Cuối năm, tìm hạnh phúc từ kho đồ cũ

1220 lượt xem

Trong dịp cuối năm, khi dọn kho đồ cũ, chúng ta nên để ý đến những đồ vật này. Đừng chỉ dọn dẹp theo tinh thần làm cho xong hay dồn chúng vào những góc khuất; đặc biệt, đừng vội vàng vứt chúng đi chỉ vì chúng cũ kỹ hay không còn giá trị sử dụng cho hiện tại. Ngược lại, chúng ta nên dành một chút thời gian để quan sát và suy nghĩ về ‘lịch sử’ của chúng. Làm được như thế, chúng ta sẽ không bị mất cơ hội quý giá được sống lại với những cảm xúc đẹp đẽ từ những kỷ vật trong quá khứ; hay nói đúng hơn là để cho ‘thế giới’, cho ‘khung trời’ của chúng được sống lại nơi ý thức của mình ngay trong hiện tại này, để chúng lay động và đánh thức về lịch sử của đời sống mỗi người chúng ta.

Cuối năm thường là dịp chúng ta dọn dẹp lại nhà cửa cho tươm tất, khang trang để đón chào Năm Mới. Một trong những điểm mà ta phải làm chính là kho đồ cũ của gia đình. Việc dọn dẹp này có khi tạo ra tâm lý vui vẻ, vì ta cảm thấy sắp có một khung cảnh mới hơn, sạch sẽ hơn để đón Tết, nhưng cũng có khi gây ra sự mệt nhọc, chán nản, vì có quá nhiều thứ phải sắp xếp, quá nhiều bụi bặm phải lau chùi. Tuy nhiên, nếu chúng ta đừng quá nôn nóng làm cho xong, đừng quá chú trọng đến mục tiêu về sự gọn gàng, ta sẽ có cơ hội tìm thấy hạnh phúc ngay trong việc dọn dẹp kho đồ cũ của mình.

Trong các bộ phim hay các câu chuyện văn học, bối cảnh thường được khởi đầu bởi một vật dụng hay một món đồ cũ nào đó. Nó sẽ là đầu mối để dẫn dắt khán thính giả đi vào câu chuyện, đặc biệt là những câu chuyện tình lãng mạn. Chúng có thể là những một kỷ vật trong lần gặp gỡ đầu tiên của một cặp đôi yêu nhau, hay một vật dụng từng mang tính bất ly thân của một cá nhân trong gia đình. Chúng cũng có thể là những đồ chơi yêu thích của các em nhỏ trong quá khứ, hay những tác phẩm nghệ thuật được sử dụng trong mái nhà xưa.

Mỗi một đồ vật trong kho đều chứa đựng một câu chuyện, một lịch sử riêng của nó. Có những kỷ vật từng là biểu cho tượng tình yêu của ông bà hay của cha mẹ. Có những món đồ từng đánh dấu các biến cố quan trọng của ai đó. Có những vật dụng từng đồng hành cùng gia đình suốt thuở hàn vi, v.v… Việc chúng được giữ lại trong kho đã đảm bảo rằng chúng từng mang một vai trò hay một giá trị quan trọng nào đó. Chúng có thể từng là ‘bảo vật’ đối với thế hệ của ông bà cha mẹ, nhưng hiện không được chú ý hoặc không còn ‘hợp thời’ với thế hệ con cháu. Chúng cũng có thể từng giữ những kỷ niệm đáng trân trọng của người hiện tại, nhưng vì nhịp sống thay đổi nhanh chóng khiến chúng bị lãng quên. Nói cách khác, mỗi kỷ vật không chỉ là một món đồ, mà là một ‘thế giới’, một ‘khung trời’ ghi dấu và chứa đựng một câu chuyện, một quãng đời, một lịch sử.

Vì thế, nếu chúng ta biết ‘dừng lại’ và để ý một chút, chúng ta có cơ hội khám phá lại lịch sử và nhận diện lại truyền thống của gia đình. Đó là cách chúng ta gắn kết trở lại với nguồn cội, trân trọng và biết ơn những gì đã giúp hình thành nên đời sống hiện tại. Chúng ta cũng có cơ hội sống lại những cảm xúc từ những món đồ hay những vật kỷ niệm đã một thời gắn bó với mình. Đó là những hoài niệm quý giá khi ta mở ra với những gợi hứng đến từ quá khứ, để cho các ‘thế giới’ của những vật dụng lay động hiện tại. Chúng đang nhắc ta về những gì đã xây nên cuộc đời này.

Đó là một cách lành mạnh để xây dựng định hướng cho cuộc sống. Khi để cho cảm xúc của những hoài niệm được hiện diện là ta đang làm mới mình, và đang để cho tâm tình biết ơn được lên tiếng trong lòng. Biết ơn vì hiểu rằng những gì ta đang có ở hiện tại đều được đặt nền trên bao nhiêu điều khác: từ sự sinh thành của ông bà cha mẹ, cho tới các mối quan hệ, và bao nhiêu biến cố khác đã diễn ra trong cuộc đời, vv. Đó là những cảm xúc cần thiết để ta phát triển nhân cách thiện lành. Chúng giúp ta ý thức rằng quá khứ đang là một phần của ta ở hiện tại, và sẽ theo bước ta vào tương lai. Cuộc đời ta luôn tiến về phía trước, nhưng ta chỉ có thể thật sự tiến bước với những phương hướng rõ ràng nếu ta có một nền tảng vững vàng được xây dựng từ ‘những ngày xưa yêu dấu’.

Vì vậy, trong dịp cuối năm, khi dọn kho đồ cũ, chúng ta nên để ý đến những đồ vật này. Đừng chỉ dọn dẹp theo tinh thần làm cho xong hay dồn chúng vào những góc khuất; đặc biệt, đừng vội vàng vứt chúng đi chỉ vì chúng cũ kỹ hay không còn giá trị sử dụng cho hiện tại. Ngược lại, chúng ta nên dành một chút thời gian để quan sát và suy nghĩ về ‘lịch sử’ của chúng. Làm được như thế, chúng ta sẽ không bị mất cơ hội quý giá được sống lại với những cảm xúc đẹp đẽ từ những kỷ vật trong quá khứ; hay nói đúng hơn là để cho ‘thế giới’, cho ‘khung trời’ của chúng được sống lại nơi ý thức của mình ngay trong hiện tại này, để chúng lay động và đánh thức về lịch sử của đời sống mỗi người chúng ta. Có những kỷ vật sẽ đánh thức ta về truyền thống gia đình, về cuộc đời của ông bà cha mẹ; có những kỷ vật gợi nhắc về tình bạn bè cũ; có những kỷ vật giúp ta cảm khái về những tháng ngày ‘nằm gai nếm mật’; và có những kỷ vật khiến ta sống lại nét trong trẻo, thơ ngây và tinh nghịch của tuổi thơ v.v… Đó là những tiếng nói vọng từ quá khứ, nhưng rất có giá trị cho hiện tại và tương lai của chúng ta. Những tiếng nói đó đang gõ cửa tâm hồn ta, mời gọi ta mở ra với lòng tri ân và thúc đẩy ta tiến bước về phía trước. Chính những cảm xúc đó sẽ giúp ‘dọn dẹp’, ‘sắp xếp’ lại tâm trí chúng ta, giúp ta có được một tâm hồn đầy biết ơn, cởi mở và hân hoan để đón chào Năm Mới.

Khắc Bá, SJ

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận