ bị tổn thương, nhưng lại không phải là gánh nhẹ nhàng. Trên thực tế, một con chiên (cừu) có thể nặng hơn 100 pound (khoảng 45,3kg).
Người mục tử nhân lành chắc chắn là một trong những chủ đề có từ rất sớm và lâu dài nhất trong nghệ thuật Kitô giáo – một người trẻ dịu dàng cõng chiên trên vai của mình. Nhưng hình ảnh này không phải là một quang cảnh mục vụ đơn giản. Nó thể hiện cái cốt lõi của đức tin Kitô giáo: hy sinh, cứu chuộc và tình yêu không lay chuyển của người mục tử dành cho đoàn chiên của mình.
Nhìn kỹ hơn sẽ thấy một chi tiết thú vị nhưng thường bị lãng quên: Con chiên (cừu) non, dù nó dường như là biểu tượng của sự ngây thơ và dễ bị tổn thương, nhưng lại không phải là gánh nhẹ nhàng. Trên thực tế, một con cừu có thể nặng hơn 100 pound (45,3kg), bộ lông mềm mại của nó che lấp một thân hình nặng nề đến kinh ngạc. Các nghệ sĩ Kitô giáo thời kỳ đầu đã nhận thức sâu sắc về điều này, do đó đã thấm nhuần ý nghĩa thần học thâm sâu của hình ảnh này.
Người Mục tử Nhân lành mang con chiên lạc từ xa về, như được miêu tả, là một công việc gian khổ. Tư thế cúi gập của người mục tử nói lên sự cố gắng hết sức cần thiết. Mô tả có chủ ý này phản ánh sức nặng hy sinh của Chúa Kitô trên thập giá – không chỉ là sức nặng của thanh gỗ mà còn là gánh nặng khôn lường mà Ngài phải gánh lấy vì ơn cứu rỗi nhân loại.
Hơn nữa, những con chiên lạc đàn thường bị tê liệt vì sợ hãi và kiệt sức. Chúng không thể tự tìm đường quay về. Vì vậy, người mục tử không chỉ phải chịu đựng sức nặng thể xác của con chiên mà còn phải chịu “cảm xúc yếu ớt” của nó. Hành động dịu dàng này trở thành một ẩn dụ cho lòng thương xót của Chúa Kitô đối với những người lạc lối và dễ bị tổn thương, bằng cách mang gánh nặng của họ và hướng dẫn họ trở về nơi an toàn.
Việc nhấn mạnh vào kích cỡ của con chiên trong các mô tả của Kitô giáo thời đầu càng nhấn mạnh thêm tính biểu tượng này. Trong nhiều bức tranh và tác phẩm điêu khắc, con chiên có vẻ lớn hơn, không cân đối so với người chăn chiên, trọng lượng của nó gần như áp đảo anh ta. Sự lựa chọn mang tính nghệ thuật này khuếch đại một cách trực quan trạng thái căng thẳng của cơ thể và cảm xúc mà Mục Tử Nhân Lành phải chịu đựng, khiến cho sự hy sinh càng có tác động mạnh mẽ hơn.
Có trước Kitô giáo
Nguồn gốc của hình ảnh đầy sức mạnh này có trước Kitô giáo. Trong nghệ thuật Hy Lạp cổ đại, moskophoros (một người đàn ông vác con cừu đực trên vai) là một chủ đề phổ biến gắn liền với Hermes, vị thần của những lữ khách và người chăn cừu. Những người theo Kitô giáo sơ thời đã áp dụng hình ảnh quen thuộc này, tái hiện lại nó để thể hiện niềm tin của chính họ. Con cừu đực, một con vật hiến tế theo truyền thống Hy Lạp, đã được thay thế bằng con cừu non, tượng trưng cho hy lễ cuối cùng của Chúa Kitô.
Vì thế, người Mục Tử Nhân Lành vẫn là biểu tượng vượt thời gian của một tình yêu kiên định và lòng vị tha của Chúa Kitô. Khi mô tả những gánh nặng và sự chăm sóc dịu dàng, nó nhắc nhở chúng ta rằng niềm tin tự nó không phải nhẹ nhàng. Nó đòi hỏi sự hy sinh, lòng trắc ẩn và quyết tâm mang vác lẫn nhau, giống như người Mục Tử Nhân Lành mang con chiên lạc trở về đàn chiên an toàn.
Vì vậy, đến lượt bạn, khi bắt gặp hình ảnh cổ xưa này, hãy nhớ đến gánh nặng thầm lặng mà người mục tử đang mang. Hãy nhìn xem không chỉ người chăn chiên hiền lành và một con cừu lông mượt mà còn là một minh chứng sâu thẳm cho gánh nặng của tình thương, sức mạnh bền bỉ của đức tin và sự hy sinh cuối cùng, tất cả đã gắn kết họ lại với nhau.
G. Võ Tá Hoàng

Có thể bạn quan tâm