Là người con của giáo phận Buôn Mê Thuột, tôi vừa nhận được tin vui: Bổ nhiệm Giám mục Chính tòa Giáo phận Ban Mê Thuột[1]. Nói là vui mừng, vì từ đây, sau 2 năm trống tòa[2], địa phận chính thức có vị giám mục chăm sóc. Là người trẻ, chắc hai từ “giám mục” còn xa lạ, hoặc ít bạn hiểu rõ về từ này. Chút chia sẻ dưới đây hy vọng giúp độc giả hiểu thêm về chức giám mục thú vị này.
Chúng ta đồng ý rằng giám mục không phải là một tính bí tích như 7 bí tích. Nhưng để trở thành giám mục, chắc chắn người ấy phải là linh mục[3]. Đức giám mục nhận lãnh “trọn vẹn” bí tích Truyền Chức Thánh[4], nghĩa là ngài dự vào hàng giám mục và làm cho ngài trở thành người đứng đầu của Giáo hội địa phương. Đức Giáo hoàng là người chỉ định cho một linh mục lên hàng giám mục. Là những người kế vị các tông đồ và thành viên của hội đồng giám mục, các giám mục chia sẻ trách nhiệm tông đồ và sứ mạng của toàn thể Giáo hội dưới quyền của Đức Giáo hoàng, người kế vị Thánh Phêrô (GLHTCG 1594).
Thời Các Tông Đồ
Chức vụ giám mục không chỉ là một chức vụ đơn thuần, mà là một chức vụ quan trọng và thiêng liêng trong Giáo hội Công giáo. Chức vụ này có thể được tìm thấy trong bản văn Kinh Thánh đầu tiên khi thánh Phaolô đề cập đến “giám mục”. Có lẽ vì tính chất quan trọng của chức này, nên thánh nhân đã viết trong hai thư: 1 Timôthê 3,1-7 và Thư gửi ông Titô 1,5-9. Timôthê như vị giám mục đầu tiên của Êphêsô[5], được thánh Phaolô truyền chức và giao phó nhiệm vụ chăn dắt và dạy dỗ cộng đoàn tín hữu. Thư này được viết vào khoảng những năm 60-65 SCN, trong thời gian cuối cuộc đời của Phaolô. Cụ thể thánh nhân viết: “Đây là lời đáng tin cậy: ai mong được làm giám quản, người ấy ước muốn một nhiệm vụ cao đẹp.” (Tm 3,1). Bản dịch của Các Giờ Kinh Phụng vụ dùng từ “giám quản”. Thuật ngữ này nghe có vẻ “nhẹ cân” hơn từ “giám mục”. Tuy nhiên, trong bản văn gốc, thánh nhân dùng từ “bishop”, mà chúng ta cũng dịch là giám mục. Từ “giám mục” trong tiếng Hy Lạp Tân Ước “episkopos” có nghĩa đen là “người giám sát” (epi) và “người quan sát” (skopos) – một người giám thị.
Công Đồng Vaticano II
Suốt dòng lịch sử sau đó, chức vụ giám mục có ít nhiều thay đổi. Tuy nhiên, chúng ta trở lại với Công Đồng Vaticano II (1962-1965). Công đồng này đã mở ra một cánh cửa mới để con thuyền Giáo hội tiếp tục lớn mạnh. Để làm được điều này, các nghị phụ Công đồng dành cả một sắc lệnh về nhiệm vụ Giám mục – Chúa Kitô: Christus Dominus[6]. Sắc lệnh này được ban hành 28-10-1965.
Tài liệu Christus Dominus (CD) khẳng định rằng các giám mục là những người kế vị các Tông đồ, được Chúa Kitô trực tiếp sai đi để thánh hóa và cứu độ nhân loại, với Đức Giáo Hoàng là Đầu của Hàng Giám Mục. Vì lý do này, bản văn mở đầu với đoạn: “Chúa Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, đã đến để cứu dân Ngài khỏi tội lỗi và để mọi người được thánh hóa. Cũng như chính Ngài được Chúa Cha sai đến, Ngài cũng sai các Tông đồ của Ngài. Do đó, Ngài đã thánh hóa họ, ban cho họ Chúa Thánh Thần, để họ cũng có thể tôn vinh Chúa Cha trên trần gian và cứu rỗi con người, “để xây dựng thân thể Chúa Kitô” (Eph 4,12), tức là Giáo hội.” (x. CD số 1). Giáo hội được hiểu trong bối cảnh này là các giám mục được trao quyền giảng dạy, thánh hóa và cai quản Giáo hội địa phương (địa phận). Từ khởi điểm này, Công đồng trình bày những chương sau:
Chương I: Tương quan của các giám mục với Giáo hội toàn cầu
Các giám mục, qua việc tấn phong và hiệp thông trong hàng giám mục, được chia sẻ quyền lực tối cao với Giáo hoàng. Giám Mục không phải là ông hoàng tùy thích cai trị vương quốc bé nhỏ của mình là giáo phận; nhưng Giám Mục, trên phương diện mục vụ, phải hiểu là một đa số. Ngài là thành phần trong Giám Mục Ðoàn; và như thế, ngài phải quan tâm đến Giáo hội phổ quát (CD số 3, 4, 6). Các ngài giúp Giáo hoàng chăm sóc Giáo hội thông qua Thượng Hội đồng Giám mục. Các giám mục có trách nhiệm chung với tất cả các giáo hội và đặc biệt quan tâm đến những vùng chưa được rao giảng Tin Mừng. Điều này cho thấy tính hợp nhất từ Giáo hội hoàn vũ cho đến giáo hội địa phương như một thân thể tông đồ (the apostolic body). Với tầm nhìn này, chúng ta thấy các giám mục có vai trò rất lớn trong tiến trình hiệp hành ngay cả ở tầm mức toàn cầu!
Chương II: Các giám mục và Giáo hội địa phương
Với tầm nhìn hoàn vũ trên đây, giám mục lại được trao cho một địa phận cụ thể. Giáo phận là một phần của dân Chúa được giao cho giám mục chăn dắt. Các giám mục có trách nhiệm giảng dạy, thánh hóa và cai quản địa phận của mình. Dĩ nhiên dưới giám mục là các linh mục, phó tế (CD số 28-32) và các tu sĩ (CD số 33-35). Ngoài ra tài liệu còn đề cập đến giám mục phó, phụ tá, với những giáo phủ và các Ủy ban Giáo phận (CD 25-27). Dọc theo cơ cấu này, Giáo hội nhấn mạnh đến trách nhiệm của các giám mục địa phương là phải trình bày giáo lý Kitô giáo phù hợp với nhu cầu thời đại và bảo vệ giáo lý này, cũng như chăm lo cho việc giáo dục đức tin. Trong nhiệm vụ thánh hóa, các giám mục là người chủ yếu ban phát các bí tích và điều hành đời sống phụng vụ. Để thực hiện hiệu quả những điều này, các giám mục “sẵn sàng làm mọi việc lành” (2 Tm 2,21). Hơn nữa các ngài “cam chịu mọi sự, để mưu ích cho những người Thiên Chúa đã chọn, để các linh hồn cũng đạt tới ơn cứu độ trong Đức Kitô Giêsu, và được hưởng vinh quang muôn đời.” (2 Tm 2,10). Hơn nữa, giám mục phải “sống cuộc đời của mình sao cho phù hợp với những đòi hỏi của thời đại.” Vì điều này, tài liệu nhắc với các giám mục:
“Khi thi hành phận vụ của một người cha cũng là mục tử, các Giám mục hãy sống giữa những người thuộc về mình, như những người phục vụ, nghĩa là như những mục tử tốt lành biết các con chiên của mình và được các con chiên của mình biết mình, đồng thời như những người cha đích thực đầy tình yêu thương chăm lo cho tất cả mọi người và được mọi người luôn quý mến cũng như tuân phục quyền bính Thiên Chúa đã ban cho các ngài. Các ngài quy tụ đoàn chiên của mình thành một gia đình trọn vẹn và đào tạo để tất cả mọi người, nhờ ý thức về nhiệm vụ của mình, luôn sống và hành động trong sự hiệp thông đức ái.” (x. CD số 16).
Lời trích dẫn trên vọng lại câu nói nổi tiếng của thánh Giám mục Augustinô (354 – 430): “Cho anh em tôi là giám mục, cùng với anh em tôi là Kitô hữu”. Theo đó, chúng ta thấy trách nhiệm và nhiệm vụ của các giám mục như là người đầu tàu của con thuyền giáo hội địa phương. Để thuyền chạy tốt, các giám mục phải là mục tử tốt, biết chiên của mình và thúc đẩy sự thánh thiện trong cộng đoàn. Họ phải khuyến khích các hình thức tông đồ khác nhau và phối hợp các hoạt động này dưới sự hướng dẫn của giám mục. Các giám mục cũng phải chú ý đặc biệt đến những người không thể tiếp cận được sự chăm sóc mục vụ thông thường, và phải hoàn toàn tự do và độc lập trong việc thực hiện nhiệm vụ tông đồ của mình.
Tạm kết
Nếu có giờ, chúng ta đọc thêm nhiều chi tiết thú vị về chức giám mục trong tài liệu trên. Hy vọng chút chia sẻ này để thấy các giám mục là quà tặng lớn lao Thiên Chúa dành cho mỗi giáo phận. Chúng ta gặp thấy nhiều linh mục, nhưng ít gặp giám mục. Tuy không thường xuyên gặp các ngài, nhưng chúng ta có thể cảm nhận được sức sống của Giáo phận dưới sự dẫn dắt của các ngài.
Để kết thúc, chúng ta cùng đọc lời nguyện dễ thương này[7]:
Lạy Chúa Giêsu là Mục Tử Nhân Lành, Ngài đã ban Thánh Thần để hướng dẫn Hội Thánh và dẫn dắt các tín hữu đến với Ngài qua sứ vụ của những người kế vị các Tông Đồ, đó là các giám mục.
Nhờ ơn soi dẫn của Thánh Thần, xin ban cho các giám mục sự khôn ngoan trong việc lãnh đạo, trung thành trong giảng dạy, và sự thánh thiện trong việc gìn giữ các mầu nhiệm thánh thiêng của Chúa.
Khi các giám mục cầu nguyện cùng các tín hữu: “Lạy Cha chúng con!”, xin cho các ngài càng ngày càng đồng hóa với Chúa, và cùng với Chúa hiến dâng cuộc sống của họ, Đấng Cứu Chuộc duy nhất.
Xin đổi mới nơi các giám mục của Chúa với đức tin sâu sắc hơn, niềm tin tưởng vào Chúa lớn lao hơn, sự tín thác như trẻ thơ nơi Đức Mẹ Maria, và lòng trung thành vững chắc với Đức Thánh Cha.
Lạy Đức Mẹ Maria, xin chuyển cầu cho các giám mục của Mẹ.
Thánh Phêrô và Phaolô, xin cầu cho các ngài.
Thánh Anrê, xin cầu cho các ngài.
Thánh Giacôbê, xin cầu cho các ngài.
Thánh Gioan, xin cầu cho các ngài.
Thánh Tôma, xin cầu cho các ngài.
Thánh Giacôbê, xin cầu cho các ngài.
Thánh Philipphê, xin cầu cho các ngài.
Thánh Batôlômêô, xin cầu cho các ngài.
Thánh Matthêu, xin cầu cho các ngài.
Thánh Simon và Thánh Giuđa, xin cầu cho các ngài.
Thánh Mathia, xin cầu cho các ngài.
Thánh Giuse, xin bảo vệ các ngài.
Thánh Michael, xin bảo vệ các ngài.
Thánh Gioan Vianney, xin cầu cho các ngài.
Tất cả các thánh trên thiên đàng, xin cầu cho các ngài. Amen.
Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
Nguồn: hdgmvietnam.com
[1] https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/bo-nhiem-giam-muc-chinh-toa-giao-phan-ban-me-thuot
[2] https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/giao-phan-ban-me-thuot-trong-toa–44748
[3] https://tgpsaigon.net/bai-viet/chuc-linh-muc-khong-chi-la-chuc-vuma-con-la-bi-tich-42785
[4] GLHTCG 1594: (The bishop receives the fullness of the sacrament of Holy Orders, which integrates him into the episcopal college and makes him the visible head of the particular Church entrusted to him.)
[5] https://www.vatican.va/content/benedict-xvi/en/audiences/2006/documents/hf_ben-xvi_aud_20061213.html
[6] https://augustino.net/van-kien-vaticano-ii/christus-dominus/
Có thể bạn quan tâm
Giới Thiệu App “Giáo Hội Công Giáo”
Th12
TGM-GPHT: Thông báo Năm Thánh 2025 tại Giáo phận Hà Tĩnh
Th12
Suy Niệm Chúa Nhật II Mùa Vọng C
Th12
VPTGM-GPHT: Thông báo Thành lập Giáo họ độc lập và Bổ nhiệm Linh..
Th12
Những Cánh Cửa Của Hy Vọng
Th12
Giáo Hội – Người Lữ Hành Của Niềm Hy Vọng
Th12
Đức Thánh Cha Mong Ước Năm Thánh Sẽ Là Cơ Hội Hoán Cải..
Th12
Khóa thường huấn linh mục trẻ – Đợt 2 năm 2024
Th12
Nghi thức “xác nhận” Cửa Thánh của bốn Đền thờ ở Roma
Th12
Ủy Ban Phụng Tự: Giải Đáp Về Cây Thánh Giá Năm Thánh
Th12
Thánh Lễ Kính Thánh Phanxicô Xaviê – Quan Thầy Của Đại Chủng Viện
Th12
Công bố Logo Năm Thánh 2025
Th12
Bài Hát Cộng Đồng Chúa Nhật 2 Mùa Vọng Năm C
Th12
Thư Ngỏ Của Ủy Ban Thánh Nhạc Gửi Các Nhạc Sĩ Công Giáo
Th12
Thánh Phanxicô Xaviê, Vị Tông Đồ Miền Đông Á (1506-1552)
Th12
Ý Cầu Nguyện Của Đức Giáo Hoàng – Tháng 12/2024
Th12
Mùa Vọng & Bí Tích Hoà Giải
Th12
Giáo phận Hà Tĩnh: Chương trình Canh Tân Đời Sống Hôn Nhân
Th12
Bài Hát Cộng Đồng Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (08/12/2024)
Th12
Đời sống đạo của các Kitô hữu ở Triều Tiên giống thời đế..
Th11