Caritas Giáo phận Hà Tĩnh: Tập huấn nghiệp vụ phục hồi chức năng; Chăm sóc sức khỏe và can thiệp sớm cho người khuyết tật

1157 lượt xem

Trong các ngày từ 17 – 19/07/2020, tại Giáo xứ An Nhiên (xã Thạch Hạ, TP. Hà Tĩnh), ban Caritas Giáo phận Hà Tĩnh tổ chức khóa tập huấn PHỤC HỒI CHỨC NĂNG; CHĂM SÓC SỨC KHỎE VÀ CAN THIỆP SỚM CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT.

Tham dự khóa tập huấn có cha GB Nguyễn Huy Tuấn, Giám đốc ban Bác ái xã hội-Caritas Giáo phận, cha Mactino Nguyễn Văn Bé, Đặc trách Tiểu ban Chăm sóc và hỗ trợ Người Khuyết Tật, Quý Sœurs thuộc Văn phòng Caritas Giáo phận cùng hơn 60 Cộng tác viên (CTV) và Tình nguyện viên (TNV). Đặc biệt, có sự giúp đỡ và tham gia giảng dạy của BSCK. II Nguyễn Thị Diện (Giám đốc Bv. Phục Hồi Chức Năng Hà Tĩnh), CN. Nguyễn Thiên Phú  (Bv. Phục Hồi Chức Năng Hà Tĩnh), Ths. Phan Thanh Hy  (Bv. Y Học Cổ Truyền Hà Tĩnh).

Là người, ai trong chúng ta cũng ôm ấp những ước mơ cao đẹp: Người mong ước tiền tài, danh vọng; người khao khát gia đình ấm êm, người hy vọng sống vui hạnh phúc… nhưng vẫn còn biết bao người chỉ ao ước một lần được nhìn thấy ánh mặt trời, được nghe tiếng nói của mẹ cha, được đi ra khỏi lũy tre làng… vì ngay từ khi cất tiếng khóc chào đời họ đã mang trên mình sự khiếm khuyết về thân thể, suốt đời gánh chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh, hay mãi ám ảnh trong tâm trí những vụ tai nạn kinh hoàng.

Cùng với sự nỗ lực khẳng định bản thân “tàn nhưng không phế” của chính người khuyết tật, và mặc dù đã có những tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực y tế và phúc lợi dành cho NKT nhưng các cải tiến, cải thiện chưa đủ mạnh, đủ tiếng vang để vị thế NKT được thể hiện và nhân phẩm được tôn trọng. Họ bị cho là hậu quả của một đời sống tội lỗi theo luật nhân quả, là gánh nặng cho gia đình và xã hội, là một sự hiện diện cồng kềnh, là hiện thân của điều không may mắn. Đặc biệt, sự phát triển của phong trào văn hóa loại bỏ, khiến nhiều NKT cảm thấy mình không thuộc về cộng đồng và không “đủ sức” tham gia vào cuộc sống.

Khai mạc khóa tập huấn, Cha đặc trách Mactinô Nguyễn Văn Bé bày tỏ tâm tình tri ân sâu sắc trước sự hy sinh không mệt mỏi của Cha Giám Đốc JB. Nguyễn Huy Tuấn, tấm lòng “lương y như từ mẫu” của quý Bác sĩ Công Giáo và tinh thần nhiệt thành của quý Tham dự viên (TDV). Ngài nhấn mạnh: “Có mặt trên đời, ai cũng mong muốn mình được khỏe mạnh và có một tương lai tươi sáng, nhưng không phải người nào cũng có được niềm hạnh phúc và sự may mắn đó. Tạ ơn Chúa vì ân phúc Người thương ban cho từng người chúng ta. Chúng ta là những người diễm phúc hơn bao nhiêu người vì chắc chắn trong đời, ai cũng ít nhất một lần thấu cảm nỗi đớn đau của những căn bệnh thể xác nhưng mấy ai thật sự hiểu hết những khó khăn vất vả, thiệt thòi, những bất hạnh của NKT? Nỗi đau không chỉ ngoài thân xác mà xâu xé trong tâm hồn, dai dẳng suốt một đời”.

Trích lời Đức Thánh Cha, Cha Giám Đốc khẳng định: “Sự kỳ thị đối với người khuyết tật là một sự xấu xa, bất công, tồi tệ nhất mà ta làm cho họ” vì mỗi cá thể là tế bào của xã hội, là chi thể trong thân thể huyền nhiệm Chúa Kitô. Một bộ phận đau thì toàn thân bị đau. Hơn nữa, chúng ta hiện diện là sống cho, sống với và sống vì nhau. Yêu thương không nhất thiết phải có đôi tay đủ dài, đôi vai đủ rộng, nhưng là “trái tim đủ nóng” để biết “vui với người vui, khóc với người khóc” (Rm 12,14), biết lắng nghe, rung cảm với mọi người. Một lời động viên chia sẻ, một ánh mắt cảm thông,… cũng mang đậm giá trị nhân đạo, nhân văn cao cả.

Mỗi chúng ta chỉ có một cuộc đời để sống, để đi và để trải nghiệm. “Chúng ta hãy đổi mới cái nhìn đức tin để nhìn thấy nơi mỗi anh chị em sự hiện diện của chính Chúa Kitô. Mỗi người đều có một sự phong phú riêng của mình khác với người khác. Tôi có cái này, bạn có cái khác. Tất cả chúng ta đều có khả năng để phát triển, để tiến bước, để mến yêu Thiên Chúa, để  làm những việc tốt lành, để hiểu giáo lý Kitô” (Đức Thánh Cha đã viết trong ngày thế giới NKT).

Ngày đầu tiên, Quý TDV hăng say lắng nghe những chia sẻ, tiếp thu những kiến thức cơ bản và được giải đáp thắc mắc xoay quanh những Bài học của Bác sĩ Giám đốc Bv. Phục hồi Chức năng về căn bệnh thời nay dễ mắc phải: Tai biến mạch máu não (TBMMN), Vẹo cột sống, Bại não…

Không chỉ dừng lại ở lý thuyết, hai ngày tiếp theo, Ths. Phan Thanh Hy và CN. Nguyễn Thiên Phú trực tiếp hướng dẫn các bài tập hỗ trợ, chăm sóc Bệnh nhân TBMMN, trẻ bại não; thủ thuật xoa bóp, bấm huyệt cho bệnh nhân đau cơ, xương, khớp… Lòng nhiệt thành của quý Bác sĩ như tiếp thêm lửa tin yêu trong sứ vụ yêu thương, đồng hành cùng NKT của các TDV.

Ba ngày học trôi qua, những kiến thức TDV thu góp được chưa đáng là gì với nhu cầu đa dạng phức tạp của số quá đông những NKT tại địa phương, vì mỗi dạng khuyết tật cần những bài tập khác nhau, mỗi người mong muốn được quan tâm chăm sóc theo suy nghĩ khác nhau. Song tựu chung lại, NKT cần sự chia sẻ chứ không cầu lòng thương hại. Họ không cần sự ngưỡng mộ, thán phục, hay sự cảm thông theo lối hiếu kỳ, cái họ cần, món quà họ mong nhận được là thái độ bình thường, một sự cảm thông, chia sẻ thật sự. Họ cần những đôi tay đưa ra để họ bám vào chứ không phải là những lời nói suông, những cái nhìn tỏ ra thương cảm, tội nghiệp. Và hơn bao giờ hết, không phải NKT nào cũng cần đến sự giúp đỡ về vật chất, điều họ khao khát là được nhìn nhận và tôn trọng xứng đáng để có thể tự mình vươn lên, sống, học tập và làm việc như những người khác.

Ước mong sao, đời sống của mỗi TDV hiện thực hóa được thông điệp “NKT dù cơ thể không lành lặn nhưng có tâm hồn cao đẹp mà không ít người dù cơ thể lành lặn lại không có được. Họ là những người đặc biệt, những người rất đáng khâm phục, đáng được trân trọng” (Phó Thủ tướng – Vũ Đức Đam).

Xin hãy một lần đặt mình vào hoàn cảnh NKT, để cảm thông, chia sớt nỗi đớn đau của những mảnh đời bất hạnh; một lần cúi xuống, chạm vào để xoa dịu vết thương lòng, để hiểu người khuyết tật có quyền được yêu, được thương, được sống như một con người. Cầu mong cho cộng đồng cùng hiệp sức chung lòng, bằng cách này hay thể khác, giúp đỡ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để NKT phát huy hết khả năng của mình, giàu nghị lực, thêm tự tin, cố gắng vươn lên và say yêu cuộc sống.

Hy vọng rằng, khóa Tập huấn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các TDV để họ có thêm kỹ năng, kiến thức hầu giúp được nhiều hoàn cảnh đáng thương hơn.

Sr Maria Hồng Tươi
VP Caritas GP Hà Tĩnh

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận