CÔNG GIÁO ĐỨC TRƯỚC LÀN SÓNG TÍN HỮU XIN RA KHỎI GIÁO HỘI
Thống kê của Hội đồng Giám mục Đức
Con số trên đây, được trình bày trong Thống kê do Hội đồng Giám mục Đức công bố ngày 28/6 vừa qua, cho thấy số người xin ra khỏi Giáo hội Công giáo Đức gia tăng 44%, tương đương với 133.500 người, so với con số 359.338 người ra khỏi Giáo hội trong năm 2021 trước đó.
Nếu tổng kết gồm số tín hữu qua đời, số người xin gia nhập Công giáo và số người đã làm đơn xin ra rồi xin trở về với Giáo hội, thì trong năm qua, số tín hữu Công giáo ở Đức giảm mất 708 ngàn người (708.285).
Tính đến cuối năm ngoái, số tín hữu Công giáo tại Đức là gần 21 triệu người (20.974,590).
Cũng nên nhắc lại rằng hồi tháng 3 năm nay, Giáo hội Tin Lành tại Đức đã công bố thống kê, và theo đó số tín hữu xin ra khỏi Giáo hội này là 380 ngàn người, làm cho tổng số tín hữu Tin Lành Đức sụt xuống còn 19 triệu 100 ngàn người trong năm 2021. Trước đây số tín hữu Tin Lành tại Đức đông hơn Công giáo.
Bối cảnh vấn đề
Thực ra từ nhiều năm nay, trong hai Giáo hội Kitô lớn tại Đức, Công giáo và Tin Lành, hiện tượng xin ra khỏi Giáo hội liên hệ vẫn liên tục xảy ra, nhưng sự kiện số người Công giáo rời bỏ Giáo hội tăng vọt như thế là một cú sốc đối với nhiều người, nhất là từ 4 năm nay. Đa số các thành viên Hội đồng Giám mục Đức và Ủy ban trung ương giáo dân Công giáo Đức đã đề xướng và tiến hành Con đường công nghị với mục đích ngăn chặn làn sóng tín hữu rời bỏ Giáo hội, bằng cách thích ứng với trào lưu thời đại, và phòng ngừa xì căng đan một số giáo sĩ lợi dụng quyền bính để lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên.
Thuế Giáo hội
Việc rời bỏ Giáo hội cũng có một bối cảnh khác, đó là vấn đề thuế Giáo hội. Thuế này có từ Hiến Pháp Đức hồi sau thế chiến thứ I, theo đó các tổ chức tôn giáo phải được các thành viên tài trợ. Vì thế, các tín hữu Công giáo cũng như tín đồ các tôn giáo được Nhà Nước công nhận có nhiệm vụ tài trợ cho Giáo hội của mình, tiền này gọi là thuế Giáo hội (Kirchensteur), được quy định từ 8 đến 9% thuế lợi tức đóng cho nhà nước.
Ví dụ 1 tín hữu Công giáo ở thủ đô Berlin có lương hằng năm trung bình khoảng 43 ngàn Euro, thì phải đóng 5.980 Euro thuế lợi tức cho Nhà Nước, và như vậy họ phải đóng khoảng 530 Euro tiền thuế cho Giáo hội Công giáo (khoảng 9%). Chính phủ thu tiền thuế này và chuyển cho tổng giáo phận Berlin. Việc đăng ký này có tính cách tự động. Khi một người được rửa tội trong Giáo hội Công giáo, không những họ được ghi trong sổ rửa tội của giáo xứ liên hệ nhưng còn được đăng ký như người Công giáo với chính quyền địa phương.
Khi họ trả thuế cho nhà nước, thì thuế Giáo hội cũng được rút từ lương tháng của họ. Vì thế, cách duy nhất để khỏi trả thuế cho Giáo hội là làm đơn với nhà nước để khai mình ra khỏi Giáo hội.
Tìm hiểu nguyên nhân
Mặc dù Hội đồng Giám mục Đức không cho biết ai là những người Công giáo rời bỏ Giáo hội và tại sao họ làm như thế, nhưng cũng có những nghiên cứu về vấn đề này và cho thấy có nhiều nguyên do:
Những người lớn tuổi thì nêu lý do vì cách xử lý của Giáo hội đối với cuộc khủng hoảng lạm dụng tính dục trong Giáo hội, bùng nổ hồi năm 2010, còn những người trẻ thì nêu lý do để khỏi đóng thuế Giáo hội hoặc vì từ lâu họ chẳng có liên hệ gì với Giáo hội, hoặc Giáo hội chẳng ích gì cho họ.
Một số nghiên cứu khác nói đến nguyên do sâu xa hơn, đó là trào lưu tục hóa ở Đức, đặc biệt là tại miền Đông Đức, vốn được coi là một trong những vùng “vô thần” nhất trên trái đất. Một ước lượng hồi năm 2021 cho thấy 42% người dân Đức là những người phi tôn giáo, tức là tăng 30% so với con số sẵn có 30% trong năm 2010. Hồi năm 1950 chỉ có khoảng 4% người dân Đức không phải là người Công giáo hay Tin Lành.
Người không tín ngưỡng, hoặc ít là không thực hành đạo, gia tăng mạnh nơi những người đăng ký là Công giáo trong mấy thập niên qua: số người Công giáo dự lễ Chúa nhật ở Đức giảm xuống dưới mức 5%, kể cả trước thời đại dịch Covid-19.
Vấn đề đã có từ lâu
Thật ra vấn đề tín hữu Công giáo và Tin Lành Đức làm đơn xin ra khỏi Giáo hội liên hệ đã có từ lâu và các vị lãnh đạo Giáo hội cũng đã tìm những phương thế để đảo ngược trào lưu này.
Nhiều người đã đưa ra những giải thích về nguyên nhân. Ví dụ Giáo sư Ulrich Riegel, thuộc đại học Riegen, cho rằng 2 lý do chính khiến các tín hữu đi tới quyết định xin ra khỏi Giáo hội vì họ cảm thấy xa lạ, thiếu liên hệ với Giáo hội. Đàng sau cảm tưởng đó có sự kiện họ cảm thấy Giáo hội là một tổ chức quan tâm đến quyền lực và tinh quái. Họ cho rằng Giáo hội không đáng tin vì có sự cách biệt giữa điều Giáo hội dạy và đường lối cư xử của một vài vị lãnh đạo hoặc đại diện Giáo hội, những vụ xì căng đan giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ em. Nghĩa vụ phải đóng thuế cho Giáo hội không phải là lý do chính, nhưng chỉ là một nhân tố đẩy mạnh trong một tiến trình gồm nhiều tác nhân khác nhau.
Những hậu quả có thể
Với số người xin ra khỏi Giáo hội gia tăng, số thu nhập của Giáo hội sẽ bị giảm sút. Năm ngoái, Giáo hội Công giáo Đức nhận được 7 tỷ 320 triệu Euro tiền thuế, bình quân mỗi tín hữu đóng 350 Euro mỗi năm cho Giáo hội. Dựa trên mức đó, với sự giảm bớt 520 ngàn tín hữu đóng thuế, thì số tiền thuế Giáo hội thu được sẽ là 183 triệu Euro.
Đây là con số đáng kể vì, đặc biệt trong giai đoạn kế tiếp của Con đường Công nghị như hiện nay, 4 Giám mục giáo phận không đồng ý việc lấy quỹ toàn quốc của các giáo phận để tài trợ cho Ủy ban Con đường này, nên việc thực thi những quyết định càng khó khăn hơn.
Về lâu về dài xu hướng ra khỏi Giáo hội gia tăng, người ta dự kiến 40 ngàn giáo xứ, đan viện, tu viện và các cơ cấu của Giáo hội Công giáo Đức sẽ bị đóng cửa từ nay tới năm 2060 vì thiếu tài chánh. Việc trả lương cho các nhân viên Giáo hội cũng sẽ gặp chướng ngại hơn.
Vài phản ứng
Hồi cuối tháng 6 năm ngoái, 2022, Hội đồng Giám mục Công giáo Đức công bố thông cáo cho biết: trong năm 2021 số tín hữu Công giáo làm đơn xin ra khỏi Giáo hội đạt tới con số kỷ lục, gần 360 ngàn người (339.338), tức là tăng 26% so với năm 2020 trước đó (272.771).
Phản ứng về tình trạng này, Đức cha Georg Baetzing, Giám mục giáo phận Limburg, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, bình luận rằng sự suy giảm trên đây là dấu hiệu một sự khủng hoảng sâu đậm của Giáo hội Công giáo tại Đức. Ngài nói: “Thật không phải là điều hay, đẹp khi nói về điều này. Tôi cảm thấy bị rúng động sâu đậm vì con số người ra khỏi Giáo hội cực kỳ cao như vậy”. Theo Đức cha Baetzing, phần lớn những người xin ra khỏi Giáo hội là những người từ lâu không còn tiếp xúc hay liên hệ với giáo xứ của họ nữa và Đức cha hy vọng nhờ con đường Công nghị, giáo dân sẽ xích lại gần hơn với các giáo xứ của họ: “Con đường Công nghị” của Công giáo Đức là điều đúng, và Giáo hội tại Đức tiếp tục tiến bước theo đường hướng con đường công nghị đã được đề ra.”
Nay sau kỷ lục mới hơn nửa triệu người xa lìa Giáo hội, Đức cha Baetzing tuyên bố: “Chúng ta không thể nhắm mắt trước diễn biến này. Chúng ta phải tiếp tục hành động phù hợp và làm sao để dân chúng thấy rằng chúng ta đứng cạnh họ và cho họ”.
Trong giáo phận Limburg của Đức cha Baetzing, năm vừa qua có gần 15 ngàn người Công giáo (14.951) xin ra khỏi Giáo hội, tức là tăng thêm 3.265 người so với năm 2021 trước đó. Tuy nhiên Đức cha cũng cảnh giác về thái độ cam chịu và kêu gọi các tín hữu cũng như những người thiện nguyện đừng mất tinh thần, trái lại hãy tiếp tục dấn thân: “Giáo hội là một Tin Mừng mà xã hội chúng ta đang rất cần và có khả năng kiến tạo tương lai”.
Vấn nạn
Tuy nhiên cũng có những người đặt câu hỏi: những điều được Con đường Công nghị Công giáo Đức theo đuổi là những điều Tin Lành Đức đã có từ lâu: dân chủ hóa Giáo hội, truyền chức mục sư cho các phụ nữ, chấp nhận đồng tính luyến ái, không có luật độc thân, nhưng tại sao vẫn có đông đảo tín hữu rời bỏ các Giáo hội Tin lành?
Nói khác đi, nếu hy vọng của người Công giáo Đức được đặt nơi việc bãi bỏ luật độc thân, truyền chức cho phụ nữ, công nhận đồng tính luyện ái, ngưng quyền bính của Giám mục để dành quyền cho một cơ quan hành chính gồm giáo dân chung với Giám mục, thì lẽ ra chúng ta phải thấy ít là tính hữu hiệu trong việc giảm bớt sự xuất huyết con số tín hữu Công giáo. Nhưng thực tế là số người rời bỏ Giáo hội càng nhiều hơn. Những sự kiện đó chứng tỏ Con đường ấy càng dẫn đến sự sa sút hơn.
Nguồn: vaticannews.va
Có thể bạn quan tâm
ĐHY Giám quản Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành mở Cửa Thánh Đền..
Th1
Khai Mạc Năm Thánh 2025 Tại 27 Giáo Phận Tại Việt Nam
Th1
VPTGM-GPHT: Thông báo Đăng ký hành hương Tòa Thánh trong Năm Thánh 2025
Th1
Lời thông báo long trọng về lễ Phục sinh và những ngày lễ..
Th1
Thánh lễ Khai Mạc Tuần Chầu Hồng Phúc Giáo xứ Chày
Th1
Họp Mặt Và Kỷ Niệm 25 Năm Thành Lập Hội Đồng Hương Giáo..
Th1
Ý Cầu Nguyện Của Đức Thánh Cha Tháng 01/2025: Cầu Cho Quyền Được..
Th1
Logo Năm Mục Vụ 2025: “Hội Thánh Việt Nam Cùng Nhau Loan Báo..
Th1
10 Sự Kiện Nổi Bật Tại Giáo Phận Hà Tĩnh Năm 2024
Th1
Suy Niệm Lễ Chúa Hiển Linh: Thiên Chúa Tỏ Mình Qua Chúa Con
Th1
Tại sao Lễ Hiển Linh là lễ của ánh sáng
Th1
Đức Cha Phêrô Lê Tấn Lợi: Giám Mục Chính Tòa Giáo Phận Cần..
Th1
Mừng Lễ Mẹ Thiên Chúa – Quan Thầy Giáo Phận và Truyền Chức..
Th1
Cẩm Nang Học Hỏi Năm Thánh 2025 – Phần Dẫn Nhập
Th1
Gần 900 Bạn Trẻ Tham Dự Ngày Hội Ngộ Giới Trẻ Hạt Ngàn..
Th1
Bài hát cộng đồng Lễ Chúa Hiển Linh
Th12
Phó Chánh Án Tòa Ân Giải Tối Cao: Tòa Giải Tội, Cửa Thánh..
Th12
Lễ Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa
Th12
Thánh lễ và Nghi thức tiếp nhận các tiến chức phó tế vào..
Th12
Mở Cửa Thánh Đền Thờ Latêranô: “Gieo Niềm Hy Vọng Và Xây Dựng..
Th12