Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 25 Thường Niên năm B (19/9/2021) – Giá trị của một người phụ thuộc vào gì?
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Bài Tin Mừng của Phụng vụ hôm nay (Mc 9, 30-37) thuật lại rằng, trên đường lên Giêrusalem, các môn đệ Chúa Giêsu đã tranh luận xem ai là người “lớn nhất trong các ông” (c. 34). Sau đó, Chúa Giêsu đã nói với họ một câu mạnh mẽ, mà cũng áp dụng cho chúng ta ngày nay: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết và làm người phục vụ mọi người” (c. 35). Nếu muốn là người đứng đầu, phải đến xếp hàng, trở nên người cuối cùng, và phục vụ mọi người. Qua câu ngắn gọn này, Chúa mở đầu một sự đảo ngược: Ngài lật ngược các tiêu chí đánh dấu điều gì thực sự quan trọng. Giá trị của một người không còn phụ thuộc vào vai trò của họ, vào thành công họ đạt được, công việc họ làm, vào số tiền họ có trong ngân hàng. Không, không phụ thuộc vào những điều đó. Sự vĩ đại và thành công, trong cái nhìn của Thiên Chúa, có một thước đo khác: chúng được đo bằng sự phục vụ. Không phải những gì bạn có, mà dựa trên những gì bạn cho đi. Bạn có muốn nổi trội không? Hãy phục vụ. Đây là con đường.
Ngày nay từ “phục vụ” xuất hiện hơi mờ nhạt, bị suy yếu do quá trình sử dụng. Nhưng trong Tin Mừng, nó có một ý nghĩa chính xác và cụ thể. Phục vụ không phải là một biểu hiện của phép lịch sự: đó là làm như Chúa Giêsu, Đấng đã nói, với cuộc sống được tóm tắt trong vài lời, Người đến “không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ” (Mc 10,45). Vì vậy, nếu muốn theo Chúa Giêsu, chúng ta phải đi theo con đường mà chính Người đã vạch ra, con đường phục vụ. Sự trung thành của chúng ta với Chúa tùy thuộc vào sự sẵn lòng phục vụ của chúng ta. Điều này thường phải trả giá, nó “có mùi vị của thánh giá”. Tuy nhiên, khi sự quan tâm và sẵn sàng đối với người khác càng tăng, chúng ta càng trở nên tự do hơn từ bên trong, giống như Chúa Giê-su. Càng phục vụ, chúng ta càng cảm thấy sự hiện diện của Thiên Chúa. Trên hết khi chúng ta phục vụ, với lòng trắc ẩn dịu dàng, những ai không có gì để đền đáp, những người nghèo, những người gặp khó khăn và cần kiếp: Ở đó chúng ta khám phá ra rằng đến lượt mình, chúng ta được Thiên Chúa yêu thương và ôm lấy.
Để minh họa điều này, sau khi nói về sự ưu tiên cho việc phục vụ, Chúa Giê-su đã làm một cử chỉ. Chúng ta thấy rằng những cử chỉ thì mạnh hơn lời nói. Ngài đón nhận một trẻ em và đặt ở giữa các môn đệ, ở trung tâm, ở vị trí quan trọng nhất (xem câu 36). Trẻ em, trong Tin Mừng, không đại diện cho sự ngây thơ cho bằng sự nhỏ bé. Bởi vì những người nhỏ bé, như trẻ em, phụ thuộc vào người khác, vào người lớn, chúng cần được đón nhận. Chúa Giê-su ôm lấy đứa trẻ và nói rằng ai tiếp đón một em nhỏ như em này thì tiếp đón chính Ngài (xem câu 37). Trước hết, phục vụ ai: những người cần nhận và không có gì để trả lại. Bằng cách chào đón những người ở bên lề, bị bỏ rơi, chúng ta chào đón Chúa Giê-su, bởi vì Ngài ở đó. Và trong một người nhỏ bé, trong một người nghèo mà chúng ta phục vụ, chúng ta cũng nhận được vòng tay dịu dàng của Thiên Chúa.
Anh chị em thân mến, trước những chất vấn của Tin Mừng, chúng ta hãy tự hỏi mình một số câu hỏi: Tôi, những người theo Chúa Giêsu, quan tâm đến người bị bỏ quên nhất không? Hay, giống như các môn đệ ngày xưa, tôi đang tìm kiếm sự thỏa mãn cá nhân? Tôi có hiểu cuộc sống là một cuộc cạnh tranh để giành chỗ cho bản thân và đạp đổ người khác, hay tôi nghĩ rằng sự nổi trội nghĩa là phục vụ? Và, một cách cụ thể: tôi có dành thời gian cho một “người nhỏ bé” nào đó, cho một người không đủ khả năng để đền đáp không? Tôi có chăm sóc một người không thể trả lại tôi hay chỉ dành cho người thân và bạn bè của tôi? Đây là câu hỏi mà chúng ta có thể tự đặt ra cho mình.
Xin Đức Trinh Nữ Maria, tôi tớ khiêm nhường của Chúa, giúp chúng ta hiểu rằng việc phục vụ không làm chúng ta nhỏ lại, nhưng làm cho chúng ta lớn lên. Và rằng cho thì vui hơn là nhận (xem Cv 20,35).
Nguồn: vaticannews.va/vi
Đức Phanxicô, Bài giảng Chúa nhật 25 Thường Niên năm B (23/9/2018) – Chào đón những người bé nhỏ
Anh chị em thân mến,
Thánh Máccô dành hẳn một phần trong Phúc âm của mình để nói về việc Chúa Giêsu đào luyện các môn đệ của Người. Khi đang ở giữa hành trình đến Giêrusalem, Chúa Giêsu có vẻ như muốn canh tân sự chọn lựa theo Chúa của họ, sự chọn lựa sẽ kéo theo những khoảnh khắc thử thách và đau khổ. Tác giả Tin Mừng mô tả giai đoạn này trong cuộc đời của Chúa Giêsu bằng cách đề cập rằng Người đã ba lần loan báo về cuộc khổ nạn của mình. Cả ba lần, các môn đồ đều tỏ ra bối rối và phản đối, và trong mỗi lần như vậy, Chúa đều muốn để lại cho họ một bài học. Chúng ta vừa nghe về lần thứ hai trong ba lần này (x. Mc 9:30-37).
Đời sống Kitô hữu luôn bao gồm những trải nghiệm về thập giá; đôi khi thập giá có vẻ như vô tận. Các thế hệ trước vẫn mang trong mình những vết sẹo của thời kỳ bị chiếm đóng, nỗi đau khổ của những người bị trục xuất, sự bất an về những người không bao giờ trở về, sự xấu hổ của những kẻ chỉ điểm và phản bội. Sách Khôn ngoan nói với chúng ta về những người công chính bị ngược đãi, những người phải chịu sự sỉ nhục và hình phạt chỉ vì lòng tốt của họ (x. Kn 2:10-12). Có bao nhiêu người trong số anh chị em có thể nhận thấy nơi bản thân mình, hoặc nơi cuộc đời của một số thành viên gia đình, có sự tương hợp với đoạn văn mà chúng ta vừa đọc ở trên? Có bao nhiêu người trong số anh chị em cũng cảm thấy đức tin của mình bị lung lay vì Chúa dường như không đứng về phía anh chị em? Có phải bởi vì lòng tin còn lại của anh chị em không đủ để Chúa can thiệp vào lịch sử của anh chị em phải không? Kaunas biết về điều này; toàn bộ Lithuania có thể làm chứng về điều đó, chúng ta vẫn rùng mình khi nhắc đến Siberia, hoặc các khu ổ chuột ở Vilnius và Kaunas, và những nơi khác. Anh chị em có thể lặp lại những lời lên án mà Tông đồ Giacôbê đã nói trong đoạn Thư của ngài mà chúng ta đã nghe trong bài đọc II: họ ham muốn, họ chém giết, họ gây xung đột và tranh chấp (x. 4:2).
Các môn đệ không muốn Chúa Giêsu nói với họ về nỗi buồn và thập giá; họ không muốn dính líu gì đến thử thách và khó khăn. Thánh Marcô cho chúng ta biết rằng họ quan tâm đến những điều khác, rằng trên đường về nhà, họ đã thảo luận xem ai là người vĩ đại nhất trong số họ. Anh chị em thân mến, cơn khát quyền lực và vinh quang là dấu hiệu của những người không chữa lành được ký ức về quá khứ và có lẽ vì lý do đó, họ không tham gia tích cực vào các nhiệm vụ hiện tại. Họ thích thảo luận xem ai tốt hơn, ai đã hành động chính trực hơn trong quá khứ, ai có nhiều quyền lợi hơn những người khác. Theo cách này, chúng ta phủ nhận lịch sử của chính mình, “vinh quang của lịch sử chính là vì nó là một lịch sử của hi sinh, của hi vọng và các phấn đấu hằng ngày, lịch sử của những cuộc đời tiêu hao vì phục vụ và trung thành với công việc, dù có thể mệt mỏi” (Evangelii Gaudium, 96). Thật là vô ích và phù phiếm khi chúng ta có thái độ từ chối tham gia vào việc xây dựng hiện tại, vì điều đó khiến chúng ta đánh mất liên lạc với những cuộc chiến đấu của những người trung thành. Chúng ta không thể giống như những “nhà hiền triết” tâm linh chỉ phán đoán từ xa và liên tục nói về “điều cần phải làm” (xem ibid.).
Chúa Giêsu biết những gì các môn đệ đang thảo luận, nên đã cung cấp cho họ một phương thuốc giải độc cho những cuộc đấu tranh giành quyền lực và việc từ chối hy sinh của họ. Và để làm cho lời giảng dạy của mình thêm trang trọng, Người ngồi xuống, như một thầy dạy, triệu tập họ và đặt một đứa trẻ vào giữa họ. Chúa Giêsu sẽ đặt ai vào giữa chúng ta hôm nay, ở đây, vào sáng Chủ Nhật này? Ai sẽ là người nhỏ bé nhất, nghèo nhất giữa chúng ta, ai là người mà chúng ta nên chào đón sau một trăm năm giành được độc lập? Ai là người không có gì để cho chúng ta, để làm cho nỗ lực và sự hy sinh của chúng ta trở nên đáng giá? Có lẽ đó là những dân tộc thiểu số trong thành phố của chúng ta. Hoặc những người thất nghiệp phải di cư. Có thể đó là những người già và những người cô đơn, hoặc những người trẻ tuổi không tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống vì họ đã mất đi nguồn gốc của mình.
“Ở giữa họ” có nghĩa là ở cùng khoảng cách với mọi người, để không ai có thể tuyên bố là tôi không nhận thấy, không ai có thể tranh luận rằng đó là “trách nhiệm của người khác” vì “tôi không thấy anh ta”, hoặc “tôi ở xa hơn”. Và từ đó, không còn ai lôi kéo sự chú ý vào bản thân, muốn được hoan nghênh hoặc được ca ngợi.
Ở đó, tại thành phố Vilnius, dòng sông Vilnia mang theo dòng nước của nó và nó mất tên cho sông Neris; ở đây, chính sông Neris mất tên khi mang dòng nước của nó cho sông Neman. Điều này nhắc nhở chúng ta về ý nghĩa của việc trở thành một Giáo hội đang di chuyển, không sợ ra ngoài và tham gia, ngay cả khi có vẻ như chúng ta đang dốc hết mình, đánh mất chính mình, khi ra đi đến với những người yếu đuối, bị bỏ rơi, những người sống ở bên lề cuộc sống. Tuy nhiên, cũng biết rằng đi ra cũng có nghĩa là đôi khi dừng lại, gạt bỏ những lo lắng và bận tâm của chúng ta, và để ý, lắng nghe và đồng hành với những người bị bỏ lại bên lề đường. Đôi khi, điều đó có nghĩa là hành động như người cha nhân hậu có đứa con hoang đàng, ông đã đợi ở cửa để con trở về, mở toang cánh cửa ngay khi con về (x. ibid, 46). Vào những lúc khác, giống như các tông đồ, chúng ta cần học biết rằng khi chào đón một đứa trẻ, chúng ta chào đón chính Chúa Giêsu.
Đó là lý do tại sao chúng ta ở đây hôm nay. Chúng ta muốn chào đón Chúa Giêsu, trong lời của Người, trong Bí tích Thánh Thể, trong những con người bé nhỏ của Người. Chào đón Người để Người có thể chữa lành ký ức của chúng ta và đồng hành với chúng ta trong thời điểm hiện tại này, thời điểm đặt ra cho chúng ta những thách thức và cảnh báo thú vị, để chúng ta có thể theo Người như những tông đồ của Người. Vì không có điều gì thực sự mang tính nhân văn mà không tìm thấy tiếng vang trong trái tim của các tông đồ Chúa Kitô. Chúng ta cảm thấy như là của chính mình những niềm vui và hy vọng, những nỗi buồn và đau khổ của con người thời đại, đặc biệt là những người nghèo và đau khổ (x. CÔNG ĐỒNG CHUNG VATICAN II, Gaudium et Spes, 1). Vì lý do này, và vì với tư cách là một cộng đồng, chúng ta cảm thấy sự đoàn kết thật sự và sâu sắc với toàn thể nhân loại – tại thành phố này và trên khắp Litva – và lịch sử của nó (xem ibid.), chúng ta muốn dành cuộc sống của mình để phục vụ một cách vui vẻ, và do đó cho mọi người biết rằng Chúa Giêsu Kitô là niềm hy vọng duy nhất của chúng ta.
Đức Phanxicô, Bài giảng Chúa nhật 25 Thường Niên năm B (20/9/2015) – Anh em bàn tán điều gì vậy?
Anh chị em thân mến!
Chúa Giêsu hỏi các môn đệ một câu hỏi có vẻ nhạy cảm: “Dọc đường, anh em bàn tán điều gì vậy?” Đó là câu hỏi mà Người cũng có thể hỏi mỗi người chúng ta ngày nay: “Các con bàn tán về điều gì mỗi ngày?” “Các con có khát vọng gì?” Phúc âm cho chúng ta biết rằng các môn đệ “không trả lời vì trên đường đi, họ đã tranh cãi về việc ai là người lớn nhất”. Họ xấu hổ khi nói với Chúa Giêsu những gì họ đang bàn tán. Giống như các môn đệ khi đó, ngày nay chúng ta cũng có thể bị cuốn vào những cuộc tranh cãi tương tự: ai là người lớn nhất nhất?
Chúa Giêsu không thúc ép khi đưa ra câu hỏi. Người không ép buộc họ nói với Người những gì họ đã nói trên đường. Nhưng câu hỏi đó vẫn còn, không chỉ trong tâm trí các môn đệ, mà còn trong trái tim họ.
Ai là người lớn nhất? Đây là một câu hỏi suốt đời mà vào những thời điểm khác nhau, chúng ta phải đưa ra câu trả lời. Chúng ta không thể trốn tránh câu hỏi đó; nó đã được khắc ghi trong trái tim chúng ta. Tôi nhớ không chỉ một lần, trong các buổi họp mặt gia đình, trẻ em thường được hỏi: “Con yêu ai hơn, Mẹ hay Bố”? Câu hỏi này cũng có nghĩa: “Ai là người quan trọng nhất đối với con?” Nhưng đây có phải chỉ là câu hỏi khi chúng ta vui đùa với trẻ con? Lịch sử nhân loại đã được đánh dấu bằng câu trả lời mà chúng ta đưa ra cho câu hỏi này.
Chúa Giêsu không sợ câu hỏi của mọi người; Người không sợ nhân tính của chúng ta hay những điều khác biệt mà chúng ta đang tìm kiếm. Ngược lại, Người biết chiều sâu của trái tim con người, và là một người thầy giỏi, Người luôn sẵn sàng khuyến khích và hỗ trợ chúng ta. Như thường lệ, Người tiếp nhận sự tìm kiếm, khát vọng của chúng ta và Người trao cho chúng một chân trời mới. Như thường lệ, bằng cách nào đó, Người tìm ra câu trả lời có thể đặt ra một thách thức mới, gạt sang một bên những “câu trả lời đúng”, những câu trả lời chuẩn mực mà chúng ta được mong đợi đưa ra. Như thường lệ, Chúa Giêsu đặt trước chúng ta “logic” của tình yêu. Một tư duy, một cách tiếp cận cuộc sống, có thể được tất cả mọi người sống theo, vì nó dành cho tất cả mọi người.
Khác xa với bất kỳ loại chủ nghĩa tinh hoa nào, chân trời mà Chúa Giêsu chỉ ra cho chúng ta không dành cho một số ít những tâm hồn đặc quyền có khả năng đạt đến tầm cao của kiến thức hoặc các cấp độ tâm linh khác nhau. Đường chân trời mà Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta luôn liên quan đến cuộc sống hằng ngày, cũng như ở đây trên “hòn đảo của chúng ta”, một điều gì đó có thể làm cho cuộc sống hằng ngày của chúng ta thêm hương vị vĩnh cửu.
Ai là người lớn nhất? Chúa Giêsu trả lời thẳng thắn: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người”. Bất cứ ai muốn trở nên vĩ đại thì phải phục vụ người khác, chứ không phải được người khác phục vụ.
Đây chính là nghịch lý lớn của Chúa Giêsu. Các tông đồ đã tranh cãi về việc ai sẽ có vị trí cao nhất, ai sẽ được chọn để hưởng các đặc quyền – họ là các tông đồ, những người gần gũi nhất với Chúa Giêsu, và họ đã tranh cãi về điều đó! -, ai sẽ vượt lên trên chuẩn mực chung, để nổi bật trong cuộc tìm kiếm sự vượt trội hơn những người khác. Ai sẽ leo lên nấc thang nhanh nhất để đảm nhận những công việc mang lại một số lợi ích nhất định.
Chúa Giêsu làm đảo lộn “logic” của họ, tư duy của họ, chỉ bằng cách nói với họ rằng cuộc sống được sống một cách chân thực trong một dấn thân cụ thể cho người lân cận của chúng ta. Đó là, bằng cách phục vụ.
Lời kêu gọi phục vụ liên quan đến một điều gì đó đặc biệt, mà chúng ta phải chú ý. Phục vụ có nghĩa là quan tâm đến sự yếu đuối của họ. Chăm sóc những người dễ bị tổn thương trong gia đình, xã hội và dân tộc chúng ta. Họ là những khuôn mặt đau khổ, mong manh và buồn bã mà Chúa Giêsu bảo chúng ta phải nhìn vào và Người yêu cầu chúng ta phải yêu thương. Với tình yêu hình thành trong hành động và quyết định của chúng ta. Với tình yêu thể hiện trong bất kỳ nhiệm vụ nào mà chúng ta, với tư cách là công dân, được kêu gọi thực hiện. Chính những con người bằng xương bằng thịt, những con người có cuộc sống và câu chuyện riêng, và với tất cả sự yếu đuối của họ, mà Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta bảo vệ, chăm sóc và phục vụ. Trở thành một Kitô hữu đòi hỏi phải thúc đẩy phẩm giá của anh chị em chúng ta, đấu tranh vì nó, sống vì nó. Đó là lý do tại sao các Kitô hữu liên tục được kêu gọi gạt bỏ những mong muốn và khát khao của riêng mình, gạt bỏ việc theo đuổi quyền lực của họ, để chú tâm nhìn đến những người dễ bị tổn thương nhất.
Có một loại “phục vụ” cũng là phục vụ người khác, nhưng chúng ta cần cẩn thận để không bị cám dỗ bởi loại phục vụ này, đó là “tự phục vụ” chính mình mà gạt bỏ người khác. Có một loại phục vụ chỉ quan tâm đến việc giúp đỡ “người của tôi”, “người của chúng tôi”. Loại phục vụ này luôn để “người của người khác” ở bên ngoài và dẫn đến quá trình loại trừ.
Tất cả chúng ta đều được kêu gọi bởi ơn gọi Kitô hữu của mình để phục vụ thực sự, phục vụ và giúp đỡ lẫn nhau để không bị cám dỗ bởi một loại “tự phục vụ”. Tất cả chúng ta đều được Chúa Giêsu yêu cầu, thậm chí thúc giục, phải chăm sóc lẫn nhau vì tình yêu. Không nhìn sang bên này hay bên kia để xem người lân cận của chúng ta đang làm gì hoặc không làm gì. Chúa Giêsu nói: “Ai muốn làm người đứng đầu trong các con thì phải làm người rốt hết và làm người phục vụ mọi người”. Người đó sẽ là người đứng đầu. Chúa Giêsu không nói: nếu người lân cận của bạn muốn làm người đứng đầu, hãy để họ làm người phục vụ! Chúng ta phải cẩn thận để tránh những cái nhìn phán xét và hãy canh tân niềm tin của mình vào cái nhìn có sức biến đổi mà Chúa Giêsu mời gọi chúng ta.
Việc quan tâm đến người khác vì tình yêu không phải là sự phục tùng. Thay vào đó, nó có nghĩa là đặt vấn đề của anh chị em chúng ta vào trung tâm. Phục vụ luôn hướng đến khuôn mặt của họ, chạm vào da thịt của họ, cảm nhận sự gần gũi của họ và thậm chí, trong một số trường hợp, “chịu đựng” sự gần gũi đó và cố gắng giúp đỡ họ. Phục vụ không bao giờ mang tính ý thức hệ, vì chúng ta không phục vụ ý tưởng, chúng ta phục vụ con người.
