Bài giảng Đức Thánh Cha – Chúa nhật 4 Mùa Vọng năm B

5893 lượt xem

BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA
CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM B

Đây là những bài giảng và huấn dụ của Đức Thánh Cha trong các thánh lễ và các buổi đọc kinh truyền tin với các tín hữu vào Chúa nhật 4 Mùa Vọng năm B.

Các bài giảng và huấn dụ của Đức Thánh Cha trong Chúa nhật 4 Mùa Vọng năm B: 

Đức Phanxicô:

20.12.2020 – Không trì hoãn, nhưng thưa vâng với Chúa

24.12.2017 – Đón nhận dự án của Chúa vào cuộc sống mình

21.12.2014 – Hai khía cạnh thiết yếu trong thái độ của Mẹ Maria

Đức Bênêđictô XVI:

18.12.2011 – Mẹ Maria thụ thai Chúa Giêsu nhưng vẫn đồng trinh

21.12.2008 – Kinh Truyền Tin và mầu nhiệm Nhập thể

Bài Ðọc I: 2Sm 7, 1-5. 8b-12. 14a. 16

Bài Ðọc II: Rm 16, 25-27

Phúc Âm: Lc 1, 26-38

Đức Phanxicô, Chúa nhật 20.12.2020 – Không trì hoãn, nhưng thưa vâng với Chúa

Anh chị em thân mến,

Trong Chúa Nhật thứ IV và cũng là Chúa Nhật cuối cùng của mùa Vọng, một lần nữa Tin Mừng tường thuật với chúng ta sự kiện Truyền Tin. Thiên thần nói với Đức Maria: “Mừng vui lên… Và này đây, bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Giê-su” (Lc 1, 28.31). Đó dường như là một loan báo hoàn toàn vui mừng, nhắm làm cho Đức Trinh nữ hạnh phúc: có ai trong số các người nữ thời đó lại không mơ trở thành mẹ của Đấng Cứu Thế? Nhưng, cùng với niềm vui, những lời đó loan báo trước với Đức Maria một thử thách lớn lao. Tại sao? Bởi vì khi đó Mẹ đã là hôn thê của thánh Giuse, chưa kết hôn. Trong hoàn cảnh đó, Luật Mô-sê quy định rằng họ không được có quan hệ và sống chung. Vì thế, có một đứa con nghĩa là Đức Maria đã phạm Luật, và những hình phạt dành cho các người nữ thật khủng khiếp: Mẹ sẽ bị ném đá (x. Đnt 22.20-21). Chắc chắn sứ điệp của Thiên Chúa sẽ ban cho tâm hồn Đức Maria tràn đầy ánh sáng và sức mạnh; tuy nhiên, Mẹ đứng trước một chọn lựa quan trọng: thưa “vâng” với Thiên Chúa và chấp nhận mọi nguy hiểm, bao gồm cả mạng sống, hoặc từ chối lời mời và tiếp tục con đường bình thường của mình.

Và Mẹ Maria làm gì? Mẹ trả lời: “Xin hãy xảy đến với tôi như lời sứ thần.” Trong ngôn ngữ dùng để viết Tin Mừng nó không đơn giản là một tiếng thưa “xin hãy xảy đến”. Động từ này diễn tả một mong muốn mạnh mẽ, một ý muốn kiên định rằng một điều gì đó xảy ra. Nói cách khác, Đức Maria không nói: “Nếu nó phải xảy ra, hãy để nó xảy ra…, nếu không thể làm khác được…” Không phải là một sự đầu hàng. Không, Mẹ không thể hiện sự chấp nhận yếu ớt và tùng phục nhưng là mong muốn mạnh mẽ và sống động. Mẹ không thụ động, nhưng chủ động. Mẹ không chịu đựng Thiên Chúa nhưng gắn bó với Người. Mẹ là một người yêu sẵn sàng phục vụ Chúa của mình mọi điều và ngay lập tức. Mẹ có thể xin thêm một chút thời gian để suy nghĩ về điều đó, hay xin giải thích thêm về những gì sẽ xảy ra; hoặc có thể đặt một điều kiện nào đó… Nhưng Mẹ đã không cần thêm thời gian, không để Thiên Chúa chờ đợi, không trì hoãn.

Đã bao lần chúng ta trì hoãn trong cuộc sống, ngay cả trong đời sống thiêng liêng! Ví dụ, tôi biết rằng cầu nguyện là điều tốt cho tôi, nhưng hôm nay tôi không có thời gian; để ngày mai, đồng nghĩa là “ngày mai, rồi ngày mai, lại ngày mai…”, chúng ta trì hoãn mọi điều; tôi biết rằng giúp đỡ ai đó là điều quan trọng, vâng tôi phải làm, ngày mai tôi sẽ làm. Đó là một loạt những ngày mai, trì hoãn thực hiện. Hôm nay, trước ngưỡng cửa lễ Giáng sinh, Mẹ Maria mời chúng ta đừng trì hoãn, hãy thưa “vâng”. “Tôi phải cầu nguyện?” “Đúng, tôi phải tìm cách cầu nguyện.” “Tôi phải giúp đỡ tha nhân” “Đúng. Và tôi không trì hoãn”. Mỗi lời thưa “vâng” đều phải trả giá nhưng luôn ít hơn điều Mẹ phải trả giá khi thưa tiếng “xin vâng” can đảm và sẵn sàng, những lời “Xin xảy đến với tôi như lời sứ thần”, những lời đã mang lại cho chúng ta ơn cứu độ.

Còn chúng ta, chúng ta có thể nói lời thưa “vâng” nào? Trong thời gian khó khăn này, thay vì phàn nàn về những điều mà đại dịch ngăn cản chúng ta làm, chúng ta hãy làm điều gì đó cho người thiếu thốn hơn: không phải là một món quà cho chúng ta và cho bạn bè của chúng ta, nhưng cho một người thiếu thốn không được ai nhớ đến! Một lời khuyên nhỏ khác: Để Chúa Giêsu giáng sinh trong chúng ta, chúng ta chuẩn bị tâm hồn, chúng ta cầu nguyện, chúng ta đừng để mình bị lối sống tiêu thụ lôi cuốn. Điều quan trọng là Chúa Giêsu chứ không phải là chủ nghĩa tiêu thụ. Chủ nghĩa tiêu thụ đã cướp đi Giáng sinh khỏi chúng ta. Lối sống tiêu thụ không phải là hang đá Bêlem: ở đó có thực tại, có sự nghèo khó, có tình yêu. Chúng ta hãy chuẩn bị tâm hồn như tâm hồn của Mẹ Maria: sạch mọi điều xấu xa tội lỗi, nồng nhiệt đón tiếp, sẵn sàng đón Chúa.

“Xin xảy đến với tôi như lời sứ thần”, câu cuối cùng của Đức Trinh nữ trong Chúa Nhật cuối cùng của mùa Vọng, là lời mời gọi chúng ta thực hiện một bước cụ thể tiến đến lễ Giáng sinh. Bởi vì nếu việc Chúa sinh ra không chạm đến cuộc sống của chúng ta thì nó trôi qua một cách vô ích. Đức Thánh Cha mời gọi: Giờ đây trong kinh Truyền Tin, cả chúng ta cũng hãy nói “xin hãy thực hiện nơi con như lời sứ thần”, và ngài xin Đức Mẹ giúp chúng ta nói lời này bằng cuộc sống.

Nguồn: vaticannews.va/vi

Đức Phanxicô, Chúa nhật 24.12.2017 – Đón nhận dự án của Chúa vào cuộc sống mình

Anh chị em thân mến,

Chúa nhật này, đi liền trước lễ Giáng Sinh, chúng ta nghe bài Tin Mừng Truyền Tin (Xc Lc 1,26-28). Trong đoạn Tin Mừng này chúng ta có thể nhận thấy sự tương phản giữa những lời hứa của Thiên Thần và câu trả lời của Trinh Nữ Maria. Sự tương phản này được biểu lộ qua chiều dài và nội dung những thành ngữ của hai nhân vật chính. Thiên Thần nói với Đức Maria: “Hỡi Maria đừng sợ, vì Trinh Nữ đã được ân phúc nơi Thiên Chúa Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh một con trai và sẽ gọi là Giêsu. Người sẽ trở nên cao trọng và được gọi là Con Đấng Tối Cao; Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người Ngôi Báu Tổ Phụ Đavít và Người sẽ cai trị đời đời trên nhà Giacóp và Nước Người sẽ vô cùng tận” (vv.30-33).

Đó là một mạc khải dài, mở ra những viễn tượng chưa từng có. Hài nhi sẽ sinh ra từ thiếu nữ khiêm hạ ấy ở thành Nazareth sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao: không thể quan niệm một phẩm giá cao trọng hơn. Và sau lời thắc mắc của Trinh Nữ Maria, yêu cầu giải thích, mạc khải của Thiên Thần càng trở nên chi tiết và gây ngạc nhiên hơn. Trái lại câu trả lời của Đức Trinh Nữ Maria là một câu ngắn, không nói về vinh dự hay đặc ân, nhưng chỉ nói lên sự sẵn sàng và phục vụ: “Này tôi là tôi tớ Chúa, xin xảy đến cho tôi theo lời Ngài” (v.38). Cả nội dung cũng khác. Đức Maria không tuyên dương mình trước viễn tượng trở thành Mẹ của Đấng Thiên Sai, nhưng tiếp tục khiêm hạ và biểu lộ lòng gắn bó với phương án của Chúa. Mẹ Maria không tự phụ. Mẹ khiêm nhường và tự hạ, như mọi khi. Tương phản này thật là ý nghĩa, giúp chúng ta hiểu rằng Đức Trinh Nữ Maria thật là khiêm tốn và không tìm cách phô trương mình. Mẹ nhìn nhận mình là bé nhỏ trước Thiên Chúa và hài lòng vì được như vậy. Đồng thời Mẹ ý thức rằng việc thực hiện dự án của Thiên Chúa tùy thuộc câu trả lời của Mẹ, và vì thế Mẹ được mời gọi gắn bó trọn vẹn với dự án ấy.

Trong hoàn cảnh đó, Mẹ Maria tự trình bày trong thái độ hoàn toàn tương ứng với thái độ của Con Thiên Chúa khi Ngài đến trong trần thế: Ngài muốn trở thành một người Tôi Tớ Chúa, đặt mình phục vụ nhân loại để chu toàn kế hoạch của Chúa Cha. Mẹ Maria nói: “Này tôi là tôi tớ Chúa”; và Con Thiên Chúa, khi vào trần thế, đã nói: “Lạy Cha, này con đến […] để thực thi thánh ý Cha” (Dt 10,7.9). Thái độ của Mẹ Maria phản ánh hoàn toàn lời tuyên bố ấy của Con Thiên Chúa, Người cũng trở thành con của Mẹ Maria. Qua đó Đức Mẹ tỏ ra là người cộng tác trọn vẹn vào chương trình của Thiên Chúa, và cũng tỏ ra mình là môn đệ của Thiên Chúa, và trong kinh Magnificat, Mẹ có thể tuyên bố rằng “Thiên Chúa đã nâng người hèn mọn lên” (Lc 1,52), vì với câu trả lời khiêm tốn và quảng đại này Mẹ đã được một vinh dự rất cao cả.

Trong khi chúng ta chiêm ngưỡng người Mẹ của chúng ta vì lời đáp trả tiếng gọi và sứ mạng của Thiên Chúa, chúng ta hãy cầu xin Mẹ giúp mỗi người chúng ta đón nhận dự án của Thiên Chúa trong cuộc sống chúng ta, với lòng khiêm tốn chân thành và lòng quảng đại can đảm.

Nguồn: archivioradiovaticana.va

Đức Phanxicô, Chúa nhật 21.12.2014 – Hai khía cạnh thiết yếu trong thái độ của Mẹ Maria

Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Hôm nay, Chúa nhật thứ tư và là Chúa nhật cuối cùng của Mùa Vọng, phụng vụ muốn chuẩn bị chúng ta mừng lễ Giáng Sinh nay đã đến ngưỡng cửa, bằng cách mời gọi chúng ta suy tư về trình thuật cuộc truyền tin của Sứ Thần cho Mẹ Maria. Thiên Thần Gabriel – có nghĩa là “Sức mạnh của Thiên Chúa” – tỏ lộ cho Đức Trinh Nữ ý Chúa muốn Người trở thành Mẹ của Con duy nhất của Ngài: “Trinh Nữ sẽ thụ thai, sinh một con trai và đặt tên là Giêsu. Hài Nhi sẽ nên cao trọng và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao” (Lc 1,31-32). Chúng ta hãy ngắm nhìn thiếu nữ đơn sơ này ở thành Nazareth, trong lúc Người bày tỏ sự sẵn sàng đối với sứ điệp của Chúa; chúng ta hãy đón nhận hai khía cạnh thiết yếu trong thái độ của Mẹ Maria, là mẫu mực cho chúng ta trong lúc chuẩn bị lễ Giáng Sinh.

– Trước tiên là đức tin của Mẹ Maria, hệ tại lắng nghe Lời Chúa để phó thác cho Lời của Chúa trong thái độ hoàn toàn sẵn sàng trong tâm trí. Đáp lại Sứ Thần, Mẹ Maria nói: “Này tôi là tôi tớ Chúa: xin xảy đến cho tôi theo Lời Ngài” (v.38). Qua lời thưa “Này tôi đây” tràn đầy niềm tin, Mẹ Maria không biết mình sẽ phiêu lưu qua những con đường nào, đâu là những đau khổ sẽ phải chịu, đâu là những rủi ro sẽ phải đương đầu. Nhưng Mẹ ý thức rằng chính Chúa yêu cầu và Mẹ hoàn toàn tín thác nơi Chúa và phó thác cho tình yêu Chúa.

– Một khía cạnh khác là khả năng của Mẹ Chúa Kitô nhìn nhận thời điểm của Thiên Chúa. Mẹ Maria là người đã làm cho sự nhập thể của Con Thiên Chúa có thể tiến hành được, “sự mạc khải mầu nhiệm được giữ trong im lặng của bao thế kỷ” (Rm 16,25), như thánh Phaolô đã viết. Mẹ đã làm cho sự nhập thể của Ngôi Lời nhà lời thưa “xin vâng” khiêm tốn và can đảm. Mẹ Maria dạy chúng ta đón nhận thời điểm thuận tiện, trong đó Chúa Giêsu đi vào đời sống chúng ta và yêu cầu trả lời sẵn sàng và quảng đại. Thực vậy, mầu nhiệm giáng sinh của Chúa Giêsu tại Bethlehem, diễn ra trong lịch sử cách đây hơn kém hai ngàn năm, được diễn ra như một biến cố tinh thần, trong “ngày hôm nay” của Phụng Vụ. Ngôi Lời, tìm được nơi ở trong cung lòng Đức Trinh Nữ Maria, trong lễ Giáng Sinh, Người đến tái gõ cửa tâm hồn mỗi người. Như Mẹ Maria, mỗi người chúng ta cũng được kêu gọi thưa “xin vâng” với trọn bản thân và tất cả lòng chân thành, hoàn toàn sẵn sàng đối với thánh ý Chúa và lượng từ bi của Ngài.

Bao nhiêu lần Chúa Giêsu đi qua trong cuộc đời chúng ta và bao nhiêu lần Chúa gửi một thiên thần đến với chúng ta: bao nhiêu lần chúng ta không ý thức điều đó, vì chúng ta quá bận rộn và chìm đắm trong những công việc của mình. Thậm chí cả trong việc chuẩn bị lễ Giáng Sinh, chúng ta không thấy Chúa đi qua và gõ cửa lòng chúng ta, xin sự đón tiếp của chúng ta. Một vị thánh đã nói: “Tôi sợ Chúa đi qua mất”. Anh chị em có biết tại sao vị thánh ấy sợ hãi hay không? Người sợ không nhận thấy và để Chúa đi qua luôn. Chúng ta cảm thấy trong tâm hồn mình ước muốn trở nên tốt lành hơn: Chúa gõ cửa và làm cho chúng ta cảm thấy muốn trở nên tốt lành, gần gũi Thiên Cháu hơn. Nếu bạn cảm thấy điều ấy, thì hãy dừng lại, đó chính là Chúa. Và hãy đi cầu nguyện, đi xưng tội. Đó là điều làm cho bạn được tốt lành. Vậy nếu bạn cảm thấy muốn trở nên thiện hảo, thì đó chính là Chúa đi qua. Đừng để Ngài đi mất!

Trong mầu nhiệm giáng sinh, cạnh Mẹ Maria, có sự hiện diện âm thầm của thánh Giuse, như vẫn được diễn tả trong mỗi hang đá máng cỏ – như anh chị em có thể chiêm ngắm tại Quảng trường thánh Phêrô này. Gương của Mẹ Maria và thánh Giuse là một lời mời gọi mọi người chúng ta hãy đón nhận Chúa Giêsu với tất cả tâm hồn cởi mở, vì yêu thương, Ngài đã trở nên người anh của chúng ta. Chúa đến mang cho thế giới này hồng ân hòa bình ”Bình an dưới thế cho những người Chúa thương” (Lc 2,14), như đoàn thiên thần loan báo cho những người chăn chiên. Hồng ân quí giá của lễ Giáng Sinh là an bình, và Chúa Kitô chính là an bình đích thực của chúng ta.

Chúng ta hãy phó thác cho lời chuyển cầu của Mẹ chúng ta và của thánh Giuse, để sống một lễ giáng sinh thực sự theo tinh thần Kitô, khỏi mọi thứ trần tục, sẵn sàng đón nhận Chúa Cứu Thế, Thiên Chúa ở cùng chúng ta.

Nguồn: archivioradiovaticana.va

Đức Bênêđictô XVI, Chúa Nhật 18.12.2011 – Mẹ Maria thụ thai Chúa Giêsu nhưng vẫn đồng trinh

Anh chị em thân mến,

Trong Chúa Nhật cuối cùng của Mùa Vọng, phụng vụ Lời Chúa giới thiệu cho chúng ta trình thuật truyền tin cho Đức Maria. Chiêm ngắm dung nhan tuyệt diệu của Đức thánh Đồng Trinh, trong giây phút nhận thánh ý Thiên Chúa, chúng ta lại được ánh sáng chân lý chiếu toả trong tâm hồn luôn luôn theo một cách thức mới mẻ. Cách đặc biệt, tôi muốn dừng lại ở tầm quan trọng của đặc tính trinh nguyên của Mẹ Maria, ở việc Mẹ thụ thai Chúa Giêsu nhưng vẫn đồng trinh.

