Catholic Việt – Dòng văn hóa đơn côi (4)

1388 lượt xem

Nhà thờ gỗ Kon Tum, một trong những kiệt tác kiến trúc Việt Nam.

Hàng ngày, đọc báo/nghe đài/coi TV, mọi người đều có chung cảm xúc bất an vì các tin tức liên quan đến “cướp/giết/hiếp/lỗi đạo gia phong/tàn phá môi trường” luôn nổi lên như một vấn đề cấp bách. Nhưng ít ai để ý và đặt ra câu hỏi: có bao nhiêu tội đồ trong số đó là người Công giáo? Cho đến nay, ở Việt Nam cũng chưa có bất cứ một nghiên cứu xã hội học nào tìm hiểu xem, trong tổng số tội phạm hình sự đã được kết án vào khoảng thời gian nào đó, có bao nhiêu phần trăm là người Công giáo? Tỷ lệ đó có tương thích với tỷ lệ dân số cả nước hay không (khoảng hơn 8%)? Cao hơn hay thấp hơn? Nếu cao hơn thì vì sao? Nếu thấp hơn thì vì sao?

Trên thực tế, với những gì đã trải nghiệm, tôi có thể khẳng định: tội phạm hình sự cũng như các hiện tượng tiêu cực thuộc cộng đoàn giáo dân chiếm tỷ lệ thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ dân số chung. Làng tôi có 2 họ (xóm) đạo. Xóm dưới ở xa, tôi không rành. Nhưng xóm trên, ở liền kề và xen kẽ, thì từ khi tôi lớn lên đến nay chưa từng thấy có vụ hình sự nào, cũng chưa nghe nói đến bất cứ hiện tượng (được coi là) tiêu cực nào như xô xát với xóm giềng, rượu chè, cờ bạc, bạo lực gia đình/lỗi đạo gia phong, ngoại tình, trộm cắp vặt,… Chuyện thường thấy trong các ngôi làng là bọn trẻ hay đi ngang về tắt, vào vườn nhà này nhà khác nếu thấy vắng chủ thì tiện tay vặt vài trái na trái ổi. Nhưng ở làng tôi, đó chỉ là chuyện của trẻ con “bên Lương”, còn bọn trẻ Công giáo hoàn toàn không.

Với đặc thù công việc của mình, tôi từng đến nhiều khu vực Công giáo trên cả nước. Cảm nhận chung của tôi, đó đều là những vùng quê thanh bình, yên ả, trật tự, nề nếp. Tỷ lệ hộ nghèo trong các họ (xóm) đạo thấp hơn so với cộng đồng “bên Lương” ở cùng địa bàn. Bà con giáo dân gắn kết hơn, biết lập kế hoạch sinh kế và chi tiêu hợp lý, vì vậy cuộc sống của họ bình ổn/ít rủi ro hơn. Năm 2012, tôi có đến một xã có 3/4 dân số là người Công giáo thuộc huyện Ninh Hải (Ninh Thuận), cán bộ xã ở đây cho biết, “mấy chục năm nay, ở các xóm đạo chưa từng xảy ra bất cứ vụ việc nào liên quan đến luật pháp phải đưa ra xét xử ở tòa án, kế cả chuyện ly hôn. Thi thoảng có năm, UBND xã phải đứng ra giải quyết một vài vụ, chủ yếu là tranh chấp đất đai giữa người ‘bên Lương’ với người Công giáo. Ai cũng ứng xử như bà con Công giáo, chúng tôi nhàn lắm”. Cũng năm đó, tôi có dịp đến làng Tơ Nghía (phường Quang Trung, thành phố Kon Tum). Đây là một làng gốc của người Ba-na, hiện có thêm một số gia đình người Kinh xen cư. Dân làng theo nhiều dòng tôn giáo khác nhau. Bà con người Kinh chủ yếu theo đạo Phật. Bà con Ba-na có một số vẫn giữ tín ngưỡng truyền thống, một số khác theo Tin Lành, còn lại theo Công giáo. Trong cộng đồng người Ba-na, bộ phận theo Công giáo (và Tin Lành) có cuộc sống bình ổn hơn rất nhiều so với bộ phận còn lại. Họ ít chịu ảnh hưởng của những cú sốc chính sách và văn hóa tiêu dùng. Các hiện tượng khó coi như rượu chè, cờ bạc hoàn toàn bị loại bỏ. Đặc biệt, bọn trẻ theo Công giáo (và Tin Lành) tỏ ra tự tin hơn rất nhiều so với những đứa trẻ khác.

Khi bàn đến nguyên nhân của các hiện tượng tiêu cực hiện nay của xã hội nói chung, ở giới trẻ nói riêng, hầu hết mọi người đều nói đến 3 nhân tố tác động: xã hội, nhà trường và gia đình. Vậy tại sao cũng xã hội chung đó, cũng nhà trường đó, ở khu vực giáo dân lại ít tệ nạn/tiêu cực hơn? Câu trả lời nằm ở chính LỜI RĂN THIÊN CHÚA, KHUÔN MẪU CỘNG ĐOÀN VÀ VĂN HÓA GIA ĐÌNH. Đó chính là một trong những di sản quý giá, hiệu quả hiện hữu nhưng lại hầu như không được truyền thông phản ánh và quảng bá.

P/S: Trong nhiều bữa ăn ở các gia đình Công giáo, tôi gần như đã thuộc nằm lòng lời cầu nguyện linh thiêng nhưng cũng thật đẹp/thật nhân văn trước khi cầm đũa: “Con xin cảm tạ Chúa đã nuôi dưỡng chúng con, ban cho chúng con lương thực hằng ngày. Xin Chúa nhắc nhở chúng con nghĩ tưởng đến những người nghèo đói và chia sẻ cơm áo với họ. Xin cảm tạ Chúa ban phước cho lương thực nầy, dùng nó bồi bổ thân thể chúng con, cho chúng con sống vui để phục vụ Ngài. Chúng con cầu nguyện trong danh Chúa Giê-su! A-men!”

Mai Thanh Sơn

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận