01/10/2020: THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 26 TN
Thánh Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su, trinh nữ, TSHT
Mt 18,1-5
“NHỎ NHẤT” ĐỂ TRỞ NÊN “LỚN NHẤT” TRONG NƯỚC TRỜI
“Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất trong Nước Trời.” (Mt 18,3)
Suy niệm: Các môn đệ theo Chúa Giê-su đã lâu, hẳn các ông đã nghe Ngài dạy rằng Nước Trời trổ sinh hoa trái nơi những ai sống khiêm nhường, đơn sơ, nhỏ bé…, và nhất là hằng ngày nhìn thấy mẫu gương sống hiền lành và khiêm nhường của Thầy, thế mà các ông vẫn tranh cãi hơn thua về địa vị đến nỗi phải cậy đến Thầy để làm trọng tài phân xử: “Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời?” Một lần nữa, Chúa Giê-su khẳng định cho các ông rằng: “Nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.” Ngài muốn các ông phải tẩy trừ não trạng ham mê danh vọng, lợi lộc, chức quyền… theo kiểu thế gian và “tự hạ, trở nên nhỏ nhất như em nhỏ này” để trở nên “lớn nhất” trong Nước Trời.
Mời Bạn: Chúng ta đừng vội chê các môn đệ, bởi vì tham vọng của các ông cũng là tham vọng muôn thuở nơi con người chúng ta. Lắm khi chúng ta phục vụ xem ra rất nhiệt tình và vì lý tưởng siêu nhiên, nhưng một cách ngấm ngầm vô thức, chúng ta vẫn mong được tiếng khen, hay một địa vị danh dự nào đó. Con đường thơ ấu thiêng liêng của thánh Tê-rê-sa chính là cách sống Lời Chúa hôm nay: chu toàn việc bổn phận trong tinh thần tự hạ khiêm tốn với tâm niệm: “Tôi là đầy tớ vô dụng, tôi chỉ làm việc bổn phận đấy thôi” (Lc 17,10).
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày tôi làm một việc tự nguyện cụ thể để phục vụ anh chị em trong gia đình, cộng đoàn của tôi.
Cầu nguyện: “Lạy Chúa, Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng, là chén phúc lộc dành cho con” (Tv 16,4).
02/10/2020: THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 26 TN
Các Thiên Thần Hộ Thủ
Mt 18,1-5.10
VÂNG NGHE CÁC THIÊN THẦN
“Các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.” (Mt 18,10)
Suy niệm: “Ma quỉ đã tung ra một mạng lưới ảo tưởng trên chúng ta, mạng lưới này tuy vô hình, nhưng rất mãnh liệt. Nó làm cho ta yêu chuộng giây phút chóng qua hơn sự sống vĩnh cửu, khuyến dụ ta chạy theo sự vô định hơn chân lý, nó bảo ta chỉ có thể yêu mến tạo vật bằng cách thờ lạy chúng mà thôi” (Triết gia Raïssa Maritain). Khắc tinh của ma quỷ là các hiệp sĩ thiên thần hộ thủ, những người bạn thân vô hình được Thiên Chúa sai đến ở bên cạnh, hộ giúp ta đêm ngày. Vai trò của các ngài là giúp ta phá đi mạng lưới ảo tưởng, đưa ta đến môi trường của sự thật giải thoát của Tin Mừng Nước Trời. Các ngài nhắc nhở ta cài “phần mềm” sự sống vĩnh cửu trong mọi việc ta làm, phụng thờ Thiên Chúa và phục vụ tha nhân trong mọi dự tính đời ta.
Mời Bạn: Các hiệp sĩ vô hình ấy chu toàn nhiệm vụ Thiên Chúa giao phó hay không tùy thuộc nơi thái độ của bạn. Nếu bạn ngoan ngoãn vâng theo sự soi sáng hướng dẫn của các ngài, dù phải trầy da tróc vẩy, bạn sẽ thoát vòng vây của quỷ ma và đạt đến cùng đích đời mình là hạnh phúc muôn đời bên Chúa.
Sống Lời Chúa: Tập lắng nghe tiếng nhắc nhở của thiên thần hộ thủ, và ngoan ngoãn làm theo, dù phải hy sinh ý riêng, sở thích riêng của mình
Cầu nguyện: Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã sai các thiên thần hộ thủ nâng đỡ chúng con trên hành trình đi về quê trời. Xin cho chúng con biết vâng theo sự hướng dẫn của các ngài, và cảnh tỉnh trước những hiểm họa do ma quỷ, xác thịt và thế gian đang cản trở bước đường của chúng con. Amen.
03/10/2020: THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 26 TN
Lc 10,17-24
ĐIỀU ĐÁNG MỪNG ĐÍCH THỰC
“Anh em chớ mừng vì quỷ thần phải khuất phục anh em, nhưng hãy mừng vì tên của anh em đã được ghi trên trời.” (Lc 10,20)
Suy niệm: Cuộc sống thiêng liêng của chúng ta là một cuộc chiến đấu chống lại cám dỗ của ma quỷ, mà chúng ta có lúc thắng đó rồi thua đó. Thắng được cám dỗ dĩ nhiên là tốt; nhưng chiến thắng cũng có nguy cơ của nó. Khi chiến thắng, ta có thể ảo tưởng rằng mình tài giỏi, mạnh mẽ… Từ đó sinh kiêu ngạo. Mà kiêu ngạo là hòn đá vấp phạm đã đẩy Xa-tan từ chỗ là thiên thần sáng láng trở thành ma quỷ chống lại Thiên Chúa. Nếu chúng ta chiến thắng cám dỗ và rồi mừng rỡ đến độ kiêu căng tự phụ thì có khác gì ma quỷ? Chiến thắng có nguy cơ dẫn chúng ta đến biết bao tội khác. Thế thì có gì là đáng mừng? Điều đáng mừng đích thực như Chúa nói là “tên anh em đã được ghi trên trời.”
Mời Bạn: Chúa chọn ai làm môn đệ không chỉ để họ làm đồ đệ cho Chúa khi họ còn sống ở trần gian mà thôi, mà còn cho họ được tham dự hạnh phúc vĩnh cửu với Chúa sau này nữa. Thánh Gio-an khi viết về những lời cáo biệt đã ghi lại khẳng định của Đức Giê-su: “Thầy ở đâu anh em cũng sẽ ở đó” (Ga 14,3). Những ai được Chúa chọn làm môn đệ thì Chúa đã chuẩn bị cho họ được chung hưởng hạnh phúc đời đời. Vì thế, được làm môn đệ của Chúa thì thật đáng mừng, đáng mừng hơn là đã chiến thắng quỷ thần một vài lần.
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày hãy dâng lên Chúa lời cảm tạ vì được Chúa gọi làm môn đệ của Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã chọn chúng con làm môn đệ của Chúa, xin cho chúng con cảm nếm trước được hạnh phúc Chúa đã dành cho chúng con.
04/10/2020: CHÚA NHẬT TUẦN 27 TN – A
Mt 21,33-43
Ý ĐỊNH CỦA THIÊN CHÚA
“Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường.” (Mt 21,42)
Suy niệm: Nói về những người có đầu óc thiển cận, hẹp hòi, ông cha ta thường sánh ví họ là “ếch ngồi đáy giếng coi trời bằng vung.” Các tá điền vườn nho trong câu chuyện dụ ngôn không chỉ thiển cận, tham lợi trước mắt để trở mặt với ông chủ; họ còn to gan cóc tía, dám đánh đập, giết chết những người ông chủ sai đến, thậm chí còn thủ tiêu luôn người con duy nhất của ông, với tham vọng “đoạt lấy cả gia tài” của cậu nữa. Dù vậy, lòng tham lam độc ác đến độ điên cuồng của họ cũng không thắng được sự khôn ngoan và lòng quảng đại của Thiên Chúa. Từ “tảng đá bị loại bỏ” – kết quả của sự phản loạn của họ – Chúa đã biến đổi cách kỳ diệu thành “đá tảng góc tường.” “Người con thừa tự” mà họ tưởng đã tiêu diệt thành công lại trở nên nguồn cứu độ cho muôn người.
Mời Bạn: Dù con người phạm tội chống lại Thiên Chúa, Ngài vẫn yêu thương và phục hồi mối tương quan thân thiết với Ngài, và giữa con người với nhau nhờ Người Con yêu dấu là Đức Giê-su. Như tảng đá bị loại bỏ, Chúa Giê-su đã chịu chết trên thập giá và hiến mình trong bí tích Thánh Thể để trở thành đá tảng góc tường xây dựng toà nhà Hội Thánh, là Nước Trời, vương quốc của Tình Thương. Chúa Giê-su cảnh báo Ngài sẽ cất Nước Thiên Chúa khỏi những con người phản loạn. Bạn có còn cứng lòng thù nghịch với Thiên Chúa hay sẵn lòng cùng với Đức Giê-su sống tinh thần phục vụ để sinh lợi cho Nước Trời?
Sống Lời Chúa: Dành ít phút chiêm ngắm người con trai của ông chủ vườn nho, hình ảnh của Chúa Giê-su chịu khổ nạn và quyết tâm phục vụ tha nhân qua việc bổn phận hằng ngày của mình.
Cầu nguyện: Đọc kinh Lạy Cha.
05/10/2020: THỨ HAI TUẦN 27 TN
Lc 10,25-37
HÃY LÀM NHƯ VẬY
Đức Giê-su trả lời ông ta: “Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống.” (Lc 10,28)
Suy niệm: Phúc Âm theo thánh Lu-ca cho biết nhà thông luật khi chất vấn Đức Giê-su ông ta không hề có ý đi tìm chân lý mà chỉ muốn “thử” Ngài và để tỏ ra mình là người thông thái. Dù vậy Chúa đã cho ông cơ hội để bộc lộ sự hiểu biết của mình và còn khen “ông trả lời đúng lắm.” Nhưng đồng thời Ngài mời gọi ông đừng chỉ dừng lại ở lý thuyết mà phải thực hành “yêu người thân cận” “thì sẽ được sống.” Nhưng nhà thông luật này vẫn chưa hài lòng mà còn muốn thể hiện sự uyên bác và “chứng tỏ mình có lý” nên mới hỏi vặn Chúa: “Ai là người thân cận của tôi?” Chính vì thế mà một lần nữa Chúa nhắc lại cho ông điều quan trọng là “hãy đi và làm như vậy” nghĩa là hành động như hình mẫu người Sa-ma-ri tốt lành trong dụ ngôn, coi mình là người thân cận với người đi đường xa lạ gặp cơn hoạn nạn và mau mắn ra tay cứu giúp.
Mời Bạn: Để được sự sống đời đời thì học biết lý thuyết xuông không đủ, điều cần thiết là phải đưa những kiến thức ấy đi vào thực tế của đời sống, nghĩa là phải “làm”. Có thể bạn rất thuộc những bài giáo lý, nhớ rất rõ những đoạn Thánh Kinh nhưng nếu bạn chưa đem những điều ấy ra thực hành trong cuộc sống thì bạn vẫn chưa phải là môn đệ đích thực của Chúa.
Sống Lời Chúa: Tâm nguyện mỗi ngày làm một việc thiện cho người anh em.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, sống triệt để theo những đòi hỏi của Tin Mừng quả là điều khó, nếu không có ơn Chúa thì tự sức mình chúng con không thể làm được. Xin Chúa thêm sức để chúng con quyết tâm thực hành điều Chúa dạy. Amen.
06/10/2020: THỨ BA TUẦN 27 TN
Thánh Bru-nô, linh mục
Lc 10,38-42
CHỌN ĐIỀU TỐT NHẤT
“Có một phụ nữ tên Mác-ta đón Người vào nhà. Cô có người em gái tên là Ma-ri-a, cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe Người dạy… Cô Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất.” (Lc 10,38b-39.42b)
Suy niệm: Trong đời sống hàng ngày của người Ki-tô hữu, việc cầu nguyện và hoạt động tông đồ được ví như 2 thì của một nhịp thở. Thánh Gia-cô-bê trong lá thư của ngài nhấn mạnh đức tin cần có hành động: “Đức tin không có hành động là đức tin chết” (Gc 2,26). Qua câu chuyện của hai chị em Mác-ta và Ma-ri-a, Chúa Giê-su cho thấy trong hai việc đó, đời sống cầu nguyện là nền tảng thiết yếu. Cầu nguyện là nguồn gốc phát sinh mọi hoạt động tông đồ trong Giáo Hội. Chúa Giê-su không xem nhẹ công việc phục vụ, nhưng Chúa cho biết trước hết và trên hết phải có đời sống cầu nguyện, đó là ở lại với Chúa bằng sự kết hợp thân tình sâu xa; từ đó và nhờ đó, việc tông đồ của mỗi người mới sinh hoa kết trái.
Mời Bạn: Là Ki-tô hữu, chúng ta phải biết rằng sống đời cầu nguyện là nền tảng, là quy chuẩn và là thước đo của mọi hoạt động tông đồ của Giáo Hội và của mỗi người. Bạn đã sắp xếp thế nào cho việc cầu nguyện trong mỗi ngày sống của mình? Những khó khăn nào cản trở bạn và bạn đã dùng cách thế nào để khắc phục những khó khăn đó?
Chia sẻ: Trong xã hội thực dụng ngày nay, người ta không mặn mà với việc cầu nguyện vì cho rằng nhàm chán, không lợi ích thiết thực… Bạn nghĩ sao?
Sống Lời Chúa: Cầu nguyện trước, đang và sau khi hành động: – trước: xin được biết việc phải làm; – đang: xin giúp sức làm việc cho nên; – sau: xin lỗi Chúa vì những thiếu sót, tạ ơn Chúa vì đã thương trợ giúp.
Cầu nguyện: Đọc kinh Sáng Soi.
07/10/2020: THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 27 TN
Đức Mẹ Mân Côi
Lc 1,26-38
LẮNG NGHE VÀ THI HÀNH
“Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” (Lc 1,38)
Suy niệm: Một thiếu nữ không tên tuổi được sứ thần Gáp-ri-en đến “thông báo” chương trình của Chúa sẽ thực hiện và mời gọi cô tham gia. Cô nghe cách chăm chú, thành kính và suy tư. Biết bao điều hoàn toàn lạ lẫm đối với cô. Nào là thụ thai và sinh con trai; nào là đặt tên Giê-su; nào là Con Đấng Tối Cao; nào là ngai vàng vua Đa-vít; nào là triều đại Người vô cùng vô tận… Mà cô thì nào có “biết đến việc vợ chồng”? Từ tâm trạng “rất bối rối” đến chỗ ngỡ ngàng trước lời mời gọi phi thường, Đức Ma-ri-a vẫn giữ thái độ rộng mở sẵn sàng khi thưa với sứ thần Gáp-ri-en: “Việc ấy sẽ xảy ra như thế nào?” Và khi được sứ thần cho biết kế hoạch của Thiên Chúa nơi Mẹ là do Chúa Thánh Thần trực tiếp tác động thì Mẹ đã sẵn lòng xin vâng như lời sứ thần nói. Và lời thưa xin vâng của cô gái làng Na-da-rét ấy đã góp phần làm nên lịch sử cứu chuộc.
Mời Bạn: Bạn có cảm nghiệm gì khi lắng nghe và được đánh động bởi Lời Chúa? Bạn có coi trọng việc đọc và suy niệm Lời Chúa hằng ngày? Bạn có ghi nhớ và suy niệm những lời ấy để rồi thưa vâng theo thánh ý Chúa giống như Mẹ không? Mỗi lần hiện ra, Mẹ đều nhắn nhủ siêng năng lần hạt Mân Côi vì đó là phương thế giúp bạn suy gẫm và sống theo mẫu gương của Mẹ.
Sống Lời Chúa: Đọc một kinh Kính Mừng cách chậm rãi, sốt sắng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã mời gọi những người sống âm thầm không tên tuổi cộng tác với Chúa trong công trình cứu chuộc trần gian, xin cho con luôn biết mở lòng trước lời mời gọi của Chúa để loan báo Tin Mừng cho anh chị em. Amen.
08/10/2020: THỨ NĂM TUẦN 27 TN
Lc 11,5-13
XIN GÌ ĐƯỢC NẤY Ư ?
“Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho.” (Lc 11,9)
Suy niệm: Hãy tưởng tượng xem, nếu Thiên Chúa luôn chấp nhận lời cầu xin của con người cách vô điều kiện thì hệ quả sẽ thế nào? Nhân loại sẽ đi về đâu bởi chính lời cầu xin của mình? Khi dạy chúng ta “cứ xin thì sẽ được, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho,” Đức Giê-su không muốn ‘tập hư’ cho chúng ta, tập thói quen ‘vòi vĩnh,’ nhưng muốn chúng ta tập thói quen cầu nguyện liên lỉ, tin tưởng tuyệt đối vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Là Cha nhân hậu, thấu suốt mọi bí ẩn, Thiên Chúa biết điều gì tốt cho con cái, trước cả khi ta xin Người. Nhưng Người cũng không dễ dãi, mù quáng, hễ con cái xin gì được nấy. Đối với Thiên Chúa, điều tốt nhất Ngài hứa ban cho con cái đó là Thánh Thần, Đấng nâng đỡ, đồng hành, khai lòng mở trí cho chúng ta ‘hiểu’ tấm lòng, kế hoạch tuyệt vời của Người, nhất là đưa dẫn chúng ta đến sự thật toàn vẹn.
Mời Bạn: Chắc bạn đã từng kinh nghiệm tiếng kêu xin của mình không được Chúa đáp trả, nhưng thực ra, Người biết điều gì là tốt nhất cho bạn. Như vậy, khi đáp trả bằng sự im lặng, có khi đó lại là câu trả lời thâm sâu, hàm chứa ý nghĩa yêu thương nhất. Bạn được mời gọi đọc ra điều đó dưới dấu chỉ của tình thương, bạn nhé!
Sống Lời Chúa: Hôm nay, bạn xin ơn Chúa Thánh Thần, để nhờ đó biết nhận ra thánh ý Chúa muốn cho đời bạn
Cầu nguyện: Lạy Chúa, nhiều khi con kêu cầu mà không được đáp trả. Những lúc ấy, xin cho con đừng nản lòng, nhưng luôn vững tin, vì biết rằng Chúa luôn có kế hoạch riêng, thích hợp nhất cho cuộc đời con, ngay cả trong những biến cố đau thương. Amen.
