Canh tân sư phạm giáo lý

1669 lượt xem

Bài 1

Cha Peter Rushton, một linh mục người Úc vừa được Chúa gọi về, có điều đặc biệt là ngài để lại người vợ và ba người con. Lý do là vì trước kia ngài là linh mục Anh giáo, sau này ngài trở lại Công giáo và được Toà Thánh cho phép thi hành sứ vụ linh mục. Cha Rushton có gia đình, nhưng ngài lại không hợp với việc tông đồ gia đình cho bằng giảng dạy và hướng dẫn tĩnh tâm cho các nữ tu. Do đó ngài thường hay nói “Thiên Chúa có tính hài hước”. Quả thật, nhờ Chúa có tính hài hước mà chúng tôi, người giáo dân nhiều khiếm khuyết, lại được sai đi để giúp đỡ giáo lý nhiều nơi khác nhau. Từ những tiếp xúc, lắng nghe, chia sẻ, chúng tôi nhận thấy rõ ràng việc canh tân sư phạm giáo lý là điều rất cấp bách trong công tác rao giảng Tin Mừng.

Vậy canh tân là gì? Chúa Thánh Thần là Đấng tác tạo, do đó dưới sự thúc đẩy cùa Ngài, Giáo Hội không ngừng đổi mới về mọi phương diện, nhất là sau luồng sinh khí mạnh mẽ của Công Đồng Vatican II. Nhưng khác với các thể chế trần gian, Giáo Hội canh tân không phải là đi xa, mà là trở về với nguồn cội, trở về với thuở ban đầu như Chúa Giêsu đã làm và đã dạy. Sư phạm giáo lý cũng phải quay về với phương pháp của chính Đức Giêsu. Qua mọi thời, Chúa Giêsu là người thầy vĩ đại nhất. Tông huấn Catechesi Tradendae đã quả quyết :  « Đấng giảng dạy cách này đáng được tôn phong bằng một tước hiệu “Thầy”.độc đáo.  Trong toàn thể Tân Ước, nhất là trong các sách Tin Mừng, biết bao nhiêu lần người ta đã gọi Người là Thầy! » Nhưng vì nhiều lý do, cách truyền giảng giáo lý sau này cứ dần dần đi xa phương pháp giảng dạy tuyệt hảo của Thầy Chí Thánh, do đó nhu cầu canh tân, cũng là quay về, là điều không thể chần chừ.

Nhưng tại sao phải canh tân? Có hai lý do chính, một là thời đại ngày càng thay đổi, từ cách sống, cách nghĩ, đến kinh tế, khoa học, tất cả đã có những bước tiến mạnh mẽ. Các khoa sư phạm đời cũng đã thay đổi nhanh chóng cho phù hợp. Xin đan cử việc dạy ngoại ngữ. Trong bốn thập niên vừa qua, phương pháp dạy ngoại ngữ đã thay đổi từ phương pháp Dịch – Văn phạm, sang phương pháp Trực tiếp, rồi Thính thị, bây giờ người ta áp dụng phương pháp Giao tiếp. Các khoa sư phạm thì cứ phải lo tìm ra cái mới mẻ hơn, còn giáo lý thì được canh tân chỉ khi con người chiêm ngắm và bắt chước Thầy Chí Thánh một cách chi tiết nhất.

Lý do thứ hai để canh tân giáo lý quan trọng hơn. Hội Thánh với huấn quyền được Chúa Giêsu trao ban nhờ Thánh Thần của Người, đã không ngừng giảng dạy và chỉ thị cho con cái mình cách rao giảng hữu hiệu và phù hợp nhất. Các thông điệp và tông huấn của Hội Thánh về việc giảng dạy giáo lý là kho tàng phong phú cho công việc dạy giáo lý. Nhưng dường như các giáo lý viên ít có cơ hội tiếp xúc để học hỏi và thực thi. Do đó, canh tân trong giáo lý còn là lắng nghe tiếng Hội Thánh là Mẹ và là Thầy, người tiếp nối công việc rao giảng của chính Đức Kytô.

Và cần canh tân những gì? Giáo Hội tự bản chất có sứ mệnh rao giảng, loan truyền Lời của Thiên Chúa. Do đó không thể có sự đổi mới trong sứ mệnh và trong sứ điệp rao truyền, mà chỉ cần canh tân cách thức giảng dạy cũng như trong quan niệm về giáo dục. Tất cả cách truyền dạy trong giáo lý phải phản chiếu việc giảng dạy của Đức Kytô, người Thầy muôn thuở. Do vậy mà canh tân sư phạm giáo lý là bắt chước Đức Kytô, từ cách giảng dạy cho đến tâm tình và thái độ khi giảng dạy. Những điều cần phải canh tân đã được trình bày rõ ràng trong Tông huấn Catechesi Tradendae và trong chương XII của bản Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội Công Giáo. Chúng ta sẽ cùng phân tích chi tiết trong các bài sau, nhưng có thể tóm lại trong vài điểm sau đây :

Thứ nhất, giáo lý phải hướng về trung tâm là Đức Giêsu Kytô, cùng bước đi với Thánh Thần của Người.

Thứ hai, giáo lý phải gắn liền với đời sống đạo và các bí tích, phải hướng các em đến việc kết hợp mật thiết với Đức Kytô.

Thứ ba, phải luôn mở rộng quan niệm về dạy Giáo Lý, duyệt xét lại các phương pháp, tìm ngôn ngữ thích hợp, và dùng những phương tiện mới để truyền thông sứ điệp.

Thứ tư, hãy bắt chước Mẹ Maria là Thầy dạy mẫu mực của Hội Thánh. Tông huấn viết : « Mẹ là “một sách Giáo Lý sống” và là “Mẹ và gương mẫu của các Giáo Lý viên »

Nguyện xin Chúa Thánh Linh hãy đến canh tân đời sống và cách giảng dạy của chúng con, và xin Mẹ Maria dẫn chúng con đi đúng đường lối giáo dục mà Đức Giêsu Kytô Con Mẹ đã thực hiện.

