Quan điểm Công giáo về Trách nhiệm của Giáo Hội trước các vấn đề xã hội

1511 lượt xem

ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm

Tháng 6.1989, Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ công bố tài liệu mang tựa đề A Time for Dialogue and Healing : A Pastoral Reflection on United States – Vietnam Relations (Thời điểm cho đối thoại và chữa lành : Một suy tư mục vụ về mối quan hệ Hoa Kỳ – Việt Nam), trong đó các Giám mục lên tiếng thúc đẩy việc bình thường hoá quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ (1).

Năm 2002, khi Tổng thống Mỹ Georges W. Bush quyết định tấn công Iraq, một trong những người kiên quyết tìm mọi cách ngăn cản cuộc chiến tranh là Đức Cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II, đến nỗi vào giờ phút chót, ngài vẫn cử một đặc sứ sang tận Washington, D.C. đích thân gặp Tổng thống Mỹ nhằm thuyết phục ông thay đổi quyết định tấn công Iraq.

Nếu theo dõi các tuyên bố của các Hội Đồng Giám Mục Công Giáo tại nhiều quốc gia, sẽ thấy các ngài lên tiếng về hầu hết các vấn đề xã hội, kinh tế và chính trị như chạy đua vũ trang, hoà bình tại Trung Đông, môi sinh… và những vấn đề khác.

Những sự kiện trên khiến nhiều người đặt vấn đề: Tại sao Giáo Hội lại lên tiếng về các vấn đề xã hội, kinh tế và chính trị? Sứ mạng của Giáo Hội lại chẳng phải là sứ mạng thiêng liêng sao? Khi can thiệp vào các vấn đề xã hội như thế, liệu Giáo Hội có thi hành đúng chức năng của mình không? Có gây tranh chấp với chính quyền dân sự không? Phải làm gì để giải quyết?

Bài viết này không có tham vọng giải quyết mọi vấn đề, chỉ mong trình bày một vài gợi ý và định hướng căn bản, dĩ nhiên là từ quan điểm của Giáo Hội Công giáo. Theo đó, bài viết này sẽ bàn đến (1) mối tương quan giữa sứ mạng của Giáo Hội và trách nhiệm đối với các vấn đề xã hội, và (2) tương quan giữa Giáo Hội và Chính quyền trong những vấn đề xã hội.

I. TƯƠNG QUAN GIỮA SỨ MẠNG LOAN BÁO TIN MỪNG VÀ TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI

Sứ mạng chính yếu của Giáo Hội là loan báo Tin Mừng cho muôn dân, và sứ mạng này có mối liên hệ mật thiết với trách nhiệm xã hội về cả ba mặt : đối tượng, mục đích và nội dung (2).

Đối tượng của việc loan báo Tin Mừng là muôn dân, là những con người cụ thể, cho nên phục vụ con người trở thành con đường quan trọng nhất và căn bản nhất của Giáo Hội (3). Con người mà Giáo Hội có trách nhiệm phục vụ vừa là một nhân vị độc đáo vừa là hữu thể mang tính xã hội. Một đàng, mỗi con người là một nhân vị độc đáo, không thể thay thế, và vì thế, phải tôn trọng mỗi con người từ khi thụ thai cho đến lúc lìa đời, bất kể sang hèn, trí thức hay bình dân, khoẻ mạnh hay đau yếu. Đàng khác, tự bản chất, con người là hữu thể xã hội, sống trong một mạng lưới phức tạp với vô số quan hệ xã hội, đặc biệt trong thời đại toàn cầu hoá ngày nay, và con người chỉ có thể sống và phát triển khả năng của mình trong mối liên hệ với người khác. Tất cả những gì diễn ra trong xã hội đều gây âm hưởng trên con người cũng như trên mọi mặt của đời sống; ngược lại, chính con người là chủ thể và tác nhân của đời sống xã hội, xã hội phát triển hay trì trệ đều do chính con người làm nên (4). Chính vì thế, để phục vụ con người cách hiệu quả, không thể không quan tâm đến chiều kích xã hội này, cũng có nghĩa là phải quan tâm đến các vấn đề xã hội. Hơn thế nữa, các vấn đề chính trị và xã hội lại liên quan đến khía cạnh đạo đức là trách nhiệm đặc thù của Giáo Hội, chẳng hạn chiến tranh, tham nhũng, phá thai, gian dối…, nên Giáo Hội lại càng cần phải quan tâm nhằm làm cho đời sống con người trở nên nhân bản hơn (5). Xã hội, và cùng với xã hội là chính trị, kinh tế, lao động, luật lệ và văn hoá, tất cả đều hàm chứa trong nó những giá trị đạo đức , và vì thế, không thể xa lạ với sứ mạng loan báo Tin Mừng (6).

Kế đến, mục đích mà sứ mạng loan báo Tin Mừng hướng tới là dẫn đưa con người đến Nước Trời, vương quốc của Thiên Chúa như Công đồng Vaticanô II khẳng định : “Mục đích duy nhất của Giáo Hội là làm cho Nước Chúa trị đến và toàn thể nhân loại được cứu rỗi. Mọi lợi ích mà Dân Chúa trong hành trình tại thế có thể đem lại cho gia đình nhân loại đều phát xuất từ sự kiện này : Giáo Hội là bí tích phổ quát của ơn cứu độ, nghĩa là Giáo Hội tỏ bày và đồng thời thực hiện mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa đối với con người” (7). Thế nhưng Nước Trời mà Giáo Hội loan báo không chỉ là vương quốc thánh thiện và ân sủng trong thế giới mai sau, mà còn là vương quốc của công lý, yêu thương và hoà bình, nghĩa là những giá trị cần được xây đắp và vun trồng trong đời sống xã hội cụ thể, ở đây và lúc này (8). Đàng khác, Giáo Hội không loan báo Tin Mừng Nước Trời trong cõi thiêng liêng trừu tượng mà là trong bối cảnh cụ thể của lịch sử và thế giới mà con người đang sống, do đó Giáo Hội không thể không quan tâm đến các vấn đề xã hội (9). Như thế, có mối liên hệ hữu cơ giữa sứ mạng loan báo Tin Mừng và trách nhiệm phục vụ sự thăng tiến con người.

Thiết nghĩ ở đây cần làm sáng tỏ mối quan hệ giữa tự nhiên và siêu nhiên. Theo quan điểm công giáo, tự nhiên và siêu nhiên không phải là hai lãnh vực tách biệt nhau, lại càng không phải là hai thực thể đối lập nhau; đúng hơn, đó là hai lãnh vực thấm nhập vào nhau. Vì thế, không nên hiểu siêu nhiên như một thực thể hay một địa điểm bắt đầu từ nơi mà tự nhiên kết thúc, nhưng phải hiểu siêu nhiên như sự nâng đỡ và lôi kéo tự nhiên lên một bình diện cao hơn. Hiểu như thế, không có gì trong thế giới tự nhiên, không có gì là của con người mà lại xa lạ hay bị loại trừ khỏi trật tự siêu nhiên của đức tin và ân sủng; trái lại, tất cả đều có mặt trong trật tự này, đều được đảm nhận và nâng cao (10). Trung tâm của đức tin Kitô giáo là mầu nhiệm Thiên Chúa làm người và trong mầu nhiệm này, toàn bộ con người xét như hữu thể duy nhất xác-hồn và là một hữu thể xã hội – chứ không chỉ riêng linh hồn hay một hữu thể khép kín trong cá tính riêng của mình – đã được nâng lên một trật tự mới, trật tự siêu nhiên và ân sủng. Như thế, con người toàn diện và cả xã hội loài người đã được đưa vào trong nhiệm cục cứu độ của Tin Mừng. Do đó, loan báo Tin Mừng không chỉ có nghĩa là phục vụ linh hồn mà bỏ quên thân xác, cũng không chỉ quan tâm đến ơn cứu độ cá nhân mà lãng quên những thực tại xã hội. Đúng hơn, sứ mạng loan báo Tin Mừng đòi hỏi Giáo Hội phải làm cho những giá trị của Tin Mừng thấm nhuần đời sống xã hội và phong phú hóa đời sống đó (11). Như thế, có sự phân biệt giữa hai lãnh vực thiêng liêng và trần thế, nhưng đàng khác, không có tách biệt, lại càng không có đối kháng giữa sứ mạng thiêng liêng của Gíao Hội và mối quan tâm của Gíao Hội về công lý và hoà bình, bởi lẽ siêu nhiên thấm nhập vào tự nhiên và nâng con người lên một bình diện mới : “Trong khi theo đuổi mục đích cứu độ cá biệt của mình, Giáo Hội không chỉ truyền thông sự sống Thiên Chúa cho con người, mà còn chiếu giãi ánh sáng của đời sống ấy cách nào đó trên toàn thế giới. Giáo Hội làm công việc này trước hết bằng cách chữa trị và nâng cao phẩm giá của nhân vị, củng cố cơ cấu của xã hội nhân loại và làm cho hoạt động thường nhật của con người được thấm nhuần một định hướng và ý nghĩa sâu xa hơn” (12).

Ngoài ra, trọng tâm của Tin Mừng mà Giáo Hội có sứ mạng loan báo là tình yêu vì Thiên Chúa là Tình Yêu. Bác ái là điều răn mới và điều răn trung tâm của Kitô giáo. Nhưng làm sao có thể công bố điều răn đó mà lại không quan tâm đến tình trạng công lý và công bằng cho con người? Ở tự nó, tình yêu đã hàm chứa chiều kích xã hội vì yêu thương luôn luôn là hướng đến một tha thể ở ngoài mình. Chiều kích xã hội này càng mạnh mẽ và khẩn thiết hơn trong một thế giới mà tiến trình xã hội hoá đã vươn đến tầm cao. Bác ái không chỉ còn được nhìn trong tương quan giữa cá nhân với cá nhân mà đòi hỏi phải quan tâm đến các vấn đề xã hội, vì những vấn đề này đụng chạm tới sự sống và hạnh phúc của những con người mà ta yêu thương và phục vụ. Vì thế, phải nói rằng chính điều răn yêu thương – chứ không phải động lực hay tham vọng nào khác – thúc đẩy người Kitô hữu dấn thân cho công lý và hoà bình, làm cho công bằng và bác ái lan tràn trong mỗi dân tộc và giữa các dân tộc (13).

Nói tóm lại, nhìn vào đối tượng, mục đích hay nội dung của sứ mạng loan báo Tin Mừng, ta đều thấy mối liên hệ mật thiết giữa việc loan báo Tin Mừng và việc thăng tiến con người đến nỗi Thượng Hội Đồng các Giám mục thuộc thế giới thứ ba tuyên bố : “Hành động của Giáo Hội nhằm xây dựng công lý và tham gia vào việc biến đổi thế giới nên tốt hơn là một chiều kích cấu thành (a constitutive dimension) trong sứ mạng của Giáo Hội nhằm cứu rỗi nhân loại và giải thoát họ khỏi mọi tình trạng áp bức” (14). Thực ra, đây không phải là điều gì mới mẻ nhưng là đòi hỏi cắm rễ sâu trong truyền thống lâu đời của Kitô giáo.

Thánh Kinh Cựu ước còn ghi lại những chỉ dẫn cụ thể về Năm sabát, nhất là Năm toàn xá, Năm thánh (x. Lêvi chương 25). Năm thánh là năm thuộc về Chúa là Đấng Thánh, năm tôn vinh Thiên Chúa là chủ của vũ trụ, thế giới và con người, đồng thời là năm tái lập sự công bằng trên trái đất và là năm giải thoát cho cả đất đai : “Trong năm toàn xá, mỗi người trong các ngươi sẽ trở về phần sở hữu của mình… Không ai trong các ngươi được gây thiệt hại cho đồng bào mình, nhưng các ngươi phải kính sợ Thiên Chúa vì Ta là Chúa, Thiên Chúa của các ngươi… Trong năm đó, các ngươi không được gieo, không được gặt lúa tự nhiên mọc, không được hái trong vườn nho không cắt tỉa, đó sẽ là một năm đất nghỉ” (Đnl 25, 2-17). Như thế, từ rất lâu, những chỉ dẫn về Năm thánh đã phản ánh ý thức cao độ về công bằng xã hội và cả việc bảo mệ môi sinh là những vấn đề mà thế giới hôm nay càng ngày càng ý thức hơn.

Cũng trong truyền thống đó, các tiên tri là những người hết sức nhạy bén trước nỗi đau của con người, do đó cũng nhạy bén trước những bất công xã hội. Tiếng nói của các ngài vừa là tiếng nói thay cho cơn hấp hối câm lặng của người nghèo vừa vọng lại cơn giận của Thiên Chúa (15). Hãy thử đọc lại một trong nhiều bài giảng của các tiên tri để cảm nhận sự nhạy bén này :

“Hãy nghe đây, hỡi những ai đàn áp người cùng khổ
và tiêu diệt kẻ nghèo hèn trong xứ.
Các ngươi thầm nghĩ :
Bao giờ ngày mồng một qua đi cho ta còn bán lúa,
Bao giờ mới hết ngày sabát để ta bày thóc ra?
Ta sẽ làm cho cái đấu nhỏ lại, cho quả cân nặng thêm,
Ta sẽ làm lệch cán cân để đánh lừa thiên hạ.
Ta sẽ lấy tiền bạc mua đứa cơ bần,
đem đôi dép đổi lấy tên cùng khổ,
Cả lúa nát, gạo mục, ta cũng đem ra bán.
Đức Chúa đã lấy thánh danh là niềm hãnh diện của Giacóp mà thề :
Ta sẽ chẳng bao giờ quên hành vi nào của chúng.
Há chẳng phải vì vậy mà đất rung chuyển,
Và toàn thể dân cư lâm cảnh tang tóc đó sao?” (Amos 8,4-8)

Cũng trong truyền thống đó, Đức Giêsu đã bắt đầu sứ vụ của Người với chương trình hành động là “loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố năm hồng ân của Chúa” (Lc 4, 18-19).

Như thế, sẽ chẳng có gì khác lạ nếu Giáo Hội ngày nay lên tiếng về các vấn đề xã hội với ước mong góp phần làm cho cuộc sống con người trở thành nhân bản hơn. Giáo Hội chỉ đặt mình trong dòng chảy tự nhiên của truyền thống Kitô giáo và là đòi hỏi nội tại trong chính sứ mạng loan báo Tin Mừng. Tuy nhiên, khi Giáo Hội can thiệp vào các vấn đề xã hội, đâu là tương quan giữa Giáo Hội và chính quyền ?

II. TƯƠNG QUAN GIỮA GIÁO HỘI VÀ CHÍNH QUYỀN 

Bàn về mối tương quan giữa Giáo Hội và Chính quyền, thiết nghĩ trước hết nên có sự phân biệt giữa xã hội dân sự và cộng đồng chính trị. Xã hội dân sự là “tổng hợp bao gồm các mối quan hệ và các nguồn lực về văn hoá lẫn hiệp hội, và những mối quan hệ cũng như các nguồn lực này độc lập cách tương đối với lãnh vực chính trị và kinh tế” (16). Từ xã hội dân sự này, phát xuất cộng đồng chính trị là cộng đồng được thiết lập nhằm phục vụ những con người và những tập thể làm nên xã hội dân sự. Do đó, không nên coi xã hội dân sự chỉ như một thành phần của cộng đồng chính trị. Đúng hơn, Nhà Nước cung cấp khung pháp lý thích đáng để điều hoà các mối quan hệ của mình với xã hội dân sự theo nguyên tắc bổ trợ (17).

Theo đó, có thể nói đến tương quan giữa Giáo Hội và Chính quyền dân sự là tương quan trong đó cả hai bên tôn trọng sự độc lập chính đáng của nhau, đồng thời hợp tác với nhau nhằm phục vụ con người cách tốt đẹp nhất.

Giáo Hội tôn trọng quyền bính hợp pháp và chính đáng của Nhà Nước. Sự tôn trọng này phát xuất từ sự nhìn nhận tính độc lập chính đáng của những thực tại trần thế như Công đồng Vaticanô II minh định : “Nếu sự độc lập của các thực tại trần thế được hiểu là các thụ tạo và các xã hội đều có những định luật và giá trị riêng mà con người phải khám phá dần dần, sử dụng và điều hoà, thì đòi hỏi sự độc lập như thế là một việc hoàn toàn chính đáng. Đó là điều không những người đương thời đòi hỏi, mà còn phù hợp với ý muốn của Đấng Tạo hoá” (18). Cũng vậy, “Giáo Hội tôn trọng sự tự trị chính đáng của trật tự dân chủ và không mang danh nghĩa nào để ủng hộ ưu tiên cho giải pháp này hay giải pháp kia, liên quan đến định chế hay hiến pháp” (19). Do đó, Giáo Hội không can thiệp vào các vấn đề kỹ thuật, cũng không đề xuất hay thiết lập những hệ thống hoặc những mô hình tổ chức xã hội. Đó không phải là sứ mạng mà Đức Kitô muốn trao cho Giáo Hội. Theo Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI, sự phân biệt giữa Nhà Nước và Giáo Hội như thế là thành phần trong cấu trúc nền tảng của Kitô giáo. Giáo Hội tôn trọng và nhìn nhận sự phân biệt và tự trị này, coi đó là tiến bộ lớn của nhân loại và là điều kiện nền tảng cho sự tự do của Giáo Hội cũng như cho việc Giáo Hội chu toàn sứ mạng cứu độ phổ quát giữa các dân tộc (20).

Đồng thời, Giáo Hội cũng mong muốn Nhà Nước tôn trọng sự độc lập chính đáng của Gíao Hội : “Giáo Hội xét như sự biểu lộ xã hội của đức tin Kitô giáo có sự độc lập của mình và dựa trên nền tảng đức tin, sống hình thức cộng đoàn của mình mà Nhà Nước phải tôn trọng” (21). Cách cụ thể, Chính quyền tôn trọng sự độc lập chính đáng của Giáo Hội khi tôn trọng sự tự do phát biểu, tự do giảng dạy và loan báo Tin Mừng; tự do thờ phượng chung; tự do tổ chức và cai quản trong nội bộ Giáo Hội; tự do tuyển chọn, giáo dục, bổ nhiệm và thuyên chuyển các người thừa hành của mình; tự do xây dựng các cơ sở tôn giáo, tự do tìm kiếm và sở hữu của cải đủ cho hoạt động của mình; và tự do thành lập các hiệp hội không chỉ cho các mục tiêu tôn giáo mà còn cho các mục tiêu giáo dục, văn hoá, y tế và bác ái (22). Đồng thời, Giáo Hội cũng phải được quyền nói lên nhận định luân lý của mình về cả những vấn đề liên quan đến lãnh vực chính trị khi quyền lợi căn bản của con người hay phần rỗi các linh hồn đòi hỏi (23).

Theo đó, khi Giáo Hội lên tiếng về các vấn đề xã hội, Giáo Hội không làm chính trị nhưng muốn hợp tác với Nhà Nước để xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người. Thật vậy, Gíao Hội không có chức năng làm chính trị, cũng không chấp nhận bị đồng hoá với một cộng đoàn chính trị nào, hoặc cấu kết với bất cứ hệ thống chính trị nào. Giáo Hội cũng không muốn cậy nhờ vào những đặc ân của thế quyền. Hơn thế nữa, “Giáo Hội cũng sẽ từ chối việc sử dụng một số quyền lợi đã được hưởng cách chính đáng khi thấy rằng việc sử dụng những quyền lợi đó làm cho người ta nghi ngờ về lòng thành muốn làm chứng nhân của mình” (24). Giáo Hội chỉ muốn hợp tác với Nhà Nước trong việc xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Và Giáo Hội thực hiện mục đích này bằng cách đào tạo lương tâm các Kitô hữu và thức tỉnh lương tri của mọi người trong xã hội.

Trước hết, Giáo Hội cố gắng đào tạo ý thức xã hội nơi các Kitô hữu, giúp họ ý thức rằng mình có bổn phận phải phục vụ công ích, đồng thời giúp họ có khả năng sống những giá trị Phúc âm trong mọi lãnh vực văn hoá, xã hội, kinh tế và chính trị; hơn nữa, góp phần làm cho các thực tại trần thế mang tính nhân bản và phù hợp với Tin Mừng hơn.  Đối với các Kitô hữu dấn thân trong lãnh vực chính trị, Giáo Hội mong muốn giúp họ đào tạo lương tâm chính trị, biết từ bỏ những tiện nghi và lợi lộc vật chất cá nhân để toàn tâm toàn ý lo cho công ích (25).

Ngoài ra, khi lên tiếng về các vấn đề xã hội, Giáo Hội không chỉ lên tiếng cho con cái mình mà còn vì ích chung của tất cả mọi người trong xã hội, không phân biệt tôn giáo hay giai tầng xã hội. Những can thiệp này nhằm phục vụ và giúp đỡ việc giáo dục lương tâm trong chính trị, giúp nhận thức rõ ràng những đòi hỏi đích thực của công bằng và chuyển nhận thức đó thành hành động, dù phải hi sinh những lợi ích riêng tư. Thật vậy, mục đích của chính trị là thiết lập công bằng nhưng công bằng không phải là ý tưởng trừu tượng mà là vấn đề của lý trí thực tiễn, đồng thời là thực tại cần phải xây dựng trong từng hoàn cảnh cụ thể. Điều đó đòi hỏi lý trí phải hoạt động cách đúng đắn và trong sáng. Trong khi đó, kinh nghiệm lại cho thấy lý trí rất dễ bị chi phối bởi cám dỗ về lợi nhuận cũng như quyền lực. Chính vì thế, lý trí cần được thanh luyện liên tục để thực sự phục vụ sự công bằng (26). Giáo huấn xã hội của Giáo Hội lập luận dựa trên lý trí và luật tự nhiên, có nghĩa là những gì phù hợp với bản tính con người. Đây là cơ sở nền tảng để mọi người trong xã hội – dù khác biệt nhau về tôn giáo, quan điểm chính trị, lập trường xã hội – đều có thể dựa vào mà tiến hành cuộc trao đổi thẳng thắn và cởi mở về các vấn đề xã hội.

Hiểu như thế, Chính quyền và Giáo Hội, mỗi bên với lãnh vực riêng của mình, đều độc lập và tự trị. Tuy nhiên, dù dưới danh hiệu khác nhau, cả hai cũng đồng phục vụ cho con người trong sứ mạng cá nhân và xã hội. Tuỳ theo hoàn cảnh và địa phương, nếu cả hai càng duy trì được sự hợp tác lành mạnh, thì càng phục vụ lợi ích của con người cách hữu hiệu hơn (27).

Trong thực tế, để sự hợp tác có thể mang lại kết quả tốt đẹp nhất cho mọi người, cần có sự đối thoại thẳng thắn và cởi mở giữa Chính quyền và Giáo Hội vì các vấn đề xã hội thường phức tạp và luôn biến chuyển. Hơn thế nữa, không thể phủ nhận rằng nhân sinh quan và thế giới quan của hai bên khác nhau, vì thế cũng nhìn nhận và giải quyết vấn đề cách khác nhau. Ngoài ra, những vấn đề xã hội thường không chỉ đơn thuần là vấn đề kinh tế hay chính trị nhưng luôn bao hàm chiều kích nhân văn và đạo đức, vì thế cần sự bổ túc cho nhau nhằm hướng đến một giải đáp mang tính toàn diện. Nhờ đối thoại, Giáo Hội và Nhà nước có thể  hiểu biết nhau hơn, xác định những hình thức bền vững và những phương thế thích hợp để bảo đảm cho quan hệ giữa hai bên được hài hoà, ngăn cản và làm giảm bớt các xung đột có thể có giữa Giáo Hội và cộng đồng chính trị, bổ túc cho nhau trong cách giải quyết các vấn đề nhằm mưu cầu ích chung. Đây không chỉ là lý thuyết mà còn là kinh nghiệm lâu đời của Giáo Hội Công giáo vốn hiện diện trong nhiều đất nước với những thể chế chính trị khác nhau.

Kết luận

Là những người Việt Nam và là cộng đoàn các môn đệ của Đức Giêsu, Giáo Hội Công giáo tại Việt Nam lấy vui mừng và hi vọng, ưu sầu và lo lắng của người dân Việt làm vui mừng và hi vọng, ưu sầu và lo lắng của chính mình, và không có gì là của con người mà không gieo âm hưởng trong lòng Giáo Hội. Trong những năm qua, ý thức đó đã thúc đẩy Giáo Hội góp phần giải quyết các vấn đề xã hội trong khuôn khổ luật pháp cho phép, và còn muốn góp phần nhiều hơn nữa trong tương lai (28). Đồng thời Giáo Hội cũng ý thức rằng để góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, Giáo Hội cần tiến hành cuộc đối thoại đa diện : đối thoại với Chính quyền là những người có trách nhiệm tổ chức, ổn định và xây dựng xã hội; đối thoại với các tôn giáo vốn là nền móng những giá trị đạo đức của dân tộc; đối thoại với văn hoá dân tộc là nguồn của những giá trị nhân văn đích thực và ngày nay đang có nguy cơ bị xói mòn; đối thoại với con người, nhất là người nghèo vốn vẫn chiếm đa số trong cộng đồng dân tộc. Cuộc đối thoại đó đòi hỏi Giáo Hội lắng nghe để có thể hiểu được tâm tư khát vọng của người dân, tâm tư được thể hiện bằng lời và nhiều khi bằng cả sự im lặng! Giáo Hội cũng ý thức rằng đây không phải là cuộc đối thoại dễ dàng do những thành kiến của lịch sử cũng như do sự khác biệt trong cách nhìn và cách giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, Giáo Hội xác tín rằng đó là con đường tốt nhất phải đi để xây dựng sự hợp tác chân thành và đích thực nhằm xây dựng một xã hội mỗi ngày tốt đẹp hơn và xứng với phẩm giá con người hơn.

—————————————
(1)  Pastoral Letters and Statements of the United States Catholic Bishops, Volume VI (1989-1997), 72-79.
(2)  Sứ mạng này phát xuất từ chính mệnh lệnh của Đức Giêsu : “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép Rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28,19-20).
(3)  Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Tóm lược Học thuyết xã hội của Giáo Hội Công giáo (HTXH), Nxb. Tôn giáo, 2007, số 62.
(4)  Ibid., số 61.
(5)  Đức Giáo hoàng Bênêđitô XVI đã nhấn mạnh khía cạnh luân lý này trong Sứ điệp cho Ngày Hoà bình thế giới 2009. X. Message of His Holiness Pope Benedict XVI for the Celebration of the World Day of Peace, 1 January 2009, số 3-7.
(6)  HTXH, số 61.
(7)  Hiến chế mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay (MV) số 45.
(8)  Ibid., số 39
(9)  HTXH số 60
(10)  Ibid., số 63
(11)  Ibid., số 62
(12)  MV số 40
(13)  MV số 76.
(14)  Third World Synod of Bishops, Justitia in mundo, số 6.
(15)  Rabbi Abraham Joshua Heschel xem đây là nét nổi bật của các tiên tri trong Cựu Ước đến nỗi có thể dựa vào tiêu chuẩn đó để phân biệt giữa tiên tri thật và tiên tri giả. X. The Prophets, New York : Harper & Row, 1962.
(16)  HTXH số 417.
(17)  HTXH số 418.
(18)  MV số 36.
(19)  Gioan Phaolô II, thông điệp Centesimus annus, số 47.
(20)  Phát biểu của Đức Bênêđictô XVI khi đến thăm Toà Đại sứ Italia tại Toà Thánh (tháng 12.2008)
(21)  Thông điệp Thiên Chúa là Tình yêu, số 28.
(22)  HTXH số 426, Dignitatis humanae số 4.
(23)  MV số 76.
(24)  MV số 76.
(25)  HTXH, số 530-532.
(26)  Thiên Chúa là Tình Yêu, số 28
(27)  X. MV số 76. Cách riêng về phía Giáo Hội, theo cách diễn tả của Hồng y Roger Mahoney, có hai tiến trình : (1) phi chính trị hoá (depoliticization) tức là không biến mình thành một lực lượng chính trị vì như thế là sai với bản chất và sứ mạng của Gíao Hội, (2) tái hoà nhập xã hội (resocialization) tức là quan tâm đến các vấn đề xã hội, coi đó như thành phần thiết yếu trong sứ mạng của Gíao Hội. (X. Mahoney, As I have done for you, Origins 29/46 (May 4, 2000), p. 748.
(28)  Giáo Hội tại Việt Nam đã tích cực góp phần trong những chương trình xoá đói giảm nghèo, giáo dục trẻ đường phố, chăm sóc những người có HIV/AIDS… Giáo Hội còn muốn tham gia tích cực hơn nữa vào lãnh vực y tế và giáo dục học đường; tuy nhiên, cho đến nay, khuôn khổ luật pháp vẫn chưa cho phép Giáo Hội tham gia vào những lãnh vực trên.

+GM Phêrô Nguyễn Văn Khảm

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận