Chiêu thức của ma quỷ tại Thượng Hội Đồng

2879 lượt xem

CHIÊU THỨC CỦA MA QUỶ TẠI THƯỢNG HỘI ĐỒNG

Một ngày nọ, tôi chợt nhận ra một điều: Ma quỷ chắc chắn sẽ tham dự Thượng Hội đồng về Hiệp Hành, ngay cả khi đó là một thành viên không bỏ phiếu.

Louis J. Cameli

Không có gì ngạc nhiên. Bất cứ khi nào một biến cố nào đó thiêng liêng và quan trọng diễn ra, kẻ thù sẽ cố gắng phá hoại nó bằng cách chiếm lấy tự do của con người, bóp méo nó, lôi kéo nó và dẫn đến một hệ quả xấu.

Vài năm trước, tôi đã viết một cuốn sách có tựa đề The Devil You Don’t Know: Recognizing and Resisting Evil in Everyday Life[1]. Kinh nghiệm của tôi với tư cách là một môn đệ đang chiến đấu, một giáo sư dạy linh đạo và một vị linh hướng đã thúc đẩy tôi chia sẻ những gì tôi đã biết về công việc ma quỷ thường làm trong những cuộc sống cá nhân và tập thể của chúng ta. Kết luận của tôi rất đơn giản. Có bốn hoạt động chính của ma quỷ (có thể là một Đạo Binh – Legion): lừa dối, gây chia rẽ, đánh lạc hướng và gây chán nản. Thượng hội đồng cho thấy một cánh đồng chín muồi cho sự ma mãnh của ma quỷ.

Tại sao? Bởi vì kỳ vọng quá cao.

Theo tôi hiểu Thượng Hội Đồng, nguồn gốc của nó nằm trong Công Đồng Vatican II, đặc biệt hơn, nằm trong những lời của Thánh Giáo hoàng Phaolô VI tại buổi khai mạc phiên họp thứ hai của Công đồng, vào ngày 29 tháng Chín năm 1963, trong đó, ngài đưa ra tầm nhìn của Công đồng mà sẽ tiếp tục mở ra và được thực hiện đầy đủ, và bây giờ được đưa ra trong Thượng Hội đồng về Hiệp Hành. Đức Phaolô VI cho biết:

“Giáo hội ý thức chính mình rõ ràng hơn khi Giáo Hội gắn bó một cách trung thành với lời giảng dạy và giáo huấn của Chúa Kitô; khi Giáo Hội ôm ấp các sắc lệnh đã được minh chứng của Thánh Truyền với ký ức thánh thiện; và khi Giáo Hội tuân phục ánh sáng nội tâm của Chúa Thánh Thần. Và dường như Chúa Thánh Thần muốn Giáo Hội trong thời đại của chúng ta chiến đấu với tất cả sức lực của mình để làm cho nhân loại nhận ra một rõ ràng điều Giáo hội thực sự là”.

Trong nhãn quan của Đức Phaolô VI, Công đồng Vatican II nói về việc Giáo hội tuyên bố một cảm thức sâu sắc hơn về chính mình như mình thực sự là. Và ý thức đó sẽ giúp thế giới nhận ra Giáo Hội là khí cụ cứu độ của Thiên Chúa. Thượng Hội đồng về Hiệp Hành đang thực hiện tầm nhìn và viễn tượng này. Kỳ vọng này cao thật! Rõ ràng, kỳ vọng này thuộc trật tự thiêng liêng cao nhất và mang nhiều ý nghĩa đối với sứ mệnh của Giáo hội giữa một thế giới hỗn loạn và bị tổn thương sâu sắc.

Bởi công việc của Thượng Hội đồng về Hiệp Hành thực sự là một công việc thánh thiêng và được định sẵn để thúc đẩy sứ mạng thiêng liêng mà Chúa đã ủy thác cho Giáo hội của Người, nên chắc chắn những cám dỗ sẽ là một phần không thể tránh khỏi của tiến trình này. Ma quỷ sẽ có những mưu mô làm trật hướng Thượng Hội Đồng. Trước nguy cơ xuất hiện một thế lực xấu xa đặc biệt bên trong, tôi muốn nêu ra đây một số khả thể mà kẻ thù có thể thực hiện với những hoạt động chính của ma quỷ mà tôi đã đề cập trước đó: lừa dối, gây chia rẽ, đánh lạc hướng và gây chán nản.

Sự lừa dối

Cha đẻ của sự dối trá vốn rất giỏi trong việc đóng khung những điều tốt đẹp theo những cách gây hiểu lầm. Hãy lưu ý cách chúng ta thường xuyên nghe Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng Thượng Hội Đồng không phải là điều này hay điều kia. Ví dụ, Thượng Hồi Đồng không phải là việc thay đổi giáo lý hay cấu trúc. Khi Đức Thánh Cha cố gắng sửa chữa những bóp méo về ý nghĩa thực sự của Thượng Hội Đồng, ngài đang giải quyết cám dỗ đi chệch ý nghĩa thực sự của Thượng Hội Đồng; Ngài đang đặt tên cho những lừa dối hoàn hảo và tinh vi, vốn có thể dễ dàng chụp lấy chúng ta.

Tuy nhiên, sự lừa dối đó không chỉ hoạt động ở cấp độ vĩ mô của một lý thuyết tổng quát về việc thượng hội đồng nên như thế nào. Sự lừa dối cũng có thể chụp lấy chúng ta ở cấp độ cá nhân. Điều đó có thể được thấy trong các tuyên bố như, “(cuối cùng) tiếng nói của tôi phải được cất lên trong Giáo Hội”. Có một vài sự thật ở đâu đó, nhưng nhiều khi, ở đó còn có cả sự bóp méo giả trá.

Đứng trước sự lừa dối, câu trả lời duy nhất là sự thật. Đây có lẽ là điều mà dường như Đức Thánh Cha Phanxicô biết rất rõ. Hãy trở lại với Lời Chúa, trở lại với sự khôn ngoan của truyền thống và trở lại với tiếng nói của các bậc tiền nhân đã đi trước chúng ta. Với những nguồn này, chúng ta sẽ tìm thấy một la bàn chắc chắn để đi đúng hướng với sự thật.

Sự chia rẽ

Ma quỷ diabolos, theo định nghĩa (từ tiếng Hy Lạp dia-ballein), nghĩa là tách ra và phân chia. Bất cứ khi nào và bất cứ nơi đâu người ta chống lại nhau, đó là kết quả của những nỗ lực ác tà mà người ta hợp tác và đồng thuận với nó. Thượng hội đồng có thể là một cánh đồng chín muồi cho công việc chia rẽ của ma quỷ vì thượng hội đồng lần này rất đa dạng và khác biệt. Và sự khác biệt, như chúng ta biết, có thể dễ dàng biến thành sự chia rẽ dù chỉ với một chút xúi giục mà thôi.

Hãy nghĩ về các tham dự viên thượng hội đồng – giáo sĩ và giáo dân, nam và nữ, từ các nền văn hóa và địa lý khác nhau, nói những ngôn ngữ khác nhau và có lịch sử rất đa dạng. Vì sự khác biệt của họ và có lẽ với những chiêu trò khéo léo, Kẻ cám dỗ muốn họ cảm thấy xa cách hơn là đi cùng nhau. Hắn sẽ cố làm cho họ cảm thấy bị loại trừ, bực bội và thậm chí là cảm thấy mình vượt trội hơn những người khác – bất cứ điều gì để gây chia rẽ mọi người với nhau.

Và đương nhiên, trước cám dỗ chia rẽ, ta có thể tìm thấy câu trả lời trong đức tin của chúng ta vào Thiên Chúa. Trong tất cả những khác biệt và vượt trên mọi khác biệt, chúng ta là một trong Đức Ki-tô, nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần. Cụ thể hơn, Thượng hội đồng cần có một kinh nghiệm sâu xa và được sẻ chia về sự nên một này trong Chúa. Điều này có thể có được nhờ một kinh nghiệm hiệp hành của việc tập trung vào Bí tích Thánh Thể, một kinh nghiệm sẽ giúp các tham dự viên thoát khỏi những chia rẽ nguy hiểm và đi vào một kinh nghiệm kết hợp mật thiết trong cùng một tấm bánh và trong một chén rượu.

Sự lạc hướng

Khi tên cám dỗ đến gần Chúa Giêsu trong sa mạc lúc Ngài sắp bắt đầu sứ vụ công khai của mình, chiến lược của Satan không phải là lừa dối hay chia rẽ mà là đánh lạc hướng. Satan cố gắng ngăn cản Chúa Giêsu đi theo con đường Mêsia của người tôi tớ đau khổ và của người con vâng phục Chúa Cha. Đây là một cám dỗ đi lạc hướng khỏi sứ mệnh đích thực của Chúa Giêsu.

Sự cám dỗ lạc hướng hứa hẹn một giải pháp dễ dàng hơn, kết quả hữu hình hơn và cảm giác thỏa mãn hơn của sự kiểm soát. Cùng một loại cám dỗ lạc hướng đó có thể dễ dàng xâm chiếm thượng hội đồng. Thay vì bám chặt vào một quá trình khó khăn và đầy thử thách để lắng nghe Chúa Thánh Thần, các tham dự viên có thể bị lôi kéo đến những hướng đi dễ quản lý và dễ kiểm soát hơn. Ví dụ, họ có thể mượn những nỗ lực thế tục và – thay vì phân định thiêng liêng – để lập kế hoạch, giải quyết vấn đề và quản lý khủng hoảng. Tất cả những điều này dường như sẽ cụ thể hơn, có thể kiểm soát được hơn rất nhiều so với việc chú ý đến Thần Khí, Đấng hoạt động giữa các thành viên Thượng hội đồng. Nó cũng sẽ dẫn ra khỏi mục đích và sứ mệnh thánh thiện của Thượng Hội Đồng.

Phản ứng đối ngược lại với sự lạc hướng là sự tập trung, như chính Chúa Giêsu đã làm trong sa mạc. Ngài liên tục trở lại với Lời của Thiên Chúa. Ngài bám chặt vào căn tính là Người Con yêu dấu của Cha. Tương tự như vậy, Thượng Hội Đồng sẽ cần phải thường xuyên trở lại với mục đích và sứ mạng thánh thiện của mình. Các tham dự viên có thể nhắc nhở nhau về mục đích đó. Cũng chính những tham dự viên này cần phải giữ vững nền tảng trong điều mà tôi gọi là “nền dân chủ của Chúa Thánh Thần”. Tôi muốn nói rằng tất cả họ đều cởi mở như nhau đối với những thúc đẩy của Chúa Thánh Thần và họ nên mong đợi rằng Thánh Thần sẽ thực sự đánh động họ. Nhận thức này là một cách khác để tránh sự lạc hướng.

Sự chán nản

Cám dỗ chán nản đến từ con quỷ giữa ban ngày, và nó đặc biệt nguy hiểm. Sự chán nản có liên quan đến acedia, nghĩa là một tinh thần mệt mỏi và chán chường, có thể chiếm lấy chúng ta sau một khoảng thời gian bước trên hành trình của mình. Mối nguy hiểm đặc biệt của sự chán nản là, nếu chúng ta đầu hàng, mọi thứ sẽ biến mất, và chúng ta bị bỏ lại mà không có hy vọng. Thượng hội đồng cần phải đề phòng sự chán nản này. Tất nhiên, ta sẽ không thấy nó xuất hiện ở những giai đoạn khởi đầu đầy hăng hái của Thượng Hội Đồng. Tuy nhiên, sau một thời gian, người ta bắt đầu cảm thấy nặng nề, đi kèm với cảm giác thấy những nỗ lực của mình là vô ích. Và những câu hỏi bắt đầu xuất hiện: Điều này có thực sự tạo ra khác biệt không? Tại sao tiến trình thay đổi lại chậm chạp thế? Làm thế nào để những nỗ lực của chúng ta giải quyết tình trạng thương tâm của thế giới này?

Không có một công thức đơn giản nào có thể giải quyết cám dỗ chán nản. Một phương thuốc thực sự quan trọng mà Thượng Hội đồng có thể áp dụng là lời cầu khẩn kiên vững của Chúa Thánh Thần, nghĩa là, kêu cầu sự trợ giúp và hướng dẫn của Người. Nó không chỉ là một lời xin ơn trợ giúp, nhưng còn là một sự thừa nhận rằng bằng nỗ lực và trí thông minh của mình, chúng ta không thể hoàn thành những gì chúng ta cần phải hoàn thành. Kêu cầu Chúa Thánh Thần nhắc nhở chúng ta rằng toàn bộ tiến trình nằm trong bàn tay quan phòng của Thiên Chúa, không phải của chúng ta. Trong bối cảnh của Thượng Hội Đồng, nếu chúng ta dựa vào khả năng của mình để hoàn thành mọi việc, rồi thì chúng ta sẽ chán ngán và nản lòng. Nếu chúng ta cho phép mình từ bỏ suy nghĩ đó và dựa vào Thánh Linh, chúng ta sẽ lớn lên trong hy vọng.

Một hướng dẫn đáng tin cậy

Nếu những câu chuyện và tin tức xoay quanh thượng hội đồng là đúng, thì các dấu hiệu chống phá đã xuất hiện ngay cả trước khi Thượng Hồi Đồng này chính thức diễn ra. Tuy nhiên, tôi có một xác tín lớn hơn rằng ma quỷ sẽ không thể nào phá hoại Thượng Hội đồng. Chúng ta có nơi Đức Thánh Cha Phanxicô một người cha thánh thiện, một người cha thiêng liêng, người biết những hoạt động của kẻ thù. Ngài sẽ hướng dẫn Thượng Hội Đồng với khả năng phân định thiêng liêng đã được thực hành thuần thục của mình.

Phần chúng ta, đó là ăn chay và cầu nguyện. Chúng ta cầu xin tha thiết để được giải thoát khỏi ác thần. Và cuối cùng, chúng ta có những lời rất an ủi của chính Chúa chúng ta: “Can đảm lên. Thầy đã thắng thế gian!” (Ga 16,33) (Americamagazine 03/10/23).

Vũ Chí Kiên, SJ chuyển dịch

[1] Tạm dịch là Con quỷ mà bạn không biết: Nhận diện và chống lại sự dữ trong cuộc sống hàng ngày.

Nguồn: dongten.net

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận