BÍ TÍCH THÁNH THỂ
Hiện diện, Hiệp thông và Hành động
Dẫn nhập
Nội dung đức tin Ki-tô giáo cho chúng ta biết rằng trong thân phận con người, Chúa Giê-su vừa là Thiên Chúa, vừa là bí tích của Thiên Chúa, bởi vì, nhờ Người, khuôn mặt nhân loại của Thiên Chúa được tỏ hiện. Nhờ Người, nhân loại không chỉ nhìn thấy Thiên Chúa mà còn gặp gỡ, trò chuyện và đi vào mối tương giao thân mật với Thiên Chúa nữa. Sự hiện diện của Chúa Giê-su không chỉ kết thúc với đau khổ, chết và phục sinh. Quả thật, Người tiếp tục hiện diện theo nhiều hình thức khác, đặc biệt, Người hiện diện trong Bí Tích Thánh Thể. Nhờ Chúa Giê-su Thánh Thể, với con mắt đức tin, nhân loại cảm nghiệm được rằng Người không chỉ hiện diện, mà còn trở nên Bánh Hằng Sống, Của Ăn cho tất cả mọi người trong hành trình trần thế.
Chúng ta ai cũng có kinh nghiệm rằng những người sắp lìa đời thường trối lại cho những người thân thuộc điều này điều kia hoặc phân chia tài sản của mình cho kẻ này người nọ. Theo các sách Tin Mừng, trong Bữa Ăn Tối Cuối Cùng (the Last Supper), trước khi bước vào cuộc khổ nạn và phục sinh, Chúa Giê-su đã thiết lập Bí Tích Mình và Máu Người, Bí Tích Thánh Thể, để ở lại với các môn đệ, cũng như với tất cả các mọi người trong gia đình nhân loại cho đến tận thế (Mt 26,26-29; Mc 14,22-25; Lc 22,19-20). Người cũng truyền dạy các môn đệ của mình: “Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22,19). Trung thành với lời dạy của Chúa Giê-su, các môn đệ Người đã luôn thực thi như vậy.
Sau Kinh Thánh Tân Ước, giáo lý về Bí Tích Thánh Thể đã được đề cập khá sớm, vào khoảng thập niên 90 của thế kỷ thứ nhất, trong ‘Giáo Huấn của các Tông Đồ’ (Didache). Qua dòng lịch sử, Giáo Hội luôn cử hành bí tích huyền diệu này. Đồng thời, Giáo Hội không ngừng tìm hiểu, suy niệm, diễn tả niềm tin và truyền thống về Bí Tích Thánh Thể.
Hiến Chế Về Phụng Vụ Thánh Sacrosanctum Concilium (1963) của Công Đồng Vatican II (1962-1965) nhấn mạnh rằng Bí Tích Thánh Thể là: “Bí tích tình yêu, dấu chỉ hiệp nhất, mối dây bác ái, bữa tiệc ly phục sinh” (SC 47). Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium(1964) của Công Đồng Vatican II thì khẳng định Bí Tích Thánh Thể là “nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống Ki-tô giáo” (LG 11). Các bí tích khác của Giáo Hội luôn liên kết chặt chẽ với Bí Tích Thánh Thể, trung tâm của đời sống Giáo Hội, bởi vì, Bí Tích Thánh Thể tiếp nối hy tế của Chúa Giê-su trên thập giá cho phần rỗi của tất cả mọi người.
Trong bài viết này, chúng ta cùng tìm hiểu về Bí Tích Thánh Thể theo ba chiều kích chính, đó là: hiện diện, hiệp thông và hành động.
1. Hiện diện
Theo thánh Gio-an tông đồ, Chúa Giê-su là Lời Vĩnh Cửu của Thiên Chúa, đã hiện diện trong buổi đầu Thiên Chúa sáng tạo. Nhờ Người, muôn vật được tạo thành (Ga 1,1-3). Khi thời gian tới hồi viên mãn, Người đã nhập thể và sống giữa gia đình nhân loại. Người đã rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa và thiết lập Giáo Hội. Người hiện diện trong Giáo Hội cũng như trong thế giới thụ tạo dưới nhiều hình thức khác nhau. Chẳng hạn, Người hiện diện trong cộng đoàn cầu nguyện như Người nói: “Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18,20). Người hiện diện trong những người sống yêu thương, hiệp thông và đùm bọc lẫn nhau. Người hiện diện trong những người loan báo Tin Mừng. Người hiện diện trong những người phục vụ Giáo Hội. Đặc biệt, Người hiện diện trong cộng đoàn cử hành Bí Tích Thánh Thể, hình thức hiện diện cao trọng nhất, bởi vì, ở đây, con cái Giáo Hội được nuôi dưỡng bằng Của Ăn Hằng Sống là Thịt và Máu Người, chứ không chỉ là ân sủng hay quyền năng của Người như các hình thức hiện diện khác.
Trong tương quan giữa Giáo Hội và Bí Tích Thánh Thể, Đức Hồng Y Henri de Lubac (1896-1991) diễn tả rất khúc chiết: Bí Tích Thánh Thể làm nên Giáo Hội và Giáo Hội làm nên Bí Tích Thánh Thể. Quả thực, theo Hiến Chế Lumen Gentium, việc Chúa Giê-su thiết lập Bí Tích Thánh Thể và chịu nạn, chịu chết trên thập giá với trái tim bị đâm thủng, máu cùng nước chảy ra, trở thành biến cố nền tảng cho sự khai nguyên Giáo Hội (LG 3). Như vậy, sự hiện diện của Giáo Hội giữa lòng nhân thế được định dạng bởi sự hiện diện của Chúa Giê-su Thánh Thể và ngược lại, sự hiện diện của Chúa Giê-su Thánh Thể được tiếp tục nhờ sự hiện diện của Giáo Hội. Khi nói ‘Bí Tích Thánh Thể làm nên Giáo Hội’, chúng ta hiểu rằng Chúa Giê-su Thánh Thể là nguyên nhân của sự quy tụ các tín hữu. Còn nói ‘Giáo Hội làm nên Bí Tích Thánh Thể’, chúng ta hiểu rằng Giáo Hội tiếp tục với giáo huấn của Chúa Giê-su ‘hãy làm việc này mà nhớ đến thầy’ để cử hành mỗi ngày, đồng thời, Giáo Hội đào sâu và quảng diễn giáo lý về bí tích cao trọng này cho con cái mình.
Khi chúng ta ý thức rằng Bí Tích Thánh Thể làm nên Giáo Hội và Giáo Hội làm nên Bí Tích Thánh Thể, cũng là khi chúng ta có được sự hiểu biết đúng đắn hơn về thực tại Giáo Hội. Theo đó, Giáo Hội trước hết không phải là tòa nhà, là thể chế hay xã hội hoàn hảo, mà là thực thể sống động và không ngừng lớn lên giữa lòng nhân loại. Giáo Hội là Thân Thể Mầu Nhiệm Đức Ki-tô, trong đó, Bí Tích Thánh Thể luôn là nguồn mạch, là đỉnh cao và là trung tâm của đời sống Giáo Hội. Như thế, Giáo Hội, cộng đoàn cử hành Bí Tích Thánh Thể phân biệt với các hình thức cộng đoàn khác trong môi trường nhân loại. Thấm nhuần tư tưởng của thánh Phao-lô, trong Thông Điệp Mystici Corporis Christi (1943), Đức Thánh Cha Piô XII đã khẳng định: “Nếu chúng ta định nghĩa và diễn tả Giáo Hội thật của Chúa Giê-su Ki-tô – Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo, tông truyền và Giáo Hội Rôma – chúng ta sẽ không tìm được điều gì cao trọng hơn, uy nghi hơn, thần thiêng hơn sự diễn tả Giáo Hội là Thân Thể Mầu Nhiệm Đức Ki-tô” (Mystici Corporis Christi 13).
Chúng ta có thể khẳng định rằng ở đâu Bí Tích Thánh Thể được cử hành, ở đó có Giáo Hội. Tuy nhiên, điều này không dẫn chúng ta đến nhận thức rằng cộng đoàn cử hành Bí Tích Thánh Thể hay Giáo Hội địa phương là thực thể tự trị, là Giáo Hội theo nghĩa tròn đầy. Trong thực tế, Giáo Hội phổ quát hiện diện trong Giáo Hội địa phương và ngược lại Giáo Hội địa phương hiện diện trong Giáo Hội phổ quát. Do đó, cộng đoàn cử hành Bí Tích Thánh Thể luôn được mời gọi hướng lòng trí mình về Giáo Hội duy nhất, Giáo Hội của Chúa Giê-su, Giáo Hội qua đó Thiên Chúa quy tụ muôn vật muôn loài. Đặc biệt, cộng đoàn cử hành Bí Tích Thánh Thể luôn hướng về Kinh Thánh như là nguồn quy chiếu căn bản cho niềm tin, truyền thống và thực hành của mình.
Trong ‘Diễn Từ Bánh Hằng Sống’ (Ga 6), Chúa Giê-su đã thực hiện dấu lạ cho hơn 5000 người ăn no thỏa với 5 chiếc bánh lúa mạch và 2 con cá của một em bé. Chúa Giê-su thực hiện dấu lạ này là để chuẩn bị cho các môn đệ của Người và dân chúng có thể tiếp cận dấu lạ lớn lao hơn, cả thể hơn, ý nghĩa hơn và linh thiêng hơn, đó là tin vào Người là Đấng Thiên Sai và sống nhờ lương thực trường tồn là chính Thịt và Máu Người. Chúa Giê-su nói với các môn đệ của mình và đám đông Dân Do Thái: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6,51). Xem ra, người Do Thái nói chung và các môn đệ Chúa Giê-su nói riêng quá ngạc nhiên, nếu không muốn nói là ‘quá sốc’, khi Chúa Giê-su nói về việc ăn Thịt và uống Máu Người hơn là việc Chúa Giê-su hóa bánh ra nhiều cho hàng ngàn người thưởng thức, bởi vì, đây là sự biến đổi nằm ngoài kinh nghiệm, sự hiểu biết và tưởng tượng của họ.
Khi Chúa Giê-su nói về việc ăn Thịt và uống Máu Người, đám đông tranh luận với nhau: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?” (Ga 6,52). Người nói tiếp: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6,54-56). Sau đó, nhiều môn đệ Chúa Giê-su nói: “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?” (Ga 6,60). Chúng ta nhận thức rằng nếu Thịt và Máu Chúa Giê-su nói tới hiện diện dưới hình thức sinh học hay hình thức thể lý, thì quả thật là khó hiểu, quả thật là chướng tai. Tuy nhiên, ở đây, Chúa Giê-su nói về thịt và máu theo nghĩa bí tích (sacramental), nghĩa hoàn toàn mới mẻ, nghĩa đòi hỏi con người cần đón nhận bằng đức tin chân thành của mình. Theo đó, bánh và rượu được thánh hiến nhờ Lời quyền năng của Chúa Giê-su, đã trở nên Mình và Máu Người, với hình thức bên ngoài vẫn là bánh và rượu.
Thần Học Kinh Viện dùng hạn từ ‘biến đổi bản thể’ (transubstantiation) để diễn tả sự biến đổi của bánh và rượu thành Mình và Máu Chúa Giê-su. Nghĩa là bản thể của bánh không còn nữa mà trở thành Mình Chúa Giê-su, tương tự như vậy đối với rượu. Bánh rượu là sản phẩm của hoa màu ruộng đất và công lao của con người, đã trở thành Của Ăn và Của Uống thiêng liêng cho con người. Như vậy, Của Ăn và Của Uống thiêng liêng mà con người có được nhờ ba yếu tố căn bản, đó là: (1) Hoa màu ruộng đất, (2) công lao của con người và (3) Lời quyền năng của Chúa Giê-su, trong đó Lời quyền năng của Chúa Giê-su đóng vai trò quyết định. Chúa Giê-su cầm lấy bánh và nói ‘đây là Mình Thầy’, Người cũng cầm lấy chén và nói ‘đây là Máu Thầy’. Như vậy, bánh không còn là bánh bình thường nữa mà là Mình Chúa Giê-su, và rượu không còn là rượu bình thường nữa mà là Máu Chúa Giê-su.
Trung thành với giáo lý về Bí Tích Thánh Thể của công đồng Tren-tô (1545-1563), Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo khẳng định: “Trong bí tích cực thánh, có sự hiện diện đích thực, thực sự và bản thể của Mình và Máu Đức Ki-tô, cùng với linh hồn và thiên tính của Người, nghĩa là Đức Ki-tô trọn vẹn” (GLGHCG 1374). Quả thực, chúng ta không thể lĩnh hội sự hiện diện của Chúa Giê-su Thánh Thể bằng giác quan hay lý trí của mình, nhưng bằng niềm tin vào Lời Chúa Giê-su ‘đây là Mình Thầy, đây là Máu Thầy’. Lời Chúa Giê-su luôn là Lời chân thật và đem lại sự sống đời đời.
Trong những thập niên hậu bán thế kỷ XX, liên quan đến sự biến đổi trong Bí Tích Thánh Thể, một số thần học gia giới thiệu những khái niệm mới, chẳng hạn, ‘biến đổi mục đích’ (transfinalisation) hay ‘biến đổi ý nghĩa’ (transignification). Đức Thánh Cha Phao-lô VI (1897–1978) đã minh định rằng sự biến đổi của bánh và rượu trong Bí Tích Thánh Thể là sự biến đổi bản thể, nghĩa là bánh và rượu trở thành Mình và Máu Chúa Giê-su, chứ không chỉ biến đổi mục đích hay biến đổi ý nghĩa mà thôi. Theo ngài, chính sự biến đổi bản thể làm cho bánh và rượu trở thành thực tại mới, với mục đích và ý nghĩa mới (Đức Thánh Cha Phao-lô VI, Mysterium Fidei 11; 46).
Theo ý Đức Thánh Cha Phao-lô VI, chúng ta có thể diễn tả thêm rằng ngôn ngữ ‘cứu cánh’, ‘ý nghĩa’ hay ‘dấu chỉ’ không đủ để diễn tả sự hiện diện của Chúa Giê-su trong Bí Tích Thánh Thể, mà là ngôn ngữ ‘biển đổi bản thể’ của bánh và rượu thành Mình và Máu Chúa Giê-su. Ngôn ngữ ‘cứu cánh’, ‘ý nghĩa’ hay ‘dấu chỉ’ có thể được xem như là dẫn xuất của ngôn ngữ diễn tả việc bánh và rượu trở thành Mình và Máu Chúa Giê-su trong Bí Tích Thánh Thể, chứ không thể ngược lại. Chúng ta cũng cần hiểu thêm rằng trong Bí Tích Thánh Thể, bản thể của bánh và rượu trở thành Mình và Máu Chúa Giê-su, Đấng Em-ma-nu-en (Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta), Thiên Chúa thật và con người thật, đã nhập thể, đã sống thân phận con người, đã chết và đã phục sinh để chúng ta được sống. Nếu chúng ta tin rằng ‘đối với Thiên Chúa, mọi sự đều có thể’ và nhờ Chúa Giê-su, Thiên Chúa đã sáng tạo muôn loài muôn vật, thì chúng ta cũng tin rằng Chúa Giê-su thực sự hiện diện trong Bí Tích Thánh Thể.
Sự hiện diện của Chúa Giê-su Thánh Thể là sự hiện diện đích thực, chứ không chỉ là sự hiện diện thuần túy thiêng liêng. Như đã đề cập ở trên, bánh và rượu sau khi được thánh hiến trở thành Mình và Máu đích thực của Chúa Giê-su, mặc dù hình thức mà chúng ta cảm nhận vẫn là bánh và rượu, sản phẩm của hoa màu ruộng đất và công lao của con người. Sự hiện diện của Chúa Giê-su trong Bí Tích Thánh Thể phân biệt với sự hiện diện của Người trong dòng lịch sử, trong Giáo Hội hay các hình thức hiện diện khác, chẳng hạn, qua Lời hay ân sủng của Người.
Tác giả Thư Gửi Tín Hữu Do Thái viết: “Chúa Giê-su Ki-tô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời” (Dt 13,8). Chúa Giê-su hôm qua là Chúa Giê-su lịch sử, Người đã nhập thể, đã sống, đã chịu muôn vàn đau khổ, đã chết và đã phục sinh. Chúa Giê-su hôm nay là Chúa Giê-su Thánh Thể. Chúa Giê-su muôn đời là Chúa Giê-su quang lâm, mà mỗi người chúng ta cũng như toàn thể nhân loại diện đối diện trong thời cánh chung. Do đó, mỗi lần cử hành Bí Tích Thánh Thể, chúng ta không chỉ tưởng nhớ Chúa Giê-su lịch sử hay sự đau khổ, sự chết và phục sinh của Người, mà còn ý thức sự hiện diện thực sự của Người trong bí tích này, đồng thời, nuôi dưỡng niềm hy vọng được gặp gỡ Người trong Gia Đình Thiên Chúa viên mãn.
Khi thiết lập Lễ Mình Máu Thánh Chúa Giê-su vào năm 1264, Đức Thánh Cha U-ba-nô IV, vị Giáo Hoàng thứ 183 của Giáo Hội Công Giáo, truyền cho thánh Tô-ma A-qui-nô viết những lời nguyện phụng vụ liên quan đến Thánh Lễ này. Ngài đã viết và có một câu rất ý nghĩa như sau: “Ôi bữa tiệc thánh, trong đó Đức Ki-tô được đón nhận, sự tưởng nhớ Cuộc Vượt Qua của Người được thực hiện, tâm trí chúng ta được đầy tràn ân sủng và chúng ta nhận được bảo chứng tương lai vinh quang.” Cả ba thì quá khứ, hiện tại và tương lai xuất hiện ở lời nguyện này: Thì hiện tại là ‘Đức Ki-tô được đón nhận và tâm trí chúng ta được đầy tràn ân sủng’, thì quá khứ là ‘sự tưởng nhớ Cuộc Vượt Qua của Người được thực hiện’, và thì tương lai là ‘chúng ta nhận được bảo chứng tương lai vinh quang’.
Theo nghĩa thông thường, nói đến ‘tưởng nhớ’ là nói đến việc hướng tâm trí về sự kiện, biến cố, hiện tượng hay con người thuộc quá khứ. Trong bối cảnh Kinh Thánh, ‘tưởng nhớ’ bao gồm cả ba thì quá khứ, hiện tại, và tương lai. Bí Tích Thánh Thể cần được hiểu trong bối cảnh này. Do đó, cử hành Bí Tích Thánh Thể không chỉ là để tưởng nhớ Chúa Giê-su lịch sử hay tưởng nhớ sự đau khổ, sự chết và phục sinh của Người. Cử hành Bí Tích Thánh Thể cũng không chỉ là cử hành sự hiện diện thuần túy thiêng liêng của Chúa Giê-su. Cử hành Bí Tích Thánh Thể cũng không chỉ để làm cho mọi người ý thức về ‘dấu chỉ’ hay ‘biểu tượng’ Mình và Máu Người. Cử hành Bí Tích Thánh Thể chính là cử hành sự hiện diện đích thực của Người, bao gồm sự tưởng nhớ đến tất cả các biến cố trong cuộc sống dương thế của Người, cũng như tương lai của sự gặp gỡ Người trong thời cánh chung.
Bí Tích Thánh Thể cho phép chúng ta gặp gỡ Chúa Giê-su, gặp gỡ Giáo Hội, gặp gỡ chính mình, gặp gỡ anh chị em chúng ta. Theo nghĩa rộng hơn, Bí Tích Thánh Thể diễn tả sự gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người, giữa trời và đất, giữa siêu nhiên và tự nhiên, giữa thánh thiêng và thế tục, giữa vô hạn và hữu hạn, giữa vĩnh cửu và thời gian, giữa sức mạnh và yếu hèn, giữa sự sống và sự chết, giữa trường tồn và hư hoại. Với Bí Tích Thánh Thể, quá khứ và tương lai hội tụ nơi hiện tại. Trong bí tích này, người tín hữu cảm nhận được sự hiện diện của vĩnh cửu trong thời gian và hiện tại của Thiên Chúa trong hiện tại của con người. Như vậy, Bí Tích Thánh Thể diễn tả niềm hy vọng lớn lao nhất của con người, đó là niềm hy vọng được sống và sống dồi dào trong Nước Thiên Chúa.
Chúa Giê-su thiết lập Bí Tích Thánh Thể trong bối cảnh Bữa Ăn Vượt Qua (Passover), bữa ăn tưởng nhớ sự giải thoát của Dân Do Thái khỏi ách nô lệ người Ai Cập. Bữa Ăn Thánh Thể cũng mang nghĩa giải thoát, tuy nhiên, đây không phải là sự giải thoát khỏi quyền lực Ai Cập hay bất cứ quyền lực nào trong môi trường thế giới thụ tạo này, mà là sự giải thoát khỏi cảnh nô lệ tội lỗi và sự chết để được sống trong sự tự do của con cái Chúa. Bữa ăn vượt qua của người Do Thái là hình bóng của Bữa Ăn Vượt Qua Mới, Bữa Ăn Thánh Thể, với Của Ăn thiêng liêng là Mình và Máu Chúa Giê-su trong hành trình trần thế.
Kinh Thánh Tân Ước cho chúng ta biết rằng trong cuộc đời dương thế của Chúa Giê-su có năm biến cố biến đổi quan trọng nhất, đó là: (1) Biến cố Người Nhập Thể, (2) biến cố Người biến đổi hình dạng trên núi Ta-bo, (3) biến cố Người lập Bí Tích Thánh Thể, (4) biến cố Người chịu chết trên cây thập giá, với thân hình bầm dập, trái tim bị đâm thủng, máu cùng nước chảy ra và (5) biến cố Người phục sinh. Theo giáo lý Ki-tô giáo: Thiên Chúa là Đấng thiêng liêng, vô thủy vô chung, phép tắc vô cùng, thông minh vô cùng trọn tốt trọn lành, ở khắp mọi nơi. Trong nhãn quan triết lý, những gì còn chịu cảnh biến đổi thì chưa trọn hảo, chưa đạt tới mức thập toàn. Chúa Giê-su là Thiên Chúa toàn hảo, toàn năng, toàn thiện, tuy nhiên, vì yêu thương nhân loại, Người đã chịu cảnh biến đổi với hình thức đau khổ nhất mà nhân loại có thể cảm nghiệm (đau khổ thập giá). Hơn ai hết, thánh Phao-lô là người trình bày ngắn gọn và đầy đủ nhất về sự biến đổi cứu độ này. Ngài viết: “Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,6-8).
Vì yêu thương nhân loại, Chúa Giê-su là Thiên Chúa đã trở thành Em-ma-nu-en, nghĩa là Thiên Chúa đã trở thành Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta (Is 7,14; Mt 1,23). Thiên Chúa đã tự biến đổi chính mình để thông phần bấp bênh, tăm tối, đau khổ và chết chóc của chúng ta cũng như toàn thể thế giới thụ tạo. Chúa Giê-su không chỉ biến đổi để hiện diện trong môi trường nhân loại, hiện diện giữa chúng ta, mà còn biến đổi đến nỗi trở thành Của Ăn cho chúng ta nữa. Chúng ta ăn Chúa Giê-su, con người ăn Thiên Chúa, thụ tạo ăn Đấng Sáng Tạo. Đây thật là mầu nhiệm lớn lao!
Sự hiện diện đích thực của Chúa Giê-su trong Bí Tích Thánh Thể mời gọi chúng ta luôn ý thức về ba sự hiện diện chính của chúng ta, đó là: (1) sự hiện diện của chúng ta với Người, (2) sự hiện diện của chúng ta với anh chị em mình và (3) sự hiện diện của chúng ta với thế giới thụ tạo. Chúng ta cần thường xuyên đặt và trả lời cho câu hỏi: ‘Nếu chúng ta tin tưởng rằng Chúa Giê-su hiện diện trong Bí Tích Thánh Thể, mà chúng ta không đến với bí tích này, thì sự hiện diện của Người có mang lại lợi ích gì cho chúng ta không?’ hay ‘nếu chúng ta hiện diện với Chúa Giê-su Thánh Thể mà chúng ta không hiện diện với anh chị em mình, cũng như với thế giới thụ tạo theo thánh ý Người, thì sự hiện diện của chúng ta thực sự đúng nghĩa không?’
Trong thế giới thụ tạo, chúng ta có được kinh nghiệm rằng để tham dự sự sống của vật ở bậc cao hơn, vật ở bậc thấp hơn phải chịu cảnh hư nát, chịu cảnh chết đi, chịu cảnh bị ăn bởi vật ở bậc cao hơn. Chẳng hạn, để tham dự sự sống của con gà, con giun bị giết và trở thành của ăn cho con gà. Tương tự như vậy, để tham dự sự sống của con người, con gà bị giết và trở thành của ăn cho con người. Đây là trật tự của thế giới tự nhiên. Trật tự của thế giới siêu nhiên theo mặc khải Ki-tô giáo, thì không nhất thiết phải như vậy, đặc biệt, trong Biến Cố Đức Ki-tô và nhất là Bí Tích Thánh Thể, bởi vì, Chúa Giê-su, Sự Sống Nguyên Thủy, Sự Sống Sung Mãn, Sự Sống Đời Đời đã đồng hóa với sự sống bị giới hạn trong không gian, thời gian cũng như các hình thức giới hạn khác thuộc trật tự thế giới thụ tạo, nhằm siêu thăng sự sống thế giới thụ tạo và cho tham dự sự sống Thiên Chúa. Nói cách khác, trong Bí Tích Thánh Thể, Chúa Giê-su là Thiên Chúa hằng sống và là Tác Giả của muôn vàn hình thức sống trong thế giới thụ tạo đã trở nên Của Ăn cho con người tội lỗi bất xứng, để con người được sống bằng chính sự sống của Thiên Chúa.
Với thân phận con người, Chúa Giê-su cũng ăn cũng uống, của ăn và của uống đã trở nên thịt và máu Người trong dòng lịch sử. Chúa Giê-su lịch sử không còn hiện diện nữa, nhưng để thực hiện lời hứa ‘ở cùng các môn đệ cho đến tận thế’, Người đã thiết lập Bí Tích Thánh Thể. Người đã dùng những thứ quen thuộc nhất của cuộc sống con người như bánh và rượu, là của ăn và của uống nuôi sống thể xác con người, để Người hiện diện và trở nên Của Ăn Của Uống thiêng liêng cho con người. Như vậy, bánh và rượu vốn là những gì quen thuộc đối với đời sống thể xác lại trở nên những gì quen thuộc đối với đời sống thiêng liêng của con người, nhờ Lời quyền năng của Chúa Giê-su.
Chúng ta ăn Chúa Giê-su, nhờ đó, chúng ta có thể ‘ăn’ những thứ khác sao cho xứng hợp với phẩm giá của mình. Trong tiếng Việt, khi từ ‘ăn’ được ghép với những từ khác, thì nghĩa ‘ăn’ trở nên thật đa dạng, chứ không chỉ là những gì mà con người đưa qua miệng rồi vào dạ dày, chẳng hạn: ăn ảnh, ăn bám, ăn bận, ăn bẩn, ăn bụi, ăn cánh, ăn khách, ăn gian, ăn lộc, ăn mừng, ăn tết, ăn trên ngồi trước, ăn chắc mặc bền. Với sự hiện diện của Chúa Giê-su Thánh Thể trong cuộc sống, chúng ta không chỉ đặt và trả lời cho câu hỏi rằng ‘chúng ta đã ăn gì, đang ăn gì và sẽ ăn gì?’, mà còn đặt và trả lời cho câu hỏi rằng ’chúng ta đã ăn như thế nào, đang ăn như thế nào và sẽ ăn như thế nào?’ Là Ki-tô hữu, tuy nhiên, lắm lúc chúng ta đã ăn, đã sở hữu, đã tiếp cận những thực thể vô bổ, mà không màng quan tâm đến sự hiện diện và hoạt động của Chúa Giê-su Thánh Thể trong đời sống mình.
Chúng ta đang ăn nhiều thứ, chẳng hạn, ăn thông tin, ăn danh tiếng, ăn tư tưởng, ăn ý thức hệ, ăn cách sống, ăn cách cư xử. Chúa Giê-su luôn mời gọi mỗi người chúng ta hãy ăn chính Người. Bởi vì, khi chúng ta ăn chính Người và đồng hóa với Người, chúng ta mới có thể ăn các thức ăn khác cách điều độ và hữu ích nhất, bằng không, chúng ta sẽ bị bội thực với những thức ăn độc hại mà thế giới đương đại cung cấp. Khi chúng ta đã bị bội thực với những thức ăn như vậy, chúng ta không còn chỗ cần thiết cho Chúa Giê-su là Bánh Hằng Sống từ trời xuống nữa.
Chúa Giê-su Thánh Thể không ngừng mời gọi mỗi người chúng ta hãy ý thức hơn về sự hiện diện và hoạt động của người trong đời sống chúng ta trên bình diện cá nhân cũng như cộng đoàn. Khi chúng ta ý thức rằng Người chính là Của Ăn đích thực, thì chúng ta cũng ý thức về những gì mà chúng ta ăn cần phải phù hợp thánh ý Người. Nghĩa là những gì chúng ta ăn sẽ bồi bổ phẩm giá cao trọng của chúng ta là hình ảnh Thiên Chúa, là con cái Thiên Chúa, là em của Chúa Giê-su và là bạn của Người.
Niềm tin vào sự hiện diện đích thực của Chúa Giê-su Thánh Thể giúp chúng ta không ngừng đến với Người, thân thưa với Người và cộng tác với Người trong việc định dạng đời sống và hoạt động của chúng ta cũng như cộng đoàn mà chúng ta đang hiện diện và phục vụ. Niềm tin này cũng giúp chúng ta vượt qua được những chướng ngại hay rào cản trong cuộc sống hằng ngày. Đặc biệt, niềm tin này giúp chúng ta ý thức hơn về đời sống luân lý và đời sống vĩnh cửu của mình.
Chúa Giê-su Thánh Thể muốn Giáo Hội của Người cũng như mỗi người chúng ta không cô đơn trong hành trình trần thế. Người hiện diện với chúng ta hôm qua, hôm nay và tương lai, không chỉ là tương lai của cuộc sống chúng ta trên dương gian mà là cuộc sống vĩnh cửu trong Nước Thiên Chúa. Người muốn đồng hành và hướng dẫn chúng ta trên mọi nẻo đường, đặc biệt, người muốn đồng hành và hướng dẫn chúng ta khi chúng ta đau khổ, khi chúng ta mất phương hướng, khi chúng ta thất vọng, khi chúng ta phải đương đầu với nhiều hình thức bất công, bất đồng, bất hòa hợp và muôn vàn trắc trở, hiểm nguy khác giữa dòng đời.
Chúng ta cần đặt và trả lời cho câu hỏi rằng ‘ai đang hiện diện trong đời sống mình? Ai đang ở vị trí trung tâm của tư tưởng mình, tâm hồn mình, lòng trí mình? Khi chúng ta ý thức được ai đang hiện diện trong đời sống mình và ai đang là trung tâm của đời sống mình, chúng ta cũng ý thức được đường đi cho chính mình. Khi chúng ta ý thức rằng Chúa Giê-su Thánh Thể đang hiện diện, đồng hành và hướng dẫn, chúng ta cũng ý thức mình đang đi theo Đường của Người, Đường dẫn đến Sự Thật và Sự Sống viên mãn (Ga 14,6).
Gần 2000 năm trước, thánh Phao-lô viết cho các tín hữu Ê-phê-xô: “Chúng ta sẽ không còn là những trẻ nhỏ, bị sóng đánh trôi giạt theo mọi chiều gió đạo lý, giữa trò bịp bợm của những kẻ giảo quyệt khéo dùng mưu ma chước quỷ để làm cho kẻ khác lầm đường” (Ep 4,14). Hôm nay đây, chủ nghĩa duy vật, chủ nghĩa đa nguyên, chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa tương đối, chủ nghĩa thế tục và biết bao hình thức chủ nghĩa khác đang hoành hành trong thế giới. Các hình thức chủ nghĩa này thao túng và thâm nhập mọi chiều kích của đời sống con người. Nếu chúng ta không ý thức được sự hiện diện của Thiên Chúa, đặc biệt, sự hiện diện của Chúa Giê-su Thánh Thể trong đời sống mình, nếu chúng ta không để Người là tâm điểm, là lẽ sống và là gia nghiệp của mình, chắc rằng chúng ta sẽ rơi vào các hình thức chủ nghĩa đó, cũng như làm tôi mọi chúng. Hậu quả là chúng ta ngày càng xa Thiên Chúa, xa chính mình, xa người thân cận, và vô cảm đối với thế giới thụ tạo mà Người ban tặng cho chúng ta.
2. Hiệp thông
Sự hiệp thông trọn vẹn nhất giữa Thiên Chúa, con người và thế giới thụ tạo được diễn tả trong Biến Cố Đức Ki-tô, biến cố Thiên Chúa làm người và sống giữa gia đình nhân loại. Sự hiệp thông đó không kết thúc với sự chết và phục sinh của Chúa Giê-su, nhưng tiếp tục trong Bí Tích Thánh Thể. Câu cuối cùng trong Tin Mừng Chúa Giê-su theo thánh Mát-thêu là: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Như đã đề cập ở trên, Chúa Giê-su Thánh Thể cũng chính là Chúa Giê-su lịch sử đã nhập thể, đã sống, đã chết, đã phục sinh và lên trời.
Về căn bản, sự hiệp thông giữa chúng ta và Chúa Giê-su Thánh Thể thường được diễn tả qua sự hiệp thông với Người theo chiều đứng và hiệp thông với anh chị em mình theo chiều ngang. Hai hình thức hiệp thông này định nghĩa nhau và bổ sung cho nhau, tuy nhiên, sự hiệp thông với Chúa Giê-su Thánh Thể là nền tảng. Nghĩa là, khi chúng ta hiệp thông thân mật với Chúa Giê-su, thì chúng ta cũng hiệp thông thân tình với anh chị em mình. Nói cách khác, sự hiệp thông với anh chị em chính là hoa trái sự hiệp thông của chúng ta với Chúa Giê-su Thánh Thể.
Theo Kinh Thánh, hiệp thông có nghĩa là tham dự, là thông phần, là kết hợp, là cùng chung hành động và cùng chia sẻ mục đích. Sự hiệp thông trong Bí Tích Thánh Thể được thánh Phao-lô diễn tả trong Thư Thứ Nhất Gửi Tín Hữu Cô-rin-tô: “Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Ki-tô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao? Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1 Cr 10,16-17). Cộng đoàn cử hành Bí Tích Thánh Thể cùng chia sẻ Mình và Máu Chúa Giê-su, cùng chia sẻ sự sống đời đời của Người trong hành trình trần thế của mình.
Bí Tích Thánh Thể không chỉ liên kết mỗi người chúng ta với nhau mà còn liên kết tất cả chúng ta nên một với Chúa Giê-su và trong Chúa Giê-su. Lời cầu nguyện của Chúa Giê-su với Thiên Chúa Cha trước khi bước vào cuộc khổ nạn là ‘xin cho mọi người nên một’ (Ga 17,21). Trong Thư Gửi Tín Hữu Ê-phê-xô, thánh Phao-lô viết: “Chính Người làm cho các bộ phận ăn khớp với nhau và toàn thân được kết cấu chặt chẽ, nhờ mọi thứ gân mạch nuôi dưỡng và mỗi chi thể hoạt động theo chức năng của mình” (Ep 4,16). Trong xã hội dân sự, người ta cũng có thể liên kết và nên một với nhau, nhưng ‘sự liên kết và nên một’ ở đây không đồng nghĩa với ‘sự liên kết và nên một’ trong Bí Tích Thánh Thể. Với bí tích này, sự liên kết và nên một với nhau được xem là dẫn xuất hay hiệu quả của sự liên kết và nên một với Chúa Giê-su Thánh Thể, chứ không phải ngược lại.
Sự hiệp thông trong Bí Tích Thánh Thể là sự hiệp thông năng động, sự hiệp thông trao ban, sự hiệp thông hướng về tương lai tốt đẹp hơn của tất cả mọi người. Sự hiệp thông này phân biệt với các hình thức hiệp thông khác trong đời sống Giáo Hội. Chẳng hạn, chúng ta có thể liệt kê một số hình thức hiệp thông như: sự hiệp thông của các Giáo Hội địa phương với Giáo Hội phổ quát, sự hiệp thông không trọn vẹn của Giáo Hội Công Giáo với các Giáo Hội Ki-tô khác, sự hiệp thông của các Ki-tô hữu trong Giáo Hội lữ hành với các Ki-tô hữu trong Giáo Hội thanh luyện và Giáo Hội khải hoàn, sự hiệp thông của các Ki-tô hữu với các thực thể thánh thiêng, hay sự hiệp thông trong các bí tích khác của Giáo Hội.
Trong bối cảnh Kinh Thánh Tân Ước, sự hiệp thông còn được hiểu theo nghĩa tình bạn, tình thân mật của những người cùng chí hướng, cùng mục đích (fellowship, friendship). Chúa Giê-su diễn tả sự hiệp thông này trước khi bước vào cuộc khổ nạn qua hình ảnh cây nho và cành nho. Theo đó, Chúa Giê-su là cây nho, các môn đệ là cành. Các cành nho nên một với cây nho và hiệp thông với nhau cách mật thiết nhất, vì cùng chung chia nhựa sống của cây nho. Không hiệp thông với cây nho, cành nho sẽ khô héo và bị loại bỏ (Ga 15,1-17).
Khi chúng ta hiệp thông với Chúa Giê-su Thánh Thể, thì chúng ta cũng được hiệp thông với Thiên Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Nghĩa là Bí Tích Thánh Thể cho phép chúng ta được hiệp thông với Chúa Ba Ngôi là nguồn mạch và cùng đích của muôn loài muôn vật. Sự hiệp thông này giúp chúng ta ý thức hơn rằng Biến Cố Đức Ki-tô trong dòng lịch sử cũng chính là Biến Cố Chúa Ba Ngôi trong dòng lịch sử vậy. Thông thường, chúng ta nói ‘Chúa Cha sáng tạo, Chúa Con cứu chuộc, Chúa Thánh Thần thánh hóa’. Tuy nhiên, chúng ta cần ý thức rằng luôn có sự hiện diện và hoạt động của Chúa Ba Ngôi trong thế giới thụ tạo, từ tạo thiên lập địa cho đến tận thế.
Như đã đề cập ở trên, sự hiệp thông của Giáo Hội Chúa Giê-su, Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền được diễn tả cách cụ thể và rõ nét trong việc cử hành Bí Tích Thánh Thể. Tuy nhiên, chúng ta cần nhìn nhận sự hiệp thông này trong bối cảnh bao quát và rộng lớn hơn nữa. Nghĩa là, chúng ta cần nhìn nhận Bí Tích Thánh Thể trong bối cảnh hiệp thông của Giáo Hội từ đời đời trong ý định của Thiên Chúa Cha, được Chúa Giê-su thiết lập và Chúa Thánh Thần thánh hóa trong dòng lịch sử.
Giáo Hội là mầu nhiệm hiệp thông. Mầu nhiệm này phát xuất từ sự hiệp thông của Chúa Ba Ngôi và được diễn tả trong Biến Cố Đức Kitô. Ý tưởng này khá trừu tượng đối với đa số chúng ta. Tuy nhiên, nói rằng Bí Tích Thánh Thể là bí tích hiệp thông hay Bí Tích Thánh Thể là nguồn mạch, là đỉnh cao và là trung tâm của đời sống Giáo Hội, giúp chúng ta nhận ra căn tính, đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội cách dễ dàng hơn, bởi vì, như đã đề cập ở trên, Bí Tích Thánh Thể làm nên Giáo Hội.
Khi hiệp thông với Chúa Giê-su Thánh Thể, chúng ta ý thức rằng chúng ta nhận lấy Người và Người trở thành máu thịt thiêng liêng của chúng ta. Mặt khác, và đúng hơn, chúng ta ý thức rằng Chúa Giê-su Thánh Thể nhận lấy chúng ta, để biến đổi và làm cho chúng ta càng ngày càng gần gũi Người hơn, đồng thời, được Người chia sẻ phẩm giá làm con Thiên Chúa với Người (Ga 1,12). Nhờ đó, chúng ta xứng đáng hơn là môn đệ và tông đồ của Người trong hành trình trần thế. Nói cách khác, chúng ta không chỉ là chủ thể đón nhận Chúa Giê-su Thánh Thể, mà còn là đối tượng được Người đón nhận, biến đổi, để ngày càng hoàn thiện hơn và trở nên đồng hình đồng dạng với Người. Thánh Phao-lô có kinh nghiệm này khi ngài viết trong Thư Gửi Tín Hữu Ga-lát: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2,20). Trong Thư Gửi Tín Hữu Phi-líp-phê, ngài cũng viết: “Đối với tôi, sống là Đức Ki-tô, và chết là một mối lợi” (Pl 1,21).
Hiệp thông với Chúa Giê-su Thánh Thể và hiệp thông với anh chị em mình là tác động hỗ tương và bổ túc cho nhau. Tương quan liên vị giữa chúng ta với Chúa Giê-su Thánh Thể cho phép chúng ta thiết lập tương quan liên vị với anh chị em mình. Điều này thúc đẩy chúng ta ngày càng ý thức rằng chúng ta không cô đơn. Chúng ta sống là sống với nhau, là sống cho nhau và sống vì nhau, bởi chúng ta là chi thể của nhau trong Giáo Hội, Thân Thể Mầu Nhiệm Đức Ki-tô như thánh Phao-lô diễn tả (Rm 12,3-8).
Yêu thương ai thì người ta mở lòng và trao quà cho người đó. Bí Tích Thánh Thể là món quà vô giá mà Chúa Giê-su tặng ban cho tất cả mọi người trong gia đình nhân loại. Ai lãnh nhận Chúa Giê-su Thánh Thể cũng là người có bổn phận mang Người đến cho anh chị em mình, bởi vì, quà tặng và tác vụ của Bí Tích Thánh Thể luôn đi đôi với nhau. Món quà càng cao trọng thì tác vụ càng quan trọng, món quà càng quý giá thì tác vụ càng lớn lao, món quà càng sống động thì tác vụ càng khẩn thiết. Do vậy, sự hiệp thông của cộng đoàn cử hành Bí Tích Thánh Thể không phải là sự hiệp thông quy tụ, nhưng là sự hiệp thông mở ra, sự hiệp thông trao ban, trao ban cho đến khi Thiên Chúa quy tụ muôn loài muôn vật trong Chúa Giê-su. Cộng đoàn cử hành Bí Tích Thánh Thể mời gọi tất cả mọi người cùng chung vui, cùng chia sẻ, cùng tham dự sự sống mà Thiên Chúa ban tặng.
Cộng đoàn này luôn quan tâm đến hoàn cảnh và đời sống của những người xung quanh, bởi vì, nhờ Chúa Giê-su, tất cả được mời gọi nên một ở trần gian này và trong Nước Thiên Chúa mai hậu. Sự liên kết với Chúa Giê-su và sự liên kết với nhau trong cộng đoàn cử hành Bí Tích Thánh Thể phải dẫn tới sự liên kết không biên giới với tất cả mọi người. Nói cách khác, sự liên kết không chỉ giới hạn trong việc cử hành Bí Tích Thánh Thể mà trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống hằng ngày.
Hơn nữa, cộng đoàn cử hành Bí Tích Thánh Thể không chỉ ‘nên một’ với Chúa Giê-su, với anh chị em đồng đạo của mình và với tất cả mọi người, mà còn nên một với toàn thể thế giới thụ tạo, bởi vì, Bí Tích Thánh Thể bao gồm những yếu tố thuộc thế giới thụ tạo là bánh và rượu, sản phẩm của hoa màu ruộng đất. Việc cử hành Bí Tích Thánh Thể giúp mọi người ý thức hơn rằng mọi sự trong thế giới thụ tạo là ‘anh chị em của nhau’. Chính Chúa Giê-su đã mang lấy những yếu tố của thế giới thụ tạo trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Do đó, cộng đoàn cử hành Bí Tích Thánh Thể cần biết trân trọng thế giới thụ tạo và đóng góp phần mình làm cho thế giới này ngày càng tươi đẹp hơn.
Theo thánh Phao-lô, để hiệp thông với Chúa Giê-su Thánh Thể, Đấng Hằng Sống, người tham dự cần có tâm hồn xứng hợp (1 Cr 11,28-29). Nghĩa là người tham dự sống trong tình trạng ân sủng. Mặc khải Ki-tô giáo cho chúng ta nhận biết về ba hình thức sự sống của con người, đó là: sự sống thể lý, sự sống luân lý và sự sống vĩnh cửu. Tương tự như vậy, con người cũng có ba hình thức chết, đó là: sự chết thể lý, sự chết luân lý và sự chết vĩnh cửu. Thân xác con người không thể tiếp nhận của ăn và của uống khi thân xác đó đã chết. Tương tự như vậy, con người không thể lãnh nhận Chúa Giê-su Thánh Thể, Của Ăn thiêng liêng cho đời sống mình khi sự sống thiêng liêng, sự sống luân lý của con người đã chết. Dĩ nhiên, sự chết vĩnh cửu thì không thể biến đổi, còn sự chết thể lý và sự chết luân lý sẽ được biến đổi, được phục hồi, nhờ quyền năng Thiên Chúa, vai trò trung gian của Giáo Hội và sự cộng tác chân thành của con người.
Chúa Giê-su đã chịu muôn vàn thương đau, hận thù, ghen ghét và khổ hình thập giá để cứu độ con người và dẫn đưa con người về với Thiên Chúa. Cũng vậy, chúng ta cần ý thức rằng mỗi người chúng ta được mời gọi đi theo Đường mà Chúa Giê-su đã đi. Để trung tín với Đường đó, chúng ta cần hiệp thông với Người, biết quên mình, hy sinh, từ bỏ và diễn tả tình yêu của Người trong môi trường sống của chúng ta. Càng trung tín với Người bao nhiêu, chúng ta càng phải đương đầu với mọi gian lao thử thách bấy nhiều. Sự hiện diện của Chúa Giê-su Thánh Thể nhắc nhở chúng ta về những đau khổ của kiếp người như là hậu quả của tội lỗi: Những đau khổ nảy sinh từ môi trường tự nhiên, những đau khổ nảy sinh từ môi trường xã hội, những đau khổ nảy sinh từ những bất toàn và giới hạn của con người trong thế giới thụ tạo.
Tham dự Bí Tích Thánh Thể hay đến với Chúa Giê-su Thánh Thể trong thinh lặng, trong kinh nguyện, luôn là những phương thế hữu hiệu và lành thánh nhất giúp chúng ta hiệp thông với Người. Hơn nữa, ngay giữa cảnh bận rộn với những công việc hằng ngày, chúng ta vẫn có thể hiệp thông với Người cách mật thiết khi chúng ta ý thức rằng Người luôn hiện diện và hoạt động trong đời sống chúng ta. Nếu chúng ta ý thức, tin tưởng và thực hành như vậy, chúng ta sẽ có được sự bình an của Người, sự bình an mà thế gian không thể ban tặng, như Người đã nói với các môn đệ thân yêu của mình trước khi bước vào cuộc khổ nạn (Ga 14,27).
Trong Bí Tích Thánh Thể, Chúa Giê-su đã biến đổi để gần gũi chúng ta, do đó, chúng ta cũng cần biến đổi luôn mãi để ngày càng gần gũi Người hơn trong hành trình trần thế. Thánh Au-gút-ti-nô cho chúng ta kinh nghiệm là: Càng gần gũi Chúa Giê-su bao nhiêu thì chúng ta càng gần gũi chính mình bấy nhiêu. Nói cách khác, bao lâu chúng ta còn xa Chúa Giê-su, bấy lâu chúng ta còn xa với con người đích thực của mình. Khi chúng ta gần gũi Chúa Giê-su cũng là khi chúng ta gần gũi anh chị em và gần gũi thế giới thụ tạo hơn. Nhờ đó, chúng ta có ý thức hơn về phẩm giá của anh chị em mình, cũng như phẩm giá của thế giới thụ tạo mà Thiên Chúa đã ban tặng để chúng ta hưởng dùng, chia sẻ, quản lý và làm tăng trưởng.
Chúng ta được mời gọi không ngừng đối thoại, không ngừng thiết lập các mối quan hệ và cố gắng làm cho các mối quan hệ đó ngày càng bền vững. Mỗi người chúng ta được mời gọi cộng tác với nhau để có thể tạo lập những điều tốt đẹp và mới mẻ, nhằm thăng tiến cuộc sống hằng ngày của mỗi người cũng như cộng đoàn. Hiệp thông với Chúa Giê-su, hiệp thông với anh chị em mình, hiệp thông với toàn thể Giáo Hội chỉ có thể mang lại hoa trái tốt đẹp khi cộng đoàn cử hành Bí Tích Thánh Thể ý thức hơn về sự hiệp thông cao cả mà Thiên Chúa thực hiện nơi Chúa Giê-su, Con Chí Ái của Người.
Khi trình bày ‘Diễn Từ Bánh Hằng Sống’, Chúa Giê-su chứng kiến sự cứng lòng không chỉ của đám đông mà còn của một số môn đệ Người nữa. Chúa Giê-su hỏi các môn đệ: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?” (Ga 6,68). Thánh Phêrô đáp lại: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6,69). Chúa Giê-su Thánh Thể vẫn luôn nhắc nhở mọi người trong gia đình nhân loại suốt dòng lịch sử rằng: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4). Trong thế giới hôm nay, xem ra người ta quan tâm đến cơm bánh cho đời sống thể lý hơn là cơm bánh cho đời sống luân lý, đặc biệt, cơm bánh cho đời sống vĩnh cửu. Vì quá quan tâm đến cơm bánh cho đời sống thể lý, người ta sẵn sàng làm bất cứ điều gì để đạt được mục đích đó và hậu quả là gia đình nhân loại luôn lâm cảnh bất an, bất cập, và muôn hình thức bất hòa hợp khác.
Ích kỷ cá nhân và dửng dưng, vô cảm đang là những trở ngại lớn nhất đối với sự hiệp thông giữa các Ki-tô hữu với nhau cũng như với tất cả mọi người trong gia đình nhân loại. Cộng đoàn cử hành Bí Tích Thánh Thể được mời gọi sống và chia sẻ mầu nhiệm hiệp thông và loan báo tinh thần hiệp thông khởi đi từ mầu nhiệm này trong mọi hoàn cảnh xã hội. Nhờ đó, tất cả mọi người trong gia đình nhân loại biết đồng tâm, hợp lực, cùng nhau xây dựng nền văn minh tình thương và văn hóa sự sống trong thế giới hôm nay cũng như mai ngày.
Sự hiệp thông với Chúa Giê-su Thánh Thể cho phép chúng ta có được tầm nhìn rõ hơn về những thiên kiến trong việc xây dựng và định dạng căn tính con người cũng như các tương quan khác trong thế giới hôm nay. Thực tế cho thấy rằng người ta đang đề cao tri thức và xem tri thức như là thực thể duy nhất để tiếp cận tất cả mọi sự nhằm phát triển con người toàn diện. Tuy nhiên, lịch sử cho chúng ta thấy rằng tri thức con người không phải là tất cả, lại càng không phải là thực thể cao trọng nhất. Chúng ta có thể nói rằng tình yêu, niềm tin và hy vọng cao trọng hơn nhiều. Do đó, sự kết hợp giữa tri thức với tình yêu, niềm tin và hy vọng trong nhãn quan Ki-tô giáo sẽ giúp con người tiếp cận, xem xét và nắm bắt thực tại cách đầy đủ hơn. Chính sự kết hợp này cho phép con người hình thành căn tính xứng hợp và sống các tương quan giữa con người với nhau, với thế giới thụ tạo và với Thiên Chúa cách mật thiết và đúng đắn hơn.
Nhiều ngẫu tượng đang nảy sinh và cũng lắm người tìm đến để ‘hiệp thông’ với các ngẫu tượng này. Kinh nghiệm lịch sử cho chúng ta thấy rằng các ngẫu tượng đến rồi đi, đến nhanh thì cũng đi nhanh. Có những điều được xem là mô mẫu, là hợp thời, là văn minh, là hiện đại, là năng động, tuy nhiên, thực tế không phải như vậy, nhiều lúc chúng gây tổn hại hơn là mang lại lợi ích cho cá nhân, gia đình, xã hội và môi trường tự nhiên. Những gì không được cưu mang trong đau thương, trong tin yêu, trong hy vọng, trong kiên nhẫn, cũng là những gì kém giá trị. Chúa Giê-su nói: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24). Do đó, hiệp thông với Chúa Giê-su Thánh Thể, hiệp thông với Biến Cố Vượt Qua của Người là con đường duy nhất cho phép chúng ta sống đúng với phẩm giá của mình.
3. Hành động
Sự hiệp thông với Chúa Giê-su và với nhau trong cộng đoàn cử hành Bí Tích Thánh Thể được diễn tả cách cụ thể trong hành động ra đi, hành động chia sẻ, hành động liên đới với tất cả mọi người trong gia đình nhân loại. Sự hội nhập của các thành viên cộng đoàn cử hành Bí Tích Thánh Thể vào các môi trường khác nhau của gia đình nhân loại là cần thiết. Nhờ đó, các môi trường này ngày càng thấm đượm các giá trị của Tin Mừng Chúa Giê-su, cũng là của Nước Thiên Chúa đang lớn lên ở trần gian này.
Lãnh nhận Chúa Giê-su Thánh Thể là lãnh nhận sự sống vĩnh cửu của Người. Do đó, tất cả các hành động của chúng ta đều nhằm xây dựng sự sống vĩnh cửu của bản thân mình dựa trên khuôn mẫu sự sống vĩnh cửu của Chúa Giê-su biểu lộ trên dương gian, đặc biệt, biểu lộ qua sự đau khổ, sự chết và phục sinh của Người. Sự trung tín của Chúa Giê-su trong khi thi hành sứ mệnh dương thế của Người chính là sự quy chiếu cho mọi hành động của các thành viên cộng đoàn cử hành Bí Tích Thánh Thể.
Thông thường, Bí Tích Thánh Thể hay Thánh Lễ được hiểu là có hai phần: phụng vụ Lời Chúa và phụng vụ Thánh Thể. Sự hiểu biết như vậy đúng nhưng chưa đủ, bởi vì, Thánh Lễ không chỉ có thế. Lời cuối cùng của Thánh Lễ là ‘Lễ xong, chúc anh chị em đi bình an’ hay những lời khác tương tự như thế. Những lời này thật ngắn ngủi, tuy nhiên, ý nghĩa rất quan trọng, bởi vì, những lời này bao hàm sứ mệnh của người Ki-tô hữu giữa dòng đời, tiếp nối với việc cử hành Thánh Lễ. Thực ra, hai phần đầu của Thánh Lễ là nền tảng cho ‘hành động của Thánh Lễ’ giữa dòng đời. Chúng ta nhận thức rằng ‘hành động của Thánh Lễ’ hay ‘sống Bí Tích Thánh Thể’ diễn ra trong thời gian dài hơn, không gian rộng hơn và bối cảnh đa dạng hơn.
Trong tiếng La Tinh, Missa (trong bối cảnh ‘Ite, Missa est’) có nghĩa là hãy ra đi, sai đi, gửi đi. Người lắng nghe Lời Chúa, chia sẻ Lời Chúa và lãnh nhận Chúa Giê-su Thánh Thể cũng là người được sai đi, được gửi đi. Như thế, Thánh Lễ Missa có thể được gọi là ‘Thánh Lễ sai đi’ hay ‘Thánh Lễ gửi đi’. Các thành viên tham dự Bí Tích Thánh Thể được mời gọi là hãy đến với mọi người: Hãy loan báo Chúa Giê-su và Tin Mừng của Người cho anh chị em đồng loại. Những lời cuối cùng mà Chúa Giê-su nói với các môn đệ của mình trước khi Người về trời là: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm Phép Rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28,19-20). Các môn đệ Chúa Giê-su đã trung tín thực hiện lời căn dặn của Thầy mình trong toàn bộ cuộc đời họ.
Theo thánh Lu-ca, sau khi Chúa Giê-su chịu chết và được mai táng trong mồ, các môn đệ của Người buồn sầu, thất vọng. Một số trong nhóm các môn đệ đã rời bỏ Giê-ru-sa-lem về với quê hương xứ sở mình. Hai môn đệ trên đường Em-mau là một ví dụ điển hình. Họ đã gặp Chúa Giê-su trên đường và được Người chia sẻ Lời Chúa, tuy nhiên, họ không nhận ra Người. Khi gần tới làng của mình, họ nói với Chúa Giê-su: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn” (Lc 24,29). Chính lời mời gọi chân thành và khẩn thiết này mà Chúa Giê-su đã ở lại với họ và “khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người” (Lc 24,30-31). Nghĩa là Chúa Giê-su đã ‘cử hành Bí Tích Thánh Thể’ và chỉ khi đó, hai môn đệ mới nhận ra Người. Niềm vui ngập tràn, họ đã trở lại Giê-ru-sa-lem loan báo Tin Mừng Phục Sinh. Trong biến cố Em-mau, chúng ta thấy ‘ba hành động‘ quan trọng, đó là: (1) Lời Chúa được chia sẻ, (2) Bí Tích Thánh Thể được cử hành, và (3) việc rao giảng Tin Mừng được thực hiện. Đời sống của cộng đoàn cử hành Bí Tích Thánh Thể cũng được định dạng và diễn tả qua ba hành động này, đó là chia sẻ Lời Chúa, cử hành bí tích và loan báo Tin Mừng.
Trước khi đến với Chúa Giê-su, đa số các môn đệ là những người ít học, chân bùn tay lấm và giới hạn trăm chiều. Tuy nhiên, kinh nghiệm gặp gỡ và đồng hành cùng Chúa Giê-su lịch sử, kinh nghiệm về những đau khổ, sự chết và phục sinh của Người, đặc biệt, kinh nghiệm về việc Người thiết lập Bí Tích Thánh Thể trong bối cảnh Bữa Ăn Vượt Qua để ban giới răn mới, giới răn yêu thương, đã biến đổi hoàn toàn cuộc sống của các ngài. Nhờ đó, các ngài đã từ bỏ tất cả để loan báo Chúa Giê-su và Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho tất cả mọi người. Hơn nữa, đa số các ngài đã minh chứng cho những gì các ngài loan báo bằng chính mạng sống mình theo khuôn mẫu Chúa Giê-su.
Sách Công Vụ Tông Đồ tường thuật rằng sau khi phục sinh, Chúa Giê-su còn ở lại với các môn đệ 40 ngày. Người nói với họ: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8). Khi thi hành sứ mệnh của mình, các môn đệ luôn được sự nâng đỡ của Chúa Thánh Thần. Nhờ đó, các ngài vốn là những người yếu đuối, nhát đảm, đã trở nên mạnh mẽ, can trường trong việc làm chứng về Chúa Giê-su phục sinh và Tin Mừng của Người.
Qua dòng lịch sử, Giáo Hội không ngừng thực thi việc loan báo Tin Mừng cho muôn dân. Trong Sắc Lệnh Về Hoạt Động Loan Báo Tin Mừng của Giáo Hội Ad Gentes (1965), Công Đồng Vatican II khẳng định: “Tự bản tính, Giáo Hội lữ hành phải loan báo Tin Mừng, vì chính Giáo Hội bắt nguồn từ sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần theo Ý Ðịnh của Thiên Chúa Cha“ (AG 2). Nghĩa là, Giáo Hội, cộng đoàn cử hành Bí Tích Thánh Thể, tiếp tục chương trình Thiên Chúa được thực hiện qua Chúa Giê-su và trong Chúa Thánh Thần cho tất cả mọi người. Hơn ai hết, thánh Phao-lô hiểu rõ tính phổ quát của ơn cứu độ được thực hiện bởi Chúa Giê-su và tiếp tục trong Giáo Hội của Người. Với các tín hữu Ê-phê-xô, thánh nhân viết: “Anh em đọc thì có thể thấy rõ tôi am hiểu mầu nhiệm Đức Ki-tô thế nào. Mầu nhiệm này, Thiên Chúa đã không cho những người thuộc các thế hệ trước được biết, nhưng nay Người đã dùng Thần Khí mà mặc khải cho các thánh Tông Đồ và ngôn sứ của Người. Mầu nhiệm đó là: trong Đức Ki-tô Giê-su và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do-thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa” (Ep 3,4-6).
Cộng đoàn cử hành Bí Tích Thánh Thể vừa là hoa trái của công cuộc cứu độ, vừa là Dân Mới của Thiên Chúa, nhờ sự tác động của Chúa Thánh Thần, trở nên khí cụ để qua đó Thiên Chúa quy tụ muôn loài muôn vật trong Chúa Giê-su. Do đó, cộng đoàn này luôn mở ra về hai phía: Về phía Chúa Giê-su Thánh Thể để không ngừng lãnh nhận nguồn sống và về con người để không ngừng phục vụ. Như vậy, cộng đoàn này ‘không tự khẳng định mình’, nhưng luôn hướng về Thiên Chúa, về con người và thi hành bổn phận của mình như là khí cụ của Thiên Chúa giữa dòng đời.
Câu hỏi đặt ra là ‘cộng đoàn cử hành Bí Tích Thánh Thể hiệp thông với anh chị em mình trong cuộc sống hằng ngày bằng cách nào?’ Thưa, bằng chính gương lành và hành động bác ái của mỗi người. Cộng đoàn cử hành Bí Tích Thánh Thể được mời gọi hãy tỏa lan ánh sáng của Chúa Giê-su Thánh Thể cho anh chị em đồng loại. Thánh Gio-an viết: “Nếu chúng ta nói là chúng ta hiệp thông với Người mà lại đi trong bóng tối, thì chúng ta nói dối và không hành động theo sự thật. Nhưng nếu chúng ta đi trong ánh sáng cũng như Thiên Chúa hằng ngự trong ánh sáng, thì chúng ta được hiệp thông với nhau, và máu Chúa Giê-su, Con của Người, thanh tẩy chúng ta sạch hết mọi tội lỗi” (1 Ga 1,6-7). Đi trong ánh sáng của Chúa Giêsu Thánh Thể, cũng là của Thiên Chúa, và chiếu tỏa ánh sáng này cho anh chị em mình luôn là sứ mệnh của các thành viên trong cộng đoàn cử hành Bí Tích Thánh Thể.
Quyền lực ma quỷ, quyền lực sự dữ, quyền lực bóng đêm vẫn luôn hoành hành trong gia đình nhân loại, cũng như toàn thể thế giới thụ tạo. Trong Thư Gửi Tín Hữu Rôma, thánh Phao-lô viết: “Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người… Cho đến bây giờ, muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở. Không phải muôn loài mà thôi, cả chúng ta cũng rên siết trong lòng” (Rm 8,19-23). Nếu chúng ta không ý thức đủ về các hình thức quyền lực này và những mưu mô lôi kéo của chúng, được ngụy trang dưới nhiều sắc thái khác nhau, thì chúng ta khó có thể thoát khỏi cảnh nô lệ chúng. Sự gắn bó và cộng tác với Chúa Giê-su Thánh Thể không chỉ giúp chúng ta vượt qua những cạm bẫy của các quyền lực này, mà còn giúp chúng ta trở nên dấu chỉ và khí cụ đích thực của Chúa Giê-su Thánh Thể trong việc trợ giúp anh chị em đồng loại.
Cộng đoàn cử hành Bí Tích Thánh Thể được mời gọi dấn thân vào các ngõ ngách của môi trường nhân loại trong đời sống văn hóa, xã hội, chính trị nhằm góp phần biến đổi những thực tại này, hầu đóng góp phần mình trong việc phát triển con người toàn diện. Điều này có nghĩa rằng cộng đoàn cử hành Bí Tích Thánh Thể cần dấn thân, đồng trách nhiệm và hợp tác để đẩy lui các tệ nạn xã hội dựa trên các giá trị Tin Mừng mà Chúa Giê-su đã thực hiện và truyền dạy các môn đệ của Người phải tiếp tục. Như vậy, đời sống của cộng đoàn cử hành Bí Tích Thánh Thể trở thành động lực góp phần làm cho thế giới ngày càng tốt đẹp hơn.
Trong thế giới hôm nay, chúng ta được mời gọi chung tay khởi tạo những nhịp cầu bác ái huynh đệ nhằm giúp tất cả mọi người ngày càng đến gần nhau hơn. Với tiến trình toàn cầu hóa, những khác biệt hay rào cản về địa lý, văn hóa, chính trị và xã hội ngày càng được thu hẹp và giảm thiểu. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra cho tất cả chúng ta là ‘phải chăng mọi người trong gia đình nhân loại đã thực sự nên một?’ Chúng ta nhận thức rằng những khác biệt và rào cản của tâm hồn con người vẫn còn đó. Các hình thức bạo lực, bất công và bất hòa hợp vẫn thường xuyên xảy ra trong gia đình nhân loại.
Hơn ai hết, các Ki-tô hữu là những người cổ vũ sự hợp nhất trong các cộng đoàn Giáo Hội cũng như các hình thức cộng đoàn khác. Hiệp nhất luôn là quan điểm chung của tất cả mọi người, tuy nhiên, mỗi người thường đưa ra qui chuẩn hiệp nhất theo ý mình. Mặc khải Kinh Thánh Ki-tô giáo cho chúng ta biết ‘Chúa Giê-su là Quy Chuẩn hiệp nhất’ (Ep 1,10). Chúng ta hy vọng rằng tất cả mọi người nhận ra Quy Chuẩn này, nhờ đó, tiến trình hiệp nhất Ki-tô hữu và hiệp nhất trong gia đình nhân loại ngày càng trở nên hiện thực hơn.
Như đã đề cập ở trên, khi chúng ta ý thức rằng Chúa Giê-su Thánh Thể không chỉ là ‘đối tượng của lòng trí chúng ta’ mà còn là ‘chủ thể của lòng trí chúng ta’, cũng là khi chúng ta ý thức rằng với sự hiện diện và hoạt động của Người trong đời sống thường ngày, chúng ta sẽ vượt qua những cạm bẫy giữa lòng thế giới. Thánh Phao-lô có được kinh nghiệm này khi Người viết: “Cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta” (Rm 8,38-39). Như vậy, nhờ Chúa Giê-su Thánh Thể, chúng ta có đủ sức mạnh để có thể hành động cách xứng hợp hơn giữa thế gian này.
Sự hiệp thông của tất cả mọi người trong gia đình nhân loại luôn là một lộ trình dang dở. Thực tế cho thấy người ta có thể sống hòa hợp với nhau, tuy nhiên, chưa thực sự hiệp thông với nhau như Chúa Giê-su Thánh Thể mong muốn. Cộng đoàn cử hành Bí Tích Thánh Thể, cộng đoàn những người hiệp thông với Chúa Giê-su và hiệp thông với nhau cần nhiều nỗ lực hơn nữa trong việc làm cho sự hiệp thông của cộng đoàn mình được lan tỏa trên khắp hoàn cầu. Để được như vậy, các thành viên của cộng đoàn cử hành Bí Tích Thánh Thể luôn được mời gọi biến đổi không ngừng.
Trong cuộc sống hằng ngày, mỗi người chúng ta ai cũng có kinh nghiệm về những biến đổi: Sự biến đổi của môi trường tự nhiên, môi trường văn hóa, môi trường xã hội, sự biến đổi từ vật này sang vật nọ, từ hiện tượng này sang hiện tượng khác, từ biến cố này sang biến cố kia. Chúng ta không thể hiệp thông với Chúa Giê-su Thánh Thể, với anh chị em chúng ta và toàn thể thế giới thụ tạo cách đúng nghĩa mà không cộng tác với Chúa Giê-su trong việc biến đổi bản thân mình. Chính sự cộng tác với Chúa Giê-su Thánh Thể cho phép chúng ta được biến đổi cách tốt đẹp nhất, nhờ đó, các hình thức hiệp thông của chúng ta sẽ dần được cải thiện.
Để khôi phục phẩm giá con người là hình ảnh Thiên Chúa, Chúa Giê-su không chỉ mang lấy hình ảnh con người, mà đã trở thành con người thực sự, giống con người mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi (Dt 4,15). Hơn nữa, Chúa Giê-su đã trở nên Của Ăn cho con người, để con người được ăn Sự Sống Vĩnh Cửu trong thời gian. Do đó, các thành viên của cộng đoàn cử hành Bí Tích Thánh Thể luôn được mời gọi trở thành ‘sở hữu của nhau’, ‘bánh rượu cho nhau’ và ‘của ăn cho nhau’, cũng như cho tất cả mọi người. Trong Thư Gửi Tín Hữu Rô-ma, thánh Phao-lô viết: “Không ai trong chúng ta sống cho chính mình, cũng như không ai chết cho chính mình. Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa. Vậy, dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa” (Rm 14,7-8).
Sự biến đổi của Bí Tích Thánh Thể luôn là khuôn mẫu, là mô phạm cho tất cả sự biến đổi của cộng đoàn cử hành Bí Tích Thánh Thể, của các Ki-tô hữu cũng như tất cả mọi người. Ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm rằng mỗi người thường suy nghĩ, ăn nói và hành động theo thói quen, theo sở thích của mình. Để biến đổi, mỗi người chúng ta phải chọn lựa, phải từ bỏ, phải hy sinh trong niềm tin yêu, phó thác, để có thể hướng về những gì thánh thiêng hơn, tốt đẹp hơn, hoàn thiện hơn, nhằm xây dựng cuộc sống cá nhân cũng như cộng đoàn mà chúng ta gắn bó.
Theo dòng lịch sử, càng ngày con người càng có nhiều chọn lựa hơn cho cuộc sống mình. Người chọn Chúa Giê-su là trung tâm và định hướng cuộc sống mình, cũng là người biết chọn những gì phù hợp với phẩm giá của mình, dựa trên giáo huấn của Chúa Giê-su. Để chọn lựa những gì phù hợp với giáo huấn của Chúa Giê-su, nhiều lúc chúng ta phải chấp nhận ‘ngược dòng thời đại’. Các môn đệ Chúa Giê-su chắc chắn không phải là những người theo lối sống ảo, sống gấp, sống nhanh, mà là những người biết suy nghĩ, biết cầu nguyện, biết đối thoại với Chúa Giê-su và cầu khẩn sự trợ giúp của Người cho cuộc sống mình giữa vô số chọn lựa. Chính các ngài là những mẫu gương cho chúng ta bắt chước trong việc đón nhận, sống, diễn tả và lưu truyền niềm tin của mình.
Trong thế giới hôm nay, con người đạt đến tầm mức khá cao về khoa học kỹ thuật và nhiều lĩnh vực khác, tuy nhiên, chiến tranh, hận thù, chia rẽ vẫn còn đó. Toàn thể thế giới có thể bị hủy diệt trong giây lát bởi chính con người. Mặc khải Ki-tô giáo cũng như kinh nghiệm bản thân cho chúng ta nhận thức rằng con người vừa cao cả vừa thấp hèn, vừa quảng đại vừa ích kỷ, vừa tốt đẹp vừa xấu xa, vừa ngọt ngào vừa nham hiểm. Con người yêu thương nhau nhiều, nhưng cũng ghét nhau lắm. Do đó, điều cần thiết nhất cho chúng ta là luôn hiệp thông và đồng hành với Chúa Giê-su Thánh Thể, để chúng ta luôn hướng thiện và có được Bình An của Người. Nhờ vậy, mỗi người chúng ta có thể vượt qua các hình thức bất an trong cuộc sống và góp phần kiến tạo thế giới thành môi trường đáng sống hơn.
Trong Cựu Ước, tiên tri I-sai-a đã loan báo Chúa Giê-su là Hoàng Tử Bình An (Is 9,5-6). Người đã đến trần gian trong thân phận Người Tôi Tớ Đau Khổ của Thiên Chúa để thông phần bất an của con người, nhằm đem lại bình an cho con người. Khi gửi các môn đệ đi loan báo Tin Mừng, Chúa Giê-su nói với họ: “Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: Bình an cho nhà này!” (Lc 10,5). Các môn đệ Chúa Giê-su đã thực thi như vậy. Do đó, các thành viên của cộng đoàn cử hành Bí Tích Thánh Thể chính là các sứ giả trao ban Bình An của Chúa Giê-su, của Thiên Chúa cho tất cả mọi người. Tin Mừng của Chúa Giê-su là Tin Mừng Bình An cho thế giới bất an. Chính Chúa Giê-su là Bình An của nhân loại. Như thế, Bình An không phải là cái gì đó, nhưng là một Ngôi Vị, là chính Chúa Giê-su. Thánh Phao-lô hiểu rõ điều này khi người viết: “Chính Người là bình an của chúng ta” (Ep 2,14).
Noi gương Chúa Giê-su, Hoàng Tử Bình An và Người Tôi Tớ Đau Khổ của Thiên Chúa cho con người được bình an, các thành viên của cộng đoàn cử hành Bí Tích Thánh Thể không chỉ hiện diện với anh chị em mình hay với người khác mà còn hy sinh bản thân mình vì họ: Hi sinh thời gian, sức lực, của cải vật chất cũng như các hình thức hy sinh khác nữa. Những hy sinh này nhằm làm cho các giá trị Tin Mừng Nước Thiên Chúa được lan tỏa, cũng như nhân phẩm, nhân quyền của con người được tôn trọng. Hơn nữa, những hy sinh này góp phần làm cho Giáo Hội ngày càng thể hiện rõ nét hơn là Thân Thể Mầu Nhiệm Đức Ki-tô giữa dòng đời. Thánh Phao-lô đã cảm nghiệm được điều này khi viết cho các tín hữu Cô-lô-xê: “Tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Ki-tô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh” (Cl 1,24).
Chúa Giê-su Thánh Thể là Tâm Điểm cho việc xây dựng nền văn hóa gặp gỡ của tất cả mọi người trong gia đình nhân loại. Do đó, bao lâu việc gặp gỡ Chúa Giê-su Thánh Thể chưa trở thành văn hóa sống của chúng ta, bấy lâu chúng ta còn thiếu nguồn sinh lực cần thiết để trở về, để hoán cải, để biến đổi bản thân và góp phần vào việc loan báo Chúa Giê-su và Tin Mừng của Người cho anh chị em đồng loại. Như đã đề cập ở trên, khi chúng ta gặp gỡ Chúa Giê-su Thánh Thể, chúng ta gặp gỡ chính mình, gặp gỡ anh chị em chúng ta, gặp gỡ Giáo Hội, gặp gỡ thế giới thụ tạo và gặp gỡ Thiên Chúa.
Trong thế giới hôm nay, chúng ta có cơ hội để gặp gỡ nhiều sự kiện, nhiều biến cố, nhiều con người hơn. Chúng ta cần đặt câu hỏi cho bản thân mình rằng ‘ai đang là người mà chúng ta dành nhiều thời gian, sức lực, tâm huyết nhất để hiện diện, để thân thưa, để chia sẻ, để tham vấn? Sự gặp gỡ Chúa Giê-su Thánh Thể cho phép chúng ta thực hiện các cuộc gặp gỡ khác cách chân thành và hiệu quả hơn.
Thế giới đủ điều kiện cơ sở vật chất cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, thực trạng cho thấy hố ngăn cách giữa sang trọng và bần cùng, giữa người giàu và người nghèo, giữa nước giàu và nước nghèo xem ra ngày càng rộng thêm. Tình trạng vô thức, vô tâm, vô cảm của con người ngày càng phổ biến, đặc biệt, việc sử dụng của cải vật chất hoang phí ngày càng gia tăng. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô nhiều lần đề cập đến nền văn hóa vứt bỏ (the throw away culture), nền văn hóa trong đó nhiều người tiêu thụ của cải vật chất cách vô độ, uổng phí, mà không ý thức sự hiện diện và cảnh cùng cực, túng thiếu của anh chị em xung quanh mình.
Cộng đoàn cử hành Bí Tích Thánh Thể, cộng đoàn Giáo Hội là cộng đoàn phục vụ. Sự phục vụ của cộng đoàn được nối kết với Chúa Giê-su Thánh Thể, Đấng đã đến thế gian để phục vụ, chứ không phải để được phục vụ. Người nhận ra Chúa Giê-su trong Bí Tích Thánh Thể và hiệp thông với Người cũng là người nhận ra Chúa Giê-su trong anh chị em mình và phục vụ anh chị em mình cách chân thành nhất. Người nhận ra Chúa Giê-su trong Bí Tích Thánh Thể cũng là người biết quan tâm đến những người đau khổ, bệnh tật, những người thiếu thốn, bất hạnh, những người bị khinh dễ, bị loại trừ hay bị gạt ra bên lề xã hội. Người nhận ra Chúa Giê-su trong Bí Tích Thánh Thể cũng là người dễ dàng cảm nhận những bất công trong xã hội và biết đóng góp phần mình nhằm đẩy lùi những bất công đó dựa trên giáo huấn của Chúa Giê-su.
Trong dòng lịch sử nhân loại, biết bao nhân vật, triết thuyết, hệ tư tưởng đã đề xuất những giải pháp nhằm thăng tiến con người toàn diện mà không cần quan tâm đến sự hiện diện và hoạt động của Thiên Chúa. Kinh nghiệm thực tế cho thấy khi con người loại trừ Thiên Chúa khỏi đời sống mình, cũng là khi con người lâm vào cảnh bế tắc, không lối thoát. Chúa Giê-su, Thiên Chúa thật và con người thật, là niềm hy vọng của tất cả mọi người. Niềm hy vọng đó tiếp tục hiện diện và hoạt động trong thế giới thụ tạo, trong đời sống Giáo Hội cũng như trong đời sống của các tín hữu, đặc biệt trong Bí Tích Thánh Thể. Thánh Phê-rô nói: “Dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ” (Cv 4,12), còn thánh Phao-lô thì minh định: “Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người” (Ep 4,4-6).
Kết luận
Thiên Chúa đã tạo dựng con người “chẳng thua kém thần linh là mấy, ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên, cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo, đặt muôn loài muôn sự dưới chân” (Tv 8,6-7). Tuy nhiên, con người đã ‘bất tuân lệnh Thiên Chúa’, đã phạm tội và làm lu mờ, biến dạng hình ảnh Thiên Chúa nơi mình. Để phục hồi hình ảnh đó, Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa đã mang lấy hình ảnh con người. Không chỉ hình ảnh mà thôi, Chúa Giê-su đã trở nên con người thật, hiện diện giữa lòng trần thế và ở lại với con người cho đến tận thế.
Những quan sát, đánh giá và diễn tả trên đây giúp chúng ta nhận thức rằng sự hiện diện của Chúa Giê-su giữa lòng trần thế là biến cố lớn lao nhất trong chương trình của Thiên Chúa đối với thế giới thụ tạo. Nhờ Chúa Giê-su, con người không chỉ được phục hồi hình ảnh của mình, mà còn trở thành con cái trong Gia Đình Thiên Chúa. Trước khi bước vào cuộc khổ nạn, chịu chết và phục sinh, Người đã thiết lập Bí Tích Thánh Thể để ở lại với các môn đệ mình, với Giáo Hội và tất cả mọi người trong gia đình nhân loại.
Trong Bí Tích Thánh Thể, Chúa Giê-su gần gũi con người đến nỗi trở nên Của Ăn và Của Uống cho con người, nhờ đó, con người luôn được hiệp thông với Người, hiệp thông với nhau và hiệp thông với toàn thể thế giới thụ tạo. Chúa Giê-su là Quy Chuẩn và Tâm Điểm cho các hình thức hiệp thông trong Giáo Hội, Thân Thể Mầu Nhiệm Người, cũng như các hình thức hiệp thông khác trong thế giới thụ tạo. Người luôn mời gọi tất cả mọi người ‘hãy đến mà ăn, hãy đến mà uống’, ăn Thịt và uống Máu Người cho sự sống đích thực của mình hôm nay và mai sau.
Giáo Hội, cộng đoàn cử hành Bí Tích Thánh Thể, cũng là cộng đoàn được Người sai đến với muôn dân để loan báo Tin Mừng của Người: Tin Mừng Cứu Độ, Tin Mừng Tình Yêu, Tin Mừng Bình An, Tin Mừng Hi Vọng. Các thành viên của cộng đoàn cử hành Bí Tích Thánh Thể luôn được mời gọi sống Bí Tích Thánh Thể giữa dòng đời, nhằm góp phần làm cho tất cả mọi người trong gia đình nhân loại ngày càng hiệp nhất, liên đới và sống xứng đáng hơn với phẩm giá của mình.
Nhờ sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, xin Chúa Thánh Thần luôn nâng đỡ và hướng dẫn tất cả chúng ta, để chúng ta luôn hiện diện, hiệp thông và hành động với Chúa Giêsu Thánh Thể trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống mình, trên hành trình trở về sum họp cùng Gia Đình Thiên Chúa muôn đời. Amen.
Đgm Phêrô Nguyễn Văn Viên
Có thể bạn quan tâm
Giải Đáp Thắc Mắc Cho Người Trẻ: Bài 147 – Say Nắng Người..
Th11
Sứ Mạng Của Giáo Viên Công Giáo
Th11
Bài Hát Cộng Đồng Lễ Chúa Kitô Vua Năm B – 2024
Th11
Đức Thánh Cha thiết lập ngày lễ các thánh, chân phước, những người..
Th11
Thánh Lễ Thêm Sức Tại Giáo Xứ Đồng Troóc
Th11
Vlog Năm Thánh 1
Th11
Thư Gửi Anh Chị Em Giáo Chức Công Giáo Nhân Ngày Nhà Giáo..
Th11
Bế Mạc Tuần Tĩnh Tâm Năm 2024 Của Linh Mục Đoàn Giáo Phận..
Th11
Tháng 11 – Hiệp Thông Trong Tình Yêu
Th11
Chủ tịch Hội đồng Giám mục Nicaragua bị trục xuất sang Guatemala
Th11
VPTGM-GPHT: Thư Rao Truyền Chức Phó Tế
Th11
Sứ Điệp Ngày Thế Giới Người Nghèo Lần Thứ 8 Năm 2024
Th11
Những ước mơ của ĐTC Phanxicô trong Sắc chỉ công bố Năm Thánh..
Th11
Toà Thánh gửi sứ điệp nhân Ngày Thuỷ sản Thế giới
Th11
Suy Niệm Chúa Nhật XXXIII TN.B: Được Mừng Trọng Thể Lễ Các Thánh..
Th11
Ngày Thế Giới Người Nghèo: Đức Thánh Cha Phanxicô Sẽ Dùng Bữa Trưa..
Th11
Tại Sao Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ Sẽ Bỏ Phiếu Cho Một..
Th11
Vì Sao Người Trẻ Dấn Thân – Động Lực Hay Phản Lực?
Th11
Tám cách giúp con trẻ vượt qua nỗi mất mát người thân
Th11
Linh Mục Đoàn Giáo Phận Hà Tĩnh Khai Mạc Tuần Tĩnh Tâm Năm..
Th11