Dân thánh và trung thành của Chúa ở Cuba là một dân tộc thích lễ kỷ niệm, tình bạn, những điều đẹp đẽ. Đó là một dân tộc diễu hành với những bài ca ngợi khen. Đó là một dân tộc có những vết thương, giống như mọi dân tộc khác, nhưng biết cách đứng lên với vòng tay rộng mở, tiếp tục bước đi trong hy vọng, bởi vì họ có ơn gọi vĩ đại. Đây là những hạt giống được tổ tiên của anh chị em gieo trồng. Hôm nay, tôi yêu cầu anh chị em chăm sóc ơn gọi này của mình, chăm sóc những món quà mà Chúa đã ban cho anh chị em, nhưng trên hết, tôi mời anh chị em chăm sóc và phục vụ sự yếu đuối của những người xung quanh mình. Đừng bỏ rơi họ vì những kế hoạch có thể quyến rũ, nhưng lại không quan tâm đến khuôn mặt của người bên cạnh anh chị em. Chúng ta biết, chúng ta là những chứng nhân của sức mạnh vô song là sự phục sinh, sức mạnh “làm nảy sinh những hạt giống của một thế giới mới ở khắp mọi nơi” (x. Evangelii Gaudium, 276, 278).
Chúng ta đừng quên Tin Mừng mà chúng ta đã nghe hôm nay: tầm quan trọng của một dân tộc, một quốc gia và tầm quan trọng của các cá nhân, luôn dựa trên cách họ tìm cách phục vụ những người anh chị em dễ bị tổn thương của mình. Ở đây chúng ta gặp một trong những thành quả của một nhân loại đích thực.
Đức Bênêđictô XVI, Huấn dụ Chúa nhật 25 Thường Niên năm B (23/9/2012) – Khác biệt giữa tư tưởng Thiên Chúa và tư tưởng con người
Anh chị em thân mến,
Trong hành trình của chúng ta với Tin Mừng theo thánh Marco, Chúa nhật tuần trước chúng ta đã đi vào phần hai, tức là hành trình cuối cùng của Chúa Giêsu hướng về thành Giêrusalem và tiến đến tột đỉnh sứ mạng của Ngài. Sau khi thánh Phêrô, nhân danh các môn đệ khác, tuyên xưng niềm tin nơi Chúa, nhìn nhận Ngài là Đức Kitô (Xc Mc 8,29), Chúa Giêsu bắt đầu nói công khai về những gì sau cùng sẽ xảy ra cho Ngài. Thánh sử Tin Mừng lần lượt thuật lại 3 lời tiên báo về cái chết và sự sống lại của Chúa ở chương 8, 9 và 10: qua những lời đó, Chúa Giêsu loan báo ngày càng rõ ràng vận mệnh đang chờ đợi Ngài và sự cần thiết nội tại của những điều ấy. Đoạn Tin Mừng Chúa nhật hôm nay chứa đựng lời loan báo thứ hai. Chúa Giêsu nói: “Con Người – một kiểu nói Ngài dùng để chỉ chính Ngài – sẽ bị giao nộp trong tay loài người và họ sẽ giết Người; nhưng một khi bị giết, Người sẽ sống lại sau 3 ngày” (Mc 9,31). Nhưng các môn đệ ”không hiểu những lời ấy và họ sợ không dám hỏi Ngài” (v.32).
Thực vậy, khi đọc phần trình thuật này của thánh Marco, người ta thấy rõ giữa Chúa Giêsu và các môn đệ có một sự cách biệt nội tâm sâu xa; có thể nói là cả hai ở những tần số khác nhau, vì thế các bài diễn văn của Thầy không được các môn đệ hiểu hoặc chỉ được hiểu một cách hời hợt. Thánh Phêrô Tông Đồ, ngay sau khi biểu lộ niềm tin nơi Chúa Giêsu, đã dám trách cứ Chúa vì Người đã loan báo Người sẽ bị loại bỏ và giết chết. Sau lời loan báo thứ hai về cuộc khổ nạn, các môn đệ bắt đầu thảo luận xem ai là người lớn nhất trong số họ (Xc Mc 9,34) và sau lần loan báo thứ ba, Giacôbê và Gioan đã xin Chúa Giêsu cho được ngồi bên tả và bên hữu Ngài, khi Ngài ở trong vinh quang (Xc Mc 10,35-40). Nhưng cũng có những dấu hiệu khác cho thấy sự xa cách này: chẳng hạn, các môn đệ không chữa lành được một cậu bé bị bệnh động kinh, sau đó Chúa chữa cậu bé bằng sức mạnh của lời cầu nguyện (Xc Mc 9,14-29); hoặc khi các trẻ em được giới thiệu với Chúa Giêsu, các môn đệ đã khiển trách các em, trái lại Chúa Giêsu thịnh nộ, cho các em được ở lại, và khẳng định rằng chỉ có ai giống như các trẻ em, thì mới được vào Nước Thiên Chúa (Xc Mc 10,13-16).
Tất cả những điều ấy nói gì với chúng ta? Những sự kiện ấy nhắc nhớ cho chúng ta rằng tiêu chuẩn hành động của Thiên Chúa luôn khác với tiêu chuẩn của chúng ta, như chính Thiên Chúa đã biểu lộ qua miệng ngôn sứ Isaia: “Tư tưởng của Ta không phải như tư tưởng của các ngươi, con đường của các ngươi không phải là con đường của Ta” (Is 55,8). Vì thế, việc theo Chúa luôn đòi con người phải có sự hoán cải sâu xa, một sự thay đổi lối suy nghĩ và sống, đòi phải mở rộng con tim lắng nghe để được soi sáng và biến đổi trong nội tâm. Một điểm then chốt trong đó Thiên Chúa và con người khác biệt nhau, chính là sự kiêu ngạo: nơi Thiên Chúa không có sự kiêu ngạo, vì Ngài là sự sung mãn trọn vẹn và tất cả đều hướng và sự yêu thương và ban sự sống; trái lại nơi con người chúng ta, kiêu ngạo ăn rễ sâu và vì thế chúng ta phải luôn cảnh giác và thanh tẩy. Tuy là bé nhỏ, nhưng chúng ta lại khao khát được coi là cao cả, được chiếm chỗ nhất, trong khi Thiên Chúa không do dự hạ mình xuống, trở nên người rốt cùng.
Chúng ta hãy tín thác cầu khẩn Mẹ Maria, Mẹ là Đấng hoàn toàn sống hợp với Thiên Chúa, xin Mẹ dạy chúng ta trung thành theo Chúa Giêsu trên con đường yêu thương và khiêm tốn.
Nguồn: archivioradiovaticana.va
Đức Bênêđictô XVI, Huấn dụ Chúa nhật 25 Thường Niên năm B (20/9/2009) – Sự khôn ngoan
Anh chị em thân mến,
Hôm nay tôi muốn dùng bản văn phụng vụ trích từ thư thánh Giacobê (3,16-4,3) làm đề tài suy niệm, và tôi xin dừng lại ở một đoạn rất đẹp và thích thời. Thánh tông đồ đối chọi giữa sự khôn ngoan chân chính và sự khôn ngoan giả trá. Sự khôn ngoan giả trá mang tính cách “phàm tục, vật chất, quỷ quái”, và biểu lộ nơi việc gây ra ghen tương, tranh chấp, xáo trộn và các hành vi xấu xa (xc. 3,16). Ngược lại, “sự khôn ngoan từ trời thì trước là thanh khiết, sau là hiếu hoà, hiền lành, khoan dung, đầy từ bi và sinh nhiều hoa thơm trái tốt, không thiên vị, thành thực” (3,17). Tác giả liệt kê ra bảy đặc tính, dựa theo tập tục Kinh thánh, cho thấy vẻ toàn hảo của sự khôn ngoan đích thực và những kết quả tích cực mà nó phát sinh. Đặc tính dẫn đầu danh sách và có thể nói là chính yếu, được thánh Giacôbê nhắc đến là “thanh khiết”, nghĩa là thánh thiện, ra như phản ánh Thiên Chúa ở trong linh hồn. Và cũng giống như Thiên Chúa là nguồn mạch của nó, sự khôn ngoan không cần áp đặt bằng vũ lực, bởi vì nó nắm trong tay sức mạnh vô song của chân lý và tình yêu tự nó mang sức thuyết phục. Vì thế mà nó hiếu hoà, hiền lành, khoan dung, không thiên vị, lại càng không sử dụng thủ đoạn xảo quyệt; nó đầy từ bi và quảng đại. Nó thể hiện qua những hoa trái tốt lành phong phú.
Tại sao chúng ta không dùng lại để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của sự khôn ngoan như vậy? Tại sao ta không múc lấy sự khôn ngoan của con tim, từ nguồn tinh tuyền của tình yêu Chúa, để cho nó thanh lọc khỏi sự vẩn đục của dối trá và ích kỷ? Điều này có giá trị cho hết mọi người, nhưng cách riêng là cho những ai được kêu gọi giữ vai trò cổ động và thêu dệt hoà bình trong các cộng đồng tôn giáo và dân sự, trong các quan hệ xã hội và chính trị quốc tế. Ngày nay, có lẽ do vài động lực của xã hội đại chúng, chúng ta nhận thấy thường thiếu tôn trọng sự thực hoặc không tôn trọng lời hứa, cùng với khuynh hướng phổ thông nhắm đến sự khiêu khích, căm hờn, thù hận. Thánh Giacôbê viết: “Người xây dựng hoà bình thu hoạch hoa trái đã gieo trong hoà bình, là cuộc đời công chính” (Gc 3,18). Nhưng để có thể hoạt động hoà bình, thì cần phải là con người hòa bình đã, đến thụ giáo “sự khôn ngoan tự trời cao”, ngõ hầu thấm nhuần những đức tính của nó và phát sinh những hoa trái của nó. Nếu như mỗi người, trong môi trường của mình, biết tẩy chay sự gian dối và bạo lực trong ý định, lời nói và hành động, và biết vun trồng những tâm tình tôn trọng, thông cảm và trân trọng tha nhân, thì tuy có lẽ sẽ không giải quyết hết mọi vấn đề trong cuộc sống, nhưng ít là có thể đương đầu nó một cách bình thản và hữu hiệu.
Các bạn thân mến, một lần nữa, Kinh thánh mời gọi chúng ta hãy suy nghĩ về khía cạnh luân lý của đời sống, nhýng khởi sự từ một thực tại đi trước luân lý, đó là sự khôn ngoan đích thực. Chúng ta hãy tin tưởng cầu xin Chúa ban cho sự khôn ngoan của con tim, nhờ lời chuyển cầu của Kẻ đã tiếp đón vào lòng và sinh hạ Ðức Khôn ngoan nhập thể, là Chúa Giêsu Kitô. Ôi Maria, toà của Ðấng khôn ngoan, xin cầu cho chúng con.
———————————–
Văn Việt (tổng hợp)
Có thể bạn quan tâm
Việc phục vụ Chúa nơi người nghèo canh tân Giáo hội
Th1
Đức Thánh Cha Phanxicô: Một Nữ Tu Sẽ Là Chủ Tịch Phủ Thống..
Th1
Thánh Lễ Tất Niên & Đặt Viên Đá Xây Dựng Trung Tâm Mục..
Th1
Nhịp Sống Giáo Hội Việt Nam Số 3: Xuân Yêu Thương
Th1
Tài Liệu Tuần Cầu Nguyện Cho Các Kitô Hữu Hiệp Nhất Năm 2025
Th1
Cáo phó: Ông cố Phaolô – Thân phụ của Sr. Anna Nguyễn Thị..
Th1
Giáo Hạt Đầu Tiên Hành Hương Về Nhà Thờ Chính Tòa Trong Năm..
Th1
Thánh Lễ Khánh Thành Nhà Mục Vụ Giáo Xứ Bàu Sen trong Tuần..
Th1
Đức Cha Louis dâng thánh lễ khai mạc Tuần Chầu Lượt tại Giáo..
Th1
Suy Niệm Chúa Nhật II Thường Niên C: Tiệc Cưới Giao Ước Mới
Th1
TGM-GPHT: Thông Báo Thánh Lễ Tất Niên Giáp Thìn 2024 & Đặt Viên..
Th1
“Xuân Yêu Thương” Khai Sáng Niềm Hy Vọng Tại Giáo phận Hà Tĩnh
Th1
Quý Cha Giáo Hạt Bình Chính Tĩnh Tâm, Gặp Mặt Và Tổng Kết..
Th1
Bài Hát Cộng Đồng Lễ Tất Niên Xuân Ất Tỵ 2025
Th1
Quý Cha Giáo Hạt Kỳ Anh Tĩnh Tâm & Họp Bàn Công Việc..
Th1
Đức cha Louis đến thăm các Trung tâm và Mái ấm trong Giáo..
Th1
Suy niệm mỗi ngày, Tuần I Thường niên, năm lẻ
Th1
Tổng Giám mục Gądecki phê bình kiến nghị cấm trẻ vị thành niên..
Th1
Tổng Thống Biden Trao Tặng Đức Thánh Cha Huân Chương Tự Do
Th1
Nhịp Sống Giáo Hội Việt Nam Số 2
Th1