Đại hội giới trẻ giáo tỉnh Hà Nội: 20 ngàn bạn trẻ sẽ về nguồn

1507 lượt xem

Ngày 19-20/11 tới đây, Giáo phận Bùi Chu sẽ đăng cai tổ chức Đại hội giới trẻ Giáo tỉnh Hà Nội lần thứ XVII tại Tiểu Vương cung Thánh đường Phú Nhai. Dự kiến có khoảng 20 nghìn bạn trẻ tham dự đại hội với chủ đề: Hãy về với thân nhân. Đại hội còn là nơi để các bạn trẻ Công giáo Việt Nam tìm về nơi hạt giống Tin mừng đầu tiên được gieo vãi trên dải đất chữ S.

Lần theo những trang sử, Lm. G.B. Trần Ngọc Sơn, cha giáo Chủng viện Bùi Chu kể cho cộng tác viên Vatican News về miền đất lịch sử này.

Nhà thờ giáo xứ chính tòa Bùi Chu được xây dựng từ năm 1885, nơi được đón nhận Tin mừng vào khoảng năm 1670. Ảnh: Phạm Tân

Nơi hạt giống nảy mầm

Theo Khâm Định Việt Sử thì Bùi Chu là mảnh đất được đón nhận hạt giống Tin mừng đầu tiên tại Việt Nam. Sách viết: (1533) đời Lê Trang Tông, người Tây Dương tên là Inêxu lén lút đến làng Trà Lũ thuộc huyện Giao Thủy và làng Ninh Cường, Quần Anh thuộc huyện Nam Chân, ngấm ngầm truyền tả đạo Giatô.

“Sự kiện này ghi dấu mốc lịch sử của Giáo hội Việt Nam. Bùi Chu còn là trung tâm truyền giáo ở giáo phận Đàng Ngoài trong những thế kỷ kế tiếp”, theo cha Ngọc Sơn.

Từ đây, hạt giống Tin Mừng nảy mầm và phát triển mạnh mẽ. Cho đến năm 1668, tức hơn 100 năm sau, giáo phận Bùi Chu đã có linh mục coi sóc tại Kiên Lao là cha Gioan Huệ (1668). Sau đó hai năm, Hội dòng Mến Thánh Giá tại Kiên Lao được thành lập và ghi dấu ấn lễ khấn dòng của hai nữ tu tiên khởi là chị Paola và Anê. Và tại Kiên Lao – Bùi Chu năm đó, số giáo dân đã lên tới 2.000 người.

Phú Nhai: Thánh đường lịch sử

Những cuộc bách hại luôn ghi dấu trong dòng lịch sử Kitô giáo, “Đã có khoảng thời gian, Kitô giáo tưởng chừng bị xóa sổ tại Bùi Chu”, cha giáo chia sẻ.

Vào đời mua Minh Mạng và Tự Đức, Kitô giáo bị bách hại nặng nề. Đến năm 1858, Đức cha Valentinô Berrio Ochoa Vinh và cha chính Emmanuel Riaño Hòa đã khấn dâng giáo phận cho Đức Mẹ.

“Vì lời cầu bầu của Đức Mẹ, khi Thiên Chúa cho giáo dân thoát khỏi cơn bắt bớ đạo và được sống bình an, thì sẽ xây cất một thánh đường xứng đáng dâng kính Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội và nhận Người làm bổn mạng của giáo phận”.

Tiểu Vương Cung Thánh đường Phú Nhai. Ảnh: GP Bùi Chu

Và hiện tại, hình ảnh của một giáo phận Bùi Chu với con số 412.539 tín hữu (năm 2017) minh chứng cho lời cầu bầu của Đức Maria trên đoàn con cái năm nào.

Sau nhiều lần xây dựng, đền thánh Phú Nhai được thánh hiến trọng thể ngày 7/12/1933 để tỏ lòng yêu mến và tạ ơn đối với Đức Trinh Nữ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội. Nhà thờ được xây dựng lại và được nhận tước hiệu Tiểu Vương cung Thánh đường ngày 8/12/2008, kỷ niệm 150 năm dâng hiến giáo phận Bùi Chu cho Đức Maria. Và cũng cần biết, Phú Nhai chính là mảnh đất Trà Lũ được nhắc đến trong Khâm Định Việt Sử, nơi đầu tiên đón nhận Tin Mừng tại Việt Nam.

Viết tiếp trang sử tiền nhân

Bùi Chu là miền đất ghi dấu chân lịch sử của các vị tử đạo. Trong 117 vị thánh tử đạo Việt Nam, có 26 vị người Bùi Chu. Ngoài ra, 18 vị thừa sai phục vụ tại Bùi Chu cũng được tuyên thánh. 44 vị này đại diện cho 514 tôi tớ Chúa và khoảng 16.500 vị đã anh dũng chết vì đức tin.

Bùi Chu cũng là miền đất văn học với tàng kho sách chữ Nôm tại nhà in Phú Nhai (hoạt động khoảng những năm 1865). Sự hình thành chữ quốc ngữ qua những bộ sách kinh trong đạo cũng được phát triển tại Phú Nhai Đường, trong đó có nhiều bộ sách như: Giống má đủ bộ, Lễ giảng các ngày lễ cả, Sách sử ký tóm tắt về đạo…

Trong lịch sử Giáo hội Công giáo Việt Nam hiện đại, có nhiều đóng đến từ những con người xuất thân từ Bùi Chu, như Linh mục Giáo sư Dominicô Lương Kim Định – một trong những người phác hoạ nên ngành triết học Việt Nam, Linh mục nhạc sĩ Nguyễn Kim Long, hay Đức ông Gioan Maria Trần Văn Hiến Minh (1918 – 2003), người thiết lập giáo xứ Việt Nam tại Paris…

Và những ngày tới đây, gần 20 nghìn bạn trẻ sẽ về hành hương tại Phú Nhai để sống những tháng ngày thanh xuân cùng nhau và cùng Đức Kitô. Trong niềm vui của cuộc gặp gỡ, những người trẻ có dịp nhìn lại một hành trình dài của đức tin, của Giáo hội Việt Nam trên mảnh đất lịch sử Bùi Chu. “Hãy tiếp bước cha anh, trở nên những nhân chứng sống động của Chúa Kitô trong mọi môi trường”, cha giáo Ngọc Sơn nhắn nhủ.

ĐHGT Giáo tỉnh Hà Nội được tổ chức mỗi năm một lần theo luân phiên các giáo phận từ năm 2002 do Đức cha Nguyễn Văn Sang đề xướng. Ảnh: Antonio Media.

An Duyên

Để lại một bình luận