CHÚA NHẬT 24 THƯỜNG NIÊN – A
Lời Chúa: Hc 27,33 – 28,9; Rm 14, 7-9; Mt 18, 21-35
—————————
Thờ Phượng Và Yêu Mến (Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB)
Vị thẩm phán chí công (Tgm. Giuse Vũ Văn Thiên)
Tha thứ cho ai? (Lm. Jos Tạ Duy Tuyền)
Tha thứ cho anh em (Jorathe Nắng Tím)
Nắm lấy tay nhau (Bông Hồng Nhỏ, MTG.Thủ Đức)
Tha thứ thì được lợi gì? (Anna Cỏ May, MTG.Thủ Đức)
Làm sao để tha thứ? (Maria Phạm Anh, MTG.Thủ Đức)
Cho những gì đã nhận (Maria Nguyễn Huệ, MTG.Thủ Đức)
Hết lòng tha thứ (Thiên San, MTG.Thủ Đức)
Tha tận đáy lòng (Lm. Giuse Nguyễn Hữu An)
Tha thứ để được thứ tha (Lm. Trần Bình Trọng)
Tha thứ nét độc đáo nhất của người công giáo (Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang)
Mức độ tha thứ (Trầm Thiên Thu)
Thức tỉnh lòng ta (Lm. Jos DĐH. Gp. Xuân Lộc)
Tha thứ để tươi vui (Lm. Hoàng Kim Toan)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB.
Qua Lời Tổng Nguyện của Tuần XXIV Thường Niên, Năm A này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa là Ðấng sáng tạo và điều khiển muôn loài, xin cho chúng ta biết tận tình thờ phượng Chúa, hầu luôn được cảm thấy rõ ràng lòng Chúa yêu thương.
Chúng ta càng tận tình thờ phượng Chúa, chúng ta sẽ càng cảm thấy được rõ ràng tình yêu thương của Chúa dành cho chúng ta. Thiên Chúa là Đấng đáng chúng ta tôn thờ, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, ngôn sứ Êdêkien đã nhìn thấy trên cái gì tựa như cái ngai có cái gì trông như hình dáng một con người, và ông nghe có tiếng hò la vang dội từ trên cao: Chúc tụng Đức Chúa vinh hiển trong nơi thánh của Người. Ngôn sứ cũng tiên báo mọi dân tộc sẽ nhận biết và thờ phượng Thiên Chúa, bởi vì, Thiên Chúa sẽ ngự khắp mọi nơi, chứ không chỉ ngự trong Đền Thờ hay trên núi Xinai. Trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Autinh cho thấy tình thương của Thiên Chúa được thể hiện qua hình ảnh người mục tử chăm sóc đoàn chiên của mình: Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho chiên nằm nghỉ. Người dẫn chiên trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người. Thánh nhân cũng khiển trách những mục tử chỉ muốn nghe người ta gọi mình là mục tử, mà không muốn chu toàn nhiệm vụ mục tử của mình.
Chúng ta tôn thờ Thiên Chúa như con thơ kính sợ Cha hiền, chứ không như đứa đầy tớ khiếp sợ ông chủ hà khắc, bởi vì, như lời của vịnh gia trong Thánh Vịnh 102 của bài Đáp Ca hôm nay: Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương. Chúa tha cho ta muôn ngàn tội lỗi, thương chữa lành các bệnh tật ta. Người không cứ tội ta mà xét xử, không trả báo ta xứng với lỗi lầm. Như đông đoài cách xa nhau ngàn dặm, tội ta đã phạm, Chúa cũng ném thật xa ta.
Thiên Chúa là Cha nhân hậu, Người sẵn sàng tha thứ mọi tội lỗi cho ta, vì thế, Người cũng muốn chúng ta bắt chước Người luôn yêu thương và tha thứ cho những ai xúc phạm đến chúng ta, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Huấn Ca đã kêu gọi: Hãy bỏ qua điều sai trái cho kẻ khác, thì khi bạn cầu khẩn, tội lỗi bạn sẽ được tha. Bởi vì, Thiên Chúa là Đấng sáng tạo và điều khiển mọi loài, nên Người có quyền trên tất cả, chúng ta chỉ là thụ tạo bé nhỏ của Người, chúng ta phải tùy thuộc vào Người, như trong bài đọc hai của Thánh Lễ, thánh Phaolô đã mạnh dạn khẳng quyết: Dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa; vì Đức Kitô đã chết và sống lại chính là để làm Chúa kẻ sống cũng như kẻ chết. Sống, chết đã không thuộc quyền của chúng ta, thì phán xét và kết án lại càng không phải là quyền của chúng ta, vậy sao chúng ta lại có thể giữ mãi lòng thù hận, quyết không tha thứ cho một ai đó, không tha thứ cho người khác, là chúng ta đang cầm giữ chính mình trong những giận hờn ích kỷ. Đang khi đó, Chúa luôn mời gọi chúng ta phải yêu thương nhau như câu Tung Hô Tin Mừng mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay: Thầy ban cho anh em một điều răn mới, là anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em.
Yêu thương như Thầy, nghĩa là, cũng phải tha thứ như Thầy. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu đã mời gọi phải tha thứ đến bảy mươi lần bảy, nghĩa là, tha thứ luôn mãi, không thôi: như hương thơm tiết ra từ cây “hương mộc” cho cả chiếc rìu chặt nó, lòng bao dung tha thứ cũng tuôn chảy từ Thánh Tâm rực cháy lửa tình yêu cho cả những kẻ đóng đinh Đấng là Tình Yêu. Thiên Chúa là Đấng sáng tạo và điều khiển mọi loài, cho nên, thờ phượng Chúa thật là phải đạo và chính đáng, nhưng, như lời Đức Giêsu nói với người phụ nữ Samaria: không còn thờ phượng Thiên Chúa trên núi này hay núi kia, mà là, trong Thần Khí và Sự Thật, nhất là, thánh Phaolô đã khẳng quyết: chúng ta là Đền Thờ của Thiên Chúa (x. 1Cr 3,16). Do đó, càng thờ phượng Thiên Chúa nơi chúng ta, chúng ta sẽ càng nghiệm thấy tình yêu thương tha thứ của Chúa dành cho chúng ta, vì thế, tha thứ không chỉ dừng lại ở việc tha thứ cho tha nhân, nhưng còn là tha thứ cho chính mình, và cũng vậy, tha thứ cho chính mình lại trở thành tiền đề để tha thứ cho tha nhân.
Nếu không biết tha thứ cho chính mình, làm sao chúng ta có thể tha thứ cho người khác. Nhiều xung đột với người khác là phản ảnh của những xung đột trong chính nội tâm chúng ta, do việc chúng ta đã không chấp nhận những khiếm khuyết đó nơi chính mình. Nếu chúng ta không tha thứ cho chính mình, thì chúng ta sẽ bắt người khác phải trả giá cho sự bất hòa bên trong chúng ta. Thời điểm lên án mình, chúng ta cũng đang lên án toàn thế giới. Nếu hiệu hữu trong chúng ta đã bị lên án, thì làm sao chúng ta có thể chấp nhận hiện hữu ở xa chúng ta, trong những người khác.
Tha thứ cho chính mình: chỉ lên án tội, chứ không lên án mình, tội nằm trong hành vi của chúng ta, chứ không phải trong hữu thể chúng ta. Chúng ta có những hành vi sai, vì chúng ta không nhận biết, không tỉnh thức. Nỗ lực của chúng ta là hãy làm cho mình thức tỉnh.
Thay vì chúng ta kết án tha nhân, chúng ta hãy làm cho họ thức tỉnh, bắt đầu thức tỉnh là bắt đầu biến đổi, hoàn toàn thức tỉnh là chúng ta đạt tới chính Chúa. Chúng ta hoạt động trong mê ngủ, nên phạm nhiều sai lỗi và xúc phạm lẫn nhau. Nhìn lại chính mình với những bất toàn, thiếu sót, chúng ta phải biết chấp nhận và tha thứ cho chính mình, khi đó, chúng ta sẽ dễ dàng tha thứ cho người khác. Thiên Chúa là Cha hằng luôn yêu thương tha thứ cho chúng ta, chúng ta cũng phải biết yêu thương tha thứ cho chính mình, càng cảm nghiệm được tình yêu thương tha thứ của Chúa dành cho chúng ta cách nhưng không, chúng ta sẽ càng dễ dàng yêu thương và tha thứ cho tha nhân cách vô điều kiện, không tính toán so đo.
Tgm. Giuse Vũ Văn Thiên
Cuộc sống luôn đầy rẫy bất công. Những người nghèo và thấp cổ bé miệng phải chịu nhiều oan ức, nhất là trong những chế độ chính trị hà khắc và độc tài. Con người có xu hướng chịu đựng và buộc chấp nhận, như một thứ luật rừng trong xã hội: cá lớn nuốt cá bé. Trước những bất công, nhiều khi người ta chỉ biết kêu trời.
Phải chăng lúc nào lý cũng thuộc về kẻ mạnh? Phải chăng những người bé mọn luôn phải gánh chịu những thiệt thòi? Lời Chúa hôm nay muốn khẳng định với chúng ta: Không phải như vậy. Thiên Chúa là vị Thẩm phán chí công. Người lắng nghe và bênh vực những người cô thế cô thân và những người bị gạt ra bên lề của cuộc sống.
Trong Bài Tin mừng, vị Thẩm phán được diễn tả như một vị vua và với cách gọi “tôn chủ”, thể hiện người đáng kính trọng và là một người liêm khiết. Vị tôn chủ đã chạnh lòng thương trước lời van xin của người đầy tớ và sẵn sàng tha cho hắn món nợ rất lớn là mười ngàn yến vàng. Chúng ta nhớ đến bài giảng của Chúa Giêsu về ngày tận thế (x. Mt 25,31-46). Lúc đó, vị thẩm phán cũng được gọi là “Đức Vua” xét xử người lành cũng như kẻ dữ, tuỳ theo việc họ đã làm khi còn sống trên dương gian. Trước đó, vị thẩm phán cũng được dùng với danh xưng “Con Người”. “Con Người” hay “Con loài người” là danh xưng chính Chúa Giêsu đã dùng để chỉ bản thân Người. Như thế, vị thẩm phán sẽ xét xử loài người là chính Chúa Giêsu, như chúng ta đọc trong kinh Tin kính: “Ngày sau bởi trời lại xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết”.
Hình ảnh vị tôn chủ trong Tin Mừng hôm nay cho thấy đó là vị Thẩm phán vừa công bằng vừa bao dung nhân hậu. Vị thẩm phán ấy chạnh lòng thương trước nỗi khổ của con người và sẵn sàng tha thứ nếu người ấy khiêm tốn kêu xin. Tuy vậy, ngài cũng nghiêm khắc với kẻ gian manh, chỉ biết khúm núm trước người chủ nợ, mà lại táng tận lương tâm đối với bạn hữu đang mắc nợ mình chỉ có một trăm quan tiền, trong khi món nợ mình được tha có giá trị gấp nhiều lần.
Nếu Thiên Chúa là vị Thẩm phán khoan dung nhân hậu, thì những ai tin vào Ngài cũng phải khoan dung nhân hậu như thế. Những ai cố chấp, hận thù và ích kỷ không thể lãnh nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa. Người đầy tớ có trái tim chai đá trước lời van xin của tha nhân bị ông chủ kết án là đồ gian ác. Hơn thế nữa, anh ta phải vào tù và phải trả món nợ trước đây ông chủ đã có ý tha, vì thấy anh ta đáng thương và vì lời van xin thống thiết. Trong thực tế, con người dễ hạ mình trước mặt Thiên Chúa, nhưng lại xảo trá và mưu mô đối với đồng loại. Lời kết câu chuyện của Chúa Giêsu cũng là tóm lược lời kinh Lạy Cha: “Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình”. Đây cũng là nội dung của Bài trích sách Huấn Ca: “Hãy bỏ qua điều sai trái cho kẻ khác, thì khi bạn cầu khẩn, tội lỗi bạn sẽ được tha” (Bài đọc I). Bao dung nhân hậu, tha thứ yêu thương. Đó là cốt lõi của giáo huấn Kinh Thánh, nhất là trong giáo huấn của Chúa Giêsu. Hãy tha thứ vì con người sống trên trần gian đều là bất toàn. Khi tha thứ, ta mở cho người khác một con đường hướng tới tương lai. Giáo huấn Kitô giáo còn khẳng định: khi tha thứ là ta được thứ tha; khi cho đi ta sẽ nhận lãnh. Tha thứ sẽ đem lại cho chúng ta niềm vui, sự thanh thản và yêu đời. Người Việt Nam chúng ta thường nói” đời có vay có trả”, “gieo nhân nào gặt quả nấy”. Có người bức xúc vì thấy kẻ gian ác cứ sống nhơn nhơn, bất chấp đạo lý luân thường, ấy vậy mà họ vẫn giàu có hoặc may mắn. Nếu họ chưa phải trả giá cho sự gian ác họ đã gây ra cho người khác, là vì chưa đến thời đến buổi đó thôi, vì “lưới trời lồng lộng, thưa mà khó thoát”, như cổ nhân đã dạy.
“Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải đến bảy lần không?” Ông Phêrô vừa đặt câu hỏi, vừa tự đưa ra câu trả lời. Khi khẳng định tha thứ bảy lần, ông cũng cho mình là rất quảng đại, vì thói quen của người Do Thái thường tha cho một người xúc phạm mình hai lần (Theo Anselm Grün, một chuyên viên Kinh Thánh). Số 7 cũng là con số hoàn thiện. Câu trả lời của Chúa Giêsu muốn khẳng định rằng, Phêrô cũng như những ai tin vào Chúa phải tha thứ vô biên, không giới hạn và lặp đi lặp lại nhiều lần tới mức không đếm xuể. Chúa Giêsu so sánh chúng ta với người đầy tớ cứng lòng không tha cho bạn mình, trong khi Thiên Chúa là Đấng bao dung. Ngài đã tha hết mọi nợ nần cho chúng ta trong Con của Ngài. Xin lưu ý chữ “đồng bạn” được sử dụng năm lần trong đoạn Tin Mừng này để chỉ mối tương quan giữa hai người cùng là con nợ. “Đồng bạn” ở đây có nghĩa là tha nhân và là người cùng phục vụ một tôn chủ
Trong hành trình cuộc đời, con người sống với và sống cho tha nhân. Chỉ khi nào ý thức được điều này, chúng ta mới tìm được hạnh phúc. Một cuộc sống biết chia sẻ cảm thông sẽ đong đầy niềm vui. Cũng vậy, ý thức sống hay chết đều thuộc trọn về Chúa sẽ giúp chúng ta cảm nhận được tình thương của Ngài giữa những khó khăn trắc trở trong cuộc đời. (Bài đọc II). Chúa Giêsu là mẫu gương cho chúng ta về tâm tình phó thác. Người cũng là mẫu mực cho chúng ta triết lý sống vì hạnh phúc của tha nhân. Trên cây thập giá, Chúa đã xin ơn tha thứ cho những kẻ hành hạ mình. Yêu thương và tha thứ, cầu nguyện cho kẻ thù, những đức tính này làm cho chúng ta nên giống Đức Giêsu Kitô.
Lm. Jos Tạ Duy Tuyền
Tha thứ dường như là điều cần phải có trong xã hội. Cuộc sống chung nào cũng đòi ta phải chấp nhận cái khuyết điểm của nhau trong yêu thương và tha thứ. Không tha thứ thì chỉ còn loại trừ. Một khi đã loại trừ lẫn nhau sẽ gây nên bao điều thị phi và bể dâu. Vì vậy, điều mà Chúa muốn nơi người Công Giáo là đã yêu thì phải tha thứ bao dung cho anh em của mình. Tha thứ không chỉ 7 lần mà là bảy mươi lần bảy nghĩa là không bao giờ để trong lòng những oán hận ghét ghen.
Vậy kẻ mà chúng ta cần tha thứ là ai? Và họ đang ở đâu?
Thưa đó là những người mà chúng ta đã và đang tiếp xúc. Có tiếp xúc mới nảy sinh mâu thuẫn. Có gần gũi mới có va chạm lẫn nhau. Có ăn cùng – sống cùng mới thấy được cái xấu, cái dở của nhau. Như vậy, người mà chúng ta cần bao dung chẳng ai khác, chính là cha mẹ, là vợ chồng hay con cái của tôi. Đó có thể là người hàng xóm hay nguời cùng công ty xí nghiệp của tôi. Và cũng có thể là tình địch, là con nợ hay là kẻ phá rối gia đình và Giáo xứ của tôi. . .
Vâng người mà chúng ta cần tha thứ chính là anh em tôi. Họ từng là người nhà của chúng ta nhưng có thể vì những quan điểm, sở thích, cá tính khác với chúng ta, có khi đối nghịch khiến họ trở thành kẻ thù của chúng ta. Đây là điều mà rất nhiều gia đình đang phải đối diện. Có những vợ chồng đã coi nhau như kẻ thù nhưng vì con cái họ vẫn sống với nhau trong thù hận. Có những anh chị em ruột thịt nhưng chỉ vì tất đất đã trở mặt thành kẻ thù của nhau. Có những người cùng công sở nhưng vì quan điểm và mục tiêu khác nhau dần dần trở thành kẻ thù của nhau . . .
Có câu chuyện vui kể rằng: có một ông chồng vừa qua đời liền được lên thiên đàng. Tại cửa thiên đàng ông ta thấy thánh Phê-rô niềm nở bảo ông ấy rằng: chúc mừng con được đoàn tụ với vợ con. Vào đi, vợ con đang ở trong đó. Ông chồng liền tròn xoe con mắt ngạc nhiên bảo rằng: Nó cũng được vô đây à? Thôi con không dám vô đâu. Con đã sống với nó 30 năm khổ sở lắm rồi, giờ lại còn phải nhịn nó nữa làm sao chịu nổi . . .!
Sống ở đời nếu chúng ta không quẳng đi những tức tối giận hờn tha nhân thì chúng ta đang đầy đoạ chính mình. Theo lẽ công bằng thì chẳng ai có bổn phận phải sống theo ý chúng ta nên chúng ta chẳng có lý do gì để tức tối về cách sống của họ. Và chắc chắn cũng chẳng ai có bổn phận sống giống như chúng ta, vì mỗi người một cá tính và khả năng khác nhau, nên chúng ta đừng nặng lòng khi họ sống khác với chúng ta!
Hơn nữa, con người chúng ta “nhân vô thập toàn” nên cũng cần sự tha thứ của anh em. Chúng ta lớn lên trong sự tha thứ của người khác thì chính chúng ta cũng phải học tha thứ cho tha nhân. Thế nên, hãy sống bao dung. Hãy học nơi Chúa Giê-su bài học bao dung. Chính Ngài đã luôn sống điều đó. Ngài luôn cảm thông với những lầm lỗi của tha nhân. Ngài dùng tình thương tha thứ để sửa lại lỗi lầm con người. Tình thương ấy Ngài đã mang lại cuộc đời mới cho Gia-kêu, cho Ma-da-lê-na, cho Phao-lô . . . Ngài đã đi đến tận cùng của sự tha thứ là tha cho kẻ đã hành hạ và kết án Ngài.
Là người ky-tô hữu chúng ta phải sống tình thương tha thứ. Tha thứ để sửa đổi anh em. Tha thứ để xóa đi những vết hận thù trong lòng chúng ta. Tha thứ để ta nên hoàn thiện hơn như Cha là Đấng hoàn thiện luôn cho mưa thuận gió hòa trên người lành và kẻ xấu.
Tuy nhiên, tha thứ để rồi cũng biết nhìn nhận tội lỗi của bản thân. Có thể cái sai của anh em cũng có phần trách nhiệm của tôi. Vợ chồng thường hay nổi nóng với nhau vì bản thân tôi đã không làm tròn bổn phận. Con cái đi vào con đường lầm lạc vì tôi chưa một lần dạy con nên người? Thế nên, trong nhiều trường hợp chính chúng ta là người cần đến sự tha thứ của người khác.
Xin cho chúng ta luôn biết hoàn thiện mình như Cha chúng ta. Hoàn thiện con người không làm điều gì tổn thương với tha nhân. Hoàn thiện còn để lòng mình xóa đi những ghen tương, đố kỵ để sống hòa hợp với nhau. Amen
Jorathe Nắng Tím
Bất cứ ai đã một lần yêu đều thấm thiá một sự thật: tình yêu “không như là mơ”, và tình yêu không dễ nuôi chút nào. Chính vì “không như là mơ” mà nhiểu cuộc tình trong thực tế đã đổ bể, vỡ toang; vì khó nuôi, khó dưỡng mà không ít gánh tình đã đứt giữa đường, để lại trong tim một trời hoang vắng, và cho người một đời thương đau.
Sở dĩ tình yêu trong mơ khác tình yêu “thực”, vì người trong mộng khác người bằng xương bằng thịt, tình yêu lý tưởng khác tình yêu đời thường, khi mộng thì hoàn hảo, tuyệt vời, lãng mạn, đắm đuối, và đời thường thì sần sùi, thô kệch, bất toàn, khiếm khuyết, bởi hai người yêu nhau lúc này không còn “vẽ nên nhau” như hình ảnh mình ham muốn, tôn thờ nhau như “thần tượng” mình đúc tạc, nhưng đối diện nhau như nhau “là”, chạm vào những gì của nhau “có”, mà những gì “nhau là, nhau có” thì không đẹp, không tốt, không ngon lành, không đạt đỉnh, “chuẩn không cần chỉnh” như trong mơ.
Thế nên tình yêu nếu mãi là tình yêu say nắng, nếu mãi ở lì trong “tiếng sét ái tình”, nếu mãi bám chặt cảm xúc cháy bỏng của nụ hôn buổi đầu gặp gỡ “phải lòng” nhau thì tình yêu ấy không thể đi xa hơn, và hai người không có cơ may dìu nhau đến bến bờ hạnh phúc.
Tại sao vậy?
Thưa vì tình yêu chỉ sống bằng lương thực hy sinh, trái tim chỉ đập và yêu khi có máu hy sinh, hai người chỉ sống được bên nhau, đồng hành với nhau khi dám làm những những bước chân hy sinh cho nhau, và hy sinh cao cả, thiết yếu nhất hai người yêu nhau phải trao ban cho nhau chính là tha thứ, để tình yêu không bao giờ phải ngậm ngùi giẫy chết, đột tử.
Bởi hy sinh thời giờ, tiền bạc, sức khỏe, tuy cần thiết, nhưng không thay thế được hy sinh tối quan trọng đến mức không thể thiếu là tha thứ cho nhau, vì cả hai không ai hoàn hảo, hoàn thiện, hoàn mỹ; bởi tiền bạc, sức khỏe, thời giờ dù gì đi nữa cũng không chạm đến chính “cốt lõi” của “cái tôi” số một tuyệt vời, qúy báu, dễ thương, nhưng rất dễ bị tổn thương mà ai cũng ra sức bảo vệ; bởi bất cứ hy sinh vật chất và ngay cả tinh thần nào cũng không bằng hy sinh tha thứ cho người mắc nợ, có lỗi với mình, vì tha cho người xúc phạm đến mình, tha cho người hạ nhục mình, tha cho người vu khống mình, tha cho người phản bội mình, tha cho người làm mình phải thua thiệt, mất mát, “thân bại danh liệt” là hy sinh vượt xa mọi hy sinh khác, có giá trị như mất đi chính mạng sống mình. Do đó, tha thứ được coi là hành vi chết cho người người mình yêu như Tin Mừng Gioan đã khẳng định : “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh mạng sống vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).
Bởi tha thứ cho ai là phải từ bỏ chính mình, phải xoá đi “cái tôi rất lớn, rất mạnh, rất đáng yêu” để hạ thấp ngang tầm kẻ “bất xứng”, kể cả “bất nhân” đã làm điều xấu, đã lầm lỗi, đã phạm đến mình; bởi tha thứ cho ai là phải ra khỏi vị thế có quyền lên án, trừng phạt kẻ đáng tội với mình; bởi tha thứ cho ai là tự nguyện cởi bỏ quyền chính đáng “đòi nợ” kẻ vay nợ mình, rời khỏi ghế quan toà công lý “bắt tội” kẻ có tội với mình, nên tha thứ cho ai chính là tự đánh mất những gì thuộc quyền mình có trên người ấy, xóa bỏ ranh giới quan toà – phạm nhân giữa mình với người xúc phạm, làm tổn thương, mắc nợ mình, và lập một giao ước mới giữa mình với người làm khổ mình để họ được sống.
Như thế, tha thứ chính là từ bỏ mình và vác thập giá mình khi tháo gỡ mình khỏi mọi ràng buộc của “cái tôi”, để chỉ còn tư duy và hành động vì hạnh phúc của người khác, dù người khác ấy không “tử tế, xứng đáng, dễ mến, dễ thương”.
Hơn ai hết, là Thiên Chúa Tình yêu, Đức Giêsu hiểu tình yêu phải đi đôi với hy sinh cao cả nhất là tha thứ, và tha thứ cho ai chính là chết đi cho người ấy, bởi có dám để “cái tôi ích kỷ, tự ái, quyền lực, danh dự” chết đi, chúng ta mới thật lòng tha thứ cho anh em khi bị họ xúc phạm, làm tổn thương; bởi có dám hy sinh những giá trị nhiều khi còn lớn hơn cả mạng sống để hạ mình, xoá mình tha thứ cho người đã táo tợn cướp đi tất cả những gì mình ôm ấp, nâng niu, và bằng mọi giá giữ gìn như danh dự, uy tín, chúng ta mới chân thành tha thứ “không giới hạn bẩy lần”, như thánh Phêrô trộm nghĩ, mà vô hạn, không tính toán, và nhiều đến “bẩy mươi lần bảy”, nghiã là không đếm nổi như Thiên Chúa muốn (x. Mt 18,21-22).
Ở đây Đức Giêsu đã cho chúng ta biết trong ý muốn caủ Thiên Chúa tha thứ không có hạn định, không có biên giới, nhưng là con đường dài, rất dài của cả đời sống trên đó chúng ta gặp gỡ Đức Giêsu. Con đường tha thứ ấy không chỉ là “bỏ qua” một cách máy móc, và bất đắc dĩ sai phạm, lầm lỗi, nợ nần của người khác, như vượt qua chướng ngại cản trở bước chân tiến về tương lai, nhưng ngàn lần hơn thế, tha thứ chính là tiêu diệt hận thù, và sự chết để làm nẩy sinh sự sống, làm cho người mắc nợ được sống như dụ ngôn đức vua nhân hậu kia đã chạnh lòng thương xót xóa nợ cho người đầy tớ “mắc nợ vua mười ngàn yến vàng”, nhưng không có gì để trả đã sấp mình xuống bái lậy nài xin đức vua “rộng lòng hoãn lại” ( x. Mt 18,24-26). Và nhờ lòng thương xót tha nợ của đức vua, người đầy tớ mắc nợ mới khỏi chết, mà được sống.
Thực vậy, Thiên Chúa muốn chúng ta tha thứ cho nhau, như Ngài đã tha thứ cho chúng ta, cũng như muốn chúng ta yêu thương nhau như Ngài đã yêu thương chúng ta (x. Ga 13,34), bởi yêu thương đòi tha thứ, và chỉ thực sự tha thứ khi yêu thương đạt đến độ quên mình, xóa mình, hiến mình, bỏ mình vì hạnh phúc của người mình yêu.
Đây là đòi hỏi rướm máu của đức ái Kitô, là điều kiện để được Thiên Chúa thương xót cứu độ, như Đức Giêsu đã khẳng định trong Hiến Chương Nước Trời : “Phúc cho ai có lòng thương xót, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.” (Mt 5,7), và như sách Huấn Ca đã răn dậy : “Kẻ báo thù sẽ chuốc láy báo thù của Đức Chúa, tội lỗi nó, Người xem xét từng ly. Hãy bỏ qua điều sai trái cho kẻ khác, thì khi bạn cầu khẩn, tội lỗi bạn sẽ được tha. Người với người cứ nuôi lòng hờn giận, thế mà lại xin Đức Chúa chữa lành! Nó chẳng biết thương người đồng loại, mà lại dám xin tha tội cho mình! Nó chỉ là người phàm mà để tâm thù hận, thì ai sẽ xin tha tội cho nó?” (Hc 28,1-5). Trái lại, “chúng ta đừng xèt đoán nhau nữa” (Rm 18,13), mà “hãy nhớ đến các điều răn mà đừng oán hờn kẻ khác, nhớ đến giao ước của Đấng Tối Cao mà không chấp nhất điều lầm lỗi của nhau” (Hc 28,7).
Xin Chúa dậy chúng ta sống tình yêu bằng tha thứ cho anh em, vì tha thứ biểu hiện một tình yêu cao cả, anh hùng khi “để mình chết đi” cho sự sống nơi người khác được hồi sinh, như Đức Giêsu Thiên Chúa sẽ cho chúng ta được sống lại với Ngài khi tha thứ, xóa tội chúng ta bằng máu và sự chết của Ngài.
Bông hồng nhỏ
“Lạy Chúa! Trong tình thương của Chúa, chúng con nắm lấy tay nhau, nắm lấy cả những điểm mạnh và điểm yếu của nhau, để nâng đỡ và giúp nhau sống an bình và vui tươi trong đời sống cộng đoàn.” Lời cầu nguyện thật đẹp của người chị em đã đánh động, đã chạm đến trái tim ta và làm ta nấc nghẹn. Hơn bao giờ hết, ta tha thiết cầu xin Chúa hãy nắm lấy bàn tay ta, nắm lấy vận mạng đời ta để dìu đưa ta tiến bước. Chúa cũng mời gọi ta nắm lấy bàn tay của người anh chị em bên cạnh ta và sẵn lòng để họ nắm lấy tay mình, đón nhận cả con người của nhau để yêu thương nhau như Chúa mời gọi.
Có một bàn tay đã nắm chặt lấy cổ người anh em mà la hét, quát nạt: “Trả nợ cho tao!” (Mt 18, 28b). Cũng chính bàn tay ấy đã tống người anh em đang mắc nợ mình phải vào ngục cho đến khi trả xong nợ (x. Mt 18, 28-30). Vừa mới đây thôi, bàn tay ấy đã chắp lại mà van xin: “Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết” (Mt 18, 26). Lời van xin tha thiết ấy đã chạm đến trái tim giàu lòng thương xót của vị tôn chủ. Anh không những không bị bán đi, không mất đi vợ con hay của cải mình đang có mà còn được xóa luôn món nợ: mười ngàn yến vàng. Anh được tha bổng. Niềm hạnh phúc lớn lao ấy đã không thể làm anh quên đi “món nợ nhỏ nhặt” mà người đồng bạn đang nợ mình: một trăm quan tiền. Anh có một trí nhớ siêu đẳng, một trái tim quá nhỏ nhoi hay anh chỉ quan tâm đến quyền lợi của bản thân? Hành động thương xót của vị tôn chủ dành cho anh không làm cho anh quên đi món nợ mà người đồng bạn đang nợ mình sao? Cuộc đời là thế, người ta dễ dàng nhận lấy tình thương mà người khác dành cho mình và luôn mong đợi người khác thương đến mình, mong chờ mình được tha bổng những món nợ không thể trả; thế nhưng, có mấy người rộng lòng bỏ qua những “món nợ” mà người khác đang nợ mình.
Tuy nhiên, vẫn còn đó những bàn tay đã nâng đỡ người khác, đã dìu họ đứng lên sau khi vấp ngã, có bàn tay xoa dịu vết thương đau, có bàn tay sẵn sàng đón nhận cả những người đã xúc phạm đến mình. Đơn giản chỉ vì bàn tay ấy đã được gắn kết với một trái tim tràn đầy tình yêu, một trái tim biết mở ra với người khác. Trái tim ấy thật sự đã đong đầy Giêsu, đong đầy tình yêu của Thánh Thần lửa mến, ngập tràn sự hiện diện của Thiên Chúa Cha là Đấng giàu lòng thương xót. Trái tim ấy không còn là trái tim của một con người bình thường nhưng là trái tim đã được Thiên Chúa biến đổi và làm cho lớn lên. Chính khi tha thứ cho người khác, họ đã tự tay tháo cởi sợ dây thù hận đang cột chặt trái tim và cõi lòng mình. Họ đã không thể thực hiện việc tha thứ ấy chỉ với ý chí và trái tim của riêng mình. Vì yêu thương và tha thứ là quà tặng của Thiên Chúa ban cho ta. Ta phải đi theo sự chỉ dẫn của Người thì mới có thể bóc món quà ấy mỗi ngày.
Đã bao lần ta vấp ngã và mong được Chúa thứ tha. Mỗi lần đến với Bí tích hòa giải, lòng ta được chữa lành, được tái sinh trong tình yêu của Chúa. Ta thấy đời mình đang sang một trang mới, ngập tràn niềm vui và hy vọng. Thiên Chúa đã luôn là người cha đứng ngóng chờ ta, một đứa con hoang đàng trở về, trở về để cha ôm lấy trong vòng tay bao dung. Cũng đã bao lần, ta thấy mình là người anh cả, ích kỷ, hẹp hòi chẳng chịu đón nhận người em (x. Lc15, 11-32). Cũng đã bao lần, ta thấy mình như tên đầy tớ đã đối xử tàn ác với người đồng bạn đang mắc nợ mình. Tại sao ta không nhận thấy mình được Thiên Chúa thương xót như người cha thương xót con mình, như vị tôn chủ đã tha bổng số nợ ta không thể trả?
Lạy Chúa! Chúa đã thương xót con dầu con chẳng xứng đáng trước tình thương của Chúa. Xin giúp con khắc ghi tình yêu Chúa trong trái tim con và nhắc nhớ con biết nghĩ về món nợ con đang nợ Chúa, để con cũng biết tha thứ cho người đang mắc nợ con như Chúa đã tha thứ cho con vậy. Xin cho bàn tay con luôn nối kết với trái tim con, xin cho trái tim con luôn rộng lớn như trái tim của Chúa để sẵn sàng đón tiếp cả những người làm hại con (Kinh “Tâm hồn quảng đại”). Con cám ơn Chúa! Amen.
Anna Cỏ may
“Vết thương còn đau nhói, làm sao tôi có thể tha thứ được”. Đó là nỗi lòng của một người đang phải chịu đau khổ, một vết thương quá sâu khó có thể chữa lành. Thật khó để tha thứ cho người đã gây ra nỗi đau ấy! Vậy mà, Chúa Giêsu mời gọi mọi người không chỉ tha thứ một lần, cũng không phải bảy lần nhưng là bảy mươi lần bảy.
Vậy, tha thứ cho những người làm mình đau khổ hay tha thứ cho người xúc phạm mình thì chúng ta được lợi gì?
Tin Mừng theo Thánh Gioan tường thuật việc nhóm Phasisêu dẫn một người phụ nữ phạm tội ngoại tình đến với Chúa Giêsu để Ngài xét xử. Ngài đã nói: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi” (Ga 8, 2-7). Bị buộc tội bởi lương tâm của chính mình, họ lần lượt bỏ đi, từ người già cho đến người trẻ, không một ai dám lấy đá ném người phụ nữ đó (x. Ga 8, 9). Không ai trong chúng ta là không có tội. Mỗi người đều có tội, chỉ là tội nhẹ hay tội nặng; tội bị công khai hay đang được che đậy. Ai ai cũng khát khao mình được tha thứ. Vậy tại sao chúng ta không tha thứ được cho người anh em của mình như mình đang mong chờ được Chúa tha thứ và được anh em mình thứ tha? Chúng ta giữ lại những vết thương, mối thù và những xúc phạm của người anh em trong lòng mình thì được gì? Quả thật, chúng ta chẳng được gì mà chỉ thấy lòng mình nặng nề vì có một tảng đá vô hình đang đè lên. Tâm hồn chúng ta bất an và chán nản, thân xác mệt mỏi. Chỉ khi nào chúng ta dám vứt bỏ những gánh nặng ấy, chúng ta mới được bình an. Chính khi chúng ta tha thứ, chúng ta mới có thể nhẹ nhàng, vui tươi và bình an trong cuộc sống. Người được thứ tha cũng tìm lại được niềm hy vọng, mới có thể bắt đầu lại một cuộc sống mới, trở nên người tốt hơn.
Là người Kitô hữu, mỗi khi thực hiện việc tha thứ cho anh em mình, chúng ta càng sống điều răn yêu người cách rõ nét hơn. Tha thứ là một hành vi đức tin. Hãy xin Chúa ơn biết tha thứ và hãy đặt nó trong lòng thương xót của Chúa. Chính Chúa sẽ giúp chúng ta tha thứ được cho người anh em. Trong Chúa, chúng ta mới cảm nhận và thấy được mình cũng là một tội nhân, là người được Chúa luôn tha thứ và yêu thương. Từ đó, chúng ta mới có thể tha thứ cho người anh em. Chúng ta không thể chiếm hữu những gì mà chúng ta từ chối không chia sẻ. Chúng ta không thể nhận những gì mà chúng ta từ chối cho. Chúng ta không thể lên Thiên Đàng nếu chúng ta không mở cánh cửa Thiên Đàng cho người khác có thể vào. Chúng ta chỉ biết nhận sự tha thứ của Chúa và của người khác mà không biết tha thứ cho người anh em mình, thì Cha trên trời cũng sẽ đối xử với chúng ta như cách chúng ta đã đối xử với người anh em (x.Mt 18,35). Chúng ta cũng hãy nhớ đến ngày tận số của mình mà chấm dứt sự hận thù, nhớ mình sẽ phải hao mòn và phải chết mà tha thứ cho anh em (x. Hc 28,7). Và khi bỏ qua những xúc phạm cho kẻ khác thì chúng ta sẽ được Thiên Chúa tha thứ (x. Hc 28,2). Ngài sẽ ban ơn xuống trên tâm hồn và hoàn tựu việc tha thứ của chúng ta trong lòng thương xót của Thiên Chúa. Bởi vì, chúng ta đều là tội nhân, rất cần đến lòng thương xót của Chúa, và không ai trong chúng ta là người hoàn hảo.
Lạy Chúa, không ai trong chúng con là không có tội. Xin Chúa giúp chúng con luôn nhận thức mình là kẻ tội lỗi. Nhờ đó, chúng con có thể tha thứ được cho người anh em, không chỉ tha thứ một lần nhưng là bảy mươi lần bảy; để tình yêu Chúa luôn hiện diện trong suốt cả cuộc đời con. Amen.
Maria Phạm Anh
Sau khi Chúa Giêsu dạy người môn đệ chân thành sửa lỗi cho người anh em, Người còn mời gọi chúng ta phải tiến xa hơn nữa trong cuộc chiến đấu với chính bản thân là tha thứ cho tha nhân. Vì biết rằng, chúng ta là những con người đầy yếu đuối, bất toàn sẽ sai lỗi nhiều lần. Nhưng khi tha thứ, chẳng lẽ, chúng ta đang dung túng cho người phạm lỗi sao? Tại sao chúng ta phải tha đến nhiều lần? Tâm trạng của chúng ta cũng như Phêrô: “Thưa Ngài, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải đến bảy lần không?” Đức Giêsu đã trả lời cho môn đệ Phêrô cũng như mỗi người chúng ta: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy” (Mt 18, 21-35). Câu trả lời của Người gợi lên trong chúng ta, tha thứ thì không giới hạn. Vậy làm sao để tha thứ?
Tha thứ không phải là hành động của con người nhưng là hành động được phát xuất từ Thiên Chúa. Nếu với lý trí người phàm, chúng ta có thể đưa ra muôn vàn lý do, những lý luận thuyết phục để biện minh rằng: khó mà tha thứ. Chẳng hạn, làm sao chúng ta có thể tha thứ khi người khác làm hại chúng ta, rồi lại đến xin lỗi? Phải chăng chúng ta kém cỏi, khờ dại hay nhụt chí mà lại dung túng cho kẻ có tội? Đó là những lý lẽ của con người, còn trong ánh nhìn đức tin thì khác. Chúng ta hãy nhìn lên Đức Giêsu Kitô trên thập giá. Dù Người đã phải chịu bao sỉ nhục, những đau đớn bởi đòn vọt, những bước chân mệt nhọc lê bước lên đồi Can-vê, những vết đinh cắm sâu vào thân thể,… Người đã chịu tất cả như một người tội nhân, dù Người đã chẳng làm gì nên tội. Thế mà trên thập giá, Người vẫn thương yêu và cầu xin Chúa Cha tha tội cho những người đã làm nên những điều ấy: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 34). Thật vậy, khi ở trong tương quan với Chúa, chúng ta chỉ là những tội nhân trước mặt Người, có một vị Thánh đã khẳng định: khi càng ở gần Chúa bao nhiêu, chúng ta lại càng thấy mình tội lỗi bấy nhiêu. Nhưng thật kỳ diệu! Chúng ta luôn được sống trong tình yêu và ân sủng của Người, nhờ hồng ân tha thứ vẫn còn được tiếp diễn qua bí tích Hòa Giải. Chúng ta luôn được Người ấp ủ, yêu thương và tha thứ: “tội lỗi các ngươi, dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết; có thẫm tựa vải điều, cũng hóa trắng như bông (Is 1, 18)”.
Phải chăng chúng ta khó tha thứ là khi chúng ta để cho cái tôi làm chủ mà chưa để cho Thiên Chúa đi vào chính con người mình. Khi bị xúc phạm, chúng ta đã “thương xót phận mình” và “gặm nhấm những nỗi đau” mà chưa mở lòng để đón nhận ơn tha thứ của Chúa, để tình yêu của Thiên Chúa lấp đầy. Mỗi ngày, Chúng ta hãy thêm xác tín mạnh mẽ như Thánh Phaolô: “Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa. Vậy, dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa” (Rm 14, 8). Chúng ta hãy ra khỏi chính mình để đón nhận luồng gió ân sủng của Chúa đang từng giây phút mong chờ để đổ vào trong con người của chúng ta. Tất cả mọi sự chúng ta đừng quy về chính bản thân mình, nhưng quy về Thiên Chúa và để tôn vinh Người, bởi chúng ta đã thuộc về Chúa.
Là thân phận con người, chúng ta đã được Thiên Chúa tha thứ, nhưng khi đến với người anh em mình, chúng ta lại đặt điều kiện khi có tư tưởng, não trạng rằng: “Con muốn tha thứ nhưng người ấy phải đến xin lỗi con trước!”. Giống như trong Dụ ngôn tên mắc nợ không biết thương xót, dù đã được nhà vua tha hết mười ngàn yến vàng, nhưng anh lại bắt người đồng bạn phải trả anh món nợ một trăm quan tiền, số nợ ấy rất nhỏ so với món nợ anh đã được tha bổng (x. Mt 18, 24-33). Sách Huấn ca đã dạy: “Kẻ báo thù sẽ chuốc lấy báo thù của Đức Chúa, tội lỗi nó, Người xem xét tùng ly. Hãy bỏ qua điều sai trái cho kẻ khác, thì khi bạn cầu khẩn, tội lỗi bạn sẽ được tha” (Hc 28, 1-2). Chúng ta không còn thuộc về mình nữa, nhưng chính Thiên Chúa đang ở trong chúng ta, Thiên Chúa đã tha thứ, tại sao chúng ta lại ngăn cản Người tha thứ cho tha nhân, chúng ta đâu có quyền làm như thế! Hãy đến làm hòa trước với người anh em, biết đâu người ấy cũng đang mong chờ và khao khát đến với chúng ta để được tha thứ. Đừng ngần ngại đi bước trước và để Thiên Chúa luôn hành động trong chúng ta, hãy làm theo những điều lương tâm mách bảo. Như vậy, chúng ta ngày càng trở nên giống Thiên Chúa và được thuộc trọn về Người hơn nữa.
Lạy chúa Giêsu, con chiêm ngắm Người trên thập giá, con khám phá ra tình yêu mà Người đã dành cho nhân loại chúng con khi Người thưa lên với Chúa Cha lời cầu xin tha thứ cho chúng con. Xin cho con càng cảm nhận sâu hơn về tình yêu của Người khi để cho Người chiếm hữu, chính khi đó, con biết mở lòng để đến với người anh em qua việc tha thứ. Con biết, với sức riêng của con không thể làm được, xin Chúa giúp sức cho con và đồng hành cùng con. Amen.
Maria Nguyễn Huệ
Trong tương quan giữa con người, chúng ta không ngừng trao ban và nhận lãnh. Bởi chúng ta cần đến nhau, chẳng ai có thể hoàn thiện đến mức “dương oai”: tôi không cần đến người khác. Đó là công trình của Thiên Chúa ngay từ khi tạo dựng con người: Chúa dựng nên con người để họ bổ túc cho nhau (x. St 2, 18) . Những gì chúng ta nhận lãnh hay trao ban đều là do chúng ta nhận được từ Thiên Chúa. Và ơn trọng đại mà con người được lãnh nhận là ơn tha thứ, nhờ cái chết của Đức Kitô, chúng ta không còn là nô lệ nữa nhưng trở nên con cái của Thiên Chúa. Khi nhận được ơn lớn lao ấy, chính Chúa Giêsu đã mời gọi chúng ta cũng tha thứ cho anh em mình: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy” (Mt 18, 22).
Thực tế, việc tha thứ thật khó khi chúng ta chỉ nhìn vào chính mình. Trong kinh nghiệm của ông Phêrô, ông đã hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” ( Mt 18, 21). Trong khi đặt vấn đề, ông Phêrô đã quy về bản thân mình: “nếu anh em cứ xúc phạm đến con”, phải chăng sự tha thứ của ông có giới hạn? Bởi ông nhìn vào vị thế của ông, ông muốn được tôn trọng, được yêu thương,… Do đâu ông có quyền sử dụng những gì ông đang có? Chính khi ông chú ý vào bản thân, ông quên rằng, tất cả những gì ông có, mạng sống, danh dự, của cải, … ông đã nhận từ Thiên Chúa và ông thuộc về Thiên Chúa. Chúa Giêsu nhắc nhớ cho ông cũng như mỗi người chúng ta, tất cả những gì chúng ta đang có là nhờ Thiên Chúa ban cho chúng ta.
Thật vậy, khi nhìn vào bản thân, chúng ta sẽ đòi hỏi rất nhiều để “đòi lại” cho chính mình, chúng ta rất khó mở lòng để tha thứ cho tha nhân. Giờ đây, chúng ta chuyển đổi cái nhìn, hãy hướng lên Thiên Chúa. Chúng ta đã nhận được ơn tha thứ của Thiên Chúa nên chúng ta hãy sống với tâm tình con thảo, tấm lòng biết ơn. Khi đó, chúng ta sẽ thể hiện lòng thương xót của Thiên Chúa qua việc tha thứ cho người anh em mình. Qua dụ ngôn tên mắc nợ không biết thương xót, Chúa Giêsu kể về một người đầy tớ mắc nợ nhà vua mười ngàn yến vàng, anh đã không có gì để trả, có thể phải bán luôn cả mạng sống mình, nhưng anh đã nhận được lòng thương xót của vị tôn chủ, anh đã được tha bổng. Nhưng thật lạ kỳ! anh đã không tha cho người bạn của anh, dù là một món nợ rất nhỏ so với món nợ anh đã mắc nợ tôn chủ (x. Mt 18, 23-34). Điều tôn chủ muốn là anh phải thương xót đồng loại như chính anh đã được thương xót. Nhưng anh đã chẳng kiên nhẫn hay không nhớ, không biết ơn về những gì mình đã được lãnh nhận. Ông chủ đã rủ lòng thương xót tha nợ cho anh để anh được tự do với nhân phẩm làm người. Anh không bị tra tấn hành hạ, danh dự của anh cũng không bị xúc phạm, thế mà với người bạn, anh lại đối xử như anh chưa hề nhận được gì. Thật vậy, chúng ta hãy nhớ, trước mặt Chúa, chúng ta là những tội nhân, chúng ta đã được Thiên Chúa tha thứ. Chúng ta hãy đi bước trước đến với tha nhân để trao ban tình yêu, chính là lòng bao dung, sự tha thứ. Khi chúng ta biết bỏ qua những lỗi phạm, chính là lúc chúng ta càng cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa và của tha nhân dành cho chúng ta. Như vậy, chúng ta được sống trong niềm vui và hạnh phúc.
Lạy Chúa, khi chúng con chỉ quy về bản thân với những nhu cầu mà quên mất những gì chúng con đã được lãnh nhận là do lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho chúng con. Xin ban cho chúng con biết sống tâm tình tri ân, cảm tạ Chúa, đồng thời, chúng con cũng biết tha thứ cho tha nhân. Vì khi tha thứ là chúng con đang đáp lại tình yêu mà Thiên Chúa đã yêu chúng con. Vì sự tha thứ giúp chúng con thêm kiên nhẫn và gia tăng lòng bác ái yêu thương, giúp chúng con ý thức sự hiện hữu của mỗi người anh em đang sống quanh chúng con. Đặc biệt, chúng con được họa lại lòng thương xót của Thiên Chúa. Amen.
Thiên San
– Con xin lỗi mẹ! hu hu…
– Lần này là lần thứ mấy rồi? Mẹ đánh một roi, hai roi còn lại cho nợ.
Chắc hẳn, lúc còn bé, ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm bị phạt đòn. Khi ấy, ta thường được hỏi: “Giờ con muốn mấy roi?”. Ta thường xin tha kèm theo lời hứa lần sau sẽ không tái phạm.
Tên đầy tớ trong dụ ngôn: “Tên mắc nợ không biết xót thương” mà Đức Giêsu kể cho chúng ta hôm nay cũng vậy. Hắn sấp mình xuống bái lạy và xin tôn chủ cho hoãn lại một thời gian. Ông chủ chạnh lòng thương và tha luôn món nợ cho hắn. Dụ ngôn này được kể sau khi ông Phêrô hỏi Thầy mình về việc tha thứ cho người anh em: “Nếu anh em con cứ xúc phạm đến con thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” (Mt 18, 21). Đối với Phêrô, bảy lần là đã quá đủ. Nhưng đức Giêsu trả lời: “Thầy không bảo là đến bảy lần nhưng là bảy mươi lần bảy” (Mt 18, 22).
Con người sinh ra đều có tương quan, không ai sống một mình. Khi tương quan, ta không thể tránh khỏi việc xung đột với tha nhân, có khi xúc phạm đến họ hay ngược lại. Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta được mời gọi tha thứ cho những ai xúc phạm đến ta, không những là một lần nhưng là luôn luôn. Nghĩa là tha thứ mãi mãi, không ngừng nghỉ. Nếu là lỗi lầm nhỏ, không đáng nghiêm trọng, ta sẽ dễ dàng bỏ qua. Nhưng đối với những chuyện hệ trọng đến tính mạng của ta, của người thân, liệu ta có thể dễ dàng tha thứ? Làm sao ta có thể tha thứ cho kẻ đã cướp đi mạng sống của cả gia đình ta. Khi xem những bộ phim lịch sử, thời cổ trang của người Trung Quốc, ta có thể thấy, người ta cố tìm đủ mọi cách để báo thù, và có khi việc báo thù kéo dài từ đời này qua đời kia. Trong thực tế cuộc sống, ta sẽ thấy đầy dẫy những câu chuyện chẳng hạn: cha mẹ “từ” con cái, anh em “từ nhau”, họ không thể tha thứ cho nhau. Vậy phải chăng, chuyện tha thứ là điều không thể, nó vượt hẳn khả năng của ta? Vậy, trước lời mời gọi của Đức Giêsu, ta phải làm gì?
Để có thể tha thứ, thiết nghĩ, trước tiên ta phải ý thức đầy đủ về thân phận tội lỗi của mình. Khi nhìn về lỗi lầm của người khác, ta cần nhìn về lỗi lầm của ta. Trước mặt ta, họ là tội nhân, nhưng trước mặt người anh em khác, có khi ta cũng mang thân phận ấy. Lúc này họ phạm đến ta, nhưng khi khác ta lại lỗi phạm đến người khác. Bây giờ, họ cần được ta tha thứ, khi khác ta lại là người cần được tha thứ. Có ai tự tin để nói rằng mình chưa một lần làm mất lòng người khác. Bởi vậy, sách Huấn ca có dạy: “Hãy bỏ qua điều sai trái cho kẻ khác, thì khi bạn cầu khẩn, tội lỗi bạn sẽ được tha” (Hc 28, 2). Nếu ta cố chấp trong những suy nghĩ, quan điểm của ta để rồi mang lấy oán hờn và giận dữ là những điều ghê tởm, ta sẽ là người thiệt hại (x.Hc 27, 30). Chẳng ai mang “cục tức” trong lòng mà có thể vui sống bình an. Lại nữa, tha thứ cho kẻ khác là điều kiện để ta được Thiên Chúa thứ tha.
Tha thứ thật sự không phải là khả năng của con người nhưng là của Thiên Chúa. Vậy, muốn tha thứ cho người anh em, ta hãy nài xin Thiên Chúa ban ơn giúp sức. Đức Giêsu kể cho ta dụ ngôn: “Tên đầy tớ không biết xót thương” là để nhắc nhở mỗi người chúng ta. Trước mặt Thiên Chúa nhân từ, ta luôn là một tội nhân. Món nợ ta mang đối với Ngài còn lớn hơn rất nhiều so với món nợ tha nhân nợ ta. Nhưng sự thật, dù món nợ ấy lớn tới đâu, chỉ cần ta biết ăn năn hối cải quay về và nài xin lòng thương xót của Chúa, ta sẽ được tha. Vậy, đến lượt ta, ta cũng hãy tha cho người anh em của ta như Thiên Chúa đã tha cho ta. Sở dĩ tên đầy tớ trong dụ ngôn bị hành hạ cho đến khi trả xong nợ là vì hắn đã vội quên ngay ân huệ vừa nhận được mà xử với người anh em theo cách của hắn, dù món nợ ấy chẳng đáng bao nhiêu. Ta đừng xử sự như tên đầy tớ ấy nhưng hãy xử sự như con cái Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi khi tha thứ cho ta.
Lạy Cha! Cha đã dùng cái chết và sự phục sinh của Con Một Cha mà cứu chuộc chúng con. Cha cũng đã tỏ lòng thương xót chúng con khi thứ tha mọi tội lỗi chúng con nhờ Con Một Cha. Xin Cha ban ơn giúp sức để chúng con đừng bao giờ quên ân huệ lớn lao ấy nhưng hết tình đáp lại tình thương Cha dành cho chúng con bằng việc hết lòng tha thứ cho anh em mình. Xin Cha giúp chúng con luôn biết tin tưởng nài xin lòng thương xót của Cha, để mỗi ngày chúng con sống đẹp lòng Cha. Amen.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
Phim “Cánh Đồng Bất Tận” kể về bi kịch của sự thù hận. Phim được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Bộ phim xoay quanh 4 nhân vật, người cha và hai đứa con, cùng cưu mang một người đàn bà làm nghề mại dâm. Bốn người lênh đênh trên một chiếc xuồng máy, nuôi vịt chạy đồng, không nhà không cửa, nay đây mai đó theo con nước. Đời sống của họ ngập chìm đau khổ dằn vặt xuất phát từ sự thù hằn.
Đầu tiên là người cha. Số là anh ta lấy vợ và có hai con. Cuộc sống cơ cực, anh phải vất vả để lo cho ba mẹ con. Ấy vậy mà người vợ ham sang phụ khó theo một thương lái người Hoa, bỏ lại hai đứa con cho anh. Đau khổ tột cùng vì bị chính người vợ yêu thương phản bội, anh đốt căn nhà, đốt cái mái ấm bấy lâu nay, xuống ghe lênh đênh, bắt đầu một cuộc sống trôi sông lạc chợ, nay đây mai đó, không tương lai, không định hướng. Bao nhiêu hận thù, người cha trút hết lên đầu hai đứa con.
Kế đến là sự thù hận của cô gái điếm. Vì hận cha mẹ ly dị bỏ rơi cô, nên cô làm gái để trả thù đời. Trong một lần đi khách, cô bị đám đông các bà vợ bắt và đổ keo dán sắt vào vùng kín. Cô đau đớn chạy trốn và được ba cha con đưa lên ghe cứu chữa. Cuộc sống của 4 người cứ lênh đênh trên sông nước, buồn tẻ vì mỗi người đều mang trong mình những nỗi thù hằn, căm phẫn vì bị chính những người thương yêu phản bội. Ông bố hận vợ, thù người bạc tình nên luôn cau có và bạo lực đánh đập 2 đứa con. Cậu con trai tuy còn nhỏ nhưng đã mang trong mình nỗi hận thù của cha, cậu nói rằng cậu ghét cái ác, và muốn trả thù, có thù thì phải trả. Cô gái làm điếm vì hận thù gia đình, hận thù bố mẹ…
Cũng vì sự hận thù và lòng muốn trả thù nên 4 người trở thành thù địch của nhau. Và họ đi đâu cũng gây thù chuốc oán ở chỗ đó, cho nên nhiều bọn giang hồ ghen ghét. Cậu con trai vì không chịu nổi người ta ức hiếp người đàn bà nên đã phạm tội giết người. Vì sợ, cậu đã bỏ trốn. Người đàn bà không chịu được sự thù hằn của người bố nên cũng bỏ đi. Chỉ còn lại người cha và đứa con gái. Câu chuyện được đẩy lên đỉnh điểm khi đứa con gái bị nhóm côn đồ hiếp dâm ngay trước mặt ông bố. Chúng nó đánh ông bố ngã quỵ, rồi buộc ông phải nhìn cảnh bọn chúng từng thằng hãm hiếp đứa con gái của mình trong bất lực. Không còn đau khổ nào hơn thế nữa.
Kết thúc bộ phim, cô gái có bầu, không biết cha đứa bé là ai. Cô đi trên một cánh đồng mênh mông, bất tận, vừa đi vừa nói với đứa con trong bụng: Là trẻ con, nên tha thứ lỗi lầm cho người lớn. Và mẹ sẽ đặt tên con là Thương.
Không biết Nguyễn Ngọc Tư có đạo Công giáo hay không, nhưng rõ ràng với những bế tắc của các nhân vật, cuối cùng chỉ có giáo lý Kitô giáo mới giải quyết được vấn đề. Hận thù chỉ làm cho con người bế tắc, chỉ có sự tha thứ và tình yêu sẽ cứu rỗi thân phận con người.(Lm. Mar-Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS).
Trang Tin Mừng hôm nay thuật lại cuộc đàm đạo về ơn tha thứ. Phêrô đến gần Chúa Giêsu hỏi rằng: Thưa Thầy, nếu anh em con xúc phạm đến con thì con phải tha thứ đến mấy lần? Có phải bảy lần không?. Đối với người Do thái là “quá tam ba bận”. Có tha chỉ tha ba lần thôi, đến lần thứ tư phải trừng phạt. Họ suy luận:Thiên Chúa trừng phạt kẻ ác khi nó lỗi phạm lần thứ tư; người phàm không thể nhân lành hơn Thiên Chúa nên con người không thể tha thứ cho nhau quá ba lần. Trước lời suy luận và giảng dạy như thế của các kinh sư, Phêrô chắc mẫm sẽ được Thầy khen ngợi khi đề nghị tha bảy lần. Vì tha thứ bảy lần là đã gấp đôi truyền thống Do thái và còn cộng thêm một lần nữa. Phêrô đến với Chúa bằng tâm thức của luật dân Chúa đang tuân giữ “Thiên Chúa luôn tha thứ cho người công chính bảy lần” (Cn 24,16). Tha thứ bảy lần là tha thứ có giới hạn. Thế nhưng, câu trả lời của Chúa Giêsu đã làm bàng hoàng người nghe: Không phải chỉ bảy lần nhưng là bảy mươi lần bảy. Tha thứ đến 490 lần. Ở đây không thể hiểu theo nghĩa đen với công thức toán học để tìm ra con số lần phải tha thứ cho anh em mà là tha thứ không giới hạn, tha hoài, tha mãi.
Để các môn đệ hiểu bài học tha thứ không giới hạn này, Chúa Giêsu đã cụ thể hoá bằng câu chuyện. Một người đầy tớ mắc nợ vua mười ngàn nén bạc, có giá trị tương đương một trăm triệu, một số nợ khổng lồ vì một ngày công chỉ một đồng (x. Mt 20,9). Vua ra lệnh bán y, vợ con, tài sản của y để trả nợ. Người đầy tớ liền sấp mình, van lơn xin khất nợ. Nhà vua động lòng thương, trả tự do và tha nợ cho y.Tên đầy tớ được tha hết mọi nợ nần, được trả tự do, không còn làm nô lệ nữa. Trớ trêu thay, vừa được tha về, tên đầy tớ gặp một người bạn chỉ mắc nợ y một trăm đồng, một món nợ rất nhỏ so với món nợ khổng lồ y vừa được vua tha bổng, y tóm lấy, bóp cổ đòi trả nợ ngay. Người bạn sấp mình dưới chân y, van lơn xin khất nợ, nhưng y không nghe, bắt bạn tống giam vào ngục. Chuyện chướng tai gai mắt này đến tai vua, vì những người bạn của anh không thể nhắm mắt làm ngơ được. Kết cục, tên đầy tớ ác độc bị vua ra lệnh hành hạ. Kết thúc câu chuyện, Chúa Giêsu khẳng định: “Vậy Cha Ta trên trời cũng xử với các con đúng như thế nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình”.
Tha thứ cho nhau là điều kiện để được Thiên Chúa tha thứ.Tha thứ không giới hạn và tha thứ tận đáy lòng. Tha tận đáy lòng nghĩa là tha và quên hoàn toàn, như không có chuyện gì đã xảy ra giữa hai người. Trong kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu dạy chúng ta xin: “Xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con”. Chúa lấy mức chúng ta tha thứ cho nhau làm thước đo để tha thứ, chúng ta tha thế nào thì Cha trên trời cũng tha cho chúng ta như vậy. Trong “bài giảng trên núi,” Chúa Giêsu đã dạy, không những “chớ trả thù” mà phải “yêu kẻ thù” nữa, “như vậy anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời”. Và Chúa kết luận: “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5, 38-48). Tha thứ tận đáy lòng là một cách thức nên hoàn thiện như Cha trên trời: hoàn thiện về lòng yêu mến, vì Thiên Chúa là Tình Yêu.
Trả thù là khuynh hướng nhân loại, tha thứ là hồng ân Thiên Chúa. Quan toà có thể không tha thứ cho tội nhân, nhưng Thiên Chúa luôn tha thứ cho người tội lỗi, nếu họ thực lòng ăn năn hối cải.
Trong lúc đau đớn tột cùng trên thập giá, Chúa Giêsu đã xin Chúa Cha tha thứ cho kẻ bách hại, lăng nhục, cáo gian và đóng đinh Người: “Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm” (Lc 23,34).
Thế giới hôm nay đang bị thống trị bởi bạo lực và oán thù. Những cuộc chiến tranh dai dẳng giữa các quốc gia; những hiềm thù giữa các bộ tộc anh em; những xung đột giữa những người khác màu da, khác tôn giáo, khác quan điểm chính trị; những thảm kịch vô phương hàn gắn trong gia đình. Con người để cho hận thù lôi kéo và không sao thoát ra khỏi cái vòng ân oán nghiệt ngã. Cần phải có những người dám chịu thiệt thòi, dám bẻ gãy oán thù bằng tha thứ, dám tin rằng tình thương có thể biến đổi quả tim chai đá của con người. Giáo hội vẫn luôn kêu gọi xây dựng một nền văn minh tình thương, vì chỉ khi ấy trái đất này mới có cơ may tồn tại.
Tha thứ là một nhân đức siêu nhiên nên cần có ơn Chúa, con người mới có thể nói lời tha thứ cho nhau. Tha thứ không chỉ là một hành động thuần tuý ý chí, mà còn là một ân ban. Không thể có sự tha thứ nếu không cầu nguyện. Mỗi người luôn cảm nhận tình thương và sự tha thứ của Thiên Chúa đối với chính mình thì sẽ dễ dàng thứ tha cho người khác.
Tha thứ là lời mời gọi duy nhất để tình yêu lớn lên. Tha thứ đem về mùa xuân cho tâm hồn đâm chồi yêu thương, nảy lộc bình an. Chúa đã tha thứ cho Phêrô, tình yêu bùng cháy, Phêrô đã sống hết mình cho sứ vụ Thầy trao. Phaolô đựơc ơn tha thứ, biến đổi cuộc đời, thành sứ giả lừng danh rao truyền Đức Kitô cho thế giới.
Ơn tha thứ làm nên vẻ đẹp của tâm hồn, vẻ đẹp của lòng khoan dung. Thế giới có “Ngày khoan dung quốc tế” (International day of tolerance) do Liên Hiệp Quốc thiết lập vào ngày 16.11.1995. Người khoan dung độ lượng là người không chấp nhất, nhưng thông cảm với những lầm lỗi của kẻ khác. Lòng khoan dung độ lượng được xây dựng trên ý thức về những yếu đuối, về khả năng phạm lỗi của chính bản thân mình, và của người khác. Mình cũng phạm lỗi sao mình lại kết án người khác? Thế giới có ngày khoan dung, người Kitô hữu cần cả đời khoan dung.
Ơn tha thứ làm nên vẻ đẹp của thế giới, một thế giới cảm thông chan hoà, một thế giới chan chứa tình huynh đệ, một thế giới mang vẻ đẹp của dung nhan Thiên Chúa. Thánh Gioan Phaolô II đã khẳng định điều ấy: Thế giới không thể có hoà bình nếu thiếu sự tha thứ.
Chúa Giêsu vì yêu thương đã hiến dâng chính mình trên hy tế thập giá đễ ban ơn cứu độ cho nhân loại. Với hiến tế Thánh Thể, Người vẫn tiếp tục tuôn đổ ơn cứu độ. Đón nhận Thánh Thể là nguồn sức mạnh, nguồn tình yêu để chúng ta biết tha thứ cho nhau.
Lm Trần Bình Trọng
Tha thứ là một đề tài thường xuyên được lặp đi lặp lại trong Thánh kinh. Thiên Chúa tha thứ cho dân Người, bởi vì Người là Thiên Chúa hay thứ tha, chứ không phải vì tội nhân đáng được tha thứ.
Cũng có những khi Thánh kinh nhắc đến việc Chúa nổi cơn thịnh nộ và quyết định sát phạt dân Người. Tuy nhiên ở đây, Thánh kinh đề cập đến những trường hợp mà người ta đã từ khước lòng thương xót và ơn tha thứ của Thiên Chúa.
Phụng vụ lời Chúa hôm nay dạy ta không những về việc Thiên Chúa tha thứ cho dân Người, mà còn bàn về bổn phận loài người phải tha thứ lẫn cho nhau. Ðể trả lời câu hỏi của ông Phêrô là người muốn biết ông phải tha mấy lần khi người anh em cứ xúc phạm đến ông. Rồi chính ông tự đề nghị câu trả lời một cách rộng lượng: Có phải đến bảy lần không? (Mt 18: 21). Số bảy trong Thánh kinh mang nghĩa toàn vẹn, hoàn tất. Chúa bảo Phêrô phải tha thứ đến bảy mươi lần bảy (Mt 18:22) nghĩa là phải tha thứ vô hạn định, ám chỉ trong ý nghĩa toàn vẹn. Rồi Chúa nêu lên trường hợp người đầy tớ được ông vua tha thứ cho món nợ mười ngàn nén vàng (1), nhưng lại không chịu tha thứ cho người bạn chỉ mắc nợ anh ta một trăm quan tiền. Chúa dùng cơ hội này để kêu gọi loài người thương xót và tha thứ cho nhau. Ðó cũng là cơ hội để ta học bài học của người đầy tớ không chịu tha thứ. Ðiều mà người ta hy vọng nơi người đầy tớ đã được tha thứ món nợ khổng lồ thật là hiển nhiên. Anh ta đã được tha thứ nhiều, thì cũng phải đền đáp bằng cách tha thứ cho người bạn chỉ mắc nợ anh ta một phần rất nhỏ.
Ðiều làm cho việc tha thứ trở nên khó khăn là khi người ta bị xúc phạm và thiệt hại nặng nề, gây nên nỗi khổ tâm và đau đớn về tinh thần như xuyên vào tâm can. Ai đã bị bạn hữu hay người yêu phản bội mới cảm nghiệm được nỗi cay đắng đó. Nó làm tê liệt đời sống tình cảm của con người. Vì thế mà có những người sau khi bị phản bội không còn muốn gặp và tin tưởng vào người khác phái nào khác. Ta muốn tha thứ để cất gánh nặng đang đè nén tâm hồn. Mặc dù khó, nhưng ta phải làm quyết định và lựa chọn. Hoặc là tiếp tục mang hận thù giận ghét như trong bài sách Ðức Huấn ca ghi lại. Việc để lòng hận thù giống như là có cái gai trong tâm hồn, khiến ta phải chịu sự dằn vặt và thiếu sự bình an. Giải quyết thứ hai là tha thứ để được tự do, cho tâm hồn được vơi nhẹ. Mặc dầu sau khi đã quyết định tha thứ, cảm giác đau lòng vẫn còn đó. Trong trường hợp này, điều ta có thể làm là cầu nguyện để có thể quên đi mối xúc phạm. Với thời gian, cảm giác đau lòng sẽ phai mờ dần. Và rồi, tâm hồn ta lại được bình an trở lại.
Với những người mà thỉnh thoảng ta mới gặp thì tha thứ là việc dễ dàng. Còn đối với những người mà ta chung sống hằng ngày, những người làm cùng sở, cùng hãng, thì việc tha thứ trở nên khó lòng, nhưng lại cần thiết để duy trì bầu khí an hoà. Ai có thể nhớ được bao nhiêu lần anh chị em trong một nhà phải tha thứ cho nhau để duy trì tình nghĩa anh chị em? Ai có thể đếm được bao nhiêu lần vợ chồng phải tha thứ cho nhau nếu muốn hôn nhân kéo dài suốt cả cuộc sống? Hôn nhân có mục đích là để vợ chồng nâng đỡ nhau về đời sống vật chất, tình cảm và tinh thần. Tuy nhiên vợ chồng cũng là thánh giá cho nhau. Bài trích sách Huấn ca hôm nay cảnh giác ta: Người chẳng biết thương người đồng loại, mà lại dám xin tha tội cho mình (Hc 27:4).
Tha thứ là hồng ân của Thiên Chúa. Chính Chúa Giêsu cầu nguyện xin Chúa Cha tha thứ cho kẻ bách hại, lăng nhục, cáo gian và đóng đinh Người: Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm (Lc 23:34). Nhận thức rằng loài người là bất toàn cho nên ta phải sẵn lòng tha thứ, vì chính ta có thể là nguyên nhân gây khổ đau cho người khác trong đời sống hằng ngày. Hằng ngày ta mắc nợ lẫn nhau qua những va chạm và đụng độ bằng lời nói, cử chỉ và việc làm. Có những xúc phạm ta gây cho người khác mà họ không biết – nhưng Chúa biết – như những nghi ngờ, xét đoán sai cho người khác. Vì thế ta cần phải trả bằng tấm lòng tha thứ. Ðể đươc Chúa tha thứ lỗi lầm, ta phải biết tha thứ cho người xúc phạm đến ta và làm thiệt hại cho ta.
Khi dự thánh lễ, ta có cơ hội ăn năn thống hối tội lỗi trước cộng đồng dân Chúa. Và ngay trước khi lên rước lễ, ta cầu nguyện, xin Chúa thứ tha khi đọc kinh Lạy Cha: Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ mắc nợ chúng con. Nếu lời cầu xin Chúa tha tội cho chúng ta có tính cách qúa chung, không đủ để khơi dậy lòng biết ơn Chúa về việc tha thứ tội lỗi, thì ta cần nhớ lại một vài tội lỗi đáng ghét của riêng mình: tội phạm đến Chúa, tội phạm đến tha nhân để ta có thể khơi dậy lòng sám hối. Cảm nghiệm được lòng thương xót của Chúa trong việc tha thứ tội lỗi cho mình, ta mới kiến tạo được tâm hồn biết thương xót đối với tha nhân. Luật thương xót và tha thứ là điều thiết yếu của Phúc âm và của đời sống người Kitô giáo. Hôm nay ta cầu xin Chúa dạy ta bài học biết sống trong tâm tình biết ơn khi được tha thứ để ta có thể thứ tha.
Lời cầu xin cho được một tâm hồn biết tha thứ:
Lạy Ngôi Hai Thiên Chúa hằng sống!
Chúng con xin tạ ơn Chúa đã đến trong thế gian
chịu nạn chịu chết để chuộc tội loài người sa ngã.
Chúa còn dạy con bài học tha thứ lỗi lầm của nhau.
Xin ban cho con một tâm hồn quảng đại
để con biết thứ tha cho người xúc phạm đến con
hầu con được Chúa thương ban ơn tha thứ. Amen.
_______________
- Một nén vàng thời đó có giá trị 6 ngàn đồng. Như vậy mười ngàn nén vàng có giá trị bằng 60 triệu đồng. Một người thợ làm cả ngày chỉ được một đồng. Bản tiếng Anh Mỹ dịch là món tiền nợ khổng lồ.
THA THỨ NÉT ĐỘC ĐÁO NHẤT CỦA NGƯỜI CÔNG GIÁO
Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang
Trong Cựu Ước, tội nhân là con nợ được Thiên Chúa tha thứ cho nhờ ơn tha thứ của Ngài. Thiên Chúa tha thứ sạch hết mọi tội, xem như Ngài vất ra sau lưng, đúng như Lời Chúa trong Thánh vịnh đáp ca chúng ta vừa mới đọc:
“CHÚA tha cho ngươi muôn ngàn tội lỗi, thương chữa lành các bệnh tật ngươi. Cứu ngươi khỏi chôn vùi đáy huyệt, bao bọc ngươi bằng ân nghĩa với lượng hải hà, ban cho đời ngươi chứa chan hạnh phúc, khiến tuổi xuân ngươi mạnh mẽ tựa chim bằng” (Tv 103,3-5).
Vâng, Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa xuống thế làm người đã không ngừng loan báo sự bao dung, và kêu gọi tha thứ và chính Ngài đã thực hiện trước để chúng ta noi theo. Qủa thế, trong cuộc thương khó, Chúa Giêsu chịu biết bao nhiêu là khổ nhục: chửi mắn, sỉ vả, đánh đập, khinh khi… nhưng Ngài vẫn không thù vặt, sống không để bụng, chết cũng chẳng mang theo hay trả đủa dù Ngài làm được. Qủa thế, trên cây Thánh giá, trước khi tắt thở, Chúa Giêsu nói rằng: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Lời nói chưa đủ, Ngài đã đổ máu mình ta để tha tội cho con người (Mc 14,24). Vì vậy, Chúa Giêsu là Tôi Tớ đích thực của Thiên Chúa, Người làm cho những kẻ được Người gánh tội trở nên công chính (1Pr 2,24).
Tha thứ của Chúa Giêsu là thế đó, tha vô điều kiện, tha vô hạn nên hôm nay Ngài dạy: “Thầy không bảo là tha thứ đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy” (Mt 18,22). Tiếc thay, chúng ta rất đỗi nhỏ nhen! Chúng ta thể hiện sự nhỏ nhen ấy ngay trong cách sống của mình: thù vặt, bất bao dung, giận hờn cay đắng hay từ nhau… Cho nên, trong cuộc sống biết bao nhiêu chuyện cay đắng, nghiệt ngã xảy ra từ trong gia đình ra xã hội: cha con chém giết nhau, vợ chồng ly dị, con cái đánh đập cha mẹ, anh chị em đánh đập nhau, bạn bè đánh nhau, đồng nghiệp chơi xấu nhau, rồi ngay cả trong tình yêu trai gái cũng chẳng chịu tha thứ cho nhau cho nên dù tình yêu đầu hay tình cuối thắm thía đến mấy cũng chia tay để rồi tuyệt vọng tự tử. Cho nên mới có chuyện: “Tình đầu hay tình cuối? khi một ngày một người đã ra đi… Tình đầu hay tình sau? khi cơn đau không biết đến bao lâu? Một ngày ta được yêu, rồi một ngày một mình ta buồn thiu. Biết trống vắng, biết thức trắng, và biết nếm trái đắng. Mà đời thì như chiêm bao, khi yêu nhau biết ra sao ngày sau? Tình đầu thường lên men đau, nên đôi khi trái tim như nhỏ máu. Đường tình nào biết đến phút cuối, bẽ bàng rồi lòng chất ngất tiếc nuối. Thì tình đầu chỉ còn trong kỷ niệm mà thôi… Em ơi! Em ơi, em đâu rồi… làm sao anh hôn dòng tóc rối? Em ơi! Em ơi, em đâu rồi… làm sao… làm sao ta có đôi? Em ơi! Em ơi, em đâu rồi… mộ bia đề tên em đó sao? Em ơi! Em ơi, em đâu rồi… để tình đầu là tình cuối đau lòng nhau?” (Lời bài hát Tình Đầu và Tình cuối)
Yêu nhau mà không tha thứ cho nhau dẫn đến cái chết đau thương thì cuộc đời còn gì là ý nghĩa, hạnh phúc và đáng sống. Vì vậy, hôm nay, Chúa Giêsu luôn mời gọi chúng ta hãy sống nét độc đáo nhất của đạo Công Giáo đó là sự tha thứ, tha thứ cho hết mọi người kể cả kẻ thù chúng ta. Nhưng không ai trong chúng ta lại không cảm nhận nỗi khó khăn khi phải tha thứ cho người khác. Thế thì động lực độc đáo nhất của Kitô giáo thúc đẩy chúng ta dám tha thứ cho nhau là gì? Thưa đó là khi chúng ta cảm nhận chính mình được tha thứ, mình sẽ dễ dàng tha thứ cho người khác.
Cụ thể, hôm nay Chúa Giêsu dùng câu chuyện một ông vua kia muốn đòi các đầy tớ của mình thanh toán sổ sách… mà chúng ta vừa mới nghe để dạy chúng ta biết lòng bao dung, tha thứ vô điều kiện của Thiên Chúa với con người và sự độc ác nhỏ nhen của con người với nhau. Chúng ta được Thiên Chúa tha thứ cho món nợ rất lớn như thế, nhưng ngược, lại mình vẫn không chấp nhận tha thứ món nợ nhỏ cho anh em mình. Tai sao?
Thứ nhất, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II nói rằng vì con người ngày hôm nay đang dần dần đánh mất cảm thức về tội lỗi. Cho nên mình ăn gian nói dối, trộm cắp, phá thai, giết người… mà lương tâm mình bình thương không có gì là cắn rứt, không cần Chúa tha thứ (Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Evangelium Vitae, số 63). Thứ hai, con người quá yêu cái tôi của mình, cho nên những nhân đức của mình thì phóng cho to, còn những nét xấu giảm đến mức tối thiểu. Ngược lại, với người khác thì phóng đại cái tội lỗi người ta và giảm thiếu nhân đức của họ. Rồi, khi có lỗi với anh em, chúng ta chạy đến Chúa xưng tội, Chúa tha thứ hay là chúng ta chạy đến người mình phạm thôi, xin họ tha thứ; ngược lại họ lỡ phạm đến mình, chúng ta hậm hực không thể bỏ qua, “sống để bụng, chết mang theo”, hoặc bằng mặt chứ không bằng lòng. Hai lý do đó làm cho chúng ta mất cảm giác mình được Chúa tha thứ và cũng mất cảm giác bao dung tha thứ cho người khác.
Vậy phải làm gì? Lời Chúa trong bài đọc hai, Thánh Phaolô nói: “không ai trong chúng ta sống cho chính mình, cũng như không ai chết cho chính mình. Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa. Vậy, dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa; vì Đức Ki-tô đã chết và sống lại chính là để làm Chúa kẻ sống cũng như kẻ chết” (Rm 14,7-9). Vâng, sống cho Chúa nghĩa là sống với Chúa trong cầu nguyện. Chính trong cõi thinh lặng ấy ta có thể lắng nghe tiếng Đấng đã nói với ta trước khi ta nói lên lời, Ngài đã chữa lành ta trước khi ta có thể giơ tay kêu cứu, đã giải thoát ta trước khi ta có thể giải thoát kẻ khác và đã yêu thương ta trước khi ta yêu thương tha nhân. Vì vậy, khi cầu nguyện với Thiên Chúa càng sâu xa bao nhiêu, chúng ta càng cảm nhận sự thánh thiện của Thiên Chúa bấy nhiêu, và ngược lại càng thấy mình khiếm khuyết và tội lỗi, chính lúc ấy chúng ta mới nhận được sự tha thứ của Thiên Chúa, để rồi “cũng tha cho kẻ mắc nợ với chúng con” (Mt 6,12).
Bình thường chúng ta đối xử với nhau bằng sức mạnh: bạo lực, chính trị, đồng tiền, toan tính thủ đoạn; nếu ai tha thứ thì cho là kẻ hèn nhát. Di sản tinh thần lớn nhất trên thế gian không phải là sức mạnh của bạo lực, tiền bạc mà là tình thương, tha thứ, vì tha thứ là chất xi măng xây dựng tình hiệp nhất, “tứ hải giai huynh đệ”. Hơn thế nữa, Lời Chúa dạy: “Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển chọn, thánh hiến và yêu thương. Vì thế anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà, nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em, người này có chuyện phải trách móc người kia, Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau” (Cl 3,12-13). Đó chính là chất keo tuyệt vời nhất kết dính mối tình chúng ta với nhau hiệp nhất với Chúa Cha trên trời, trong Chúa Giêsu Kitô, nhờ Chúa Thánh Thần. Với đức tin ấy, mời quý ông bà và anh chị em đứng lên tuyên xưng đức tin.
Trầm Thiên Thu
Đấng đáng kính Hồng Y John Henry Newman cho biết: “Giáo Hội dạy rằng thà để nhật nguyệt sa khỏi bầu trời, địa cầu ngừng quay, và tất cả nhiều triệu người trên hành tinh này chết đói trong nỗi khốn cùng, xét theo đau khổ đời này, còn hơn một linh hồn phạm chỉ một tội mọn, hoặc lỗi cố tình nói dối. Như thế, chúng ta sẽ hiểu được bản chất của sự bất tuân và tội lỗi đích thực của chúng ta, và chúng ta cảm nghiệm phúc lành của việc xóa sạch tội lỗi, việc cứu độ, ơn tha thứ, ơn thánh hóa không phải là những ngôn từ suông.”
Tội lỗi và tha thứ đối lập với nhau nhưng liên quan lẫn nhau – vì có tội nên luôn cần sự tha thứ. Để có thể tha thứ thì phải biết yêu thương. Mối liên quan thật kỳ diệu. Tình yêu quan trọng vì đó là đức mến hoặc đức ái, cần thiết cho cả đời này và đời sau: “Đức mến không bao giờ mất được. Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến.” (1 Cr 13:8 và 13) Thương yêu là điều chỉ có thể cảm nhận nhưng không thể chạm vào. Tha thứ là kết quả của thương yêu. Thù hận là không thương yêu.
Trái ngược với thương yêu là thù hận. Thù hận liên quan tội lỗi. Tình thương liên quan tha thứ. Mẫu tự T luôn có gì đó kỳ diệu, như một sự an bài của Thiên Chúa vậy: Thù – Tội – Thương – Tha. Lòng thù hận rất nguy hiểm và đáng sợ, vì nó tàn phá mọi thứ trong cuộc sống. Sách Huấn Ca nói: “Oán hờn và giận dữ là những điều ghê tởm, về chuyện đó kẻ tội lỗi có biệt tài.” (Hc 27:30) Thương yêu và tha thứ không chỉ là bài học cao cấp mà còn là luật Thiên Chúa truyền dạy, Ngài không chấp nhận sự thù hận: “Kẻ báo thù sẽ chuốc lấy báo thù của Đức Chúa, tội lỗi nó, Người xem xét từng ly.” (Hc 28:1) Đặc biệt là Ngài không thiên vị bất kỳ ai. (Đnl 10:17-18; Hc 35:12; Lc 20:21; Cv 10:34; Rm 2:11; Gl 2:6; Ep 6:9) Đó là điều thực sự rất đáng quan ngại!
Vừa khuyên nhủ, vừa phân tích, vừa đặt vấn đề, Kinh Thánh cho biết: “Hãy BỎ QUA điều sai trái cho kẻ khác thì khi bạn cầu khẩn, tội lỗi bạn sẽ được tha. Người với người cứ nuôi lòng hờn giận, thế mà lại xin Đức Chúa chữa lành! Nó CHẲNG biết thương người đồng loại, mà lại DÁM xin tha tội cho mình! Nó chỉ là người phàm mà để tâm thù hận thì ai sẽ xin tha tội cho nó?” (Hc 28:2-5) Có lẽ không ai muốn nghe câu này vì “chạm” vào điểm nhạy cảm của chính mình. Thật vậy, chúng ta hiền như chiên khi ở trong nhà thờ nhưng lại dữ như cọp khi ra khỏi nhà thờ. Khi cầu nguyện thì có vẻ thành kính, nhu mì, nhưng khi có ai làm phật ý thì lập tức nổi xung, còn “tài năng” hơn ảo thuật gia David Coperfield làm biến mất toa xe lửa hoặc đi xuyên qua Vạn Lý Trường Thành.
Về việc canh tân đời sống, Thiên Chúa luôn cảnh báo, và Đức Mẹ cũng nhắc nhở, nhưng rồi người ta chỉ sợ lúc đó rồi thôi, qua những ngày mùa Vọng, mùa Chay, hoặc tuần tĩnh tâm, đâu lại vào đấy, ngay trong cơn đại dịch covid này cũng vậy, người ta chỉ sợ bằng lời nói mà thôi, mọi thứ vẫn bất chấp, “cái tôi” cứ tự do tung hoành. Thật đáng sợ với cách nhận định của bác học Albert Einstein: “Vạn vật đều có giới hạn, chỉ có cái ngu là không có điểm dừng.”
Lời Chúa cảnh báo từ xưa mà chưa cũ, chẳng lỗi thời: “Hãy nhớ đến ngày tận số mà chấm dứt hận thù, nhớ mình sẽ phải hao mòn và phải chết mà trung thành giữ các điều răn. Hãy nhớ đến các điều răn mà đừng oán hờn kẻ khác, nhớ đến giao ước của Đấng Tối Cao mà không chấp nhất điều lầm lỗi.” (Hc 28:6-7) Đã có những lần người ta nghe nói “tối tăm ba ngày ba đêm” thì cuống cuồng, lo mua nến và mì gói, xong rồi lại cứ “vô tư” xả láng. Lời khuyến cáo của Thiên Chúa đối với dân Israel xưa vẫn “nóng hổi” và mang tính thời sự trong thời đại ngày nay: “Các ngươi chớ cứng lòng như tại Mơriva, như ngày ở Maxa trong sa mạc, nơi tổ phụ các ngươi đã từng thách thức và dám thử thách Ta, dù đã thấy những việc Ta làm.” (Tv 95:8-9)
Ngày xưa, biết mình yếu đuối nên Thánh Vịnh gia tự nhủ: “Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi, toàn thân tôi, hãy chúc tụng Thánh Danh! Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi, chớ khá quên mọi ân huệ của Người. Chúa tha cho ngươi muôn ngàn tội lỗi, thương chữa lành các bệnh tật ngươi, cứu ngươi khỏi chôn vùi đáy huyệt, bao bọc ngươi bằng ân nghĩa với lượng hải hà.” (Tv 103:1-4) Ước gì hôm nay chúng ta cũng ý thức điều đó, bởi vì đã bao lần Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta mà không đòi điều kiện gì. Ý thức như vậy là tỉnh thức và tự nhủ về đức ái, về sự tha thứ mà Chúa Giêsu khuyến cáo. Kinh sách đọc nhiều cũng tốt, nhưng hãy cẩn trọng vì có thể chỉ là “đọc vẹt.”
Chỉ là phàm nhân, đầu óc chúng ta chẳng là gì cả, nghĩ không cao quá ngọn cây, không xa hơn cái bóng mình, nên không thể nào hiểu thấu Tình Chúa vô biên, vô tận: “Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương, chẳng trách cứ luôn luôn, không oán hờn mãi mãi. Người không cứ tội ta mà xét xử, không trả báo ta xứng với lỗi lầm. Như trời xanh trổi cao hơn mặt đất, tình Chúa thương kẻ thờ Người cũng trổi cao. Như đông đoài cách xa nhau ngàn dặm, tội ta đã phạm, Chúa cũng ném thật xa ta.” (Tv 103:8-12) Lòng Chúa thương xót trên cả tuyệt vời, nhiệm mầu quá! Phàm nhân chúng ta chẳng là gì mà vẫn chảnh, luôn muốn vùng lên, tìm dịp nổi loạn. Thật là khốn nạn, vậy mà chúng ta vẫn ảo tưởng, mạo nhận đủ thứ và đủ kiểu.
Nhận thức như thế để có thể cố gắng chấn chỉnh cho phù hợp luật Chúa và ý Chúa. Nỗ lực này phải được thực hiện không ngừng, không chỉ theo cảm xúc hoặc theo mùa phụng vụ. Thực sự không dễ chút nào, nhưng phải làm, không làm không được, nghĩa là phải “từ bỏ mình mà vác thập giá theo Đức Kitô.” (Mt 10:37-39; Lc 14:26-27) Thánh Phaolô xác định: “Thật vậy, không ai trong chúng ta sống cho chính mình, cũng như không ai chết cho chính mình. Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa. Vậy, dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa; vì Đức Kitô đã chết và sống lại chính là để làm Chúa kẻ sống cũng như kẻ chết.” (Rm 14:7-9) Sống tín thác như vậy thì chẳng lo gì, không cần quan tâm “sự lạ” ở nơi này, chỗ nọ. Hai phép lạ lớn xảy ra hằng ngày: Không khí và Thánh Thể – không khí duy trì sự sống thể lý, Thánh Thể duy trì sự sống tâm linh. Đó mới là điều đáng quan tâm.
Trình thuật Mt 18:21-35 cho biết mức độ tha thứ. Sau khi Chúa Giêsu nói về việc sửa lỗi cho nhau, ông Phêrô đến gần Ngài và hỏi: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” Ngài nói ngay: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.” Ui da, sao mà khó quá! Một lần thì có thể, cùng lắm là hai lần, lần thứ ba thì chắc chắn máu bốc tới chỏm đầu rồi, nói chi đến 490 lần (70 x 7). Tuy nhiên, muốn là môn đệ của Chúa và muốn làm công dân Nước Trời thì phải vậy, số lần tha thứ không tính bằng những con số mà là mãi mãi – mọi lúc, mọi nơi, tha thứ cho mọi người, bất kỳ ai.
Chúa Giêsu chứng minh cụ thể qua dụ ngôn Tên Mắc Nợ Không Biết Thương Xót. Ngài nói: Nước Trời cũng giống như chuyện một ông vua kia muốn đòi các đầy tớ của mình thanh toán sổ sách. Khi nhà vua vừa bắt đầu thì người ta dẫn đến một kẻ mắc nợ vua mười ngàn yến vàng. Y không có gì để trả, nên tôn chủ ra lệnh bán y cùng tất cả vợ con, tài sản mà trả nợ. Bấy giờ, tên đầy tớ ấy sấp mình xuống bái lạy để xin rộng lòng hoãn nợ và hứa sẽ lo trả hết. Chủ nợ liền chạnh lòng thương, cho về và tha luôn món nợ. Nhưng vừa ra đến ngoài, tên đầy tớ ấy gặp một người đồng bạn, mắc nợ y một trăm quan tiền. Y liền túm lấy, bóp cổ mà đòi nợ. Bấy giờ, người đồng bạn sấp mình xuống năn nỉ xin rộng lòng hoãn nợ và hứa sẽ lo trả hết. Nhưng y không chịu, cứ tống y vào ngục cho đến khi trả xong nợ. Thấy sự việc xảy ra như vậy, các đồng bạn của y buồn lắm, mới đi trình bày với tôn chủ đầu đuôi câu chuyện. Tôn chủ cho đòi y đến và vặn hỏi: “Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn như chính ta đã thương xót ngươi sao?” Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ.
Giữa “mười ngàn yến vàng” và “một trăm quan tiền” là mức chênh lệch quá lớn, vậy mà không biết điều chỉ vì ích kỷ. Bị trừng phạt là hệ lụy tất yếu, công bằng. Có thể “tên mắc nợ không biết thương xót” kia là tôi, là bạn, bởi vì tôi cũng có lúc ảo tưởng hoặc cố ý làm ngơ, không muốn nhận mình xấu xa. Nếu tôi nhận biết để sửa sai thì tốt, nếu tôi cố chấp thì khốn cho tôi!
Thật vậy, Chúa Giêsu vừa giải thích vừa kết luận rạch ròi: “Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình.” (Mt 18:35) Mỗi người đó chính là mỗi chúng ta, và Ngài nói thẳng chứ không úp mở. Tương tự, trong Kinh Lạy Cha (Mt 6:9-13; Lc 11:2-4) – lời cầu nguyện được Chúa Giêsu truyền dạy, cũng đề cập vấn đề này: “Xin tha nợ chúng con NHƯ chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con.” Chữ “như” này có vẻ đơn giản nhưng lại chứa đựng cả vấn đề quan trọng và cấp bách. Tại sao cấp bách? Vì chẳng ai biết mình “ra đi” lúc nào. Lá vàng hoặc xanh vẫn có thể lìa cành bất cứ lúc nào. Đó là “ngày tận thế” riêng của mọi người, dù trẻ hoặc già. Ba mẫu tự T có liên quan lẫn nhau: Thương – Thù – Tha.
Mở đầu rồi sẽ kết thúc, sống nay để lo chết mai. Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu cho biết: “Nếu vào giờ chết, tội nhân xấu xa nhất trần gian biết sám hối và trút hơi thở cuối cùng trong hành vi yêu mến, mặc dù rất nhiều ơn thánh người ấy đã lạm dụng và rất nhiều tội lỗi người ấy đã sai phạm có cản trở đi nữa, Thiên Chúa vẫn tiếp nhận tội nhân ấy vào lòng thương xót của Ngài.” Thế thì thật diễm phúc cho các tội nhân chúng ta. Vấn đề là chúng ta có chân thành tu thân thực sự hay không.
Lạy Cha nhân từ, xin ban ơn hoán cải để chúng con kịp thay đổi. Xin giúp chúng con thương nhau hết lòng. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.
Lm. Jos DĐH.
Tâm tính đẹp, đầu óc vĩ đại, tạo nên anh hùng, hay thiên thời địa lợi nhân hoà, sẽ xuất hiện người quân tử mang dáng dấp là gỗ tốt, nước sơn tốt, là hữu tâm đến hữu đức ! Nếu không có kiến thức về nghệ thuật, căn cứ vào đâu người ta vinh danh bức tranh đẹp, hài hoà ? Người nhạc sĩ “sinh ra” tác phẩm tuyệt vời, thường gắn liền tên tuổi với ca sĩ chuyên nghiệp, hầu chuyển tải đến công chúng giai điệu cháy bỏng nghĩa tình thân thương. Vì tiếng nói yêu thương nơi gia đình, xã hội còn rời rạc, dẫn đến suy nghĩ không ổn, hiểu không tích cực về nhau, do đó đã xuất hiện những lời ăn tiếng nói phá vỡ tình hiệp nhất: hai cô ca sĩ có thương nhau bao giờ. Thực ra, người nghệ sĩ có muốn thi thố tài năng không thể thiếu đám đông ủng hộ, một gia đình hạnh phúc cần có sự thức tỉnh giữa các thành viên.
Thời nào cũng có kẻ lầm tưởng: thông thái, giầu sang, sức khoẻ, sẽ mang lại hạnh phúc, và rồi, cái gì phải đến ắt sẽ đến ! Kinh nghiệm của các đấng bậc khôn ngoan vẫn là những bài học thiết thực, cuộc sống còn có nhiều điều cần quan tâm: kiến thức khoa học dồi dào, cũng không thể bỏ qua nguồn lực tâm linh bổ túc. Đâu phải vô tình mà tiền nhân chúng ta lại khuyên con cháu: học khôn, học đến chết, học nết, học đến già. Cũng không phải tự nhiên mà Phêrô hỏi Thầy Giêsu: “nếu anh em con xúc phạm đến con, con phải tha thứ mấy lần, có phải bảy lần bảy không ?”. Vấn đề yêu ghét, giận hờn chia rẽ, có thể do quyền lợi bị xâm phạm, hiểu sai, hiểu nhầm, tương quan anh em bạn bè gặp nhiều bất trắc. Vấn đề lỗi tội, sai phạm, thuộc phạm vi tinh thần, “con tim” lên tiếng vì lỗi luật Chúa, vì làm tổn thương đấng bậc sinh thành …
Khi trưng dẫn dụ ngôn “hai con nợ”, hẳn Đức Giêsu không có ý trực tiếp trả lời cho Phêrô về số lần phải tha thứ lỗi lầm cho nhau. Mang thân phận người, không ai hoàn hảo, ai cũng là tội nhân trước Thiên Chúa quyền năng. Yêu thương là tha thứ, hoặc không thể nói tha thứ mà lòng trí chưa buông bỏ bực tức giận hờn. Không cần quy đổi 10 ngàn nén bạc trị giá bao nhiêu “đô-la”, chỉ cần một lời xin khất, xin khoan giãn một kỳ hạn, nhà vua đã tha hết, xoá nợ hết. Cũng chẳng ai ngờ, “con nợ khủng” của nhà vua mau quên đến độ, “con nợ còm” thiếu y có 100 đồng bạc, anh ta lại nỡ lòng tống ngục, cho đến khi trả nợ xong ! Quả thực, vết thương nặng nề, khó chạy chữa nhất, đó là đổ vỡ lương tâm. Nhớ và quên, oán ghét và hận thù, chính là hậu quả xấu: “giết chết mình”, giết chết cả tình nghĩa anh chị em.
Khi Phêrô và các học trò nghe Thầy Giêsu kể dụ ngôn về “hai con nợ”, trí lòng của các ông hẳn đã “nhói đau”, dù các ông đau bởi “tên nợ” độc ác, hay đau đáu buồn vì tình người, tình bạn, có thể bị tan vỡ bất cứ lúc nào, nếu tâm hồn thiếu vắng sự hồi tâm. Cha ông chúng ta nói rằng: nếu không có những người bạn tốt, cùng chia sẻ, cùng đồng hành, mấy ai còn muốn sống trên đời làm chi, dù họ có tất cả mọi thứ. Biết người biết ta để cư xử, hầu giúp tình đồng loại, tình bạn, được phát triển tốt hơn tình cảm, tình yêu toàn vẹn. Quảng đại, tha thứ, có phải là nét đặc trưng mà Thầy Giêsu muốn mong tất cả những ai là học trò của Ngài, cần thức tỉnh tâm hồn, hầu bản chất hẹp hòi ích kỷ nơi mỗi người được tẩy xoá đi, đó cũng là công bằng tình yêu thương được thực thi.
Trong chi tiêu, mua sắm, người ta lấy câu thành ngữ: liệu cơm gắp mắm, hầu cân nhắc về “cái ví tiền” của mình. Trong tương quan xã hội, tiền nhân răn dạy: ở chọn nơi, chơi chọn bạn. Để vấn kế làm ăn, người ta có ý tìm thầy chạy thợ, với hy vọng sẽ có kết quả lợi nhuận cao hơn. Trong giáo dục, các đấng bậc vẫn cho rằng: mục đích không phải là dạy, là nhồi nhét cho trẻ hiểu nhiều, biết rộng, mà làm sao để tạo cho trẻ biết hành động có trách nhiệm. Đức Giêsu chia sẻ dụ ngôn về hai con nợ, Ngài không có ý hỏi các học trò hãy xét xem, các anh đã từng tha thứ nợ nần cho bạn mình chưa ? và đã tha mấy lần ? Ở trong Đức Giêsu, bằng tình yêu thương, người môn đệ sẽ sớm nhận ra tất cả là hồng ân, tất cả đều là đối tượng lòng thương xót Chúa, khi được thôi thúc thức tỉnh tâm trí cõi lòng.
Kinh nghiệm nơi cuộc sống cho biết: không phải thực lực, mà là tính kỷ luật đã làm nên người tốt, những công trình vĩ đại. (ngạn ngữ Anh). Cuộc đời quá nhiều phức tạp: giầu nghèo, đều khổ ; hiền lành ác độc, đều sẽ trả lẽ công bình ; khôn ngoan tới đâu, dại khờ đến mức nào, rồi cũng chết. Người môn đệ theo Thầy Giêsu, người đủ ơn Chúa trong các tương quan, chính là người được soi sáng để thức tỉnh lòng mình, và luôn biết sống yêu thương tha nhân. Thầy Giêsu sẽ vui biết bao, nếu mỗi người đủ khiêm tốn nhận ra mình là ai, dù đạo đức thánh thiện, tất cả những ai mang phận người đều là tội nhân, là đối tượng của lòng thương xót Chúa. Xin Chúa giúp chúng con luôn biết suy xét và thức tỉnh tâm hồn mình, và nhờ ơn Chúa, chúng con biết sống quảng đại, biết giúp nhau cùng đạt tới nguồn hạnh phúc đời đời. Amen.
Lm Giuse Hoàng Kim Toan
Mỗi người đều biết tha thứ là thuốc chữa tâm hồn khỏi những buồn giận. Thế nhưng, tha thứ vẫn khó khăn, vẫn là điều cần học mỗi ngày để sống tươi vui.
Tha thứ không là chấp nhận lỗi tội người khác. Tội lỗi luôn bị lên án, nhưng tội nhân cần được thương xót. Ngày nay, khoa học tâm lý cũng chỉ ra nhiều hành vi sai lỗi đã ảnh hưởng từ trong quá khứ hoặc xu hướng hiện tại lôi kéo. Cách tốt nhất tha thứ là tìm cách chữa lành cho người mắc lỗi. Chúa Giêsu tha thứ cho tội nhân như dụ ngôn người cha nhân từ mặc lại cho con chiếc áo mới, đeo nhẫn, xỏ giầy mới, và kết luận “con ta đã chết nay đã sống lại” (xem Lc 15, 11 – 32).
Tha thứ cũng đừng nhớ là tha thứ bao nhiêu lần. Bởi nhớ bao nhiêu lần cũng còn là cất giấu trong ký ức của mình những lỗi lầm của người khác. Đến khi bùng nổ giận dữ lại kết án khốc liệt hơn bảy lần với người lầm lỗi. Chúa dạy không phải “tha thứ bảy lần mà tha thứ bảy mươi lần bảy” (Mt 18, 22)
Chúa dạy quên đi lỗi lầm người khác, như họ đã được đổi mới khi họ đã nhận ra được lỗi. Thật khó với mỗi người vì thói quen cứ nhớ đến lầm lỗi của người khác và sợ rằng tha thứ để nó ngồi trên đầu, trên cổ mình. Nếu không tha thứ thật sự thì chính mình vẫn nuôi cục tức giận làm cho mình đau khổ. Đừng tự làm mình đau khổ bởi những giận tức từ người khác gây nên. Tập quên, nghĩa là đổ rỗng, tự xả, không chấp, niềm vui sẽ đến.
Tha thứ là thước đo sức mạnh của tình yêu trong bản thân. Tình thương đủ lớn để sống tích cực, đẩy lùi tiêu cực, sống hạnh phúc. Dụ ngôn kể rằng “một người mắc nợ 100 triệu được tha nợ và người được tha đó lại không tha nợ cho người bạn mình chỉ nợ 10 triệu. Người chủ bắt người nợ 100 triệu kia nhốt giam và bắt trả nợ đến đồng xu cuối cùng”. Nếu không biết tha thứ, tự mình đang chuốc lấy bản án đau khổ. Sau lời kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu nói: “Anh em tha cho người ta, Cha anh em mới tha cho anh em” (Mt 6, 14)
Tha thứ cần được luyện tập loại bỏ tính quan án, phán xét người khác. Khi phán xét, chính mình cũng đang bị phán xét. Chúa dạy” Thấy cái rác trong mắt người anh em mà không thấy cái đà trong mắt mình” (Lc 6, 42). Tập nhìn vào chính mình để sửa lỗi hơn là nhìn vào lỗi lầm người khác để che giấu tội lỗi mình. Thường kẻ lên án người khác, họ cũng có lỗi lầm lớn hơn thế ở trong họ.
Tha thứ để sống tươi vui hơn, yêu thương hơn và để hạnh phúc hơn. Xin Chúa dạy cho chúng con biết luyện tập mỗi ngày để sống nhân ái và bao dung.
Nguồn: giaophanxuanloc.net
Có thể bạn quan tâm
Suy Niệm Chúa Nhật IV Mùa Vọng C: Đức Maria, Người mang Chúa..
Th12
Đức Thánh Cha Phanxicô: Năm Thánh, Cơ Hội Ân Sủng Gặp Gỡ Chúa..
Th12
Bầu không khí và các Hang đá mừng Chúa Giáng Sinh tại Giáo..
Th12
Thánh Ca Năm Thánh 2025
Th12
Điều gì đã lấy mất ý nghĩa Giáng sinh của chúng ta
Th12
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi
Th12
Bài Hát Cộng Đồng Lễ Chúa Giáng Sinh Năm 2024
Th12
VPTGM-GPHT: Thông báo Thánh lễ Khai mạc Năm Thánh 2025
Th12
5 Cách Đơn Giản Để Dọn Tâm Hồn Đón Chúa
Th12
Ai Tín Của Toà Tổng Giám Mục Huế: Đức Nguyên Tổng Giám Mục..
Th12
Hy Vọng Trong Thời Đại Kỹ Thuật Số: Những Đề Xuất Mục Vụ..
Th12
Nguồn Gốc và Ý Nghĩa Của Hang Đá
Th12
Bài Hát Cộng Đồng Lễ Đêm Chúa Giáng Sinh Năm 2024
Th12
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam Dựng Bia Ghi Ơn Hội Thừa Sai..
Th12
Lần Đầu Tiên Đức Thánh Cha Bổ Nhiệm Phụ Nữ Làm Thành Viên..
Th12
Hội Nghị Online Của Ủy Ban Giáo Sĩ Chủng Sinh Năm 2024
Th12
Tâm Tình Của Người Công Giáo Khi Mừng Lễ Giáng Sinh
Th12
Giải truyện ngắn Năm Thánh 2025: “Hy vọng và Hoà giải”
Th12
Hội Ái Hữu Vinh – Hà Tĩnh Bắc Cali: Mở tiệc Noel chia..
Th12
Suy Niệm Chúa Nhật III Mùa Vọng C: Niềm Vui Ơn Cứu Độ
Th12