Sáng thứ Năm, ngày 24/09/2020, Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Giám mục Giáo phận đã chủ sự Thánh lễ tạ ơn mừng thượng thọ 95 tuổi thầy Stêphanô Nguyễn Khắc Dương tại Giáo xứ Chính tòa Văn Hạnh. Đồng tế với ngài có quý cha trong và ngoài Giáo phận, cùng quý ân thân nhân, đông đảo học trò của thầy Stêphanô và cộng đoàn đã đến tham dự Thánh lễ, cầu nguyện và chung chia niềm vui với thầy trong ngày đại hạnh này.
Thầy Stêphanô Nguyễn Khắc Dương sinh ngày 24/09/1925, trong một gia đình thuộc bậc danh gia vọng tộc thuộc dòng họ Nguyễn Khắc ở xã Sơn Hòa (nay là xã An Hòa Thịnh), huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Cha là Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm (1889-1954), một vị quan nổi tiếng thanh liêm trong triều đình nhà Nguyễn, đời vua Thành Thái. Anh trai là bác sĩ, nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Ngoại văn (nay là Nhà xuất bản Thế giới); em là GS Nguyễn Khắc Phi, nguyên Phó giám đốc kiêm Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục và từng là giảng viên, Phó chủ nhiệm Khoa Văn tại các trường: Đại học Vinh, Đại học Sư phạm Hà Nội; nhà văn Nguyễn Khắc Phê, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Sông Hương; dược sĩ Nguyễn Thị Thiếu Anh; kỹ sư Nguyễn Thị Nhuần; bà Nguyễn Thị Phương Thảo, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam các khóa V, VI…
Thầy Stêphanô được thừa hưởng một nền giáo dục gia phong khổng nho nhưng không câu nệ lễ tiết. Mẹ thầy là một người phụ nữ “đoan trang mà cởi mở, nghiêm nghị mà tinh tế, tháo vát mà khoan thai, đĩnh đạc”. Đường đường là phu nhân nhất phẩm triều đình, có thể cùng chồng bàn chuyện văn thơ, đánh tổ tôm, bàn cả việc quan, song mẹ của thầy Stêphanô rất giản dị, chan hòa với mọi người. Cha của thầy là vị quan đại thần trong triều đình nhưng không dùng lý thuyết, không lấy sách Khổng, Mạnh để dạy con mà dùng phương pháp “dĩ thân tác tắc” (tức là lấy thân mình làm gương).
Vốn xuất thân trong một gia đình Nho giáo nên từ nhỏ đã không quan tâm tới Kitô giáo, tôn giáo vốn được truyền bá vào Việt Nam từ phương Tây. Nhưng một biến cố quan trọng xảy ra là năm 1938, cậu Dương thi vào trường Quốc Học Huế bị trượt, nên phải thi vào trường Thiên Hựu, một ngôi trường Công giáo tại Huế. Việc thi rớt để rồi vào học ở trường Thiên Hựu, về sau được thầy nhận định đó là do sự an bài yêu thương của Thiên Chúa, như thầy từng chia sẻ : “Vào học trường Thiên Hựu, tôi được dấn bước vào thế giới Công giáo, dần dần khám phá ra những giá trị của nó. Trước hết là các Linh mục giáo sư. Ðiều làm tôi lưu ý là sự tận tâm chức nghiệp của các vị ấy. Ai đã có học trường tư thục Công giáo chắc đều nhận chân điều đó. Ðiều thứ hai là ‘tình yêu người’ được bộc lộ qua cách đối xử…”.
Thầy Stêphanô Nguyễn Khắc Dương là người thấm nhuần Nho Giáo, bàng bạc Lão Trang, đậm đà Phật Học, cùng với truyền thống văn hóa gia đình, quê hương, dân tộc Á Đông nên những tinh hoa ấy được kể như là lực đẩy để chàng trai Nguyễn Khắc Dương với trái tim nhân ái và khối óc khát khao đi tìm chân lý xuôi dòng đến với Thiên Chúa giáo. Năm 1949, tại nhà thờ Giáo xứ Nghĩa Yên, người tân tòng Nguyễn Khắc Dương đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội, trở thành con cái Chúa với tên thánh Stêphanô. Về sau thầy còn gia nhập dòng Phanxicô, nhưng sau một thời gian khá dài sống đời tu trì, nhận ra Chúa muốn bản thân mình sống giữa đời với tư cách một người làm chứng cho tình yêu và hiến thân trọn vẹn cho Chúa mà không màng danh hiệu nên thầy đã xin ra khỏi dòng, chọn lối sống như một cư sĩ. Thầy Stêphanô Nguyễn Khắc Dương, đã từng là Chủ nhiệm Khoa Văn-Triết học, Trường Đại học Đà Lạt, những năm 1965-1975, được biết đến là người có công lớn trong việc đào tạo nên những nhà trí thức cho Giáo hội và xã hội. Nhiều Tu sĩ, Linh mục và ngay cả Giám mục,… đã là môn sinh của thầy. Tuy nhiên, gia tài mà “ông đồ Nghệ” để lại không chỉ là những kiến thức uyên bác, nhưng là một chứng nhân của Đức Tin, một tình yêu cao cả mà thầy dành cho Chúa và Giáo hội.
Thánh lễ được bắt đầu vào lúc 8 giờ. Mở đầu Thánh lễ, Đức cha Phaolô mời gọi cộng đoàn cùng dâng lời tạ ơn Thiên Chúa vì chính tình yêu của Ngài đã thúc đẩy và biến đổi một người con của Giáo phận trở thành chứng nhân cho Chúa trong công việc của mình. Thật vậy, thầy Stêphanô Nguyễn Khắc Dương sau một thời gian dài rong ruổi giảng dạy nơi những học viện, chủng viện, đại học, … để mang những con chữ đến với môn sinh của mình thì nay thầy trở về quê hương để dâng lời tạ ơn Chúa vì những ân ban mà Ngài đã dành cho thầy.
Giảng trong Thánh lễ, cha Athanasiô Nguyễn Quốc Lâm, Giáo sư Triết học, thuộc Giáo phận Đà Lạt, và cũng là một cựu học sinh của thầy Stêphanô, đã chia sẻ cho cộng đoàn phụng vụ về hành trình của một kiếp người qua ba chiều kích thời gian: Khoảnh khắc, lịch sử và ‘vĩ sử’. Trước hết, khoảnh khắc là khoảng thời gian rất ngắn, duy nhất và vô thường. Con người có thể sở hữu được tất cả nhưng thời gian thì không. Vì thế, trước giá trị ấy, cha Athanasiô nhắn nhủ mỗi người hãy ý thức lại khoảnh khắc của thời gian: đừng phung phí nó; cái gì cần tích trữ thì tích trữ; cái gì cần loại bỏ thì bỏ đi; chọn lựa cho mình những giá trị đáng để sống, để theo chứ đừng lao vào những điều không đáng để chúng ta lưu tâm.
Thứ đến là lịch sử. Lịch sử là những gì đã qua đi và thầy Stêphanô cũng đã đi qua những giai đoạn lịch sử của cuộc đời mình. Cha Athanasiô Nguyễn Quốc Lâm đã mượn câu thơ thứ tư “Nhân sinh thất thập cổ lai hy” trong bài thơ Bến Sông II của nhà thơ Đỗ Phủ và Sách Luận ngữ của Khổng Tử (551-479 TCN), để diễn tả những giai đoạn lớn lên và trưởng thành về cuộc đời của một con người. “Thập hữu ngu nhi chí vu học”, 15 năm đầu đời người ta mới có chí học hành, dồn hết tâm trí vào việc học tập, mài dũa. “Tam thập nhi lập” là độ tuổi tự lập, gầy dựng sự nghiệp cho chính mình để nuôi sống bản thân và xác lập vị trí nhất định của mình trong xã hội. “Tứ Thập nhi bất hoặc”, đây là độ tuổi mà con người ta trở nên kiên định, không còn lung lay bởi những hoài nghi, dị nghị. “Ngũ thập tri thiên mệnh”, ở độ tuổi này, người ta trở nên một con người thông biết đạo lý, hiểu được mệnh trời. “Lục thập nhi nhĩ thuận”, thời điểm mà một người đã thấu hiểu nhân tình thế thái, nên con người ta có cái nhìn dễ cảm thông và có thái độ khoan dung hơn. Cuối cùng là “Thất thập nhi tùng tâm sở dục, bất du củ” là khoảng thời gian con người đạt đến tình trạng hoàn hảo về cách xử thế ở đời, khoảng thời gian an yên với thân phận giới hạn. Trước những giai đoạn về cuộc đời con người như thế, cha Athanasiô liên hệ đến hành trình cuộc đời của thầy Stêphanô và đúc kết: “Nhân sinh thất thập cổ lai hy là tùy thuộc vào cách sống chứ không phải độ dài của cuộc đời”.
Cuối cùng, đó là ‘vĩ sử’. Đây là một hạn từ không có trong từ điển Tiếng Việt. Theo cha Athanasiô, lịch sử sẽ không được nhắc đến nếu nó không được hiểu theo lịch sử của những biến cố, những điều đặc biệt, của những con người vĩ đại. Nhìn vào lịch sử, chúng ta chứng kiến biết bao con người vĩ đại. Về âm nhạc có Mozat, Beethoven; về hội họa có Van Gog, Picasso; …Tất cả những điều ấy tạo nên lịch sử vĩ đại. Và cuộc đời thầy Stêphanô cũng đã để lại cho lịch sử những điều vĩ đại khi là người từ bỏ quan niệm Nho gia để theo đạo Công giáo; trở thành người thầy của biết bao thế hệ Tu sĩ, Linh mục, Giám mục; và hơn hết thầy đã trở nên mẫu gương cho nhiều người về lối sống đơn giản, dung dị, không màng chức tước và hết tình yêu thương tất cả mọi người.
Cuối Thánh lễ, Đức cha Phaolô, cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Tiến Dâng (AA), bề trên Dòng Đức Mẹ Lên Trời và cũng đại diện cho thế hệ học trò của thầy, cùng vị đại diện gia tộc Nguyễn Khắc đã có những lời chúc mừng, những tâm tình tri ân, cám mến đến thầy Stêphanô về những công lao to lớn mà thầy đã dành cả cuộc đời mình cho Chúa và Giáo hội.
Dẫu trải qua bao thăng trầm của cuộc đời, bao biến cố của thời cuộc, thầy Stêphanô Nguyễn Khắc Dương vẫn luôn vững lòng cậy trông, tin tưởng và phó thác vào tình yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa. Hình ảnh thầy Stêphanô như cây đại thụ tỏa bóng nhân đức cho biết bao thế hệ noi theo.
Bước qua tuổi 95, thầy Stêphanô vẫn cứ bước đi, vẫn lom khom chống gậy để đến thăm viếng và truyền thụ kiến thức cho nhiều người khác. Xin tạ ơn Chúa và cám ơn thầy với những gì mà thầy đã dành trọn cho Giáo hội. Xin Chúa ban nhiều ơn lành xuống trên thầy để thầy được sống an vui trong tuổi già.
Francis Cao
Có thể bạn quan tâm
Suy Niệm Chúa Nhật XXXIV Thường Niên B – Chúa Giêsu Kitô, Vua..
Th11
Đức Thánh Cha Thành Lập Ủy Ban Tòa Thánh Về Ngày Thế Giới..
Th11
Ủy Ban Mục Vụ Di Dân Gặp Mặt Tại Hà Nội
Th11
Ngày 22/11: Thánh Cêcilia, trinh nữ tử đạo
Th11
Ngày 21/11: Đức Maria dâng mình trong đền thờ
Th11
Hồng ân đêm Diễn Nguyện kỷ niệm 340 năm Hiện Diện, 100 năm..
Th11
Sứ thần Tòa Thánh tại Ucraina: 1.000 ngày chiến tranh, số người chết..
Th11
Giải Đáp Thắc Mắc Cho Người Trẻ: Bài 147 – Say Nắng Người..
Th11
Sứ Mạng Của Giáo Viên Công Giáo
Th11
Bài Hát Cộng Đồng Lễ Chúa Kitô Vua Năm B – 2024
Th11
Đức Thánh Cha thiết lập ngày lễ các thánh, chân phước, những người..
Th11
Thánh Lễ Thêm Sức Tại Giáo Xứ Đồng Troóc
Th11
Vlog Năm Thánh 1
Th11
Thư Gửi Anh Chị Em Giáo Chức Công Giáo Nhân Ngày Nhà Giáo..
Th11
Bế Mạc Tuần Tĩnh Tâm Năm 2024 Của Linh Mục Đoàn Giáo Phận..
Th11
Tháng 11 – Hiệp Thông Trong Tình Yêu
Th11
Chủ tịch Hội đồng Giám mục Nicaragua bị trục xuất sang Guatemala
Th11
VPTGM-GPHT: Thư Rao Truyền Chức Phó Tế
Th11
Sứ Điệp Ngày Thế Giới Người Nghèo Lần Thứ 8 Năm 2024
Th11
Những ước mơ của ĐTC Phanxicô trong Sắc chỉ công bố Năm Thánh..
Th11