Đàng sau biến cố truyền tin ở Nazaret, ngôn sứ Isaia đã loan báo: “Vì vậy, chính Chúa Thượng sẽ ban cho các ngươi một dấu: Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Emmanuel” (Is 7,14). Lời hứa thuở xưa này được hoàn tất cách trọn vẹn trong biến cố Nhập thể của Con Thiên Chúa. Thực ra, không chỉ Mẹ Maria cưu mang Chúa Giêsu nhưng là do quyền năng của Chúa Thánh Thần, do bởi Chính Thiên Chúa. Thân phận con người của Thiên Chúa bắt đầu sự sống trong cung lòng Mẹ Maria nhưng hiệu hữu của Ngài khởi đi hoàn toàn từ Thiên Chúa. Do đó, Chúa Giêsu hoàn toàn là con người, nói theo ngôn ngữ biểu tượng của Kinh thánh là tạo nên từ đất; nhưng Ngài đến từ trên cao, từ Trời. Do vậy, sự việc Đức Maria thụ thai nhưng đồng trinh là nền tảng cho việc nhận biết Chúa Giêsu và cho đức tin của chúng ta. Bởi sự kiện này chứng tỏ rằng sáng kiến đến từ Thiên Chúa và đặc biệt chỉ ra rằng ai là người được thụ thai. Tin Mừng đã kể lại: “Vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc 1,35). Trong ý nghĩa này, sự đồng trinh của Đức Maria và thần tính của Chúa Giêsu bảo đảm cho nhau.

Bởi lẽ đó, chúng ta thấy tầm quan trọng trong câu hỏi của Đức Maria, đang khi “rất bối rối”, dành cho sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng! (Lc 1,34). Trong sự đơn sơ của mình, Mẹ Maria thật sáng suốt. Mẹ không hoài nghi quyền năng của Chúa nhưng muốn hiểu hơn ý định của Người hầu theo trọn ý định nhiệm mầu của Chúa. Mầu nhiệm Thiên Chúa vượt xa trí hiểu của Mẹ Maria tuy nhiên Mẹ đã hoàn thành trọn vẹn vai trò được trao phó. Tâm trí của Mẹ tràn đầy khiêm tốn, và chính do lòng khiêm tốn này, Thiên Chúa trông chờ tiếng “Xin vâng” từ Mẹ để thực hiện công trình của Người. Tiếng “Xin vâng” của Mẹ Maria bao hàm cả tình mẫu tử lẫn sự đồng trinh. Mẹ đã mong muốn để vinh quang Thiên Chúa hiện thực nơi mình và Người Con sẽ sinh ra hoàn toàn là quà tặng ân sủng.

Anh chị em thân mến,

Sự đồng trinh của Đức Maria là độc nhất nhưng ý nghĩa thiêng liêng của sự kiện này hướng đến từng người tín hữu. Sự kiện này, trong căn tính, gắn liền với đức tin. Thực vậy, ai tin tưởng tuyệt đối vào tình yêu Thiên Chúa, người đó đón nhận Chúa Giê-su nơi mình, đón nhận cuộc sống thánh thiêng của Ngài do bởi quyền năng Chúa Thánh Thần. Đây chính là mầu nhiệm Giáng Sinh! Tôi cầu chúc anh chị em sống mầu nhiệm đó với niềm vui sâu xa trong lòng.

Nguồn: archivioradiovaticana.va

Đức Bênêđictô XVI, Chúa nhật 21.12.2008 – Kinh Truyền Tin và mầu nhiệm Nhập thể

Anh chị em thân mến,

Bài Tin mừng Chúa nhật thứ tư mùa Vọng trình bày cho chúng ta quang cảnh truyền tin (Lc 1,26-38), mầu nhiệm mà chúng ta nhắc đến mỗi ngày khi đọc kinh Truyền tin. Kinh này giúp chúng ta sống lại thời điểm quyết liệt khi Thiên Chúa đến gõ cửa trái tim của Đức Maria, và sau khi đã nhận được tiếng “Xin vâng”, đã bắt đầu mặc lấy xác thể ở nơi Người và do Người. Lời nguyện trong thánh lễ hôm nay cũng chính là lời nguyện của kinh Truyền tin: “Lạy Chúa, chúng con xin Chúa ban ơn xuống trong linh hồn chúng con là kẻ đã nhờ lời thánh thiên thần truyền mà biết thật Chúa Giêsu Kitô là Con Chúa đã xuống thế làm người, thì xin vì công ơn Con Chúa chịu nạn chịu chết trên cây thánh giá, cho chúng con ngày sau khi sống lại được đến nơi vinh hiển”. Còn vài ngày trước lễ Giáng sinh, chúng ta được mời gọi hãy chiêm ngưỡng mầu nhiệm khôn tả mà Đức Maria đã lưu giữ trong cung lòng trinh khiết của mình suốt 9 tháng trường: mầu nhiệm Thiên Chúa làm người. Đây là cột trụ thứ nhất của công trình cứu chuộc. Cột trụ thứ hai là cuộc tử nạn và phục sinh của Đức Giêsu, và cả hai cột trụ liên kết chặt chẽ với nhau trong cùng một kế hoạch của Thiên Chúa, đó là cứu vớt nhân loại và lịch sử của nó bằng việc mang vào mình thân phận con người cùng với gánh nặng của những sự dữ đè bẹp nhân loại.

Mầu nhiệm cứu độ, ngoài chiều kích thời gian lịch sử, còn mang chiều kích không gian vũ trụ nữa: Chúa Kitô là mặt trời ân sủng, bằng ánh sáng của mình, Người đã “biến đổi và thắp sáng vũ trụ đang chờ mong” (Phụng vụ). Việc xếp đặt lễ Giáng sinh trong phụng vụ được gắn với ngày đông chí, khi mà tại miền bắc bán cầu, ngày bắt đầu dài ra. Nhân tiện, có lẽ không phải ai ai đều biết rằng quảng trường thánh Phêrô cũng là một cái đồng hồ chỉ 12 giờ trưa. Thật vậy, cột trụ nằm giữa quảng trường đã in bóng dọc theo một đường gạch kéo dài cho tới suối nước ở dưới cửa sổ văn phòng của tôi, và vào những ngày này, bóng của nó dài nhất trong năm. Điều này nhắc chúng ta rằng vai trò của thiên văn học trong việc ấn định thời khắc cầu nguyện. Chẳng hạn như kinh Truyền tin được đọc vào buổi sáng, giữa trưa và buổi chiều, và các đồng hồ được điều chỉnh nhờ cột trụ mà người xưa dùng để biết chính xác 12 giờ trưa.

Sự kiện hôm nay là ngày 21 tháng chạp, vào chính giờ này là lúc đông chí, tạo cơ hội cho tôi để gửi lời chào đến hết những ai, bằng cách này hay cách khác, sẽ tham gia vào năm thế giới thiên văn, vào năm 2009, nhân kỷ niệm 400 năm những quan sát đầu tiên của viễn vọng kính của ông Galileo Galilei. Trong hàng những vị tiền nhiệm của tôi, đã có những người chuyên gia trong ngành này, tựa như đức Sylvestro II, một giáo sư trong ngành, đức Grêgôriô XIII, người cải tổ cuốn lịch, thánh Piô X, một người biết làm đồng hồ chạy bằng mặt trời. Nếu theo như lời thánh vịnh (19,2) “tầng trời cao kể lại vinh quang Chúa”, thì những định luật thiên nhiên, mà trải qua dòng lịch sử, biết bao nhiêu nhà khoa học đã giúp chúng ta hiểu rõ hơn, cũng là một động lực lớn lao để chiêm ngưỡng Thiên Chúa với lòng biết ơn.

Giờ đây chúng ta hãy hướng mắt về Đức Mẹ và thánh Giuse, các ngài đang chờ đợi lúc Chúa Giêsu ra đời, và chúng ta hãy học nơi các ngài bí quyết hồi tâm để thưởng thức niềm vui lễ Giáng sinh. Chúng ta hãy chuẩn bị để tiếp đón Đấng Cứu thế đến ở giữa chúng ta, Người là Lời tình yêu của Thiên Chúa dành cho loài người thuộc hết mọi thời đại.

Nguồn:hdgmvietnam.com

 

Trả lời