09/10/2020: THỨ SÁU TUẦN 27 TN
Thánh Đi-ô-ni-si-ô, giám mục và các bạn tử đạo
Lc 11,15-26
KHU TRỪ LOẠI QUỶ THỜI ĐẠI
“Nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là Triều Đại Thiên Chúa ở giữa các ông.” (Lc 11,20)
Suy niệm: “Quỷ Ở Với Người” là một vở kịch chuyển thể từ tác phẩm “Không có vua” nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, có thể là phản ánh hiện tượng tội ác đang xảy ra trong xã hội hôm nay: bé sơ sinh bị mẹ bỏ trong vườn hoang, bị súc vật gậm mất một chân và bộ phận sinh dục; người chồng chôn sống vợ và hai con; người cha hãm hiếp con gái ruột; rồi học trò đánh thầy cô giáo trọng thương… Phải chăng quỷ đang ở với người, điều khiển con người, khiến họ mất cả lương tri và sự sáng suốt? Thật ra, hễ khi nào việc kiếm và tiêu tiền được đặt lên chỗ ưu tiên một trong cuộc đời, cùng với việc hưởng thụ tối đa, thì đạo đức bị xếp vào hàng thứ yếu, con người đánh mất dần tính “người” cao quý, để nhường chỗ tính “quỷ.”
Mời Bạn: Xác tín rằng Đức Giê-su đến để trừ quỷ hay các thế lực sự dữ, và lập Vương Quốc Thiên Chúa. Phương pháp trừ quỷ của Ngài gồm có: (1) nỗ lực hết sức đấu tranh chống lại sự dữ trong xã hội, nhất là nơi chính bản thân; (2) cầu nguyện để xin Thiên Chúa trợ giúp trong cuộc chiến một mất một còn này. Bạn đã sử dụng phương pháp này chưa?
Chia sẻ: Gia đình, đoàn thể của bạn có hiện tượng “quỷ ở với người” không?
Sống Lời Chúa: Trong tháng Mân Côi, tôi và gia đình sẽ cố gắng thực hiện ba mệnh lệnh của Đức Mẹ Fatima: hoán cải thay đổi đời sống, lần hạt Mân Côi, và tôn sùng Mẫu Tâm.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin giải thoát chúng con khỏi tinh thần thế tục đang lôi kéo chúng con lìa xa Chúa. Xin giúp chúng con nỗ lực diệt trừ sự dữ và kiên trì cầu nguyện, để chống lại tác động của ma quỷ. Amen.
10/10/2020: THỨ BẢY TUẦN 27 TN
Lc 11,27-28
THẾ NÀO LÀ HẠNH PHÚC THẬT?
“Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa.” (Lc 11,28b)
Suy niệm: Con người hôm nay hơn bao giờ hết lại đôn đáo để đi tìm hạnh phúc; thế mà, chưa có ai và có thể nói sẽ chẳng có ai trên đời này mình đã đạt được hạnh phúc tròn đầy và đích thực. Phải chăng là hạnh phúc đó không có thật hoặc quá xa vời đến nỗi nếu có cũng không thể đạt tới? Hay là phải nói thế này: Người ta không biết “thế nào mới là hạnh phúc thật” nên cứ mãi đi tìm? Hôm nay, Lời của Chúa Giê-su là ánh sáng soi rọi đáp án cho vấn nạn này: Ngài không nói sẽ ban cho chúng ta hạnh phúc đích thực và tròn đầy ở đời này, nhưng Ngài lại mở ra cho chúng ta phương thế hữu hiệu để đạt tới hạnh phúc đó, đó là biết “nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa.”
Mời Bạn: Dấu hiệu cho thấy mình đang chạy theo hạnh phúc ảo là việc bạn mải mê tìm kiếm giàu sang vật chất, thú vui khoái lạc, vinh danh và quyền lực để hưởng thụ chúng cách tham lam, vô độ và ích kỷ. Bạn có thường xuyên kiểm điểm đời sống mình cách sâu xa để sớm phát hiện dấu hiệu bạn đang tìm kiếm hạnh phúc ảo không?
Sống Lời Chúa: Mở sách Kinh Thánh để đọc một đoạn và suy niệm một điều Chúa đang nói với bạn bây giờ và trong hoàn cảnh này. Bạn hãy thường xuyên làm việc này, để việc đọc và suy gẫm lời trở thành thói quen, lối sống của bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã chúc phúc cho những người “lắng nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa”. Xin cho con ơn say mê lời Chúa qua việc đọc chính Lời Chúa, lắng nghe qua các tạo vật của Chúa, qua những người Chúa sai đến nói với con và đặc biệt lời Chúa nói trong chính tâm hồn con. Con biết ơn, con chúc tụng, tôn vinh và yêu mến Lời của Chúa. Amen.
11/10/2020: CHÚA NHẬT TUẦN 28 TN – A
Mt 22,1-14
NƯỚC TRỜI CHO KHÔNG CHỨ KHÔNG RẺ TIỀN
“Này bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới?” (Mt 22,12)
Suy niệm: Lời rao giảng Nước Trời là điều cốt lõi trong sứ vụ của Chúa Giê-su. Ngài được sai đến trần gian “cốt là để làm việc đó” (Lc 4,43) dù phải trả giá đắt nhất là cái chết trên thập giá. Qua dụ ngôn tiệc cưới, Chúa Giê-su mạc khải mầu nhiệm Nước Trời là một hồng ân được Chúa ban không và cho mọi người không trừ ai. Thật vậy, Nước Trời giống như một bữa tiệc mà Thiên Chúa, vị chủ tiệc, mời gọi mọi hạng người đến dự. Không phải do công trạng hay vì họ xứng đáng, mà hoàn toàn do tấm lòng của chủ tiệc. Tuy nhiên, nút thắt của câu chuyện nằm ở chỗ có một người bị loại ra ngoài vì không mặc y phục lễ cưới! Tiệc cưới Nước Trời là một hồng ân ban không cho hết thảy mọi người; nhưng không hề rẻ tiền, xoàng xĩnh. Khách dự tiệc cần có sự chuẩn bị xứng hợp, thái độ trân trọng và tâm tình khát khao.
Mời Bạn: Mong muốn một tôn giáo ‘dễ dãi’, đó là cơn cám dỗ tinh vi luôn rình rập tín hữu ở mọi nơi mọi thời. Bấy giờ, người ta theo Chúa Giê-su mà không có thập giá, tìm kiếm ơn cứu độ mà không cần cam kết hay dấn thân. Bạn được mời gọi vượt quá não trạng này để bước theo Thầy Chí Thánh cách chân thực hơn. Nước Trời luôn rộng mở, nhưng bạn đừng quên ‘mặc y phục lễ cưới’!
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày, tôi tập hy sinh hãm mình và làm một việc bác ái để cảm nếm niềm vui Nước Trời.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chúng con tạ ơn Chúa đã mời gọi chúng con đón nhận Nước Trời như một ân ban nhưng không. Xin giúp chúng con biết miệt mài tìm kiếm và xây dựng Nước Trời, cho dẫu phải chấp nhận nhiều hy sinh, gian khổ.
12/10/2020: THỨ HAI TUẦN 28 TN
Lc 11,29-32
DẤU LẠ ĐÍCH THỰC
“Chúng xin dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giô-na.” (Lc 11,29)
Suy niệm: Thời đại nào cũng có những người thích chuyện dị thường, kinh thiên động địa, những sự kiện giật gân. Thế nhưng có lẽ chưa lạ bằng nghịch lý trong câu chuyện Phúc Âm hôm nay. Chúa Giê-su làm biết bao phép lạ, thế mà người Do Thái còn đòi dấu lạ! Càng nghịch lý hơn, khi Ngài làm cho người mù được thấy, kẻ câm nói được, người chết trỗi dậy mà Ngài không coi đó là “lạ”, lại còn nói không cho họ dấu lạ nào. Đối với Chúa Giê-su, chỉ có “dấu lạ Giô-na” là chính Ngài, Đấng Ki-tô, dấu lạ của tình yêu và lòng thương xót, như “ông Giô-na ở trong bụng kình ngư ba ngày ba đêm thế nào” (Mt 12,40), thì Ngài cũng sẽ phải chịu khổ nạn, chịu chết và ngày thứ ba sẽ sống lại, để ai tin thì sẽ được cứu độ (Mc 16,16).
Mời Bạn: Ngày nay cũng thế, người ta muốn Chúa can thiệp cho những nhu cầu vật chất của mình và có như thế mình mới tin Chúa. Thế nhưng, dấu lạ không tạo nên đức tin. Bạn nhớ rằng chỉ có “dấu lạ Giô-na” là chính Đức Ki-tô chịu chết và phục sinh, và bạn có đặt niềm tin tưởng phó thác nơi Ngài thì mời được cứu độ.
Chia sẻ: Bạn nghĩ gì về câu nói của thánh Augustinô: “Đức tin là tin những gì bạn không thấy; phần thưởng của đức tin là nhìn thấy những gì bạn tin”?
Sống Lời Chúa: Dành ít phút hồi tâm để tạ ơn về những điều kỳ diệu Chúa làm trong cuộc sống của bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con nhận ra tình yêu Chúa, những điều kỳ diệu Người thực hiện trong cuộc sống con, giúp con vững tin nơi Chúa trong khủng hoảng, thử thách và bấp bênh của cuộc sống con. Amen.
13/10/2020: THỨ BA TUẦN 28 TN
Lc 11,37-41
SẠCH TỪ TRONG LÒNG
Chúa Giê-su nói với ông ấy rằng: “Thật, nhóm Pha-ri-sêu các người, bên ngoài chén đĩa, thì các người rửa sạch, nhưng bên trong các người thì đầy những chuyện cướp bóc, gian tà.” (Lc 11,39)
Suy niệm: Cha ông chúng ta có nói: “Đói cho sạch, rách cho thơm”; thế nhưng “hương đồng gió nội” ấy, ngày hôm nay đã “bay đi ít nhiều” (thơ Nguyễn Bính). Thời nay, người ta dễ dàng nhận ra những người có khi là quyền cao chức trọng, ăn mặc sạch sẽ bảnh bao, đi xe sang, dùng hàng hiệu, thế rồi một ngày bỗng dưng phải đứng trước vành móng ngựa nhận những bản án không hề nhẹ vì tội “ăn bẩn”, lạm dụng chức quyền, thâm lạm của công. Chúa Giê-su đặc biệt ghét lối sống chăm lo sạch đẹp bên ngoài nhưng trong lòng thì độc ác gian tà, điển hình nơi những người Pha-ri-sêu và các nhà thông luật; lối sống đó Ngài gọi tên là giả hình, đạo đức giả. Chúa dạy phải sạch từ bên trong trước, nghĩa là phải sống “công bằng và yêu mến Thiên Chúa” (x. Lc 11,42) thì lúc đó mọi sự mới trở nên trong sạch đích thực và hoàn hảo.
Mời Bạn: Để trở nên thanh sạch trước mặt Chúa, cái ngưỡng đầu tiên là thực thi công bằng với tha nhân. Chỉ khi đạt được hạn mức tối thiểu đó thì mới có thể vươn lên tới vô cùng trong tình yêu đối với Thiên Chúa và với tha nhân. Có khi nào bạn nghĩ rằng trong việc làm ăn không thể không gian dối, và để bù lại, thỉnh thoảng ta làm những việc bố thí, từ thiện, công quả là đủ hay không?
Sống Lời Chúa: Trước khi làm việc gì bạn dành một phút xin Chúa giúp bạn làm việc với lòng yêu mến.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con luôn làm việc với đầy lòng yêu mến, vì nếu không, mọi công việc con làm chỉ là tiếng phèng la inh ỏi mà thôi.
14/10/2020: THỨ TƯ TUẦN 28 TN
Thánh Ca-lít-tô I, giáo hoàng, tử đạo
Lc 11,42-46
CHÂN THÀNH VỚI CẢ TẤM LÒNG
“Khốn cho các người, hỡi các người Pha-ri-sêu! Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, vân hương, và đủ thứ rau cỏ, mà xao lãng lẽ công bằng và lòng yêu mến Thiên Chúa.” (Lc 11,42)
Suy niệm: Chúa Giê-su quở trách những người Pha-ri-sêu và các thầy thông luật bằng những lời lẽ thật nặng nề vì lối sống giả hình của họ. Quả thật, họ giả hình vì lối sống chỉ có “vỏ” bề ngoài để che đậy cái “ruột” bên trong trống rỗng và xấu xí: họ thực hành luật lệ một cách thật chi li, tỉ mỉ theo hình thức nhưng “điều quan trọng nhất trong lề luật”, điều làm cho việc thực hành lề luật có giá trị, đó là “lẽ công bằng và lòng yêu mến” thì họ lại không có. Thế nên việc họ để cho lòng ham chuộng hư danh chế ngự, chạy theo địa vị chức quyền và lời khen tặng chính là hệ quả của sự trống rỗng nội tâm.
Mời Bạn: Quá rõ Chúa Giê-su ghét thậm tệ thói giả hình khi Ngài quở trách các thầy thông luật và người Pha-ri-sêu như vậy. Điều quan trọng không phải hình thức đẹp mã bên ngoài, cũng không phải số lượng những việc mà bạn gọi là làm cho Chúa. Thiên Chúa cần lòng nhân chứ đâu cần lễ tế (x. Hs 6,6): Chúa mong đợi chúng ta thực thi giới răn của Ngài với cả tấm lòng, tấm lòng một người tôi trung, một người con thảo noi gương Người Tôi Trung và Con Yêu Dấu của Ngài là Đức Giê-su Ki-tô.
Sống Lời Chúa: Ngày hôm nay, tôi chu toàn bổn phận của mình với tất cả lòng mến Chúa và yêu thương tha nhân.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con biết bỏ đi thói đạo đức giả mà sống thật với Chúa trong mọi việc mình làm. Hầu nhờ đó, mỗi ngày chúng con có thể trở nên hoàn thiện hơn, để xứng đáng là những người con hiếu thảo của Chúa và lợi ích cho anh chị em mình.
15/10/2020: THỨ NĂM TUẦN 28 TN
Thánh Tê-rê-sa Giê-su, trinh nữ, TSHT
Lc 11,47-54
CHÌA KHOÁ CỦA ĐỨC TIN
“Các người đã cất giấu chìa khoá của sự hiểu biết.” (Lc 11,52)
Suy niệm: Khi khiển trách những người Pha-ri-sêu giả hình, Chúa Giê-su cũng bao gồm những thầy thông luật trong đó. Họ là những người hiểu biết Lề Luật Mô-sê; thế nhưng, họ đặt ra những qui định nặng nề mà chính họ cũng không thi hành được, họ chú trọng hình thức bên ngoài mà bỏ qua chính tinh thần của Lề Luật, coi những điều phụ tuỳ quan trọng hơn những điều chính yếu (x. Lc 11,37-42). Chúa đúc kết “bản cáo trạng” dành cho những người Pha-ri-sêu và các nhà thông luật bằng một câu: “Họ cất giấu chìa khoá của sự hiểu biết”; đó chính là điều khiến cho sự giả hình của họ không có thuốc chữa.
Mời Bạn: Sách Châm ngôn viết: “Kính sợ Chúa là bước đầu của sự hiểu biết” (Cn 1,7). Thế nhưng khi “chìa khoá của sự hiểu biết” bị cất giấu đi thì chính sự hiểu biết đó trở thành rào cản không cho người ta đến với Chúa. Vì thế, đức tin chỉ dừng lại ở tri thức mà không dẫn đến cuộc gặp gỡ cá vị và mật thiết với Chúa Ki-tô, thì đức tin ấy thực chất chỉ là giả hình. Đức Bê-nê-đic-tô XVI nói: “Đức tin Ki-tô giáo không phải là một ý tưởng, mà là một sự sống”. Nếu đức tin không được nuôi dưỡng bằng việc cầu nguyện, tương quan giữa người Ki-tô hữu với Đức Ki-tô cũng bị cắt đứt và có thể nói họ đã đánh mất “chìa khóa của sự hiểu biết” dẫn họ vào đức tin chân thực.
Sống Lời Chúa: Cầu nguyện với Chúa bất cứ lúc nào bằng cách thường xuyên dâng lên Chúa những lời nguyện tắt.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, đức tin của chúng con nếu chỉ là kiến thức mà không được nuôi dưỡng bằng đời sống cầu nguyện thì rất mong manh. Xin cho chúng con luôn kết hiệp với Chúa bằng việc cầu nguyện liên lỉ trong mọi khoảnh khắc của cuộc đời.
16/10/2020: THỨ SÁU TUẦN 28 TN
Thánh Ma-ga-ri-ta A-la-cốc, trinh nữ
Lc 12,1-7
BIẾT SỢ ĐIỀU ĐÁNG SỢ
“Hãy sợ Đấng, sau khi đã giết chết, còn có quyền ném vào địa ngục. Phải, Thầy bảo các con hãy sợ Đấng ấy.” (Lc 12,5)
Suy niệm: Sợ hãi là cảm xúc thường tình của con người: sợ ma, sợ quỷ, sợ đau, sợ chết, sợ một lực lượng vô hình, sợ thế lực mạnh hơn,… Marcus Aurelius, một hoàng đế Rô-ma và là một triết gia trường phái khắc kỷ, viết: “Người ta không nên sợ chết, nhưng nên sợ mình chưa bao giờ sống.” Tư tưởng đó thật gần với điều Chúa Giê-su dạy, đó là phải biết sợ điều đáng sợ: “Hãy sợ Đấng, sau khi đã giết chết, còn có quyền ném vào địa ngục.” Thật vậy, cái chết thể lý chỉ là bước qua ngưỡng cửa đời tạm này để bước vào cõi sống vĩnh hằng; bởi thế điều đáng sợ nhất là khi chúng ta bước qua cánh cửa sự chết đời này, chúng ta không đến được cuộc sống hạnh phúc vĩnh cửu mà lại bị ném vào địa ngục, nơi phải trầm luân mãi mãi.
Mời Bạn: Trong bảy ơn Chúa Thánh Thần, ơn kính sợ đứng hàng thứ bảy, cuối cùng nhưng không phải là kém cỏi nhất, bởi vì nhờ ơn này mà chúng ta biết phân định “điều đáng sợ nhất” là phải xa lìa Thiên Chúa mãi mãi và nhờ đó biết “kính sợ” Thiên Chúa, là “Đấng có quyền ném vào địa ngục” đồng thời cũng là Đấng yêu thương chúng ta rất mực, đã ban cho chúng ta chính Con Một Ngài để cứu chúng ta khỏi cái chết đáng sợ ấy. Chúng ta hãy kính sợ Ngài.
Sống Lời Chúa: Trước khi hành động, dừng lại giây lát xin Chúa Thánh Thần soi sáng để biết việc phải làm và ban sức mạnh để làm điều đẹp lòng Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin chúng con biết sợ Thiên Chúa giống như sợ Đấng có thể giết chết và ném chúng con vào hỏa ngục bất cứ lúc nào vì tội lỗi của chúng con; ngõ hầu chúng con luôn sống tỉnh thức trong sự Thiện. Amen.
17/10/2020: THỨ BẢY TUẦN 28 TN
Thánh I-nha-xi-ô An-ti-ô-ki-a, giám mục, tử đạo
Lc 12,8-12
THẦN CHÂN LÝ
“Ngay trong giờ đó, Thánh Thần sẽ dạy cho anh em biết những điều phải nói.” (Lc 12,12)
Suy niệm: Khi được chọn làm ngôn sứ, Giê-rê-mi-a đã thốt lên rằng: “Ôi, Lạy Đức Chúa là Chúa Thượng, con đây còn quá trẻ, con không biết ăn nói” (Gr 1,6). Nhưng Thiên Chúa bảo ông đừng sợ vì Ngài hứa sẽ luôn ở cùng ông và cho ông biết phải nói gì. Phần chúng ta là những ki-tô hữu, chúng ta được kêu gọi làm ngôn sứ của Thiên Chúa. Sứ mạng ngôn sứ ấy cũng đòi chúng ta phải nói Lời của Thiên Chúa dù có gặp khó khăn chống đối, bách hại. Khi dặn dò chúng ta thi hành sứ mạng, Chúa Giê-su cũng dạy đừng lo lắng vì Thánh Thần sẽ dạy chúng ta phải nói gì, làm gì. Tuy nhiên, một điều chắc chắn là chúng ta phải vâng nghe theo lời Ngài hướng dẫn thì Ngài mới nói thay cho chúng ta được.
Mời Bạn: Đừng lo lắng sợ hãi vì nghĩ rằng mình không biết phải nói gì và không biết phải làm gì. Nhưng không phải cứ khoanh tay “ôm cây đợi thỏ” là Chúa Thánh Thần sẽ làm phép lạ đâu nhé! Có chuyên cần cầu nguyện, học hỏi và suy niệm Lời Chúa thì Thánh Thần mới thấm nhập vào máu thịt chúng ta và lúc đó không phải chúng ta nói nữa mà là Chúa nói trong chúng ta vậy. Lịch sử Giáo Hội trong hai ngàn năm qua cho chúng ta thấy rất rõ điều đó.
Chia sẻ một tình huống bạn gặp khó khăn khi làm chứng cho Chúa. Bạn đã giải quyết thế nào?
Sống Lời Chúa: Thường xuyên lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần bằng việc chuyên cần cầu nguyện và suy niệm Lời Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con cam đảm làm chứng cho Chúa mà không sợ hãi vì luôn xác tín rằng chính Chúa Thánh Thần sẽ hướng dẫn con.
18/10/2020: CHÚA NHẬT TUẦN 29 TN – A
Khánh nhật Truyền giáo
Mt 22,15-21
THÁNH HIẾN TRẦN THẾ
“Của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa.” (Mt 22,21)
Suy niệm: Chúa Giê-su đã không để mình mắc bẫy lắt léo của những mánh lới chính trị. Nhưng nhân cơ hội đó, Ngài nâng chúng ta lên một bình diện cao hơn bằng cách đưa ra một chân lý thật giản đơn, rõ ràng nhưng cũng thật thâm thuý: “Của Xê-da, trả cho Xê-da”.
Thế gian có những giá trị nội tại (khoa học, kỹ thuật, kinh tế, văn hoá, chính trị…) mà ta phải tôn trọng: “Sự độc lập của những giá trị trần thế, nghĩa là các tạo vật và xã hội đều có những định luật và giá trị riêng là điều không những người đương thời đòi hỏi mà còn phù hợp với ý muốn của Tạo Hoá… Con người phải tôn trọng tất cả những điều ấy… Bởi vậy, việc khảo sát có phương pháp trong mọi ngành, nếu tiến hành một cách khoa học thực sự và đúng theo tiêu chuẩn luân lý sẽ không bao giờ trái nghịch với đức tin…” (Vui Mừng và Hy Vọng, số 36). Đã xác định được những gì là “của Xê-da” để “trả về Xê-da”, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra những gì “của Thiên Chúa” để “trả về Thiên Chúa.”
Mời Bạn: Người Ki-tô hữu được kêu gọi không phải là tiêu diệt các thực tại trần thế mà là thánh hiến chúng theo phương châm: “Thánh hiến trần thế từ trong trần thế và bằng những phương tiện của trần thế.”
Chia sẻ: Cụ thể, phương châm trên có ý muốn nói gì?
Sống Lời Chúa: Làm thật tốt công viêc nghề nghiệp và bổn phận hằng ngày của bạn theo đúng tinh thần Tin Mừng Đức Ki-tô.
Cầu nguyện: Đọc kinh “Cúi xin Chúa sáng soi…” hoặc làm dấu Thánh Giá trước khi làm một việc gì.
19/10/2020: THỨ HAI TUẦN 29 TN
Thánh Gio-an Brê-bớp, linh mục
Lc 12,13-21
LÀM GIÀU
“Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó.” (Lc 12,21)
Suy niệm: Dụ ngôn cho phép ta hiểu có hai loại giàu: giàu trước mặt người đời và giàu trước mặt Thiên Chúa. Vị đại gia làm kinh tế giỏi nhưng bị chê là ‘đồ ngốc’ bởi vì ông ngộ nhận về ý nghĩa của đời sống và của cải. Ông coi việc làm ra và tận hưởng của cải vật chất như là cứu cánh đời sống mình trong khi những thứ đó ‘nay còn mai mất’, chỉ có giá trị tạm bợ, không thể bảo đảm hạnh phúc lâu bền cho cuộc sống. Khi tích trữ thóc lúa vào kho lẫm, đồng thời ông đã nhốt chính mình trong kho ích kỷ hưởng thụ vật chất đời này để rồi khi phải trước mặt Thiên Chúa, ông trở thành người ‘trắng tay’. Trong khi đó, có những người như bà góa nghèo trong Phúc Âm, ít tiền ít của, nhưng biết chia sẻ, yêu thương. Họ là những người giàu trước mặt Thiên Chúa.
Mời Bạn: Ki-tô hữu nhận định rằng: “giá trị con người hệ tại ở ‘cái mình là’ hơn ở ‘cái mình có’” (ĐGH Phao-lô VI), do đó, họ biết định vị chính xác giá trị của tiền bạc của cải. Họ làm việc để mưu sinh cho mình và cho gia đình, đồng thời cũng biết giúp đỡ người thiếu thốn, kẻ bần cùng chứ không chỉ lo thu tích cho mình. Họ cũng dành thì giờ cho việc tông đồ, việc xã hội, văn hóa. Những hoạt động đó mở rộng tầm nhìn ra thế giới bên ngoài, làm cho đời sống phong phú hơn, ý nghĩa hơn.
Sống Lời Chúa: Để làm giàu trước mặt Thiên Chúa, tôi quan tâm chia sẻ tình yêu thương, niềm vui; tôi khích lệ, an ủi anh em sầu khổ. Tôi quí trọng người nghèo vì sự hy sinh, can đảm của họ.
Cầu nguyện: Đọc kinh “Thương người có mười bốn mối”.
20/10/2020: THỨ BA TUẦN 29 TN
Lc 12,35-38
PHÚC CHO NHỮNG ĐẦY TỚ ẤY!
“Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức thì thật là phúc cho họ.” (Lc 12,37)
Suy niệm: “Thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn,” đó là những nét chấm phá mô tả thái độ sẵn sàng của người tôi tớ trung thành. Chủ đề của dụ ngôn đã quen thuộc: ông chủ và người đầy tớ. Nhưng sứ điệp thì lại mới: người đầy tớ phải sẵn sàng đợi chờ chủ về cách bất ngờ. Phần thưởng cho sự tỉnh thức đó không phải là tăng lương, không phải là một ngày nghỉ bù. Không, không phải là bất cứ thứ gì người đầy tớ có thể tưởng tượng ra: chính người chủ lại đảo ngược vị thế để trở thành tôi tớ phục vụ người đầy tớ của mình: “Chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn và đến bên từng người mà phục vụ.”
Mời Bạn: Phần bạn, bạn có bao giờ tưởng tượng ra có một người chủ nào như thế không? Thế mà có đấy, chính Thiên Chúa, Đấng tạo dựng nên bạn, nay lại trở thành tôi tớ phục vụ bạn là con người. Bạn còn nhớ Chúa Giê-su đã quì xuống rửa chân cho các tông đồ chứ? Nhưng đó mới chỉ là hình ảnh của việc Ngài chịu đóng đinh vào thập giá như một tên tội đồ để đền tội thay cho bạn, thay cho tôi, thay cho chúng ta. Bạn có muốn phục vụ một ông chủ như thế không? Có bao giờ bạn bắt chước Ngài, phục vụ những người có địa vị xã hội thấp kém hơn bạn không? Đặc biệt, bạn hãy xét xem mình phục vụ những người thân trong gia đình mình như thế nào?
Sống Lời Chúa: Làm một việc phục vụ một người trong gia đình bạn hoặc nơi bạn làm việc, với ý thức rằng bạn đang phục vụ Đức Ki-tô đang hiện diện nơi người ấy.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con biết sống khiêm tốn, để con phục vụ anh em con như phục vụ chính Chúa.
21/10/2020: THỨ TƯ TUẦN 29 TN
Lc 12,39-48
NGƯỜI QUẢN GIA TRUNG TÍN VÀ KHÔN NGOAN
“Vậy thì ai là người quản gia trung tín, khôn ngoan mà ông chủ sẽ đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở?” (Lc 12,42)
Suy niệm: Lo cho cuộc sống được an toàn không chỉ là biết làm cho của cải ngày càng dồi dào trong kho lẫm, nhưng còn phải trông chừng để không bị hư hao hay thất thoát. Điều này đòi hỏi bất cứ người quản lý tốt nào cũng phải khôn ngoan và trung tín với chủ. Khôn ngoan để sinh lợi và trung tín để bảo tồn. Khôn ngoan là biết nhạy bén, nhanh nhẹn với phương cách làm tăng thêm hoa trái; trung tín là tỉnh thức, không chè chén say sưa hoang phí của cải. Sự khôn ngoan và trung tín ấy được nuôi dưỡng bởi một đức tin son sắt vào Thiên Chúa quyền năng, niềm hy vọng vào Thiên Chúa quan phòng, cũng như một lòng mến vào Thiên Chúa nhân hậu. Chính niềm tin yêu và hy vọng vào Thiên Chúa ấy giúp nâng đỡ tâm trí, lời nói, hành động của người quản gia trong mọi hoàn cảnh, dù thuận hay nghịch, chứ không theo gió đổi chiều.
Mời Bạn: Vững tâm, chắc tay chèo trong mọi hoàn cảnh được Tin Mừng gọi là “chuẩn bị sẵn sàng” cho ngày giờ Chúa đến. Biết là như thế, song lắm khi chúng ta vẫn cứ như người mơ ngủ, lẩm bẩm nơi miệng “còn lâu chủ ta mới về.” Để rồi có lúc ta phải hối tiếc!
Sống Lời Chúa: Người khôn ngoan như Tin Mừng dạy lại bị coi là dại khờ dưới con mắt của người thế gian. Vì thế, ta cần sự kiên định khi theo Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã tin tưởng giao cho con làm quản gia những gì Chúa ban tặng cho đời con. Xin cho con sử dụng cách khôn ngoan và trung tín theo ý Chúa muốn, kiên vững nơi sự quan phòng của Chúa “như kiềng ba chân.” Amen.
22/10/2020: THỨ NĂM TUẦN 29 TN
Thánh Gio-an Phao-lô II, giáo hoàng
Lc 12,49-53
THẦY ĐẾN ĐỂ GÂY CHIA RẼ?
“Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hòa bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ.” (Lc 12,51)
Suy niệm: Sống trên đời, ai cũng mong muốn hòa bình, bình an, hạnh phúc. Thế mà khi đến trần gian, Thầy Giê-su lại nói Ngài đến đem sự chia rẽ. Thầy định gây sốc hay muốn bị “ném đá” hay sao? Thật ra, đôi khi chúng ta sai lầm khi nghĩ rằng hòa bình có nghĩa là không có biến động nào xảy ra. Ta vẫn hay nói “bình an vô sự” đó sao! Đâu phải thế! Hòa bình, nói theo kiểu của nhà văn Vegetius: Nếu muốn hòa bình, hãy chuẩn bị cho chiến tranh. Như thế, hòa bình là một tiến trình rèn luyện, đấu tranh. Hòa bình Chúa Giê-su mang đến là ánh sáng, tự bản chất, nó phân rẽ với bóng tối; hòa bình ấy đòi hỏi người tin theo Ngài phải nỗ lực chiến đấu chống lại với khuynh hướng xác thịt nơi bản thân, ảnh hưởng xấu của môi trường xã hội, và lực cản sống theo Tin Mừng ngay chính nơi người thân của gia đình mình.
Mời Bạn: “Vì từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau.” Lời Chúa Giê-su nói nghe sao chướng tai quá! Nhưng thật ra, khi bạn đón nhận Ánh sáng Chân lý Giê-su thì, ngay chính trong bản thân bạn cũng đã chia rẽ: giữa lựa chọn thiện và ác, theo Chúa hay theo Danh-lợi-thú. Chia rẽ mà Chúa Giêsu mang đến là vậy đó!
Sống Lời Chúa: Đọc Lời Chúa mỗi ngày, để Ánh sáng Lời Chúa phân rẽ những bóng tối trong tâm hồn ta.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa là Hoàng tử Bình an của nhân loại. Xin ban hòa bình cho thế giới, an bình cho tâm hồn, cộng đoàn con. Xin thêm sức mạnh để con cố gắng xây dựng hòa bình theo cung cách Chúa dạy. Amen.
23/10/2020: THỨ SÁU TUẦN 29 TN
Thánh Gio-an Ca-pet-tra-nô, linh mục
Lc 12,54-59
DẤU CHỈ CỦA THỜI ĐẠI
“Còn thời đại này, sao các người lại không biết nhận xét?” (Lc 12,56)
Suy niệm: Khi thấy mây tụ ở phía tây – phía Địa Trung Hải – người Do Thái biết rằng trời sắp mưa. Cũng vậy, thấy gió phía nam – phía sa mạc – thổi, họ biết rằng trời sẽ oi bức. Kinh nghiệm bao đời do quan sát thời tiết giúp người Do Thái có được đúc kết như vậy. Cũng vậy, bằng kinh nghiệm quan sát thực tại, khoa học ngày nay tiến bộ rất xa: từ những nghiên cứu vi mô như nguyên tử, phân tử, cho đến những nghiên cứu vĩ mô như các ngân hà, thiên hà. Khoa học đi một bước dài đến độ những kiến thức bình thường hôm nay nhưng lại xa lạ với các đầu óc thông thái ngày xưa như Socrates, Khổng Tử. Chẳng hạn: trái đất xoay quanh mặt trời; vận tốc ánh sáng nhanh hơn vận tốc âm thanh. “Cái biết” của con người đã đạt được đến thế, nhưng đôi khi con người lại vô tình, hoặc cố ý thản nhiên bỏ qua vấn đề tìm hiểu những điều sinh tử đụng chạm đến thân phận con người: Chết rồi con người đi về đâu? Cuộc sống này vô nghĩa hay ý nghĩa? Chúa Giê-su nói rằng: “Còn thời đại này, sao các ngươi lại không biết nhận xét?”
Mời Bạn: Tháng 10 Giáo hội nhắc nhớ người Ki-tô hữu bổn phận truyền giáo bằng việc cử hành Thánh lễ Khánh nhật Truyền giáo. Theo bài Tin Mừng hôm nay, bạn loan báo Tin Mừng bằng việc xác tín, làm chứng rằng Chúa Giê-su là dấu chỉ của thời đại: ơn cứu độ đã khai mở cho nhân loại rồi!
Sống Lời Chúa: Tôi nỗ lực trở nên dấu chỉ về sự hiện diện của Chúa Giê-su.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con nhạy bén nhận ra dấu chỉ sự hiện diện của Chúa trong thế giới này. Xin giúp con can đảm làm chứng cho sự hiện diện của Chúa. Amen.
24/10/2020: THỨ BẢY TUẦN 29 TN
Thánh An-tôn Ma-ri-a Cla-ret
Lc 13,1-9
CẬY VÌ DANH CHÚA NHÂN TỪ
“Các ông tưởng mấy người Ga-li-lê này … tội lỗi hơn mọi người Ga-li-lê khác sao?… Không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy.” (Lc 13,2-3)
Suy niệm: Một thực tế rõ ràng là nếu được hỏi bạn có phải là người tội lỗi không, chắc chắn ta sẽ đáp ‘có.’ Nhưng khoảng cách từ lời thú nhận đến hành vi sám hối thì thật là xa. Câu chuyện người phụ nữ bị bắt quả tang ngoại tình cho chúng ta thấy điều đó. Nghe Chúa nói: “Ai không có tội thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”, những người vừa hung hăng đòi ném đá, lần lượt kẻ trước người sau bỏ đi (x. Ga 8,1-11). Nhưng liệu mấy ai trong số đó thực tình sám hối? Kể từ ngày ông bà nguyên tổ phạm tội, các ngôn sứ trong Cựu Ước, rồi Đức Giê-su trong Tân Ước, đã luôn nhắc nhở chúng ta phải nhớ mình là tội nhân, đồng thời kêu gọi sám hối để nhận được ơn tha thứ. Thiên Chúa luôn khoan dung, vì “nếu Chúa chấp tội nào ai rỗi được’’ (Tv 130,3). Nhờ lòng nhân từ của Chúa chúng ta khỏi phải chết đời đời. Nhưng lòng nhân từ ấy đòi chúng ta cộng tác bằng hành vi sám hối, đổi đời.
Mời Bạn: Thần Chết sẽ viếng thăm hết mọi người, không trừ một ai và không biết giờ nào. Bạn và tôi được mời gọi luôn sẵn sàng đón nhận với thái độ sám hối, trông cậy vào lòng từ bi của Chúa. Có gì phải sợ lắm đâu, bạn nhỉ!
Chia sẻ: “Chúng con cậy vì danh Chúa nhân từ.’’ Làm sao nhận được lòng nhân từ của Chúa, nếu bạn không nhân từ với tha nhân, nhất là người tội lỗi?
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa biết chúng con vốn mỏng dòn, yếu đuối, nhưng lại hay kiêu căng, tự phụ. Xin thêm lòng yêu mến và cậy trông, để chúng con cũng biết sống nhân từ với tha nhân như Chúa vậy. Amen.
25/10/2020: CHÚA NHẬT TUẦN 30 TN – A
Mt 22,34-40
VÌ MẾN CHÚA NÊN YÊU NGƯỜI
“Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, và hết trí khôn ngươi… Ngươi phải yêu mến người thân cận như chính mình.” (Mt 22,37.39)
Suy niệm: Bất cứ người Do Thái nào cũng thuộc nằm lòng hai điều răn quan trọng nhất là mến Chúa yêu người, vì họ vẫn đọc hai điều răn ấy mỗi ngày trong lời kinh Shema. Tuy nhiên, với nhiều người hai điều răn ấy như thể độc lập, tách rời nhau. Chính vì thế, điều răn nào trọng nhất vẫn là đề tài tranh biện giữa các nhà thông luật. Đức Giê-su đã đưa ra một sự mới mẻ độc đáo khi nối kết hai điều răn mến Chúa và yêu người trở thành một điều răn độc nhất, diễn tả trọn vẹn ý muốn của Thiên Chúa. Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết sức lực và hết trí khôn, trên hết mọi sự thì phải yêu mến người anh em như chính mình. Hay nói cách khác, tình yêu Thiên Chúa thúc bách ta phải yêu thương người anh em mình.
Mời Bạn: Mến Chúa, yêu người là điều răn mỗi Ki-tô hữu chúng ta ai cũng thuộc nằm lòng. Thế nhưng, trong thực tế, nhiều người có xu hướng tách rời hai điều răn ấy. Họ vẫn đọc kinh, dâng lễ mỗi ngày nhưng lại thiếu bác ái trong lời nói, trong việc làm, với người khác, hoặc họ sống theo kiểu đạo tại tâm, chỉ cần sống tốt, cư xử tử tế với mọi người là đủ, chứ không cần phải đến nhà thờ để phụng sự Chúa. Còn bạn thì sao?
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày bạn quyết tâm làm ít nhất một điều tốt cho người khác vì lòng yêu mến Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con cảm nghiệm sâu hơn tình yêu, lòng nhân hậu Chúa dành cho con. Xin cho con nhận ra sự hiện diện của Chúa nơi người anh em, để con sống bác ái và cư xử tử tế với mọi người. Amen.
26/10/2020: THỨ HAI TUẦN 30 TN
Lc 13,10-17
TÌNH YÊU LÀ TRÊN HẾT
“Chẳng lẽ lại không được cởi xiềng xích đó trong ngày sa-bát sao?” (Lc 13,16)
Suy niệm: Trong cuộc đời rao giảng công khai, Chúa Giê-su nhiều lần đụng chạm nảy lửa với những người Pha-ri-sêu và luật sĩ nhất là khi liên quan đến việc tuân giữ Lề Luật, như ăn chay, rửa tay, chữa bệnh trong ngày Sa-bát… Những người Pha-ri-sêu và luật sĩ giữ luật đến cứng nhắc, chi li từng câu chữ đến mức trở thành gánh nặng cho con người, còn Ngài thì gọi đó là “đạo đức giả”. Hôm nay, lại xảy ra cũng một xung đột đó: Chúa chữa lành cho bà còng lưng trong ngày Sa-bát. Chúa không chỉ nhắc lại mục đích của Lề Luật: “Ngày Sa-bát được lập ra vì con người” (Mc 2,27), Ngài còn nhấn mạnh việc giải thoát con người khỏi xiềng xích của Sa-tan là việc ưu tiên hơn cả ngày Sa-bát. Người đã mang đến tinh thần mới cho lề luật và việc giữ luật, đó chính là Tình Yêu. Lề luật chính là để nâng đỡ và làm cho con người được tự do và yêu thương nhiều hơn bởi vì: “Yêu thương là chu toàn lề luật” (Rm 13,10).
Mời Bạn: Đây chính là lời chất vấn của Đức Giê-su dành cho bạn và mỗi chúng ta. Tôi đã giữ luật vì sợ tội, sợ hỏa ngục, vì thể diện hay vì lòng yêu mến? Tôi được mời gọi sống tin tưởng và phó thác để Ơn Chúa thực sự biến đổi tôi. Để lề luật không còn là ràng buộc nhưng được tự do; để yêu thương mọi người nhiều hơn như Chúa mong muốn.
Chia sẻ: Bạn đã tìm thấy niềm vui nào khi tuân giữ luật Chúa, luật Giáo hội?
Sống Lời Chúa: Dành ít phút để suy ngẫm câu này: “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế” (Mt 12,7).
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con biết học nơi Chúa lòng yêu mến tha nhân và dám quảng đại dấn thân cho tình yêu ấy. Amen.
27/10/2020: THỨ BA TUẦN 30 TN
Lc 13,18-21
HẠT CẢI VÀ NẮM MEN
“Nước Trời giống như chuyện hạt cải… và chuyện nắm men” (Lc 13,19.21)
Suy niệm: Hạt cải liên hệ đến đàn ông (gieo trồng, chăm sóc…) và nắm men liên hệ đến việc làm bánh của đàn bà (theo S. Abogunrin). Dù là nam hay nữ, thành quả họ có được trong đời sống, trong cách đạt tới Nước Trời, đều bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt nhất. Ở đây không có chuyện “nước lã mà vã nên hồ,” nhưng mọi sự đều có khởi đầu, nguyên nhân, rồi mới có kết thúc và kết quả. Cái khởi đầu Chúa ban cho ta là hạt cải, nắm men; cái kết thúc là cây cao bóng cả cho chim trời, là lá cải, hạt cải gia vị trong bữa ăn, là bánh mì, các loại bánh trên bàn tiệc. Cũng vậy, ta đạt tới Nước Trời từ khả năng bé nhỏ Chúa ban, khả năng ấy ở trong tầm tay mỗi người, chỉ cần ta quan tâm, phát triển, sử dụng theo ý Chúa.
Mời Bạn: Đời người có thể ví như một tấm thảm, được đan dệt bằng cả ngàn vạn sợi chỉ màu. Mỗi sợi chỉ giống như hạt cải, nắm men của đời thường, được sử dụng với ý hướng phụng sự Chúa, phục vụ đồng loại. Tấm thảm màu cuộc đời ấy sẽ được trình diện Chúa trong ngày cuối cùng của đời bạn. Hãy biết chắt chiu từng sợi chỉ, đừng coi thường, cẩu thả, kẻo làm cho tấm thảm mất vẻ đẹp đáng có của nó.
Sống Lời Chúa: Hãy biến giây phút hiện tại như là cơ hội cuối cùng của cuộc đời trước khi bạn đến trình diện với Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, hạt cải để lâu ngày không gieo sẽ vô hiệu; nắm men không được vùi vào bột đúng giờ đúng lúc sẽ làm hư bột. Con cầu xin Chúa giúp con biết tận dụng khả năng, cơ hội Chúa ban, không chần chừ hay phung phí nén bạc Chúa gửi đến cho mình. Amen.
28/10/2020: THỨ TƯ TUẦN 30 TN
Thánh Si-mon và Giu-đa, tông đồ
Lc 6,12-19
TÌNH BẠN VỚI CHÚA GIÊ-SU
Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông đồ. (Lc 6,13)
Suy niệm: Có nhiều người đi theo Thầy Giê-su, được gọi chung là môn đệ. Nhưng Thầy muốn thiết lập tình bạn thân thiết hơn với một nhóm nhỏ. Nhóm nhỏ ấy sẽ ở lại, chia sẻ cuộc sống và sau nay tiếp nối sứ mạng của Thầy, được gọi là Tông đồ. Việc chọn lựa này rất hệ trọng nên Thầy phải “thức suốt đêm để cầu nguyện cùng Thiên Chúa.” Sáng hôm ấy đã có nhiều kinh ngạc nơi người được gọi tên, cũng như các cảm xúc nơi kẻ được chọn. Không ai biết được tương lai mình thế nào, nhưng chắc chắn họ ý thức được mời gọi đi vào mối tương quan thân thiết hơn với Thầy. Các ông chỉ ở với Thầy trong vài ba năm, nhưng lại dành trọn cuộc đời còn lại của mình để làm chứng về Thầy cho đến “tận cùng thế giới.” Các ông được chọn gọi, được giao sứ vụ chăm sóc Hội Thánh của Thầy. Tiếng gọi nối tiếp tiếng gọi; hành trình tiếp nối hành trình.
Mời Bạn: Được đi vào trong tương quan với Chúa Giê-su là ơn ban, nhưng cũng là đòi hỏi. Khi Chúa kêu gọi ai, Ngài có kế hoạch cho người ấy. Kế hoạch ấy có thành tựu hay không lại tùy thuộc nơi sự dấn thấn của kẻ được chọn, để ơn ban ấy có thể lớn lên, tăng trưởng và sinh ích cho người khác. Cũng như các Tông đồ khác, các thánh Si-mon và Giu-đa đáp lại ân ban đó, cũng như hoàn thành sứ mạng loan báo, làm chứng cho Thầy Giê-su tại Ba Tư, nước Iran ngày nay.
Sống Lời Chúa: Hãy nói với Chúa về ước muốn của bạn, tình bạn mà bạn đang có với Chúa và với người khác.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, cảm tạ Chúa đã chọn gọi con làm tông đồ để làm chứng nhân cho Chúa. Amen.
29/10/2020: THỨ NĂM TUẦN 30 TN
Lc 13,31-35
GIÊ-RU-SA-LEM ! GIÊ-RU-SA-LEM ƠI!
“Giê-ru-sa-lem, Giê-ru-sa-lem,… Đã bao lần ta muốn tập họp ngươi lại, như gà mẹ tập họp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu.” (Lc 13,34)
Suy niệm: Cuộc đời Đức Giê-su bị tiêu hao bởi một sự đam mê, có sức cuốn hút Người luôn hướng về Giê-ru-sa-lem. Chắc hẳn những người Pha-ri-sêu nghĩ rằng, nếu Chúa ở cách xa Thành, có thể sẽ dễ chịu hơn cho họ, nên đã đề nghị rằng: “Xin Ông đi ra khỏi đây vì Hê-rô-đê đang tìm giết Ông.” Nhưng sẽ chẳng nơi đâu khác, ngoài trung tâm Dân Chúa đây mà Người muốn thực hiện sứ mạng cứu thế của Người: Lẽ nào “một ngôn sứ lại chết ngoài thành Giê-ru-sa-lem?” Như gà mẹ ấp ủ gà con. Đức Ki-tô dành cho dân Ngài một trái tim, một tấm lòng người Mẹ…
Bạn có cảm nghiệm được mối tình của Đức Giê-su với Giê-ru-sa-lem không? Mời bạn đọc đi đọc lại nhiều lần: “Giê-ru-sa-lem, Giê-ru-sa-lem,… Đã bao lần ta muốn tập họp ngươi lại, như gà mẹ tập họp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu!” Chắc chắn chẳng phải vì sự nguy nga lộng lẫy của Thành hay của Đền Thờ mà Đức Giê-su say mến đến thế! Nhưng Giê-ru-sa-lem đây là Dân Riêng của Chúa, những người Chúa đã chọn gọi, yêu thương, giáo huấn và Ngài đã Nhập Thể, chịu chết để cứu chuộc họ!
Sống Lời Chúa: Mời bạn cầm lấy một cây Thánh Giá và chiêm ngắm thật kỹ, và xin ơn cảm nghiệm Tình yêu của Chúa Giê-su là như thế nào!
Cầu nguyện: Ôi Giê-su, con hiểu rồi, Giê-ru-sa-lem đây cũng là chính con nữa! Biết bao lần Chúa cũng đã lo lắng ấp ủ con, nhưng con vẫn chai lì lạnh giá. Nhưng như Mẹ hiền không thể quên con mình, Chúa vẫn yêu thương kiên nhẫn với con! Xin cho con hiểu hơn nữa tình Chúa yêu thương con. Amen.
30/10/2020: THỨ SÁU TUẦN 30 TN
Lc 14,1-6
NHANH NHẸN GIÚP ĐỠ
“Ai trong các ông có đứa con trai hay có con bò sa xuống giếng, lại không kéo nó lên ngay, dù là ngày sa-bát.” (Lc 14,5)
Suy niệm: “Khi yêu thương người khác, bạn dành ưu tiên cho họ. Bạn nhận thức được tính khẩn cấp nỗi đau của họ” (C. West). Bệnh phù thũng tuy không phải là căn bệnh nguy hiểm chết người, nhưng gây khó chịu, đau đớn cho bệnh nhân khi tay chân bị phù nề. Chúa Giê-su sánh ví ai đó có đứa con trai rớt xuống giếng, con bò sa xuống hố sâu, phải cứu ngay, vì đó là chuyển khẩn cấp. Cũng với suy nghĩ đó, Đức Giê-su cho biết Ngài không thể để người anh em đang bị đau đớn ấy phải chịu đựng thêm một ngày nữa mới chữa bệnh. Phải chữa lành cho anh ngay lập tức, không trì hoãn một giây phút nào. Ta thử tưởng tượng anh vui mừng hạnh phúc như thế nào khi được Chúa chữa lành.
Mời Bạn: “Khẩn cấp là chú ý đến các tiểu tiết đáng quan tâm, với sự tôn trọng các tiểu tiết đáng được tôn trọng, mà không trì hoãn” (R. Norton). Lòng yêu thương đòi hỏi bạn nhạy bén với từng chi tiết nhỏ nhặt nơi người khác, để nhận ra nhu cầu của họ, và tìm cách đáp ứng. Sống trong gia đình, cộng đoàn, bạn đã nhạy bén trước nhu cầu của người thân yêu, cũng như nhanh nhẹn nâng đỡ họ chưa?
Sống Lời Chúa: Tôi tập nhận ra các đau khổ, ray rứt, buồn phiền của người lân cận, và mau chóng tìm phương cách nâng đỡ, liên đới với họ, như một cách thực hiện đức ái mỗi ngày.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa luôn nhạy bén trước nỗi đau của con người, nhanh nhẹn giúp họ vượt qua nỗi đau. Xin cho con có được trái tim yêu thương như Chúa, nhạy cảm trước đau khổ của người chung quanh con, và giúp đỡ họ sớm hết sức có thể. Amen.
31/10/2020: THỨ BẢY TUẦN 30 TN
Lc 14,7-11
KHIÊM TỐN ĐỂ ĐƯỢC TỰ DO
“Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.” (Lc 14,11)
Suy niệm: “Khiêm tốn không có nghĩa là ít nghĩ về mình hơn nghĩ về người khác, cũng chẳng phải là đáng giá thấp về tài năng của mình. Khiêm tốn là tự do không còn nghĩ gì về mình nữa” (Giám mục W. Temple). Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su không dạy ta bài học xử thế theo kiểu đắc nhân tâm: giả vờ khiêm tốn để được vinh dự mời lên chỗ cao hơn trong bữa tiệc; Ngài dạy ta bài học khiêm tốn chọn chỗ cuối, vị trí thấp nhất trong cuộc đời, để rồi sẽ được chính Thiên Chúa ban thưởng cho ta. Ngài đã thực hiện bài học ấy trước khi dạy ta: chọn sinh ra trong một gia đình lao động; lớn lên sinh sống bằng nghề thợ như bao lao động khác; ba năm đi rao giảng Tin Mừng như một người nghèo; chết cùng cực trên thập giá như một tử tội.
Mời Bạn: “Quên mình là khiêm tốn. Khiêm tốn và tự do luôn đi đôi với nhau. Duy chỉ người khiêm tốn mới có tự do” (J. Wilson). Chỉ khi nào quên mình, ta mới thật sự là người khiêm tốn, có tự do. Tự do thoát khỏi cái tôi phình to, khuynh hướng đề cao bản ngã, thói ích kỷ vun quén cho mình, tật tìm an toàn cho bản thân. Bạn sẽ làm gì để mình thật sự là người khiêm tốn, tự do như Lời Chúa dạy hôm nay?
Sống Lời Chúa: Tôi tập chọn chỗ cuối trong gia đình, hội đoàn, cộng đoàn, chỗ đòi hỏi tôi phải khiêm tốn phục vụ người lân cận để sống Lời Chúa dạy.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã chọn chỗ cuối trong cuộc đời để phục vụ, đem lại sự sống đời đời cho nhân loại. Xin cho con cảm nghiệm mẫu gương của Chúa, để rồi con áp dụng bài học ấy trong đời sống mình. Amen.
Có thể bạn quan tâm
Lời thông báo long trọng về lễ Phục sinh và những ngày lễ..
Th1
Thánh lễ Khai Mạc Tuần Chầu Hồng Phúc Giáo xứ Chày
Th1
Họp Mặt Và Kỷ Niệm 25 Năm Thành Lập Hội Đồng Hương Giáo..
Th1
Ý Cầu Nguyện Của Đức Thánh Cha Tháng 01/2025: Cầu Cho Quyền Được..
Th1
Logo Năm Mục Vụ 2025: “Hội Thánh Việt Nam Cùng Nhau Loan Báo..
Th1
10 Sự Kiện Nổi Bật Tại Giáo Phận Hà Tĩnh Năm 2024
Th1
Suy Niệm Lễ Chúa Hiển Linh: Thiên Chúa Tỏ Mình Qua Chúa Con
Th1
Tại sao Lễ Hiển Linh là lễ của ánh sáng
Th1
Đức Cha Phêrô Lê Tấn Lợi: Giám Mục Chính Tòa Giáo Phận Cần..
Th1
Mừng Lễ Mẹ Thiên Chúa – Quan Thầy Giáo Phận và Truyền Chức..
Th1
Cẩm Nang Học Hỏi Năm Thánh 2025 – Phần Dẫn Nhập
Th1
Gần 900 Bạn Trẻ Tham Dự Ngày Hội Ngộ Giới Trẻ Hạt Ngàn..
Th1
Bài hát cộng đồng Lễ Chúa Hiển Linh
Th12
Phó Chánh Án Tòa Ân Giải Tối Cao: Tòa Giải Tội, Cửa Thánh..
Th12
Lễ Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa
Th12
Thánh lễ và Nghi thức tiếp nhận các tiến chức phó tế vào..
Th12
Mở Cửa Thánh Đền Thờ Latêranô: “Gieo Niềm Hy Vọng Và Xây Dựng..
Th12
Ủy Ban Loan Báo Tin Mừng Gợi Ý Suy Niệm Chầu Thánh Thể..
Th12
Kinh Năm Thánh 2025
Th12
Hướng dẫn thực hành để nhận được Ơn Toàn Xá trong Năm Thánh..
Th12