 


Bài 2
GIÁO HUẤN CỦA HỘI THÁNH VỀ GIÁO LÝ

Thi hành sứ mạng làm ngôn sứ, Giáo Hội không những giảng dạy dân Chúa trong các nghi thức phụng vụ, nhưng Giáo Hội còn ý thức trách nhiệm loan truyền ơn cứu độ qua các lớp giáo lý dưới nhiều hình thức khác nhau. Qua dòng thời gian, các đấng có thẩm quyền trong Giáo Hội, với quyền giáo huấn của mình, đã khuyên dạy và hướng dẫn các giáo lý viên về cách thức dạy giáo lý sao cho phù hợp và hiệu quả nhất. Ở thời đại này, giáo lý viên cần đọc kỹ cũng như nghiền ngẫm bản Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội Công Giáo và Tông huấn Catechesi Tradendae để nắm vững những điều mình phải làm trong khi thi hành công cuộc rao giảng cao cả của mình.
 

I. HỌC THUYẾT XÃ HỘI CÔNG GIÁO VÀ GIÁO LÝ

1. Học Thuyết Xã Hội Công Giáo là gì ?

Tin Mừng rõ ràng trình bày cho chúng ta công cuộc cứu độ toàn diện của Đức Kytô, Ngôi Lời nhập thể. Người không chỉ cứu rỗi phần linh hồn con người, nhưng giáo lý của Người còn nhấn mạnh đến thực tại trần gian khi Người giải thoát con người khỏi những ưu tư, buồn khổ và bệnh tật. Giáo Hội theo bước chân Thầy của mình cũng rao giảng giáo lý ơn cứu độ toàn diện ấy. Nhưng có một thời, vì nhiều lý do, Giáo Hội có vẻ chăm chú vào sự sống đời sau mà thôi. Những người chống đối Giáo Hội có cớ để chỉ trích Giáo Hội cách này cách khác. Ở Việt nam cũng có một “thợ làm thơ” đã viết những lời châm biếm đại khái chuông nhà thờ ru ngủ con người. Thật ra, vào thế kỷ 18, 19, khi công nghiệp kỹ thuật phát triển và xã hội thay đổi nhanh chóng, bao vấn đề về con người nảy sinh, thì Giáo Hội đã lên tiếng mạnh mẽ hơn về các vấn đề xã hội, như Đức Hồng y Angelo Sodano, Bộ Trưởng Ngoại giao Toà Thánh đã viết: “Suốt dòng lịch sử Giáo Hội và đặc biệt trong mấy thế kỷ gần đây, Giáo Hội – theo lời Đức Lêô XIII – đã không ngừng nói lên tiếng nói của mình về những câu hỏi liên quan đến cuộc sống trong xã hội. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tiếp tục công bố và cập nhật di sản về Học thuyết Xã hội Công giáo. Về phần mình, ngài đã công bố ba thông điệp quan trọng – Laborem Exercens, Sollicitudo Rei Socialis và Centesimus Annus – trình bày những bước cơ bản của tư tưởng Công giáo trong lĩnh vực này.”

Để giới thiệu Học Thuyết Xã Hội Công Giáo, Đức Hồng y Angelo Sodano viết tiếp: “Nhiều giám mục trên toàn thế giới trong giai đoạn gần đây đã đóng góp những hiểu biết sâu xa hơn về Học thuyết Xã hội Công giáo qua các công trình của họ. Vô số những học giả trên các lục địa cũng vẫn đang làm như vậy. Vì thế, chúng ta hy vọng rằng một bản tóm lược thu thập tất cả các chất liệu trên và trình bày một cách hệ thống, sẽ giới thiệu những điều cơ bản của Học thuyết Xã hội Công giáo. Thật đáng ca ngợi khi Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hoà bình (*) đã đảm nhận nhiệm vụ này và đã cố gắng hết sức mình cho công trình trong những năm gần đây. Tôi rất vui mừng khi thấy cuốn “Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo” được xuất bản, và cùng chia sẻ với Đức Hồng y (*) niềm vui mừng được trao gửi tập sách đến tất cả tín hữu và những người thiện chí như một thứ lương thực cần thiết để phát triển nhân cách và tinh thần, cho mọi cá nhân và mọi cộng đồng. » 

Ghi chú (*)  Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hoà Bình, đã có sáng kiến đưa ra bản Tóm Lược này.

2. Học Thuyết Xã Hội Công Giáo nói gì về việc dạy giáo lý ?

Học Thuyết Xã Hội Công Giáo trình bày chiều kích xã hội của giáo lý Đức Kytô. Trong viễn tượng này, giáo lý phải đào tạo các tín hữu thành những con người yêu mến Đức Kytô và biết góp phần xây dựng xã hội trần thế. Khi áp dụng Học Thuyết vào việc giảng dạy, giáo lý viên sẽ khơi mở cho người học cách sống Lời Chúa cụ thể với tinh thần trách nhiệm và biết liên đới trong đời sống mình. Một ví dụ cụ thể: Khi dạy về đức công bằng, giáo lý viên nhắc “không được trộm cắp” và “nếu ăn cắp vật gì của ai thì phải xưng tội và phải trả lại mới được tha tội”. Nhưng Học Thuyết Xã Hội dạy rằng công bằng còn là chia sẻ cái mình đang có cho người thiếu thốn. Như vậy, chia sẻ là nghĩa vụ công bằng trước khi là hành động bác ái. Hơn nữa, nếu chúng ta không chia sẻ của cải, để cho người khác chết đói, là chúng ta phạm tội giết người. (cf. Công Đồng Vatican II, Hiến chế Giáo Hội trong Thế Giới Hôm Nay, số 65). Còn nhiều những lời dạy khác của Hội Thánh mà giáo lý viên không chú ý và như vậy, không hoàn tất lời giảng của mình.

Huấn quyền Hội Thánh nhấn mạnh các điểm sau đây về việc áp dụng Học Thuyết Xã Hội Công Giáo vào giáo lý:

– “Cần phải tham khảo học thuyết xã hội của Giáo Hội để đào tạo Kitô hữu biết hội nhập trọn vẹn.” (chương XII, khoản 528)

– “Giá trị đào tạo của học thuyết xã hội của Giáo Hội cần được quan tâm hơn trong việc dạy giáo lý. Giáo lý là việc giảng dạy có hệ thống về toàn bộ học thuyết Kitô giáo, nhằm dẫn dắt các tín hữu sống trọn vẹn Tin Mừng. Mục đích cuối cùng của giáo lý “là đưa con người không chỉ tiếp cận được mà còn hiệp thông mật thiết được với Đức Giêsu Kitô”. Theo đường hướng này, người ta có thể nhận ra tác động của Chúa Thánh Thần, là Đấng ban tặng đời sống mới trong Đức Kitô.” (chương XII, khoản 529)

– “Trong bối cảnh của việc dạy giáo lý, điều quan trọng trên hết là phải giảng dạy học thuyết xã hội của Giáo Hội thế nào để thôi thúc người học làm cho các thực tại trần thế thấm nhuần Tin Mừng và mang tính nhân bản.”(chương XII, khoản 530)

II. TÔNG HUẤN CATECHESI TRADENDAE

1. Tông huấn Catechesi Tradendae là gì ?

Từ ngày 30/9 đến ngày 29/10/1977, Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới, triều đại Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, đã nhóm họp lần thứ 4 với chủ đề  « Việc Giảng dạy Giáo lý trong Thời đại Chúng ta » và ban hành Tông huấnCatechesi Tradendae, kim chỉ nam cho việc dạy giáo lý thời đại mới. Tông huấn gồm có chín chương, nêu rõ các nguyên tắc : tầm quan trọng của việc dạy Giáo Lý trong Hội Thánh, Đức Giêsu Kytô là Thầy, nguồn mạch Thánh Kinh, phương tiện giảng dạy Giáo Lý v.v…

2. Tông huấn Catechesi Tradendae dạy gì ?

Chúng tôi xin lược trích vài điểm chính yếu nhất trong Tông huấn như sau đây. (Xin đọc toàn văn Tông huấn trên các website của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Uỷ Ban Giáo Lý Việt Nam tại Hoa Kỳ, hay của Giáo Phận Nha Trang…)

– “ Hội Thánh luôn luôn coi việc dạy Giáo Lý là một trong những công tác chính của mình, bởi vì trước khi lên cùng Cha Người sau khi phục sinh, Đức Kitô đã ban cho các tông đồ một mệnh lệnh cuối cùng, là hãy làm cho muôn dân trở thành môn đệ, và dạy họ tuân giữ tất cả những gì Người đã truyền.”

– “ Mục đích chính và thiết yếu của việc dạy Giáo Lý, theo cách diễn tả mà Thánh Phaolô, cũng như môn thần học hiện đại thích nhất, là “Mầu Nhiệm Đức Kitô”.  Dạy Giáo Lý là một cách dẫn dắt một người để họ học tất cả các khía cạnh của mầu nhiệm này: “để làm cho mọi người thấy chương trình mầu nhiệm… hiểu biết cùng với các thánh cái gì là chiều rộng, chiều dài, chiều cao cùng chiều sâu… biết rằng tình yêu của Đức Kitô vượt trên mọi kiến thức… (và được đổ đầy) bằng tất cả sự sung mãn của Thiên Chúa.”

– “Chúng ta phải nói rằng trong việc dạy Giáo Lý, chúng ta giảng dạy về chính Đức Kitô, Ngôi Lời Nhập Thể và Con Thiên Chúa, – mọi điều khác đều được dạy qui chiếu vể Người – và cũng chỉ có một mình Đức Kitô là Đấng giảng dạy – người nào khác giảng dạy cũng chỉ vì người ấy là phát ngôn viên của Đức Kitô, để Đức Kitô dùng môi miệng mình mà giảng dạy.  Dầu ở mức độ trách nhiệm nào đi nữa trong Hội Thánh, mọi Giáo Lý viên phải luôn cố gắng truyền thụ bằng lời giảng dạy và cách sống của mình giáo huấn và đời sống của Chúa Giêsu”.

– “Chúa Giêsu đã dạy. Chính những chứng từ mà Người làm cho chính mình: “Hằng ngày Tôi đã ngồi giảng dạy trong đền thờ.” [16]  Chính những quan sát đầy ngưỡng mộ của các Thánh Sử, ngạc nhiên khi thấy Người dạy khắp nơi và mọi lúc, dạy bằng một cách thế và với một uy quyền mà chưa ai từng biết đến. (…)Đấng giảng dạy cách này đáng được tôn phong bằng một tước hiệu “Thầy”.độc đáo.  Trong toàn thể Tân Ước, nhất là trong các sách Tin Mừng, biết bao nhiêu lần người ta đã gọi Người là Thầy!”

– “Đối với Kitô hữu, Thánh Giá là một trong những hình ảnh siêu phàm và phổ thông nhất của Đức Kitô là Thầy. Tất cả những suy nghĩ này, là những suy nghĩ theo các truyền thống vĩ đại của Hội Thánh, và tất cả củng cố lòng nhiệt thành của chúng ta đối với Đức Kitô, là Vị Thầy tỏ lộ Thiên Chúa cho loài người và con người cho chính họ, vị Thầy vừa cứu chữa, vừa thánh hoá và hướng dẫn, là Đấng vừa sống, vừa nói, vừa khích lệ, di chuyển, sửa sai, xét xử, tha thứ, và đồng hành với chúng ta mỗi ngày trên đường lịch sử, là vị Thầy đang đến và sẽ đến trong vinh quang. Chỉ nhờ kết hợp mật thiết với Người mà các Giáo Lý viên có thể tìm thấy ánh sáng và sức mạnh cho một canh tân Giáo Lý chính hiệu và đáng mong ước.”

– “Các hoạt động Giáo Lý có thể được thực hiện trong các hoàn cảnh thuận tiện đúng chỗ và đúng lúc, và phải có thể sử dụng phương tiện truyền thông đại chúng và những dụng cụ thích hợp (…) Tôi mạnh mẽ cùng các Nghị Phụ trong Thượng Hội Đồng lên tiếng phản đối tất cả mọi kỳ thị trong lãnh vực dạy Giáo Lý, đồng thời cũng khẩn thiết kêu gọi các nhà cầm quyền hãy chấm dứt hoàn toàn những sự kiềm chế tự do con người nói chung, và tự do tôn giáo nói riêng.”

– “Phải là một sự giảng dạy có hệ thống, không tùy hứng, nhưng phải có chương trình để đạt đến một mục đích rõ ràng;”

– “Việc dạy Giáo Lý chân chính luôn luôn là một sự dẫn nhập có thứ tự và hệ thống vào mặc khải, là Thiên Chúa đã ban Chính Mình cho nhân loại trong Đức Chúa Giêsu Kitô, một mặc khải được khắc ghi sâu đậm trong ký ức Hội Thánh và trong Thánh Kinh, cùng được liên tục thông truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác bằng một truyền thống sống động và linh hoạt.  Tuy thế, mặc khải này không được tách ra khỏi đời sống, hay chỉ được đặt cách nhân tạo cạnh đời sống.”

– “Việc dạy Giáo Lý tự bản chất được nối kết với toàn thể hoạt động phụng vụ và bí tích, vì chính trong các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, mà Đức Chúa Giêsu Kitô hoạt động một cách viên mãn cho việc biến đổi con người.”

– “Việc dạy Giáo Lý còn mở ra cho động lực truyền giáo.  Nếu việc dạy Giáo Lý được thực thi tốt đẹp, các Kitô hữu sẽ hăng say làm chứng cho Đức Tin của họ, truyền thụ Đức Tin ấy cho trẻ em, làm cho người khác biết đến nó, và phục vụ cộng đồng nhân loại bằng mọi cách.”

“Trong việc dạy Giáo Lý, điều quan trọng là dạy về những quyết tâm cá nhân trong lãnh vực luân lý để sống theo Tin Mừng, và những thái độ Kitô, dù anh hùng hay rất đơn giản trước cuộc đời hay trước thế gian – điều mà chúng ta gọi là các nhân đức của Phúc Âm.”

– “Nên nhấn mạnh đến vần đề cuối cùng về phương pháp đã được Thượng Hội Đồng Giám Mục bàn luận khá nhiều, đó là học thuộc lòng. Việc dạy Giáo Lý Kitô trong những thời gian đầu tiên, trùng hợp với nền văn hoá đặc biệt truyền khẩu, nên dùng đến trí nhớ rất nhiều. Từ đó việc học Giáo Lý được biết là có một truyền thống học các chân lý căn bản bằng phương pháp thuộc lòng. Tất cả chúng ta đều ý thức rằng phương pháp này có thể có một số bất lợi, ít là nó đưa đến việc thiếu hiểu biết hay không hiểu biết gì cả; nó biến tất cả mọi kiến thức thành công thức được lập đi lập lại mà không hiểu chính xác. Các bất lợi này và những đặc tính khác của nền văn hoá mà chúng ta có ở vài nơi đưa đến việc hoàn toàn loại bỏ – theo một số người là dứt khoát phải loại bỏ – việc học thuộc lòng trong môn Giáo Lý. Nhưng trong Đại Hội của Thượng Hội Đồng Giám Mục, chúng ta nghe được một số tiếng nói có thẩm quyền kêu gọi phục hồi một sự cân bằng cách thận trọng giữa sự suy nghĩ và bộc phát, giữa đối thoại và im lặng, giữa việc viết và việc học thuộc lòng. Hơn nữa một số nền văn hoá còn rất tôn trọng việc học thuộc lòng.”

– “Tôi muốn gieo thật nhiều can đảm, hy vọng và sự hăng say trong lòng tất cả những người khác nhau có nhiệm vụ dạy về tôn giáo và huấn luyện về đời sống qua việc làm theo Tin Mừng.”

-“Khi thi hành sứ vụ dạy Giáo Lý, Hội Thánh – cũng như mỗi cá nhân Kitô hữu hiến thân cho sứ vụ ấy trong Hội Thánh và nhân danh Hội Thánh – phải ý thức rõ ràng rằng mình hành động như một công cụ sống động và mềm dẻo của Chúa Thánh Thần. Phải cầu khẩn Thánh Thần này không ngơi, hiệp thông với Ngài, cố gắng hiểu biết những gì Ngài thật sự linh hứng, đó phải là thái độ của Hội Thánh và của mỗi Giáo Lý viên.” 

Đức Mẹ Maria, Mẹ và Mẫu Gương của Môn Đệ. Khi Chúa Giêsu ngồi trong lòng Mẹ, và sau này khi Người nghe lời Mẹ trong suốt đời ẩn dật tại Nadareth, người Con này, là “Con Một từ Chúa Cha”, “đầy ân sủng và chân lý”, được Mẹ đào luyện kiến thức nhân loại về Thánh Kinh và lịch sử của chương trình Thiên Chúa dành cho dân Ngài, và trong sự tôn thờ Đức Chúa Cha.

Còn Mẹ lại là môn đệ đầu tiên của Chúa. Mẹ là môn đệ đầu tiên trong thời gian, bởi vì ngay cả khi Mẹ tìm thấy người con còn niên thiếu của Mẹ trong đền thờ Mẹ đã học được của Người bài học mà Mẹ giữ kín trong lòng.  Mẹ là môn đệ đầu tiên trên những người khác vì không ai đã “được Thiên Chúa dạy” Ở một chiều sâu như thế. Mẹ “vừa là Mẹ vừa là môn đệ” như Thánh Augustinô đã nói về Mẹ, mà còn dám nói thêm rằng đối với Mẹ, việc làm môn đệ của Mẹ quan trọng hơn làm Mẹ. Cho nên không phải là vô lý khi trong Thượng Hội Đồng có những tôn vinh Mẹ là “một sách Giáo Lý sống” và là “Mẹ và gương mẫu của các Giáo Lý viên”.

III. KẾT LUẬN

Dạy giáo lý là giảng về Đức Kytô, Ngôi Lời nhập thể bằng chính Lời của Người. Giáo Hội được Chúa giao sứ vụ cai quản các kho tàng mầu nhiệm và ơn phúc, cho nên Giáo Hội có thẩm quyền và có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể cách thức giảng dạy giáo lý. Khi đọc kỹ các văn kiện Toà Thánh liên quan đến việc giảng dạy này, giáo lý viên đã có đầy đủ những nét sư phạm chính yếu cho công việc của mình. Việc dạy giáo lý không đơn giản như truyền giảng những kiến thức khác ở đời, mà là chiếu toả ánh sáng Đức Kytô, do đó giáo lý viên phải gắn bó với Người qua Thánh Thần của Người, qua Giáo Hội do Người sáng lập và gìn giữ, và qua Mẹ Maria Đấng đã được tôn vinh là có phúc vì đã vâng giữ Lời Người. Nhà thơ Xuân Diệu khi viếng đồi Bửu Châu, Trà Kiệu đã viết vào sổ vàng kỷ niệm ngày 20/5/1983:

Trưa hôm nay con ngồi như trẻ nhỏ,
Giữa đáy trưa, trong lòng Mẹ vô cùng.
Con là sáo, Mẹ là ngàn vạn gió,
Mẹ là trời, con là hạt sương rung
. ..” 

Giáo lý viên là nhà thơ ca ngợi kỳ công Thiên Chúa, chỉ thành công khi có Mẹ là “ngàn vạn gió” làm tiếng sáo vang lên.

 


 

Bài 3
GIÁO LÝ CẦN GẮN LIỀN VỚI LỜI CHÚA

Hiến chế Mục Vụ Lời Thiên Chúa Verbum Deum dạy: “Việc dạy Giáo Lý, một hình thức của thừa tác vụ Lời Chúa, phải được nuôi dưỡng và thăng tiến trong sự thánh thiện nhờ Lời Chúa trong Thánh Kinh” (số 12). Dạy giáo lý chính là dạy Lời Chúa. Nhưng dường như lâu nay ở nhiều nơi, Thánh Kinh chỉ có một chỗ đứng trong giáo lý. Đó là việc đọc một đoạn Tin Mừng vào đầu giờ giáo lý, và lắm khi sau giờ giáo lý là các em quên mất. Điều quan trọng trong giáo lý là phải làm sao cho Lời Chúa thấm sâu vào cuộc đời các em và cuộc đời giáo lý viên, như hạt giống đi vào lòng đất và sinh sôi nẩy nở.

A. TẠI SAO CẦN ĐƯA THÁNH KINH VÀO LỚP GIÁO LÝ NHIỀU HƠN?

1. Lời Chúa nuôi dưỡng Đức Tin các em và giáo lý viên

Lịch sử dân Thiên Chúa cho thấy cứ mỗi lần dân thánh bất trung, phản bội hay dao động trong lòng tin thì các ngôn sứ lại đứng lên nói cho dân Lời của Thiên Chúa. Trong Tin Mừng, Đức Giêsu cũng nhiều lần củng cố đức tin và đời sống luân lý của các Tông đồ và của dân chúng bằng Lời Người.

Như vậy Lời Chúa là lương thực và là thần dược cho đời sống đức tin và luân lý. Trong việc dạy giáo lý, giáo lý viên là người thừa hành của Chúa Giêsu và của Giáo Hội, giúp loan báo Lời Chúa đến với các em. Nhưng chắc chắn tự mình, giáo lý viên không đủ sức để củng cố đức tin cho các em và cho chính mình. Chỉ có Lời Chúa mới làm cho anh chị và các em vững tin và hăng say sống đức tin.

2. Giúp các em hiểu thêm về Chúa Giêsu

Chúa Giêsu là Lời Thiên Chúa. Do đó càng đọc và nói Lời Tin Mừng thì các em càng hiểu về Chúa Giêsu hơn. Trong Tin Mừng, các em gặp Chúa Giêsu hằng sống, nghe Lời Người rao giảng và cùng bước đi với Người trên mọi nẻo đường xứ Palestine.

Do đó, cần giúp các em tiếp xúc với Tin Mừng. Chỉ bằng cách này giáo lý viên mới làm cho các em hiểu và cảm về Đức Giêsu một cách đầy đủ trọn vẹn.

3. Làm cho lớp giáo lý sống động

Một trong những ưu tư của giáo lý viên là làm sao cho lớp giáo lý sống động để các em không thấy chán ngán giờ giáo lý. Những trò chơi, lời nói hài hước được sử dụng tối đa. Nhưng cần phải nhớ chính Chúa Giêsu mới là sự thu hút đầy sức mạnh bền bĩ.

Lời Chúa dạy có sức sống mãnh liệt, phù hợp với con người ở mọi thời đại và mọi hoàn cảnh khác nhau. Lối giảng dạy đầy hình tượng của Chúa Giêsu thật thi vị, dễ nhớ và rất ấn tượng. Do đó, khi nói như Chúa Giêsu nói, chắc chắn giáo lý viên sẽ đem đến cho lớp giáo lý bầu khí vui tươi và đầy hy vọng.

B. ĐEM THÁNH KINH VÀO GIÁO LÝ NHƯ THẾ NÀO?

Có bốn điều các giáo lý viên nên thực hiện:

1. Đọc Thánh Kinh sốt sắng trong giờ học:

Điều này hầu như lớp giáo lý nào cũng đã từng áp dụng. Có khi giáo lý viên đọc Lời Chúa, có khi một em đọc. Nhưng vấn đề là tại sao các em không nhớ Lời Chúa nhiều? Phải chăng chúng ta chỉ đọc lướt, đọc sơ sài và không gửi hết tâm hồn vào Lời Chúa? Nhiều giáo lý viên có thói quen nói: “Mở sách Tân Ước trang 71” chẳng hạn, thay vì sách Tin Mừng nào, chương và câu thứ mấy. Cần giúp các em quen với việc mở sách Kinh Thánh đúng cách, nhanh chóng, dễ nhớ.

2. Kể chuyện Thánh Kinh, nhất là Tin Mừng:

Khi dạy giáo lý, rất cần giải thích, nhưng tối kỵ dài dòng, rườm rà. Cách dạy giáo lý hay nhất là kể chuyện Tin Mừng. Ví dụ khi dạy về Mầu Nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, nếu chúng ta cố gắng giải thích theo ý riêng thì chẳng đi đến đâu. Cách hay nhất là kể cho các em nghe câu chuyện thiên thần truyền tin cho Đức Maria, Chúa Giêsu chịu phép rửa ở sông Jordan v.v… rồi có vài giải thích ngắn gọn để đi đến kết luận cho bài giảng. Như thế các em sẽ nhớ và sẽ sống gắn bó với Thiên Chúa Ba Ngôi.

3. Cho các em học thuộc lòng Lời Chúa:

Một giáo lý viên đã từng hỏi chúng tôi trong buổi hội thảo về sư phạm giáo lý: “Tông huấn Catechesi nhấn mạnh đến việc dạy Lời Chúa, nhưng cũng nhấn mạnh đến việc học thuộc lòng, vậy cần chú ý điều nào hơn?”. Chúng tôi thấy không có gì mâu thuẫn cả. Cần giúp các em thuộc lòng Lời Chúa trước tiên.

Con cái càng nhớ lời cha mẹ thì càng sống tốt, đó là điều hiển nhiên. Chúng tôi sẽ lại nói đến việc “học thuộc lòng trong giáo lý” trong một bài sau, nhưng chắc chắn Lời Chúa là điều mà các em phải nhớ nhất để làm hành trang cần thiết đi vào đời.

4. Thực hành cụ thể

Tông huấn Catechesi Tradendae dạy: “Trong việc dạy Giáo Lý, điều quan trọng là dạy về những quyết tâm cá nhân trong lãnh vực luân lý để sống theo Tin Mừng”. Cần phải hướng dẫn các em có những quyết tâm thực hành mang tính cá nhân và cụ thể để các em ngày càng nên giống Chúa Giêsu.

Nên tránh những quyết tâm chung chung cho cả lớp, chẳng hạn tuần này em quyết tâm sẽ vâng lời mẹ em ba lần. Vâng lời trong việc gì, các em có thể nói cụ thể cho chính mình. Nói chung như vậy thì sẽ thế nào nếu các em đã vâng lời mẹ nhiều lần (chứ không chỉ ba lần), và đối với những em không sống với mẹ thì sao? Do đó hãy hướng dẫn rõ ràng để các em tự quyết tâm với Chúa.

Để kết luận, xin mời các bạn, đặc biệt các huynh trưởng và giáo lý viên, chúng ta hãy cùng đọc Tin Mừng Gio-an (2:1-5) và lắng nghe tiếng Chúa Giêsu nói với chúng ta: “1 Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Ca-na miền Ga-li-lê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giê-su.2 Đức Giê-su và các môn đệ cũng được mời tham dự.3 Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giê-su nói với Người: “Họ hết rượu rồi.”4Đức Giê-su đáp: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến.”5 Thân mẫu Người nói với gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo.

 


Bài 4

GIÚP CÁC EM SỐNG ĐẠO
VÀ ĐÀO TẠO NHÂN CÁCH CÁC EM

Ở nhiều giáo xứ, hoạt động giáo lý được chú trọng và giáo lý viên để tâm đến cách sống hàng ngày của từng em học sinh của mình. Đó là điều lý tưởng mà mọi giáo lý viên cần hướng đến. Nhưng vì nhiều lý do, trong đó có những cản trở về thời gian và hoàn cảnh xã hội, ở nhiều nơi, giáo lý chỉ đơn giản là đến lớp nghe cắt nghĩa bài có trong sách và khi hết giờ thì hoạt động giáo lý chấm dứt. Nếu giáo lý chỉ cần như thế thôi thì Giáo Hội đã không thao thức tìm những đường hướng thích hợp và ân cần nhắc bảo như Giáo Hội đã làm. Vậy, dạy giáo lý còn phải được hiều sâu xa hơn và thực hành thật chu đáo.

I. DẠY GIÁO LÝ: GIÚP CÁC EM SỐNG ĐẠO

Tông Huấn Catechesi Tradendae dạy: « Bản chất của việc dạy Giáo Lý gắn liền với tất cả các hoạt động Phụng Vụ và các Bí Tích, vì chính các Bí Tích và nhất là Bí Tích Thánh Thể là nơi Đức Ki-tô hoạt động một cách sung mãn để biến đổi nhân loại. Việc dạy Giáo Lý sửa soạn cho việc lãnh nhận các Bí Tích ». (số 23).

1. Giúp các em cảm được các mầu nhiệm và trung thành sống các mầu nhiệm

Đức tin, các bí tích, việc cầu nguyện… phải là chính cuộc sống người Kytô hữu. Giáo lý giúp các em cảm nghiệm và sống các mầu nhiệm. Việc dạy giáo lý không chỉ là cung cấp kiến thức tôn giáo mà hơn nữa, là huấn luyện đời sống thân tình với Đức Giêsu là Đấng đang sống và hoạt động giữa loài người hôm nay. Nói thế nào cho các em cảm được và sống được như vậy không phải dễ dàng. Chắc chắn phải có sự hướng dẫn và nâng đỡ của Chúa Thánh Linh. Và mỗi giáo lý viên phải làm sao, bằng lời nói và gương sáng của mình, cho các em thấy các mầu nhiệm thánh gắn bó với đời mình còn hơn không khí để thở từng ngày, từng giờ.

2. Giúp các em thực hành Lời Chúa một cách hồn nhiên và trọn vẹn.

Học giáo lý là học và sống Lời Chúa. Các em phải được thấm nhuần Lời Chúa, để Lời Chúa gắn bó với các em như hơi các em thở, hoà nhập vào cuộc đời các em để các em sống và lớn lên hàng ngày với Lời Chúa. Do đó giáo lý viên phải trình bày Lời Chúa sao cho sống động, dễ nhớ, dễ cảm ; và biến Lời ấy thành quyết tâm sống, những quyết tâm cá nhân được gợi lên nhờ lòng mến chứ không phải vì áp đặt chung chung. Muốn như thế, thái độ của giáo lý viên đối với Lời Chúa và cách anh chị nói về Lời Chúa quả thật có một tầm quan trọng lớn lao.

3. Giúp các em chiếu toả Tin Mừng cho thế giới hàng ngày.

Ý thức truyền giáo cũng phải được gieo vào lòng các em thật sớm, vì đó là sứ mạng cao cả gắn liền với bản chất Giáo Hội Chúa Kytô. Các em yêu mến Chúa và Giáo Hội thì các em cũng sẽ góp phần làm cho người chung quanh nhận biết Chúa. Phải tập cho các em biết hãnh diện khi tuyên xưng đức tin dưới bất cứ hình thức nào, làm dấu Thánh Giá khi ăn cơm trước mặt mọi người chẳng hạn. Nếu muốn các em hăng say với bổn phận truyền giáo, các anh chị phải cho các em thấy đức tin của các em là ân huệ siêu nhiên cao cả, cần thiết cho cuộc đời, và các em phải quảng đại chia sẻ ân huệ ấy. Phải làm cho các em thấm nhuần điều mà Học Thuyết Xã Hội Công Giáo dạy : « Sứ mạng của Giáo Hội là công bố và truyền đạt sự cứu độ đã có được trong Đức Giêsu Kitô, mà Người gọi là “Nước Chúa” (Mc 1,15)

II. DẠY GIÁO LÝ : ĐÀO TẠO NHÂN CÁCH CHO CÁC EM

1. Giáo lý đào tạo con người toàn diện

Hội Thánh vẫn luôn trình bày mầu nhiệm cứu độ một cách toàn diện cho con người mọi thời. Giáo lý cũng nằm trong viễn cảnh đó. Có một thời người ta hiểu giáo lý như là dạy các em thuộc vài câu hỏi thưa rồi lãnh nhận các bí tích, thế là đủ. Nhưng một Kytô hữu chỉ được coi là trưởng thành trong đời sống đạo khi người ấy gắn bó đời mình với Đức Giêsu và đổi mới từ tâm hồn, nhân cách đến từng cách sống mỗi ngày theo đòi hỏi của Tin Mừng. Vì thế mà việc dạy giáo lý không thể tách rời con người phần xác, phần xã hội ra khỏi con người của niềm tin thiêng liêng.

2. Giáo dục Việt nam ngày nay không giúp đào tạo nhân cách

Mục tiêu giáo dục là đào tạo con người. Nhưng để phục vụ cho nhiều mục tiêu khác nhau, giáo dục Việt nam bây giờ không góp phần đào tạo con người. Những mớ kiến thức được nhồi nhét cùng với những chiếc cặp oằn vai các em, những bữa ăn vội vã trên yên xe ngoài đường phố khói bụi cho kịp giờ học thêm… có rèn luyện nhân cách các em hay không ? Đó là chưa kể đến sự gian dối tràn lan ở học đường. Ngay cả thầy cô một vài môn học cũng thừa nhận « Chúng tôi nói dối ăn lương ! ».  Ở trong môi trường giáo dục đó, các em sẽ hình thành nhân cách theo hướng nào ? Rõ ràng chúng ta chỉ còn trông chờ vào các lớp giáo lý, nơi đó việc đào tạo nhân cách các em phải được nhấn mạnh cùng với đời sống tâm linh.

3. Giáo lý viên nên làm gì ?

Giữa một xã hội mà việc giáo dục có nhiều vấn đề như thế, lớp giáo lý càng có thêm trách nhiệm đào tạo nhân bản, dưới ánh sáng của Lời Chúa. Dĩ nhiên chúng ta trình bày về Giêsu là trình bày về các mầu nhiệm thánh, nhưng không chỉ là lý thuyết thần học, mà là chính mầu nhiệm Giêsu đi vào cuộc đời để cứu độ con người cả hồn lẫn xác: nâng cao nhân vị (x. Học thuyết Xã hội của Giáo Hội, chương III).

Khi dạy lối sống, rèn nhân cách cho các em, chúng ta cần hướng các em về việc bắt chước trẻ Giêsu ở Nagiarét. Các em cần tập các đức tính nhân bản như : Trung thực, cao thượng, dũng cảm, trách nhiệm, nhân hậu v.v…

Để đào tạo nhân cách các em, giáo lý viên phải kiên trì giảng dạy, uốn nắn và nhất là cầu nguyện cho các em. Gương Chúa Giêsu va mẫu gương các thánh rất cần thiết trong tiến trình đào tạo này.

Giáo lý viên cần chìm sâu vào, ngập lặn trong Giêsu khi soạn bài, khi giảng bài và khi đối xử với các em. Anh chị hãy nói về Giêsu say sưa như chưa bao giờ được nói. Anh chị nên nói sao cho các em cảm được cuộc sống có hai con đường rõ rệt: con đường của Giêsu và con đường thế gian. Con đường Giêsu là con đường thế nào? Tác động của bài giáo lý là giúp các em hiểu về Giêsu hơn – yêu mến Giêsu hơn và quyết định sống như Giêsu.

Nếu chúng ta  gào lên: các em hãy trung thực, đừng nói dối, đừng ăn cắp, các em sẽ nghe theo không? Vậy chúng ta hãy cùng

a/ Giúp các em yêu mến và bắt chước Giêsu ấu thơ bằng cách kể chuyện về Chúa Giêsu và lặp lại lời Người dạy.

b/ Kể cho các em gương các thánh, những người chọn Giêsu làm mẫu mực cho đời mình.

c/ Thời đại hôm nay có rất nhiều bạn trẻ theo gương Giêsu. Ở trường học, người ta đưa ra nhiều “tấm gương” rất kỳ cục, lạ đời, không nhân bản. Chúng ta cần đưa những mẫu gương của các bạn cùng trang lứa với các em, đang sống đời sống tốt đẹp, nhân ái v.v…

d/ Tập cho các em sống đẹp, cao thượng bằng những hoạt động cụ thể.

Nguyện xin Đức Trinh Nữ Maria, người Mẹ trẻ đã thành công rực rỡ trong việc đào tạo Giêsu thơ ấu, chúc lành cho chúng con và giúp chúng con đào tạo các em có hiệu quả. “Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Mẹ”.

 



Bài 5

ÁP DỤNG PHƯƠNG PHÁP
“HỌC SINH LÀ TRUNG TÂM”

Trong mấy thập niên gần đây, các khoa sư phạm không ngừng thay đổi để tìm ra phương thế dạy học hữu hiệu hơn. Nhưng ít người biết là phương pháp hoàn hảo và tối ưu đã được vị Thầy vĩ đại của mọi thời đại là Đức Giêsu đã áp dụng từ đầu Công nguyên. Đó là phương pháp lấy người học là trung tâm, giảng dạy cách sinh động bằng hình ảnh, chú ý đến nhu cầu và trình độ của họ…

I. NGƯỜI HỌC LÀ TRUNG TÂM CỦA TIẾN TRÌNH DẠY – HỌC

Người ta kể câu chuyện vui, trong giờ học chính trị, thầy giáo bực bội nói với sinh viên: “Này các anh chị đang đánh bài ở cuối lớp, hãy giữ im lặng như các anh chị đang ăn ở giữa lớp để các anh chị bàn đầu có thể ngủ”. Những giờ học mà nội dung vô bổ, được dạy kiểu áp đặt thì không thể có hiệu quả được.

Nội dung giáo lý tự bản chất thì phong phú, hữu ích và hấp dẫn. Nhưng giáo lý ấy được con người dạy cho con người trong môi trường xã hội và thời đại, nên dĩ nhiên cần đến những phương thế thích hợp.

Các nghiên cứu mới về sư phạm cho thấy tiến trình dạy và học sẽ có hiệu quả hơn khi người học là trung tâm, còn người thầy chỉ đóng vai trò khích lệ và hướng dẫn. Chúa Giêsu là vị Thầy tuyệt đối, với cả uy quyền và chân lý nơi Người, Người phán Lời quyền năng để biến đổi tất cả, nhưng Người vẫn lắng nghe, chia sẻ và đồng hành khi Người giảng dạy.

Trong giờ giáo lý, Chúa Giêsu là trung tâm và là người Thầy tuyệt đối. Nhưng xét về mặt lớp học hữu hình, khi xem học sinh là trung tâm, giáo lý viên sẽ:

– lắng nghe và hiểu từng học sinh của mình,

– cho các em cộng tác vào tiến trình dạy và học bằng cách đưa ý kiến, đặt câu hỏi…

– thường xuyên thảo luận với nhau và với giáo lý viên.
 

Lấy ví dụ khi giáo lý viên dạy bài về Thánh Lễ. Anh chị đọc bài Tin Mừng về việc Chúa lập bí tích Thánh Thể, cho các em chia sẻ Lời Chúa vừa nghe, rồi hỏi các em về phép lạ Chúa hoá bánh ra nhiều hoặc lời Chúa tiên báo về cuộc tử nạn, có thể hỏi các em về biến cố manna trong sa mạc ngày xưa… Chắc chắn lớp học sẽ sinh động hơn là mình anh chị độc thoại suốt buổi.

II. DẠY GIÁO LÝ THEO PHƯƠNG PHÁP HOẠT ĐỘNG

Cách đây khá lâu, một giáo sư Hàn quốc dạy cho một nhóm thanh niên Á Châu ở Singapore về các vấn đề của giới trẻ. Mỗi buổi học ông đưa ra một vài hoạt động. Có lần ông viết lên bảng một từ tiếng Hàn, chẳng ai biết nghĩa. Rồi ông viết câu tiếng Anh sau đó: “Open it”, mọi người đoán đó là cửa sổ, cửa ra vào, mắt… Rồi ông thêm vào “Open it. It’s very hot in here”. Vậy là ai cũng biết từ ấy nghĩa là cửa sổ. Ông bảo: “Một từ chỉ có nghĩa khi đứng trong ngữ cảnh. Vậy con người chỉ hình thành nhân cách khi sống trong cộng đồng”. Hơn mười năm qua, nhiều người vẫn nhớ bài học ấy vì nó khởi đầu bằng một hoạt động.

Chúa Giêsu rao giảng bao giờ cũng với những hoạt động để làm người nghe chú ý. Người chỉ chim trời hay bông hoa để nói về Chúa Quan Phòng, Người đưa các môn đệ đến đồng lúa chín để giảng về công cuộc truyền giáo… Chúng ta không thể không bắt chước Người.

Các cô giáo dạy Anh văn cho trẻ em bây giờ hay dùng phương pháp hoạt động, đi đâu cũng lỉnh kỉnh học cụ, bản đồ… Giáo lý viên cũng phải mang lỉnh kỉnh trên người, trong tâm trí và có sẵn trong lớp mọi dụng cụ cần thiết cho các hoạt động trong lớp. Giáo lý viên đến lớp giáo lý tay không thì các em ra về đầu óc rỗng không.

Chúng ta thử đưa ra một ví dụ. Các em sắp học bài “Chúa Giêsu tha tội cho em”. Giáo lý viên đưa hình ảnh cành cây bị gãy và đứa con đi xa. Cho các em thảo luận và trả lời “Cành cây héo vì không với thân cây. Đứa con buồn chán vì bỏ nhà cha mẹ…” Rồi giáo lý viên đọc Tin Mừng về Người Cha nhân hậu hay về việc Chúa gọi ông Giakêu. Sau đó giáo lý viên giảng vắn tắt, rồi kể những câu chuyện Phúc Âm có liên quan. Cuối giờ cho các nhóm thi kể lại các câu chuyện… Có lẽ các em sẽ hiểu và nhớ bài học hơn.

III. CÁC TRÒ CHƠI TRONG LỚP GIÁO LÝ

Chúng ta thường có thói quen hễ thấy học sinh uể oải là cho cả lớp hát hay chơi trò chơi. Nhưng kiểu “chữa cháy” như thế không có lợi bao nhiêu, một là chơi xong lại căng thẳng nghe giảng dài dòng thì các em lại chán, hai là nếu trò chơi không có ý nghĩa gì liên quan đến bài học thì sẽ vô bổ. Đang dạy vể đức yêu thương mà cho các em chơi trò “bắn trúng ai thì chết” chẳng hạn, là phản tác dụng vô cùng.

Do đó, trò chơi trong lớp giáo lý là cần thiết và ích lợi nếu nó bảo đảm ba điều:

– Trò chơi ấy là một phần của các hoạt động giáo lý, có chủ định và soạn kỹ trước.

–  Trò chơi ấy có ý nghĩa rõ ràng, ví dụ đang dạy bài “Em là chứng nhân Tin Mừng”, giáo lý viên cho các em chơi trò “Dắt người mù vượt chướng ngại vật” để các em ý thức vai trò “ánh sáng” của người mang lấy Đức Kytô khi sống trong xã hội.

– Trò chơi không mất giờ, mất sức các em nhiều, cũng không lạm dụng, theo kiểu giờ nào cũng chơi trò chơi.
 

Vì thế, giáo lý viên phải năng động, sáng tạo để nghĩ ra hay “chế biến” trò chơi sao cho phù hợp với bài mình dạy.


Lạy Chúa Giêsu là Thầy của chúng con, Chúa đã bảo hãy để trẻ nhỏ đến với Chúa, vì Chúa yêu thương các em với cả tâm hồn. Xin cho giáo lý viên chúng con khám phá ra gương mặt của Chúa nơi các em, để chúng con hết lòng với các em và tận tâm với sứ mạng của mình vì lòng yêu mến Chúa. Amen.

 
 
Gioan Lê Quang Vinh

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận