CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II,
MỘT SỨC MẠNH ĐỂ CANH TÂN GIÁO HỘI
Tác giả: Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI
Ngày hôm nay chúng ta có thể đón nhận Công đồng Vaticanô II với một lòng biết ơn: nếu chúng ta biết giải thích và thực hiện Công đồng này bằng một lối chú giải đúng đắn, thì nó có thể, và còn có thể ngày càng trở nên mạnh mẽ đối với việc canh tân Giáo hội, đó là một điều luôn luôn cần thiết.
- So sánh hai cách giải thích
Ở đây, tôi muốn suy tư về việc cử hành bế mạc Công đồng Vaticanô II dịp 40 năm trước [năm 1965]. Ký ức này gợi lên câu hỏi: Thành quả của Công đồng là gì? Nó có được đón nhận hay không? Trong việc đón nhận Công đồng, điều gì là tốt và điều gì là bất cập hoặc sai lầm? Và những điều gì vẫn còn cần phải được thực hiện?
Không ai có thể phủ nhận rằng trong những lãnh vực rộng lớn của Giáo hội thì việc thực hiện Công đồng hơi gặp khó khăn, ngay cả khi không muốn áp dụng vào những gì đã xảy ra trong những năm qua, một sự mô tả mà thánh Basiliô, vị thánh tiến sĩ cao cả của Giáo hội, đã đưa ra về tình trạng của Giáo hội sau Công đồng Nicêa [năm 325]: ngài so sánh hoàn cảnh của nó với một trận hải chiến trong bóng đen của cơn bão táp, một trong số những điều đó là: “Những tiếng la hét khan cổ của những người do bất đồng chính kiến mà nổi dậy chống lại nhau, lời bàn tán một cách khó hiểu, tiếng ồn ào hỗn loạn của những người không ngớt kêu gào, giờ đây tràn ngập gần như toàn thể Giáo hội, bóp méo một cách thái quá hoặc mặc nhiên, những giáo lý đúng đắn của đức tin […]”.[1]
Chúng ta không muốn áp dụng chính xác những diễn tả đầy kịch tính này vào hoàn cảnh của thời kỳ hậu Công đồng Vaticanô II, tuy nhiên, một điều gì đó từ tất cả những gì đã xảy ra vẫn còn được phản ánh trong đó. Người ta đặt ra câu hỏi: Tại sao việc thực hiện Công đồng, trong phần lớn Giáo hội, cho đến nay lại gặp khó khăn đến thế?
Quả thật, tất cả đều tùy thuộc vào cách giải thích Công đồng đúng đắn, hay như chúng ta vẫn nói ngày nay, tùy thuộc vào khoa chú giải một cách thích đáng về Công đồng, là chìa khóa chính xác để giải thích và áp dụng Công đồng. Các vấn đề trong việc thực hiện nó nảy sinh từ thực tế rằng, có hai cách giải thích trái ngược nhau đã đối diện với nhau và gây tranh cãi với nhau. Một bên đã gây ra sự nhầm lẫn, bên còn lại, tuy âm thầm nhưng ngày càng rõ ràng, đã đơm hoa kết trái.
Một mặt, có một cách diễn giải mà tôi muốn gọi là “sự thông diễn”[2] hay “việc giải thích về sự gián đoạn và đứt đoạn”; nó đã không thường xuyên giành được sự đồng cảm của các phương tiện truyền thông đại chúng, và cả của một bộ phận thần học hiện đại. Mặt khác, có “sự giải thích về cải cách”, về sự đổi mới trong tính liên tục của chủ thể duy nhất là Giáo hội, mà Chúa đã tặng ban cho chúng ta; Giáo hội là một chủ thể phát triển và lớn lên theo thời gian, nhưng luôn luôn như vậy, đó chính là một chủ thể duy nhất của Dân Thiên Chúa đang trên đường lữ hành.
Giải thích về sự gián đoạn có nguy cơ dẫn đến sự rạn nứt giữa Giáo hội tiền Công đồng và Giáo hội hậu Công đồng. Nó khẳng định rằng các văn bản của Công đồng như vậy sẽ chưa phải là sự diễn tả đích thực tinh thần của Công đồng. Chúng sẽ là kết quả của những thỏa hiệp, trong đó, để đạt được sự nhất trí đồng thuận, vẫn cần phải kéo dài và tái xác nhận nhiều điều đã xưa cũ mà giờ đây đã trở nên vô dụng. Tuy nhiên, tinh thần thực sự của Công đồng sẽ không được biểu lộ trong những thỏa hiệp này, mà thay vào đó, trong những bước nhảy vọt hướng tới điều mới mẻ làm nền tảng cho các bản văn.
Chỉ những điều mới mẻ đó mới đại diện cho tinh thần thực sự của Công đồng, bắt đầu từ chúng, và phù hợp với chúng, thì mới có thể tiến lên phía trước. Chính vì các bản văn sẽ chỉ phản ánh một cách không hoàn hảo tinh thần đích thực của Công đồng và tính mới mẻ của nó, nên cần phải can đảm vượt ra ngoài các bản văn, dành chỗ cho tính mới mẻ của Công đồng sẽ được diễn tả, trong đó những ý định sâu xa hơn, mặc dù vẫn còn mơ hồ.
Tóm lại: không cần thiết phải tuân theo mặt chữ trong các văn kiện của Công đồng mà chính là theo tinh thần của Công đồng. Theo cách này, rõ ràng, một khoảng cách lớn đã được bỏ ngỏ cho câu hỏi về cách xác định tinh thần này sau đó, và vì thế, vẫn còn có chỗ cho bất kỳ ý tưởng hay sự đổi thay nào.
Tuy nhiên, với điều này, bản chất của một Công đồng như vậy về cơ bản đã bị hiểu sai. Theo cách này, nó được coi là một loại hiến pháp loại bỏ hiến pháp cũ và tạo ra hiến pháp mới. Nhưng Quốc hội lập hiến cần một quốc trưởng, và sau đó là sự xác nhận của vị quốc trưởng, tức là từ những người phải phục vụ hiến pháp. Các Nghị phụ Công đồng thì không có nhiệm vụ như vậy, và không ai đã từng trao điều đó cho họ; xét cho cùng, không ai có thể trao điều đó, bởi vì hiến pháp thiết yếu của Giáo hội đến từ chính Thiên Chúa, và được ban cho chúng ta để chúng ta đạt được sự sống vĩnh cửu, và bắt đầu từ viễn cảnh này, chúng ta có thể soi sáng cuộc sống trong thời gian và chính thời gian.
Qua Bí tích đã lãnh nhận, các Giám mục là người quản lý các ân sủng của Chúa. Họ là “những người quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa” (1Cr 4,1); như vậy, họ phải được coi là những “tôi tớ tài giỏi và trung thành” (x. Lc 12,41-48). Điều này đòi hỏi họ phải quản lý ân huệ của Chúa một cách thích đáng, để ân huệ đó không bị ẩn giấu trong một nơi kín đáo nào đó mà cần phải được sinh hoa kết quả, và Chúa có thể kết luận bằng cách nói với người quản lý: “Khá lắm! Anh đúng là tôi tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh” (Mt 25,14-30; Lc 19,11-27).
Những dụ ngôn Tin mừng này diễn tả động lực của lòng trung tín cần phải có trong việc phụng sự Chúa; và thông qua các dụ ngôn đó, người ta cũng thấy rõ rằng trong Công đồng, tính năng động và lòng trung thành phải hội tụ lại với nhau.
- Hạt giống tốt của Công đồng Vaticanô II đang lớn lên
Lối giải thích về sự cải cách đối lập với lối giải thích về sự gián đoạn, như lần đầu tiên được trình bày bởi thánh Giáo hoàng Gioan XXIII, trong bài diễn văn khai mạc Công đồng vào ngày 11 tháng 10 năm 1962, và sau đó bởi thánh Giáo hoàng Phaolô VI, trong Diễn văn bế mạc Công đồng vào ngày 7 tháng 12 năm 1965.
Ở đây tôi chỉ muốn trích dẫn những câu nổi tiếng của thánh Gioan XXIII, vốn diễn tả rõ ràng lối giải thích này khi ngài nói rằng Công đồng mong muốn “truyền đạt giáo lý, tinh tuyền và trọn vẹn, không có bất kỳ sự thỏa hiệp hay xuyên tạc nào”. Và ngài tiếp tục: “Bổn phận của chúng ta không chỉ để bảo vệ kho báu quý giá này, như thể chúng ta chỉ quan tâm đến thời cổ đại, mà còn cống hiến hết mình với một ý chí nghiêm túc, và không sợ hãi về điều đó, điều mà thời đại của chúng ta đòi hỏi… Điều cần thiết là giáo lý chắc chắn và bất biến này, phải được tôn trọng một cách trung thực, thấu đáo, và được trình bày theo cách phù hợp với nhu cầu của thời đại chúng ta. Trên thực tế, kho tàng đức tin là một chuyện, tức là những chân lý chứa đựng trong giáo lý đáng kính của chúng ta, và một chuyện khác là cách chúng được phát biểu, trong khi vẫn giữ nguyên ý nghĩa và cùng một phạm vi”.[3]
Rõ ràng rằng việc dấn thân để diễn đạt một chân lý cụ thể theo một cách mới mẻ đòi hỏi một tư duy mới về chân lý này, và một mối tương giao mới, và mang tính sống còn đối với nó; cũng rõ ràng rằng những tư tưởng mới chỉ có thể phát triển nếu chúng xuất phát từ sự hiểu biết có căn cứ về chân lý được diễn đạt, và mặt khác, việc suy tư về đức tin cũng đòi hỏi phải sống đức tin này. Về phương diện này, chương trình mà thánh Gioan XXIII đề xuất thực sự rất khắt khe, cũng như sự tổng hợp giữa lòng trung thành và sự năng động đang đòi hỏi.
Tuy nhiên, bất cứ nơi nào cách giải thích này hướng dẫn việc thực hiện Công đồng, thì sự sống mới phát triển và hoa trái mới chín muồi. Bốn mươi năm sau Công đồng, chúng ta có thể chỉ ra rằng, điều tích cực lớn hơn và sống động hơn so với những gì nó có thể xuất hiện trong sự kích động của những năm khoảng 1968.
Ngày nay, chúng ta thấy rằng mặc dù hạt giống tốt phát triển chậm chạp, nhưng nó vẫn đang lớn lên; và lòng biết ơn sâu sắc của chúng ta đối với công việc do Công đồng thực hiện cũng ngày càng gia tăng.
- Đức tin và thời hiện đại
Trong Diễn văn bế mạc Công đồng, thánh Phaolô VI đã chỉ ra một lý do cụ thể hơn nữa tại sao lối chú giải về sự gián đoạn có vẻ thuyết phục. Trong cuộc tranh luận lớn về con người, đặc trưng của kỷ nguyên hiện đại, Công đồng đã phải cống hiến một cách đặc biệt cho chủ đề nhân học. Nó phải tự đặt vấn đề về mối tương quan giữa một bên là Giáo hội và đức tin của mình, bên kia là con người và thế giới ngày nay.[4]
Vấn đề càng trở nên rõ ràng hơn nếu thay vì dùng thuật ngữ chung chung là “thế giới đương đại”, thì chúng ta chọn một thuật ngữ khác chính xác hơn: Công đồng phải xác định theo một cách thức mới mẻ về mối tương quan giữa Giáo hội và “thời kỳ hiện đại”. Mối tương quan này đã có một khởi đầu hơi sóng gió với trường hợp của Galilê. Sau đó, đã hoàn toàn bị phá vỡ khi triết gia Emmanuel Kant mô tả “tôn giáo chỉ trong lý trí thuần túy”, và khi trong giai đoạn triệt để của cuộc Cách mạng Pháp, một hình ảnh về Nhà nước và con người thực tế không còn muốn cho phép Giáo hội có bất kỳ một khoảng không gian nào được phổ biến.
Cuộc đụng độ giữa đức tin của Giáo hội với chủ nghĩa tự do cấp tiến và khoa học tự nhiên, vốn cũng tuyên bố nắm bắt toàn bộ thực tại với kiến thức của mình, ngoan cố một đề xuất, nhằm biến “giả thuyết về Thiên Chúa” trở thành thừa thãi, đã khiến Giáo hội lên án gay gắt và triệt để tinh thần này của thời kỳ hiện đại. Vào thế kỷ XIX, dưới thời Đức Piô IX, Giáo hội đã lên án gay gắt và triệt để tinh thần thời kỳ hiện đại này.
Vì vậy, dường như không còn bất kỳ phạm vi nào mở ra cho một sự hiểu biết tích cực và hiệu quả, và sự từ chối của những người cảm thấy họ là đại diện của thời hiện đại cũng rất quyết liệt. Tuy nhiên, trong khi chờ đợi, thời hiện đại cũng đã trải qua những bước phát triển. Người ta nhận ra rằng, cuộc Cách mạng Mỹ đã đưa ra một mô hình nhà nước hiện đại khác với mô hình được lý thuyết hóa bởi các khuynh hướng cấp tiến xuất hiện trong giai đoạn thứ hai của cuộc Cách mạng Pháp.
Theo một cách rõ ràng hơn bao giờ hết, các ngành khoa học tự nhiên đang bắt đầu phản ánh những hạn chế của chính chúng, do phương pháp riêng của chúng áp đặt, tuy đạt được những thành tựu to lớn, nhưng vẫn không thể nắm bắt được bản chất toàn cầu của thực tại.
Vì vậy, cả hai bên đã dần dần bắt đầu cởi mở đối với nhau. Trong thời kỳ giữa hai cuộc Thế chiến, và đặc biệt là sau cuộc Thế chiến Thứ hai, các chính khách Công giáo đã chứng minh rằng, một Nhà nước thế tục hiện đại có thể tồn tại, tuy nhiên, không trung lập về các giá trị, nhưng vẫn sống động, dựa trên những nguồn luân lý đạo đức to lớn do Kitô giáo khai mở.
Học thuyết xã hội Công giáo, dần dần phát triển, đã trở thành một mô hình quan trọng giữa chủ nghĩa tự do cấp tiến và lý thuyết về nhà nước của chủ nghĩa Mác. Các khoa học tự nhiên, vốn hoạt động với phương pháp giới hạn trong khía cạnh hiện tượng của thực tại, ngày càng nhận ra rõ ràng rằng phương pháp này không bao gồm toàn bộ thực tại, và vì thế, lại mở ra những cánh cửa dành cho Chúa, biết rằng thực tại lớn hơn phương pháp tự nhiên và tất cả những gì nó có thể bao gồm.
Có thể nói rằng đã hình thành ba nhóm câu hỏi mà lúc bấy giờ, vào thời Công đồng Vaticanô II, đang chờ đợi câu trả lời như sau:
Thứ nhất, cần xác định mối quan hệ giữa đức tin và khoa học hiện đại theo một cách mới mẻ; hơn nữa, điều này không chỉ liên quan đến khoa học tự nhiên, mà còn liên quan đến khoa học lịch sử, bởi vì, trong một trường phái nào đó, phương pháp phê bình lịch sử tự cho mình là người có tiếng nói cuối cùng trong việc giải thích Kinh thánh, và đòi hỏi sự độc quyền hoàn toàn của nó đối với việc giải thích Kinh thánh, đã trái ngược với những điểm quan trọng trong cách giải thích được xây dựng bởi đức tin của Giáo hội.
Thứ hai, mối tương quan giữa Giáo hội và nhà nước hiện đại phải được xác định theo một cách thức mới mẻ, dành một không gian cho các công dân thuộc các tôn giáo và các hệ tư tưởng khác nhau, cư xử một cách công bằng vô tư đối với các tôn giáo này, và chỉ đơn giản là đảm nhận trách nhiệm đối với sự chung sống có trật tự và khoan dung giữa các công dân, và vì quyền tự do thực hành tôn giáo của họ.
Thứ ba, vấn đề khoan dung tôn giáo được kết nối một cách tổng quát hơn – một vấn đề đòi hỏi một định nghĩa mới về mối quan hệ giữa đức tin Kitô giáo và các tôn giáo trên thế giới. Đặc biệt, trước những tội ác gần đây của các chế độ độc tài, và nói chung, khi nhìn lại một lịch sử lâu dài khó khăn, cần phải đánh giá và xác định theo một phương thức mới mẻ về mối quan hệ giữa Giáo hội và đức tin của Do Thái giáo.
- Cải cách giữa liên tục và gián đoạn
Đây là tất cả những vấn đề lớn không thể được giải quyết đầy đủ hơn trong bối cảnh này. Rõ ràng là trong tất cả các lĩnh vực này, cùng nhau tạo thành một vấn đề duy nhất, một số dạng gián đoạn có thể xuất hiện và theo một nghĩa nào đó, một sự gián đoạn trên thực tế đã tự biểu hiện, trong đó, tuy nhiên, sau khi đã tạo ra những khác biệt khác nhau giữa các tình huống lịch sử cụ thể, và những đòi hỏi của chúng, tính liên tục trong các nguyên tắc không bị bỏ rơi – một thực tế dễ dàng thoát khỏi nhận thức đầu tiên.
Bản chất của cải cách đích thực bao gồm chính trong sự kết hợp giữa tính liên tục và không liên tục ở các cấp độ khác nhau này. Trong quá trình đổi mới liên tục này, chúng ta phải học cách hiểu thực tế hơn trước rằng các quyết định của Giáo hội về các vấn đề ngẫu nhiên – ví dụ, một số hình thức thực tế nhất định của chủ nghĩa tự do hoặc giải thích Kinh thánh tự do – nhất thiết phải phụ thuộc vào bản thân chúng, chính vì chúng đề cập đến một thực tiễn cụ thể có thể thay đổi trong chính nó. Cần phải học cách nhận ra rằng trong những quyết định này, chỉ có những nguyên tắc mới thể hiện khía cạnh thường trực, vì chúng vẫn là những quyết định thúc đẩy ngầm từ bên trong.
Mặt khác, các hình thức thực tiễn không vĩnh viễn mà phụ thuộc vào hoàn cảnh lịch sử, và vì thế, có thể đổi thay.
Do đó, các quyết định cơ bản tiếp tục có cơ sở vững chắc, trong khi cách chúng được áp dụng cho các bối cảnh mới có thể đổi thay. Vì vậy, chẳng hạn, nếu tự do tôn giáo được coi là một biểu hiện của việc con người không có khả năng khám phá sự thật, và do đó, trở thành sự điển hình của thuyết tương đối, thì tính tất yếu xã hội và lịch sử này được nâng lên mức độ siêu hình một cách không phù hợp, như thế, bị tước bỏ ý nghĩa đích thực của nó. Vì vậy, không thể chấp nhận những người tin rằng con người có khả năng nhận biết chân lý về Thiên Chúa, và dựa trên phẩm giá bên trong của sự thật, bị ràng buộc vào sự hiểu biết này.
Trái lại, điều hoàn toàn khác khi nhìn nhận tự do tôn giáo như một nhu cầu xuất phát từ sự chung sống của con người, hay thực sự, như một hệ quả nội tại của sự thật không thể bị áp đặt từ bên ngoài mà con người chỉ phải chấp nhận thông qua quá trình xác tín.
Công đồng Vaticanô II, công nhận và biến nó thành một nguyên tắc thiết yếu của Nhà nước hiện đại với Sắc lệnh về Tự do Tôn giáo, đã khôi phục được di sản sâu sắc nhất của Giáo hội. Làm như vậy Giáo hội có thể ý thức mình hoàn toàn hòa hợp với giáo huấn của chính Chúa Giêsu (x. Mt 22,21), cũng như với Giáo hội của các vị tử đạo trong mọi thời. Giáo hội cổ xưa đương nhiên cầu nguyện cho các hoàng đế và các nhà lãnh đạo chính trị ngoài nhiệm vụ (x. 1Tm 2,2); nhưng trong khi cầu nguyện cho các hoàng đế, Giáo hội từ chối tôn thờ họ, và vì thế, rõ ràng từ chối một thứ tôn giáo của Nhà nước tạo ra.
Các vị tử đạo thời Giáo hội sơ khai đã đổ máu đào vì đức tin của họ nơi Thiên Chúa, đã được mặc khải nơi Đức Giêsu Kitô, và chính vì lý do này mà họ cũng hy sinh vì tự do lương tâm và tự do tuyên xưng đức tin của mình – một lời tuyên xưng mà không một Nhà nước nào có thể áp đặt, thay vào đó, chỉ có thể được yêu cầu với ân sủng của Thiên Chúa trong tự do lương tâm. Một Giáo hội truyền giáo được biết đến với việc loan báo sứ điệp của mình cho mọi dân tộc, nhất thiết phải hoạt động vì tự do đức tin. Giáo hội mong muốn loan truyền hồng ân của chân lý hiện hữu cho từng người và cho tất cả mọi người.
Đồng thời, Giáo hội đảm bảo với các dân tộc và các Chính phủ của họ rằng Giáo hội không muốn phá hủy bản sắc và văn hóa của họ bằng cách làm như vậy, nhưng trái lại, để mang lại cho họ một phản ứng mà trong sâu thẳm thâm tâm của họ, họ đang chờ đợi – một sự đáp ứng mà tính đa dạng của các nền văn hóa không bị mất đi, mà thay vào đó, sự hiệp nhất giữa người nam và người nữ được gia tăng, và vì thế, cũng có hòa bình giữa các dân tộc.
- Đức tin và lý trí, một cuộc đối thoại hiệu quả xuyên suốt lịch sử
Công đồng Vaticanô II, với định nghĩa mới mẻ về mối liên hệ giữa đức tin của Giáo hội và một số yếu tố thiết yếu của tư tưởng hiện đại, đã xem xét hoặc thậm chí sửa chữa một số quyết định lịch sử, nhưng trong sự gián đoạn rõ ràng này, nó đã thực sự bảo tồn và đào sâu bản chất sâu xa nhất của Giáo hội và danh tính thực sự.
Cả trước và sau Công đồng, Giáo hội đã là và vẫn là một Giáo hội Duy nhất, Thánh thiện, Công giáo và Tông truyền, đang hành trình xuyên thời gian; Giáo hội tiếp tục “tiến bước trên đường lữ hành giữa những bách hại của thế gian và những niềm an ủi của Thiên Chúa”;[5] Giáo hội loan báo về thập giá và cái chết của Chúa cho tới khi Người lại đến (x. 1Cr 11,26).[6]
Những người kỳ vọng rằng với tiếng “đồng ý” cơ bản này đối với kỷ nguyên hiện đại, thì mọi căng thẳng sẽ được xua tan, và “sự cởi mở đối với thế giới” sẽ đạt được, theo đó sẽ biến mọi thứ thành sự hài hòa thuần túy, như vậy thì họ đã đánh giá thấp những căng thẳng nội tại cũng như những mâu thuẫn vốn có trong thế giới của thời hiện đại hôm nay.
Họ đã đánh giá thấp sự mong manh hiểm nguy của bản chất con người, vốn là mối đe dọa đối với sự tiến bộ của loài người trong mọi thời kỳ lịch sử cũng như trong mọi chòm sao của lịch sử. Những mối nguy hiểm này, với những khả năng mới và quyền lực mới của con người, đối với vật chất và đối với chính mình, đã không biến mất, mà thay vào đó, mang những chiều kích mới mẻ: cứ nhìn vào lịch sử hiện tại sẽ chứng minh rõ điều này.
“Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Israel ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng” (Lc 2,34). Trong thời đại chúng ta cũng vậy, Giáo hội vẫn luôn là một “dấu hiệu cho người đời chống báng”. Không phải vô cớ mà thánh Gioan Phaolô II, khi đó còn là một vị Hồng y, đã đặt tiêu đề này làm chủ đề xuyên suốt tuần Tĩnh Tâm mùa Chay năm 1976, mà ngài đã giảng cho thánh Giáo hoàng Phaolô VI và Giáo triều Rôma.
Công đồng không thể có ý định xóa bỏ mâu thuẫn này của Tin Mừng liên quan đến những nguy hiểm và sai lầm của con người. Ngược lại, chắc chắn Công đồng có ý định xóa bỏ những mâu thuẫn sai lầm hoặc thừa thãi, để trình bày cho thế giới của chúng ta những đòi hỏi của Tin mừng trong sự cao cả và thuần khiết trọn vẹn của nó.
Các bước mà Công đồng đã thực hiện hướng tới kỷ nguyên hiện đại vốn được trình bày khá mơ hồ, đó là “cởi mở với thế giới”, tóm lại thuộc về vấn đề muôn thuở, về mối liên hệ giữa đức tin và lý trí, đang tái xuất hiện dưới những hình thức luôn mới mẻ. Hoàn cảnh mà Công đồng phải đối mặt chắc chắn có thể được so sánh với các sự kiện của các thời đại trước.
Trong Thư thứ Nhất của mình, thánh Phêrô Tông đồ đã khuyến khích các Kitô hữu, hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời [apo-logia: lời biện giải] cho bất cứ ai chất vấn về lý do [logos] cho đức tin của họ (x. 1Pr 3,15).
Điều này có nghĩa là đức tin trong Kinh thánh phải được thảo luận và tiếp xúc với nền văn hóa Hy Lạp, và học cách nhận ra qua việc giải thích ranh giới ngăn cách, song cũng là một sự hội tụ và mối liên hệ giữa chúng trong một lý do duy nhất được Thiên Chúa tặng ban.
Vào thế kỷ XIII, thông qua các triết gia Do Thái và Ả Rập, khi tư tưởng của triết gia Aristốt tiếp xúc với Kitô giáo thời Trung cổ được hình thành trong truyền thống Platon, đức tin và lý trí có nguy cơ đi vào một mâu thuẫn không thể hòa giải được, thì trên hết, thánh Tôma Aquinô là vị trung gian cho cuộc gặp gỡ mới mẻ giữa đức tin và triết học Aristốt, qua đó đặt đức tin vào mối tương giao tích cực với hình thức lý tính thịnh hành vào thời của ngài. Không còn nghi ngờ gì nữa, cuộc tranh luận gay gắt giữa lý trí hiện đại và đức tin Kitô giáo, vốn bắt đầu một cách tiêu cực với trường hợp của Galilê, đã trải qua nhiều giai đoạn, nhưng với Công đồng Vaticanô II, đã đến lúc cần phải có tư duy mới mẻ rộng rãi hơn.
Trong các văn kiện của Công đồng, nội dung của nó, chắc chắn mới chỉ được phác họa một cách đại khái, nhưng với điều này, chiều hướng thiết yếu đã được xác định, nhờ đó cuộc đối thoại giữa lý trí và đức tin, vốn đặc biệt quan trọng trong thời đại hôm nay, đã tìm thấy định hướng của nó trên nền tảng của Công đồng Vaticanô II.
Cuộc đối thoại này giờ đây phải được phát triển với tinh thần cởi mở nhưng cũng với sự nhận thức rõ ràng rằng, thế giới đang mong đợi một cách đúng đắn ở nơi chúng ta trong chính thời điểm này. Vì thế, ngày hôm nay chúng ta có thể đón nhận Công đồng Vaticanô II với lòng biết ơn: nếu chúng ta giải thích và thực hiện Công đồng này bằng một lối chú giải đúng đắn, thì nó có thể, và còn có thể ngày càng trở nên mạnh mẽ đối với việc canh tân Giáo hội là một điều luôn luôn cần thiết.[7]
Giuse Phan Văn Phi, O.Cist. (chuyển ngữ)
Nguồn:hdgmvietnam
[1] San Basilio Magno, De Spiritu Sancto, XXX, 77; PG 32, 213 A; SCh 17 ff., Città Nuovo, Roma 1993, p. 199.
[2] Ermeneutiche; Hermeneutike; Hermeneutics: Thông diễn, chú giải, giải thích. Làm cho rõ nghĩa dựa trên một số nguyên tắc khi nghiên cứu ý nghĩa các bản văn, cách riêng các bản văn Kinh thánh. Các nguyên tắc này bao gồm việc phân tích ý nghĩa từ ngữ, cũng như những tác động bối cảnh văn hóa xã hội, của người viết cũng như người đọc, đối với bản văn.
[3] Cfr. Sacrosanctum Oecumenicum Concilium Vaticanum II, Constitutiones Decreta Declarationes, Typis Polyglottis Vaticanis, Città del Vaticano 1974, pp. 863-865.
[4] Cfr., ibid., pp. 1066s.
[5] Sant’Agostino, De civitate Dei, XVIII,51,2: PL 41,614.
[6] x. Lumen Gentium, số 8.
[7] Huấn từ dành cho Giáo triều Rôma nhân dịp chúc mừng lễ Giáng Sinh, ngày 22.12.2005
Có thể bạn quan tâm
Ngày Thế Giới Người Nghèo: Đức Thánh Cha Phanxicô Sẽ Dùng Bữa Trưa..
Th11
Tại Sao Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ Sẽ Bỏ Phiếu Cho Một..
Th11
Vì Sao Người Trẻ Dấn Thân – Động Lực Hay Phản Lực?
Th11
Tám cách giúp con trẻ vượt qua nỗi mất mát người thân
Th11
Linh Mục Đoàn Giáo Phận Hà Tĩnh Khai Mạc Tuần Tĩnh Tâm Năm..
Th11
Những Nấm Mồ Biết “Nói”
Th11
Ngày 12/11: Thánh Josaphat, giám mục tử đạo
Th11
Thánh Lễ Ban Bí Tích Thêm Sức Cho 76 Em Tại Giáo Xứ..
Th11
Mở Án Phong Chân Phước Cho Sơ Clare Crockett
Th11
Niềm Vui Khánh Thành Nhà Mục vụ Giáo Xứ Tràng Lưu Trong Tuần..
Th11
Suy Niệm Chúa Nhật XXXII TNB: Ai Vui Vẻ Dâng Hiến Thì Được..
Th11
Giới Trẻ Tham Gia Đời Sống Giáo Hội
Th11
Tiếng chuông Nhà thờ Đức Bà Paris ngân vang sau 5 năm hỏa..
Th11
Đức Thánh Cha thêm Đức TGM Domenico Battaglia vào danh sách tân Hồng..
Th11
Ngày 09/11: Cung hiến Thánh Đường Latêranô
Th11
Truyền thông Công giáo được kêu gọi loan truyền Tin Mừng
Th11
Nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Trump có những căng thẳng nhưng..
Th11
Caritas Giáo Phận Hà Tĩnh: Đại Hội Tổng Kết 5 Năm Hình Thành..
Th11
Bài Hát Cộng Đồng Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Năm 2024
Th11
Bản Văn Phụng Vụ Trong Năm Thánh 2025
Th11