Bài giảng Đức Thánh Cha: Lễ Vọng Phục Sinh năm B

12762 lượt xem

BÀI GIẢNG ĐỨC THÁNH CHA

LỄ VỌNG PHỤC SINH NĂM B

Các bài giảng của Đức Thánh Cha trong Lễ Vọng Phục Sinh năm B:

Đức Phanxicô:

03.04.2021 – Chúng ta luôn có thể bắt đầu lại

31.03.2018 – Thinh lặng hay công bố niềm vui Tin mừng

04.04.2015 – Bước vào trong mộ trống

Đức Phanxicô, ngày 03.04.2021 – Chúng ta luôn có thể bắt đầu lại

Các phụ nữ nghĩ rằng mình tìm đến để xức dầu cho một xác chết. Nhưng họ lại tìm thấy một ngôi mộ trống. Họ đến để khóc cho một người đã chết. Nhưng họ lại được nghe loan báo về sự sống. Bởi thế, Tin Mừng kể rằng: “họ sợ hãi và lòng đầy kinh ngạc” (Mc 16,8). Kinh ngạc trong trường hợp này là một nỗi kinh sợ trộn lẫn với niềm vui. Lòng họ đầy ngạc nhiên khi nhìn thấy tảng đá lớn trên cửa mộ đã được lăn ra ngoài, và bên trong mộ là một người thanh niên mặc áo trắng tinh. Ấy là nỗi niềm kinh ngạc khi nghe những lời này: “Các bà Đừng hoảng sợ. Đức Giêsu Nagiarét, Đấng bị đóng đinh, Người đã sống lại!” (c.6). Và sau đó là lời mời gọi: “Người đã đến Galilê trước các ông. Các ông sẽ gặp Người ở đó” (c.7). Chúng ta cũng hãy đón nhận lời mời gọi này, lời mời gọi Vượt Qua: Chúng ta hãy cùng đến Galilê, nơi Chúa Phục Sinh đã đến trước chúng ta.

Nhưng “đến Galilê” có nghĩa là gì?

Đến Galilê có nghĩa là bắt đầu lại. Với các môn đệ, đó là việc trở lại chính nơi mà lần đầu tiên Đức Giêsu đã đến tìm họ và đã gọi họ bước theo Người. Ấy là nơi của cuộc gặp gỡ đầu tiên, là chốn của mối tình đầu. Từ giây phút ấy, họ đã bỏ lưới mà bước theo Đức Giêsu, khi được nghe những lời rao giảng của Người và được chứng kiến những dấu lạ Người làm. Dẫu vậy, dù luôn được ở với Người, họ đã không thật sự hiểu rõ, và thậm chí là nhiều lần hiểu sai, Lời của Người. Trước Thập Giá của Người, tất cả đã trốn chạy, bỏ Người lại một mình. Bất chấp những thất bại ấy, Đức Giêsu Phục Sinh vẫn thể hiện với họ như là Đấng đi trước họ đến Galilê. Người đi trước họ, nghĩa là Người vẫn luôn ở ngay phía trước họ. Người gọi, và Người không hề mệt mỏi khi lại gọi họ bước theo Người. Đấng Phục Sinh như đang nói với họ: “Chúng ta hãy khởi đầu lại, tại nơi mà chúng ta đã khởi đầu. Chúng ta hãy bắt đầu lại. Dù sao đi nữa Thầy vẫn muốn anh em ở với Thầy, bất chấp và vượt trên cả những thất bại”. Tại điểm hẹn Galilê này, chúng ta chúng ta học về nỗi niềm kinh ngạc trước tình yêu vô hạn của Chúa. Tình yêu ấy mở ra những con đường mới trên chính những nẻo đường đã thất bại của chúng ta. Ngài mời chúng ta đến Galilê để làm điều này.

Đây chính là Tin Mừng Phục Sinh đầu tiên mà tôi muốn gởi đến anh chị em: chúng ta luôn có thể bắt đầu lại, bởi lẽ Thiên Chúa luôn có thể tái khởi động một đời sống mới trong chúng ta, vượt qua mọi thất bại của chúng ta. Thậm chí từ những đống đổ nát trong trái tim chúng ta – mỗi người chúng ta đều biết những đống đổ nát của trái tim chúng ta, Thiên Chúa vẫn có thể xây nên một tác phẩm nghệ thuật. Thậm chí từ những mảnh vụn vỡ của nhân loại chúng ta, Thiên Chúa có thể mở ra một trang sử mới. Người luôn đi trước chúng ta: trong Thập Giá của khổ đau, của cô đơn, của cái chết. Cũng thế, Người đi trước chúng ta trong vinh quang của một cuộc đời được tái sinh, của một lịch sử được biến đổi, của một niềm hy vọng được hồi sinh. Trong những ngày tháng tối tăm của cơn đại dịch này, chúng ta hãy lắng nghe Đấng Phục Sinh mời gọi chúng ta bắt đầu lại, và đừng bao giờ để vuột mất niềm hy vọng của mình.

Điều thứ hai, đến Galilê có nghĩa là bước đi trên những nẻo đường mới. Ấy là chuyển động ngược với đường dẫn đến chốn mộ địa. Những người phụ nữ trong Tin Mừng đi tìm Đức Giêsu nơi ngôi mộ. Nghĩa là họ đến để tưởng nhớ về những điều họ đã từng có với Người, mà nay đã vĩnh viễn vuột mất. Họ đến để khuấy động lại nỗi buồn của chính họ. Ấy là hình ảnh của một đức tin đã trở thành một cuộc tưởng niệm về một điều đẹp đẽ nhưng đã chẳng còn nữa, chỉ để mà hoài niệm. Rất nhiều người đang sống một “niềm tin thuộc về ký ức”, như thể Đức Giêsu đã là một nhân vật thuộc về quá khứ, một người đã từng là bạn trong thời thanh xuân đã xa xưa, một sự kiện đã xảy ra từ thuở nào xa lắc, khi họ còn con nít và còn làm quen với những bài giáo lý. Ấy là một đức tin theo thói quen, thuộc về dĩ vãng, thuộc về miền ký ức tuổi thơ, và đã chẳng còn đụng chạm gì đến tôi bây giờ, chẳng còn đòi hỏi gì nơi tôi lúc này. Không phải như vậy. “Đến Galilê” nghĩa là học lại rằng: một đức tin muốn sống động là một đức tin phải đặt mình trên đường. Đức tin ấy phải tái khởi động mỗi ngày chuyến hành trình của mình, cùng với nỗi niềm kinh ngạc của buổi gặp gỡ ban đầu. Đức tin ấy phải trọn niềm phó thác, không tự cho rằng mình đã biết tất cả, nhưng với sự khiêm hạ của một người biết để cho mình ngạc nhiên bởi những nẻo đường của Thiên Chúa. Chúng ta thường sợ để Chúa làm chúng ta ngạc nhiên. Hôm nay Chúa mời chúng ta để mình được ngạc nhiên. Chúng ta hãy đến Galilê, để khám phá rằng Thiên Chúa không thể nào bị hệ thống hoá trong những ký ức chúng ta đã có trong thời thơ ấu. Thiên Chúa ấy luôn sống động và luôn làm chúng ta ngạc nhiên. Đấng Phục Sinh không bao giờ thôi làm chúng ta ngạc nhiên.

Như thế, đây là Tin Mừng Phục Sinh thứ hai: Đức tin không phải là một tiết mục thuộc về quá khứ. Đức Giêsu không phải là một nhân vật đã lỗi thời. Người vẫn sống, ở đây và ngay lúc này. Người bước đi cùng bạn mỗi ngày, trong chính hoàn cảnh cuộc đời mà bạn đang sống, trong những thử thách mà bạn đang phải trải qua, trong những ước mơ mà bạn đang ấp ủ. Người mở ra những nẻo đường mới ở nơi mà bạn cho rằng chẳng còn con đường nào. Người thôi thúc bạn lội ngược dòng, trước những nỗi niềm tiếc nuối hay trước tâm trạng thờ ơ cho rằng mình đã biết rồi. Thậm chí cả khi bạn như mất tất cả, hãy mở lòng ra với sự kinh ngạc trước những điều mới mẻ của Người. Người sẽ làm bạn ngạc nhiên.

“Đến Galilê” có nghĩa là bước đến với những vùng biên cương. Galilê là chốn xa xôi. Những người sống trên vùng đất hỗn hợp và đa dạng ấy là những người xa lạ với sự thanh sạch theo tiêu chuẩn nghi lễ của Giêrusalem. Dẫu vậy, chính Đức Giêsu đã khởi đầu sứ mạng của mình nơi vùng đất ấy. Tin Mừng của Người hướng đến những ai vất vả với cuộc mưu sinh hằng ngày, với những người bị loại trừ, những người yếu đuối mỏng manh, những người nghèo khổ. Chính Người là gương mặt của Thiên Chúa, Đấng không mệt mỏi đi tìm những ai nản lòng và lạc mất. Chính Người bước đến những vùng biên cương xa xôi của cuộc đời, bởi dưới mắt Người không một ai là thấp hèn hay đáng bị loại trừ. Đấng Phục Sinh vẫn tiếp tục gọi mời các môn đệ của mình đến với những vùng biên cương ấy. Chính trong cuộc sống hằng ngày, trên những con đường mà chúng ta đi mỗi ngày, nơi những ngóc ngách trong thành phố của chúng ta, Thiên Chúa đi trước chúng ta và hiện diện nơi đó. Người hiện diện nơi những anh chị em đi bên cạnh chúng ta, cùng chia sẻ thời giờ với chúng ta, cùng sống cùng làm việc với chúng ta, cùng lao tác và cùng hy vọng với chúng ta. Tại Ga-li-lê, chúng ta học được rằng chúng ta có thể nhìn thấy Đấng Phục Sinh trên gương mặt của những người anh chị em, nơi sự hăng hái nhiệt tâm của những người đầy khát vọng hay nơi sự buông xuôi bỏ cuộc của những người chán nản, trong tiếng cười của những người đang vui hay trong tiếng khóc của những người đang đau khổ, nhất là nơi những người nghèo khó và những kẻ bị loại trừ. Chúng ta sẽ phải ngạc nhiên khi thấy sự vĩ đại của Thiên Chúa lại được mạc khải nơi những điều bé mọn, khi nhận ra cái đẹp của Người toả chiếu nơi những kẻ đơn sơ nghèo nàn.

Như thế, đây là Tin Mừng Phục Sinh thứ ba: Đức Giêsu, Đấng Phục Sinh, yêu chúng ta vượt qua những biên cương. Người đến thăm viếng mọi hoàn cảnh sống của chúng ta. Người đã vun trồng sự hiện diện của Người ngay giữa lòng thế giới. Người mời gọi chúng ta vượt qua những rào cản, vượt thắng những thành kiến, đến gần với những ai bên cạnh chúng ta mỗi ngày, để tái khám phá ân sủng của cuộc sống hằng ngày. Chúng ta hãy nhận ra sự hiện diện của Người nơi vùng đất Galilê của chính chúng ta, trong mọi ngày sống của chúng ta. Với Người, cuộc sống sẽ biến đổi. Bởi lẽ Đấng Phục Sinh hằng sống và dẫn đưa lịch sử vượt qua mọi thất bại, vượt trên sự dữ và bạo lực, vượt qua mọi khổ đau, và vượt qua cả cái chết.

Anh chị em thân mến,

Nếu trong đêm nay, anh chị em còn mang nơi mình một thời khắc của bóng tối, một ngày mới chưa ló rạng, một ánh sáng đã bị chôn vùi, một ước mơ đã vụn vỡ… hãy mở lòng mình ra với sự kinh ngạc trước Tin Mừng Phục Sinh: “Đừng sợ! Người đã sống lại. Người đang đợi bạn tại Galilê”. Những mong đợi của bạn sẽ không mãi dang dở. Những giọt nước mắt của bạn sẽ được lau khô. Những nỗi sợ hãi của bạn sẽ được vượt qua bởi niềm hy vọng. Bởi vì Thiên Chúa đi luôn trước bạn. Người luôn đi trước mặt bạn. Với Người, cuộc sống luôn lại khởi đầu.

Nguồn: vaticannews.va/vi/

Đức Phanxicô, ngày 31.03.2018 – Thinh lặng hay công bố niềm vui Tin mừng

Anh chị em thân mến!

Chúng ta đã bắt đầu buổi Phụng Vụ này từ bên ngoài, bị dìm vào trong bóng tối của đêm đen và với cái lạnh đi kèm của nó. Chúng ta cảm thấy gánh nặng của sự lặng thinh khi chứng kiến cái chết của Chúa Giêsu, đó là một sự lặng thinh mà mỗi người trong chúng ta đều tái nhận ra mình trong đó, và sự lặng thinh đó đang nhấn chúng ta vào trong những khe nứt của tâm hồn người môn đệ vẫn đang câm lặng khi chứng kiến Thập Giá.

Đó là những giờ của người môn đệ đang câm lặng khi chứng kiến nỗi khổ đau mà nó bị khơi lên thông qua cái chết của Chúa Giêsu. Người ta nên nói gì khi nghĩ đến thực tế đó? Người môn đệ trở nên câm lặng vì ông ý thức về những phản ứng của mình trong những giờ phút có tính quyết định trong cuộc đời của Chúa Giêsu: khi chứng kiến sự bất công mà nó đã kết án Thầy, các môn đệ đã lặng thinh; khi chứng kiến những điều vu khống và những lời chứng gian mà Thầy đã phải chịu đựng, các môn đệ đã lặng thinh. Trong những giờ phút khó khăn và đầy khổ đau của cuộc khổ hình, theo một cách thế bi ai, các môn đệ đã có được kinh nghiệm về sự bất lực của mình trong việc dám mạo hiểm để thực hiện một điều gì đó cho Thầy, để nói một điều gì đó có lợi cho Thầy; tồi tệ hơn nữa là họ đã chối phăng Ngài, họ đã bỏ mặc Ngài, họ đã chạy trốn, và họ đã lặng thinh (xc. Ga 18,25-27).

Đó là đêm câm lặng của người môn đệ đang bị rét cóng và bị tê liệt, mà không hề biết mình nên đi đâu khi chứng kiến quá nhiều những trạng huống khổ đau mà chúng đang vây hãm ông và đang làm ông ngã lòng. Người môn đệ hôm nay là người bị câm lặng khi chú trọng tới một thực tại mà nó nẩy sinh trong đầu óc ông, trong lúc nó làm cho ông có cảm tưởng, và – còn tồi tệ hơn nữa – nó làm cho ông tin rằng, người ta không thể làm được bất cứ điều gì để vượt thắng những nỗi bất công, mà rất nhiều anh chị em chúng ta đang phải trải qua nơi thân xác họ.

Đó là người môn đệ lầm lạc. Vì ông bị dìm vào trong một thói quen có tính lấn át, mà thói quen đó đã cướp đi khỏi ông sự hồi tưởng, nó bắt niềm hy vọng phải câm lặng, và nó làm cho ông quen dần với phương châm: “Người ta vẫn làm như vậy rồi mà”. Đó là người môn đệ bị câm lặng và bị rối trí, tức người làm quen với cách nói của thượng tế Caipha, và coi cách nói ấy là điều bình thường: “Các ông chẳng chịu nghĩ đến điều có lợi cho mình hay sao: thà một người chết thay cho dân, còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt” (Ga 11,50).

Và giữa tất cả những câm lặng của chúng ta, nếu chúng ta câm lặng với một cách thức mạnh mẽ như thế, thì rồi những viên đá sẽ bắt đầu reo lên (xc. Lc 19,40: Tôi nói cho các ông biết: nếu họ lặng thinh thì sỏi đá sẽ hô lên!”), và để tạo không gian cho sự công bố vĩ đại mà một lúc nào đó, lịch sử có thể mang trong lòng nó: “Ngài không còn đây nữa nhưng đã sống lại rồi” (Mt 28,6). Tảng đá trước cửa mộ sẽ reo lên, và với tiếng reo hò của mình, nó công bố cho tất cả biết về một con đường mới. Thiên nhiên chính là kẻ đầu tiên để cho cuộc khải hoàn sự sống vang lên trên mọi thực tại, mà những thực tại ấy đang cố gắng bắt Niềm Vui Tin Mừng phải câm miệng và làm thinh. Tảng đá trước cửa mộ chính là kẻ đầu tiên nhảy lên, và theo cách thức của mình, cất lên bài ca ngợi khen, bài ca hào hùng, vui tươi và đầy hy vọng mà tất cả chúng ta sẽ được tham dự vào đó.

Và nếu hôm qua, cùng với các phụ nữ, chúng ta đã chiêm ngưỡng Đấng “bị lưỡi đòng đâm thâu” (Ga 19,37; xc. Hc 12,10), thì hôm nay, cùng với các bà, chúng ta lại được kêu gọi hãy quan sát ngôi mộ trống và lắng nghe những lời của Thiên Thần: “Các bà đừng sợ […] Ngài đã sống lại rồi” (Mt 28,5-6). Đó là những lời mà chúng muốn gặp gỡ sự xác tín và niềm tin tưởng sâu thẳm nhất của chúng ta, cách thức của chúng ta trong việc đánh giá và giải quyết những sự kiện hằng ngày, đặc biệt là cách thức của chúng ta trước việc bước vào trong mối tương quan với những người khác. Ngôi mộ trống muốn thách đố, muốn lay động, muốn đặt ra những vấn nạn, nhưng đặc biệt là muốn khích lệ chúng ta tin tưởng và có niềm xác tín rằng, Thiên Chúa đang “bước vào” trong bất cứ trạng huống nào, và trong bất cứ con người nào, cũng như xác tín rằng, ánh sáng của Ngài sẽ có thể xâm nhập vào trong mọi ngóc ngách dù u ám và khép kín nhất của kiếp sống chúng ta. Ngài đã phục sinh từ cõi chết; Ngài đã phục sinh từ nơi mà không ai mong chờ bất cứ điều gì từ đó, và Ngài chờ đợi chúng ta – như Ngài đã đợi chờ các phụ nữ -, để làm cho chúng ta tham dự vào công trình cứu độ của Ngài. Và điều đó chính là nền tảng và sức mạnh mà chúng ta có được với tư cách là những người Ki-tô hữu, để đặt cuộc sống, năng lực, trí tuệ, cảm nghĩ và ý chí của chúng ta vào cuộc tìm kiếm phẩm giá, và đặc biệt là vào việc tạo ra những con đường dẫn tới công trình ấy. Ngài không còn đây nữa… Ngài đã sống lại rồi! Đó là sự công bố mà nó hỗ trợ niềm hy vọng của chúng ta, và biến niềm hy vọng ấy thành những hành động Đức Ái cụ thể. Sẽ là điều rất tốt cho chúng ta, nếu sự giòn mỏng của chúng ta được “xức dầu” bởi kinh nghiệm đó. Sẽ là điều rất tốt cho chúng ta, nếu Đức Tin của chúng ta được canh tân, để những đường chân trời ngắn cũn của chúng ta sẽ bị đặt thành vấn đề và được canh tân bởi sự công bố này! Ngài đã phục sinh, và với Ngài, niềm hy vọng sáng tạo của chúng ta cũng sẽ được tái sinh để đặt chúng ta vào trong những vấn đề hiện tại, vì chúng ta biết rằng, mình không cô độc.

Cử hành Đại Lễ Phục Sinh có nghĩa là tái tin rằng, Thiên Chúa vẫn đang bước vào và Ngài không bao giờ ngừng bước vào lịch sử chúng ta, bằng cách là Ngài thách thức chủ thuyết định mệnh có tính đơn điệu và có khả năng gây tê liệt của chúng ta. Cử hành Đại Lễ Phục Sinh có nghĩa là, để cho Chúa Giêsu vượt thắng bất cứ thái độ và hành vi nhút nhát nào mà nó thường vây hãm chúng ta và cố gắng chôn lấp niềm hy vọng theo cách thức đó.

Hòn đá trước cửa mộ đã thực hiện phần của nó, các phụ nữ cũng đã thực hiện phần của họ, giờ đây, lời mời gọi lại một lần nữa được công bố cho anh chị em và cho cả Cha nữa: đó là lời mời gọi hãy đoạn tuyệt với những thói quen đơn điệu để canh tân cuộc sống, canh tân những quyết định và canh tân kiếp hiện sinh của chúng ta. Đó là lời mời gọi mà nó sẽ đi tới đó, tới nơi mà chúng ta đang hiện diện, tới điều mà chúng ta đang làm và đang là; đoạn tuyệt với “sự chia sẻ quyền lực” mà chúng ta đang có. Liệu chúng ta sẽ tham gia vào việc công bố sự sống này hay sẽ câm lặng mãi khi chứng kiến những biến cố ấy?

Ngài không còn đây nữa, nhưng đã sống lại rồi! Và Ngài đang đợi chờ bạn tại Galilêa, Ngài mời gọi bạn, hãy quay về với thời gian và với nơi của Tình Yêu ban đầu, để nói với bạn: “Đừng sợ, hãy theo Thầy!”

Nguồn: daminhtamhiep.net

Đức Phanxicô, ngày 04.04.2015 – Bước vào trong mộ trống

Đêm nay là đêm canh thức. Chúa không ngủ, nhưng tỉnh thức để trông coi dân Ngài (x. Tv 121:4), để đưa họ ra khỏi cảnh nô lệ và mở ra cho họ con đường tự do.

Chúa đang canh giữ và với quyền năng tình yêu thương, Ngài đã làm cho dân Ngài vượt qua Biển Đỏ và làm cho Đức Giêsu phục sinh từ vực thẳm của cái chết và thế giới bên dưới.

Đêm nay là đêm canh thức đối với các nam nữ môn đệ của Chúa Giêsu. Đêm của đớn đau và sợ hãi. Các người nam  đóng kín trong nhà tiệc ly,  nhưng trái lại các phụ nữ, vào sáng sớm sau ngày Sabát, đã đi ra mộ để xức dầu thơm cho xác Đức Giêsu. Con tim họ đầy xúc động và họ tự hỏi: “Chúng ta làm sao vào mộ được? Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi mộ cho chúng ta?” Nhưng này đây dấu chỉ thứ nhất của Biến Cố: hòn đã to đã được dời đi và mộ mở!

“Vào mộ họ trông thấy một thanh niên, ngồi bên phải, mặc áo trắng…” (Mc 16,5). Các phụ nữ là những người đầu tiên trông thấy dấu chỉ lớn lao này: đó là ngôi mộ trống, và họ đã là những người đầu tiên bước vào trong.

“Bước vào trong mộ”. Thật tốt cho chúng ta trong đêm canh thức này, dừng lại suy tư về kinh nghiệm của các nữ môn đệ Chúa Giêsu, là kinh nghiệm cũng gọi hỏi chúng ta. Thật vậy, chính vì thế mà chúng ta ở đây để bước vào trong Mầu Nhiệm, mà Thiên Chúa đã hoàn thành với sự canh thức tình yêu của  Ngài.

Chúng ta không thể sống lễ Phục Sinh mà không bước vào trong mầu nhiệm này. Đây không phải là một sự kiện trí thức, không phải chỉ là biết, đọc hiểu… Nó còn hơn thế nữa, hơn thế rất nhiều!

“Bước vào mầu nhiệm” có nghĩa là có khả năng kinh ngạc, chiêm ngưỡng; có khả năng lắng nghe sự thinh lặng và cảm thấy tiếng thì thầm của một sợi dây thinh lặng vang lên, qua đó Thiên Chúa nói với chúng ta (x. 1 V 19,12).

Bước vào trong mầu nhiệm đòi hỏi chúng ta không sợ hãi trước thực tại, không khép kín trong chính mình, không trốn chạy trước điều chúng ta không hiểu, không nhắm mắt trước các vấn đề, không khước từ chúng, không loại bỏ các câu hỏi…

Bước vào trong mầu nhiệm có nghĩa là đi xa hơn các an ninh thoải mái, vượt qua sự lười biếng và thờ ơ kìm hãm chúng ta, đi kiếm tìm sự thật, vẻ đẹp và tình yêu, tìm ra một ý nghĩa không thấy trước, một câu trả lời không tầm thường cho các vấn nạn khiến cho đức tin, lòng trung thành và lý trí của chúng ta gặp khủng hoảng. Nhưng để bước vào trong mầu nhiệm cần có sự khiêm nhường, khiêm tốn hạ mình, xuống khỏi bệ cao của cái tôi biết bao kiêu căng của chúng ta, khiêm tốn tự lượng định trở lại chính mình, bằng cách nhận biết chúng ta thực sự là ai: là các thụ tạo với các điều tốt lành và các thiếu sót, là những người tội lỗi cần ơn tha thứ. Để có thể bước vào trong mậu nhiệm cần có sự hạ thấp này là sự bất lực, là sự dốc đổ các “thần giá”… là thờ lạy. Không thờ lạy, không thể bước vào trong mầu nhiệm.

Tất cả những điều này các nữ môn đệ Chúa Giêsu dã dậy cho chúng ta. Họ canh thức đêm hôm đó cùng với Mẹ Maria. Và Mẹ là Trinh Nữ – Mẹ đã giúp họ không đánh mất đi niềm tin và niềm hy vọng. Như thế họ đã không là tù nhân của sự sợ hãi và khổ đau, nhưng mới tờ mờ sáng đã đi ra, tay đem theo thuốc thơm và với con tim được xức dầu tình yêu. Họ đi ra và tìm thấy mộ đã mở. Và họ đã vào. Họ canh thức, đi ra và bước vào trong Mầu Nhiệm. Chúng ta cũng hãy học nơi họ canh thức với Thiên Chúa và với Mẹ Maria, Mẹ chúng ta, để bước vào trong Mầu Nhiệm khiến cho chúng ta từ cái chết bước vào sự sống.

Nguồn: archivioradiovaticana.va

Có thể bạn quan tâm