Caritas Việt Nam: Thăm và khảo sát lũ lụt miền Trung

1242 lượt xem

Trong vòng một tháng mà người dân Miền Trung phải gánh chịu nhiều trận bão lụt liên tiếp. Những thiệt hại về người và tài sản do mưa lũ kéo dài thật là khủng khiếp. Hậu quả của thiên tai để lại là vô cùng to lớn bởi nhiều gia đình hầu như trắng tay sau các đợt mưa bão. Vì thế công việc phục hồi sau thiên tai là vô cùng quan trọng.

Từ ngày 9-12 tháng 11/2020, đại diện Caritas Việt Nam, cha Giuse Ngô Sĩ Đình, OP, Giám đốc Caritas Việt Nam, cha Phêrô Nguyễn Trọng Đường, SVD, phụ tá, đã có chuyến thăm và khảo sát các vùng bị lũ lụt.

Cha Ngô Sĩ Đình, Giám đốc Caritas Việt Nam và Cha Phêrô Nguyễn Trọng Đường, phụ tá thăm hiện trường cây Thanh Trà chết dần sau lũ tại P. Hương Vân, Tx. Hương Trà, T. Thừa Thiên Huế. Những cây Thanh Trà dưới ba năm tuổi đều không sống sót được sau trận lụt năm nay.

Điểm đầu tiên Caritas Việt Nam đến thăm là Giáo phận Huế, gồm hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị. Quảng Trị cũng là nơi chịu thiệt hại nặng nề, nhất là tại giáo xứ Cây Da được coi như vùng rốn lũ. Caritas Việt Nam và Caritas Huế đã đến thăm một số gia đình có hoàn cảnh khó khăn, để lắng nghe và chia sẻ với họ. Quả thật có tận mắt chứng kiến mới thấu hiểu phần nào nỗi đau thương mà người dân phải chịu.

Bà Trương Thị Nhàn, 68 tuổi đang sống cùng Anh Nam, con trai của bà tại P. Kim Long, Tp. Huế chia sẻ: “Sau lũ, nhà chúng con dột nát hết rồi, mọi thứ trong nhà cũng hư hỏng, giờ mong muốn có ngôi nhà có mái tôn để che nắng che mưa”.

Cha Giám đốc và Cha Phụ tá Caritas Việt Nam ghé thăm và trao quà cho gia đình bà Trương Thị Nhàn

Ông Nguyễn Lưu (Sơn Đông 1, P. Hương Vân, Tx. Hương Trà, T. Thừa Thiên Huế) chia sẻ: “Do chiến tranh tôi bị cụt một chân nên phải lắp chân giả, chân còn lại cũng vẫn còn di chứng nên đi lại khó khăn. Vợ chồng chúng tôi trồng chuối nhưng giờ lũ lụt, chuối chết hết rồi, không còn chi cả. Nhà nước có hỗ trợ chúng tôi 270,000 đ, Caritas có hỗ trợ chúng tôi tiền gạo được 330,000 đ, giờ thì nhờ chi được nấy chứ cũng không biết thế nào”.

Cha Phụ tá lắng nghe ông Nguyễn Lưu ở Sơn đông 1, P. Hương Vân, Tx. Hương Trà, T. Thừa Thiên huế chia sẻ những khó khăn sau lũ

Sau đó Caritas Việt Nam và Caritas Huế cùng ngồi lại với nhau để thảo luận và đưa ra kế hoạch cụ thể cho công việc tái thiết đời sống của người dân không phân biệt lương giáo.

Caritas Việt Nam trao đổi cùng Caritas Huế về các dự án phục hồi sau lũ

Sang ngày kế tiếp, phái đoàn Caritas Việt Nam cùng với Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Giám mục Gp. Hà Tĩnh, Cha GB. Nguyễn Huy Tuấn, Giám đốc Caritas Hà Tĩnh, đến thăm hỏi và chia sẻ với một số gia đình bị thiệt hại nặng nề tại tỉnh Quảng Bình.

Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Cha Giám đốc Caritas Hà Tĩnh, Cha Giám đốc và Cha Phụ tá Caritas Việt Nam khảo sát thiệt hại tại Giáo họ Trằm – Giáo xứ Chày

Nói đến trận lũ lịch sử năm nay, cha Giám đốc Caritas Hà Tĩnh vẫn còn nghẹn ngào, Ngài nói: “Các cha xứ rất tích cực và xả thân giúp đưa dân lên vùng an toàn và cung cấp thực phẩm cho họ. Có nơi các cha kiệt sức, phải truyền nước biển, kịp khi vừa rút dây ra là lại lập tức đi lo cho dân. Mặc dù năm 2010 lũ đã lớn rồi nhưng tại khu vực tỉnh Quảng Bình năm nay lũ còn lớn hơn, cao hơn 1,5 mét so với năm 2010, vì lũ lớn nên đời sống của bà con rất khó khăn nhưng nhờ có sự giúp đỡ của các cha xứ, các thầy giúp xứ, các sơ và anh chị em trẻ trong các nhóm ứng cứu nên thiệt hại đã bớt được rất nhiều. Mặc dù cuộc sống của bà con trong những ngày lũ lụt rất khó khăn nhưng không có ai chết đói, chết khát cả. Sẽ còn rất nhiều việc phải làm để giúp bà con có cuộc sống ổn định sau lũ”.

Những chòi lá được dựng tạm sau lũ trên nền đất để làm nơi ở cho 25 hộ gia đình thuộc Giáo họ Tiên Nghĩa, Giáo xứ Liên Hoà, thuộc huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình

Ông Phúc, Hội đồng mục vụ Gx. Trung Quán chia sẻ: “Khi lũ ngập đến mái nhà, người dân tìm cách gỡ mái nhà để chui lên mái, nhiều người bị mắc kẹt vì mái nhà bằng tôn không thể thoát ra ngoài được. Giáo xứ đã huy động các thanh niên đi cứu. Họ phải lặn theo đường cửa vào để đưa những người kẹt trong nhà ra. Người dân ở đây chủ yếu làm nông, trồng lúa và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Cuộc sống vốn dĩ đã khó khăn nay lũ đến cuốn đi hết nên lại càng khó khăn hơn”.

21 hộ gia đình buộc phải di dời do sạt lở, phía sau là những căn nhà lá được Cha xứ Gx. Tân Hội – huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình dựng tạm để người dân ở và Cha xứ vẫn đang hỗ trợ thực phẩm cho bà con mỗi ngày

Ngoài việc viếng thăm các nạn nhân bị lũ lụt, Caritas Việt Nam còn đi khảo sát tình hình và kết hợp với các Caritas Giáo phận để bàn kế hoạch, các dự án cụ thể cho việc phục hồi sau thiên tai.

Caritas Việt Nam chia sẻ với Cha xứ để hỗ trợ thực phẩm cho người dân tại Gx. Tân Hội

Caritas Việt Nam luôn ưu tư và nỗ lực thực hiện những công việc góp phần phục hồi sau thiên tai, tái thiết cuộc sống của người dân, sửa chữa lại những căn nhà bị hư hỏng, xây dựng nhà mới cho các hộ gia đình bị mất nhà đặc biệt là những gia đình nằm trong khu vực bị sạt lở buộc phải di dời đến nơi ở mới an toàn hơn, cung cấp giống cây trồng, vật nuôi, lắp đặt các hệ thống lọc nước tinh khiết, hỗ trợ học bổng cho các con em có hoàn cảnh khó khăn…

Rất nhiều công việc phải làm, bởi một số nơi người dân đã trắng tay, từ cuốn vở của con em, chiếc cặp, chiếc xe đạp dùng để đến trường cũng bị nước cuốn trôi hay hư hại. Gia súc, gia cầm chết hết, trong nhà mọi vật dụng cũng chẳng sử dụng được nữa.

Với sự đóng góp đến từ các ân nhân trên khắp cả nước, các kiều bào, các tổ chức quốc tế gởi về cho Caritas Việt Nam, hy vọng những người dân chịu thiệt hại nặng nề phần nào vơi bớt đi gánh nặng trong cuộc sống. Xin quý vị tiếp tục hỗ trợ và đồng hành cùng chúng tôi.

PTT – Caritas Việt Nam

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận