Báo Quan sát viên Roma của Tòa Thánh, một lịch sử vĩ đại của báo chí Công giáo

2484 lượt xem

Những dấu ấn quan trọng của Báo Quan sát viên Roma của Tòa Thánh, một tờ báo được xem như một lịch sử vĩ đại của báo chí Công giáo, một dịch vụ quý giá kho lưu trữ dành cho các học giả, nhà sử học, nhà báo và độc giả. Nội dung được phát hành bằng các ngôn ngữ: Ý, Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Tờ báo là một đài quan sát như tên gọi của nó, một đài quan sát để trông thấy các thực tại của thế giới này và cho mọi người tin tức về các thực tại đó. Ở đây người ta thấy có sự trùng hợp giữa những gì của thành phố Roma và toàn thế giới, là đặc tính Công giáo.

Hôm 04/11/2020, Báo Quan sát viên Roma của Tòa Thánh có một sự kiện ghi dấu ấn quan trọng: Các ấn bản lịch sử của tuần Báo có thể truy cập trực tuyến. Điều này có nghĩa là hàng ngàn bài viết của báo “Quan sát viên Chúa nhật”, tuần báo của Tòa Thánh, được thành lập vào năm 1934 và đến năm 2007 thì ngưng lại, sẽ được truy cập trực tuyến miễn phí.

Nhân dịp này, chúng tôi xin điểm lại lịch sử và những dấu ấn quan trọng của Báo Quan sát viên Roma của Tòa Thánh, một tờ báo được xem như một lịch sử vĩ đại của báo chí Công giáo, một dịch vụ quý giá mà kho lưu trữ báo chí dành cho các học giả, nhà sử học, nhà báo và độc giả. Nội dung được phát hành bằng các ngôn ngữ: Ý, Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.

Lịch sử hình thành

Lịch sử của tờ báo bắt đầu từ năm 1849, với tên gọi là “Il Costituzionale Romano-Hiến pháp Roma”, dưới sự dẫn dắt của Viện phụ Battelli.

Năm 1852 tờ báo bị đóng cửa theo yêu cầu của Massimo d’Azeglio, Bộ trưởng ngoại giao của Vương quốc Sardinia, vì ông cho rằng một số bài viết có vẻ xúc phạm hoàng gia Savoy.

Sau đó vào năm 1861 tờ báo chính thức của Tòa Thánh được hai luật sư Nicola Zanchini và Giuseppe Bastia tái lập với tên gọi “L’Osservatore Romano – Báo Quan sát viên Roma”.

Trong khi Công đồng chung Vatican I diễn ra (1869-1870), tờ báo đã theo sát những hoạt động của Công đồng. Chính Giám đốc mới, ông Augusto Baviera là người thu thập các bài phát biểu của các nghị phụ.

Trong Thế chiến thứ nhất, Báo Quan sát viên Roma đã chọn đường lối trung lập và công bằng. Nhiều bài phát biểu của Đức Hồng y Pietro Gasparri, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, xuất hiện trên các trang của tờ báo.

Năm 1919, tờ báo ngưng hoạt động trong hai tháng do một cuộc đình công của các nhà in Roma.

Sau xung đột, tờ báo được củng cố và vào ngày 10/7/1920 ông Giuseppe Dalla Torre được chọn làm giám đốc của tờ báo. Ông đã dẫn dắt tờ báo trong 40 năm (1920-1960). Dưới sự chỉ đạo của ông, những người trẻ thuộc phong trào Công giáo xa rời chế độ đến tòa soạn, trở thành trụ cột của tờ báo.

Tháng 02/1929, Ý và Tòa thánh tái lập quan hệ ngoại giao. Hiến pháp của Quốc gia Thành Vatican có ảnh hưởng quyết định đối với tờ báo: Từ khi Hiệp ước Lateranô được ký kết, Báo Quan sát viên Roma không còn tuân theo luật báo chí của Ý. Vào tháng 11, ban biên tập và quản lý được chuyển đến Vatican. Từ đó tờ báo có trụ sở tại Via dei Pellegrini.

Số lượng phát hành của tờ báo tăng lên 50 ngàn bản mỗi ngày và sau đó trong suốt thập kỷ đạt 20 ngàn bản. Năm 1934, tuần báo ra đời, đồng hành cùng tờ báo cho đến năm 2007.

Trong năm quan trọng, năm Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, số lượng phát hành của tờ báo dần dần tăng lên, đạt 100 ngàn bản mỗi ngày. Độc giả Ý đặc biệt quan tâm đến các chuyên mục phân tích quốc tế.

Các phiên họp của Công đồng Vatican II (bắt đầu vào năm 1962) là một thách thức mới đối với tờ báo, tờ báo được kêu gọi để phổ biến tin tức công đồng trên khắp thế giới. Dưới sự chỉ đạo của Raimondo Manzini, tờ báo có số lượng phát hành khoảng 30 ngàn bản.

Vào tháng 10/2007, với sự xuất hiện của ông Giovanni Maria Vian, màu sắc của tờ báo được phong phú giống như các tờ báo lớn của Ý. Ông Vian cũng mở ra cộng tác với những người không Công giáo.

Năm 2011, kỷ niệm 150 thành lập

Năm 2011, Báo Quan sát viên Roma kỷ niệm 150 thành lập. Nhân dịp này Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức XVI đã viếng thăm tòa soạn.

Ngỏ lời với các nhân viên làm việc tại đây, Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức XVI đề cao phần đóng góp của tờ báo cho công tác rao truyền Tin Mừng và làm chứng cho chân lý, bằng cách phổ biến giáo huấn của Giáo Hoàng, cho tin tức các sinh hoạt của Giáo hoàng và của các cơ quan trung ương Tòa Thánh cũng như của đời sống Kitô trên thế giới. Tờ báo giúp các tín hữu nhìn các vấn đề thời sự dưới ánh sáng của Lời Chúa và của Huấn Quyền, liên tục chú ý tới các dấu chỉ thời đại… Dĩ nhiên nó cũng ghi nhận các vấn đề xã hội và các sự kiện, kể cả các sự kiện tiêu cực gây ra bởi sự xa rời các giá trị nhân bản và Kitô giáo.

Theo Đức nguyên Giáo hoàng, đây là tờ báo đặc biệt trong nền báo chí thế giới nói chung, vì nó cống hiến cho đọc giả các tin tức tích cực và khích lệ, vốn thường thiếu hay không có chỗ thích hợp trong các tờ báo khác. Tờ báo là một đài quan sát như tên gọi của nó, một đài quan sát để trông thấy các thực tại của thế giới này và cho chúng ta tin tức về các thực tại đó. Từ đài quan sát này nó phản ánh các việc xa cũng như các việc gần. Ở đây người ta thấy có sự trùng hợp giữa những gì của thành phố Roma và toàn thế giới, là đặc tính Công giáo, trong một nghĩa nào đó cũng có gia tài của Roma: một cách thực tế trông thấy thế giới chứ không phải chỉ chính mình mà thôi.

Tờ báo không ở trên bình diện hời hợt của các biến cố, nhưng đi vào chiều sâu: nó cho chúng ta thấy các gốc rễ văn hóa, nền tảng của sự vật. Nó không chỉ là một nhật báo mà là một nguyệt san văn hóa… Tiêu chuẩn hướng dẫn ở đây luôn là chân lý, công lý và niềm hy vọng phát xuất từ Tin Mừng và đức tin.

Ứng dụng mới đọc báo

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Thánh Gioan Phaolô II, Chúa nhật 17/5/2020, Nhật báo của Tòa Thánh, đã ra mắt một ứng dụng mới, giúp mọi người có thể đọc tất cả các bài báo và tin tức của Tòa Thánh một cách dễ dàng hơn. Như thế, những ai quan tâm đến Báo Quan sát viên Roma sẽ tìm được một ứng dụng miễn phí mới có trên Google-play hoặc App-store.

Tạm ngưng phát hành giấy

Vào ngày 25/3/2020, vì dịch virus corona, tờ báo của Tòa Thánh đã phải tạm ngưng phát hành giấy. Trong thời gian đó, độc giả chỉ có thể đọc báo trên Internet, mọi hoạt động in ấn bị ngưng. Tại Tòa báo, chỉ có một kỹ thuật viên in và một người đóng sách ở lại nhà in để sản xuất chỉ 10 bản, để phân phối cho các cơ quan quan trọng của giáo triều Roma, trong đó có Quốc vụ khanh Tòa Thánh và Đức Thánh Cha.

Giám đốc báo Quan sát viên Roma, ông Andrea Monda giải thích về việc này: “Chúng tôi tiếp tục làm việc theo cách ‘làm việc thông minh’ và 90% ban biên tập sẽ lo việc chăm sóc nội dung trang web. Liên quan đến báo giấy, đây là việc đóng cửa tạm thời, và đối với chúng tôi đây trở thành cơ hội để tăng cường sự hiện diện của chúng tôi trên mạng. Nhưng chúng tôi sẽ trở lại trên các quầy báo”.

Trở lại với hình thức phát hành giấy

Đúng như nhận định của Giám đốc, Chúa nhật 04/10/2020, Báo Quan sát viên Roma của Tòa Thành trở lại với hình thức phát hành giấy. Với sự quay trở lại này, tờ báo đã được đổi mới về đồ họa và nội dung, và được kết nối với hệ thống truyền thông Vatican.

Với báo giấy định dạng mới cho phép tờ báo chính thức của Tòa Thánh có nhiều tin tức và chi tiết hơn. Cụ thể, mỗi ngày báo được phát hành với 8 trang về tin tức thời sự của Vatican, tôn giáo, chính trị và văn hóa. Ngoài ra tờ báo còn được bổ sung phụ trang chuyên đề: vào chiều thứ Ba, tuần báo văn hóa; chiều thứ Tư, dành riêng cho Giáo hội như một bệnh viện dã chiến trên những con đường của thế giới; chiều thứ Năm “Tuần lễ của Đức Thánh Cha Phanxicô”; chiều thứ Sáu, mục thời luận của một thế giới toàn cầu hóa.

Các ấn bản lịch sử của tuần Báo có thể truy cập trực tuyến

Không chỉ dừng lại ở việc cung cấp thông tin, tờ báo chính thức của Tòa Thánh còn tiến thêm bước nữa, trở thành kho lưu trữ cho những ai quan tâm. Thực tế, từ ngày 04/11/2020, hàng ngàn bài viết của báo “Quan sát viên Chúa nhật”, tuần báo của Tòa Thánh, được thành lập vào năm 1934 và đến năm 2007 thì ngưng lại, đã được truy cập trực tuyến miễn phí.

Chỉ cần kết nối với trang web của tờ báo Vatican (http://www.osservatoreromano.va/) và truy cập phần “kho lưu trữ” để xem lại hơn 70 năm lịch sử của Giáo hội và thế giới được kể qua hơn 60 ngàn trang được số hóa cẩn thận.

Tuần Báo được khởi động theo sáng kiến của Mario Baldelli, lúc đó là chánh văn phòng hành chính của tờ báo, với sự hậu thuẫn của giám đốc biên tập Giuseppe Dalla Torre. Ngay từ những số đầu tiên, tuần báo đã thể hiện là một “tiếng nói” ít bị ràng buộc với phạm vi chính thức, và do đó thoát khỏi sự siết chặt kiểm duyệt của chế độ phát xít.

Sau chiến tranh, sự hướng dẫn tuần báo được giao cho Enrico Zuppi, người đã biến nó thành một tạp chí sống động và tinh tế, hiện đại hóa về đồ họa – nâng cao hình ảnh – và mở rộng nội dung. Dưới sự chỉ đạo của ông (1947-1979) tờ báo đã trở thành nơi giao thoa văn hóa ở cấp độ cao, với sự đóng góp của những tên tuổi lừng lẫy không chỉ từ báo chí Công giáo, và là công cụ hữu hiệu để phổ biến những vấn đề lớn được tranh luận trong Giáo hội và xã hội.

Giờ đây, nhờ lòng hảo tâm của những người con của Enrico Zuppi, di sản rộng lớn này đã xuất hiện trên web và mọi người đều có thể truy cập được. Công trình được đề xuất vào đầu năm 2000, với nhiều năm làm việc của các nhân viên lưu trữ của tờ báo và các công ty bên ngoài, những người đảm nhận việc số hóa và lập chỉ mục tất cả các số của tạp chí và sự phát triển của công cụ tìm kiếm. Nhờ có cơ sở hạ tầng do Bộ Truyền thông cung cấp, ban quản lý công nghệ đã khai triển một dự án nhập số lượng lớn dữ liệu qua nền tảng quản lý nội dung và xuất bản trên web.

Ngọc Yến

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận