5 phút Lời Chúa mỗi ngày – Tháng 6/2019

1389 lượt xem

01/06/2019: THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 6 PS
Thánh Giút-ti-nô, tử đạo
Ga 16,23b-28

NHỜ ĐỨC KI-TÔ CHÚA CHÚNG CON

“Chính Chúa Cha yêu mến anh em, vì anh em đã yêu mến Thầy, và tin rằng Thầy từ Thiên Chúa mà đến.” (Ga 16,27)

Suy niệm: Khi nói Đức Ki-tô là “Đấng Trung Gian duy nhất,” nhiều người ví Ngài như một con đò, một cây cầu cần thiết để vượt sông và có thể đặt chân lên bến hạnh phúc ở bờ bên kia. Mà vì chẳng có một chuyến đò nào và cũng chẳng có một cây cầu nào khác ngoài Ngài: “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống” (Ga 3,13) nên “qua sông phải luỵ đò,” muốn lên trời, chỉ còn cách qua Ngài mà lên thôi! Lời Chúa hôm nay cho thấy Chúa Kitô không phải là trung gian theo kiểu “đứng giữa” để con người phải qua Ngài mới đến được với Chúa Cha. Chúa Giê-su cho biết Ngài còn là trung gian để Chúa Cha đến với con người nữa: “Chúa Cha yêu mến anh em vì anh em yêu mến Thầy”; nói cách khác Chúa Cha yêu thương chúng ta vì thấy chúng ta trong Chúa Ki-tô, và đối lại, chúng ta cũng chỉ đến được với Chúa Cha trong Ngài: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9).

Mời Bạn: Kết thúc kinh nguyện tạ ơn chủ tế xướng: “Chính nhờ Người, với Người và trong Người…”, sau các lời nguyện, chúng ta cũng nghe: “Chúng con cầu xin nhờ Đức Ki-tô…”, điều đó nói lên niềm tin của chúng ta vào Đức Ki-tô là Đấng trung gian duy nhất; trong Ngài chúng ta được nên giống Chúa và được Chúa yêu thương và cũng trong Ngài chúng ta mến Chúa và yêu mọi người.

Sống Lời Chúa: Bạn nhớ đừng coi Ngài như một thứ “phương tiện di chuyển,” cần cầu xin gì thì chạy tới Chúa, được ơn rồi thì “qua cầu rút ván”. Trái lại mời bạn hãy đến và ở lại trong Chúa Ki-tô, cách cụ thể qua việc rước Thánh Thể và suy niệm Lời Ngài.

Cầu nguyện: Đọc kinh Lạy Cha.

—————————————- 

02/06/2019: CHÚA NHẬT TUẦN 7 PS – C
Chúa Thăng Thiên
Lc 24,46-53

CHÚA VỀ TRỜI, CON ĐƯỢC SAI ĐI

Và đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được đem lên trời. Bấy giờ các ông bái lạy Người, rồi trở lại Giê-ru-sa-lem lòng đầy hoan hỉ. (Lc 24,51-52)

Suy niệm: Các tông đồ ngây ngất chiêm ngưỡng vinh quang của Chúa Ki-tô và say sưa với hạnh phúc ngọt ngào khi được hưởng kiến Chúa thăng thiên đến độ các ông quên mất sứ mạng Chúa trao vẫn còn đó. Chúa sai thiên sứ đến “đánh thức” các ông và nhắc lại lệnh truyền cho các ông xuống núi và ra đi loan báo Tin Mừng Phục Sinh. “Đi đến vùng ngoại biên” là kiểu nói mà ĐTC Phan-xi-cô dùng để nhắc lại lệnh truyền của Đức Ki-tô cho mọi thành phần Dân Chúa phải ra khỏi chính mình để đến với thế giới: “phải nhân danh Chúa rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem… Chính anh em là chứng nhân về những điều này.”

Mời Bạn: Nhiều Ki-tô hữu hôm nay khi suy niệm “Đức Chúa Giê-su lên trời” cũng xin cho được “ái mộ những sự trên trời,” nhưng khi nói đến sứ mệnh được sai đi, xuống núi để đem Tin Mừng của Chúa đến anh chị em mình nơi thôn làng, trong khu xóm mình sinh sống thì lại “ngại” hoặc không biết phải nói gì để “trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em” (1Pr 3,15). “Hãy ra đi bình an” là lời cầu chúc của Giáo hội gởi đến mỗi người tín hữu. Nhờ vậy, chúng ta biết bước ra khỏi chính mình để đến với anh em mà đem Tin Mừng Phục sinh cho họ. Mong sao mỗi người tín hữu đều biết đáp lại lời mời gọi này.

Sống Lời Chúa: Bạn thăm viếng một người quen, một gia đình lân cận để chia sẻ tình thân, và bạn nhớ cầu nguyện cùng Chúa cho họ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin thúc bách con để luôn quan tâm loan báo Tin Mừng cứu độ cho anh chị em con.

—————————————- 

03/06/2019: THỨ HAI TUẦN 7 PS
Thánh Ca-rô-lô Loan-ga và các bạn tử đạo
Ga 16,29-33

THẮNG-THUA THẾ GIAN

“Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian.” (Ga 16,33b)

Suy niệm: Ngay từ giây phút đầu tiên của cuộc nhập thể, Chúa Giê-su đã phải chịu biết bao gian lao thử thách. Trong suốt ba năm rao giảng, Ngài đã phải đương đầu với những người kinh sư và Pha-ri-sêu, họ luôn rình rập để hoạnh hoẹ, bắt chẹt thầy trò Giê-su và nhất là để gài bẫy nhằm triệt hạ Ngài. Giờ đây, vào thời khắc Thầy trò chia ly, – chia ly trong bối cảnh Thầy đang bị muôn vàn nguy hiểm bủa vây, và lòng hận thù của đối phương lên tới đỉnh điểm, – Chúa lại nói Ngài đã thắng thế gian! Phải chăng đó là nỗ lực tuyệt vọng của Ngài để lên giây cót cho các môn đệ khi không còn gì để mất? Quả thật Chúa Giê-su đã thắng thế gian, chiến thắng của tình yêu, chiến thắng vì chương trình cứu độ của Chúa Cha sắp được hoàn tất, đúng như lời Kinh Thánh. Chúa cho các tông đồ thấy trước những “gian nan khốn khó” không phải để các ông thất đảm, mà để họ can đảm tiếp bước theo Ngài, vì Ngài đã thắng thế gian.

Mời Bạn: Khi gặp thử thách hay những vấn đề nan giải, chúng ta thường nghĩ đến bạn bè, người thân, các chuyên gia giúp gỡ rối. Phần bạn, khi gặp khó khăn bạn làm gì? Bạn có đến với Đức Giê-su chuyên gia gỡ rối chưa? Nếu Ngài đã thắng thế gian thì bạn, bạn đến với Ngài và tin vào Ngài, chắc chắn bạn cũng sẽ cùng Ngài chiến thắng thế gian.

Sống Lời Chúa: Khi gặp vấn đề nan giải, bạn đừng cuống lên, nhưng cứ giữ sự bình tâm, hướng về Chúa, nhẩm lại một câu Lời Chúa, và lắng nghe lời soi sáng của Chúa nói trong tâm hồn bạn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, chỉ nơi Chúa chúng con được bình an, xin ban cho chúng con lòng can đảm đi theo Chúa.

—————————————- 

04/06/2019: THỨ BA TUẦN 7 PS
Ga 17,1-11a

CHO DANH CHA CẢ SÁNG

“Lạy Cha, giờ đã đến! xin Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha!” (Ga 17,1)

Suy niệm: Chúa Giê-su đến trần gian mạc khải cho nhân loại vinh quang của Thiên Chúa. “Ngài là phản ảnh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa” (Dt 1,3). Tuy nhiên, trong cuộc sống trần thế, Chúa Giê-su chỉ tỏ vẻ uy nghi sáng láng trong biến cố hiển dung cho mấy môn đệ thân tín, còn bình thường, Ngài tự hủy, xóa nhòa mình đi. Tất cả quyền uy phép tắc của vị Thiên Chúa ẩn dưới nếp sống “con bác thợ mộc” nghèo khổ tầm thường. Ngài trốn đám đông khi họ muốn tôn Ngài làm vua sau phép lạ bánh hóa nhiều. Rõ ràng Chúa Giê-su không tìm vinh trần thế cho mình. Ngài tỏ bày vinh quang Thiên Chúa trong cuộc sống và sứ vụ hoàn toàn vâng theo thánh ý Chúa Cha. Trong cuộc thương khó, Chúa như tên tử tội bị bắt, đánh đòn, đội mũ gai, chịu lột trần và đóng đinh chết trần truồng ô nhục trên thập giá. Thế  mà Chúa Giê-su lại nói: đó là giờ Ngài được tôn vinh, giờ biểu lộ sức mạnh quyền năng và vinh quang Thiên Chúa. Quả thật, từ cõi chết sống lại, Chúa chiến thắng tử thần, ban sự sống mới cho nhân loại và đồng hiển trị với Chúa Cha trong vinh quang trên trời muôn đời.

Mời Bạn: Con người được sinh ra để tôn vinh Thiên Chúa. “Không ai trong chúng ta sống cho mình, chết cho mình. Chúng ta sống là sống cho Chúa, nếu chúng ta chết là chết cho Chúa” (Rm 14, 7-8). Sống cho vinh danh Thiên Chúa là an bình và hạnh phúc đời ta.

Sống Lời Chúa: Tôi làm việc cách tận tuỵ hy sinh, với tinh thần trách nhiệm, và với ý hướng ngay lành: để cho Danh Chúa cả sáng, Nước Chúa trị đến.

Cầu nguyện: Đọc kinh Sáng Danh. 

—————————————- 

05/06/2019: THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 7 PS
Thánh Bô-ni-phát, giám mục, tử đạo
Ga 17,11a-19

LỜI CẦU NGUYỆN CỦA CHÚA

“Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta.” (Ga 17,11)

Suy niệm: Trong cuộc sống tại thế, dù là rất ngắn ngủi, Chúa Giê-su đã dùng rất nhiều thời gian để cầu nguyện. Một trong những lời cầu nguyện thống thiết nhất của Ngài là lời nguyện hiến tế trong bữa tiệc ly. Đó là lời cầu của cả con người Chúa Giê-su, lời cầu thốt lên từ trái tim, một trái tim đầy ắp tình yêu. Ngài yêu Chúa Cha và, trong Chúa Cha, Ngài yêu chúng ta. Chính Ngài đã nài xin cho chúng ta được nên giống như Chúa: “Xin cho họ nên một như chúng ta.” Ngài quan tâm chăm sóc, bảo vệ chúng ta: “Con đã canh giữ và không một ai trong họ phải hư mất, trừ đứa con hư hỏng”. Ngài cầu nguyện như thế đó, lời cầu được thúc đẩy bởi tình yêu.

Mời Bạn: Chiêm ngắm đời sống cầu nguyện của Chúa Giê-su, để chúng ta bắt chước Ngài cầu nguyện. Khi cầu nguyện, bạn có để mình được thúc đẩy bởi tình yêu Chúa không? Trái tim bạn có rung cùng nhịp với Thánh Tâm Chúa để ngợi khen, cảm tạ, để cầu xin Chúa không? Bạn cầu cho chúng ta nên một với nhau trong Chúa không? Và nhất là bạn có cầu xin để không một ai trong chúng ta phải hư mất không?

Sống Lời Chúa: Khi tôi hờn giận, ghen ghét một ai đó, tôi sẽ nghĩ đến điều lớn hơn và cầu nguyện thầm rằng: Chúa muốn chúng con nên một; Chúa không muốn hư mất một ai.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con biết dành thời gian thinh lặng mỗi ngày, để cầu nguyện, nhìn ngắm Chúa, để mọi suy nghĩ và hành động của chúng con được nên giống Chúa: xin cho mọi người nên một trong Chúa và không một ai phải hư mất.

—————————————- 

06/06/2019: THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 7 PS
Thánh Nô-be-tô, giám mục
Ga 17,20-26

Ở TRONG CHÚA, Ở TRONG NHAU

“… để tất cả nên một, như, lạy Cha, Cha ở trong Con và Con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta.” (Ga 17,21)

Suy niệm: Tháng 5/1998 đánh dấu một thương vụ của thế kỷ khi hai ông khổng lồ của ngành sản xuất xe hơi Chrysler (Mỹ) và Mercedes-Benz (Đức) sát nhập với nhau để lập thành một công ty xe hơi lớn thứ năm thế giới. Cuộc “hôn nhân” sau nhiều năm dạm hỏi đó đã là đề tài cho không biết bao nhiêu lời đàm tiếu của báo chí, chẳng hạn của tờ “Nhà Kinh Tế” (The Economist) tháng 4/1998: “Khi sâm banh nổ giòn giã trên thị trường là lúc sau hậu trường các giám đốc đang bận rộn mài dao sắc.” Hoá ra lắm khi người ta tìm đến “hợp quần” là để tạo sức mạnh thôn tính lẫn nhau. Sự hợp nhất mà Chúa Giê-su cầu xin cho các tín hữu không phải là chuyện “cá lớn nuốt cá bé” trên thương trường mà là để chúng ta trở nên một “như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha” nhờ đó chúng ta được thừa hưởng vinh quang của Ngài (c. 22) và trở nên những người được Chúa Cha yêu thương (c. 26).

Mời Bạn: Đời sống cộng đoàn luôn bị đe doạ bởi những mầm mống gây bất hoà, chia rẽ xuất phát từ tham vọng bá chủ, muốn loại trừ người khác nếu không thống trị được họ. Chúa Giê-su đưa ra phương thế để có sự hợp nhất hoàn hảo đó là ở trong Chúa để mọi người ở trong nhauỞ trongnhau chính là nhận biết giá trị của nhau, kính trọng nhau và giúp nhau trở nên hoàn thiện.

Sống Lời Chúa: Biết khen ngợi điều tốt của người khác và sẵn sàng cộng tác giúp nhau phát huy điều thiện hảo.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con biết gạt bỏ những toan tính nhỏ nhen ích kỷ để con góp phần xây dựng tình hợp nhất ngay trong cộng đoàn con đang sống. Amen.

—————————————- 

07/06/2019: THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 7 PS
Ga 21,15-19

CHÚA BIẾT CON YÊU MẾN CHÚA

Đức Giê-su hỏi ông Si-mon Phê-rô: “Này anh Si-mon, con ông Gio-an, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?” Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy.” (Ga 21,15)

Suy niệm: Không phải chỉ một lần nhưng đến ba lần Chúa Giê-su hỏi đi hỏi lại xem ông Si-mon có yêu mến Ngài không. Từ đầu sứ vụ, Chúa Giê-su đã đổi tên cho Si-mon thành Phê-rô, nhưng trong lúc này Ngài lại gọi kèm theo tên cũ của ông. Để cho Phê-rô thực sự là là đá tảng trên đó Chúa xây Hội Thánh của Ngài, Chúa Giê-su muốn cho Phê-rô tái khẳng định lại tình yêu đối với Ngài sau khi đã từng chối Thầy ba lần. Con người cũ Si-mon yếu đuối vì nhát đảm phải được thay thế bởi Phê-rô mạnh mẽ nhờ yêu thương, đủ sức “làm cho anh em nên vững mạnh” (Lc 22,32).

Mời Bạn: Chúa Giê-su không hề trách Phê-rô đã chối Ngài trong cuộc khổ nạn. Nhưng Ngài lại muốn ông tái khẳng định dứt khoát tình yêu của ông dành cho Ngài. Phê-rô cũng giống như người phụ nữ tội lỗi, đã yêu mến nhiều vì đã được tha thứ nhiều (x. Lc 7,36-50). Ông đã cảm nhận được ơn tha thứ của Thầy nên ông càng yêu mến Thầy nhiều hơn. Cũng vậy, sau những lần được thứ tha, lòng mến của mỗi người vào Thầy Giê-su cần phải được tái khẳng định cách dứt khoát như Phê-rô.

Sống Lời Chúa: Hãy lặp lại trong ngày nhiều lần lời của Phê-rô đã thưa với Chúa Giê-su: “Thưa Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy.”

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa biết rõ con yêu mến Chúa, nhưng vốn tính yếu đuối nên nhiều lần con đã làm buồn lòng Ngài. Xin giúp con biết sống mạnh mẽ, biết làm đẹp lòng Ngài trong mọi việc với tình yêu dành cho Ngài và cho người xung quanh. Amen.

—————————————- 

08/06/2019: THỨ BẢY TUẦN 7 PS
Ga 21,20-25

LỜI MỜI GỌI YÊU THƯƠNG

“Phần anh, hãy theo Thầy.” (Ga 21,22)

Suy niệm: Bữa ăn sáng trên bờ biển với Chúa Ki-tô phục sinh tuy đạm bạc với thực đơn chỉ có bánh và cá nhưng thật đậm đà tình thầy trò vì do chính bàn tay còn mang dấu đinh của Thầy nấu nướng cho các trò của mình. Chúa lại thật tuyệt vời khi Ngài không hề nhắc lại chuyện Phê-rô đã chối Thầy, mà chỉ hỏi ông có yêu mến Ngài không trước khi trao cho ông sứ mạng coi sóc đoàn chiên, sứ mạng đó chỉ có thể hoàn tất bằng cái chết mà Phê-rô sẽ phải chịu để làm sáng danh Chúa. Chính trong bối cảnh đó mà chúng ta hiểu được tâm trạng của Phê-rô khi so sánh thân phận của mình với bạn đồng môn: “Còn người này thì sao?” Câu hỏi dường như hàm ẩn một thái độ so bì: cùng đi theo Chúa mà sao người thì lênh đênh ba chìm bảy nổi, người lại được an nhàn thong dong? Một lần nữa Chúa lại tỏ ra cách cư xử thật tuyệt vời: “Giả như Thầy muốn anh ấy ở lại cho đến khi Thầy đến thì việc gì đến anh, phần anh hãy theo Thầy.” Điểm cốt lõi trong cuộc sống làm môn đệ Chúa không phải là sự so bì với ai khác mà là mối quan hệ gắn bó với Đức Ki-tô: “Phần anh hãy theo Thầy.”

Mời Bạn: Không ít lần chúng ta có vẻ quan tâm đến người xung quanh nhưng thâm tâm lại là một sự so bì: “liệu người kia có hơn mình chăng?” Chúa luôn an bài đời sống của mỗi người theo cách của Chúa. Chỉ cần chúng ta cảm nhận mình được Chúa yêu thương thì dù cuộc sống có như thế nào đi nữa, chúng ta cũng an tâm vì có Chúa luôn song hành.

Sống Lời Chúa: Nhớ rằng Chúa đang nói với tôi: “Phần con hãy theo Thầy.”

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con thêm lòng trông cậy để con can đảm đi tới vì biết rằng Chúa đang gọi con: “Hãy theo Thầy”.

—————————————- 

09/06/2019: CHÚA NHẬT CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG
Ga 20,19-23

NHẬN LẤY TINH THẦN ĐỨC KI-TÔ

Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần,… Chúa Giê-su hiện đến, đứng giữa các môn đệ và nói: “Bình an cho anh em.”… Nói xong, Người thổi hơi trên các ông và nói: “Hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha. Anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.” (Ga 20,19.22-23)

Suy niệm: Chúa Giê-su ban Thánh Thần cho các tông đồ ngay trong ngày Chúa phục sinh. Như một cuộc sáng tạo mới, Chúa Ki-tô phục sinh ban Thánh Thần qua việc “thổi hơi” trên các ông, một hình ảnh nói lên việc Chúa truyền “tinh thần” của Ngài cho các tông đồ. Nhờ cùng một “tinh thần” với Chúa, các tông đồ trở nên giống Chúa, nên một với Ngài, và nhờ đó, các tông đồ được nên một với nhau. Chúa Thánh Thần, “tinh thần” của Đức Ki-tô chính là Đấng nối kết, hiệp nhất mọi người trong thân thể mầu nhiệm Chúa Ki-tô. Nhờ sống trong Thánh Thần, chúng ta có được cảm thức về Hội Thánh.

Mời Bạn: Bạn đã có cảm thức về Hội Thánh ở giáo xứ bạn đang sống chưa? Nghĩa là bạn có cảm thấy “tinh thần” của Đức Ki-tô hoạt động nơi các tín hữu là chi thể của Hội Thánh tại giáo xứ của bạn không? Sống theo “tinh thần của Đức Ki-tô” là thực hiện sứ mạng của mình theo những đòi hỏi của bí tích Rửa Tội và Thêm Sức.

Sống Lời Chúa: – cầu nguyện cho Hội Thánh tại giáo xứ luôn được hiệp nhất; – cuối mỗi ngày xét mình để kiểm điểm xem mình có sống theo tinh thần của Đức Ki-tô không.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin hiệp nhất chúng con nên một trong tình yêu Chúa. Xin Chúa Thánh Thần soi sáng hướng dẫn mọi hành động của con, để con có thể góp phần xây dựng sự hiệp nhất trong Hội Thánh Chúa. Amen.

—————————————- 

10/06/2019: THỨ HAI TUẦN 10 TN
Đức Ma-ri-a, Mẹ Hội Thánh
Mt 5,1-12

NGHÈO LÀ MỐI PHÚC

“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.” (Mt 5,3)

Suy niệm: Con người trần thế tìm mọi cách để dành cho bằng được giàu sang, quyền thế, cho dù phải gây thù chuốc hận, cho dù phải gây ra những cuộc chiến tương tàn khốc hại… Đang khi đó thì Chúa Giê-su lại coi nghèo là một mối phúc. Chắc chắn, Ngài không ủng hộ thứ nghèo làm giảm phẩm giá con người. Ngài muốn con người có được sự giàu sang vĩnh cửu: được cả Nước Trời làm gia nghiệp, chứ không phải thứ giàu sang chỉ đem lại cho con người niềm hạnh phúc chóng vánh ở đời này. Để đạt được thứ giàu sang bền vững ấy phải biết làm cho mình nghèo đi những thứ của cải tạm bợ và giả trá. Đó là loại Nghèo: – nắm giữ chức quyền nhưng không tham quyền cố vị trái lại phục vụ trong khiêm tốn; – làm ra của cải vật chất nhưng không bị lệ thuộc vào chúng, trái lại biết “hằng ngày dùng đủ” và cảm thông chia sẻ với nhau trong tình anh em. Nghèo như thế, chiến tranh, hận thù mới biến mất, và thế giới này chỉ còn có tình mến chan hoà. Nghèo như thế mới là mối phúc.

Mời Bạn: “Trong thế giới chúng ta, tiền, lợi nhuận, sự khao khát của cải vật chất phá hỏng mọi tương quan, đức nghèo chọn lựa cách tự nguyện trong đoàn kết và chia sẻ dạy ta lòng biết ơn và biết sống cách vô vị lợi, cậy trông và phó thác” (Sr Christianne, fmm). Lời chia sẻ đó có làm cho chúng ta suy nghĩ để sống nghèo như mối phúc của Chúa Giê-su không? Bạn hãy chia sẻ mục đích sống nghèo mà bạn sẽ chọn lựa.

Sống Lời Chúa: Trong tương quan với người khác, ta nghĩ đến tình nghĩa, chia sẻ hơn là ích kỷ, tư lợi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con xin ký thác đường đời con cho Chúa. Amen.

—————————————- 

11/06/2019: THỨ BA TUẦN 10 TN
Thánh Ba-na-ba, tông đồ
Mt 10,7-13

NGƯỜI TÔNG ĐỒ “NHẬP CƯ”

“Vào nhà nào, anh em hãy chào chúc bình an cho nhà ấy.” (Mt 10,12)

Suy niệm: Chúa Giê-su sai các tông đồ đi rao giảng trong những điều kiện thật bấp bênh và nguy hiểm: – phải đối diện với biết bao mối đe doạ tới cả tính mạng: “như chiên đi vào giữa bầy sói”; – đã thế, lại không được phép trang bị những phương thế tối thiểu để bảo đảm cho an toàn bản thân và thành công của sứ mạng. Phải chăng Chúa đang trao cho các ông “sứ mạng bất khả thi” hay Ngài “đem con bỏ chợ”? Thật ra, chúng ta quá lo vì những điều các tông đồ không có mà quên chú ý tới điều các ngài đang có: đó chính là sự bình an (cc. 12-13) và Thánh Thần của Chúa vẫn luôn ở trong họ (c. 20). Vì thế, việc đầu tiên người tông đồ làm là rao giảng và trao tặng điều họ đang có“Vào nhà nào, anh em hãy chào chúc bình an cho nhà ấy.”

Mời Bạn: Những người nhập cư, một thành phần đặc biệt của dân số thời nay,  có khi chính bạn cũng nằm trong số đó,  đang sống trong một hoàn cảnh na ná các tông đồ ngày ấy. Nếu bạn là người nhập cư, bạn đã có sự bình an và Tinh Thần của Chúa Ki-tô ở trong bạn chưa? Nếu họ đang ở quanh bạn, bạn làm gì để đem bình an của Chúa đến với họ?

Chia sẻ: Nhóm bạn làm gì thiết thực giúp ích những người nhập cư (hoặc phải di cư) trong khu xóm của bạn?

Sống Lời Chúa: Chính bạn hãy có sự bình an trong mình bằng cách luôn kết hiệp với Chúa Giê-su Thánh Thể và nếu có cơ hội, đừng bao giờ bỏ lỡ việc chia sẻ cho những người “tông đồ nhập cư” quanh bạn dù chỉ là một chén nước lã.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con hiểu rằng người tông đồ của Chúa trong thời đại này phải là người có sự bình an của Chúa trong tâm hồn và chia sẻ sự bình an đó cho tha nhân.

—————————————- 

12/06/2019: THỨ TƯ TUẦN 10 TN
Mt 5,17-19

MỘT TRÁI TIM MỚI

“Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn.” (Mt 5,17)

Suy niệm: Ngay từ những năm đầu của lịch sử Giáo Hội đã xảy ra một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng có nguy cơ làm tan nát Giáo Hội còn non trẻ: đó là có cần phải tuân giữ những truyền thống của Luật Mô-sê hay không. Luật giữ ngày hưu lễ có còn đòi buộc nữa không một khi người ta đã trở nên môn đệ của Chúa Giê-su? Đó cũng là những vấn nạn của mọi thời: trung thành bảo vệ truyền thống hay cách mạng đổi mới tận căn? Người ta nghĩ rằng đối với người môn đệ của Chúa Giê-su, mọi giáo huấn Cựu Ước không còn giá trị nữa. Chúa Giê-su đã trả lời: “Thầy không đến để bãi bỏ, nhưng để kiện toàn.” Đối với Ngài, vấn đề không hệ tại ở việc bảo thủ một ý tưởng cứng nhắc, cũng chẳng phải là lật đổ đổi mới, mà là trao ban cho quá khứ một sự sống mới. Vì đâu có phải mọi truyền thống đều tốt và nên bảo vệ cả đâu. Cũng chẳng phải hễ cái gì mới cũng quý cả đâu! Điều mà các bậc tổ tiên đã sống, đã hệ thống hoá trong những thời xa xưa là điều đáng quý, nhưng chúng cần được Chúa Giê-su kiện toàn bằng cách lột bỏ sự khô cứng của nệ luật, thay vào đó, một trái tim đầy sáng tạo sống luật Chúa truyền.

Mời Bạn: Trong đời sống đức tin của bạn, những việc đạo đức nào đang bị bạn biến thành xơ cứng, máy móc? Bạn có cách nào đổi mới?

Sống Lời Chúa: Làm một việc đạo đức bạn vẫn quen làm, nhưng làm với tất cả ý thức và luôn đầy tình yêu mến Chúa.

Cầu nguyện: “Lạy Chúa xin ban xuống trên chúng con, Thần Trí tác tạo của Chúa” để Ngài đổi mới trái tim chúng con luôn giống với trái tim Chúa Giê-su.

—————————————- 

13/06/2019: THỨ NĂM TUẦN 10 TN
Thánh An-tôn Pa-đô-va, linh mục, TSHT
Mt 5,20-26

CÔNG CHÍNH HƠN

“Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì chẳng được vào Nước Trời.” (Mt 5,20)

Suy niệm: Không dùng gươm giáo hay bất cứ thứ vũ khí hoặc phương tiện nào để đổ máu, kết liễu mạng sống người khác, làm như thế, những người kinh sư và Pha-ri-sêu cho rằng đã là tuân thủ đúng luật Mô-sê dạy là “Chớ giết người.” Không sai! Nhưng Đức Giê-su muốn các môn đệ Ngài phải công chính hơn thế khi Ngài dạy giữ luật ngay từ ý hướng bên trong vì đó là căn cội dẫn đến hành vi biểu hiện bên ngoài: có loại trừ được lòng giận ghét thì mới không mắng chửi người khác, và như thế mới loại trừ được một động cơ quan trọng dẫn đến tội sát nhân. Giận dữ, mắng chửi đã là giết người trong tư tưởng rồi. Đàng khác, xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm người khác còn gây ra đau khổ nặng nề hơn cả việc làm hại đến thân thể tha nhân.

Mời Bạn: Khi yêu cầu các môn đệ “công chính hơn” Đức Giê-su không chỉ nội tâm hoá việc giữ luật; Ngài còn nhấn mạnh tính triệt để của các đòi hỏi của Tin Mừng. Công chính hay không công chính cũng phát xuất từ đáy lòng, rồi mới biểu lộ qua lời nói và thể hiện bằng hành động bên ngoài. Vì thế muốn sống công chính cách triệt để thì ngay từ trong ý hướng đã phải công chính rồi.

Sống Lời Chúa: Quyết tâm sống công chính không chỉ là không phạm tội trọng mà “chê ghét mọi tội,” kể cả tội nhẹ và phải “chê ghét” cả những ước muốn phạm tội nữa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa dạy chúng con phải ăn ở công chính hơn người kinh sư và Pha-ri-sêu. Xin giúp chúng con thực hiện điều Chúa dạy bằng cách sống công chính từ nội tâm cho tới hành vi bên ngoài.

—————————————- 

14/06/2019: THỨ SÁU TUẦN 10 TN
Mt 5,27-32

THANH LỌC CON TIM VÀ ĐÔI MẮT

Đức Giê-su nói: “Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi.” (Mt 5,28)

Suy niệm: Có những đôi mắt là “cửa sổ của tâm hồn” nhưng cũng có “những đôi mắt in hình viên đạn”. Những viên đạn hận thù, ghen tương, trả đũa, những viên đạn thèm khát tính dục được “bắn” vào người khác. Mà sở dĩ chúng ta mang những “đôi mắt in hình viên đạn” thèm muốn, bởi vì chính chúng ta đã mở tung “cửa sổ tâm hồn” cho những trang sách báo nhảm nhí, những cuộn phim với lắm hình ảnh bạo lực, đồi truỵ, và bao hình thức giải trí phóng túng khác… Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su lên án những ai chủ ý dùng đôi mắt của mình để khơi gợi những ước muốn bất chính, hay nói cách khác, Ngài cảnh báo những tâm hồn chất đầy những ước muốn bệnh hoạn và dùng con mắt để thoả mãn những ham muốn đen tối ấy.

Mời Bạn: Thanh lọc con tim của bạn để con tim ấy bớt đi những ham muốn đen tối. Thanh lọc cái nhìn của bạn để cái nhìn ấy được trong sáng.

Chia sẻ: Khó khăn lớn nhất của tôi hiện nay khi nỗ lực sống trung thành trong đời vợ chồng, hoặc khi sống đức khiết tịnh như Chúa mời gọi là khó khăn nào?

Sống Lời Chúa: Để thanh lọc con tim và đôi mắt theo Lời Chúa dạy, tôi sẽ không đọc sách báo nhảm nhí, không xem các phim ảnh đồi truỵ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con một tâm hồn theo hình ảnh Tấm Bánh Thánh, một tâm hồn trong trắng, cố tránh cả những ô uế nhỏ mọn, để luôn xứng đáng với Chúa. Xin nâng chúng con lên cao, vượt qua những thèm muốn chiếm đoạt, để biết tự hiến trong yêu thương. Amen. (Cha Galot)

—————————————- 

15/06/2019: THỨ BẢY TUẦN 10 TN
Mt 5,33-37

CÓ NÓI CÓ, KHÔNG NÓI KHÔNG

“Nhưng hễ ‘có’ thì phải nói ‘có’, ‘không’ thì phải nói ‘không’. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ.” (Mt 5,37)

Suy niệm: Người ta thường nói: “Một nửa sự thật thì không phải là sự thật.” Chúa Giê-su giới thiệu Ngài chính “Sự Thật” (Ga 14,6). Trước khi về trời Ngài hứa sẽ ban Thánh Thần là “Thần Chân Lý”, Đấng sẽ dẫn các môn đệ đến “Sự Thật toàn vẹn” (Ga 16,13). Vì thế, hiển nhiên, đã là môn đệ Chúa Ki-tô, thì phải “sống theo sự thật.” Chúa không chấp nhận thái độ sống theo sự thật cách nửa vời, trái lại Ngài đòi hỏi phải sống theo sự thật cách triệt để. Lời Chúa dạy thật rõ ràng dứt khoát: “Có thì phải nói có, không thì phải nói không.” Ngài còn nhấn mạnh bất cứ điều gì không phải là sự thật, dù chỉ là “thêm thắt” vào, đều là “do ác quỷ.”

Mời Bạn: Phần chúng ta, vì nhiều lý do đã lạc xa sự thật vì lối sống quanh co, thiên kiến, dối trá, gian xảo, lừa đảo; và lắm khi còn tự hào là khôn lanh vì sự quanh co, trí trá ấy. Một khi xa rời chân lý chúng ta đã đứng trong hàng ngũ của ma quỷ. Chúa Giê-su đến trần gian và hiến thân chịu chết là để “làm chứng cho sự thật” (Ga 18,37). Vì danh Chúa, chúng ta sẽ bị thế gian thù ghét bởi vì “thế gian đã ghét Thầy trước” (x. Lc 21,17; Ga 15,18). Nhưng chúng ta vui mừng và quyết tâm “sống theo sự thật” vì Chúa hứa: “Phần thưởng của anh em ở trên trời thật lớn lao” (Mt 5,12).

Sống Lời Chúa: Theo lời Chúa tôi dám chấp nhận thua thiệt vì sống trung thực trong giao tiếp, học hành, làm ăn, v.v…

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Đấng là Sự thật, xin dạy con tìm đến Chúa mỗi ngày, để Chúa cho con một trái tim mới, một thần khí mới, để con yêu mến và hướng về sự thật, sống sự thật, để làm chứng về Chúa trong thế giới hôm nay.

—————————————- 

16/06/2019: CHÚA NHẬT TUẦN 11 TN – C
Chúa Ba Ngôi
Ga 16,12-15

MẦU NHIỆM THIÊN CHÚA VÀ GIỚI HẠN CỦA CON NGƯỜI

“Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em, nhưng bây giờ anh em không có sức chịu nổi.” (Ga 16,12)

Suy niệm: Để diễn tả sự bất lực của con người khi đứng trước mầu nhiệm không thể đạt thấu của Thiên Chúa, tác giả thánh vịnh đã thốt lên: “Kìa vực thẳm kêu gào vực thẳm” (Tv 42,8). Lời đó nói lên cảm nghiệm của người chưa đi xuống đến đáy vực thẳm này đã lại thấy mở ra một vực thẳm khác. Một trong những “vực thẳm” tức là những “điều” mà bây giờ các tông đồ “không có sức chịu nổi” chính là mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, trung tâm của niềm tin Công Giáo, một điều chưa một ai dám khẳng định rằng mình có thể hiểu và giải thích được. Thật vậy, Chúa biết rằng với trí hiểu của loài người thì các tông đồ không thể hiểu hết dù cho Chúa có giải thích cách nào đi nữa. Chỉ khi nào “Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em đến sự thật toàn vẹn.”

Mời Bạn: Nhưng đã ngót hai ngàn năm rồi, mà “sự thật” về Chúa Ba Ngôi mãi mãi vẫn là một mầu nhiệm…! Trong thân phận thọ tạo, chúng ta chỉ có thể hiểu được những gì thuộc khả năng giới hạn của mình. Vì thế chúng ta chỉ có thể khiêm tốn cúi đầu tôn thờ Chúa, và nghe theo hướng dẫn của Chúa Thánh Thần qua việc sống Lời Chúa và thực thi giới răn yêu thương Chúa đã dạy. Đó là cách thức mỗi ngày đi sâu vào sự hiểu biết mầu nhiệm cao cả này.

Sống Lời Chúa: Thực hiện tình yêu của Chúa Ba Ngôi cách cụ thể trong gia đình hay cộng đoàn mình đang sống qua việc phục vụ nhau bằng tình yêu và khả năng Chúa ban cho mỗi người.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin hiệp nhất chúng con nên một trong tình yêu Chúa, như tình yêu trong Chúa Ba Ngôi.

—————————————- 

17/06/2019: THỨ HAI TUẦN 11 TN
Mt 5,38-42

MUỐN MỘT THÌ LẠI CHO HAI

“Nếu ai muốn kiện anh lấy áo trong của anh thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm.” (Mt 5,39)

Suy niệm: Bộ luật cổ nhất của nhân loại là bộ luật của Hammurabi, vua cai trị Babylon khoảng gần 2.300 năm trước CN, qui định hễ ai gây thiệt hại hoặc thương tích cho người khác thế nào thì phải đền bù đúng y như vậy. Luật ấy được lặp lại nhiều lần như nguyên tắc cơ bản cho luật Cựu Ước: “Mắt đền mắt, răng đền răng” (x. Xh 21,23-25; Lv 14,19-20; Đnl 19,21). Dù nó có cổ xưa thật, luật đó vẫn còn thể hiện ưu điểm của chế độ pháp trị là ngăn ngừa sự báo thù quá khích và tuỳ tiện. Chúa Giê-su dạy một nền đạo lý mới: Chẳng những Ngài loại bỏ hẳn sự báo thù theo kiểu “ăn miếng trả miếng” hay “hòn đất ném đi, hòn chì ném lại” mà Ngài còn dạy phải vượt quá sự công bằng theo luật bằng cách sống tinh thần quảng đại bao dung, không giận dữ, không báo thù, “muốn một thì lại cho hai.”

Bạn ơi, cuộc sống vốn bon chen lại nhiều tính toán hơn thiệt mà Chúa lại dạy ta “muốn một cho hai” quả là quá khó đến độ hầu như không thể làm được! Vâng, điều đó là không thể được nếu theo lối sống, nếp nghĩ tự nhiên. Thế nhưng Chúa Giê-su đã minh chứng rằng trong thân phận con người, vẫn có thể cư xử trong tinh thần bao dung “ai muốn một thì Ngài cho hai”: Ngài đã bị lột cả áo ngoài lẫn áo trong và trên thập giá vẫn xin ơn tha thứ cho kẻ giết hại mình.

Sống Lời Chúa: Dành ít phút suy ngắm Chúa chịu khổ nạn để bắt chước cách ứng xử của Ngài trước bất công bạo lực.

Cầu nguyện: Xin Chúa dạy con biết sống quảng đại, cho đi không tính toán, biết chiến đấu mà không ngại hy sinh.

—————————————- 

18/06/2019: THỨ BA TUẦN 11 TN
Mt 5,43-48

ĐỔI MỚI CÔNG NGHỆ

“Anh em đã nghe Luật dạy rằng ‘Hãy yêu đồng loại và ghét kẻ thù.’ Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy anh em mới trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, Người cho mặt trời mọc lên soi sáng cho cả kẻ xấu cũng như người tốt.” (Mt 5,43-45)

Suy niệm: Lấy ngành hàng hải làm ví dụ, mỗi khi có sự đổi mới công nghệ thì việc di chuyển trên sông nước lại có bước đột phá. Từ rất sớm người ta đã biết dùng thuyền độc mộc với đôi mái chèo để thay cho sức quạt nước của tứ chi. Rồi cánh buồm, động cơ chạy hơi nước, động cơ đốt trong, động cơ năng lượng hạt nhân lần lượt thay thế nhau và đưa các thứ công nghệ lỗi thời vào bảo tàng viện. Trong lãnh vực tâm linh cũng cần những bước “đột phá công nghệ” như thế để thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn yêu-ghét ghét-yêu. Không còn hiệu nghiệm nữa, thứ động cơ hai thì yêu-ghét. Công nghệ mới của Chúa Giê-su để xây dựng nền văn minh tình thương là yêu và chỉ có yêu. Yêu thân nhân đã đành mà còn yêu cả kẻ thù nữa. Công nghệ chiến tranh mới này tiêu diệt kẻ thù không phải bằng vũ khí hạt nhân mà bằng cách biến kẻ thù trở thành bạn hữu.

Mời Bạn: Chắc bạn sẽ lý luận: Yêu kẻ thù ư? Không lô-gích tý nào. Đúng thế, với loài người thì không thể được. Nhưng với Thiên Chúa thì không có gì là không thể. Bạn có dám theo công nghệ mới của Đức Ki-tô không ?

Chia sẻ: Bạn có nhận ra rằng yêu kẻ thù đòi hỏi người ta phải mạnh hơn khi ghét kẻ thù không?

Sống Lời Chúa: Bạn hãy dâng lời cầu nguyện cho một người mà bạn hiện đang cảm thấy ghét họ nhất.

Cầu nguyện: Đọc kinh Kính Mến.

—————————————- 

19/06/2019: THỨ TƯ TUẦN 11 TN
Thánh Rô-moan-đô, viện phụ
Mt 6,1-6.16-18

TRÁNH THÓI ĐẠO ĐỨC GIẢ

“Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng. Vậy khi bố thí…, khi cầu nguyện…, khi ăn chay…, chớ làm như bọn đạo đức giả …” (Mt 6,1.2.5.16)

Suy niệm: Những lời Chúa dạy trên đây sao mà gắt gao quá, phải không bạn? Khi làm việc lành phúc đức tôi đã hy sinh cái lợi, cái thú rồi thì ít ra tôi cũng được phép kiếm chút danh chứ? Câu trả lời của Chúa là ‘KHÔNG!’ Chúa nói rõ: làm việc đạo đức mà cầu danh thì đấy là đạo đức giả. Điều Chúa muốn, đó là chúng ta thực thi thánh ý Ngài với ý thức rằng “chúng tôi chỉ là những tôi tớ vô dụng, chúng tôi chỉ làm việc bổn phận đấy thôi” (x. Lc 17,10). Các Sách Tin Mừng cho thấy Đức Giê-su đã gặp gỡ, tiếp xúc với rất nhiều loại người; nhưng gặp rắc rối là với những kẻ đạo đức giả – chứ không phải với những người tội lỗi thật!

Mời Bạn: Nhìn lại các việc lành phúc đức của mình xem có còn pha phôi ít nhiều các động cơ vị kỷ và các hình thức khoe khoang (đôi khi rất tế nhị) hay không. Chúa mời gọi chúng ta tinh lọc tất cả những chất cặn ấy, để cuộc sống đạo của chúng ta phản ảnh ĐẠO của Chúa Ki-tô cách trung thực hơn.

Sống Lời Chúa: Hôm nay bạn dành 5 phút kiểm điểm cuối ngày, trước khi đi ngủ, để đặc biệt rà soát xem: Ngày hôm nay tôi đã đạo đức giả trong những việc nào, những trường hợp nào? Bạn xin lỗi Chúa và rút lấy bài học kinh nghiệm cho chính mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin giúp chúng con biết sốt sắng làm các việc lành phúc đức, và biết làm với một tấm lòng khiêm tốn, đơn sơ, chân thành. Amen.

—————————————- 

20/06/2019: THỨ NĂM TUẦN 11 TN
Mt 6,7-15

CHÚA BIẾT RÕ ANH EM CẦN GÌ

“Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại… Vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì trước khi anh em cầu xin.” (Mt 6,7-8)

Suy niệm: Nhiều người “dị ứng” với việc cầu nguyện và cho rằng: Tại sao hễ “cầu nguyện” thì phải cầu xin? Phải chăng Chúa chỉ là một “cỗ máy ban ơn”? Nếu Thiên Chúa là Cha toàn năng, thông biết mọi sự, “biết rõ chúng ta cần gì trước khi chúng ta cầu xin,” thì cần gì phải cầu nguyện nữa? Thưa: Chúa không nói chúng ta đừng cầu nguyện nữa; trái lại, Ngài căn dặn chúng ta “cứ xin thì sẽ được” (Mt 7,7). Nhưng tại sao phải cầu nguyện thì thánh Âu-tinh giải thích: Việc cầu xin khơi dậy tâm tình ước muốn của chúng ta, “để chúng ta có khả năng đón nhận những điều mà Chúa đã sẵn lòng ban tặng chúng ta.” Bởi thế “đừng lải nhải”! Trái lại chúng ta vẫn phải cầu nguyện, không phải để thay đổi chương trình và ý định của Thiên Chúa nhưng là để chúng ta nhận ra và làm theo thánh ý của Ngài. Do đó, lời cầu nguyện đẹp nhất mà Chúa dạy chúng ta là xin cho “ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”.

Mời Bạn: Như một người con hiếu thảo của Chúa, bạn vẫn dâng lời cầu nguyện lên Chúa, vẫn thưa chuyện với Ngài trong tâm tình chúc tụng, ngợi khen, tạ ơn, tạ lỗi và cầu xin nữa. Dẫu rằng Chúa biết rõ bạn đang cần gì, nhưng khi thân thưa với Chúa những gì bạn ước nguyện, những điều bạn đang cần đến, bạn hãy nói với lòng tín thác, với sự sẵn sàng “xin cho ý Chúa được thể hiện.”

Sống Lời Chúa: Bạn hãy trung thành cầu nguyện với Chúa hằng ngày, đặc biệt là duy trì đều đặn giờ kinh tối trong gia đình.

Cầu nguyện: Đọc kinh Lạy Cha cách sốt sắng.

—————————————- 

21/06/2019: THỨ SÁU TUẦN 11 TN
Thánh Lu-y Gon-da-ga, tu sĩ
Mt 6,19-23

ĐỪNG ĐỂ ÁNH SÁNG THÀNH BÓNG TỐI

“Nếu ánh sáng nơi anh thành bóng tối, thì tối biết chừng nào !” (Mt 6,23)

Suy niệm: Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su nhắc nhở ta rằng nếu lòng chúng ta hướng về những kho tàng trên trời, thì đôi mắt ta sẽ rạng sáng; trái lại, nếu lòng chúng ta quá chú tâm đến kho tàng dưới đất, đôi mắt ta sẽ ra tối tăm, mù quáng. Kho tàng trên trời trước hết là Thánh Danh Chúa, Nước Trời, là những giá trị Chân Thiện Mỹ. Kho tàng ấy còn là những ưu tư, quan tâm ta hướng về các việc lành phúc đức, những thiện ích cho tha nhân và bản thân. Kho tàng dưới đất là những tham lam, thèm muốn, chiếm đoạt, hưởng thụ bằng mọi giá, làm giàu bằng mọi cách. Nếu lòng ta hướng về loại kho tàng này, toàn bộ hướng đi cuộc đời sẽ rơi vào tối tăm lầm lạc. “Kho tàng của anh ở đâu, thì lòng anh ở đó” là bằng chứng xác thực nói lên ý hướng sống, quyết định thành bại của ta ngay từ khởi đầu. Ánh sáng nơi ta được tỏa chiếu qua qua lòng tin vào các giá trị siêu nhiên, qua phương thế dấn thân vì mục đích cao cả của Nước Thiên Chúa…

Mời Bạn: Hãy tích trữ cho mình một kho tàng giá trị, bền vững; đừng nhìn cách quá thiển cận, ích kỷ vì như thế bạn sẽ khó có thể giữ cho nó tồn tại. Kho tàng ấy là sự sáng và sự sống đời đời, bắt đầu từ tâm hay lòng bạn.

Sống Lời Chúa: “Nếu mắt anh xấu, thì toàn thân anh sẽ tối.” Tôi sẽ luôn luôn làm cho đôi mắt tâm hồn mình sáng lên nhờ nghe và giữ Lời Thiên Chúa vì “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi.”

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giữ con để con luôn biết phụng sự Chúa bằng tâm hồn trong sáng, vô vị lợi trọn đời con. Amen. 

—————————————- 

22/06/2019: THỨ BẢY TUẦN 11 TN
Thánh Gio-an Phi-sơ, giám mục và Tô-ma Mô, tử đạo
Mt 6,24-34

ƯU TIÊN NƯỚC THIÊN CHÚA 

“Trước hết, hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.” (Mt 6,33)

Suy niệm: “Chỉ có một con đường đi đến hạnh phúc, đó là ngừng lo lắng về những gì vượt khả năng ý muốn của mình” (Triết gia Epictetus). Trong Tin Mừng hôm nay, kiểu nói đừng lo được lặp lại đến sáu lần; điều đó cho thấy Đức Giê-su lưu ý ta đừng để những nỗi lo về nhu cầu của cuộc sống này khiến ta quên đi, -hoặc gạt qua một bên, hoặc coi như chuyện nhỏ,- việc tìm kiếm Nước Trời cũng như việc nên thánh trong cuộc đời ta. Ngài không bảo ta vô trách nhiệm với bản thân và gia đình, lười biếng làm việc mưu sinh, vô lo về ngày mai. Trái lại, Ngài dạy ta tin tưởng, cậy trông nơi Thiên Chúa là Cha quan phòng yêu thương ta. Cha lo liệu cho chim trời, hoa huệ, huống chi con người được Cha yêu thương, đến nỗi ban Con Một cho ta, dẫn đưa ta đến Nước Trời.

Mời Bạn: “Mọi ngày mai đều có hai tay cầm. Ta có thể nắm giữ ngày mai với tay cầm lo lắng hay tay cầm đức tin” (H. Beecher). Sống đức tin là ta vẫn phải lo toan cho các nhu cầu của cuộc sống, thế nhưng không vì thế mà đảo ngược giá trị trong các mối tương quan: tương quan hiếu thảo với Chúa, tương quan anh em với tha nhân, và tương quan hài hòa với chính mình. Bạn có đặt các mối tương quan Nước Thiên Chúa ấy lên hàng đầu cuộc đời của mình chưa?

Sống Lời Chúa: Tôi đặt lại bậc thang giá trị trong cuộc đời: sống tương quan yêu thương với Chúa và với nhau hơn công ăn việc làm, hưởng thụ cuộc sống…

Cầu nguyện: Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã cho con có mặt trong cuộc đời. Xin cho con luôn ưu tiên tìm kiếm Nước Thiên Chúa trong cuộc đời con. Amen.

—————————————- 

23/06/2019: CHÚA NHẬT TUẦN 12 TN – C
Mình và Máu Chúa Ki-tô
Lc 9,11b-17

HIỆU QUẢ CỦA THÁNH THỂ

“Bấy giờ Đức Giê-su cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho đám đông.” (Lc 9,16)

Suy niệm: Phép lạ Đức Giê-su hóa bánh và cá ra nhiều là hình ảnh báo trước về việc Ngài sẽ thiết lập Bí tích Thánh Thể. Từ năm chiếc bánh và hai con cá, Ngài làm phép lạ hóa ra vô số cho hơn năm ngàn người no nê, dư dật; cũng vậy, Thánh Thể Ngài là tấm bánh được bẻ ra cho muôn người được no thỏa, dư đầy. Ai ăn cá và bánh ngày ấy rồi cũng đã chết; còn ai lãnh nhận Thánh Thể Ngài cũng sẽ chết, nhưng cái chết ấy là ngưỡng cửa để bước vào cõi sống đời đời. Cả hai phép lạ, phép lạ ngày ấy tại thảm cỏ ven hồ Ti-bê-ri-a và phép lạ diễn ra trên bàn thờ hằng ngày, đều cho ta thấy Chúa của ta là một vị Chúa quyền năng, cao cả, nhưng Ngài đã dùng quyền năng ấy để phục vụ cho con người, vì lòng yêu thương con người, yêu thương cho đến cùng (Ga 13,1).

Mời Bạn: Đức Hồng y P.X. Nguyễn Văn Thuận chia sẻ: “Mình Máu Thánh Chúa, phương dược chữa xác cứu hồn, là thang thuốc trường sinh bất tửNhờ rước Thánh Thể, tôi được an ủi và can đảm tràn ngập cõi lòng.” Bạn cũng sẽ vậy thôi! Nhờ siêng năng rước Mình Máu Thánh Chúa, bạn được an ủi, niềm vui, thêm lòng mến Chúa yêu người.

Sống Lời Chúa: Tôi rước Thánh Thể Chúa mỗi khi tham dự thánh lễ, và đọc kinh Rước lễ thiêng liêng hàng ngày.

Cầu nguyện: Lạy Đức Chúa Giê-su, con tin thật Chúa ngự trong Phép Mình Thánh, con kính mến Chúa trên hết mọi sự, cùng ước ao chịu lấy Chúa trong linh hồn con. Vì bây giờ con chẳng chịu Chúa thật được, thì xin Chúa ngự vào linh hồn con cách thiêng liêng. Amen. 

—————————————- 

24/06/2019: THỨ HAI TUẦN 12 TN
Sinh nhật Thánh Gio-an Tẩy Giả
Lc 1,57-66.80

GIA ĐÌNH CÓ ĐẠO

Nghe biết Chúa đã quá thương bà như vậy, láng giềng và thân thích đều chia vui với bà… Láng giềng ai nấy đều kinh sợ. Và các sự việc ấy được đồn ra khắp miền núi Giu-đê. (Lc 1,58.65)

Suy niệm: Viết trình thuật cuộc chào đời của Gio-an, thánh Lu-ca hữu ý đề cập đến một lớp nhân vật mà độc giả thường ít chú ý: đó là những người láng giềng của gia đình Da-ca-ri-a. Niềm vui không chỉ gói kín trong gia đình này mà còn lan tỏa sang những người láng giềng. Khi mô tả những người láng giềng “kinh sợ,” Lu-ca không có ý nói họ bị thất thần vì một tai hoạ kinh hoàng nào đó. Ở đây thánh Lu-ca dùng kiểu nói trong Cựu Ước diễn tả tâm trạng choáng ngợp trước những “điềm thiêng dấu lạ” là dấu chỉ sự hiện diện và can thiệp của Thiên Chúa. Những người láng giềng “kinh sợ” vì cảm kích trước ân phúc quá lớn lao và rõ ràng mà Thiên Chúa đang thực hiện nơi gia đình này.

Mời Bạn: Mỗi gia đình Ki-tô hữu cũng được mời gọi chuyển trao sứ điệp yêu thương cứu độ của Thiên Chúa cho người xung quanh. Chúng ta làm việc này bằng cách mỗi thành viên trong gia đình dứt khoát chọn lựa trung thành với thánh ý Chúa – như gia đình ông Da-ca-ri-a trong việc đặt tên cho Gio-an.

Chia sẻ: Gia đình bạn đang làm chứng nhân cho bà con lối xóm rằng mình là gia đình có đạo bằng cách nào? Chừng đó đủ chưa hay bạn thấy cần phải làm gì thêm nữa?

Sống Lời Chúa: Trong cung cách sống hằng ngày của mình giữa khu xóm, chúng ta không quên mình có bổn phận trở nên những chứng nhân của tình yêu Thiên Chúa cho người xung quanh.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho gia đình chúng con trở thành quyển “Tin Mừng sống” cho láng giềng của mình.

—————————————- 

25/06/2019: THỨ BA TUẦN 12 TN
Mt 7,6.12-14

ĐI CON ĐƯỜNG CHẲNG MUỐN

Đức Giê-su nói: “Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó.” (Mt 7,13)

Suy niệm: Có những con đường chẳng ai muốn đi, bởi vì nó chật hẹp, đầy chông gai. Bởi vì thường người ta muốn đi trên những con đường thênh thang, êm ái, muốn hưởng thụ một cuộc sống thật tiên nghi, thoải mái. Biết bao nhiêu phát minh khoa học kỹ thuật đều nhằm thoả mãn khát vọng đó. Thế mà Chúa Giê-su giới thiệu với chúng ta con đường hẹp, con đường ít người muốn đi: “Cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy” (c. 14). Cửa hẹp và đường chật chẳng ai thích đi, trừ phi họ được Thiên Chúa dẫn vào. Thời Xuất hành, nếu Ít-ra-en không trải qua cảnh cùng cực bên Ai cập, làm sao họ chịu vào sa mạc để tìm về Đất Hứa? Kể cả Chúa Giê-su, Ngài cũng từng được Thần Khí dẫn vào sa mạc để chịu thử thách (Mt 4,1); Ngài cũng xin Chúa Cha cất cho Ngài khỏi chén đắng (Mt 26,42). Không lạ gì khi nói về tương lai của thánh Phê-rô, Chúa bảo: “Lúc con trẻ, anh tự mình thắt lưng và đi đâu tùy ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn” (Ga 21,18).

Mời Bạn: “Ta sẽ ở với ngươi” (St 31,3; Xh 3,11; Gs 1,5…) là lời động viên thường xuyên của Thiên Chúa mỗi khi muốn dẫn ai vào “con đường chẳng muốn đi.” Chúa Giê-su cũng lặp lại với bạn hôm nay: “Ta sẽ ở cùng các ngươi mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).

Sống Lời Chúa: Tạ ơn Chúa về những điều trái ý xảy ra hằng ngày vì đó là con đường Chúa muốn dẫn ta đi.

Cầu nguyện: Hát “Lạy Chúa, con đường nào Chúa đã đi qua…”

—————————————- 

26/06/2019: THỨ TƯ TUẦN 12 TN
Mt 7,15-20

XEM QUẢ BIẾT CÂY

“Cứ xem họ sinh hoa quả nào thì biết họ là ai.” (Mt 7,20)

Suy niệm: Những nhà vườn ươm cây giống luôn chọn những con giống tốt cho sai trái, trái có hương vị ngon ngọt đặc biệt, bởi vì hơn ai hết họ hiểu rõ câu nói: “Cây nào sinh quả nấy.” Chúa Giê-su dùng kinh nghiệm này làm khuôn thước cho người môn đệ nhận định tốt xấu. Cây xấu là những việc làm dù có vẻ tốt nhưng xuất phát từ động cơ xấu. Chúa dùng những lời khiển trách nặng nề gọi đó là “giả hình, mồ mả tô vôi, sói đội lốt chiên.” Để phát hiện những loại “cây xấu” đó, Chúa dạy hãy nhìn vào những hoa quả của chúng. Việc làm trở thành xấu vì xuất phát từ tâm địa gian manh, tham lam vị kỷ. Hoa quả tốt phát sinh từ “cây tốt” là tình yêu: nếu chúng ta có làm được mọi sự mà thiếu đức ái thì cũng chẳng ích lợi gì (x. 1Cr 13,1tt).

Mời Bạn: Qua bí tích Thánh Tẩy, chúng ta được ghép vào gốc tốt là Chúa Ki-tô để trở nên cây tốt. Thế nhưng trong cuộc sống chúng ta không ít lần sinh hoa trái lép xẹp – chẳng những vô ích mà đôi khi còn gây hại cho người khác. Đó là dấu chứng của cây thiếu nhựa sống yêu thương mà Thiên Chúa là nguồn. Hoặc chúng ta đến với các bí tích là phương thế hữu hiệu giúp phục hồi sinh lực, hoặc chấp nhận “bị chặt đi và quăng vào lửa”?

Chia sẻ: Bạn nghĩ gì về lời trách khéo của ai đó trước những lối sống bất chính của người Ki-tô hữu: “người có đạo mà cũng làm thế ư?”

Sống Lời Chúa: Kiểm điểm đời sống bằng cách xét những hậu quả theo sau một việc mình đã làm: “Việc đó đem lại bình an yêu thương hay gây ghen ghét bất công cho tôi và người khác?”

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin gìn giữ chúng con trong tình yêu để hoa trái chúng con đem lại lợi ích cho mọi người.

—————————————- 

27/06/2019: THỨ NĂM TUẦN 12 TN
Thánh Sy-ri-lô, giám mục A-lê-xan-đơ-ri, TSHT
Mt 7,21-29

NỀN MÓNG GIA ĐÌNH

“Ai nghe những lời Thầy nói đây và đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đa.” (Mt 7,24)

Suy niệm: Căn nhà bền vững, chắc chắn trước thời tiết khắc nghiệt qua năm tháng là nhờ được xây trên một nền móng vững chắc. Thời Chúa Giê-su, cái nền móng ấy thường được xây bằng đá tảng. Chúa Giê-su dùng hình ảnh đời thường quen thuộc ấy để áp dụng trong đời sống đức tin. Với Ngài, nền móng đá tảng cho cuộc đời cá nhân, gia đình, cộng đoàn, xã hội là nghe và thực hành Lời Chúa: thi hành ý muốn của Chúa Cha, qua lời giảng dạy của Chúa Con. Thiếu việc thực hành Lời Chúa, chúng ta đang xây dựng ngôi nhà cuộc đời mình trên cát, không nền móng: ngôi nhà ấy sẽ nhanh chóng sụp đổ trước khó khăn, thử thách. Các gia đình ngày nay có nhìn nhận và giải quyết mọi vấn đề của mình dưới ánh sáng Lời Chúa, mới có thể bền vững trước những khó khăn, thách đố.

Mời Bạn: Thực hành Lời Chúa là sự sống còn của đời sống đức tin, vì “Không phải ai thưa: “Lạy Chúa! Lạy Chúa!” sẽ được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy, Đấng ngự trên trời” (c. 21). Thực hành Lời được chép trong Sách Thánh là làm cho những dòng chữ vô hồn được trở nên sống động trong sinh hoạt đời thường hằng ngày của người Ki-tô hữu.

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày, mỗi tuần bạn hãy tâm niệm một câu Lời Chúa được nghe trong thánh lễ và đem ra thực hành trong đời sống.

Cầu nguyện: Đọc kinh Gia Đình hoặc lời cầu nguyện sau: Lạy Chúa, Lời Chúa là đá tảng cho cuộc đời con. Xin giúp con đổi mới đời con, gia đình, cộng đoàn  bằng việc thực thi thánh ý Chúa mỗi ngày. Amen. 

—————————————- 

28/06/2019: THỨ SÁU TUẦN 12 TN
Thánh Tâm Chúa Giê-su
Lc 15,3-7

TRÁI TIM RỘNG MỞ 

“Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai.” (Lc 15,5)

Suy niệm: Nghệ thuật Ki-tô giáo thường trình bày Đức Giê-su qua hình ảnh người mục tử dẫn đầu một đàn chiên, trên vai còn vác một con chiên. Hình ảnh ấy được cảm hứng từ dụ ngôn người chăn chiên nhân hậu mà Tin Mừng đọc cho chúng ta trong ngày lễ kính Thánh Tâm Chúa Giê-su. Có người mục tử đích thực nào mà lại không yêu thương chăm sóc đàn chiên của mình? Anh dẫn đưa chúng đến những đồng cỏ xanh với dòng nước mát, chữa lành những vết thương, bảo vệ khỏi các thú dữ, anh biết rõ và gọi tên từng con chiên một. Khốn khổ nhất là con chiên đi lạc, nó bơ vơ không có một sự bảo vệ nào: nó có thể rơi xuống vực sâu, bị mắc kẹt trong bụi gai, vách đá, có nguy cơ bị chó sói ăn thịt. Thấu cảm được điều đó, người mục tử bươn bả đi tìm, và khi tìm được, anh hết sức vui mừng vác nó trên vai, trở về nhà ăn mừng. Đức Giê-su, vị mục tử không chỉ nhân lành qua dụ ngôn. Ngài đã hiện thực điều đó qua Trái Tim của Ngài bị đâm thâu trên thập giá, mở ra một trời yêu thương và ân sủng với tất cả mọi con người.

Mời bạn: Bạn đang ở trong tình trạng nào: đi lạc, đi hoang, lạc lối trong những đam mê, mù quáng bởi những ghét ghen, hận thù? Hãy nhớ rằng bạn luôn có lý do để hy vọng, bởi Chúa Giê-su có một Trái Tim luôn mở rộng để ôm ấp, yêu thương bạn.

Sống Lời Chúa: Xin ơn luôn tín thác vào tình yêu Chúa và “uốn lòng mình nên giống Trái Tim của Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Thánh Tâm Chúa đã bị đâm thâu, cảm tạ Chúa đã yêu con đến cùng. Xin cho con cảm nếm được sự dịu ngọt của tình yêu Chúa, và luôn biết chạy đến với Ngài. Amen.

—————————————- 

29/06/2019: THỨ BẢY TUẦN 13 TN
Thánh Phê-rô và Phao-lô, tông đồ
Mt 16,13-19

KỲ QUAN CỦA THIÊN CHÚA

“Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên Tảng Đá này, Thầy sẽ xây Hội thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.” (Mt 16,18)

Suy niệm: Suy niệm về cuộc đời hai thánh tông đồ mà Hội Thánh mừng kính trọng thể hôm nay, chúng ta khám phá thấy công trình kỳ diệu Thiên Chúa đã thực hiện nơi hai vị thánh: Từ những con người yếu đuối nhiều lỗi lầm, Chúa biến đổi thành hai cột trụ vững chắc trong công trình xây dựng Hội Thánh. Phê-rô đã từng chối Chúa; còn Phao-lô là người từng bách hại đạo Chúa. Theo con mắt loài người, đó là những con người phải bị loại trừ. Thế nhưng, Thiên Chúa lại dùng các ngài để làm trụ cột chống đỡ tòa nhà Giáo hội. Đó không phải là “kỳ quan” của Thiên Chúa thì là gì! Tội đồ là thế, song một khi đã được yêu mến và trọng dụng, các ngài đã không phụ lòng Thiên Chúa. Phê-rô gắn bó với Ki-tô hữu gốc Do Thái, còn Phao-lô rao giảng cho dân ngoại. Cả hai vị đều kết thúc cuộc đời tựa cuộc Khổ nạn của Thầy mình: kẻ bị đóng đinh ngược, người bị chém đầu. Các ngài đã trở thành những kỳ quan vĩ đại được Thiên Chúa làm nên.

Mời Bạn: Hội Thánh mừng hai vị tông đồ trong một ngày lễ chính là để chúng mình thấy điều kỳ diệu Chúa đã thực hiện. Bạn có quyết tâm gạt bỏ quá khứ với những lỗi lầm và giao phó cuộc đời mình cho Thiên Chúa sử dụng không?

Sống Lời Chúa: Noi gương hai thánh Phê-rô và Phao-lô, tôi sẽ luôn tin tưởng vào quyền năng của Chúa để hình ảnh của Chúa được thể hiện trong tôi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con biết trao con người bất toàn của con cho Chúa, để Chúa dùng con như khí cụ đem lại vinh quang cho Nước Trời.

—————————————- 

30/06/2019: CHÚA NHẬT TUẦN 13 TN – C
Lc 9,51-62

LOAN BÁO TÌNH YÊU THƯƠNG

“Còn anh, hãy đi loan báo triều đại Thiên Chúa.” (Lc 9,60)

Suy niệm: “Hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa!” Đó là lệnh truyền, nhưng làm thế nào để loan báo Triều Đại Thiên Chúa trong thế giới hôm nay? Làm thế nào để thuyết phục nhân loại thời nay rằng thực tại được tuyên xưng trong niềm tin của chúng ta là có thật? Thiên Chúa dường như ở xa khuất, còn chúng ta, những con người sống với nhau, mặt chạm mặt hằng ngày, ít nhất có một việc chúng ta có thể làm ngay, đó là yêu thương nhau, tha thứ cho nhau như Chúa yêu thương, tha thứ cho chúng ta; là đối xử với nhau có tình có nghĩa, nhẫn nại và bao dung. Sống như thế là chúng ta đã rao giảng cho thế giới biết rằng Thiên Chúa là tình yêu và chân lý rồi đó. Sống yêu thương, chúng ta cho thấy rằng gương sáng duy nhất đủ sức thuyết phục người khác kính thờ Thiên Chúa chính là thực thi bác ái huynh đệ.

Mời Bạn: Nói như thế thì thật là dễ, nhưng thực hành được như thế mới là giá trị đích thực. Mời bạn bắt mạch cuộc sống mình xem mình đã thực sự sống bác ái huynh đệ hay chưa. Một trong những triệu chứng đó là: khi có ai đó làm phiền lòng bạn, gây thiệt hại cho bạn, làm bạn tổn thương danh dự, bạn có tiếp tục vui vẻ, yêu thương đối với người ấy không?

Chia sẻ cảm nhận của bạn khi bạn làm hoà hay đối xử tử tế với một người đang có ác cảm với bạn? Bạn có thấy ơn Chúa đang hoạt động trong bạn không?

Sống Lời Chúa: Làm một việc phục vụ với ý hướng loan báo Tin Mừng Đức Ki-tô.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho con sức mạnh của tình yêu Chúa, để con luôn có một con tim trong sáng, một thái độ chân thành đối với mọi người.

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận